Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
10 Đức Chúa phán thế này:
“Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem,
hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,
hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô !
Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng,
hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô,
11để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,
được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang,
như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.
12Vì Đức Chúa phán như sau:
Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,
và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.
Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,
được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.
13Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy ;
tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.
14cNhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc,
thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh.
Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người
cho các tôi tớ biết.”
Bài đọc 2: Gl 6,14-18
Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
14 Thưa anh em, ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. 15 Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. 16 Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người. 17 Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su. 18 Thưa anh em, nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng. A-men.
Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này !” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” 12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” 18 Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. 19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”
==========
Suy niệm 1: BÌNH AN SẼ Ở LẠI VỚI NGƯỜI ĐÓN NHẬN
(CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN NĂM C)
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 14 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Xin Chúa rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin Chúa cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.
Được hưởng phúc trường sinh, nhờ lòng thương xót vô bờ của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Samuen Quyển II nói về: Vua Đavít sám hối. Nghe dụ ngôn của ngôn sứ Nathan rồi, vua Đavít chưa nhận lỗi ngay đâu, nhưng ông vốn có tâm hồn ngay thẳng, không đóng kín khi gặp ánh sáng. Khi được soi sáng rồi, ông khiêm tốn nhận lỗi, và dẫn đầu những ai thành tâm sám hối trong lịch sử thánh. Tội lỗi con nhiều hơn cát biển, và cứ mãi gia tăng; con không đáng nhìn trời, bởi tội lỗi con nhiều vô số. Con đã chọc giận Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa.
Được hưởng phúc trường sinh, nhờ biết thành tâm sám hối quay về với Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát… Lạy Chúa, tội lỗi con làm con nhức nhối như mũi tên cắm phập vào mình. Con sám hối, xin Chúa chữa lành trước khi địch thù tìm cách hại con. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
Được hưởng phúc trường sinh, nhờ ơn thái bình từ thập giá Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách ngôn sứ Isaia nói: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 65, vịnh gia cho thấy: Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh! Hãy thưa cùng Thiên Chúa: Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài! Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Kitô ban tặng bình an, và ước chi lời Người hằng sinh hoa kết quả dồi dào trong anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy. Lời Chúa phán là lời chúc bình an cho Dân Người. Đức Kitô, Hoàng Tử Bình An đã dùng chính Máu mình đổ ra trên thập giá, để mua lấy sự bình an cho chúng ta, ước chi bình an của Đức Kitô luôn ở lại trong chúng ta, và sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn chúng ta, hầu, chúng ta cũng biết trao tặng bình an đó cho những người xung quanh. Bình an của Đức Kitô chỉ có thể được đón nhận bởi một tâm hồn tan nát giày vò, thành tâm sám hối trước tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Chúa, để, chúng ta sẽ như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối, được an ủi vỗ về, được tươi tốt như cỏ đồng xanh. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm. Chúng ta có thượng tiến lễ toàn thiêu, Người cũng không chấp nhận. Vậy, ta không có tế phẩm sao, ta sẽ không dâng gì ư, không dâng gì mà làm cho Chúa nguôi lòng được sao, Chúa không ưa thích những tế phẩm, nhưng, ta vẫn phải dâng: một tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, để Chúa tạo cho chúng ta một tấm lòng trong trắng, một tâm hồn bình an. Khi đã trót phạm tội, ta hãy đau đớn buồn phiền, vì tội lỗi làm phiền lòng Chúa. Điều gì làm mất lòng Chúa, thì, cũng phải làm đau lòng chúng ta. Như vậy, phần nào đó, chúng ta sẽ một lòng một ý với Chúa, bởi lẽ, điều gì ở nơi chúng ta khiến ta buồn phiền, thì, Đấng tác tạo nên ta cũng gớm ghét điều ấy. Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Chúa đã thương cứu chúng ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, ước gì chúng ta được hưởng phúc trường sinh. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==========
Suy niệm 2: Hãy cầu nguyện và mạnh dạn ra đi
Thiên Chúa là Đấng an ủi và mời gọi chúng sống niềm vui cứu độ và sai chúng ta mang niềm vui ấy cho thế giới đang đói khát sự bình an và hy vọng.
Niềm vui an ủi
Trong bối cảnh lịch sử, dân Israel vừa trở về sau cuộc lưu đày ở Babylon, mang trong mình những vết thương. Thiên Chúa dùng hình ảnh người mẹ để an ủi vỗ về dân Israel: “Hãy vui mừng với Giêrusalem” (Is 66,10), như người mẹ hiền ẵm con vào lòng. “Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con” (Is 66, 13). Qua đó, chúng ta hiểu được tấm lòng của Thiên Chúa đối với nhân loại: Ngài không bao giờ bỏ rơi dân Ngài. Dù có trải qua thử thách, đau khổ, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, an ủi, và ban lại bình an. Đây chính là nền tảng cho sứ mạng truyền giáo.
Thập giá
Thập giá, vốn là biểu tượng của khổ đau và ô nhục, nhưng qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, lại trở thành nguồn ơn cứu độ và là niềm vinh dự của Ki-tô hữu.
Thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng: Người mang danh Ki-tô hữu không được tự hào vì lề luật, thành tích hay công trạng cá nhân, mà vì được liên kết với Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Đây là một cuộc “tái tạo” nhờ thập giá, người môn đệ được biến đổi, trở nên tạo vật mới.
Điều này giúp chúng ta ý thức rằng: Truyền giáo không phải là đi rao giảng một triết lý đạo đức, mà là loan báo Đức Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh.
Nguyện cầu
Thật ý nghĩa, khi lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. ” (Lc 10,2). Thôi thúc chúng ta, những người đã chịu phép rửa tội. Lời thánh ca do Mai Nguyên Vũ sáng tác, chúng ta hát nhiều lần trong đời, hát với vẻ hăng say. Hát đấy, nhưng chúng ta có mường tượng ra rằng, chính chúng ta phải dấn thân không? “Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng, bước hiên ngang trên đường truyền giáo. Kìa đồng lúa chín ngát trời, triệu nhành đong đưa vẫy mời, sóng lúa vàng dạt dào mơ ước“.
Nhìn cánh đồng truyền giáo thật bát ngát bao la, Chúa đang cần thợ gặt, nhưng không dễ để mà có. Vì khó nên Chúa mới nài nỉ chúng ta xin Chúa Cha, tức là cầu nguyện: “Hãy xin Cha sai nhiều Tông Đồ, biết hăng say đi mở nước Chúa.”
Chúng ta đừng quên rằng: Cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên. Các người thợ đã không được chọn qua các chiến dịch quảng cáo hay kêu gọi phục vụ quảng đại, nhưng được Thiên Chúa “chọn” và “sai đi”. Chính Chúa tuyển chọn và sai đi, chính Chúa ban sứ mệnh. Vì thế cầu nguyện thật quan trọng. Ðức cố Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI đã lập lại với chúng ta rằng: “Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta, những người được thánh hiến, chúng ra nghĩ rằng nó là của chúng ta“. Ngài khẳng định như thế với các Hồng Y đoàn khi thoái vị: “Giáo Hội không phải của anh em, mà là của Thiên Chúa; Chúa có cách làm của Chúa.” (Diễn văn cuối cùng với Hồng Y đoàn).
Như thế, sứ mệnh truyền giáo là ơn thánh, nên “việc truyền giáo phải làm trên đầu gối”, tức là quỳ xuống mà cầu nguyện. Nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ sáng tác cũng rất tinh tế về ca từ dựa trên Lời Chúa giúp chúng ta cầu nguyện: Nguyện Chúa ghé mắt đến Giáo Hội dấu ái, nguyện Chúa giáng phúc xuống cho vị Cha chung. Nguyện Chúa thánh hóa các linh mục khắp chốn, dẫn dắt đám chiên lạc muôn phương về một đàn chiên duy nhất.
Thiên Chúa luôn mời gọi con người cộng tác trực tiếp vào sứ mệnh của Người. Sứ điệp sai đi của Chúa Giê-su vẫn còn rất thời sự với chúng ta. Chủ đề cho Ngày Truyền Giáo Thế Giới năm 2025 là: “Mang hy vọng trong một thế giới khủng hoảng“. Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô mời gọi chúng ta: “Tôi khuyến khích tất cả anh chị em, từ trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn cho đến người cao tuổi, tích cực tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng chung, qua chứng tá đời sống, qua lời cầu nguyện, những hy sinh và lòng quảng đại của anh chị em.” (trích Sứ điệp truyền giáo năm 2025).
Trong xã hội ngày nay, “thuộc về Giáo hội không bao giờ là một thực tại đạt được một lần cho mãi mãi“. Vì thế, công cuộc truyền giáo đòi hỏi một sự kết hợp giữa cầu nguyện và hành động. Cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên, và là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Hãy để cho lòng mình bừng cháy lên ngọn lửa hy vọng và nhanh chân tiến bước đi loan báo Tin Mừng. Hãy cộng tác phần mình bằng lời cầu nguyện và hoạt động, bằng vật chất, bằng chứng tá cá nhân của mỗii người.
Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==========
Suy niệm 3: SỨ GIẢ BÌNH AN
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta ý thức hơn về ơn gọi và sứ vụ được mời gọi trở nên chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Trước hết, chúng ta được kêu mời trở nên chứng nhân của sự hân hoan. Qua lời ngôn sứ I-sai-ah, chúng ta biết rõ Thiên Chúa hằng chăm sóc, nâng đỡ dân Is-ra-en, và được thấu hiểu đường lối của Ngài, “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sống, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ…Các ngươi sẽ được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối” (x. Is 66, 12). Vì thế, lí do gì phải than khóc, lí do gì mà sầu buồn một khi được Thiên Chúa hướng dẫn, chở che, an ủi, nâng đỡ như vậy! Ngài hằng vỗ về dân Is-ra-en như người mẹ nâng niu con cái mình. Cảm nhận điều này trong đời sống, chúng ta xác tín hơn bước đường theo Chúa thấm đượm niềm vui, hân hoan. Người Ki-tô hữu hoan hỉ vì luôn nghiệm thấy sự ân cần nâng đỡ của Thiên Chúa trong cuộc sống, trong mọi sinh hoạt. Hơn thế, được làm con cái Ngài là niềm hạnh phúc, trổi vượt hơn cả ước mong, “các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa” (Is 66, 14).
Thứ đến, chứng nhân Thập giá Chúa Giê-su Ki-tô: Đã là con người yếu đuối, mong manh, thấp hèn, thì chẳng ai lại tự hào về thập giá khổ đau bao giờ! Tuy nhiên, với con mắt đức tin, chúng ta tin thờ Thánh giá, nhờ Thánh giá Chúa Giê-su Ki-tô, mà chúng ta được Ngài cứu chuộc, được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi. Vì vậy, noi gương Thánh Tông đồ Phao-lô, chúng ta chẳng giấu niềm tự hào hoặc che lấp Thập giá Chúa Giê-su Ki-tô, “ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về Thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Gl 6, 14). Mỗi lần chúng ta tuyên xưng đức tin qua việc làm dấu Thánh giá trên mình, tuy đơn sơ nhưng mang lại ơn cứu độ; tuy giản đơn, nhưng sinh hoa kết trái dồi dào nơi cuộc sống thường nhật: sống chứng tá, sống tin yêu, sống bênh vực chân lý, sống vị tha, sống bác ái.
Kế đến, chứng nhân/sứ giả của sự bình an Chúa: Khi các cha, sơ, thầy được gửi sang nước ngoài tu học, du học, và hoặc được cho phép đi nghỉ/thăm gia đình, họ hàng bên nước ngoài, hầu hết ai ai cũng háo hức trông chờ ngày lên đường. Tuy nhiên, có một điều nên phân biệt rõ ràng rằng: tất cả các biến cố này đều sẽ diễn ra ở nước ngoài, nhưng đi tu học, đi du học, đi thăm bạn bè, đi mục vụ đều khác biệt với từng mục đích của mỗi phận vụ! Tương tự, khi Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng từng hai người một, Ngài biết rõ sự yếu hèn, chóng quên của họ. Vì thế, Ngài căn dặn kỹ càng trước khi sai họ đi. Trước tiên, Ngài lột tả hiện trạng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (Lc 10, 2), nghĩa là đừng quên cầu nguyện, khẩn khoản nài xin Chủ ruộng, và không bao giờ quên tín thác vào Ngài. Thậm chí phải mang những vật cần thiết khi đi rao giảng chăng nữa, thì cũng không bao giờ bám víu vào chúng, mà quên phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời căn dặn của Chúa Giê-su “…đừng chào hỏi ai dọc đường” (x. Lc 10, 4) thoạt nghe, trông như bất lịch sự! Chào người đi đường thì đâu có mất nhiều thời gian, mà sao lại tiếc lời chào! Chẳng lẽ, Chúa Giê-su là người bất lịch thiệp, bất lịch sự vậy ư! Không, không phải vậy; Ngài chỉ muốn dạy các môn đệ, dạy chúng ta: đừng lo chào hỏi, nói vài lời xã giao, rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng bao giờ ngưng, và quên đi phận vụ của mình là rao truyền Nước Trời, làm chứng cho Tin Mừng. Ngoài ra, Ngài còn dặn dò tỉ mỉ “các con đừng đi nhà này sang nhà nọ” (Lc 10, 7). Quả thật, mục vụ - truyền giáo tại nước ngoài, khác xa với việc đi du lịch ở nước ngoài. Đi thưởng ngoạn, đi xem thắng cảnh này đến thắng cảnh kia, đi thăm quan nơi này đến nơi khác thì chắc chắn khác với việc làm mục vụ và truyền giáo. Sau cùng, các môn đệ và chúng ta được sai đi rao giảng Tin Mừng, trở nên sứ giả bình an của Chúa, như Ngài nói: “vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’” (Lc 10, 5). Quả thật, lắm lúc chúng ta trở nên người gieo rắc sự bất an hơn là chia san sự bình an! Nhiều lần chúng ta thông truyền tin buồn thay cho việc loan báo Tin Mừng! Lắm lúc, chúng ta đưa tin vịt, tin đồn thổi, tin rêu rao, tin thất thiệt hơn là tin thật, tin đúng đắn, tin vui!
Nhìn lại ơn gọi và sứ vụ của mỗi chúng ta dù ở bậc sống nào chăng nữa, chúng ta cũng được Chúa mời gọi dấn thân trong tác vụ của mình, hầu trở nên chứng nhân của niềm hân hoan làm con cái Chúa, trở nên chứng tá của Thập giá cứu đời, và trở nên sứ giả bình an của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con đáp lời
Cất tiếng thưa một đời ‘xin vâng’!
Trở nên chứng nhân ân cần,
Sứ giả an bình, Tin Mừng truyền rao. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 4: SỨC CẢM HOÁ BẰNG ĐỜI SỐNG ĐẠO
Chắc hẳn ai trong chúng ta đều thốt lên rằng: nơi này nơi kia thiếu vắng các linh mục, thiếu vắng nhà truyền giáo, trong khi còn quá nhiều người, nhiều nơi chưa biết tin nhận Chúa! Nếu chỉ nhìn vào con số thôi thì việc thiếu vắng này đã có từ thời Đức Giê-su! Thiết nghĩ sao Ngài không chọn nhiều Tông đồ hơn con số 12, và trong số đó lại có một người chối Ngài!
Đứng trước thực trạng thiếu vắng linh mục và các nhà truyền giáo, chúng ta cùng nhau tái khẳng định rằng: mỗi Ki-tô hữu là một nhà truyền giáo. Đây chính là ơn gọi của mỗi người tín hữu. Nói cách khác đơn giản hơn, mỗi chúng ta đều mang trong mình trách nhiệm giới thiệu diện mạo Chúa Ki-tô bằng đời sống đạo, bằng hành động bác ái, yêu thương, tha thứ, bằng sức cảm hoá qua đời sống gương mẫu.
Dwight Lyman Moody (hoặc D.L. Moody, 1837-1899) đã từng nói: “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ỉ, chúng chỉ chiếu sáng”. Thật vậy, mỗi người trong vai trò riêng của bản thân, chúng ta cần ý thức ơn gọi làm chứng, sống chứng tá nơi môi trường làm việc, nơi mình sinh sống, v.v…Y tá, điều dưỡng viên có thể cảm hoá người khác với thái độ ân cần, nụ cười cảm thông, ánh mắt khích lệ, cử chỉ sẵn sàng giúp đỡ những ai yếu đau. Như thế, chúng ta dùng hành động bác ái, yêu thương, tha thứ, chan hoà để cảm hoá người khác, vì đây chính là dấu chỉ mạnh mẽ giúp người khác nhận ra diện mạo của Đức Ki-tô. Sức cảm hoá bằng gương sáng cũng được nhắc đến trong tục ngữ ca dao Việt Nam: Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo. Hoặc theo danh ngôn kia: Gương sáng chính là bài giảng hùng hồn nhất, có sức lôi cuốn và thuyết phục người khác. Chuyện kể rằng: một người Tin lành nọ nghe tiếng tăm cha Gio-an Ma-ri-a Vi-an-ney là người đạo đức thánh thiện vượt bậc. Vào ngày đẹp trời, ông bèn tìm đến xứ Ars hầu xác minh thực hư. Sau khi ra về, bạn bè hỏi ông đã thấy gì khi đến đó, thì ông trả lời chẳng chút do dự: ‘Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một người’. Và ít lâu sau, ông đã trở lại đạo, gia nhập Giáo hội Công giáo.
Đời sống đạo đức và thánh thiện của chúng ta sẽ được lan toả như ‘ánh sáng’ giữa những bóng đêm, tối tăm nơi trần gian, như ‘muối mặn mà’ giữa những sự nhạt nhẻo, nhạt nhoà của xã hội thực dụng, lãng quên Thiên Chúa, đang chìm dần vào tảng băng sa đoạ tội lỗi. Chúng ta có bổn phận và ơn gọi thắp lên ngọn lửa chứng nhân, chứ đừng ngồi đó mà rủa xả đêm đen. Ngọn lửa chúng ta thắp lên chính là đời sống đạo gương mẫu, là cử chỉ giới thiệu giá trị Tin Mừng của Đức Giê-su cho hết mọi người như Mẹ Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta từng xác tín: ‘Với tôi, Chúa Giê-su là tất cả: Chúa Giê-su là sức sống tôi muốn sống; Ngài là ánh sáng tôi muốn chiếu toả; Ngài là đường chỉ lối tôi về nhà Cha, là tình yêu tôi muốn tỏ lộ, là niềm vui tôi muốn sẻ chia, là hạt giống bình an mà tôi gieo rắc’.
Để được vậy, chúng ta cùng nhau chú tâm nghe lại lời chỉ dạy và căn dặn của Đức Giê-su trong bài Phúc Âm hôm nay. Trước hết, Ngài nói: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2), vậy, cầu nguyện chính là linh hồn của việc sống chứng tá. Thứ đến, phó thác, tin tưởng vào Chủ thợ gặt như Chúa Giê-su tâm tình: “Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Và sau cùng đặt để việc loan báo Tin Mừng là ưu tiên hàng đầu: “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10, 4). Ở đây, Chúa không dạy chúng ta trở thành người bất lịch sự, lỗ mãng! Ngài khuyên răn chúng ta đừng mất giờ vô ích cho những thứ vô bổ, vì việc loan báo Tin Mừng thật sự gấp rút, “Lúa chín đầy đồng mà thờ gặt lại ít” (Lc 10, 2; Mt 9, 37), phải biết tận dụng thời giờ đi gặt lúa, kẻo chim chuột ăn hết! Cũng nên chú tâm đến những tinh thần khi chúng ta được sai đi, và khi chúng ta sống chứng tá cho Chúa, đó là: tinh thần hiệp thông (cứ từng hai người một. Theo truyền thống Kinh Thánh, không được đặt tin tưởng vào lời xác quyết của một người duy nhất, x. Đnl 19, 15; Cv 13, 2-4. 15, 39-40), tinh thần chịu đựng, kiên định, “Thầy sai các con đi như chiên con giữa bầy sói” (Lc 10, 3), tinh thần siêu thoát, vượt lên trên những nhu cầu vật chất, kể cả nhu cầu thiết yếu, không lệ thuộc vào các phương tiện con người như võ khí quyền lực, giàu sang, sự huy hoàng, trang trọng, lộng lẫy, “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…” (Lc 10, 4), tinh thần nhanh nhẹn, đừng câu nệ, đừng sa vào việc chào hỏi dài dòng của người Đông phương, đừng chia trí, nhưng nên dồn sức lực vào việc rao giảng Tin Mừng là điều cấp bách, “Đừng chào hỏi ai dọc đường…” (x. 2V 4, 29), tinh thần nhẫn nại, đối diện với những thất bại, khước từ, chống báng, bất tín, “Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ngay cả bụi dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại cho các ông” (x. Lc 10, 10-11).
Cuối cùng, xin mạn phép mượn câu chuyện ngắn này để kết thúc bài chia sẻ với quý cộng đoàn Phụng vụ: Người kia được rửa tội từ nhỏ, nhưng cứ lớn dần lên, thì trở nên khô khan nguội lạnh. Tình cờ chiều hôm nọ, đi ngang qua nhà thờ, ông thấy một cô bé đang dẫn mấy em nhỏ vào nhà thờ. Ông đứng quan sát và đã đi theo cô bé. Thấy nét mặt trang nghiêm và sốt sắng của cô bé khi cầu nguyện, ông đã thực sự xúc động, và cuối cùng, thời gian sau đó, ông cũng đã trở về với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi mỗi người chúng con trở nên khí cụ tình yêu của Ngài, và trở thành chứng tá của Chúa trong đời sống hằng ngày! Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 5: Được sai đi loan báo Tin Mừng
“Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10, 1-2).
Đức Giêsu chỉ định và sai đi các ông đi trước, vào “những nơi mà chính Người sẽ đến”. Chi tiết này chứng tỏ Người sẽ ở đó mà đồng hành với các ông dù đó là nơi nao. Con số bảy mươi hai diễn tả tầm rộng lớn của nhóm truyền giáo, tương ứng với danh sách bảy mươi hai dân tộc trên mặt đất (St 10,2-31). Không phải là tình cờ mà Người sai các ông cứ từng hai người một, bởi vì mọi lời nói phải căn cứ theo hai hoặc ba nhân chứng trong trường hợp có tranh chấp (Đnl 19,15). Người chỉ thị cho các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Đây là những thứ cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Làm thợ thì đáng lĩnh công, lo lắng quá nhiều về phương tiện sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng. Chúa coi nghèo khó và thanh thoát là nét chính yếu của người tông đồ. “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Người chỉ muốn cho các ông biết tính khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng, không đắn đo, trò chuyện dọc đường sẽ mất thời gian, khó hoàn thành sứ vụ quan trọng này. Người môn đệ cũng “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn, nhưng phải tín thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.
Từ khi được lãnh Bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu chúng ta cũng được Chúa Kitô mời gọi thi hành một sứ vụ. Chúa sai tôi đi vào ngay chỗ tôi đang đứng, trong hoàn cảnh địa vị mỗi người. Tôi làm mọi việc theo khả năng, chức vụ, bổn phận cùng với lòng nhiệt thành của mình. Có khi chỉ đơn giản như ngồi đó tĩnh lặng mà suy niệm, gõ vào máy tính rồi gửi email, post lên facebook... là Tin Mừng được “thổi loa” khắp nơi, góp phần cho “Lời” được vang xa. Người tông đồ được sai đi, dọn đường mở lối cho Chúa, đem Chúa đến cho người mình gặp gỡ. Không thể cho ai điều mình không có, cho nên lòng tôi phải có Chúa đầy tràn, lúc đó tôi mới có thể từ từ đem Chúa cho người khác bằng lời, bằng hành động và chính cuộc sống của tôi.
Chúng con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng, vì giá trị này đi ngược lại với những giá trị của thế gian. Nhưng với niềm phó thác, có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường, con sẽ gặt mùa vàng.
Lạy Chúa! xin cho con biết nhìn lại và ý thức hơn nhiệm vụ cao cả Chúa trao, mà đáp lời mời gọi của Chúa. Xin giúp con hăng hái nhiệt thành ra đi loan báo, đem Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc bằng mọi phương tiện Chúa cho và bằng chính cuộc sống hằng ngày của con.
Én Nhỏ
==========
Suy niệm 6: ANH EM HÃY RA ĐI
Tin Mừng hôm nay đã xác định cho chúng ta biết: không riêng gì các tông đồ, mà tất cả các môn đệ đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý nghĩa này lại được làm rõ với con số 72. Đây là số dân của loài người mà sách Sáng Thế chương 10 đã liệt kê.
Đức Giêsu sai đi "Từng nhóm hai người" , vì việc loan Tin Mừng không thể mang tính cá nhân, mà là việc của cộng đoàn, không thể độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên kết với nhiều người khác. Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng trước tiên không phải là một phương thức hành động, mà là lời “cầu xin” Thiên Chúa, chủ mùa gặt, Đấng sai phái và điều động mọi người trong cánh đồng nhân gian. Chính Thánh Thần sẽ tác động, soi sáng và hướng dẫn các môn đệ trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng không dễ chút nào, Đức Giêsu cho họ biết trước những hiểm nguy và thù nghịch mà họ sẽ gặp trên đường, chẳng khác nào“chiên non vào giữa sói rừng".
Còn nhiều chi tiết khác mà Đức Giêsu căn dặn, nhưng điều quan trọng là "Ra đi" chứ không phải "ở lại", đó là một lệnh truyền. Cả cuộc đời của Thầy Giêsu là một hành trình: sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường. Ngài luôn lên đường và không ngừng ra đi, nên Thánh Gioan Phaolô II khẳng định: "Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, cũng không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc" (RM 3). Nhưng loan báo hữu hiệu nhất là đời sống chứng tá của họ. Đúng như L. Moody đã nói : "Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng".
Hiện nay dân số Châu Á chiếm gần 2/3 thế giới, nhưng số người nhận biết Chúa khoảng 8%, nhưng chỉ có khoảng 2,5% Kitô hữu công khai và sống đạo tích cực. Còn dân số Việt Nam hiện giờ lên đến 100 triệu, chỉ có 6 triệu rưỡi Kitô hữu = 7,2%. Đúng là cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt. Nhưng công cuộc truyền giáo hiện thời đang ra sao? Dường như giáo dân, nếu không dám nói là phần đông các Linh mục, Tu sĩ, ngày càng ít quan tâm đến vấn đề truyền giáo, ngày càng quên rằng mình là người đươc sai đi. Để cắt nghĩa cho tình trạng ngày, cha Trần Kim Ngọc đã đưa ra 5 lý do là: thiếu nhân lực truyền giáo; thiếu đào tạo; thiếu tổ chức; thiếu mục tiêu; thiếu cộng tác.
Thực ra, 5 điều trên chưa phải là lý do, mà chỉ là những yếu tố của một tình trạng: là tình trạng thiếu trưởng thành trong đời sống đức tin. Một đức tin còn non nớt thì không thể có một lòng mến thâm sâu để hăng hái dấn thân cho sứ mạng. Chỉ có tình yêu mới là động lực mạnh mẽ để người tín hữu dám ra khỏi mình. Ngoài ra, còn có những trở ngại làm lu mờ nhiệt tình truyền giáo, như trong một lá thư của cha Chân Tín gửi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cho thấy chính quyền muốn các nhà tu hành lao đầu vào việc xây dựng những nhà thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, bày ra những cuộc ăn uống linh đình để quên đi, hoặc hoàn toàn dửng dưng trước sứ mạng mà Đức Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội.
Chúng ta quen sống an nhàn trong một tổ chức quá đầy đủ, một Giáo Hội cơ chế quá an toàn, nên dần mất đi tấm lòng và tính cách của Đức Giêsu: một tấm lòng khao khát cho mọi người được ơn cứu độ, và một tính cách luôn ra đi phục vụ với tất cả tình yêu. Con người hôm nay mong thấy được khuôn mặt Đức Kitô nơi chúng ta: khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường, với lối sống khó nghèo, thanh bạch. Người Châu Á hôm nay rất dễ đón nhận người tông đồ biết sống khổ hạnh, thoát tục, trầm tư, nhân từ, phục vụ. Với khuôn mặt của Đức Kitô, chúng ta mới tỏa ngát hương thơm của của Ngài, để có thể nâng con người lên với Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã sai chúng con vào thế giới,
tùy hoàn cảnh mỗi người ở giữa đời,
để con loan Tin Mừng khắp mọi nơi.
Nhưng xem ra con chưa quan tâm tới,
vẫn còn giữ đạo mông lung xa vời,
chỉ muốn sống đời mình cách thảnh thơi,
chẳng tha thiết tới điều Chúa mong đợi.
Xung quanh con có nhiều người dân ngoại,
sống bơ vơ trong tình cảnh lạc loài,
không tìm được ý nghĩa trong hiện tại,
chẳng thấy đâu lẽ sống của ngày mai.
Bao người đói khát cơm áo gạo tiền,
nhưng không bằng họ đói khát tình thương,
còn hơn nữa đói khát Chúa thiên đường,
cuộc đời họ biết bao là gai chướng.
Họ mong được tự do và kính trọng,
muốn là mình trong tình nghĩa đệ huynh,
nên cần gặp được ai biết đoái hoài,
có trái tim bao dung và quảng đại.
Cuộc đời con đã là Ki-tô hữu,
nên đừng quá bận tâm về chính mình,
mà phải thấy được chương trình của Chúa,
thấy ân ban và sứ mạng đã trao.
Cho con thấy đời mình đẹp biết bao,
vì Tin Mừng mà con đi loan báo,
xin cho con được trở nên nhân chứng,
dám sống điều mà mình đã tuyên xưng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==========