Thứ sáu, 02/05/2025

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật III Phục sinh năm C (Ga 21,1-19)

Cập nhật lúc 08:22 30/04/2025
Tin Mừng: Ga 21,1-19 

Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ ; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.” 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

==========

Suy niệm 1: LƯƠNG THỰC CỨU ĐỘ
(CHÚA NHẬT TUẦN 3 PHỤC SINH NĂM C)
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 3 Phục Sinh, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng ta tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa, xin Chúa cho chúng ta hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.
 
Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi vững vàng trước những tai ương, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Con Chiên mở ấn, những hình ảnh khá cổ điển cho ta thấy: đến thời cánh chung, vũ trụ sẽ trải qua những cơn chấn động khủng khiếp như thế nào. Tôi lắng nghe: Từ dưới bàn thờ Thiên Chúa, tiếng những người bị giết vọng lên rằng: Sao Chúa không đòi nợ máu của chúng con? Và họ nhận ra tiếng Chúa đáp lời: Cứ nghỉ yên một thời gian ngắn nữa, chờ cho đủ số những người anh em của các con.
 
Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi tham dự vào hy tế cứu độ của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Giúttinô nói về: Việc cử hành hy lễ tạ ơn… Khi Đức Giêsu sắp phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người thiết lập bí tích Mình và Máu Người, để các tín hữu tưởng niệm cái chết của Người. Người ban Mình Người làm của ăn, ban Máu Người làm của uống. Người truyền cho môn đệ: Anh em hãy làm như Thầy mới làm, để tưởng nhớ đến Thầy.
 
Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi can đảm làm chứng, tin tưởng phó thác sẽ được giải thoát, và sẽ được chiến thắng, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ: Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 29, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con. Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, trích sách Khải Huyền: Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Kitô nay đã phục sinh, chính Người đã tạo thành vạn vật và xót thương cứu độ loài người.  Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật: Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đức Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu Độ của ta đã tác thành vạn vật và xót thương cứu độ ta, khi Người ban lương thực cứu độ, là chính Mình và Máu của Người cho ta. Người đã truyền phải cử hành hy lễ này, để tưởng nhớ đến Người. Ngày Thứ Nhất trong tuần, ngày Thiên Chúa tạo thành thế giới, đó cũng là ngày, Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, đã sống lại, và hiện ra với các môn đệ, để dạy bảo và sai các ông đi làm chứng cho Người. Các ông đã thực thi lệnh truyền với niềm xác tín: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm, và lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Các ông đã luôn nhắm tới phần thưởng: Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc, vì thế, cho dù bị bắt bớ, bị hành hạ, các ông vẫn tin tưởng cậy trông vào Chúa: Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, không để quân thù đắc chí nhạo cười con. Đức Giêsu Phục Sinh muốn ta cử hành lại hy tế cứu độ, không những: bằng nghi lễ, mà còn: bằng cả chính đời sống chúng ta, và Người cũng đã dự liệu cho ta cái giá phải trả: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn ta tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa, ước gì ta hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

==========

Suy niệm 2: NHẬN RA CHÚA PHỤC SINH TRONG ĐỜI THƯỜNG

Vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh nọ, bầu trời trong xanh với làn gió mát khẽ lay cành lá xanh mướt trên cành cây kia, người mẹ bảo đứa con trai: “Hôm nay mẹ muốn con chở mẹ, rồi cùng đi tham dự Thánh lễ”. Vì đã lâu, anh ta chẳng buồn bước chân đến nhà thờ, còn chuyện tham dự Thánh lễ chỉ rất ư là xa xỉ. Trong lúc đang buồn ngủ, còn mệt mỏi với dư âm đêm qua anh đi chơi về rất khuya. Vả lại, anh ta cũng chẳng tha thiết gì với đạo nghĩa nữa. Bực dọc vì bị mất giấc ngủ, anh ta trả lời với người mẹ rằng: “Mẹ đi theo Chúa của mẹ đi. Và nếu mẹ thấy Chúa thì hãy chỉ cho con, chứ con có thấy Chúa đâu”. Người mẹ nghe thế, nén lòng lại rồi lặng lẽ đi lễ.

Thật vậy, khá nhiều người Công giáo đang sống chỉ với đôi mắt thể xác, mà quên con mắt đức tin. Thánh Phao-lô nói trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô: “Chúng ta tiến bước nhờ đức tin chứ không phải nhờ đôi mắt phàm trần” (x. 2 Cr 5,7). Giả sử chỉ dừng lại ở việc thấy hay không thấy với con mắt thể lý, thì chúng ta được lãnh nhận đức tin để ‘làm kiểng’ à, để thêm vào bộ sưu tập ‘trang sức’ hay ‘của cải’ mình ư? Nếu chỉ dựa vào đôi mắt phàm trần thôi, thì Tông đồ Gio-an, người môn đệ được Chúa yêu mến, không thể nào nhận ra Chúa Ki-tô Phục sinh lúc trời còn tờ mờ sáng. Nhưng chính nhờ đức tin mãnh liệt, nhờ đôi mắt sáng suốt của đức tin, mà Gio-an đã nhận ra Chúa Phục sinh và ‘loan báo’ cho Tông đồ cả Phê-rô nữa: “Chính Chúa đó!” (Ga 21,7). Tại sao chỉ mình Gio-an nhận ra, còn các Tông đồ khác không nhận ra? Có lẽ cũng dễ hiểu vì các ông đã vất vả mệt nhọc cả đêm, mà chẳng được mẻ cá nào. Cực chẳng đã, tưởng chừng thu dọn lưới chài rồi về nhà đánh một giấc cho khoẻ, sau đó có ra sao thì tính tiếp; nhưng oái ăm thay Chúa Giê-su hiện đến trên bờ biển lại vào lúc rạng đông tờ mờ sáng, thì mắt mũi các ông tèm lem, lờ mờ vì buồn ngủ, nên không nhận ra Chúa Phục Sinh chăng! (x. Ga 21,3-4).

Với đôi mắt đức tin bén rễ sâu trong đời sống đạo, đời sống cầu nguyện, gắn kết thân tình với Chúa, thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh nơi mọi trạng huống cuộc sống, trong vô vàn biến cố cuộc đời. Hơn thế, vì lòng mến dạt dào mà Chúa dành cho Tông đồ Gio-an, và cũng như tình mến mà ông dành cho Chúa Giê-su đậm sâu, nên ông dễ nhận ra Ngài. Và Tông đồ cả Phê-rô sau khi lầm lỗi, được Chúa Phục Sinh trao ban cơ hội sửa sai bằng việc tuyên tín: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15. 16); “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17), thì cũng cho chúng ta thấy lòng mến quan trọng dường nào không chỉ giúp chúng ta cảm nghiệm tình Chúa, mà còn trở nên động lực khiến chúng ta nhận ra Ngài trong đời thường. Ngoài ra, Chúa Giê-su hỏi Phê-rô 3 lần chẳng phải Ngài nghi ngờ hay không tin ông, nhưng một mặt cho ông chuộc lỗi, mặt khác cho ông xác tín lòng mến, tình yêu mà ông dành cho Chúa Phục Sinh sau biết bao biến cố đã xảy ra với ông. Với lời tuyên tín ấy, ông được trao phó sứ mệnh “chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy” (x. Ga 21, 15-17), cũng như trở nên chứng tá kiên vững dù không như ý muốn, hay phải hy sinh tính mạng (x. Ga 21, 18-19). Lời chứng hùng hồn này được vang dội khắp nơi sau khi Chúa Giê-su về trời, “Phê-rô và các tông đồ trả lời (trước Thượng Hội đồng) rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”” (Cv 5, 29), và mạnh mẽ hơn nữa, “Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Ngài!” (Cv 5, 32).

Trải qua bao thời đại, dẫu thịnh vượng hay điêu tàn, phát triển hay suy thoái, vinh quang hay lụn bại, các Tông đồ, các Thánh nam nữ và hết thảy tín hữu đó đây đều sống đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ đó, các ngài luôn cảm nghiệm và nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong đời, giữa bao thăng trầm cuộc sống cũng như biến cố lớn nhỏ. Chẳng hạn Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-zi-ô từng cảm nhận: “Tình yêu của Thiên Chúa cao cả đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài để cứu chúng ta, và chúng ta chỉ có thể đáp lại bằng cách yêu mến Ngài hết lòng, dù điều đó không bao giờ đủ để sánh với tình yêu của Ngài” (nguồn: Treatise on the Love of God [Luận về Tình yêu Thiên Chúa]); hoặc Thánh I-nha-xi-ô Lô-yo-la cảm nghiệm: “Không có đức ái mà đi truyền giáo thì giống như mình hái quả trên cây, rồi tự mình đốn ngã cây vậy” (nguồn: Monumenta Ignatiana Spiritual Exercises [Linh Thao]).

Sau cùng, trong lớp học cấp hai kia, cô giáo dạy sinh vật hỏi một học sinh nữ người Công giáo: “Em tin có Thiên Chúa không?” Cô bé niềm nở trả lời: “Thưa cô, có ạ! Em luôn tin có Thiên Chúa”. – “Nhưng sao em biết có Thiên Chúa mà tin?” Cô bé không ngần ngại, vô tư trả lời: “Hãy nhìn bầu trời, cảnh vật núi rừng, biển khơi, thì chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên những thứ đó. Qua đó, em tin có Thiên Chúa”. – “Vậy, em chỉ cho cô biết Thiên Chúa của em ở đâu đi?” – Cô bé vui vẻ đáp: “Dạ, thưa cô, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, không có chỗ nào mà không có Thiên Chúa, và Chúa ở trong tâm hồn của em nữa”.

Thật vậy, Thiên Chúa vượt thời gian, không gian, địa điểm, nơi chốn, nhưng lại rất gần, cư ngự nơi tâm hồn chúng ta như chính Chúa Ki-tô Phục sinh hằng hiện diện trong đời sống hằng ngày ta vậy. Chỉ với đôi mắt đức tin, với niềm cậy trông vững vàng và với lòng mến nồng nàn, chúng ta sẽ nhận ra Ngài và cùng với Thánh Félix de Nole dám khẳng định: “Với Chúa, thì màng nhện cũng trở nên tường thành. Còn không có Chúa, thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi”. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==========

Suy niệm 3: “CON HÃY THEO THẦY”

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua đau khổ. Dù lớn hay bé, dù ảnh hưởng nhiều hay ít, thì nỗi đau ấy vẫn còn để lại vết hằn trong tâm khảm. Có thể nói, nỗi đau bị lừa dối, bị chối bỏ, bị ngoảnh mặt làm ngơ,…tác động và chi phối khá nhiều đến tính cách, cuộc sống của chúng ta. Mà giả sử nếu gặp lại người gây tổn thương cho ta, thì thông thường, trước sau gì chúng ta cũng sẽ nhắc lại nỗi đau ấy, tệ hơn trả đũa họ!

Tuy nhiên, bối cảnh gặp lại giữa Chúa Giê-su và Phê-rô (người đã chối Chúa ba lần) trên bờ hồ Ti-bê-ri-a sau khi Ngài sống lại diễn ra hoàn toàn khác biệt với cách con người chúng ta thường xử sự. Thay vì Chúa Giê-su nhắc lại lỗi lầm của Phê-rô, thì Ngài trao ban cơ hội hoán cải, cơ hội xác nhận cam kết, tuyên tín và cơ hội lãnh nhận sứ vụ trọng đại.

Nhưng trước đó, Chúa Giê-su Phục Sinh hết sức tinh tế, thấu hiểu tâm trạng bất an, lo âu, bồn chồn, cùng với sự mệt mỏi của Phê-rô và các môn đệ vì “cả đêm cực nhọc mà chẳng đánh bắt được con cá nào” (x. Ga 21, 3). Vả lại Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết, nên thân xác Ngài không còn phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa; Ngài hằng thấu tỏ, luôn đồng hành, nâng đỡ và ra tay hỗ trợ các môn đệ, những người bạn thân tín của Ngài. Ngài xoa dịu mọi nỗi nhọc nhằn về mặt thể lý cũng như tâm linh, “hãy thả lưới bên phải thuyền thì sẽ được” (Ga 21, 6). Hơn thế, khi chuẩn bị xong bữa điểm tâm, Ngài mời các môn đệ dùng, nuôi dưỡng chăm sóc, quan tâm họ như Ngài đã từng dưỡng nuôi, chỉ dạy, hướng dẫn họ bằng Lời hằng sống và chính Mình Máu Ngài, đặc biệt trong bữa tiệc ly, “các con hãy lại ăn” (Ga 21, 12) và “Chúa Giê-su lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Ngài cũng cho cá như thế” (Ga 21, 13).

Với cử chỉ thân thương, quen thuộc ấy, các môn đệ đã nhận ra chính là Thầy Giê-su, nên “không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ngài là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa” (Ga 21, 12). Thật vậy, Chúa Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết như Ngài tiên báo cho các môn đệ và những người phụ nữ thánh thiện hằng dõi theo bước chân Ngài. Chẳng những thế, Ngài phục sinh, nhưng không biến thành một con người khác biệt, Ngài vẫn gần gũi yêu thương, vẫn nhẹ nhàng dõi trông che chở, đồng hành với các môn đệ trong cuộc sống bình dị hằng ngày. Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa Giê-su Phục sinh hằng bên ta, chỉ dẫn, chăm sóc, nuôi dưỡng ta mỗi thời khắc, mỗi giây phút trong đời; dù lắm lúc chúng ta không nhận ra Ngài vì sự yếu đuối của bản thân, dù bao phen chúng ta khép kín, đóng chặt cửa lòng nên chưa nhìn thấy Ngài hiện diện nơi mỗi ngày sống. Ước gì, chúng ta được cảm nghiệm hơn tình thân của Chúa Phục sinh trong mọi khoảnh khắc đời mình!

Quay trở lại với cuộc hội thoại giữa Chúa Giê-su và Phê-rô sau khi dùng bữa sáng xong. Với sự tinh tế, nhạy cảm, thấu hiểu và đầy bao dung tha thứ của Chúa Giê-su, chúng ta thấy Phê-rô vẫn chân thành như con người của ông, vẫn thẳng thắn bộc trực, nhưng lần này đầy xác tín cậy trông hơn khi được hỏi cùng một câu: “Si-mon, con ông Gio-an, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (x. Ga 21, 15. 16. 17). Không chút do dự, đắn đo, và với tâm hồn đơn sơ, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Thầy mình, Phê-rô đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15. 16. 17). Chẳng vội vã, vội vàng như trước, kỳ này với lòng khiêm nhường sâu thẳm, câu trả lời của ông ẩn chứa niềm tín thác, cậy trông vào Chúa Giê-su: “…Thầy biết con yêu mến Thầy mà!” Nghĩa là Thầy biết con yếu đuối, vấp ngã, tội lỗi bao lần rồi, và Thầy cũng thấu tỏ tâm hồn, tấm lòng yêu mến của con dành trọn cho Thầy ra sao! Tuy nhiên, được hỏi đến lần thứ ba, Phê-rô có chút buồn rầu, có lẽ ông nghĩ ‘Thầy biết rõ con rồi mà sao vẫn hỏi đi hỏi lại một câu vậy!’ Phải chăng Phê-rô không mảy may hồi tưởng ba lần đã chối Chúa ư? Phải chăng chẳng nhớ đến ba lần nói không biết đến ông Giê-su trước mặt một người đầy tớ nữ sao? Lỗi lầm của Phê-rô là thế, nhưng Chúa Ki-tô Phục sinh chẳng đá xoáy vào sự vấp ngã ấy bằng cách trách móc, than phiền; trái lại, Ngài trao cơ hội ‘sửa sai’ cho ông, giúp ông xác tín, yêu mến Chúa, và đặt để sứ vụ cao trọng cho ông: “Hãy chăn dắt các chiên con..chiên mẹ của Thầy” (x. Ga 21, 15. 16. 17).

Sau cùng, Chúa Ki-tô Phục sinh gọi mời Phê-rô “con hãy theo Thầy” (Ga 21, 19), cụ thể bước theo con đường hy sinh, con đường khổ nạn, con đường bỏ mình, con đường vâng phục Thiên Chúa Cha, con đường ‘biến mình ra không’, con đường Thập giá, con đường yêu thương, con đường thứ tha…và con đường trở nên chứng nhân. Thật vậy, sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại ‘nẻo đường làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục sinh’ của Thánh Phê-rô và các Tông đồ một cách sống động dường nào! Dù bị ngăn cấm, nhưng các Ngài đã dõng dạc đáp lại: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” (Cv 5, 29). Dẫu bị ghét bỏ, đánh đập, bắt bớ, nhưng gương chứng nhân của Thánh Phê-rô và các Tông đồ để lại cho chúng ta là hậu duệ lẽ sống dám trở nên chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục sinh trong đời thường nhật, “Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Ngài!…Ra khỏi công nghị, lòng các ngài hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giê-su” (Cv 5, 32. 41). Các ngài tự hào được sống chứng tá cho Thầy Chí Thánh. Còn chúng ta thì sao?

Cầu nguyện:

 

Chúa nào nhớ lỗi chấp tội chúng con

Chẳng hề trách mắng, xoáy vào nỗi đau

Sẵn sàng tha thứ, nhân từ bấy lâu

Đỡ nâng, nâng đỡ con hèn cậy trông!

 

“Thầy biết rõ con yêu mến trong lòng”

Thế nên tuyên tín, thực hành chứa chan

Bước theo chân Chúa trung thành hân hoan

Trở nên chứng tá khiêm nhường thiết tha….Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==========

Suy niệm 4: MẺ CÁ DIỆU KỲ

Hôm nay trình thuật của thánh Gioan kể lại sự kiện Đức Giêsu “tỏ mình ra” cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria, sau khi Ngài Phục Sinh.
Sự kiện Phục Sinh làm cho các ông mừng rỡ lấy lại niềm tin đã mất trong cuộc tử nạn của Thầy mình. Đã tan đi những hoài bão kiểu trần tục, lúc này các ông trở về với nghề chài lưới đời thường. Khi họ đang “ở với nhau”, ông Phêrô như lá cờ đầu khởi xướng công việc: “Tôi đi đánh cá đây.” Tất cả đồng lòng với ông và cùng nhau ra đi chèo thuyền đánh cá ngay. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Vậy mà sao suốt đêm họ trắng tay chẳng bắt được con cá nào cả?
Hết giờ, trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển,  mà các ông “mơ màng” như Maria Mácđala hôm trước tưởng là “người làm vườn”, có “ông bác” nào đó đánh tiếng hỏi thăm các chú có gì ăn không? Đang chán nản họ buông câu cụt ngẫng “thưa không”. Chắc họ đang thả lưới bên trái mạn thuyền, ông ấy bảo cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền sẽ bắt được nhiều cá. Họ nghe theo và thả ngay thì… woa! không kéo nổi vì lưới đầy những cá ngoài sự mong tưởng của các ông. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến mới giật thót mình nói nhỏ với Phêrô: “Chúa đó!” Bởi ông Gioan yêu mến Thầy mình lắm nên mới tinh ý phát giác qua dấu chỉ nhanh nhất như vậy. Lập tức Phêrô vội khoác áo vào và nhảy tùm xuống biển mà “náu”! Suốt đêm đánh cá không kết quả cho thấy sự nghèo nàn kém cỏi, khi làm việc chỉ cậy dựa vào sức riêng mình. Nhưng khi có Chúa can thiệp, con người vâng theo Ý Chúa thì kết quả sẽ tuyệt diệu ngoài sức tưởng tượng. Mẻ cá diệu kỳ hôm nay hẳn làm các ông nhớ hồi nào Thầy gọi “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Từ nghề lưới cá đến sứ vụ “lưới người” của các môn đệ, sẽ thành công ngoài mơ ước nếu biết “vâng nghe” Lời Chúa. Mẻ cá lạ này đếm được 153 con. Các nhà sinh vật học đã ghi vào danh mục cá biển thời đó gồm 153 loài. Mẻ lưới thu được 153 con, tượng trưng Nước Chúa như tấm lưới thu góp tất cả mọi tâm hồn. Nước Trời mở rộng cho hết mọi người không phân biệt màu da chủng tộc, quê hương.  
Đức Giêsu bảo các ông đem ít cá mới bắt được lên bờ có sẵn than hồng và bánh. Người mời “Anh em đến mà ăn!” Thưởng thức bữa ăn gồm bánh và cá, với cử chỉ Người “cầm lấy” và “trao cho”, lúc này các ông chỉ biết im lặng,  không ai dám hỏi “Ông là ai?” vì đã nhận ra mồn một đó là Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Xin cho chúng con đủ lòng tin yêu cậy dựa nơi Chúa, để chúng con nhận ra và mau mắn làm theo lời dạy của Chúa, Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu cho sứ vụ của người phàm chúng con. Xin cho chúng con biết đến gặp gỡ Chúa trong Lời Chúa và Bữa Tiệc Thánh Thể, để chúng con nhận ra và kín múc sức mạnh, nguồn sống từ chính Chúa Phục Sinh, mà đơm hoa kết trái trong cuộc đời theo Chúa của chúng con. Amen.

                                                           Én Nhỏ

==========

Suy niệm 5: Lên bờ để đi lưới người
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - C

Chúng ta đang ở trong Mùa Phục Sinh, mùa của niềm vui và hy vọng ngập tràn  vì Chúa đã sống lại. Niềm vui này không phải là một cảm xúc hời hợt chóng qua, nhưng là niềm vui có sức sống mới do Chúa Kitô Phục Sinh ban cho những ai tin tưởng bước đi với Người

Phụng vụ Chúa nhật thứ III sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta tích cực gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh. Gặp được Chúa sẽ có niềm vui và hy vọng. Chúa đã sống lại chính là niềm hy vọng của chúng ta, Người khơi dậy lên trong chúng ta niềm hy vọng giữa một thế giới đang bị bao trùm bởi bóng tối nhuốm màu thất vọng.

Bị đánh vẫn vui

Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại việc hai thánh Phêrô và Gioan từ những tông đồ nhát đảm sợ sệt khi chứng kiến Chúa Giêsu, Thầy mình bị bắt bị đánh đòn và bị treo chết trên thập giá khiến các ông buồn sầu thất vọng. Gặp được Chúa Phục Sinh, với ơn Chúa Thánh Thần, ban cho các ông một tinh thần mới, đầy lửa mến và sức mạnh để các ông đã trở nên những người mạnh bạo rao giảng Danh Chúa Giêsu ngay giữa hội đường Do thái, dù trước đó vì rao giảng Danh Chúa Giêsu mà các ông bị Thượng Hội Đồng Do Thái bắt và đánh phạt. Sau khi được thả ra, các ông sung sướng vì đã có dịp chịu khổ vì Danh Chúa Giêsu, và tiếp tục rao giảng Danh Người (x.Cv 5, 27b-32.40b-41).

Đang thất vọng trở thành tông đồ đầy hy vọng

Tin Mừng theo Gioan (Ga 21,1-14) mô tả: Các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến lúc “Simon Phêrô nói với anh em: “Tôi đi đánh cá đây”. 

Tôma, Nathanael và các con ông Giêbêđê cùng hai môn đệ nữa đang ở với nhau nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông” (Ga 21,3). 

Phêrô một con người rất bộc trực, nóng nảy, hay sa ngã và sa ngã thậm tệ. Có lần Chúa đã gọi ông là Satan, ông đã chối Chúa tới ba lần. Nhưng con người đầy khuyết điểm ấy Chúa đã chọn làm “Đá tảng”, thủ lãnh của Giáo Hội. Vai trò lãnh đạo của Phêrô được tỏ rõ trong bài Tin Mừng hôm nay:

Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ trở về đời sống thuyền chài. Phêrô vẫn là người quyết định: “Tôi đi đánh cá đây”. Các môn đệ khác cũng đồng tình: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Đêm ấy, không bắt được con cá nào. Trời sáng, theo lời người khách lạ, thả lưới bên phải mạn thuyền, một mẻ cá bất ngờ. Khi vừa nghe Gioan nói: “Chính Chúa đó!” Phêrô liền khoác áo vào và nhảy xuống biển (Ga 21,7). Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến các ông là những người đang thất vọng trở thành tông đồ đầy hy vọng.

Trở nên thừa sai của niềm hy vọng

Một chi tiết rất hay đáng chúng ta lưu ý là : "Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bời biển" (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và những vòng xoáy của ba thù? Và bờ biển ở đây là gì, hả chẳng tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao ? Các môn đệ đã vất vả, cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải thích thì: Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng: "Thầy không hiện ra với anh em trên mặt biển nữa (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong lúc biển gầm bão tố nữa". Phê rô nhận ra Chúa, ông lại nhảy xuống biển, trong khi đó Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước nữa. (Trích Homélies sur l'Évangile, n°24)

Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử con người ở mọi nơi mọi thời. Các Tông Đồ thấy mình thất bại. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như đầu hàng, không hướng về Thiên Chúa, nhưng lại đối diện với sự nghèo nàn của chính họ. Lưới không cá. Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp họ vào rạng sáng ngày sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Chúa bảo họ thả lưới ở "phía bên kia" thuyền. Bên của sự vâng lời. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của tình yêu Chúa và hy vọng của các ông.

Chúa hiện đến khơi dậy niềm hy vọng đang bị bao trùm các ông. Qua đó, Chúa muốn chúng ta là những người đã chịu Phép Rửa tội, những môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, hãy tỏa sáng hy vọng của Người ở mọi nơi trên thế giới. Tính cấp bách của sứ vụ truyền giáo mang lại hy vọng. Chúa mời gọi chúng ta trở thành những “nghệ nhân của hy vọng” và những người kiến tạo lại nhân loại, vốn đang chìm đắm trong sự phân tâm và bất hạnh.

Lạy Chúa Giêsu! Chúng con tin và hy vọng vào tình thương Chúa dành cho các tông đồ xưa cũng vẫn dành cho chúng con ngày nay. Xin cho con vững tin vào tình thương ấy khi bình yên cũng như lúc sóng gió. Xin cho con luôn vui mừng và hy vọng loan truyền tình thương cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==========

 
 
 
 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log