Này đây, chúng tôi quay về phía dân ngoại.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
14 Ngày ấy, hai ông Phao-lô và Ba-na-ba rời Péc-ghê tiếp tục đi An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a. Ngày sa-bát, hai ông vào hội đường ngồi tham dự.
43 Tan buổi họp, có nhiều người Do-thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa.
44 Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. 45Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông. 46 Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. 47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.”
48 Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. 49 Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
50 Nhưng người Do-thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. 51 Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. 52 Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.
Bài đọc 2: Kh 7,9.14b-17
Con Chiên sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
9 Tôi là Gio-an, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. 14b Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. 15Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người ; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. 16 Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. 17 Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.
Tin Mừng: Ga 10,27-30
Tôi ban sự sống đời đời cho chiên của tôi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”
==========
Suy niệm 1: TÔI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI CHO CHIÊN
(CHÚA NHẬT TUẦN 4 PHỤC SINH NĂM C)
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Phục Sinh, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Đức Kitô, Vị Mục Tử oai hùng của chúng ta, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc, xin Chúa cho chúng ta là đoàn chiên hèn mọn, cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên.
Theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên, sau cuộc chiến đấu cam go, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Người Phụ Nữ và Con Mãng Xà, Người Phụ Nữ khiến ta nhớ lại người phụ nữ bị cám dỗ của sách Sáng Thế. Bà tượng trưng cho Xion, dân Thiên Chúa, dân sinh hạ Đấng Thiên Sai và các tín hữu. Hoang địa là nơi Bà ẩn náu, nhắc lại cuộc hành trình của dân Thiên Chúa. Họ đã thắng nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô: họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết. Nào thiên quốc cùng chư vị ở chốn thiên đình, hãy vì đó mà mừng vui hoan hỷ. Sau khi chịu cực hình trong giây lát vì trung thành với giao ước của Thiên Chúa, thì giờ đây các tín hữu Chúa đang hưởng sự sống đời đời.
Theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên, sau cuộc hiến tế của Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Ghêgôriô Cả nói về: Đức Kitô, Mục Tử nhân lành… Vị Mục Tử nhân lành đã sống lại. Người đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.
Theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên, sau cuộc hành trình vâng theo sự chăn dắt, hướng dẫn của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ, ông Phaolô nói: Này đây, chúng tôi quay về phía dân ngoại. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 99, vịnh gia cho thấy: Ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt. Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, trích sách Khải Huyền: Con Chiên sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tôi ban sự sống đời đời cho chiên của tôi. Chúa là Mục Tử nhân lành, Người biết chiên của Người, và chiên biết Người, “biết”, có nghĩa là: “yêu”. Ai yêu mến Người thì vâng lời Người. “Biết” không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là, “biết” nhờ đức mến, nghĩa là, “biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là, “biết” được diễn tả qua việc làm của lòng mến. Điều minh chứng Đức Giêsu biết Chúa Cha và được Chúa Cha biết, ấy là Người hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, nghĩa là, chính bởi vì yêu thương, Người chịu chết cho đoàn chiên, và Người tỏ cho thấy là Người yêu mến Chúa Cha tới mức nào. Đoàn chiên đi từ lòng tin đến việc nhìn thấy, chiêm ngưỡng; đoàn chiên sẽ tìm thấy lương thực, vì ai chân thành đi theo Chúa, thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên là gì, nếu không phải là, cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui. Đồng cỏ của những người được chọn là chính Thánh Nhan Thiên Chúa luôn hiện diện. Khi chúng ta không ngừng chiêm ngưỡng Thánh Nhan, lòng trí chúng ta sẽ được thỏa thuê mãi mãi, nhờ lương thực ban sự sống đời đời. Vậy, chúng ta hãy làm cho lòng tin của ta thêm nồng nhiệt với điều đã tin, và làm cho lòng mến của ta bừng cháy niềm khao khát những kho tàng trên trời. Đức Kitô, Vị Mục Tử oai hùng của chúng ta, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc, ước gì chúng ta là đoàn chiên hèn mọn, cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
=========
Suy niệm 2: Ơn gọi - Quà tặng sự sống
Bước vào Chúa nhật thứ IV Phục sinh, Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các mục tử và cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Xin Chúa Ki-tô, Vị Mục Tử tối cao ban cho Giáo hội có thêm nhiều mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước; đồng thời xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình, các đoàn thể, các giáo họ, giáo xứ biết ý thức bổn phận nâng đỡ và cầu nguyện cho ơn gọi, nhất là xin Chúa soi sáng để có nhiều bạn trẻ nhận ra lý tưởng cao quý của đời tu, sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi, để trở thành những thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo.
Nghe tiếng Chúa gọi mời
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta ơn gọi và sứ mạng cuộc đời của Phê-rô, của Ba-na-ba và Phao-lô cũng như các tông đồ khác.
Phê-rô có tên gọi là Si-môn, con trai của Giô-na và là em ruột với An-rê. Ông là một trong số mười hai Tông đồ đáp lại tiếng Chúa Giê-su gọi và được Chúa đặt làm tông đồ trưởng khi trực tiếp trao quyền cai quản Hội Thánh cho ông. Ông cũng lãnh sứ mạng để đi loan báo Tin Mừng chủ yếu cho người Ít-ra-en.
Ba-na-ba là người Do Thái thuộc giáo tỉnh Cypern, gốc Lê-vi và tên gọi là Giu-se. “Là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin’’ (Cv11,23). Dù không thuộc nhóm Mười Hai (x.Cv 14,4). Nhưng Ba-na-ba có lòng độ lượng: “Giu-se, người đã được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba nghĩa là con của sự an ủi một người Lê-vi, người gốc Kyprô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37). Ông mau mắn nhận lãnh sứ mạng Chúa trao làm người hướng dẫn Sao-lô sau khi Sao-lô trở lại đến gặp các vị Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem (x.Cv 9,26-27).
Phao-lô là người Do Thái thuộc chi tộc Ben-gia-min, có tên gọi là Sao-lô, sinh tại Tác-xô xứ Ki-li-ki-a. Chúa Giê-su Phục Sinh chọn gọi ông trên đường đến thành Đa-mát, lúc ông khí thế hung hăng, đằng đằng sát khí, muốn tiêu diệt Hội Thánh của Chúa. Chúa biến đổi ông trở thành người rao giảng Tin Mừng cách nhiệt thánh cho dân ngoại (x. Cv 13, 13-28).
Chúa là Mục Tử
Chúa Giê-su khẳng định Người là vị Mục Tử Thiên Chúa, liên đới với đoàn chiên. Chính Chúa cho họ được sống và sống dồi dào trong sự hiệp nhất mật thiết với Chúa Cha (x.Ga 10,17-30). Thị kiến mà sách Khải Huyền mô tả chính xác về đoàn người được tuyển chọn đông đảo khôn kể xiết đứng chầu quanh ngai Thiên Chúa. Con Chiên đang ngự ở giữa họ “sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (x. Kh 7, 9, 14-17).
Ơn cứu độ phổ quát do các ngôn sứ loan báo, được Con Chiên hiến dâng mạng sống mình “cho muôn người”, được đám đông “thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ” chứng thực. “Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”: “Họ đứng”: dấu chỉ của sự sống và sự sống lại, “mình mặc áo trắng”: dấu chỉ của sự vô tội, và “tay cầm nhành lá thiên tuế”: dấu chỉ của sự khải hoàn.
Chúa Giê-su chính là Lời Thiên Chúa hiện thân. Chúa biết chiên và đoàn chiên biết Chúa: “Tôi biết chúng và chúng theo tôi”. “Biết” ở đây hàm chứa chuyển động của cả trí tuệ lẫn con tim; sự hiểu biết này dẫn đến niềm tin tưởng phó thác. Người môn đệ “theo” và gắn bó với Chúa Giê-su. Qua cái chết và sự sống lại, Chúa thông truyền cho con người sự sống đời đời.
Sứ điệp ngày cầu cho ơn Thiên Triệu
Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn Thiên triệu trong Năm Thánh 2025 thật đặc biệt và cảm động; chính Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô đã viết sứ điệp lần thứ 62 này khi đang được điều trị tại bệnh viên Đa khoa Gê-men-li (Gemelli) ở Roma; được ký vào ngày 19 tháng 3 có tựa đề “Những Người Hành hương hy vọng: quà tặng sự sống”. Ngài viết rằng, mọi ơn gọi đều là dấu chỉ hy vọng mà Thiên Chúa dành cho thế giới và cho con cái của Người. Ngài mời gọi các bạn trẻ lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn, trở thành những chứng nhân của hy vọng, những người tuyên bố bằng cuộc sống của họ rằng việc theo Chúa Ki-tô là nguồn mạch của niềm vui. Ngài khích lệ dân Chúa: “Nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 62 này, tôi muốn gửi đến anh chị em lời mời gọi vui tươi và khích lệ trở thành những người hành hương hy vọng, bằng cách quảng đại trao tặng cuộc sống của anh chị em (trích Sứ điệp ơn gọi năm 2025).
“Ơn gọi là món quà quý giá mà Thiên Chúa gieo vào tâm hồn chúng ta, là lời kêu gọi bước ra khỏi chính mình để bước đi trên hành trình yêu thương và phục vụ. Và mỗi ơn gọi trong Giáo hội, dù là ơn gọi giáo dân hay thừa tác viên thánh chức hay đời sống thánh hiến, đều là dấu chỉ hy vọng mà Thiên Chúa dành cho thế giới và cho mỗi người con của Người….“.
Ngài nói riêng với người trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, Cha phó thác sự nỗ lực đi theo Chúa của các con cho sự chuyển cầu của Đức Ma-ri-a, Mẹ của Giáo hội và của ơn gọi. Hãy luôn bước đi như Những người Hành hương Hy vọng trên con đường Tin Mừng! Cha đồng hành cùng các con bằng phép lành của cha và cha xin các con hãy cầu nguyện cho cha.“
Ngài cho rằng: “Gia đình là mái trường đầu tiên và cũng là một chủng viện tiên khởi vun trồng ơn gọi; trong bổn phận là người cha người mẹ trong gia đình; là người giáo lý viên là người phục vụ các đoàn thể trong giáo xứ, tất cả chúng ta đều có bổn phận tìm kiếm và chăm sóc cho ơn gọi được phát triển và lớn lên trong Giáo hội. Những cản trở luôn giăng đầy, ta cố gắng hiệp hành bên nhau và cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Vị Mục tử Nhân lành, Ngài đã hứa: “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào”.
Giờ đây trên Nước Trời chắc chắn ngài đang cầu nguyện và mong chờ lời đáp trả của chúng ta. Xin Chúa ban cho Giáo hội ngày càng có nhiều tâm hồn, nhất là các bạn trẻ biết quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa để hiến dâng đời mình phục vụ Chúa và tha nhân.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==========
Suy niệm 3: ƠN GỌI - ĐẶC SỦNG và SỨ MỆNHKính thưa quý ông bà và anh chị em! Mỗi khi chúng ta nghe nói đến ơn gọi, chúng ta thường nghĩ ngay đến đời sống dâng hiến, trở thành Linh mục, hay tu sĩ. Nhưng chẳng lẽ ơn gọi, ân sủng của Chúa chỉ hạn hẹp và đặc cách cho bậc sống ơn gọi tu trì, dâng hiến thôi hay sao? Phải chăng Chúa chỉ gọi và chọn một số ít người để thực hiện kế hoạch cứu độ yêu thương của Chúa?
Trên thực tế, trong Giáo Hội có ba ơn gọi chính: sống tu trì dâng hiến, sống đời sống gia đình, giáo dục đức tin, nuôi dưỡng ơn gọi và sống độc thân vì lý tưởng cao đẹp như hy sinh cả đời lo cho các em mồ côi, những ai neo đơn khốn khổ, v.v…Một khi chúng ta nhìn ơn gọi theo hướng này, thì chúng ta không thể phủ nhận: số người được mời gọi sống bậc sống gia đình là nổi trội hơn hẳn. Tuy nhiên, trong Phụng Vụ hôm nay - Lễ Chúa Chiên Lành - Giáo Hội dành trọn ngày hôm nay cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cho các bạn trẻ dám can đảm lắng nghe, đón nhận và bước theo tiếng Chúa mời gọi trở nên môn đệ của Người trong bậc sống thánh hiến.
Trước hết, ơn gọi là một đặc sủng mà chính Thiên Chúa ban tặng. Một khi là ân sủng thì con người chúng ta không thể nào tự ban phát, hoặc tự làm ra, hoặc tự nỗ lực hầu đáp ứng điều kiện để nhận lãnh. Và vì Thiên Chúa trao ban, nên không dựa trên tiêu chuẩn của con người như thành công, tài năng, khôn ngoan, lanh lợi, thành tựu, diện mạo tuấn tú hay xinh đẹp…, nhưng nhờ vào tình thương, lòng xót thương vô biên của Người mà chúng ta được chọn giữa vô số đông đảo giáo dân như Thánh Phao-lô xác tín: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa,…tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (x. 1Cr 15, 10). Trong cuộc đời, chúng ta thường thấy nhiều mảnh đời đáng thương, gia thế neo đơn, kinh tế không ổn định, con cái phải bỏ học, oằn lưng gánh gồng cùng cha mẹ làm lụng mưu sinh qua ngày, và không khỏi ước mơ thoát cảnh cơ cực, nghèo khổ này. Như thế, có nhiều bạn trẻ lấy đó làm động lực để tìm hiểu ơn gọi, hoặc muốn trở thành người cứu sinh cho gia đình mà chọn đời sống ơn gọi tu trì! Ngược lại, nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ ai đó có một quá khứ không mấy đẹp đẽ như bán vé số nuôi gia đình, bán dạo, nghèo cùng đinh thì không thể được chọn làm Linh mục của Chúa; hoặc nghĩ ai đó sống trong cảnh sung túc tại thành phố, chốn phồn hoa đô thị cũng không thể sống ơn gọi tu trì! Lối suy nghĩ này hay tư tưởng này vốn dĩ là của con người chúng ta, chứ không phải ý định của Thiên Chúa; vì một khi nhận biết ơn gọi chính là nhận biết Thiên Chúa - Người đang mời gọi chúng ta. Nhưng làm sao để nhận ra điều này? Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta đã từng nói: “Sự bình an/nền hoà bình khởi sự từ nụ cười”, và cũng sự bình an này bắt đầu từ gia đình. Cho nên, ơn gọi cũng chớm nở từ trong gia đình, qua việc chia san tình yêu thương, hy sinh của cha mẹ đối với con cái, qua việc tha thứ cho nhau, qua việc cùng nhau cảm nghiệm ơn Chúa thông truyền trong mỗi giờ nguyện gẫm cùng nhau, trong giờ cơm chung với nhau, trong từng giây phút hằng ngày…Một lần con được nói chuyện cùng với Sr. Angela, Tổng quyền dòng Thiên Thần, và con mạo muội hỏi Sơ: “Theo Sơ, vì sao ngày nay ơn gọi lại ít dần?”, Sơ không ngần ngại, trả lời liền: “Ngày trước, nhiều người đi tu nhờ vào các câu chuyện Hạnh các Thánh, những lúc cha mẹ nói chuyện với con cái về Thiên Chúa, về Giáo Hội. Còn ngày nay, cha mẹ không có thời gian chuyện trò với con cái, lại càng không có thời giờ nói cho con cái nghe về Chúa, các Thánh và Giáo hội…!” Thiết nghĩ, đây cũng có thể là thực trạng khan hiếm ơn gọi tại Nhật chăng? Một khi con người sung túc, tiện lợi, đời sống vật chất không quá giàu sang nhưng thoải mái nhờ biết bao nhiêu tiện ích của công nghệ, khoa học kỹ thuật đã chi phối đời sống thiêng liêng, đời sống gia đình. Cha mẹ lao vào công việc làm lụng vất vả hầu chỉ cho con cái đời sống thể lý cường tráng, đời sống học vấn thành công, mà quên mất việc dường như quá đơn giản, đó là: tạo mối tương quan với con cái, chuyện trò, nói với con về đời sống đạo, kể những mẫu chuyện nho nhỏ về các Thánh, về Chúa, về Giáo hội và về cảm nghiệm ơn Chúa trong đời sống hằng ngày.
Thứ đến, ơn gọi không chỉ lãnh nhận đặc sủng, lời mời của Thiên Chúa rồi ‘cất giấu’ hay ‘giữ riêng’ cho mình, mà nó gắn liền với sứ mệnh, một trách vụ đặc biệt như thánh Phao-lô trong bài đọc I đã can đảm rao truyền Lời Chúa, làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh cho hết mọi người, kể cả những ai quay lưng từ chối Lời Chúa, và nhất là cho mọi người có tấm lòng thiện chí đón nhận, “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất"” (Cv 13, 46-47). Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm được trách vụ nặng nề này nếu không có bàn tay nâng đỡ, sự đồng hành của Chúa Chiên Lành. Với giới hạn của bản thân, chúng ta luôn tín thác, cộng tác với Chúa thì mọi việc sẽ trở nên đẹp lòng Chúa vì “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta” (Ga 10, 27-29). Ngoài việc tín thác, tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta cần được rèn luyện, trau dồi kỹ năng cần thiết, và nhất là trung tín với Người đã mời gọi-chọn chúng ta. “Thiên Chúa mời gọi chúng ta không phải để trở nên những người thành công, mà để trở thành những người tín trung” (trích từ châm ngôn của Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta). Để rồi, một ngày nào đó, chúng ta cũng được “đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên trong một đám đông không thể đếm được, thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói…họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế” (x. Kh 7, 9).
Giờ đây, con xin mời cộng đoàn cùng thinh lặng trong giây lát để cùng lắng nghe tiếng tâm hồn, cũng là nơi mà Chúa đang muốn đến gặp gỡ và chuyện trò với chúng ta:
Lạy Chúa Chiên Lành từ nhân
Người dẫn con đi, ân cần rạng khơi
Tới nguồn suối mát thảnh thơi
Trên đồng xanh cỏ, nghỉ ngơi con nằm
Xin thêm chủ chăn âm thầm
Rao truyền sớm tối, thăng trầm biến tan…Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 4: CHÚA CHIÊN LÀNH
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn ngắm chân dung một vị Chủ Chăn Tốt Lành, đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là vị Mục Tử và là Chúa Chiên Lành. Chính vì vậy, Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Con thiết tưởng rằng: không một ai trong chúng ta không mong muốn được Chúa Chiên chăn dắt, hướng dẫn chúng ta đến suối nguồn ơn cứu độ, đến sự sống đời đời. Ước mong vẫn chỉ là mong ước nếu chúng ta không biết tín thác, đặt hết niềm tin tưởng và vâng theo lời Vị Chủ Chăn Tốt Lành. Ước mơ vẫn mãi là mơ ước nếu chúng ta không dốc quyết đón nhận Lời Chúa, sống và để Lời Hằng Sống biến đổi cuộc đời, tâm tư, con người yếu đuối, tội lỗi của chúng ta. Trong tâm tình sống Mầu Nhiệm Vượt Qua – Cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh – của Chúa Ki-tô, con xin quý ông bà và anh chị cùng đồng hành với con tìm hiểu và sống Lời Chúa qua các bài đọc của Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay.
Nhớ lại nhiều năm về trước, con được gửi sang Phi-luật-tân học theo chương trình đào tạo linh mục trong Chủng Viện mang tên Chúa Chiên Lành, với tôn chỉ sống đơn sơ – khó nghèo – công bình và ước mong trở nên một vị linh mục tốt lành và thánh thiện như Đấng Mục Tử đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Có thể nói: nhìn nơi gương Chúa Giê-su là Chủ Chăn Thánh Thiện và Tốt Lành, mọi thành viên trong Chủng viện, không những các cha giáo, các cha đào tạo, chủng sinh mà nhân viên làm việc ở Chủng viện cũng cùng nhau sống chan hoà, noi gương, cố gắng bắt chước Đấng đã nhận làm Thánh bổn mạng Chủng Viện – Chúa Giê-su, Vị Mục Tử Tốt Lành. Trong tâm tình ấy, con xin chia sẻ với quý ông bà và anh chị em sống theo gương Chúa Giê-su qua 3 chữ cái đầu của từ ‘Chúa Chiên Lành’.
Trong trình thuật của Thánh Gio-an chương 10, có đoạn viết: “...chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Để trở nên ‘chiên’ của vị Mục Tử tốt lành, chúng ta phải trở nên người biết chú tâm lắng nghe Người. Đó là chữ C đầu tiên! Người biết lắng nghe chính là người dám đặt mình vào hoàn cảnh của người thuật chuyện. Như vậy chúng ta mới có thể cảm thông, thấu hiểu và đồng hành cùng với đương sự. Hơn nữa, người biết lắng nghe là người chú tâm nghe cả con tim của mình, chứ không chỉ nghe bằng ‘đôi tai có chân chạy dài’ nghĩa là nghe từ tai này qua tai nớ rồi chạy mất hút, không hẹn ngày trở về! Chúng ta chỉ có thể yêu mến Lời Chúa nếu mỗi người chúng ta biết đặt mình dưới Lời Người. Mặc khác, khi chúng ta lắng nghe Lời, Thiên Chúa mới có thể chuyện trò, hàn thuyên với ta. Và Ngài cũng đang lắng nghe chúng ta, ghé mắt nhìn chúng ta và thấu rõ tường tận chúng ta “...tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27b).
Chữ thứ hai đó là chữ C trong từ ‘cộng tác’ với ơn Chúa. Thánh Phao-lô khuyên răn giáo đoàn tại An-ti-ô-ki-a miền Pi-xi-đi-a: “Anh em phải là người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa...” (Cv 13, 46a). Thật hãnh diện và vui mừng xiết bao khi được trở nên người lãnh hội, lắng nghe và đón nhận Lời Thiên Chúa! Nhưng niềm vui ấy sẽ trở nên trọn vẹn, tròn đầy hơn nếu chúng ta biết cộng tác với ơn sủng do Lời Chúa sáng soi, hướng dẫn chúng ta sống chứng tá qua mọi biến cố thường nhật. Ngược lại, thật đáng tiếc thay, người Do thái theo đạo nơi giáo đoàn An-ti-ô-ki-a đã khước từ và cao ngạo không biết đón nhận Lời Thiên Chúa qua sự nỗ lực truyền rao của thánh Phao-lô như Ngài tha thiết, thẳng thắn thốt lên với họ rằng: “...nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13, 46b). Để trở nên đoàn chiên dưới sự chăn dắt tài tình của Vị Mục Tử Tốt Lành, chúng ta nên mở rộng đôi tai, mở toan con tim chú tâm lắng nghe Ngài, cộng tác với vô vàn ơn lành, ân sủng Người ban cho chúng ta qua Lời Hằng Sống, Mình và Máu Thánh Ngài. Đặc biệt, dám quyết tâm sống Lời Chúa dẫu cho cuộc đời có đảo nghiên, thế giới này có chuyển lay và xã hội này có tan biến đi chăng nữa, thì Lời của Mục Tử Tốt Lành sẽ chẳng ‘cuốn theo làn gió bụi bay đi’ đâu. Vì vậy, chữ L trong từ ‘làm việc’ với cả nhiệt huyết, đầy nhiệt tâm, nhiệt thành như Chúa Chiên Lành đã không tiếc gì sự sống mình, dám hy sinh cho đoàn chiên. Như vậy, chúng ta mới được tham dự vào cộng đoàn chư Thánh như lời của Sách Khải Huyền khẳng định: “Họ là những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế họ được chầu ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền thờ của Người, Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn” (Kh 7, 14-15) Các Thánh đã miệt mài làm việc, nỗ lực hết mình khi còn sống tại thế, đã trải qua biết bao thử thách gian lao, không quản ngại hy sinh sống, thực hành Lời Chúa và trung thành làm chứng cho Lời của Chúa Chiên Lành.
Nguyện xin ân sủng Chúa thánh hoá, thúc giục chúng con trở nên đoàn chiên tốt lành, thánh thiện của Vị Chủ Chăn chí Thánh. Xin Ngài dẫn dắt mỗi người chúng con, đặc biệt các vị mục tử trong mọi hoàn cảnh, biến cố cuộc sống biết Chú tâm lắng nghe, Cộng tác với ơn Chúa và nhiệt thành Làm việc như Chúa Chiên Lành đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 5: Tôi Ban Sự Sống Cho Chiên
Trước bao nhiêu lời giảng dạy, bao dấu lạ Đức Giêsu đã làm chứng tỏ Người từ Chúa Cha mà đến, “Tôi và Chúa Cha là một”, vậy mà người Do Thái vẫn không tin. Chúa Cha và Chúa Con đều hoạt động cho cùng một mục đích là để con người có thể tin vào Đức Kitô và được hưởng sự sống muôn đời. Những ai không tin, thì họ không thuộc về đoàn chiên của Người. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10, 27). Cái “biết” ở đây là thông chia cuộc sống, là ở với, sống với nhau. Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo. Hình ảnh đoàn chiên ngoan ở giữa chủ chăn, được mô tả trong sách Khải huyền nơi bài đọc II được hưởng sự sống đời đời: “Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, họ thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Người; Đấng ngự trên ngai của Người sẽ căng lều cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ”. (Kh 7,9.14b-17).
Ngày hôm nay chúng con đã là những con chiên thuộc đoàn chiên của Chúa chưa? hay vẫn bị lạc lõng giữa đời với bao sự thế vây bủa? chúng con đã nghe được tiếng của Chúa chưa? hay nghe mãi mà chẳng hiểu chi? Nếu không nghe thấy gì thì làm sao con bước theo Chúa?
Lạy Chúa! xin cho con biết “lắng nghe” để nhận ra tiếng Chúa và ngoan ngoãn bước theo tiếng Chúa gọi mời. Amen.
Én Nhỏ
==========