Thứ ba, 19/03/2024
LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN HƯNG HÓA

LỜI DẪN

Giáo phận Hưng Hóa được tách từ địa phận Tây Đàng Ngoài năm 1895 do Đức Thánh Cha Lêô XIII, đời Đức Cha Đông (Gendreau), giám mục Tây Đàng Ngoài và cha Paul Ramond (Lộc) được đặt làm giám mục tiên khởi của địa phận mới: Địa phận “Thượng Bắc Kỳ” hay “Địa phận Đoài”. Ngày 03/12/1924, khi các địa phận mới ở Việt Nam đổi tên, địa phận Đoài mới được đổi tên thành “Địa phận Hưng Hóa”. Trụ sở Tòa giám mục lúc đầu tọa lạc tại Hưng Hóa (nay là thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ),  nhưng vì chiến tranh, ngày 02/11/1950, trụ sở này phải sơ tán về Giáo xứ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây và trụ ở đó cho tới nay.
Về diện tích, Hưng Hóa là một Giáo phận rộng nhất trong các Giáo phận Việt Nam hiện nay: khoảng 58.000 km². Hưng Hóa trải rộng trên địa bàn của 10 tỉnh thành, trong đó có Sơn Tây cũ (nay thuộc TP. Hà Nội), Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và một phần các tỉnh: Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Giang. Trong số đó chỉ có huyện Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ và tỉnh Sơn Tây cũ là đồng bằng, một phần là trung du, còn lại hầu hết là rừng núi.
Về các sắc tộc, Giáo phận Hưng Hóa cũng vào hạng nhất nhì, vì hiện có tới 31 dân tộc chung sống. Đông nhất là dân tộc H’Mông, ít nhất là dân tộc Thủy (chỉ có khoảng 100 người sống ở Tuyên Quang).
Với sự cai quản của 12 Giám Mục vị Bề trên gồm Hồng Y, Giám mục và Linh mục giám quản, sau 125 năm, Giáo phận Hưng Hóa được phân chia làm 9 hạt.
+ Giáo phận Hưng Hóa được các Đấng cai quản:
1. Đức Cha Paul Ramond (Lộc): 1895 – 1944. Qua đời tại Sa Pa ngày 06/01/1944.
Dưới triều đại của ngài, đời sống đạo về mặt xã hội được tự do, thậm chí còn được bênh vực (năm 1895 có 16.950 tín hữu, 24 linh mục, tới năm 1938 khi Đức Cha nghỉ hưu đã có tới 64.000 tín hữu và 78 linh mục).
2. Đức Cha Gustave Vandaele (Vạn): 1936 - 21/11/1943. Giáo phận tiếp tục phát triển vì không có chiến tranh và được tự do sống đạo.
3. Đức Cha Jean Mazé (Kim): 1945 – 1959, qua đời 02/02/1964. Trong đời Ngài các linh mục thừa sai bị trục xuất, 24 linh mục đi Nam năm 1954. Các linh mục Việt Nam và các vị chức việc nhiệt tình đều bị qui địa chủ và giam cầm. Đức Cha Kim cũng không được ra khỏi tỉnh Sơn Tây và cũng bị trục xuất ngày 08/12/1959.
4. Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang (1960 -1985): Là thời kỳ khó khăn. Suốt 25 năm Giám Mục, ngài không được tham dự Công đồng Vaticanô II, không được đi thăm các Giáo xứ, thậm chí về quê Bến Thôn cũng không được vào nhà thờ, không được dâng lễ. Cuối năm 1968, tại thị xã Sơn Tây người ta còn bắc loa trõ vào Tòa giám mục và hô khẩu hiệu: “Đả đảo tập đoàn Nguyễn Huy Quang”. Các nhà thờ bị phá hủy nhiều, do chiến tranh cũng có, bị chiếm đoạt làm kho thóc hợp tác xã hoặc làm trường học cũng có, ruộng đất, đồi nương của các xứ họ bị công hữu hóa. Các trường đào tạo bị đóng cửa, sách đạo không được in ấn, thậm chí còn bị tịch thu.
5. Đức Cha Giuse Phan Thế Hinh (1976 – 1989): Tình hình dễ thở hơn một chút, sau khi 117 chân phước tử đạo Việt Nam được phong thánh: Ngài được đi thăm các Giáo xứ sau 47 năm bị cấm cản (1941 – 1988) .
Ngài thống nhất nhiều điểm trong phụng vụ: Kinh hạt, chầu Mình Thánh, khảo hôn nhân... nhất là việc dạy giáo lý và giảng giải của các linh mục.
6. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1989 – 1990): Giám quản tông tòa. Ngài chỉ được thăm Cha tổng đại diện Phaolô Nguyễn Khắc Hy (Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ) và Cha Gioan Lương Đình Nghi (nhà thờ Bách Lộc, Phúc Thọ, Hà Tây). Còn các chương trình khác của Đức Hồng Y đều không được chấp thuận.
7. Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu (1991 – 1992): Mới là tổng đại diện, ngài đã mạnh dạn xây dựng Tòa giám mục (1990) ở Sơn Tây sau 40 năm các đấng giám mục phải sống chật chội. Khi vừa nhận chức giám mục, ngài đã đưa 13 chủng sinh vào học trong Nam để ngày 14/02/2006 Giáo phận được hân hoan đón nhận 11 linh mục mới. Rất đáng tiếc là ngài lâm bệnh nặng và qua đời sau khi thụ phong giám mục được 13 tháng 8 ngày vào ngày 09/05/1992.
8. Cha giám quản Phaolô Đinh Tiến Cung (1992 – 1998): Tổ chức Năm thánh 100 năm của Giáo phận kết quả tốt đẹp, nhất là ngài đã mạnh dạn đưa các nữ tu Mến Thánh Giá đi các Giáo xứ dạy giáo lý và đào tạo đội ngũ giáo lý viên..
9. Cha giám quản Giuse Nguyễn Thái Hà (1998 – 2003): Phát triển các hiệp hội tông đồ giáo dân, nhất là Tu hội Thánh Tâm.
10. Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương (2003 – 2011). Sau 12 năm phái đoàn Tòa thánh thương thảo với chính phủ Việt Nam về vấn đề tôn giáo mới có sự thống nhất để Giáo phận có Giám mục. Khi Đức Cha về nhận Giáo phận, mọi vấn đề được giải quyết thông thoáng hơn. Tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, nơi chính quyền cho là “không có nhu cầu tôn giáo” cũng được khai thông, nhờ sự kiên trì gặp gỡ trao đổi của ngài.
11. Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất (2011 - 2020): Tiếp nối tinh thần của Đức Cha tiền nhiệm đã phân chia nhiều Giáo xứ. Năm 2013, Đức Cha Gioan có thêm Đức Cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long chia sẻ gánh nặng. Ngài đã được nghỉ hưu và có Đức Cha giám quản.
12. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên: Hiện đang là Giám mục phụ tá Giáo phận Vinh. Ngày 29/08/2020, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Hưng Hóa. 
13. Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến: Ngày 18/12/2021, Đức Thánh Cha Phaxico đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Chính toà giáo phận Hưng Hoá. Thánh lễ Truyền chức Giám Mục được cử hành vào ngày 14/02/2022 tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc.

 

I. Vị trí địa lý xã hội

Giáo phận Hưng Hóa có diện tích khoảng 58.000 km2, trải rộng trên địa bàn của 10 tỉnh thành thuộc miền Tây Bắc Việt Nam. Địa phận bao gồm: Trọn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La; phần lớn tỉnh Hoà Bình, một phần Thành phố Hà Nội và một phần các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
Ranh giới của Giáo phận Hưng Hóa: phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Tây giáp với Lào, phía Tây Nam giáp với Thanh Hóa và Ninh Bình, phía Đông Nam giáp với Giáo phận Hà Nội, phía Đông Bắc giáp với Giáo phận Bắc Ninh và Lạng Sơn.



II. Dân số Công giáo 
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, Giáo phận Hưng Hóa có 159 giáo xứ và Chuẩn xứ, trên 750 giáo họ và Giáo điểm. Số giáo dân là 264.833 tín hữu, chiếm tỷ lệ 3,6% dân số (khoảng 7.000.000 dân trên địa bàn). Số tín hữu phần lớn là người Kinh, số tín hữu còn lại (khoảng gần 10%) là người H'mông, một số rất nhỏ là người Mường, Dao và Thái. 
Giáo phận Hưng Hóa đón nhận đức tin chính thức từ các linh mục Dòng Tên vào đầu thế kỷ 17, khoảng năm 1615-1627. Các thừa sai đi thuyền dọc sông Hồng và các sông thuộc hệ thống sông Hồng đến gieo vãi hạt giống Tin Mừng. Năm 1599, hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vào mảnh đất Hưng Hóa ở làng Bầu Nọ. Tuy nhiên, hạt giống âm thầm đó mãi tới năm 1647 mới nảy mầm và trổ sinh khi những thừa sai đã tới sống và giảng đạo tại làng này, nay là Giáo xứ Nỗ Lực, thuộc xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 1707, Giáo xứ Bầu Nọ (Nỗ Lực ngày nay) được chính thức thành lập và trở thành Giáo xứ đầu tiên trên Giáo phận. Khi đó, trên địa bàn của Địa phận Hưng Hóa đã có 52 nhà thờ và nhà nguyện, với 3.960 giáo dân.
Trải qua giai đoạn khởi đầu đầy gian nan thử thách, hạt giống Tin Mừng ngày càng sinh hoa kết trái với số tín hữu ngày càng tăng, một số Giáo xứ mới lần lượt được hình thành thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Đến đầu năm 1895, trên địa bàn Hưng Hóa đã có 7 Giáo xứ (Bầu Nọ; Yên Tập; Hán Đà; Đức Phong; Dư Ba; Tuyên Quang và Bách Lộc).
Biến cố quan trọng đánh dấu cột mốc lớn lao của Giáo phận mà mọi người mong ước đã đến. Ngày 15/04/1895, Tòa thánh quyết định tách Hưng Hóa từ Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) thành một Giáo phận mới, đặt tên là Thượng Đàng Ngoài hay còn gọi là Giáo phận Đoài gồm 11 Giáo xứ, 96 họ đạo, 24 linh mục (12 thừa sai của Hội Truyền Giáo Paris và 12 bản xứ), 16.950 giáo dân. Tòa giám mục được đặt tại tỉnh lỵ Hưng Hóa. Như thế, trải qua 188 năm (từ năm 1707 đến năm 1895), từ một Giáo xứ đầu tiên trên địa bàn với 3.960 giáo dân đã phát triển lớn mạnh thành Giáo phận, với 11 Giáo xứ, gần 17.000 giáo dân.
Ngày 03/12/1924, Tòa thánh quyết định đổi tên các Giáo phận ở Việt Nam, trong đó Giáo phận Đoài (Tây) đổi thành Giáo phận Hưng Hóa (lấy theo tên tỉnh Hưng Hóa). Tòa giám mục được đặt tại tỉnh lỵ Hưng Hóa, nay là thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Khi đó, Giáo phận đã tăng lên 25 Giáo xứ với hơn 32.000 giáo dân.
Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, vì mất an ninh, ngày 02/11/1950, Đức Cha Jean- Marie Mazé (Kim) đã quyết định dời Tòa giám mục về tỉnh lỵ Sơn Tây, thuộc tỉnh Sơn Tây, nay là thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Khi đó, Giáo phận đã tăng lên 42 Giáo xứ, 70 linh mục, với gần 70.000 giáo dân.
Ngày 24/11/1960, Tòa thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Hưng Hóa trở thành Giáo phận chính tòa thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, và Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang được đặt làm Giám mục chính tòa tiên khởi. Khi đó Giáo phận có 72 linh mục, coi sóc 42 Giáo xứ với hơn 64.000 giáo dân (do bối cảnh chính trị xã hội, một số giáo dân di cư vào Nam, một số bỏ đạo; nên tổng số giáo dân giảm so với năm 1950), 435 Giáo họ và Giáo điểm.

III. Các giai đoạn phát triển từ khi Giáo phận được chính thức thành lập (1895 - 2020)


1. Giai đoạn thứ nhất (1895 - 1960)
Năm 1895, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tách 3 tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang khỏi Giáo phận Tây Đàng Ngoài để thiết lập một giáo phận Tông tòa mới, gọi là Giáo phận Đoài và đặt Đức Cha Paul Marie Ramond Lộc coi sóc. Khi đó, Giáo phận bao gồm 11 Giáo xứ, 93 họ đạo, 24 linh mục (12 thừa sai của Hội Thừa Sai Paris và 12 bản xứ) và 17.000 giáo dân.
Đức Cha Paul Marie Ramond Lộc đặt Tòa giám mục tại tỉnh lỵ Hưng Hóa, vì gần sông, thuyền bè đi lại dễ dàng và là nơi có nhiều người theo đạo.
Để phát triển Giáo phận, việc đầu tiên ngài lo đào tạo nhân sự, đặc biệt là đào tạo linh mục cho giáo phận. Vì thế, Nhà Tràng Hà Thạch (Tiểu chủng viện) được thành lập năm 1896 với cơ sở ban đầu bằng tranh tre nứa lá. Năm 1927, Tiểu chủng viện được xây dựng kiên cố như hiện nay. Nhiều linh mục được đào tạo và xuất thân từ đây để phục vụ Giáo phận.
Dưới thời 3 Đức Cha MEP (Hội Thừa Sai Paris): Đức Cha Paul Marie Ramond Lộc (1895 - 1938), Đức Cha Gustave Vandæle Vạn (1938-1943), Đức Cha Jean Marie Mazé Kim (1946 - 1960), số linh mục gia tăng từ 24 lên 58 vị; số giáo dân từ 17.000 lên 64.000 người. Các Đức Cha đã chia tách và thành lập nhiều Giáo xứ, Giáo họ mới: từ 11 lên 42 Giáo xứ, và từ 96 lên 435 Giáo họ và Giáo điểm.

2. Giai đoạn thứ hai (1960 - 1985)

Khi Tòa thánh thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Giáo phận Tông tòa Hưng Hóa trở thành giáo phận chính tòa, và Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang được đặt làm Giám mục chính tòa Giáo phận. Đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn của giáo phận: Các hoạt động tôn giáo bị chính quyền hạn chế tối đa, số linh mục quá ít không đủ đáp ứng nhu cầu mục vụ cho giáo dân trên địa bàn rộng lớn; giáo dân sống tản mát trong Giáo phận không được chăm lo mục vụ đầy đủ. Hơn nữa, Đức Cha không thể kinh lý làm mục vụ trong Giáo phận.
Sau khi Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang từ trần (1985), Đức Cha Giuse Phan Thế Hinh lên kế nhiệm (ngài được Tòa thánh đặt làm Giám mục phó với quyền kế vị từ năm 1976). Lúc này, xã hội chuyển biến, chính sách tôn giáo cởi mở hơn, Đức Cha có thể đi kinh lý và làm mục vụ tại các Giáo xứ và Giáo họ trong giáo phận. Từ đó, giáo dân được vị Cha chung của Giáo phận đến thăm hỏi và ban bí tích, đời sống đức tin bắt đầu được hồi phục mạnh mẽ, tinh thần tăng cao để làm đà phát triển cho tương lai.

3. Giai đoạn thứ ba (1986 - 2022)

Sau 4 năm phục vụ, Đức Cha Giuse Phan Thế Hinh đột ngột từ trần ngày 22/01/1989. Năm 1991, Tòa thánh đặt Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu làm Giám mục Giáo phận. Tuy nhiên chỉ hơn một năm sau, ngài từ trần vì bạo bệnh (09/05/1992). Tuy làm giám mục trong thời gian ngắn ngủi, nhưng Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu đã lo liệu đến việc đào tạo nhân sự và xây dựng cơ sở cho Giáo phận, khi ngài gửi 13 chủng sinh vào học tại miền Nam và cho xây dựng Tòa giám mục tại Sơn Tây.
Vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo phận (1895-1995), dù Giáo phận trống tòa, nhưng Cha giám quản Phaolô Đinh Tiến Cung, cùng linh mục đoàn ít ỏi đã tổ chức Năm Thánh kết quả tốt đẹp. Giáo phận đẩy mạnh kế hoạch tông đồ giáo dân (Công giáo tiến hành) nhằm phát triển đời sống đức tin và truyền giáo; trong đó việc đào tạo nhân sự để cộng tác với Hàng giáo sĩ được ưu tiên hàng đầu. Đó là việc đào tạo: ban hành giáo, giáo lý viên, thừa tác viên ngoại thường.
Năm 1998, dưới thời Cha giám quản Giuse Nguyễn Thái Hà, giáo phận đề ra nghị quyết xây dựng Giáo phận, các giáo xứ, giáo họ trong tương lai theo 4 tiêu chí: cộng đoàn đức tin vững mạnh, cộng đoàn phụng tự sốt sáng, cộng đoàn bác ái huynh đệ, từ đó hướng đến cộng đoàn nhiệt thành truyền giáo. Nghị quyết này được thực hiện trong toàn Giáo phận, người giáo dân được mời gọi cộng tác tích cực, nhờ đó Giáo phận có được sức sống mới.
Ngày 05/08/2003, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa, sau hơn 11 năm Giáo phận trống tòa. Ngay sau khi nhận sứ vụ, Đức Cha đã bắt tay vào việc đào tạo nguồn lực nhân sự cho Giáo phận nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và nhất là hướng tới việc truyền giáo trong tương lai. Ngài đã xúc tiến mạnh mẽ việc đào tạo linh mục, gửi nhân sự đi tu học ở nước ngoài là các linh mục, tu sĩ. Bên cạnh đó, việc đào tạo giáo lý viên, thừa tác viên, ban hành giáo cũng được quan tâm cách đặc biệt. Từ đó, Giáo phận Hưng Hóa chuyển mình sang trang sử mới, hứa hẹn tương lai đầy tươi sáng trong việc loan báo Tin Mừng nơi miền Thập Tỉnh Tây Bắc Việt Nam.
Đức Cha Antôn tiếp tục kế hoạch xây dựng Giáo phận theo 4 tiêu chí đã đề ra từ năm 1998, đồng thời quan tâm hơn nữa đến lãnh vực bác ái xã hội như khuyến học, lưu tâm đến các dân tộc thiểu số, người già cả neo đơn, người khuyết tật, giáo dục mầm non...
Vì Giáo phận Hưng Hóa quá rộng, nhu cầu mục vụ cần thiết rất lớn, nên cần có thêm giám mục phụ tá để giúp Giám mục chính tòa. Do đó, ngày 29/03/2010, Đức thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Cha Gioan Maria Vũ Tất làm Giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa. Mọi người chưa hết vui mừng trước hồng ân này, thì ngày 01 tháng 3 năm 2011, Tòa thánh bổ nhiệm Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương làm Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Hưng Hóa. Cộng đoàn dân Chúa bị hụt hẫng ít nhiều vì Giáo phận thiếu một vị mục tử chăm sóc, luôn sống chết với đoàn chiên do chuyển đi Giáo phận khác.
Để bù đắp vào sự hụt hẫng đó, ngày 15/06/2013, Đức thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám đốc đại chủng viện Huế, làm Giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, hầu có thêm nhân sự giúp mục vụ cho Giám mục chính tòa. Lễ tấn phong giám mục được cử hành tại nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc ngày 06/09/2013. Sau hơn 5 năm dấn thân phục vụ quên mình theo khẩu hiệu giám mục: “Mang vào mình mùi chiên”, ngày 22/12/2018, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã được Tòa thánh thuyên chuyển làm Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh.
Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, cùng với Đức Cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long đã tiếp nối đường hướng xây dựng Giáo phận của Đức Cha Antôn, đồng thời phát triển mạnh mẽ hơn nữa việc đào tạo nguồn lực nhân sự cho Giáo phận. Việc dấn thân quên mình loan báo Tin Mừng ở những vùng sâu vùng xa, cũng như loan báo Tin Mừng cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn Giáo phận được quan tâm cách đặc biệt. Từ đó, Giáo phận Hưng Hóa như đang hưởng một mùa xuân tươi thắm nơi cánh đồng truyền giáo Miền Thập Tỉnh Tây Bắc bao la.
Sau 10 năm quên mình phục vụ đoàn chiên Chúa trao với cương vị mục tử (1 năm Giám mục phụ tá, 9 năm Giám mục chính tòa), ngày 29/08/2020, Tòa thánh chấp nhận đơn từ nhiệm của Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất vì đến tuổi hưu. Đồng thời, Tòa thánh cũng bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục phụ tá giáo phận Vinh, hiệu Tòa “Megalopoli di Proconsolare” làm Giám mục Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Hưng Hóa.
Đến ngày 18/12/2022, Đức Thánh Cha bổ nhiệm cha Đaminh Hoàng Minh Tiến làm Giám mục Chính toà Giáo phận Hưng Hoá. Thánh lễ truyền chức giám mục được cử hành vào ngày 14/02/2022 tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc do Đức cha Antôn Vũ Huy Chương Chủ phong cùng hai Giám mục Phụ phong là Đức cha Gioan Maria Vũ Tất và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên.
Ngày 15/02/2022, sau thánh lễ Truyền chức giám mục của Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên đã dâng thánh lễ kết thúc sứ vụ tại nhà nguyện Toà Giám mục Hưng Hoá sau hơn một năm phục vụ cho giáo phận này để trở về Giáo phận Vinh. 
Từ đây, Giáo phận Hưng Hóa lại chuyển sang giai đoạn mới với đầy hứa hẹn vào một tương lai tươi sáng.

4. Linh mục, chủng sinh và tu sĩ

Tới tháng 31 tháng 12 năm 2021, Giáo phận Hưng Hóa có 186 linh mục phục vụ, trong đó 146 linh mục Giáo phận và 40 linh mục dòng (Dòng Anh Em Thuyết Giáo, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Tu Hội Truyền Giáo thánh Vinh Sơn, Dòng Thừa Sai Đức Tin, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, Dòng Don Bosco, Dòng Ngôi Lời, Dòng Thánh Tâm Huế, Tu đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa, Hội Thừa Sai Việt Nam, Dòng Tên, Dòng Phan Sinh).
Giáo phận có 121 đại chủng sinh đang theo học tại các chủng viện (Hà Nội, Huế và Xuân Lộc), 89 tiền chủng sinh và tu sinh sinh viên. Giáo phận có 1.860 giáo lý viên. 
Hưng Hóa có dòng Giáo phận là Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa với 405 nữ tu, 42 cộng đoàn trên khắp Giáo phận. Bên cạnh đó, Hưng Hóa có sự hiện diện của 2 tu viện Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, 2 cộng đoàn nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, 4 cộng đoàn nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

5. Cơ sở của Giáo phận

5.1. Tòa giám mục:

Là một tòa nhà 3 tầng, được xây dựng từ năm 1990 dưới thời Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu, được cải tạo và nâng cấp thời Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương. Tòa nhà nhỏ bé đó đã xuống cấp và không đủ để đáp ứng nhu cầu mục vụ của Giáo phận, do vậy năm 2018 đã được hạ giải để xây Tòa giám mục mới khang trang hơn đáp ứng nhu cầu mục vụ của Giáo phận.
Tòa giám mục mới được khánh thành vào ngày 08/12/2020 với 4 tầng.
 
 
Tòa giám mục xưa
 

Tòa giám mục hiện nay
 
5.2. Nhà Tràng Hà Thạch:

Tiểu Chủng viện Hà Thạch cũ, cách trung tâm thị xã Phú Thọ khoảng 2 km về phía Nam, đã được chính quyền trao trả lại một phần và được trùng tu, nơi mở các khóa huấn luyện cho mọi thành phần Dân Chúa. Năm 2014, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã quyết định giao trả phần lớn khu đất còn lại cho Tòa giám mục để phục vụ vào mục đích tôn giáo. Hiện tại trung tâm đang được xây mới trên khu đất mới được chính quyền giao lại.
 
Nhà Tràng Hà Thạch


Nhà Tràng Hà Thạch - Khu nhà mới
 
5.3. Đền kính các vị Tử Đạo:
Hưng Hóa thừa hưởng Đền các Thánh Tử Đạo nằm trên đường Phùng Khắc Khoan, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội, nơi các vị cầm quyền đọc bản án của nhà Vua trước khi hành quyết. Tại Sơn Tây còn có pháp trường Năm Mẫu, nơi 32 vị anh hùng tử đạo đã đổ máu minh chứng đức tin dưới thời các vua nhà Nguyễn; trong số đó, 7 vị đã được tôn phong hiển thánh vào ngày 19/06/1988. Năm 2007, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương đã cho xây đài tưởng niệm các thánh tử đạo tại đây.
 

 
Đài kính nhớ các vị Tử Đạo trước đây



Đài kính nhớ các vị Tử Đạo hiện nay sau khi tu sửa năm 2023


Di tích Thánh Tử Đạo hiện nay
5.4. Tu Viện Tả Phìn

5.4.1. Lịch Sử Tu viện
Vào năm 1942, một số tu sĩ thuộc dòng Xitô cải cách (Trappistines) từ Nhật Bản đã đến Giáo phận Hưng Hoá theo lời mời của Đức Cha Gustave Vandaele (Vạn). Trong hiệp ước với quan Toàn quyền Đông Dương và Tỉnh trưởng Lào Cai, các tu sĩ đã được cấp một khu đất rộng rãi tại Tả Phìn, Sa Pa để xây dựng tu viện, đồng thời được chu cấp các điều kiện và phương tiện cần thiết ban đầu, để làm ăn sinh sống. Các tu sĩ góp phần vào việc nghiên cứu và phổ biến các kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, để phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho thị trấn Sa Pa
Ngày 08/10/1942, Tu viện chính thức được khởi công xây dựng, với tên gọi là Tu viện Nữ Vương Hoà Bình. Lễ khởi công do Đức giám mục Giáo phận Hưng Hoá Gustave Vandaele Vạn chủ sự. Ngài đã làm phép thánh hoá viên đá góc tường và ông Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux đã đặt viên đá này (viên đá được khắc chữ, nay vẫn còn tồn tại nguyên vẹn tại góc tường của Tu viện). Công việc xây dựng Tu viện được trao phó cho Cha xứ Sa Pa Jean Pierre Idiart Alhor Thịnh.
Theo thiết kế ban đầu, Tu viện có quy mô khá lớn, đủ cho hàng trăm người sinh sống, tu dưỡng và hoạt động. Tuy nhiên, trong thực tế mới chỉ có một phần của công trình được hoàn thành mà thôi.
Tới năm 1945, do tình hình bất ổn của thời cuộc, Cha Jean Pierre Idiart Alhor Thịnh phải về xuôi, bỏ dở công việc xây dựng. Và tới năm 1947, các tu sĩ cũng buộc phải dời đi, Tu viện bị bỏ trống không có người bảo quản, vì thế ngày trở nên hoang tàn.

5.4.2. Hiện trạng Tu viện
Tu viện Tả Phìn hiện nay thuộc xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12 km về phía bắc, gần quốc lộ 4D đoạn đường tránh thị xã Sa Pa.
Công trình Tu viện (thực ra chỉ là một phần của công trình theo thiết kế ban đầu) là một tòa nhà khối L cao 3 tầng (kể cả tầng trệt). Tuy nhiên hiện nay do bị san lấp nên chỉ có 2 tầng là ở trên mặt đất, còn tầng trệt thì nằm dưới sâu như thể một tầng hầm vậy. Dãy chính hướng mặt về phía tây, gồm 5 gian và một cầu thang. Dãy kia nhìn về hướng bắc gồm 2 gian. Hai dãy nhà liên kết với nhau bởi hành lang rộng phía trước và cả 2 đầu của khối nhà vẫn còn dấu hiệu chờ để xây tiếp.

Công trình được xây bằng đá và gạch theo lối kiến trúc Roman, tường dày rất chắc chắn, toàn bộ phần mái đã bị sập, sàn nhà bằng gỗ đã bị phá huỷ, một số phần tường cũng bị đổ vỡ và còn hằn sâu trên đó dấu hiệu của thời chiến tranh với những vết đạn… Tuy nhiên vẫn giữ được lối kiến trúc cổ và quy mô toàn thể của khối nhà với những vòm cửa và hàng cột hiên bằng đá được đục đẽo rất tinh tế.
Hiện nay Tu viện Tả Phìn được coi là một trong các điểm dừng chân chủ đạo của làng du lịch Tả Phìn, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. 
 
5.4.3. Tương lai nào cho Tu viện Tả Phìn?
Kể từ khi được sinh hoạt trở lại (năm 1995), cùng với Tòa giám mục Hưng Hóa, Giáo xứ Sa Pa luôn trăn trở làm sao để giữ gìn và phát triển những di sản của tiền nhân về đời sống đức tin và về những cơ sở vật chất đã được gầy dựng trước đây, trong đó có công trình Tu viện Tả Phìn.
Trong những năm gần đây, Tòa giám mục đã có nhiều buổi làm việc với chính quyền địa phương và gửi các văn bản đề nghị về việc xin trao quyền quản lý và thực hiện dự án bảo tồn Tu viện. Tuy nhiên cho đến nay Tòa giám mục vẫn chưa nhận được quyết định chính thức từ tỉnh Lào Cai.
Phía thị xã Sa Pa đang khởi động một dự án tôn tạo Tu viện để phục vụ khách du lịch bao gồm các hạng mục như: bãi đỗ xe, đường dạo, điểm check-in, chòi nghỉ, ki ốt bán hàng, nhà bảo vệ - bán vé… Tuy nhiên Tòa giám mục Hưng Hóa thấy rằng dự án này có những điểm không phù hợp với một nơi mang giá trị lịch sử và tâm linh tôn giáo, đồng thời nếu thị xã Sa Pa quản lý và đầu tư xây dựng, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác liên quan đến công trình Tu viện. Vì vậy Tòa giám mục đã đề nghị thị xã Sa Pa dừng việc triển khai dự án này để chờ ý kiến chính thức của tỉnh Lào Cai.
Ước mong trong thời gian sớm nhất, Tu viện Tả Phìn sẽ được trao lại cho Tòa giám mục Hưng Hóa và Giáo xứ Sa Pa, để Tu viện được bảo tồn và tôn tạo, giữ lại đúng ý nghĩa và giá trị của một công trình tôn giáo có lịch sử từ lâu.


 
 

5.5 Nhà Tế bần Sa Pa (Nhà Thiên Thần)
Ngay từ đầu khi mới thành lập Giáo xứ Sa Pa (năm 1902), nhận thấy nhu cầu của người dân trong vùng rất cần sự trợ giúp về nhiều mặt, chứ không chỉ riêng về tôn giáo, Giáo xứ đã quyết định thiết lập một cơ sở riêng nằm ngoài khuôn viên nhà thờ Sa Pa, cách khoảng 300m, nay thuộc phố Cầu Mây, phường Sa Pa. Cơ sở này  gọi là Nhà Tế bần hay Nhà Thiên Thần, được xây dựng trên một khu đất rộng ở cuối con phố chính của thị trấn, hướng đường dẫn vào các bản làng thuộc thung lũng Mường Hoa. Đây là nơi nghỉ dưỡng của các linh mục phục vụ trong vùng, đồng thời là nơi đón tiếp để phục vụ, chăm sóc cho những hoàn cảnh khó khăn như trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn…
Trong thời gian Giáo xứ bị ly tán bởi chiến tranh, nhất là sau khi cha xứ Jean Pierre Idiart Alhor Thịnh bị sát hại (ngày 18/05/1948), Nhà Tế bần cũng đã ngưng hoạt động.
Kể từ năm 1950, khi Sa Pa đã hoàn toàn thuộc về chính phủ lâm thời, Nhà Tế bần được chính quyền địa phương sử dụng làm UBND thị trấn, làm Trạm y tế, làm nơi để xe tang, làm chốt bảo vệ, làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho dân phố… khu đất xung quanh thì người dân chia nhau làm nhà ở, chỉ còn lại một diện tích nhỏ bao gồm công trình nhà cũ với khoảng 120m2.
Sau nhiều lần đề cập và nhiều cuộc trao đổi giữa Tòa giám mục và chính quyền địa phương để tìm hướng giải quyết những vấn đề liên quan đến phần đất còn lại và cơ sở Nhà Tế bần, cuối cùng vào ngày 27/11/2019, Tòa giám mục Hưng Hóa đã bàn giao đất và công trình Nhà Tế bần cho UBND thị xã Sa Pa để sử dụng vào mục đích phúc lợi, thuộc quyền quản lý của nhà nước, không kinh doanh… và đến khi nhà nước không có nhu cầu sử dụng cho phúc lợi hoặc sử dụng không đúng mục đích thì phải trao lại quyền quản lý cho Tòa giám mục Hưng Hóa.
Trong cuộc họp và biên bản bàn giao Nhà Tế bần, Tòa giám mục Hưng Hóa cũng đã đề nghị được trao quyền quản lý Tu viện Tả Phìn, để bảo tồn công trình tôn giáo cổ và làm nơi nghỉ dưỡng của Giáo phận cho các linh mục trong vùng.
Hiện nay, Nhà Tế bần đã được thị xã Sa Pa xây dựng lại làm nhà trưng bày sản phẩm kết hợp nhà văn hoá cho 2 tổ dân phố tại địa phương.
 


5.6. Tu viện Mến Thánh Giá:

Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa được thành lập năm 1943 và không lâu sau đó, đã gặp nhiều khó khăn. Các nữ tu sống trong khu đất cạnh Tòa giám mục. Năm 2008, Đức Cha Antôn cho xây dựng trụ sở chính của dòng cạnh Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc. 
Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 75 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa
 
5.6. Nhà thờ:
Giáo phận Hưng Hoá trên 750 Giáo họ và Giáo điểm, nhưng chỉ khoảng một nửa số Giáo họ có nhà thờ hay nhà nguyện, nhiều nơi được xây mới hoặc tu bổ. Tuy nhiên, có rất nhiều nhà thờ, nhà nguyện xuống cấp hoặc quá chật hẹp … Tại nhiều nơi, giáo dân vẫn phải sinh hoạt tôn giáo tại tư gia.
Với lực lượng nhân sự trên, Hưng Hóa đã thiết lập các Ủy ban mục vụ tương ứng với các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Ngoài ra còn có thêm Ủy ban Dân tộc và Ủy ban Thiếu nhi. Các Ủy ban hoạt động theo phương hướng được bàn bạc và thông qua tại Hội nghị mục vụ thường niên. Hội đồng mục vụ Giáo phận được quy tụ đặc biệt vào dịp sơ kết bán niên (tháng 7 hàng năm) và tổng kết cuối năm (dịp 08/12 – lễ Quan thầy đệ nhất Giáo phận).
Với thời mở cửa hiện nay, Giáo phận Hưng Hóa là một cánh đồng truyền giáo bao la với những nhiệm vụ cấp bách:
  • Xúc tiến chương trình huấn giáo cho người đang sống đạo,
  • Tái rao giảng Tin Mừng cho người vì thời thế và hoàn cảnh mà lơ là sống đạo,
  • Loan báo Tin Mừng cho muôn dân trong miền thập tỉnh vùng Tây Bắc của đất nước.

5.7. Trụ sở Giáo phận Hưng Hóa tại Sài Gòn

Địa chỉ: 20/8 Chử Đồng Tử, phường 7, quận Tân Bình, Thành Phố Hồ Chí Minh.
 




TÓM KẾT

Vấn đề ưu tiên nhất của Giáo phận Hưng Hóa lúc này là loan báo Tin Mừng và tái loan báo Tin Mừng. Tỉ lệ công giáo mới chỉ là ≤ 4% dân số.
Các dân tộc ít người hầu hết chưa biết đạo, mới chỉ có người H'Mông đón nhận Tin Mừng, và mới có một số nơi có nhà thờ, còn lại phải sinh hoạt đạo nhờ nhà giáo dân. Một số nhỏ là Dao Đỏ và Mường cũng đã đón nhận Tin Mừng. Còn lại các dân tộc khác, chỉ những người kết hôn với người công giáo mới theo đạo.
Giáo phận Hưng Hóa đang dần trưởng thành nhờ ơn Chúa trợ giúp, với sự cộng tác cùng Giám mục của 186 linh mục, các tu sĩ Dòng Mến Thánh Giá, Dòng thánh Phaolô, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ… Bên cạnh đó có sự hoạt động tích cực của các hiệp hội tín hữu như Huynh đoàn Đa Minh, Gia đình Khôi Bình, Gia đình Cùng Theo Chúa, Legio Mariae... Đội ngũ giáo lý viên cũng là những tông đồ giáo dân đắc lực trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Đặc biệt là nhờ lời bầu cử của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và Thánh cả Giuse quan thầy, Giáo phận Hưng Hóa đang chờ đón những mùa gặt bội thu.

Nhà thờ Chính toà Sơn Lộc được quay từ Flycam 




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Trại Sơn chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận
Giáo xứ Trại Sơn chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận
Chúa Nhật 5 Mùa Chay, ngày 17.03.2024, cộng đoàn giáo xứ Trại Sơn quy tụ về ngôi nhà thờ thân thương của giáo xứ trong ngày chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận. Đây cũng là buổi chầu lượt cuối cùng trong ngôi nhà thờ 100 tuổi của giáo xứ, vì ngay sau khi Thánh lễ Phục Sinh  kết thúc, ngôi nhà thờ được tháo dỡ để xây nhà thờ mới.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log