Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
1 Hồi ấy, có những người từ miền Giu-đê đến An-ti-ô-khi-a dạy các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.” 2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
22 Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh. 23 Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau:
“Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a. 24 Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. 25 Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, 26 những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 27Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: 28 Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: 29 là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”
Bài đọc 2: Kh 21,10-14.22-23
Thiên Thần chỉ cho tôi thấy Thành Thánh từ trời mà xuống.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
10 Tôi là Gio-an, đang khi tôi xuất thần, thì một thiên thần đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, 11 chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. 12 Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ít-ra-en. 13 Phía đông có ba cửa, phía bắc ba cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa. 14 Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.
22 Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. 23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.
Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
27 “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==========
Suy niệm 2: Bình An Của Thầy
Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14, 23). Người ta yêu nhau thì luôn nhớ lời đã nói với nhau, giữ lời hứa với nhau, luôn làm theo ý muốn của người yêu. Nếu quên hay chẳng muốn giữ lời thì tình yêu bị mờ nhạt, lạnh lẽo. Bởi ông Giuđa thắc mắc sao Thầy chỉ “tỏ mình” cho chúng con thôi, mà không “tỏ mình” cho thế gian thiên hạ? Thầy mới nói như trên và còn khẳng định: “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.” (Ga 14,24a). Suốt mấy năm theo Thầy, các môn đệ được ở với Thầy, chứng kiến bao việc Thầy làm, nghe bao lời dạy dỗ của Thầy. Thầy trò sống mật thiết yêu thương, Thầy coi trò như bạn thân. “Thầy không gọi anh em là đầy tớ, song là bạn hữu”.
Ngày nay nếu chúng con không yêu mến Thầy, sẽ chẳng màng đến Lời Thầy, làm sao Thầy “tỏ mình” cho chúng con? Đời sống đạo sẽ khô cằn nứt nẻ, buồn tẻ, nhạt nhẽo. Chúng con vẫn rước Thầy mỗi Thánh lễ mà chẳng thấy chi, dường như Thầy vẫn ở đâu đó, trên thiên đàng hay bị nhốt trong Nhà Tạm kia. Còn nếu chúng con vì yêu mà tìm đến Thầy, mở lòng đón Thầy thì “Cả Nhà Thầy”: Cha - Con và Thánh Thần sẽ đến và ở trong chúng con. Thầy sẽ “tỏ mình” cho chúng con. Càng “biết” Thầy chúng con càng yêu, càng yêu Thầy chúng con không dám sai Lời Thầy vì sợ làm Thầy buồn, sai Lời Thầy chúng con sẽ tự đẩy mình ra xa Thầy.
Thầy còn căn dặn ủi an các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27). Đây thực là những lời ủi an tâm huyết chứa chan tình Thầy đến nghẹn ngào. Sống trên trần thế, ai cũng mong ước được sống trong hòa bình, ấm no hạnh phúc. Bình an thế gian là: có được cuộc sống sung sướng, tự do, khỏe mạnh, mọi sự êm ả, không gặp sóng gió cuộc đời, không có bệnh tật đau khổ… Vậy mà Thầy lại hứa ban thứ bình an khác: “Thầy ban bình an không theo kiểu thế gian.” Chúng con chỉ thích những thứ bình an theo kiểu thế gian thôi, mà Thầy lại hứa ban thứ bình an nào nữa đây? Sự bình an này các thiên sứ đã reo vang trong ngày Thiên Chúa giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Sự bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn, khác hẳn với sự bình an của thế gian. Sự bình an của thế gian thật mong manh, nay cười rồi mai lại khóc. Sự bình an của Chúa hiện diện ngay trong đau khổ, thử thách và nghịch cảnh bên ngoài. Một tâm hồn rộng mở đón Chúa ngự trị, thì với trái tim đầy niềm vui của Chúa, bình an trong Thánh Thần, con người sẽ được bình an thực sự. Nếu con người cố bám vào bình an hời hợt của thế gian, thì khó mà cảm nhận được sự bình an của Chúa. Trong sự bình an đích thực của Thiên Chúa, chính Chúa đã trải qua cuộc tử nạn, tự hiến và trao ban vì tình yêu, cho đến ngày phục sinh khải hoàn. Ngày nay bước theo Chúa giữa thế trần này, chúng con cũng phải đương đầu với những giằng co tranh chấp trong tâm hồn và bên ngoài cuộc sống. Với cái nhìn thế gian, chúng con đã lãnh nhận những thua thiệt, nhưng như Chúa trên thập giá, chúng con nhận được sự bình an.
Lạy Chúa! xin cho con biết kiếm tìm sự bình an từ chính thập giá của Chúa. Đối diện với Thập giá, chắc chắn con sẽ lo âu, sao xuyến. Nhưng nếu con biết tận hiến và trao ban, con sẽ an tâm vững bước theo con đường Chúa đã đi, vì chỉ khi biết cho đi, con mới nhận được nguồn bình an đích thực của Chúa. Amen.
Én Nhỏ
==========
Suy niệm 3: ĐẤNG BẢO TRỢ CHÚNG TA
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Nào ai trong chúng ta biết Chúa Thánh Thần nếu Chúa Giê-su không dạy bảo và nói về Người cho chúng ta. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh thường bị lãng quên hoặc không được biết tới, có lẽ vì Ngài là Thần Khí nên không được cảm nhận, cảm nghiệm nhiều trong đời sống đức tin của chúng ta chăng?
Trong bài đọc I trích sách Công Vụ Tông Đồ lột tả rõ nét về cách thức hoạt động và đồng hành của Chúa Thánh Thần “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này...” (x. Cv 15, 28). Các Thánh Tông Đồ có quyền quyết định những gì thuộc về đời sống thiêng liêng, đạo đức, nhưng các ngài không tự sức mình mà đưa đến kết luận hay xác quyết điều gì. Trái lại, các ngài đồng tâm nhất trí trong lời cầu nguyện, và lắng nghe sự hướng dẫn, soi sáng của Thánh Thần; để nhờ Ngài, các ngài đưa ra giáo huấn đúng đắn, ích lợi cho phần rỗi các tín hữu. Đứng trước vấn đề nan giải thời ấy ‘nếu không chịu cắt bì theo luật Mô-sê thì không được cứu độ’ và việc ăn đồ cúng của dân ngoại, các Thánh Tông Đồ đã cùng bàn bạc trong sự cầu nguyện thâm sâu và chú tâm đến sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Và nhờ sức mạnh ấy, các ngài đã sáng suốt hướng dẫn các tín hữu “hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải” (Cv 15, 29). Dừng tại điểm này, chúng ta cùng nhìn vào đời sống đạo của chúng ta, nhất là khi họp hành, lên kế hoạch hay cùng nhau bàn thảo để đưa ra một quyết định gì đó quan trọng ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của chính bản thân cũng như của cộng đoàn; chúng ta thường dừng lại với kiến thức, tự sức mình hoặc bè phái mà quên một điều, đó là: đặt mình vào trong giờ cầu nguyện và cùng Thánh Thần, chúng ta cùng đi đến quyết định! Chúng ta có xu hướng chỉ dựa vào ý kiến riêng mà không chú tâm đến sự thúc giục, hướng dẫn của Chúa Thánh Linh ngay trong lương tâm của ta! Chúng ta thường men theo lối mòn của việc thương thảo, làm sao có lợi cho đôi bên, mà bỏ qua Chúa Thánh Thần đang đồng hành, dạy bảo chúng ta như Chúa Giê-su khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).
Thật vậy, Chúa Thánh Thần không tự dạy hay nói những gì của chính Ngài, mà Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu biết rõ ràng điều Chúa Giê-su đã giảng dạy trong Kinh Thánh. Hơn nữa, Ngài không nói về mình, mà cho bằng nói về Chúa Giê-su – Ngôi Lời nhập thể và Lời Hằng Sống – được thông truyền qua Thánh Kinh, Thánh Truyền và Giáo Huấn của Hội Thánh. Thiết nghĩ, đây cũng là một phương thức để nhận biết sự hướng dẫn thực sự của Chúa Thánh Thần hay không! Thứ đến, một điều tiên quyết nếu là công cuộc, hành động của Chúa Thánh Linh, đó là xây dựng tình hiệp nhất, yêu thương, chứ không là nhân tố khiến tách rời, tách biệt giữa các nhóm, hội đoàn trong một giáo xứ, một cộng đoàn đức tin. Nếu ai đó dám quả quyết đó là ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần khi họ sống chia rẽ, kết bè, lập nhóm, kéo đồng minh, gây mất tình hiệp nhất và yêu thương trong cộng đoàn, thì tốt hơn hết nhanh chân quay gót trở về, quỳ gối, đặt mình trước Chúa mà kêu xin, ăn năn, hối lỗi vì Chúa Thánh Linh luôn luôn hướng dẫn chúng ta những điều Chúa Giê-su đã dạy; cụ thể đó là “ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy...” (x. Ga 14, 23). Mà lời Chúa Giê-su luôn quy hướng về đức ái, lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Trong đời sống thường nhật, Chúa Thánh Thần tiếp tục gợi hứng, soi sáng, khơi dậy trong tâm hồn mỗi một người chúng ta không gì khác hơn về đức ái, giới răn yêu thương. Cho nên, hễ ai sống thương yêu hết mình cũng là người luôn biết mở lòng tha thứ anh chị em và xây dựng tình huynh đệ, hiệp nhất. Như vậy, bình an của Chúa Giê-su Phục Sinh thật sự sống động nơi người ấy “Thầy để lại bình an cho các con...Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng...” (x. Ga 14, 27). Sự bình an này chúng ta được lãnh nhận mỗi khi tham dự Thánh Lễ, và mỗi khi chúng ta chúc bình an cho nhau trước khi cùng nhau đọc/hát Lạy Chiên Thiên Chúa, không phải chúng ta chúc sự an bình, thoải mái từ nơi bản thân mà là cùng nhau chia sẻ sự bình an đích thật mà Chúa Phục Sinh đã trao ban. Hơn nữa, nhờ sự bình an này, mà chúng ta tiếp tục đời sống đức tin trong cuộc sống hằng ngày với nhiều lo toan, bộn bề, nỗi niềm buồn vui, cơm áo gạo tiền, cũng như khi thất bại thảm hại hay thành công vô chừng v.v...
Để thay lời kết cho bài suy niệm ngắn này, xin mời quý cộng đoàn cùng con cầu nguyện với Chúa Thánh Linh:
Thánh Thần nguồn mạch bình an
Luôn mang sự sống dâng tràn lòng con.
Bao phen sóng gió dập dồn
Đời con vững bước ôn tồn cậy trông... Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 4: THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG
Là người Công giáo, từ thuở nhỏ, chúng ta được học giáo lý về Một Chúa Ba Ngôi. Tuy chưa hiểu thấu bởi lẽ đây là Mầu nhiệm cao trọng nhất, nhưng chúng ta cảm nhận Mầu nhiệm này hằng ngày, cụ thể mỗi lần làm dấu Thánh giá. Hơn thế, chúng ta được học biết về Chúa Giê-su, và nhờ Ngài, chúng ta nhận biết Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Nhưng khi mỗi lần được hỏi về Chúa Thánh Thần, chúng ta dường như chưa biết gì về Ngài, và cách Ngài hoạt động, hướng dẫn chúng ta ra sao! Có lẽ chúng ta biết Chúa Cha nhiều hơn Chúa Thánh Thần, vì Đức Giê-su đã từng xác quyết với các Tông đồ: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy…Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (x. Ga 14, 7. 9)!
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su mạc khải cho chúng ta biết về Chúa Thánh Thần, mà Ngài được gọi là ‘Đấng Bảo Trợ’ (Ga 14, 16. 26), và là ‘Thần Khí sự thật’ (Ga 14, 17). Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, ngõ hầu “dạy các con mọi điều và và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26). Thật vậy, Chúa Thánh Thần được sai đến để bảo trợ, nâng đỡ, hướng dẫn, dạy dỗ, nhắc nhở chúng ta tất cả những gì Đức Giê-su đã nói và làm; chứ chẳng phải Ngài tự đến, dạy và thực hiện mọi điều khác biệt với giáo huấn của Đức Giê-su Ki-tô.
Chính vì vậy, khi đối diện với thực tế: rất nhiều giáo phái tự cho mình nhận lãnh giáo thuyết, giáo lý từ Thánh Thần, nhưng chúng hoàn toàn khác xa, hoặc tệ hơn trái ngược với những gì Đức Giê-su Ki-tô dạy. Và thật buồn thay, nhiều người Công giáo cũng chạy theo họ học đủ thứ giáo thuyết khác biệt với các giáo huấn của Đức Giê-su! Điều này không những chỉ xảy ra trong thời đại này, mà nó đã từng diễn ra nơi Giáo hội sơ khai như Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: “…có mấy người từ Giu-đê-a đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Mô-sê, thì không được cứu độ” (Cv 15, 1). Trước tình huống ấy, Thánh Phao-lô cùng với Bar-na-ba, Giu-đa được gọi là Bar-sa-ba, và Si-la đã cảnh tỉnh, sửa dạy họ theo đường lối của Thầy chí thánh Giê-su: “… Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp…” (Cv 15, 28). Rõ ràng, Chúa Thánh Thần hoạt động như Đức Giê-su đã mạc khải cho các Tông đồ lúc Ngài còn ở với họ, đó là: dạy bảo và nhắc nhở mọi điều Thầy Giê-su đã thông truyền.
Hơn nữa, Chúa Thánh Thần khơi dậy lửa nhiệt huyết, giúp chúng ta hồi tưởng, nhớ lại, thông hiểu mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy, nhất là việc thực hiện giới răn yêu thương, tuân giữ Lời Chúa: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14, 23). Đây chính là niềm vui khôn tả dành cho những ai biết sống kết hợp thân mật với Chúa không phải qua lời nói suông, mà dám dấn thân tiến bước trên con đường yêu thương - tha thứ - thực hành Lời Chúa hằng ngày. Cao quý hơn, Chúa Ba Ngôi sẽ rất đỗi hài lòng, ngự đến và lưu lại nơi người ấy, kết hiệp mật thiết với người ấy, vì chưng cụm từ viết in hoa “…và Chúng Ta…” (x. Ga 14, 23) diễn tả đến số nhiều (Ba Ngôi) nhưng là một (Một Chúa). Vì thế, tất cả mọi điều Đức Giê-su truyền dạy cho chúng ta, đặc biệt giới răn yêu thương, không đơn thuần là một lựa chọn (làm cũng được, mà không làm cũng chẳng sao!); nhưng thiết nghĩ, không phải vậy, chính xác hơn là ơn gọi - sứ vụ của mỗi người Ki-tô hữu (những ai thuộc về Chúa Ki-tô, những ai tin và sống như Chúa Ki-tô). Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể hiểu và xác tín được điều này? Xin thưa: nhờ vào sự nhắc nhở, soi sáng, dạy bảo, hướng dẫn, thúc giục của Chúa Thánh Thần. Ước gì chúng ta trở nên tinh tế, nhạy cảm hơn với cách hoạt động của Ngài trong đời sống thường nhật, ngõ hầu can đảm dám sống bác ái, làm việc bác ái, lan toả lối sống bác ái, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động từ thiện mà thôi!
Sau cùng, Chúa Thánh Thần là Đấng xây dựng công cuộc hiệp thông giữa các tín hữu, kiến tạo tình hiệp nhất bền vững trong cộng đoàn. Ở đây, chúng ta có thể tự hỏi: Làm sao sống tinh thần hiệp nhất, nếu chúng ta không có sự bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 27)? Làm sao có thể sống hiệp thông, nếu chúng ta chẳng hiệp hành cùng nhau dưới sự hướng dẫn của Thần Khí chân lý (Chúa Thánh Thần)? Chúng ta biết rõ rằng: Ngài không bao giờ dạy những gì khác ngoài mọi điều Đức Giê-su thông truyền. Cho nên, nếu trong một cộng đoàn xảy ra mâu thuẫn, bất hoà, và ai cũng tự vỗ ngực xưng mình hoặc đoàn thể mình được ơn Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn cá nhân ấy hoặc hội đoàn ấy đang đi theo cách thức của riêng mình, chứ chẳng phải bước theo con đường hiệp nhất mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy và gắn kết. Vì chưng, Ngài không bao giờ là nhân tố gây chia rẽ, cạnh tranh nhằm loại bỏ, ‘thêm dầu vào lửa’, mà đúng hơn, Ngài là Đấng kiến tạo sự hiệp thông, đỡ nâng các tâm hồn, ‘đốt lửa tình mến’ nơi mỗi người chúng ta.
Nguyện cầu:
Tạ ơn Con Chúa Phục Sinh
Nhờ Người chiến thắng hiển vinh khải hoàn.
Giờ đây hứa ban Thánh Thần
Dìu đưa, nhắc nhở muôn lần con thơ,
Xin cho con hằng đơn sơ
Chú tâm cất bước, tin thờ, hiệp thông.
Làm việc bác ái, cậy trông
Hiệp hành kiên vững, cõi lòng khoan nhân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 5: Nhân loại đang rất cần Bình An Giêsu
Trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, bình an luôn là khát vọng thiêng liêng và bất tận của con người. Đây không chỉ là trạng thái không có chiến tranh, mà còn là điều kiện tiên quyết để con người sống và yêu thương nhau. Quả thật, con người ở mọi nơi mọi thời luôn khao khát bình an, muốn sống tự do, hạnh phúc, không có chiến tranh. Thế giới hòa bình giúp con người ngồi lại với nhau, bắt tay nhau xây dựng địa cầu.
Trải qua bao thăng trầm, nhất là trong thế kỷ XX đầy biến động với hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng loạt cuộc xung đột khu vực, nhân loại đã rút ra một chân lý không thể chối cãi: chiến tranh chưa bao giờ là lối thoát, hoà bình mới là đích đến.
Thực tế cho thấy, chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào, luôn đi kèm với những hệ lụy, không chỉ tàn phá cơ sở vật chất, chiến tranh còn để lại những vết thương tinh thần kéo dài qua nhiều thế hệ. Từ những thành phố đổ nát ở Ukraine, Dải Gaza, Sudan đến Yemen, Lebanon, Myanma…, hàng chục triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, trở thành nạn nhân của các cuộc chiến mà họ không hề lựa chọn.
Báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, thế giới hiện có hơn 114 triệu người phải di tản, con số cao nhất trong lịch sử hiện đại. Nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua, dân thường, trẻ em và phụ nữ.
Giữa tiếng bom rơi và các loại máy bay tối tân gào rít trên bầu trời ở một số quốc gia, máu của người dân ở dải Gaza và ở Trung Đông cùng cuộc xung đột Nga – Ukraina kéo dài hơn 2 năm nay, đã và đang cướp đi hàng triệu người dân vô tội.
Nền hòa bình của nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những người có lương tri trên thế giới luôn theo dõi sát sao và kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn để ngồi lại với nhau giải quyết thông qua đàm phán hòa bình.
Trong bối cảnh đó, “bình an” càng trở nên có ý nghĩa. Bởi lẽ, trong thế giới ngày nay, bình an không còn là điều hiển nhiên, mà là một lựa chọn có ý thức. Bình an cần được nâng niu, trân trọng và gìn giữ
Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con…” (Ga 14,27). Thế giới hiện nay đang khao khát bình an của Chúa.
Bình an của Đức Ki-tô
“Bình an cho anh em!” (Lc 24,36) là lời đầu tiên của Chúa Giê-su sau khi sống lại và hiện ra với các môn ngày thứ nhất trong tuần.
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao là ‘bình an’ mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức khỏe hay điều gì khác?
Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không có bình an thì coi như chẳng có gì. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giê-su sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết. Thế nên, với nghĩa nặng tình sâu trong tình thầy trò, đang lúc các môn đệ ưu sầu lo lắng. Chúa Giê-su nói với các ông: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1); “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng.
Tại sao bình an của Chúa Giê-su thế gian không thể ban tặng?
Thưa, vì Chúa Giê-su là Thái Tử Hoà Bình, là bình an, Người ban cho các các môn đệ chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa sự hiểu của con người. Có bình an Giê-su, con người các ông hoàn toàn đổi mới, ngờ vực trở nên vững tin, nhút nhát nên người can đảm, sống cửa đóng then cài, nay đi rao giảng Chúa Giê-su chết bị chôn trong mồ đã sống lại hiển vinh, mà chính các ông làm chứng, không sợ chết.
Bình An có tên là Giê–su
Chúa Giê-su chính là bình an đích thực. Có bình an của Chúa Giê-su đồng nghĩa với có chính Chúa, “Bình An Giêsu”. Có được Bình An Giê-su người ta sẽ cảm nhận được tâm hồn thanh thản, thể xác lành mạnh, bình an cả xác hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này.
Bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa. Đây là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại. Chúa Giê-su đã chào các môn đệ: “Bình an cho các con”, Người cũng truyền cho các ông: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10, 5-6).
Chúa Giê-su là chính sự bình an: “Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy”. Các ông chỉ có được khi tuân giữ lệnh Chúa truyền là “yêu thương nhau” (Ga 13, 34).Về vấn đề này, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Con đường của bình an chung cục phải đi qua trong tình thương và hướng tới việc tạo nên một nền văn minh tình thương. Giáo hội chăm chú nhìn về Đấng là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và bất chấp mọi đe doạ không ngớt gia tăng, Giáo hội không ngừng hy vọng, Giáo hội không ngừng kêu cầu và phục vụ hoà bình của nhân loại trên trái đất” (Dominum et Vivificantem đoạn 67).
Không thể có bình an nếu không có sự tha thứ. Hãy tuân giữ luật yêu thương, và tha thứ cho nhau, ngay cả kẻ thù của mình (Mt 5, 44), thay vì luật báo thù. Bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực. Báo thù không dẫn đến hoà bình. Chỉ có tình thương mới đem lại bình an thực sự, vì Thiên Chúa là Tình yêu là nguồn bình an (Ga 4, 8, 16; Rm 16, 20).
Lạy Chúa, xin thương ban cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==========
Suy niệm 6: CHÚA THÁNH THẦN: KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG
Hôm nay, Chúa Nhật VI Phục Sinh, Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm về vai trò của Chúa Thánh Thần như là "Kiến trúc sư của sự hiệp nhất trong đa dạng". Tiếp nối ý tưởng này, Đức Thánh Cha Leo XIV trong bài giảng vào ngày khởi đầu sứ vụ Phêrô đã tha thiết mời gọi: "Chúng ta hãy trở thành một chút men nhỏ bé của hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ trong khối bột ấy. Chúng ta muốn nói với thế giới, với sự khiêm tốn và niềm vui: hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người hơn!", qua đó, chúng ta nhận thấy khát vọng thiêng liêng căn bản nhất của con người là được thuộc về Chúa và hiệp nhất với nhau trong Người. Chính vì vậy, ngọn lửa khát vọng này thôi thúc chúng ta suy gẫm Lời Chúa hôm nay về sự hiệp nhất trong đức tin, một sự hiệp nhất được Chúa Thánh Thần vun đắp và thể hiện qua tình yêu và bình an.
Trong bài đọc từ sách Công vụ Tông Đồ, chúng ta thấy Hội Thánh sơ khai đã phải đối diện với những thách thức có nguy cơ làm tổn hại đến sự hiệp nhất. Vấn đề phép cắt bì không chỉ là một tranh luận về nghi thức, mà còn là một thử thách về lòng bao dung và sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người tin Chúa có nguồn gốc khác biệt. Tuy nhiên, chính khát vọng thiêng liêng, ước muốn trung thành với Tin Mừng, đã dẫn dắt các Tông Đồ và các vị lãnh đạo đến một cuộc đối thoại chân thành và một quyết định dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Họ đã đặt sự hiệp nhất trong những điều cốt yếu của đức tin lên trên hết, mở ra cánh cửa cho mọi người đón nhận Chúa Kitô mà không phải mang gánh nặng của những luật lệ không cần thiết. Như vậy, đây là một minh chứng hùng hồn cho thấy khát vọng thiêng liêng giúp chúng ta vượt qua những khác biệt để tìm thấy sự hiệp nhất trong Đức Kitô.
Tiếp nối mạch suy tư này, hình ảnh Thành Thánh Giê-ru-sa-lem mới trong sách Khải Huyền hé mở cho chúng ta đích điểm của khát vọng thiêng liêng ấy: một sự hiệp nhất hoàn hảo trong vinh quang của Thiên Chúa, nơi không còn bóng tối của sự chia rẽ, mà chỉ có ánh sáng của tình yêu và bình an vĩnh cửu. Mười hai cửa thành mang tên mười hai chi tộc Israel và mười hai nền móng mang tên mười hai Tông Đồ tượng trưng cho sự hiệp nhất giữa quá khứ và hiện tại, giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa dân riêng và Hội Thánh phổ quát. Do đó, viễn cảnh này củng cố niềm hy vọng của chúng ta và mời gọi chúng ta ngay từ bây giờ hãy sống hướng đến sự hiệp nhất và bình an mà Chúa hứa ban.
Để đạt được sự hiệp nhất và bình an ấy, Lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an hôm nay chỉ ra con đường, đó chính là tình yêu và sự vâng phục Lời Chúa. Tình yêu đích thực kết nối chúng ta với Chúa và với nhau. "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy... Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy." Đây là tình yêu mà Chúa Giê-su đã sống và mời gọi chúng ta sống: một tình yêu lớn hơn cả tình bạn, một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã minh chứng điều đó bằng cái chết của Ngài trên thập giá vì chúng ta. Vì thế, để thực sự hiệp nhất với Chúa và với nhau, chúng ta cần mở lòng đón nhận tình yêu mà Chúa Giê-su đã trao ban, một tình yêu vô vị lợi, tha thứ và chữa lành. Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giê-su hứa ban, chính là sức mạnh giúp chúng ta sống được tình yêu cao cả ấy, soi sáng tâm trí, khơi dậy tình yêu và ban bình an cho những ai tin. Như lời Đức Thánh Cha Leo XIV, "chúng ta hãy đến gần Chúa Kitô, đón nhận Lời Người, để trở thành một gia đình duy nhất trong Ngài." Thật vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự hiệp nhất trong sự đa dạng, giúp chúng ta trân trọng những khác biệt và xây dựng một cộng đoàn yêu thương.
Lời mời gọi "hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người hơn!" của Đức Thánh Cha Leo XIV vẫn vang vọng, thúc giục mỗi người đang sống đức tin hãy nuôi dưỡng khát vọng thiêng liêng, ước mong hiệp nhất với Chúa và anh chị em. Sự hiệp nhất này không phải là sự đồng nhất, xóa bỏ đi những nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp, mà là sự hòa quyện của muôn màu trong bức tranh ân sủng phong phú.
Trong bối cảnh xã hội hiện tại, với những khác biệt về vùng miền, văn hóa và cả những quan điểm sống, chúng ta được mời gọi học hỏi từ Hội Thánh thuở ban đầu. Hãy tập lắng nghe và đối thoại với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tại các cộng đoàn giáo xứ, trong mỗi gia đình, sự hiệp nhất được xây dựng bằng hành động cụ thể: sẻ chia, cảm thông và nâng đỡ lẫn nhau. Hãy vượt qua những nghi kỵ, những định kiến để nhận ra rằng tất cả đều là con một Cha trên trời, cùng nhau hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn trong Nước Chúa.
Đặc biệt, trong cuộc sống thường nhật, mỗi tín hữu có thể trở nên chứng nhân cho sự hiệp nhất và bình an bằng cách sống theo Lời Chúa, thực hành bác ái với tha nhân, không phân biệt tôn giáo hay địa vị. Hãy trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng vào mọi khía cạnh của đời sống, góp phần kiến tạo một xã hội hòa thuận, bác ái và tiến bộ.
Ước mong mỗi người chúng ta, được khơi dậy bởi khát vọng thiêng liêng, được liên kết bằng tình yêu Chúa và được Thánh Thần dẫn lối, sẽ trở thành người xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong thế giới hôm nay. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
==========
Suy niệm 7: CHÚA TRONG LÒNG CON
Người xưa có câu: “Xa mặt cách lòng”, nói lên một sự thật chua chát về tình nghĩa con người. Bao nhiêu đôi vợ chồng đổ vỡ vì sống xa nhau. Bao nhiêu con cái xa cha mẹ đã thành hư thân, lạc lối, bụi đời. Có những căn nhà vắng bóng chủ nhân, liền trở thành nơi lộn xộn và hoang vu... Nếu trong các tương quan con người, sự xa cách dễ làm phai mờ tình nghĩa, thì người ta cũng dễ nghĩ rằng việc Chúa ‘về trời’ đồng nghĩa với sự vắng bóng. Các môn đệ cũng đang lo sợ như thế, và có lẽ lòng các ông đang trĩu nặng nỗi buồn xa cách. Nhưng Tin Mừng hôm nay lại khẳng định điều hoàn toàn ngược lại.
Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết chắc chắn là tuy Ngài vắng mặt nhưng vẫn hiện diện, vẫn ở lại ngay trong cuộc sống này: vắng mặt để hiện diện sâu xa hơn, ra đi để có thể ở lại mãi mãi trong lòng mỗi người. Chúa không hứa cho các môn đệ cảm giác an toàn, cũng không hứa rằng từ nay mọi điều sẽ suôn sẻ. Nhưng Ngài hứa: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy.”
“Ở lại” – đó là ngôn ngữ của tình yêu. Khi chúng ta yêu Chúa bằng cả con tim và đời sống, Thiên Chúa không còn ở ngoài ta, nhưng ở trong ta. Chúng ta thường nghĩ Chúa chỉ hiện diện trong nhà thờ, nhà Tạm, ít khi nghĩ đến Chúa đang hiện diện ngay trong lòng mình, ngay trong con người yếu đuối của mình. Thánh Augustinô cũng đã cho ta biết: Chúa ở trong sâu thẳm của cõi lòng ta, Ngài gần ta hơn chính bản thân ta.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn hứa ban “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần…” như hơi thở thiêng liêng của Ngài nơi các tín hữu. “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Như vậy, cả Ba ngôi Thiên Chúa đều đến ở trong lòng chúng ta, quả là một điều nhiệm lạ và ân ban cao cả.
Qua bài Tin Mừng trên, Chúa Giêsu còn hứa để lại bình an của Ngài cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy; Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Bình an của thế gian là sự ổn định bề ngoài, không có chiến tranh, không có xáo trộn. Thế gian có thể ban cho ta sự yên ổn và an toàn một lúc nào đó, nhưng ta vẫn bị chao đảo không ngừng trước mọi biến động. Đó là thứ bình an mong manh, đặt nơi người khác hay nơi sự vật, là những thứ nay còn mai mất, chẳng có gì bảo đảm. Kiếp sống phù du là như thế.
Còn sự bình an Chúa ban là bình an nội tâm, là sự hiện diện sâu thẳm của Thiên Chúa giữa những bấp bênh của cuộc sống. Đó là thứ bình an mà thánh Phaolô gọi là “vượt trên mọi hiểu biết” (Pl 4,7). Bình an ấy vẫn hiện diện ngay cả trong nước mắt, giữa những mất mát, và cả khi chúng ta bước đi giữa đêm tối đức tin. Bình an ấy là dấu chỉ của một người đang sống trong Chúa, có Chúa ở cùng, nên chẳng còn lo sợ gì.
Những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ xưa kia cũng là nói với chính chúng ta là những môn đệ hôm nay. Đã là môn đệ thì chỉ có một điều quan trọng duy nhất là nghe lời Thầy, giữ lời Thầy và tìm cách loan báo lời Thầy trong mọi môi trường sống của mình, để Lời đó được lan rộng khắp nơi. Phúc Âm hóa là như thế, để lời Chúa cải đổi bản thân và canh tân đời sống nhân loại. Đó cũng chính là sứ mạng đời Kitô hữu.
Dù biết rằng Chúa đang sống trong mỗi người chúng ta, nhưng nếu chúng ta không sống trong Ngài, cuộc đời ta vẫn trống vắng, chao đảo và bất an, nhất là chới với giữa cuộc đời như biển khơi. Chúa làm hết mọi cách để giữ gìn ta trong tình yêu Ngài, qua Lời Chúa, qua các các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thì chúng ta cũng phải giữ mình để ở lại trong Chúa, đừng để đam mê và dục vọng lôi cuốn ta xa Chúa.
Hãy xác tín một cách thâm sâu về Lời Chúa và biết nương theo tác động của Thánh Thần, để Ngài làm mới lại cuộc sống của chúng ta từng ngày. Hãy để Lời Chúa thắp sáng giờ kinh gia đình, là nguồn hướng dẫn, thánh hóa và liên kết mọi người trong tình yêu Ngài, làm nên bình an và hạnh phúc cho nhau.
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay là một lời mời gọi bước đi trong niềm hy vọng: Hy vọng vì Chúa không bỏ rơi chúng ta; Hy vọng vì Thánh Thần đang hoạt động trong lòng Hội Thánh và mỗi tâm hồn; Hy vọng vì Thiên Chúa không ngừng tìm cách cư ngụ trong chúng ta. Dù sống trong một thế giới hỗn độn, đầy biến động, người Kitô hữu vẫn có thể sống bình an, yêu thương, và trung tín – vì có Chúa ở cùng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!
Chúa vẫn bên con mà con nào có biết,
vì con chưa tha thiết ở bên Ngài,
Chúa ở trong con mà con đâu có hay,
vì con thường loay hoay đầy toan tính.
Chúa ngỏ lời mà con đâu có nghe,
vì con thích nghe theo lời thiên hạ.
Chúa vẫn gìn giữ con đêm như ngày,
nhưng con nghĩ việc này là tự nhiên.
Chúa hiện diện trong hết mọi hiện hữu,
và luôn làm chủ trong mọi hiện diện,
xin cho con đừng hiện diện một mình,
đừng vô tình dại dột sống đơn côi,
nhưng luôn sống với Chúa ở trong lòng.
Xin cho con tập trung mọi năng lực,
để hiện diện với toàn tâm toàn ý,
bằng con tim và thần trí anh minh,
để tâm con luôn thanh thoát an bình,
luôn bên Chúa trong mọi lúc mọi nơi.
Xin cho sự hiện diện của đời con,
luôn phản ánh sự hiện diện của Chúa,
sống dấn thân và phục vụ mọi người,
để làm cho cuộc sống mãi đẹp tươi.
Xin cho con luôn hiện diện trong Chúa,
để làm mới sự hiện diện của con,
sự hiện diện linh thiêng rất diệu huyền,
là chính Chúa Đấng vô cùng thánh thiện. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==========
Suy niệm 8: CẢNH VỰC THẦN LINH
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”; “Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều!”.
“Tôi sẽ tìm kiếm thánh ý Chúa qua Lời Chúa và Thánh Thần. Nếu chỉ chiêm ngắm Thánh Thần mà bỏ qua Lời, tôi sẽ ảo tưởng! Nếu tự sức tìm hiểu Lời mà không được Thánh Thần dẫn dắt, tôi sẽ lạc hướng. Lời sẽ dẫn tôi đến nơi Thánh Thần muốn dẫn tôi đến, một nơi được gọi là cảnh vực thần linh!” - George Mueller.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Cảnh vực thần linh’ là cung lòng Chúa Cha, nơi Ba Ngôi ngự trị; nhưng thật bất ngờ, đó còn là tâm hồn của bạn và tôi, nơi Lời được sống, được giữ. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy; Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy!”. Một tâm hồn được Chúa Cha và Chúa Con ở lại là ‘cảnh vực thần linh!’.
Hãy đọc lại những trang hồi ký của Giáo Hội sơ khai! Kìa, một nan đề nảy sinh - Cắt bì hay không cắt bì? - đó là khoảng thời gian của những bất đồng, xung đột và bất an - bài đọc một. Các lập trường ‘bảo thủ’ và ‘tiến bộ’ không thể giải quyết cho đến khi Lời và Thánh Thần trở nên kim chỉ nam; nói cách khác, “Hiệp nhất, yêu thương” được nắm giữ, và nhất là các tông đồ triệt để đặt mình dưới sự chỉ dạy của Thánh Thần. Bấy giờ, xung đột được giải quyết, bình an được thiết lập. Đó là ‘cảnh vực thần linh’ ngoạn mục đầu tiên mà Thánh Thần đã dẫn các tông đồ đến. Kết quả là ‘tông sắc’ “không cần cắt bì” ra đời. Thánh Vịnh đáp ca vỡ oà niềm vui, “Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài!”.
Chúa Giêsu còn tuyên bố, “Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều!”. Thánh Thần không chỉ dạy chúng ta “biết” Lời Chúa, mà còn “thấm nhuần” và “sống” Lời đó. Ngài giúp chúng ta chuyển từ tri thức sang hành động, từ hiểu biết sang lòng yêu mến. “Nếu Thánh Thần không ở trong bạn, Thánh Kinh chỉ là chữ viết. Một khi Ngài ở trong bạn, chữ ấy trở nên sự sống!” - Augustinô. Như vậy, ở đâu có Thánh Thần, ở đó có bình an - ‘cảnh vực thần linh’ - dẫu không miễn trừ thử thách hay thập giá. Thật thú vị, ‘cảnh vực thần linh’ còn là thế giới yếu đuối luôn đổi thay mà Giáo Hội được kêu gọi để biến đổi; tuy thế, vẫn là một thế giới “viết chương trình nghị sự cho Giáo Hội”. Với Thánh Thần, Giáo Hội biến nó nên “Thành của Thiên Chúa Toàn Năng!” - bài đọc hai. Đó là Vương Quốc - ‘cảnh vực thần linh’ - mà mỗi thành viên của Giáo Hội hằng mơ ước và hướng về!
Anh Chị em,
“Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều!”. Không để chúng ta mồ côi, Chúa Giêsu để lại một người bạn vô hình: Thánh Thần - người bạn biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta, và biết phải dẫn chúng ta đi đâu. “Thánh Thần là người bạn đồng hành âm thầm của Lời. Không có Ngài, Lời ấy vẫn là văn bản; có Ngài, Lời ấy trở thành cuộc gặp gỡ!” - Carlo Martini. Như vậy, chính nhờ Thánh Thần, chúng ta ngày càng yêu mến và nên giống Chúa Giêsu; và như thế, Ba Ngôi sẽ đến cắm lều trong tâm hồn mỗi người. Nhờ đó, chúng ta được sống trong ‘cảnh vực thần linh’, hay ‘cảnh vực thần linh’ phủ lấy chúng ta. Đó chính là nơi mà Thánh Thần luôn muốn dẫn bạn và tôi đến!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giữa một thế giới tục luỵ, cho con luôn trở nên lãnh địa của Chúa Ngôi Ba; ở đó, anh chị em con sẽ gặp Giêsu - Đấng những ước mong dựng trại trong lòng họ!”, Amen.