Thứ bảy, 26/07/2025

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XVII Thường niên năm C (St 18, 20-32; Cl 2, 12-14; Lc 11, 1-13)

Cập nhật lúc 06:45 25/07/2025
 
Bài đọc 1: St 18, 20-32

Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp.

Bài trích sách Sáng thế.

20 Khi ấy, Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn ! Tội lỗi của chúng quá nặng nề ! 21 Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.”

22 Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23 Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao ? 24 Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao ? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao ? 25 Ngài làm như vậy, chắc không được đâu ! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu ! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao ?” 26 Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

27 Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28 Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao ?” Chúa đáp: “Không ! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” 29 Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”

30 Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.” 31 Ông nói: “Con xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như tìm được hai mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.” 32 Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”

Bài đọc 2: Cl 2, 12-14

Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

12 Thưa anh em, anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. 13 Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

14 Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

Tin Mừng: Lc 11, 1-13

Anh em cứ xin thì sẽ được.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

5 Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ ? 8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”

==========

Suy niệm 1: CỨ XIN THÌ SẼ ĐƯỢC
(CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN NĂM C)
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 17, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Xin Chúa mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng ta, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.
 
Chúa là sức mạnh, niềm trông cậy của chúng ta, ưu phiền theo ý Chúa sẽ giúp ta hoán cải, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô: Niềm an ủi của người tông đồ, thánh Phaolô vui mừng khi hay tin người Côrintô đã hối cải… Nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết. Chúng ta đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng ta không bị thiệt hại gì.
 
Chúa là sức mạnh, niềm trông cậy của chúng ta, gian nan khốn khó vì Chúa, ta sẽ tràn ngập niềm vui, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Tâm hồn tôi tràn ngập niềm vui trong mọi cơn gian nan khốn khó… Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ tông đồ: Nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ. Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em.
 
Chúa là sức mạnh, niềm trông cậy của chúng ta, khi ta kêu cứu, Chúa sẽ đáp lời, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Sáng Thế, ông Ápraham nói: Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 137, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại. Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng: Ápba! Cha ơi! Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em cứ xin thì sẽ được. Chúng ta là nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, vì thế, khi ta kêu xin Chúa sẽ đáp lời. Do đó, ta không còn gì phải sợ, thật vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết. Nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa đã đem lại cho ta bao nồng nhiệt, bao ân hận, bao ước mong, bao nhiệt tình. Không có gì thúc đẩy tình yêu nơi người được yêu, cho bằng, khi họ biết rằng: người yêu mình thiết tha mong ước được mình yêu thương lại. Một khi, ta quay trở về, mà sống tốt đẹp, ta đã an ủi Cha chúng ta, qua các việc ta làm, bởi vì, đặc điểm của người đang yêu là: vừa phàn nàn vì mình không được yêu, lại, vừa sợ trách quá, thì gây phiền muộn cho người mình yêu. Thiên Chúa là Cha, Người vẫn thành tín yêu thương, vẫn đề cao danh thánh và lời hứa của Người trên tất cả mọi sự, ngay khi ta kêu cứu, Người sẽ thương đáp lại, sẽ gia tăng nghị lực cho tâm hồn ta. Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. Chúng ta là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi, Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho ta sao? Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Ước gì khi dùng những của cải chóng qua đời này, ta biết gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

==========

Suy niệm 2: Cầu nguyện đúng cách

Cầu nguyện giữ một vai trò thiết yếu trong đời sống đức tin của Ki-tô hữu. Đó không chỉ là hành động thưa chuyện với Thiên Chúa, mà còn là sự gắn bó mật thiết, là nhịp sống tâm linh giúp con người lắng nghe, mở lòng và tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Trong một thế giới hiện đại và đầy vội vã, bùng nổ công nghệ, đặc biệt là trí khôn nhân tạo (AI), con người đang đứng trước một nghịch lý: càng tiến bộ về kỹ thuật, lại càng có nguy cơ đánh mất chính mình. Khi hiệu suất, tốc độ và dữ liệu trở thành thước đo của giá trị, thì đời sống tinh thần, chiều sâu nội tâm, nhất là tình người, lòng bác ái và các mối tương quan người với người, người với Thiên Chúa dễ bị bỏ quên.

Cầu nguyện trở nên khó khăn, thậm chí bị xem là lạc hậu. Tuy nhiên, nhìn vào Chúa Giê-su, bậc thầy của cầu nguyện. Kinh Lạy Cha, khuôn mẫu của lời cầu, Áp-ra-ham, con người của cầu nguyện, chứng tỏ cầu nguyện thật cần thiết biết bao trong đời sống Ki-tô hữu.

Kinh Lạy Cha, lời cầu Chúa Giê-su dạy

Thấy Chúa Giê-su cầu nguyện, các môn đệ thưa: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.“(Lc 11,1). Chúa đã không chỉ dạy một lời kinh, nhưng mở ra một con đường sống: Kinh Lạy Cha, bài học cho người môn đệ và là lời cầu nguyện khuôn mẫu của các Ki-tô hữu.

Khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là “Cha“, Người mạc khải cho các ông biết Thiên Chúa là một người Cha gần gũi, yêu thương.

Dạy các môn đệ cầu xin cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện” (Lc 11,2), Chúa Giê-su muốn các ông đặt ưu tiên cho Thiên Chúa trước hết, rồi mới đến nhu cầu cá nhân. Thánh Cy-pri-a-nô viết: “Chúng ta không thể gọi Thiên Chúa là Cha, nếu sống ích kỷ, không yêu thương anh em.” Ngài nhấn mạnh, cầu nguyện không tách rời đời sống. Cầu nguyện đúng là cầu nguyện bằng con người thật của mình, và để lời cầu ấy biến đổi chính mình.

Sau Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su kể dụ ngôn người bạn đi xin bánh lúc nửa đêm. Người ấy không xin cho mình, mà cho người bạn lỡ đường. Người chủ nhà tuy đã đóng cửa, nhưng vì lòng kiên trì nài nỉ, ông đã dậy và cho người kia điều cần. Dụ ngôn mạc khải hai điều nền tảng của đời sống cầu nguyện: Cầu nguyện cần kiên trì, không nản chí khi chưa thấy kết quả.

Cầu nguyện là hành vi liên đớilà lo cho người khác, không phải chỉ lo cho bản thân. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la nói rất sâu sắc: “Cầu nguyện không phải là nói nhiều, nhưng là ở lại trong tình thân mật với Đấng biết rõ lòng ta.”

Điều Thiên Chúa muốn ban không phải là những của cải chóng qua, mà là chính Thánh Thần của Ngài (x. Lc 11,13). Đó là điều quý nhất mà người cầu nguyện sẽ nhận được: Chính Thiên Chúa chứ không phải điều gì khác ngoài Chúa.

Gương của Abraham

Từ cây sồi ở Mam-brê, Thiên Chúa tỏ ý định của Ngài cho Áp-ra-ham (x. St 18,1). Nhận ra lòng thương xót Chúa, Áp-ra-ham đã thưa cùng Chúa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao?” (St 18, 24-25). Ông đã can đảm “mặc cả” với Thiên Chúa để xin tha cho thành Sô-đô-ma, nếu tìm được người công chính.

Ông đi từ nỗi sợ hãi đến lòng tin tưởng; từ một người cầu xin vụ lợi đến một người trung gian cho người khác. Đây là khuôn mẫu của cầu nguyện đích thực: không qui về mình, mà dấn thân cho sự sống của tha nhân. Câu chuyện không chỉ cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà còn dạy ta sự can đảm và kiên trì trong lời cầu nguyện. Không phải Thiên Chúa thay đổi, nhưng Áp-ra-ham thay đổi.

Vốn thương người, Áp-ra-ham đã cầu nguyện. Ông kêu van Chúa đã nhận lời. Đúng như Thánh Gio-an Kim Khẩu viết:“Cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ hơn cả gươm giáo. Áp-ra-ham không dùng vũ lực, nhưng chỉ dùng lời khẩn cầu, và ông đã được Chúa nghe.”

Chúng ta được mời gọi bước vào lời cầu nguyện của Áp-ra-ham, không phải để đòi hỏi điều mình muốn, mà để chia sẻ tâm tình của Thiên Chúa, Đấng muốn cứu độ chứ không tiêu diệt.

Sống cầu nguyện trong thời đại hôm nay

Trong bối cảnh hôm nay, với những thành tựu trí tuệ và công nghệ vượt bậc, việc cầu nguyện có vẻ lỗi thời, thậm chí phi lý. Tại sao lại nói chuyện với một Đấng vô hình? Có gì bảo đảm rằng lời cầu của tôi được lắng nghe?

Chính trong bối cảnh ấy, lời cầu nguyện trở nên một hành vi tri thức trưởng thành nhất, bởi nó thừa nhận giới hạn của lý trí và mở lòng trước một thực tại siêu việt. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Gaudium et Spes, viết: “Chính khi quên Thiên Chúa, con người cũng không còn hiểu chính mình.” (GS 36)

Cầu nguyện là cách để con người trở về với bản thể sâu xa nhất của mình, hình ảnh của Thiên Chúa. “Con người không thể sống trọn vẹn nếu không mở lòng đón nhận Thiên Chúa… chính trong thâm sâu của lòng mình, con người gặp gỡ Đấng Tuyệt Đối.” (GS 19)

Cầu nguyện không chỉ là một phần của đời sống Ki-tô hữu, nhưng là trung tâmCầu nguyện giúp ta: Biết điều mình cầu xin. Tin tưởng vào Chúa hơn vào sức riêng. Mở lòng ra với anh chị em.

Vậy, hãy cầu nguyện cho người khác như Áp-ra-ham, nhất là những người lầm lạc, tội lỗi, hoặc không có ai cầu thay cho họ. Cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạybằng một trái tim con thảo, sống điều mình cầu xin, “tha nợ cho người khác”, “làm theo ý Cha”.

Ước gì, mỗi lời “Lạy Cha” chúng ta thốt lên đều là một bước tiến trong hành trình nên thánhvà là một lời đáp lại tiếng gọi yêu thương của Đấng luôn lắng nghe.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==========

Suy niệm 3: CẦU NGUYỆN:
TÍN THÁC VÀO CHÚA-TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA-THỰC THI THÁNH Ý
 
Trong đời ai chẳng bôn ba
Nay đây mai đó có là chuyện chi!
Một lòng tín thác khắc ghi
Chúa toàn năng biết, lo gì ngày mai.... (Cảm Hứng, Lm. Xuân Hy Vọng)
 
Thật ra ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện! Kể từ khi có trí khôn, được học giáo lý, được cha me hướng dẫn đời sống đức tin, đời sống đạo hạnh, chỉ bảo đàng lành,..chúng ta biết thưa chuyện, hàn thuyên, cầu nguyện, khẩn nài với Chúa. Lúc còn thơ ấu, chúng ta cầu nguyện với Chúa thật đơn sơ, ngắn gọn nhưng đầy lòng yêu mến như con thơ đang bộc bạch với cha mẹ vậy. Rồi dần dần lớn lên, với việc học, chuyện xã hội, gia đình, nơi nhà máy xí nghiệp, và nhiều tác động khác đến đời sống, chúng ta vẫn nỗ lực chu toàn bổn phận, vẫn sống đạo, chăm lo đến đời sống đức tin của bản thân cũng như của gia đình. Tuy nhiên, cũng không ít lần, chúng ta trở nên như cỗ máy, có lẽ vì nhiều lo toan trong đời làm chúng ta mệt mỏi, sao lãng điều cốt lõi của đời sống cầu nguyện là gì, và khi cầu nguyện điều tiên quyết là chi? Cầu xin những gì, hay chỉ biết nài xin Chúa cung cấp đầy đủ những nhu cầu vật chất, lấp đầy những nỗi khát vọng không đáy…?
          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đánh động mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống cầu nguyện – nền tảng đời sống đức tin của ta, cũng như xem lại mối tương quan của ta đối với Cha giàu lòng nhân ái, và chúng ta nên cầu nguyện thế nào để đẹp lòng Chúa.
          Điều mà có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, đó là: Chúa toàn tri, biết hết mọi sự, kể cả những lời cầu xin thầm kín, ước mong sâu thẳm của chúng ta. Người thấu rõ trước lúc chúng ta mở miệng than van, cầu xin. Vì vậy, tâm tình luôn luôn phải có khi cầu nguyện (giao kết mối tương quan với Chúa) là: tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa – người Cha nhân lành, lân ái vô biên, ‘vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? " (x. Lc 11, 13). Và một khi chúng ta đặt tin tưởng vào Người, thì dẹp bỏ những bận tâm, phiền não, lo toan, nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng sang một bên, vì khi lắng lo, chúng ta chẳng thể nào tín thác, cầu nguyện được!
          Với lòng tín thác ấy, chúng ta đặt mình vào trong mối tương quan với Chúa như con trẻ đối với cha mẹ đầy yêu thương, để cùng chuyện trò, lắng nghe. Mối thân tình giữa ông Áp-ra-ham với Thiên Chúa trong bài đọc I diễn tả tương quan ấy (x. St 18, 20-32). Trên thực tế, khi cầu nguyện, chúng ta thường xem Chúa như một ông chủ nhà băng, như một chiến binh bách chiến, như nhà kinh tế, chính trị gia xuất chúng, v.v…có thể đáp ứng mọi nhu cầu, nài van của ta, mà chẳng đặt mối tương quan thân thiết, thân mật với Chúa. Vì thế, lời cầu nguyện của chúng ta trở nên lời nài nỉ, thỉnh cầu hơn là bộc bạch, thổ lộ tâm can, chuyện trò với Chúa; và đôi khi nó biến đời sống cầu nguyện của chúng ta trở nên khô khan, cứng nhắc, rập khuôn, và bản thân chúng ta cảm thấy nhàm chán, uể oải, mệt mỏi!
          Hơn nữa, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định ‘cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho’ (x. Lc 11, 9). Thiết nghĩ câu nói này quá phổ biến, thậm chí người không có đạo cũng thuộc lòng từng chữ! Nhưng cũng khá nhiều người có đạo không hiểu hoặc hiểu nhầm câu nói này; và chính vì sự hiểu nhầm ấy đẩy họ tới hành vi không tin vào Chúa nữa, đơn giản bởi lẽ những điều họ xin đều không được đáp ứng, hay nói theo lối suy nghĩ của họ ‘Chúa không giữ lời Người phán “cứ xin thì sẽ được…”’ Do đó, chúng ta nên dừng lại điểm này và suy niệm một chút để tránh mắc vào ‘vết dầu loang’ sai lầm. ‘Cứ xin thì sẽ được…’, thế thì xin gì cũng sẽ được chăng? Kể cả xin những điều trái ngược với Thánh ý Chúa? Về điều này, chúng ta nên học đòi các Thánh nhân. Các Ngài chẳng bao giờ xin của cải vật chất, những thứ chóng qua ở trần gian này, mà tiên vàn các Thánh xin làm trọn và làm tròn ý Chúa muốn nơi các ngài. Xin làm theo Thánh ý Chúa, xin Thánh ý Chúa được thành sự nơi con người thấp hèn của chúng ta, chứ chẳng phải xin bất cứ điều gì kể cả điều nhỏ nhặt, tầm thường, và có khi chính vì những điều ấy làm cho ta xa Chúa…Thứ đến, ‘Cứ tìm thì sẽ gặp’, hành vi tìm kiếm đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại và tin tưởng; nhưng tìm điều gì đây? Phải chẳng tìm ý riêng của mình và nó phải được thực hiện? Hay truy tìm danh vọng hư vô, tiếng tăm trần thế, hoặc tìm địa vị chóng qua…? Thiết nghĩ, nếu chúng ta tìm kiếm những sự ấy thì chắc chắn nó chẳng giúp chúng ta tiến lại gần Chúa, mà không khéo nó đẩy ta xa lìa Người mãi mãi! Chỉ khi chúng ta ‘tìm Thánh ý Chúa thì sẽ gặp’, và cứ tìm Chúa với tất cả lòng nhẫn nại, xác tín thì sẽ gặp được Người. Say cùng, ‘Cứ gõ cửa thì sẽ mở cho’, chẳng phải gõ cửa kêu réo, van xin người khác để cầu cạnh cho bằng gõ cửa tâm hồn chính mình để sẵn sàng đón nhận, lắng nghe lời mời gọi của Chúa và tiếng than của tha nhân. Hơn nữa, Chúa mời gọi chúng ta hãy vững tin gõ cửa, nài nỉ tha thiết, chuyện vãn với Chúa như con thơ nép mình thư thái bên cha yêu, bên mẹ hiền, và chỉ lúc ấy ‘cửa sẽ mở cho’.
          Thật ra, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải đạo, nhưng Thần Khí sẽ hướng dẫn và cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước Thiên nhan Chúa (x. Rm 8, 26), và giúp chúng ta cầu xin những gì hợp theo Thánh ý Chúa như các Thánh đã minh chứng qua đời sống đức tin. Các Ngài chẳng xin những gì thoải mái, dễ dãi cho mình khi ở trần gian, cho bằng nguyện làm đẹp lòng Chúa và thực thi Thánh ý Chúa. Chúa sẵn sàng ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người (x. Lc 11, 13), huống chi những nhu cầu thiết yếu, lời van nài thống thiết của chúng ta. Khi Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta thì đồng nghĩa với việc Người ban chính sự sống, tình yêu lớn lao cho chúng ta, và như vậy, chúng ta trở nên một với Người, ở trong Người, biết được Thánh ý Người, sống theo sự hướng dẫn, chỉ bảo của Người, lắng nghe và thực hiện những điều Người thúc giục, đánh động nơi tâm hồn, lương tâm trong sạch của chúng ta.
          Ôi Giê-su giàu lòng xót thương, con tín thác vào Chúa, con tin tưởng đặt mọi sự trong mối tương quan thân tình với Chúa, hầu con được sống trong Người và thực thi Thánh Ý Chúa. Amen!
 

          Lm. Xuân Hy Vọng

==========

Suy niệm 4:  Kiên nhẫn trong cầu nguyện
                  
Tin Mừng hôm nay kể rằng, một trong các môn đệ “ngắm nhìn” Thầy cầu nguyện ở nơi kia, chắc ông thấy “sốt sắng” lắm mà không biết các ông làm thế nào để cầu nguyện giống như Thầy mình. Đợi Thầy cầu nguyện xong, lập tức ông xin Thầy chỉ dạy cách cầu nguyện. Thầy chỉ ngay một kinh cầu nguyện ngắn gọn mà đầy đủ, đúng nghĩa nhất:Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 3-4). Kinh Lạy Cha được mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”, diễn tả tâm tình của các con với Cha mình thật đậm đà ấm áp: Cha của chúng con, chúng con là con của Cha, tất cả chúng con là anh em con một Cha với nhau. Con yêu Cha thì trước hết phải cầu mong cho danh Cha được cả sáng bằng cả đời sống thực hành của con. Chúng con mong Nước Cha được hiển trị như Thánh Ý của Cha. Con được biết Ý của Cha khi gẫm suy Lời Cha để thực hành và sinh hoa trái tốt đẹp trong đời mình. Xin Cha lương thực hằng ngày không chỉ là cơm bánh vật chất, mà còn được nuôi dưỡng bằng của nuôi linh hồn nữa, mà “của trọng nhất” là chính Lời và Thánh Thể Chúa. Chúng con xin ơn tha tội, như chúng con cũng phải tha cho những người làm buồn chúng con, đây là điều kiện để được tha thứ.
Tiếp đến là câu chuyện đi vay bánh đang đêm để tiếp khách, Thầy Giêsu chứng tỏ giá trị của sự kiên nhẫn trong cầu nguyện, rồi cuối cùng sẽ được thỏa lòng ao ước của người xin. Làm phiền người khác khi họ đang trong giấc ngủ là sự quấy rầy không nên chút nào. Bình thường anh sẽ bị chối từ với lý do làm khuấy động ảnh hưởng cả nhà, vì đang đêm cửa đóng then cài. Nhưng anh bạn này cũng phải dậy giải quyết, không phải vì tình bạn, mà bởi vì... “anh ta cứ lì ra đó”.
Thế nên Thầy bảo: “Anh em hãy xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Nghe lời này ai mà chẳng thích thú? Nhưng muốn thì phải xin, phải “tìm”, phải “gõ cửa”, rồi mới được chứ nhỉ? Để các ông an lòng tin tưởng, Thầy còn giải thích: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? (Lc 11, 11-13). Cha mẹ thế gian yêu thương con, mà nhiều khi đứa bé đâu hiểu hết, khi cha mẹ cho ăn ngon mặc đẹp, cưng chiều, với nó “bố là tất cả”! Lúc ốm đau cha mẹ ép uống thuốc đắng, đưa đi bác sĩ chích thuốc đau lắm, nó lại thấy cha mẹ như chẳng thương mình. Nó đâu biết rằng khi nó chịu đau, cha mẹ còn xót dạ đau hơn ấy chứ, nhưng vì muốn nó hết bệnh, được khỏe lại và ngày càng lớn khôn.
Chúa ơi! giữa cuộc đời đầy bế tắc khổ đau hôm nay, nếu chúng con ngu ngơ kém tin chẳng tìm, chẳng gõ cửa để gặp, thì biết Chúa ở nơi nao? Chúng con mò mẫm rờ rẫm trong giới hạn của loài người. Ngày nay nếu chúng con “tìm đến”, “gặp” và “ở lại” trong Chúa, chúng con được Chúa trao ban cả chính Mình Chúa cho. Ơn tầy trời này chính Chúa rộng mở tay ban chứ chúng con nào dám “xin”? Trong Chúa chúng con no thỏa không còn thiếu thốn bế tắc, được hạnh phúc sung mãn tràn đầy. Được chìm đắm trong tình yêu Chúa, chúng con lại đem tình yêu (những của tốt lành) múc vợi nơi Chúa mà trao cho anh em, những người chúng con gặp gỡ. “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12).

 Én Nhỏ 

==========

Suy niệm 5: HÃY XIN SẼ ĐƯỢC
Khi thấy Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ cũng xin Thầy dạy cho biết cách cầu nguyện. Ngài đã dạy các ông kinh Lạy Cha, là lời kinh tuyệt vời, vì đó chính tâm tình sống ngập tràn tình yêu mến của Ngài đối với Chúa Cha. Theo thánh Luca, phần đầu của lời nguyện là cầu cho danh thánh Cha vinh hiển và Triều Đại Cha mau đến, nghĩa là cho mọi người được nhận biết quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Thật ra, Thiên Chúa là Đấng sung mãn và đầy tràn vinh quang, không ai thêm bớt gì được nơi Người; Người là sự sống vô biên và là nguồn mạch mọi ơn lành, nên khi con người được nhận biết, thì đó là diễm phúc cho cuộc đời họ. Hơn nữa, khát vọng sâu thẳm của con người chính là Thiên Chúa, Đấng là khởi nguyên và là cùng đích của mọi loài mọi vật. Tiếp theo là xin cho lương thực hằng ngày; xin ơn tha thứ và biết thứ tha, nhất là xin đừng bị sa chước cám dỗ.
Trong lời kinh này, điều lạ lùng và hết sức ngạc nhiên là Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha: “Ba ơi!”. Tiếng gọi đó làm rúng động trái tim loài người chúng ta trước tình thương bao la của Thiên Chúa. Tiếng “Cha” ở đây không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa thâm sâu và mầu nhiệm. Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Ngài cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa rất riêng tư và thân thiết với Cha.
Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta còn khám phá ra mọi người đều là anh em có cùng một Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha chúng con” chứ không Lạy Cha của con. Vì là anh em với nhau trong một gia đình của Thiên Chúa, nên mọi người phải sống tình liên đới và có trách nhiệm với nhau trên mọi phương diện, nhất là trong lời cầu nguyện. Từ nền tảng này, câu “Tứ hải giai huynh đệ” mới có một ý nghĩa thiêng liêng cao vượt, chứ không chỉ là một liên hệ bề ngoài mang tính xã hội. Tổ phụ Abraham đã thực hiện tình liên đới đó khi tha thiết cầu xin cho thành Sôđôma khỏi bị phạt vì tội lỗi của họ quá nặng nề. Ông đã mặc cả với Chúa rằng, nếu trong thành có 50 người công chính thì xin Chúa tha cho cả thành. Chúa đồng ý, nhưng rồi ông phải hạ xuống dần dần còn 10 người. Rất tiếc là Abraham đã dừng lại ở con số đó, không dám tiến xa hơn vào lòng thương xót của Thiên Chúa (x. St 18, 20-32).
Sau kinh Lạy Cha, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa. Ngài mời gọi ta hãy hành động tích cực chứ không thụ động ngồi chờ. Nhưng có khi vì tự phụ mà ta không xin nên không được; có khi vì ta lười biếng mà không tìm nên ta không gặp; có khi vì ta nhút nhát không gõ cửa nên không được mở cho.
Qua dụ ngôn người bạn bị quấy rầy, Đức Giêsu còn dạy phải kiên trì khi cầu xin, để tăng thêm ước muốn của ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Chúa ban. Nếu ta không nhận được điều mình xin, không phải là Chúa không ban, nhưng có thể điều cầu xin ấy không có lợi mà còn có hại cho tâm hồn ta, hoặc Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn lao hơn. Trong sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa là Cha từ ái, Ngài biết phải ban ơn gì và ban như thế nào để làm triển nở cuộc đời ta.
Cầu xin không phải để cho được điều mình mong ước, mà còn để đạt tới những gì Chúa ước mong. Cầu xin chủ yếu là để nối kết thân tình với Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự trong ta, Đấng đang kết dệt nên cuộc đời ta và đưa ta vào chương trình tình yêu cứu độ của Ngài. Hiểu như thế để ta ra khỏi những bận tâm chật hẹp của bản thân, để thấy những nhu cầu lớn lao của tha nhân và Giáo hội. Cũng đừng quên rằng, ơn cao cả nhất mà Cha muốn ban cho ta là Chúa Thánh Thần. Có Thánh Thần là có niềm vui, có sức mạnh, có ánh sáng và sự sống mới. Đó là sự sống của Đức Kitô đang hình thành nơi mỗi người chúng ta cho tới khi đạt tới tầm mức viên mãn trong Thiên Chúa.
Cần lắng sâu trong cầu nguyện, ta mới biết điều mình phải xin, vì những điều ta xin còn mang nhiều cặn bẩn. Lắm khi ta xin rắn mà không hay. Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp. Chỉ với con mắt đức tin, ta mới biết Chúa đã nhận lời mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn. Với tình yêu mến, thì mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương của Chúa dành cho ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su!
thách đố lớn của đời Ki-tô hữu,
chính là sự thinh lặng của Thiên Chúa,
vì con kêu cầu mà chẳng thấy đâu,
nhất là khi con gặp phải khổ đau.

Và khi thấy người lành gặp điều ác,
kẻ vô tội lại bị những hàm oan,
bao người phải than van và nổi loạn,
có thật chăng một Thiên Chúa toàn năng?

Chính Chúa cũng quằn quại trên thập giá,
cảm thấy sự thinh lặng của Chúa Cha,
trước sự gian tà mà không đáp trả,
xem như muốn bỏ cả người Con yêu.

Nhưng Ngài vẫn phó thác trong tay Cha,
biết Cha không hành động như người ta,
Cha không đưa Con xuống khỏi thập giá,
nhưng đã đưa Con ra khỏi nấm mồ,
đó mới là quyền năng Cha thi thố,
để nhờ Con muôn người được cứu độ.

Hôm nay Chúa dạy con cứ việc xin,
và hãy tin chắc rằng Chúa sẽ cho,
không hẳn thỏa mãn điều con cần có,
nhưng lớn hơn cả những gì con mong.

Xin cho con cứ một lòng tin tưởng,
vì Chúa biết những gì là tốt nhất,
Người còn ban cho con cả Thánh Thần,
nguồn mạch tuôn chảy muôn vàn hồng ân. Amen.
                                             

Lm. Thái Nguyên

==========

Thông tin khác:
 

 

 
 
 
 
Bản tin Giáo phận Hưng Hóa: Từ ngày 13/7 - 19/7/2025
Liên kết website

 

 

 

Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log