Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành.
Bài trích sách Đệ nhị luật.
10 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.
11 “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. 12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”
==========
Bài đọc 2: Cl 1,15-20
Muôn loài đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Đức Ki-tô và cho Đức Ki-tô.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
15Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
16vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người.
17Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.
18Người cũng là đầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh ;
Người là khởi nguyên,
là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
19Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,
20cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời.
==========
Tin Mừng: Lc 10,25-37
Ai là người thân cận của tôi ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
==========
Suy niệm 1: AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN
(CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN NĂM C)
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 15 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình.
Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, để khỏi phải bị tự chuốc họa vào thân, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Các Vua Quyển I nói về: Ngôn sứ Êlia bắt đầu hoạt động dưới triều vua Akháp. Vua Akháp vốn chẳng đạo đức gì, lại chịu ảnh hưởng của vợ là bà Ideven thờ tà thần. Ngôn sứ Êlia báo trước cho vua một cơn hạn hán lớn, như hình phạt người có tội và dấu chỉ quyền tối thượng của Thiên Chúa dân Ítraen, nhưng không phải vì vậy mà Thiên Chúa quên thương xót. Nếu Người thẳng tay trừng trị dân phản bội, thì lòng thương xót của Người vẫn dưỡng nuôi những đứa con hèn mọn nhất của Người. Ông Êlia đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa; rồi ông cầu xin thì trời liền mưa xuống. Ngôn sứ Êlia xuất hiện chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời.
Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, để được tái sinh và đổi mới, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói về: Huấn giáo về các nghi thức thánh tẩy… Xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, chúng ta cũng lầm lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Tất cả chúng tôi xưa kia cũng buông theo các đam mê của tính xác thịt. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, để đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Đệ Nhị Luật nói: Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 68, vịnh gia kêu gọi: Hỡi những ai nghèo hèn, hãy kiếm tìm Thiên Chúa, là tâm hồn phấn khởi vui tươi. Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến. trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Muôn loài đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Trong bài Tin Mừng, người thông luật nói: Ai là người thân cận của tôi? Lời Chúa là thần khí và là sự sống, lời đem lại sự sống đời đời, lời đó chính là Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là người thân cận của chúng ta: mỗi khi làm cho những người bé mọn là làm cho chính Người. Lời đó ngay bên cạnh, trong miệng, trong lòng, để ta đem ra thực hành. Một khi đã được đổi mới nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, ta hãy sống xứng hợp với đời sống của những người đã được thanh tẩy; ta đã từ bỏ ma quỷ, để quay về với Đức Kitô và đăm đăm nhìn thẳng vào Người, thì hãy mở tai ra đón lấy lời ngọt ngào ban sự sống đời đời, đang tỏa ra cho ta, để ta không còn ngu xuẩn, lầm lạc, buông theo các đam mê của tính xác thịt, như những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để chúng ta được trở về nẻo chính đường ngay, ước gì chúng ta biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==========
Suy niệm 2: Thế giới đang rất cần tình anh em
Trong bối cảnh thế giới hiện nay đầy những chia rẽ, hận thù, tên lửa tiếp tục bay, bom chưa ngừng rơi, khủng hoảng môi sinh và nhất là tình anh em, sự thờ ơ gia tăng trước nỗi đau của đồng loại. Dụ ngôn người Samaria nhân hậu trong Tin Mừng Lu-ca (10,25–37) vang lên như một tiếng chuông thức tỉnh xã hội cũng như Giáo hội. Lời Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô trong Thông điệp Fratelli Tutti khẳng định: “Tất cả là anh em“, mời gọi chúng ta gẫm suy về vai trò của mỗi chính mình trong việc kiến tạo tình anh em trong thế giới hôm nay.
Người Samaria nhân hậu, hình ảnh sống động của tình liên đới
Chúa Giê-su kể cho người thông luật dụ ngôn (x. Lc 10, 25-37). Vị tư tế và thầy Lê-vi, cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thờ, gặp một người từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô bị hại. Từ Giê-ru-sa-lem tức là đồng hương, nhưng họ không cần biết; không giúp đỡ, bỏ qua. Trong khi đó, người Samaria, bị coi là ô uế và bị khinh miệt, trông thấy người bị hại, ông “động lòng thương” (Lc 10, 33), ông không bỏ qua như hai người kia, ông đến gần người ấy, “băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc” (Lc 10, 34). Chúa Giê-su kể: “Ông động lòng thương“, nghĩa là tâm can ông cảm động. Khác với hai người kia “trông thấy”, nhưng con tim của họ đóng kín, lạnh lùng. Trái lại, con tim của người Samaria rung động. “Động lòng thương” là đặc tính cốt lõi của lòng thương xót Chúa. Trái tim người Samaria đồng điệu với trái tim Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Chúa Giê-su chọn một nhân vật bị coi thường để minh họa cho tình yêu thương không ranh giới. Người Samari dừng lại, cúi xuống, và chăm sóc. Đó là tình huynh đệ biết hành động.” (Fratelli Tutti, số 63–75). Chúa Giê-su không hỏi: “Ai là anh em của tôi? “. Chúa đảo ngược vấn đề: “Tôi là anh em của ai?”
Người Samaria ấy không hỏi nạn nhân là ai, thuộc dân nào, đạo nào, ông chỉ thấy một con người gặp nạn đang cần giúp đỡ. Ông đúng là hình ảnh sống động của tình anh em mà Chúa muốn gửi đến chúng ta hôm nay.
Người hành hương hy vọng, chứng nhân của tình anh em
Chúng ta đã sống nửa chặng đường của Năm Thánh 2025 mang chủ đề: “Những Người Hành Hương Hy Vọng“, không chỉ để nói về niềm vui mai sau trong hy vọng, nhưng thắp sáng hy vọng trong hiện tại. Trên bước đường hành hương thiêng liêng ấy, qua Dụ Ngôn người Samaria, Chúa Giê-su muốn chúng ta là những “người Samaria” cho thời đại mà nền văn hóa dửng dưng và thờ ơ gia tăng: Dám dừng lại, dám chăm sóc, rồi hãy lên đường.
Người hành hương hy vọng là người không dửng dưng trước nỗi đau của tha nhân, không bị che mắt bởi định kiến, chủ nghĩa cá nhân, hay ích kỷ, không bó tay trước bất công, nhưng góp phần chữa lành các vết thương xã hội. Trên hết là người sống tình anh em và gieo mầm hy vọng Tứ Hải Giai Huynh Đệ. Sống yêu thương, đùm bọc người với người, đề cao tình tương thân tương ái, trọng nghĩa anh em. Dù ở đâu, làm gì cũng gắn bó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Có thế, mới tạo nên một thế giời hòa bình và hạnh phúc được.
Tình anh em là con đường dẫn đến hòa bình
Hòa bình không đến từ những thỏa thuận chính trị hay lợi ích kinh tế, mà từ trái tim được hoán cải, biết đón nhận nhau như anh em. “Chỉ bằng cách sống tình anh em, thế giới mới có thể chữa lành. ” (Fratelli Tutti, số 228).
Lúc sinh thời, Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô thấy “Thế giới đang rơi vào một loại ‘chiến tranh từng mảnh’. Chúng ta dựng lên những bức tường, thay vì xây cầu.” (Fratelli Tutti, số 27). Ngài tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia: “Hãy xây dựng xã hội dựa trên tình huynh đệ, trong đó con người có thể gặp gỡ nhau như anh chị em, không phải như kẻ thù hay người xa lạ.” (Fratelli Tutti, số 128). Không có tình anh em, hòa bình chỉ là ảo tưởng.
Thế giới đang bị tổn thương vì chiến tranh, chia rẽ, ích kỷ và vô cảm, dụ ngôn người Samaria là một tiếng kêu mời gọi Giáo hội và từng người chúng ta trở thành khí cụ của tình anh em và hòa giải. “Chúng ta yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1 Ga 4,19). Và, “Anh em hết thảy đều là anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Đấng ngự trên trời.” (Mt 23,8-9). Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Mọi người đều được mời gọi như nhau để nên thánh và hoàn thiện trong đức ái, bởi vì họ được thông phần cùng một bản tính Thiên Chúa” (Lumen Gentium, số 40).
Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô muốn Giáo hội trở thành “Nhà thương dã chiến“, nơi mọi người, nhất là những ai bị tổn thương, được chăm sóc và yêu thương. Ngài viết: “Tôi mơ một Giáo hội là mẹ của tất cả, một ngôi nhà mở ra với mọi người, không loại trừ ai.” (Fratelli Tutti, số 276).
Xin Chúa biến chúng ta thành những chứng nhân của tình anh em không biên giới. A-men.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==========
Suy niệm 3: NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI LÀ AI?
Lắm lúc, cụm từ ‘người thân cận’ khiến chúng ta chỉ liên tưởng đến ‘người thân của ta’ và ‘người gần gũi hoặc người cạnh bên ta’! Đặt trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay ‘dụ ngôn người Sa-mi-ri-a nhân hậu’, thì hạn từ ‘thân cận’ vượt lên trên ý nghĩa Hán từ hẹp này.
Như chúng ta biết, người Do Thái và người Sa-ma-ri-a không ưa nhau. Có thể nói họ như ‘mặt trời với mặt trăng', chẳng bao giờ giáp mặt, và không muốn giao thiệp hoặc không muốn tiếp xúc. Trong một trình thuật khi Chúa Giê-su đến xin người phụ nữ Sa-ma-ri-a nước uống tại giếng Gia-cóp ngay giờ ngọ, thì phản ứng đầu tiên của cô ta: hết sức ngỡ ngàng “ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Sa-ma-ri-a, cho ông nước uống sao?” (Ga 5, 9). Đã chẳng giao thiệp với nhau, thì không thể nói đến việc ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ nhau khi hoạn nạn! Tuy nhiên, người Sa-ma-ri-a tốt lành đã vượt thắng định kiến, quy tắc ấy, mà cứu giúp người bị cướp đánh nửa sống nửa chết trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-kô. Qua đây, Chúa Giê-su lột tả định nghĩa ‘người thân cận’ là ai, hầu đáp lời người thông luật, mặc dù ông ấy hỏi thử Ngài (x. Lc 10, 25), cũng như chứng tỏ ông ta có lý (x. Lc 10, 29).
Trong dụ ngôn, Thánh sử Lu-ca không cho biết người bị nạn là người Do Thái hay người Sa-ma-ri-a, nhưng cho dù là người Do Thái chăng nữa, người Sa-ma-ri-a đi đường tận mắt thấy tha nhân bị nạn, liền bỏ hết mọi suy nghĩ đố kị, não trạng định kiến, tư tưởng so đo tính toán, v,v…, chỉ tập trung cứu giúp người bị rơi vào tay kẻ cướp. Rõ ràng, người Sa-ma-ri-a này sống điều răn ‘mến Chúa, yêu người’ không chỉ trên đôi môi, hoặc bằng lời nói, ngôn từ, mà chắc hẳn đã thực hành giới răn “yêu tha nhân như chính mình” (x. Lv 19, 18; Mt 5, 43 và 22, 39). Đúng như lời tác giả sách Đệ Nhị Luật xác quyết trong bài đọc I “…mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành’” (Đnl 30, 11-12). Giới răn yêu thương Chúa dạy chẳng xa xôi, chẳng phải trên chín tầng trời, vạn tầng mây, mà nó trước mắt chúng ta, ngay trong lòng chúng ta. Vì vậy, “miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Ngài, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” (Đnl 30, 10). Tắt một lời, thực hành giới răn bác ái cách cụ thể trong suốt cuộc đời của mình!
Thứ đến, định nghĩa ‘ai là người thân cận của tôi’ mà Chúa Giê-su giải đáp rất ư rõ ràng, không chút mơ hồ hay khó hiểu, rằng: người thân cận của tôi là người cần đến sự giúp đỡ của tôi. Họ có thể là những người tôi chẳng hề biết, hoặc chưa bao giờ gặp, nhưng họ cần đến sự giúp đỡ của tôi, thì họ là người thân cận của tôi. Vì thế, người thân cận của tôi có thể là người tôi biết hoặc không biết, có thể là người bên cạnh tôi hoặc người ở xa tôi, có thể là người thân của tôi hoặc không thân, miễn là họ đang cần đến sự giúp đỡ của tôi, “người thân cận của tôi chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp” (x. Lc 10, 37). Vì thế, giáo huấn “hãy yêu thương kẻ thù, và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” (Mt 5, 44) cũng là một phần trong giới răn yêu thương và ‘kẻ thù, kẻ ngược đãi, người không ưa mình hoặc mình không ưa’ có thể là ‘người đang cần đến chúng ta, đang cần sự giúp đỡ của chúng ta’, và như vậy, họ là ‘người thân cận của ta’. Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh ‘kẻ thù, người chẳng ưa’ thì quá khó cho chúng ta ‘yêu thương họ và cầu nguyện cho họ’! Thế nhưng, nếu nhìn với lăng kính theo dụ ngôn Sa-ma-ri-a nhân hậu, thì chúng ta có thể tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho những ai theo thói thường chẳng thể nào tha thứ, yêu thương hay cầu nguyện cho!
Bên cạnh người Sa-ma-ri-a tốt lành, chúng ta cũng không thể nào bỏ qua hai nhân vật vĩ vọng, có thế giá trong dân Is-ra-el, đó là: thầy tư tế (lo việc tế tự, phụng tự trong Đền thờ, người đại diện dân chúng dâng hương cho Thiên Chúa trong nơi Cực Thánh), và thầy Lê-vi (dòng dõi được tuyển chọn chuyên lo việc tế tự). Nhìn vào chức vụ của họ, chúng ta cũng biết: họ đang trên đường lên Đền thờ để thực thi việc phụng tự, cho nên họ phải giữ gìn bản thân sạch trong kể cả tâm hồn lẫn ngoài thể xác. Tuy nhiên, Chúa “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt 9, 13). Ngài mong chúng ta thực thi bác ái, sống giới răn yêu thương, chứ đâu cần lễ tế! Ngài nào muốn chúng ta viện dẫn những quy định, lề luật để không sống mến yêu! Ngài nào muốn chúng ta lấy trách vụ làm cớ tránh thực hành đức ái! Ngài nào muốn chúng ta lệ luật hòng biện minh, lấy cớ không sống yêu mến người thân cận! Ngay cả Chúa Giê-su dạy: “khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (x. Mt 5, 23-24). Việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa là điều hết sức quan trọng, nhưng cho dù vậy đi chăng nữa, ‘hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ’, mà tiên vàn ‘đi làm hoà’, sống thực thi đức ái, sống giới răn yêu thương, trợ giúp người thân cận đang cần giúp đỡ, rồi sau đó ‘trở lại dâng lễ vật của mình’. Trên thực tế, không ít người trong chúng ta rơi vào tình trạng như thầy tư tế và thầy Lê-vi! Chúng ta nại vào phận vụ hoặc dựa vào lối suy nghĩ ‘tôi không giúp thì ắt có người khác sẽ giúp!’ hoặc ‘tôi cũng đang cần giúp mà có ai giúp tôi đâu’, hay tệ hơn ‘tôi không giúp được họ vì ngoài khả năng’, nhưng thực chất ‘dư khả năng!’ Lắm lúc, chúng ta viện dẫn rằng ‘không có thời gian’, hoặc ‘bận rộn với công việc’ mà không trở nên ‘người Sa-ma-ri-a nhân lành’!
Để kết thúc, xin mượn lời xác quyết của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi giáo đoàn Cô-lô-xê: “Nhờ máu Thánh Tử (Đức Giê-su Ki-tô) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (x. Cl 1, 20) một lần nữa khẳng định: chúng ta được cứu độ nhờ bửu huyết châu báu của Con Một Thiên Chúa, chứ chẳng bởi chức vụ, vai vế, trọng trách, điều lệ, tài năng, thành quả bản thân, tiền tài, danh vọng v.v…! Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi sống bác ái cách cụ thể, trở nên người Sa-ma-ri-a nhân lành, vượt lên mọi rào cản hay vách ngăn do não trạng, đầu óc cục bộ, định kiến, lề thói, tập tục, thói quen, ngỏ hầu nhận ra người thân cận, những ai đang cần giúp đỡ ngay trong đời sống hằng ngày nơi gia đình, cộng đoàn, hội dòng, giáo xứ, giáo phận, và ngoài xã hội, như lời Chúa Giê-su nói với người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy (làm như người Sa-ma-ri-a tốt lành)” (x. Lc 10, 37).
Lạy Chúa, bao lần con tự hỏi:
Người thân cận của con là ai?
Ngài xoa đầu, đáp lại nhỏ nhẹ:
Bất kể ai đang cần giúp đỡ!
Nào dang rộng đôi tay thương yêu
Chia san lòng trìu mến lân ái
An ủi cõi lòng với tâm can. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 4: YÊU NGƯỜI THÂN CẬN
Nhà thông luật hôm nay đứng lên chất vấn để “thử” Đức Giêsu về điều kiện để được “sự sống đời đời”. Còn Đức Giêsu lại trắc nghiệm cho ông thấy điều kiện để được sống đời đời là “làm”, là thực hành đúng nghĩa, chứ không phải chỉ thuộc lòng thông thạo, hay nắm chắc lý lẽ của giới luật yêu thương.
Phần lý thuyết ông đã “thông” lắm rồi, nhà thông luật cơ mà! ấy là mến Chúa hết lòng hết sức, yêu người thân cận như chính mình. Nhưng mà cái “khung trời yêu thương” của ông có ranh giới hạn định, nên ông thắc mắc vặn lý: “Nhưng ai là người thân cận của tôi”? (Lc 10,29). Đức Giêsu trả lời bằng câu chuyện ba người gặp nạn nhân bị đánh nửa sống nửa chết nằm đó. Hai thầy tư tế và thầy Lêvi không muốn dây dưa nên tránh qua bên kia mà đi an phận. Còn người Samari vô danh kia đi qua thấy thì “chạnh lòng thương”, ông gác lại công việc để cúi xuống, xắn tay sẵn sàng lo hết cho một người lạ không hề quen biết. Thật rõ ràng người Samari đã trở thành “người thân cận”, thành ân nhân số một của nạn nhân, vì đã “thực thi” lòng thương xót đối với người ấy, nên vấn đề chỉ còn là hãy đi và “làm như vậy”, tôi sẽ có cơ man là người thân cận ấy chứ!
Người thân cận là những người sống bên ta dưới cùng một mái nhà, người anh em họ hàng ruột thịt, bạn bè lối xóm… Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta đi xa hơn, vượt khỏi ranh giới kia để trở thành người thân cận của nhau, bất cứ ai mà ta gặp trên đường đời. Ta được mời gọi trở nên người thân cận với bất cứ ai cần đến ta, để thực hành giới răn yêu thương với đức ái trọn hảo. Dù họ là ai, hèn hạ khó khăn không có khả năng đền đáp, người tội lỗi, thậm chí kẻ thù… Nếu ta thực hành đức ái với họ, sẽ biến đổi từ thù thành bạn, người xa lạ thành anh em gần gũi. Ngược lại có lúc ta lại “làm phúc nơi nao” mà để “cầu ao rách nát”, vì ngoảnh mặt làm ngơ với người ngay bên cần ta giúp đỡ, thì dù có gần bên thì vẫn như người dưng kẻ lạ với nhau.
Yêu thương là chu toàn lề luật. Yêu thương để được “sống” đời đời, nếu không yêu thương thì tuy sống mà kể như đã “chết” vậy. Ai mến Chúa thì tất sẽ yêu người, vì yêu thương cứu giúp người là thể hiện rõ lòng tin mến Chúa. Thánh Giacôbê nói: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Đúng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.
Lạy Chúa! vì yêu nên Chúa bỏ trời xuống cứu chúng con, ngay khi chúng con là những tội nhân. Chúa rộng tình yêu thương mà cứu giúp hết thảy mọi người, bất kể họ là ai. Tình yêu của Chúa là tình không biên giới. Chúa còn sẵn sàng “ở trong” con người hèn mọn chúng con nữa. Xin Chúa thực hiện trong con người giới hạn này tình yêu đó, bằng con tim và đôi tay của Chúa, để dù khác biệt mọi sự, tất cả chúng con đều trở thành người nhà, thành con một Cha dấu yêu, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Én Nhỏ
==========
Suy niệm 5: AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN
Yêu mến Thiên Chúa hết tình và yêu người thân cận như chính mình là điều kiện để đạt tới sự sống đời đời. Nhưng câu hỏi được nêu lên: "Ai là người thân cận của tôi ?". Người Do Thái vẫn hiểu đó là đồng bào, đồng đạo, thuộc dân Thiên Chúa. Phải chăng vị luật sĩ muốn tìm một câu định nghĩa toàn bích hơn về “người thân cận”? Nhưng đối với Đức Giêsu, định nghĩa về "người thân cận" không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận. Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận với mình, thì tốt hơn là nên tìm hiểu mình là người thân cận với ai? Nói cách khác, nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những ai đang cần mình giúp đỡ. Với ý hướng đó, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn vừa cụ thể vừa sâu sắc, vừa éo le vừa lạ lùng.
Éo le là vì đứng trước tình cảnh một người đang bị trọng thương trên đường, mà thầy Tư tế và Lê vi lại làm ngơ, giả vờ như không thấy, và tránh qua bên kia đường mà đi. Lạ lùng là người Samari ngoại giáo vừa trông thấy nạn nhân, đã đến cứu giúp tận tình, mà nạn nhân đó có thể là người Do Thái, kẻ thù của dân tộc mình. Người Samari đã sống luật yêu thương một cách trọn vẹn, không chỉ là lòng thương cảm mà "yêu bằng việc làm", và làm với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó: "Hãy đi và làm như vậy".
Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ. Sở dĩ thầy Tư tế và thầy Lê vi "tránh qua bên kia mà đi" là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà xảy ra cho mình. Những nỗi sợ xem ra rất khôn ngoan và hợp lý, chỉ có điều chẳng có chút tình yêu nào. Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công tốn sức, tốn thời giờ, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn hay tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! Yên thân là bất động, là sự sống bị tắt nghẽn, nên tình yêu không còn được chuyển thông.
Đứng trước nạn nhân, có lẽ câu hỏi mà hai vị giáo sĩ đặt ra là:“Nếu tôi dừng lại giúp đỡ người này, chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi?”. Nhưng xem ra người Samari đảo ngược lại câu hỏi:“Nếu tôi không dừng lại giúp đỡ người này, chuyện gì sẽ xảy ra cho anh ta?”. Hai câu hỏi với hai hướng khác nhau, nên cách thái hành động cũng khác nhau. Một câu hỏi hướng về sự an toàn của bản thân, còn một câu hỏi hướng đến lợi ích của tha nhân. Cách đặt câu hỏi hay cách đặt vấn đề cũng là một cách xác định tâm hồn và tính cách của một con người.
Ở cuối dụ ngôn, Đức Giêsu cũng đảo chiều câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” thành câu: “Ai là người thân cận của kẻ bị cướp?” Với lối đặt câu hỏi này, mọi hàng rào ngăn cách và quan niệm lâu đời của người Do Thái bị phá đổ. Tôi không chỉ phục vụ cho người thân cận của tôi, mà tôi trở thành người thân cận với người tôi phục vụ, và người ấy trở thành người thân cận của tôi. Như thế ai cũng có thể thành người thân cận của tôi, và tôi cũng có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai, khi tôi dám yêu họ như chính mình.
Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Kahlil Gibran có một câu nói chí tình: "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi". Mẹ Têrêsa Calcutta cũng xác định: "Kitô hữu là người trao ban chính bản thân". Đó là ý nghĩa thật nhiệm mầu trong Bí tích Thánh Thể. Tham dự thánh lễ chẳng có ý nghĩa gì khi tôi không sống lòng nhân ái. Càng đi tìm bản thân, tôi càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, tôi càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, tôi càng vong thân.
Nỗi khát khao hạnh phúc của tôi chỉ được lấp đầy khi tôi biết coi trọng hạnh phúc của tha nhân. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Muốn vậy, tôi hãy yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi tôi mới biết phải làm gì cho người anh em, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, tôi mới biết cách làm cho kẻ xa lạ trở nên người thân cận; kẻ thù địch trở nên người bạn tốt; chỉ cần tôi dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em. Tôi cần lột bỏ “cái tôi”, cái “lớp vỏ” an toàn che chắn bản thân mình, để tình yêu Chúa có thể thấm nhập và làm nên con người mới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đường về quê hương sự sống đời đời,
là đường Chúa đã gọi mời con đi,
nhưng đi với trái tim mới tới đích,
bằng không sẽ dang dở cuộc hành trình.
Thầy Tư tế đã rẽ sang hướng khác,
để tìm đường yên ổn cho riêng mình,
thầy Lê-vi cũng đi theo như vậy,
vì họ không mang theo một trái tim,
chỉ mang theo của lễ ở bên ngoài,
nhưng Chúa chỉ đoái hoài lòng nhân hậu.
Người Sa-ma-ri lên đường không của lễ,
nhưng anh có trái tim để hiến dâng,
với tấm lòng yêu thương người lân cận,
nên anh cảm thấu được nỗi khổ đau,
của những ai đang gặp phải cơ cầu,
và cúi xuống để tận tình hầu hạ.
Con đường đến quê hương sự sống mới,
không khó không dài như phải lên non,
nhưng đường dài khó nhất đối với con,
là đường từ trái tim đến bàn tay.
Xin Chúa đặt tim con trên bàn tay,
thu ngắn lại cho con chặng đường dài,
để con không sợ gì những trở ngại,
mọi cái sẽ dễ lại trước khó khăn.
Xin cho con lên đường với trái tim:
suy nghĩ và nhìn đời với trái tim,
lắng nghe và hành động với trái tim,
một trái tim nên giống Chúa mỗi ngày. Amen
Lm. Thái Nguyên
==========