Thưa Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.
Bài trích sách Sáng thế.
1 Ngày ấy, Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. 2 Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy 3 và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. 4 Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. 5 Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây !” Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói !”
6 Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.” 7 Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê non béo tốt, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. 8 Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách ; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.
9 Khách nói với ông: “Bà Xa-ra vợ ông đâu ?” Ông đáp: “Thưa nhà tôi ở trong lều.” 10a Người nói: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.”
Bài đọc 2: Cl 1,24-28
Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
24 Thưa anh em, giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. 25 Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, 26 rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. 27 Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. 28 Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô.
Tin Mừng: Lc 10,38-42
Cô Mác-ta đón Đức Giê-su vào nhà. Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
38 Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” 41 Chúa đáp: “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”
==========
Suy niệm 1: ĐÓN CHÚA VÀO NHÀ
(CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN NĂM C)
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 16 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến, mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.
Tin cậy mến, tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, đón nhận những gian nan thử thách, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô: Lời kinh tạ ơn giữa bao thử thách. Thánh nhân có phải gian nan là để anh em của người trong đức tin được an ủi… Lạy Chúa, tình thương Ngài đã nâng đỡ con. Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng. Cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.
Tin cậy mến, tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, sống xứng danh Kitô hữu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Không phải chỉ cần mang danh, mà phải thật sự là Kitô hữu… Anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. Làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy. Hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.
Tin cậy mến, tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, đón tiếp Chúa vào trong cuộc đời mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Sáng Thế, ông Ápraham nói: Thưa Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 14, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa? Kẻ nào sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Trong bài Tin Mừng, cô Mácta đón Đức Giêsu vào nhà, cô Maria đã chọn phần tốt nhất. Thành tâm thiện chí, ấp ủ lời Chúa trong lòng, như cô Mácta đón tiếp Chúa, như cô Maria ngồi dưới chân Chúa lắng nghe lời Chúa. Ông Ápraham đã mở lòng ra đón tiếp những vị khách lạ; Ai sống vẹn toàn, bụng nghĩ sao nói vậy, làm những điều ngay thẳng sẽ được ngụ trong nhà Chúa, mầu nhiệm được giấu kín nay đã được tỏ lộ cho chúng ta: Chính Đức Kitô đang ở giữa chúng ta, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang, vì thế, chúng ta được kết hợp với thân thể và tinh thần của Đức Giêsu Kitô là sự sống đời đời của chúng ta. Vì được kết hợp với Đức Kitô, nên, chúng ta cũng phải hợp nhất với nhau trong đức tin và đức mến, lại nữa, chúng ta được kết hợp với Chúa Cha và Đức Giêsu, trong Người, sau khi đã chịu đựng và lướt thắng mọi cuộc tấn công của thủ lãnh thế gian này, chúng ta đạt tới Thiên Chúa. Người thế gian mang hình ảnh thế gian này, còn người tín hữu sống trong đức ái thì mang hình ảnh Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô. Nếu chúng ta không sẵn sàng chết để thông phần Cuộc Thương Khó của Người, thì sự sống của Người không ở trong chúng ta. Ước gì chúng ta luôn khao khát được Người ghé thăm, để chúng ta có cơ hội đón tiếp Người như cô Mácta, giữ Người ở lại mãi trong cõi lòng ta như Ápraham, và nhờ kiên nhẫn lắng nghe như cô Maria, mà ta sẽ sinh những hoa trái dồi dào như lòng Người mong ước. Chúa tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, ước gì chúng ta thêm lòng tin cậy mến, mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==========
Suy niệm 2: NGHE NHỮNG LỜI CHÚA MUỐN NÓI VỚI CHÍNH MÌNH
Vị kinh sư kia thuật lại câu chuyện giữa nhà hiền triết tài ba với các đồ đệ của ông rằng: giữa chốn rừng cây cối um tùm, chim chóc hót líu lo, muôn vật, muôn thú khoe sắc hương, bỗng nhà hiền triết hỏi các sĩ tử của ông: các con đến đây tìm gì nơi ta? Phải chăng đến để nghe những gì các con muốn nghe hay nghe điều mà ta chỉ dạy?
Chẳng cần thưa, quý ông bà và anh chị em cũng có thể biết câu trả lời tất yếu của các sĩ tử rồi! Tuy nhiên, với một ý nghĩa nào đó, câu hỏi của nhà hiền triết cũng làm ta không khỏi suy nghĩ mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, khi chúng ta quy tụ sinh hoạt cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa hay các hoạt động tôn giáo nói chung: chúng ta nghe những điều mà chúng ta muốn nghe hay chúng ta nghe những lời mà Chúa đánh động tâm can, thầm thỉ, tỉ tê trong tâm hồn mình? Để rồi, chúng ta tiến thêm một bước nữa, đó là: hãy để Lời Chúa hoán đổi tâm hồn, quan điểm, cách nhìn đời, cách đánh giá, nhận xét của mình, v.v..! Và đó là sự chọn lựa của mỗi người chúng ta!
Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta được tận hưởng rất nhiều dịch vụ, vô số phương tiện, tiện ích hỗ trợ cũng như đẩy chúng ta đến thói quen ‘bất di, bất động’ hay ‘chẳng mảy may quan tâm đến tha nhân’. Thêm nữa, trước mắt chúng ta, đầy dãy những lựa chọn như hàng hoá, linh kiện, dụng cụ, đồ dùng, v.v... và hàng loạt sự kiện, phương tiện giải trí cung phụng con người chúng ta từ A đến Z, từ móng chân đến sợi tóc, từ khi chào đời nằm trong nôi cho đến khi nhắm mắt lìa đời nằm trong quan tài. Cũng chẳng cần nói thêm nữa, chúng ta đã biết chọn lựa những gì tốt đẹp nhất, tiện lợi nhất, hữu ích nhất cho bản thân, gia đình, con cái. Với cái nhìn này, đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhở Mát-ta cũng như nhắc nhở mỗi người chúng ta: đừng lo lắng quá nhiều sự, đừng để tâm hồn mình bị chi phối mà ảnh hưởng đến lựa chọn ưu tiên của bản thân, đó là việc nuôi dưỡng tâm linh, đời sống đạo đức bằng việc lắng nghe, đón nhận và để Lời Chúa – Lời Hằng Sống – hoán đổi, dưỡng nuôi, gia tăng lòng mến, đức tin, niềm cậy trông của chúng ta. Qua lời xác nhận của Chúa Giê-su với Mát-ta “...con lo lắng bối rối nhiều chuyện; chỉ có một sự cần mà thôi Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (x.Lc 10, 42), Ngài không có ý đánh giá thấp hay xem thường công việc chuẩn bị, quan tâm đến đời sống thể chất qua việc nấu ăn, sửa soạn bữa ăn tiếp đãi khách quý (Chúa Giê-su), nhưng Ngài lưu ý với Mát-ta và mỗi chúng ta là: đừng để việc kiếm tìm tiền, lo miếng cơm, manh áo mà quên nuôi dưỡng đời sống tâm linh, đạo đức của mình. Hơn nữa, đừng để đời sống vật chất chi phối, thậm chí trói buộc, giam hãm đời sống tâm linh, nhất là trong xã hội ‘bốc mùi’ vật chất này vì “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4b).
Sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó; và việc chọn lựa nào cũng đi đôi với quyết định và trách nhiệm của bản thân. Nhưng chọn lựa đúng đắn bao giờ cũng hơn lựa chọn sai lầm? Ông Áp-ra-ham và thánh Phao-lô đã đưa ra quyết định chọn lựa hết sức khôn ngoan như chúng ta đọc, lắng nghe bài đọc 1 và 2 trong thánh lễ Chúa Nhật XVI Thường Niên hôm nay: “Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông Áp-ra-ham chạy ra đón” các vị khách mà ông chưa quen biết (x. St 18, 2), và tâm hồn ông hoan lạc, nhảy mừng vì Thiên Chúa đã đoái thương đến ông “độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sa-ra bạn ông sẽ được một con trai” (St 18, 10). Hơn nữa, Thánh Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Cô-lô-sê cũng tỏ lộ niềm hân hoan, vui sướng trong việc chọn lựa “đau khổ vì anh em” (x. Cl 1, 24) và Ngài đi đến quyết định táo bạo “tôi loan báo Người, cảnh tĩnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giê-su Ki-tô” (Cl 1, 28). Tóm lại, ai ai trong chúng ta đều có lựa chọn, nhưng làm sao để chọn lựa đúng đắn và không nuối tiếc, thiết nghĩ chúng ta nên đặt mình trước Chúa, nhờ Lời Người, Thần Khí thúc bách để chúng ta luôn mở rộng tâm hồn lắng nghe tiếng Chúa muốn nói, đón nhận Lời Chúa, và để Lời Ngài hoán đổi con người mình.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết chọn Chúa trên hết mọi thứ khác; xin nâng đỡ chúng con đặt trọn niềm tin nơi Chúa để chúng con không hề bị lung lay, chi phối bởi những trận ‘cuồng phong’, ‘sống thần’ vật chất trong xã hội hiện nay, mà ngược lại được gia tăng không ngừng trong đời sống tâm linh, giao kết mối tình thân với Chúa và tha nhân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==========
Suy niệm 3: Phần Tốt Nhất
“Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Macta đón Người vào nhà.” (Lc 10,38).
Phải là thân thiết nghĩa tình lắm với Thầy Giêsu, thì đang trên đường thầy trò đi rao giảng, cô Macta mới đón đoàn khách quý vào nhà mình nghỉ chân. Cô là người phụ nữ nhiệt thành chu đáo, tất bật lắng lo cho cả đoàn có bữa ăn thịnh soạn, chẳng dễ mấy người được như cô. Xảy ra là cô em Maria chẳng đoái hoài việc bếp núc, cứ “an nhàn” ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, “tiếp” Thầy cách này nghe có vẻ nhàn hạ sướng thân. Bực mình khó chịu mà không nói nhỏ vào tai em, cô chị dám nhắc xéo với vị khách lớn: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10,30b). Chẳng những không giải quyết thỏa đáng cho cô chị, Thầy Giêsu lại bảo: “Macta! Macta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42). Nghe lời này xem ra bất công, tại sao cô chị đảm đang tươm tất lại bị “thua” cô em chỉ ngồi lì hóng chuyện? Ở đây Thầy Giêsu không chủ ý hạ giá công việc của Macta, mà chỉ báo động cái nguy của sự lo lắng bối rối về nhiều chuyện, không còn khoảng lặng nào để “ngồi bên chân Chúa” mà lắng nghe, nên cần có sự hài hòa giữa hoạt động và chiêm niệm, không chỉ lăng xăng đủ thứ mà bỏ cầu nguyện và cũng không được bỏ hoạt động phục vụ con người. Hoạt động bằng cách phục vụ là điều tốt, nhưng còn tốt hơn nữa là việc chiêm niệm (cầu nguyện, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa). “Người ta sống không nguyên chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Thầy khen Maria đã biết chọn phần tốt nhất, phần này chắc chắn và không bị lấy mất. Khi đời sống tôi được bám rễ, thẫm đẫm Lời Chúa trong lòng mến, rồi đưa ra hành động thì “không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô”.
Hàng ngày có biết bao việc tôi phải làm, ở nhiều nơi khác nhau, nhưng “ở bên Chúa” là điều quan trọng và phải chiếm chỗ nhất. “Ở bên Chúa” tôi được mật thiết với Người để tạ ơn, ngợi khen, mà lắng nghe học hỏi, van xin, bày tỏ nỗi niềm vui buồn sướng khổ trong đời.
Lạy Chúa! Chúa đã để lại cho chúng con mẫu gương cầu nguyện trong việc luôn hiệp thông với Chúa Cha và việc dấn thân phục vụ nhân loại trong giảng dạy và hoạt động. Xin Chúa giúp chúng con biết hòa hợp trong cầu nguyện và làm việc. Ước chi những công việc chúng con làm đều phát xuất từ việc cầu nguyện, là lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh được trao ban trong những giây phút trở về lắng nghe Chúa nói. Amen.
Én Nhỏ
==========
Suy niệm 4: Cần người như Mác-ta có trái tim Ma-ri-a
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su thăm nhà hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a. Hàng ngày gia đình của họ ra sao chúng ta không hay biết, chỉ khi cô chị Mác-ta rước Chúa Giê-su vào nhà và tất bật làm cơm thiết đãi Chúa, còn cô em thì ngồi bên chân Chúa và nghe lời Người chúng ta mới có chuyện (x. Lc 10,38-42). Gia đình Mác-ta và Ma-ri-a còn có cậu em trai là La-da-rô không thấy nói tới.
Chúng ta cùng tưởng tượng cảnh diễn ra trong nhà này: người chị chạy lên chạy xuống, còn người em ra như bị lôi cuốn vào việc chuyện trò với Khách. Một lúc sau, người chị Mác-ta, chắc cảm thấy mệt nhọc, nên đã lên tiếng nói với vị Khách: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình, mà không quan tâm sao sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với?” (Lc 10,40). Xem ra cô chị Mác-ta không những bất bình với cô em là Ma-ri-a mà còn cả với Khách mời nữa. Nhưng Chúa Giê-su nhẹ nhàng đáp, kèm theo lời khen Ma-ri-a: “Mác-ta, Mác-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10,41-42). Chính câu nói này của Chúa Giê-su làm nảy sinh những khuynh hướng khác nhau.
Có người cảm thấy tiếc cho Mác-ta, vì Ma-ri-a đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Mác-ta, trong lúc cô ta vui hưởng cuộc nói chuyện với Chúa Giê-su. Khuynh hướng khác cho rằng, Chúa Giê-su không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Mác-ta khi Người nêu bật hành vi của Ma-ri-a “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người” (Lc 10, 39). Tuy nhiên, khi phải chọn lựa thì Chúa Giê-su vẫn thích kẻ “nghe” lời Người hơn là loay hoay chuyện cơm nước…Người cũng cho biết đây là “phần tốt nhất.”
Hẳn Chúa Giê-su không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Mác-ta tất bật với việc tiếp đãi Khách, và một của Ma-ri-a ngồi bên chân Khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về một điều căn bản trong đời sống Ki-tô hữu: lắng nghe và sống Lời Chúa giữa một thế giới đầy bận rộn và phân tâm.
Hai thái độ sống
Mác-ta và Ma-ri-a không đại diện cho điều đúng, điều sai, mà là hai thái độ sống cần được điều chỉnh và quân bình. Mác-ta yêu mến Chúa, nên lo chuẩn bị chu đáo đồ ăn thức uống, như tổ phụ Áp-ra-ham trong bài đọc I (x.St 18, 1-15) đã tiếp đón ba vị khách lạ (mà truyền thống hiểu là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi) với lòng hiếu khách, tận tâm phục vụ. Tuy nhiên, vấn đề của Mác-ta là ở chỗ bị cuốn vào những lo toan, đến mức đánh mất sự hiện diện và Lời Hằng Sống là chính Chúa Giê-su ngay trước mặt mình.
Thánh Au-gút-ti-nô nói: “Mác-ta bị Chúa khiển trách không phải vì bà phục vụ, nhưng vì bà quá bận rộn với việc phục vụ.” (Bài giảng 103, 1-2). Còn Ma-ri-a, người “ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe lời Người” (Lc 10, 39), được Chúa khen là đã “chọn phần tốt nhất” (Lc 10, 42).
Trong một thế giới đầy lo toan và công việc như hôm nay, người Ki-tô hữu dễ trở thành “Mác-ta” bận rộn với việc đời, ngay cả trong các công việc đạo đức, nhưng lại thiếu sự gắn bó và tương quan cá vị với Chúa.
“Chỉ có một sự cần mà thôi”
Chúa Giê-su nói với Mác-ta: “Chỉ có một sự cần mà thôi” là một mạc khải quý giá. Điều cần thiết nhất, chính là lắng nghe và sống Lời Chúa.
Thánh Biển Đức, vị sáng lập đời sống đan tu đã mở đầu Luật Dòng bằng câu: “Nghe đây, hỡi con, lắng nghe lời Thầy dạy, hãy nghiêng tai lòng con và đón nhận.” Lắng nghe Lời Chúa là thái độ của người môn đệ đích thực. Người môn đệ ấy không chỉ nghe bằng tai, mà bằng cả trái tim để Lời trở thành ánh sáng soi đường, như Thánh vịnh viết: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).
Quân bình giữa hoạt động và chiêm niệm
Origène viết: “Ma-ri-a ngồi dưới chân Chúa Giê-su, đó là hình ảnh của linh hồn đang khao khát chân lý thần linh” (Trích bài giảng Tin Mừng Lu-ca). Ma-ri-a đại diện cho Hội Thánh chiêm niệm, đặt Lời Chúa lên trên mọi hoạt động khác.
Công đồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh: “Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Mình Thánh Chúa… Vì trong Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm gặp gỡ con cái Ngài và đối thoại với họ” (Trích: Hiến Chế Lời Chúa, số 21). Đời sống đức tin không thể tách rời khỏi việc lắng nghe Lời Chúa, nhất là trong Thánh lễ và đời sống cầu nguyện hằng ngày.
Dẫu Ma-ri-a được khen là chọn phần tốt nhất, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ bê hành động. Giáo hội cần cả Mác-ta lẫn Ma-ri-a, cần người phục vụ cũng như người chiêm niệm. Sự trưởng thành trong đức tin nằm ở sự quân bình: chiêm niệm để phục vụ hiệu quả hơn, và phục vụ để cụ thể hóa tình yêu ta dành cho Chúa.
Giảng trong Thánh lễ ngày 17/7/2026, Đức cố Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói: “Chiêm niệm không loại trừ hoạt động, và hoạt động không được làm nghẹt thở đời sống thiêng liêng.” Người Ki-tô hữu hôm nay được mời gọi trở nên những “Mác-ta có trái tim Ma-ri-a”, luôn dấn thân phục vụ nhưng bắt nguồn từ việc lắng nghe Lời Chúa và sống gắn bó mật thiết với Người.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta biết trở nên những môn đệ khôn ngoan như Ma-ri-a, nhưng không bỏ quên sự phục vụ như Mác-ta. Và trong mọi sự, luôn đặt Chúa là trung tâm của đời sống mình.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===========
Suy niệm 5: CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN
Trong một thế giới thực dụng coi trọng hiệu quả, thì Giáo Hội ngày càng có rất nhiều Mácta và rất ít Maria. Muốn đạt tới những thành quả mục vụ, bao giờ chúng ta đặt nặng chương trình hành động, chẳng mấy ai đưa ra chương trình cầu nguyện. Thế nhưng chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới tìm thấy sức mạnh và tính cách chân chính để hoạt động. Mọi hoạt động sẽ mất phương hướng và lệch lạc khi chúng ta thiếu lắng nghe tiếng Chúa. Khi được hỏi về bí quyết của đời sống mình, thì Mẹ Têrêsa trả lời ngay: “Bí quyết của tôi rất đơn giản là cầu nguyện”. Nhà bác học Ampère đã đóng góp nhiều cho nền văn minh nhân loại, người ta đánh giá ông là con người vĩ đại, nhưng ông đã khẳng định: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện”.
Các vị thánh đều nổi bật đời sống cầu nguyện, nhưng không vì thế mà coi nhẹ đời sống phục vụ. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận nói, “Nếu muốn biết công việc tông đồ của ai, ta hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào? Thực tế cho thấy, một người càng sống đời cầu nguyện lại càng nảy sinh ước muốn hoạt động tông đồ, và một người hăng say hoạt động tông đồ bao giờ cũng phát sinh nhu cầu muốn rút lui vào nơi yên tĩnh để cầu nguyện.
Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. Khuôn vàng thước ngọc của đời sống chúng ta là: "Cầu nguyện và hoạt động". Vì thế, vấn đề không phải là chọn một trong hai mẫu người Maria hay Mácta, hoặc chọn một trong hai cách hiện diện, mà là chọn Chúa trong mọi sự. Một Hội Thánh quân bình khi có cả hai mẫu người là Mácta và Maria.
Phúc Âm cho ta thấy cả hai chị em đều chân tình đón rước Chúa vào nhà, nhưng Mácta vồn vả và tất bật hơn, vì muốn tiếp đãi Thầy bằng một bữa ăn thịnh soạn. Còn Maria lại có vẻ vô tư và bình thản, ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài. Mácta cảm thấy bức xúc và thốt lên: “Em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” Mácta không chấp nhận Maria ngồi đó nghe lời Thầy, chị muốn lôi cô em xuống bếp để phục vụ theo kiểu của mình và theo ý của mình.
Đức Giêsu thấy cần phải giải tỏa cho Mácta khỏi nỗi bồn chồn quá mức, nhất là giải phóng chị khỏi cái tôi hẹp hòi, cái nhìn chủ quan, tính cách độc đoán, nên Ngài lên tiếng:“Mácta ơi! Con lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá!...”. Mácta cứ tưởng phải làm thật nhiều, chứng tỏ mình thật hay, thành quả phải thất tốt, thì bản thân mình mới được tín nhiệm và yêu quí. Đó là một xu hướng qui ngã, chưa thể ra khỏi mình để chọn phần tốt hơn. Thế nên Đức Giêsu cho chị biết:“Chỉ có một chuyện cần thiết thôi, và Maria đã chọn phần tốt nhất...”.
Cũng như Mácta, ai cũng muốn phục vụ Chúa, nhưng dần dần, điều chi phối mình không phải là Chúa, mà là thành công và nổi nang của bản thân. Cũng như Mácta, chúng ta huy động người khác để phục vụ cho dự tính của riêng mình. Khi thấy người khác không nhận ra sự quan trọng của việc mình làm, không thấy được thành quả mình thực hiện, là ta dễ mất bình tĩnh và không còn tế nhị. Có khi chúng ta bắt Chúa đứng về phe mình để thấy người khác không đáng gì. Có khi ta coi Chúa như bình phong để biểu hiện tài năng và uy thế của mình.
Nên nhớ, chúng ta phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của mình không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác. Giá trị của phục vụ không nằm trong công việc lớn nhỏ, trong vị trí hay chức vụ, nhưng nằm trong tâm tình, ý hướng và cách thái của người phục vụ. Sự phục vụ chân chính bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị, nhường bước để tạo được hoà khí, bình đẳng và bổ túc cho nhau trong mọi công việc. Phục vụ mà gây ra bất an hay bất ổn là dấu hiệu của sự bất chính và là mầm mống của sự phân rẽ.
Nếu không tỉnh thức đủ, sợ rằng phục vụ sẽ trở thành cách thức củng cố cái TÔI. Tuy nhiên trước sau gì thì chiếc mặt nạ cũng sẽ rơi xuống trước sự thách đố của một hành vi phục vụ chân chính, là đòi hỏi tinh thần từ bỏ. Làm thế nào để ta phục vụ mà không thấy mình phục vụ. Làm thế nào để ta thật sự biết ngắm nhìn Chúa mà không ngắm nghía sự quảng đại của mình. Làm thế nào trong mọi sự, ta biết chọn phần tốt nhất như Maria để có thể đi vào trái tim của Chúa.
Cần có giờ chìm sâu trong cầu nguyện mỗi ngày để có thể sống thân tình với Đức Kitô là chính Đấng phục vụ. Nơi Ngài sự phục vụ của ta được thanh luyện nên trong sáng, được thánh hoá nên cao cả, hầu góp phần với Chúa đem lại niềm vui ơn cứu độ cho mọi người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Ý nghĩa cuộc đời con là chính Chúa,
giá trị và cùng đích đời con cũng là Ngài.
Cuộc sống con sẽ đi về đâu,
nếu đời con vắng Chúa?
Bao việc con làm có nghĩa gì đâu,
nếu lòng con xa Chúa?
Bao điều con đạt được có giá trị gì đâu,
nếu tâm con thiếu Chúa?
Bao thứ con hiểu biết có ích chi đâu,
nếu trí con nằm ngoài Chúa?
Bao danh giá và địa vị có là gì đâu,
nếu bản thân con không gặp Chúa?
Tất cả chỉ là trống rỗng,
nếu Chúa không ở trong con.
Mọi cái chỉ là hư vô,
nếu con không ở trong Chúa.
Trong Chúa mọi sự trở thành có,
ngoài Chúa mọi thứ trở thành không.
Với Chúa đời con đầy hy vọng,
không Chúa chẳng có gì để mong.
Xin cho con mỗi ngày kề bên Chúa,
được gặp Ngài hạnh phúc của đời con,
biết nêu cao tình mến giữa gian trần,
bằng hy sinh và phục vụ tha nhân. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==========