Đến hôm nay, niềm vui Giáng Sinh vẫn còn kéo dài trong lòng người. Khi thăm hỏi nhau, câu chuyện râm ran qua lại vẫn là Giáng Sinh. Ai cũng thấy bầu khí lễ năm nay ở mọi nơi rất vui vẻ rộn ràng, đông đảo và “hoành tráng” nữa ! Trang thông tin của giáo phận đang tải lên những bài tường thuật lễ Giáng Sinh tại các giáo xứ, giáo họ, khiến tôi cũng muốn thuật lại chuyến mục vụ tại các bản H’mông ở hai giáo xứ Mường La và Sông Mã, tỉnh Sơn La.
1. Sáng thứ năm (21.12,2017), chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình dài gần 400 cây số từ Tòa giám mục đến thị trấn Ít Ong, thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đường đi êm ái khiến chẳng ai phải la oai oái vì gập ghềnh đá sỏi như trước đây ! Dọc đường, chúng tôi dừng chân thăm các giáo xứ Hòa Bình, Mộc Châu và Mai Sơn, trước khi đến Ít Ong lúc trời xẩm tối. Bầu khí Giáng Sinh ở đây đã nhộn nhịp với ánh đèn nhấp nháy, hang đá rực rỡ làm rộn lòng người.
Thánh lễ tối hôm ấy với giáo dân ở Ít Ong thật sốt sắng. Các bé thiếu nhi miệng nhỏ mà hát lại to, giọng đơn sơ, trong sáng. Tôi nhận thấy các em hát và đọc kinh làu làu, chứng tỏ đã quen theo cha mẹ đi lễ. Giá mà các phụ huynh các nơi đều biết dẫn con mình đến với Chúa như vậy. Giáo họ Ít Ong thật là “Ít Oi” so với nhiều giáo họ khác, vì chỉ có 132 người theo danh sách, và thực tế chỉ có khoảng 100 người giữ đạo. Giáo xứ Mường La bắt đầu sải cánh từ khi cha Giuse Lê Đoài Túc đến ở được gần một năm nay, và hiện có các họ như sau:
STT | Tên | Dân tộc | Gia đình | Nhân danh |
1 | Ít Ong | Kinh | 34 | 132 |
2 | Chiềng Ân | H’mông | 137 | 920 |
3 | Chiềng Công | H’mông | 72 | 400 |
4 | Chom Cọ | H’mông | 10 | 40 |
5 | Mường Bú | Kinh | 11 | 50 |
| | Tổng cộng | 264 | 1.542 |
2. Sáng thứ sáu (22.12.2017), chúng tôi đi bản Noong Hoi Dưới thuộc xã Chiềng Ân, là một giáo họ H’mông. Cuối tháng 8, sau khi lũ quét gây thiệt hại nặng cho vùng này, chúng tôi đã đến thăm và ủy lạo bà con. Nhớ lại đoạn đường 37 cây số bị nước lũ phá hỏng, không biết bao lần phải xuống xe rồi lại lên xe thì tự nhiên vừa ngại phải đi lại đoạn đường này, vừa tự hỏi không biết khi nào mới có con đường như trước kia ! May thay chính quyền đã cho san lấp các chỗ trũng, để bà con có thể đi lại giao thương, đường tuy không tốt nhưng vẫn đỡ hơn trước đây nhiều.
Khi đến nơi, cả bản đang buồn vì một chuyện thương tâm. Hôm qua, một học sinh nam 15 tuổi trong giờ chơi, đùa nghịch nhau thế nào mà té từ tầng hai xuống chết mất. Chúng tôi đến thăm và dâng lễ cho em tại gia đình. Căn nhà gỗ đơn sơ thấp tè của gia đình hôm nay không đủ để chứa người. Nhìn khuôn mặt đau khổ của cha mẹ em và các người H’mông ôm cứng nhau – cách biểu lộ tình cảm của họ - mà khó cầm nổi xúc động. Chiếc quan tài đơn sơ ghép bằng ván thô, không sơn phết, không vòng hoa, được đặt sát vách nhà, trông thật tội nghiệp. Tôi cố gắng khích lệ đức tin của họ bằng cách ví von em có phúc vì được Chúa cho sinh ra trên trời vào ngày Chúa từ trời sinh xuống thế, một cuộc trao đổi giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa và con người. Đám tang của người H’mông công giáo giản dị nhiều so với người Kinh, không kèn trống ầm ĩ, không vòng hoa phúng viếng, không giả dối khóc mướn ỉ ôi, không vinh danh người chết cũng chẳng huênh hoang người sống, nó cho thấy nét chân thật mộc mạc trong nếp sống của họ. Tôi nói đám tang người H’mông công giáo bởi thực ra, người H’mông có nhiều tục lệ rườm rà, như tục bón cơm cho người chết (dựng xác người chết ở góc nhà, rồi đút cơm cháo vào miệng người ấy); hoặc chờ cho đến khi con cái về đầy đủ mới đem chôn, có khi để cả tuần lễ…; hoặc tốn kém, vì mỗi người con phải cúng một con trâu để làm đám tang cho cha mẹ, nếu có 5 người con thì phải tốn 5 con trâu ! Người H’mông theo công giáo đã bãi những tục lệ ấy, cả những tục lệ về hôn nhân như “kéo vợ”...
16 giờ chiều, thánh lễ Vọng Giáng Sinh được cử hành với sự tham dự của hầu hết người H’mông có đạo trong xã, xa nhất cũng phải 20-30 cây số. Hôm nay họ diện bộ áo quần đẹp nhất, sạch nhất, mặt tươi vui rạng rỡ. Xem ra người H’mông ở đây văn minh hơn các nơi khác, các thiếu nữ đã biết đi giầy bít hoặc ba-ta, mặc thêm chiếc quần tây với váy xòe bên ngoài, biết tô môi đỏ choét như mốt thời thượng của các nữ sinh cấp ba hiện nay.
Sau thánh lễ là bữa cơm cho toàn giáo họ. Chúng tôi mời họ một bữa ăn để mừng lễ. Bữa cơm đó đối với người H’mông có lẽ là một bữa tiệc, nhưng thật ra chẳng là gì. Nhìn họ ăn uống tự nhiên, đằm thắm, nhẹ nhàng, không ồn ào “dzô dzô”, không gào thét “trăm phần trăm”… thật là ấm áp. Thì ra người H’mông có văn hóa hơn người Kinh, tôi nghĩ thế. Dự những bữa tiệc của người Kinh, thật lòng tôi ngán ngẩm. Ai cũng giành nói, nói thật to, đinh cả tai, nhức cả óc. Mở nhạc cũng hết công suất. Uống rượu thì “không bến không bờ”. Ai cũng có thể mời rượu, phải cạn ly, không muốn cũng bị ép, uống xong lại phải bắt tay. Thế thì phải nói là chuốc rượu, ép rượu, chứ không phải là mời rượu. Bảo đó là “nét văn hóa” vùng miền thì tôi không đồng ý.
19 giờ tối, chương trình Hoan Ca Giáng Sinh bắt đầu. Trời lạnh thế mà chẳng ai vắng mặt. Đây là lần đầu tiên có sự kiện này, nên già trẻ lớn bé không ai bỏ lỡ, chăm chú theo dõi các tiết mục cây nhà lá vườn do con em mình biểu diễn, nhiều bài múa hay ra phết. Chỉ mắc cười là anh MC khi giới thiệu bằng tiếng kinh thì ấp úng, ngọng nghịu, đến khi bảo anh nói tiếng H’mông cho bà con hiểu, thì anh nói trơn tru lưu loát, được bà con hưởng ứng nồng nhiệt, vỗ tay reo hò. Tôi đọc được trong ánh mắt và trên khuôn mặt của bà con sự hài lòng thích thú. Lễ Giáng Sinh năm nay thế là mang lại cho bà con H’mông ở Chiềng Ân niềm vui chưa từng có, dù nó rất giản dị, không màu mè, hoành tráng !
22 giờ đêm, buổi Hoan Ca Giáng Sinh kết thúc. Mọi người vui vẻ ra về, và chắc hẳn họ được một đêm ngon giấc như Chúa Hài Đồng. Chúng tôi cũng thế, dù trời lạnh cắt da, nhưng do mệt nhọc vì đi đường, nên giấc ngủ đến thật dễ dàng, cộng với sự mãn nguyện là mình đã đem niềm vui Giáng Sinh đến với bà con H’mông dễ thương ở vùng sâu, vùng xa, và vùng cao này. Xin tạ ơn Chúa !
(Còn tiếp kỳ II)
Một số hình ảnh trong chuyến mục vụ: Đường đến Chiềng Ân đẹp mê hồn, mây quyện lững lờ vắt ngang sườn núi.
Cha Giuse Lê Đoài Túc (đứng giữa), phó đặc trách giáo xứ Mường La.