Thứ năm, 25/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIX Thường niên C

Cập nhật lúc 10:25 05/08/2022
Suy niệm 1
Đừng sợ!
Lc 12, 32-48
Thời gian trôi qua
Chuyện kể: một chàng thanh niên công giáo, cha mẹ anh hiền lành thánh thiện. Nhưng anh lại ăn chơi trác táng. Đến tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân sự, anh đi khám sức khỏe. Và đột nhiên, bác sỹ nói với anh: anh mắc bệnh ung thu máu và anh chỉ còn sống được sáu tháng nữa. 
Sáu tháng! Sáu tháng không để mất, không thể thay thế được. Lúc đó nhìn lại quá khứ của mình, anh nhận ra rằng:
- Anh thường để mất thời gian khá nhiều.
- Anh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội làm điều tốt cho mọi người
- Anh bỏ qua cơ hội để tận hưởng tình bạn mà người khác đã dành cho anh.
Đó là thời gian lãng phí, đã mất và thật vô ích! Và nhờ lời cầu nguyện của cha mẹ anh, Chúa soi sáng cho anh:
- Sáu tháng! Anh còn sáu tháng và sáu tháng này là một vấn đề không để mất. Anh sẽ làm gì?
- Sáu tháng! Sáu tháng cuối đời mà anh có thể nói: Tôi sẽ sử dụng tốt thời gian ngắn ngủi này!.
- Sáu tháng phục vụ tốt và trung thành! 
- Anh nhìn cuộc đời anh, anh ngập ngừng và cuối cùng quyết định trong sáu tháng cuối đời.
- Anh xác định cái chết sắp xảy đến khiến anh khám phá ra rằng cuộc sống này là một món quà mà Chúa ban cho anh và cuối cùng cuộc sống sẽ được dâng lại cho Thiên Chúa. 
- Anh học cách sống tốt hơn!
Hôm nay
Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm sẽ đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên anh em hãy sẵn sàng: vì giờ nào anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Chúa Giêsu mời các môn đệ sống như thể họ sẽ rời khỏi trái đất ngay hôm nay. Đó có thể là họ về với Cha. Và có thể họ không có sáu tháng để sống như chàng thanh niên như đã kể trên.
Nghĩ về cái chết sắp xảy đến, nghĩ về sự mong đợi của con người, không phải để chúng ta rơi vào đau khổ, nhưng dạy chúng ta sống trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống. Ý nghĩ đó làm cho chúng ta cảnh giác. Chúa Giêsu nói: "Anh em hãy sẵn sàng...Anh em hãy phục vụ".
- Chúng ta hãy nhớ rằng cuộc sống trên trái đất này là một kho báu quý giá đừng để lãng phí! 
- Chúng ta đừng để kho báu của mình cạn kiệt và quên đi bản chất sự tồn tại của chúng ta. 
Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy làm cho mình một kho báu vô tận trên thiên đàng. Vào buổi sáng anh em hãy nhìn vào một ngày sống của anh em bằng cách nghĩ rằng đó là ngày cuối cùng. Anh em đừng lãng phí một khoảnh khắc nào, hãy đi đến điều cốt yếu có nghĩa là những gì có thể giữ được dưới cái nhìn của Chúa”.
Như vậy, nghĩ về cái chết giúp chúng ta sống như những người phục vụ trung thành. Và giúp chúng ta sống tốt hơn!
Không đợi ngày mai
“Hãy phục vụ”.Nếu một người đầy tớ nghĩ trong lòng rằng chủ tôi về muộn, nên đánh đập đầy tớ trai tớ gái, ăn uống say xưa, chủ người đầy tớ ấy về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết”.
Chúa Giêsu muốn mọi người cảnh giác
Phêro thưa với Chúa: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người”? Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người nhưng đặc biệt là với các môn đệ của Ngài là hãy sẵn sàng.
- Chúng ta có nguy cơ ngủ thiếp đi đến ngày mai và cứ thế cho đến khi chúng ta nhận ra rằng đã quá muộn.
- Chúng ta cũng có nguy cơ liên tục đi chệch khỏi những quyết tâm tốt đẹp của chúng ta lúc khởi đầu.
Có bao nhiêu người trong chúng ta đã quyết định bắt đầu sự nghiệp hoặc làm một việc gì đó trong giáo xứ, giáo họ của mình là người phục vụ chứ không phải là ông chủ?
- Có bao nhiêu người trong chúng ta đã hứa sẽ phục vụ tốt công việc của mình: Ban Hành Giaó, Giaó Lý Viên , Ban Ca, Ban Kèn và các hội đoàn!
Chúa Giêsu nói: "Anh em hãy phục vụ”. Có ai đó nói với thánh Vincent de Paul về ngày chết của ngài:“Cha đã phục vụ tốt, chắc chắn cha có thể chết bình an”. Và thánh nhân trả lời: “Tôi có thể làm rất nhiều, nhiều hơn nữa! "… 
Chúng ta có thể sống như ngài được không?!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Lc 12, 32 – 48
Bài Tin Mừng hôm nay có hai phần: phần thứ nhất là lời giáo huấn ngọt ngào dành cho mọi người, mọi nơi và mọi thời; phần thứ hai là bài giáo huấn vừa ngọt vừa cay, dành cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ. Chúng ta tạm bỏ qua phần thứ hai, để dành thời giờ suy nghĩ về Lời Chúa dành riêng cho chúng ta, những người tùng phục ông chủ và đại diện của ông.
Chủ đề của bài giáo huấn này là “hãy sẵn sàng”.
Để mở đầu cho bài giáo huấn, Chúa đã nói với chúng ta một câu ngọt lịm như đường phèn: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”. Chỉ nghe bấy nhiêu thôi cũng đủ sướng rồi.
Hãy để cái tâm sung sướng, còn cái trí thì phải làm việc. Theo văn hóa thời ấy của người Do Thái thì không ai biết được giờ rước dâu. Người ta để thả nổi. Nếu rước dâu sớm thì biết ngay bên nhà trai vừa giàu vừa sang hơn nhà gái. Nếu rước dâu muộn, có khi quá nửa đêm, thì biết ngay đó là vinh dự của nhà gái. Chính vì thế ông chủ trong dụ ngôn căn dặn đầy tớ: “Lúc nào cũng phải thắt lưng, kéo áo cao lên, tay cầm đèn”. Hễ chủ về, vừa gõ cửa, thì liền mở ngay. Người đầy tớ ấy là người đầy tớ ưu tú, được chủ đóng vai đầy tớ, đứng hầu bàn đầy tớ.
Dụ ngôn này cho chúng ta một suy nghĩ, đó là ở trên đời này chúng ta biết trước được nhiều điều, trừ giờ chết.
  • Nhà thiên văn biết trước giờ nào phút nào và giây nào thì có nguyệt thực. Đúng trăm phần trăm.
  • Người làm ruộng biết trước ngày nào lúa đỏ đuôi, ngày nào lúa chín vàng. Cũng đúng trăm phần trăm.
  • Cô dâu đang mang bầu có thể cho mẹ chồng biết ngày nào cháu nội sẽ khóc chào đời. Đúng gần trăm phần trăm.
  • Nhưng nếu ta hỏi các bác sĩ, các nhà bác học ưu tú rằng: “Ngày nào, giờ nào tôi chết?”, thì tất cả đều giơ tay đầu hàng và thành thật thú nhận: “Chỉ có Trời biết thôi”.
Dựa vào những kinh nghiệm vừa kể trên, Chúa ân cần dạy chúng ta là phải luôn luôn sẵn sàng có đầy đủ hành trang để dù chết lúc nào, chúng ta cũng vào thiên đàng ngay. Vậy thế nào gọi là sẵn sàng? Sẵn sàng là lúc nào, ngày nào cũng làm việc tốt, đặc biệt là làm việc bác ái. Bác ái là giúp người nghèo có cơm áo, giúp người ốm đau bệnh tật không bao giờ buồn và thất vọng, an ủi người già nua, chán chường không bao giờ quên đọc kinh, cầu nguyện. Điều mà Chúa muốn nhất là chúng ta luôn biết tha thứ, không chấp nhất, không thù oán.
Có những người rất khôn: ngày nào cũng có giờ xét mình trước khi đi ngủ. Và tối nào trước khi đi ngủ cũng cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho những người mình đã lỗi bác ái với họ. Sau đây là một bài học về “sẵn sàng”.
Có một gia đình nọ tối nào cũng đọc và suy gẫm lời Chúa. Sau phần suy gẫm lời Chúa là xét mình. Tôi đã chứng kiến buổi đọc kinh và xét mình này.
- Anh chồng đứng xin lỗi vợ: “Sáng nay anh nóng tính, nặng lời với em. Anh xin lỗi em”. Bà vợ đứng lên trả lời: “Thì cũng tại em, anh mới nóng nảy như vậy”. Sau đó hai vợ chồng bắt tay xin lỗi nhau. Hai đứa bé vỗ tay cười khúc khích. Sau đó bà mẹ xét mình hộ hai đứa con: “Hai, con là chị thì phải yêu em. Tại sao sáng nay con đánh em con? Út, con là em, con phải yêu kính chị, tại sao con dám hỗn, dám chửi chị? Cả hai đứa đều sai hết. Vậy chúng con hãy xin lỗi nhau”. Hai chị em ôm nhau cười hí hí. Sau đó, cả nhà cùng đọc Kinh Cáo Mình. Câu “lỗi tại tôi mọi đàng” ai nấy vừa đọc, vừa cảm động đến rơi lệ. Sẵn sàng là thế đấy. Tuyệt vời!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Chuyển đổi của tạm đời nầy để lấy kho tàng thiên quốc
Lc 12, 32 - 48
Khi ra nước ngoài, dù có mang theo cả tỷ đồng tiền Việt, người ta cũng không thể mua sắm trên thị trường nước bạn. Vì thế, khi phải giao dịch mua sắm trên xứ bạn, cần phải chuyển đổi đồng Việt Nam ra tiền nước đến.
Chuyển đổi tiền thế gian ra tiền thiên quốc
Chúng ta biết rằng: trần gian chỉ là quán trọ, Nước Trời mới là quê thật. Không ai có thể bám víu vào mặt đất nầy mãi mãi.
Mai đây không sớm thì muộn, bất cứ ai cũng phải rời bỏ thế gian nầy để bước sang thế giới khác, hoặc là lên thiên đàng hưởng phúc đời đời hay là phải sa vào chốn ngục hình muôn đời đau khổ.
Cũng như tiền Việt không thể sử dụng để giao dịch trên thị trường thế giới, thì tiền của thế gian cũng không chút giá trị trên cõi thiên đàng. Vì thế, chuyển đổi tiền của thế gian ra tiền thiên quốc là điều tối cần thiết.
Chuyển đổi cách nào?
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phương cách chuyển đổi, đó là: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không hao vơi ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.”
Khi dạy “bán tài sản của mình đi mà bố thí” hoặc “sắm những túi tiền không hư nát, một kho tàng không hao hụt trên trời”, Chúa Giê-su muốn chúng ta sử dụng những ân huệ và vốn liếng Chúa ban như tiền bạc, của cải, thời giờ, tài năng, sức khỏe… của mình để phục vụ và giúp ích cho người khác, nhất là những người gặp khó khăn, bất hạnh, túng thiếu.
Khi đem những gì mình có để giúp đỡ người khác, chúng ta không hề thua thiệt, nhưng được lời lãi gấp ngàn; chúng ta không nghèo đi, nhưng trở nên giàu có… Vì nhờ đó, ta sẽ có một kho tàng quý báu không hề hao hụt trên thiên quốc. Mai đây, tha hồ vui hưởng. Đây là một chọn lựa, một lối sống cực kỳ khôn ngoan.
Trái lại, khi khư khư giữ lại tất cả cho riêng mình, để mưu cầu lợi ích cho bản thân… thì đến lúc phải lìa bỏ đời nầy ra đi, chúng ta phải rũ bỏ lại tất cả, chẳng có chút gì mang theo nên chẳng được Chúa đón nhận vào quê trời. Làm như thế thì vô cùng thua thiệt.
Chuyển đổi ngay từ hôm nay, không đợi đến ngày mai
Sau khi nghe lời Chúa dạy cần phải chuyển đổi của tạm đời nầy để lấy kho tàng vĩnh cửu trên thiên quốc, có người bảo: Thật là chính đáng! Đó là chọn lựa khôn ngoan và hết sức cần thiết, nhưng vội gì? Đời còn dài mà! Từ từ rồi ta sẽ liệu!
Nghĩ như thế chẳng khác gì người tôi tớ mê ngủ, không tỉnh thức đón đợi chủ về trong đêm khuya. Chúa Giê-su thường nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo canh phòng, vì giờ Chúa đến bất ngờ không ai tiên đoán được.
Lịch sử cho thấy lắm khi cái chết chụp xuống bất ngờ đang lúc thiên hạ tưởng là an toàn tuyệt đối.
Tại New York, ngày 11 tháng 9 năm 2001, hai tòa tháp uy nghi đồ sộ của Trung tâm Thương mại Thế giới 110 tầng, cao 415m bất ngờ bị quân khủng bố tấn công, bốc cháy ngùn ngụt và sụp đổ sau vài giờ, làm cho hơn 3.000 người thiệt mạng, khiến cả thế giới hết sức bàng hoàng!
Và tại Nhật Bản, ngày 11 tháng 3 năm 2011, cơn địa chấn kinh hoàng từ ngoài khơi đảo Honshu đã gây ra trận sóng thần cao đến 40 mét ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó và gây ra cái chết đau thương cho gần 16.000 người và 2.500 người mất tích!
Ngoài ra, cái chết còn chụp xuống rất nhiều người khác trong những lúc bất ngờ, nhiều không kể xiết. Vậy thì chúng ta cần chuyển đổi ngay hôm nay, không đợi đến ngày mai.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con ghi khắc lời Chúa dạy: “Hãy sắm cho mình những túi không hư nát, và kho tàng không hao vơi trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát” và đem ra áp dụng ngay từ hôm nay. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
Tỉnh thức trong niềm tin và hy vọng

(Lc 12,32-48)
Nếu như Lời Chúa Chúa nhật trước nhắc nhở chúng ta đang khi sinh sống ở trần gian đừng quên nghĩ đến tương lai và định mệnh cuối cùng của mình, thì Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tỉnh thức trong niềm tin và hy vọng. Thái độ trên được Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn khác nhau để diễn tả như: dụ ngôn mười cô trình nữ đi đón chàng rể, kẻ trộm đến ban đêm, người đầy tớ tỉnh thức chờ… ông chủ đi khuya về… Đây là thái độ nội tâm căn bản của đời sống người kitô hữu.
Trong Cựu Ước, thái độ này được diễn tả qua các nhân vật chính như Abraham, nghe Chúa gọi, ông liền lên đường ngay; Samuel nghe Chúa gọi lúc đang ngủ đêm, liền thưa: Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.
Trong Tân Ước, chúng ta đọc được thái độ này qua hai tiếng xin vâng của Đức Maria, qua thái độ của Thánh Giuse mau mắn nhận Đức Maria về nhà làm bạn mình; qua thái độ của các Tông Đồ, vừa nghe tiếng Chúa gọi, liền bỏ mọi sự theo người… Đó là những tâm hồn tỉnh thức trong tin tưởng cậy trông, họ luôn nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống.
Abraham được tác giả thư Do thái đề cao như tấm gương sáng về đức tin. Tổ phụ tin chắc chắn và hy vọng rằng những điều Thiên Chúa đã hứa thì Ngài sẽ thi hành, nên ông tỉnh thức, đợi chờ trong niềm tin.
Abraham là người đầu tiên có một đức tin như vậy, thật xứng đáng là cha đẻ của những kẻ có lòng tin. Abraham tin vào lời Chúa hứa và ra đi, chẳng hiểu sẽ đi đến chỗ nào, nhưng chắc chắn Chúa sẽ đưa Abraham đến vùng đất màu mở, và ở đó, ông sẽ trở thành cha của một dân tộc, ông sẽ có con đàn cháu đống. Chính niềm tin đã đưa ông lên đường; và cũng chính niềm tin đã khiến ông không dừng lại lấy nơi nào làm quê hương không phải là nơi Chúa sẽ chỉ cho. "Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập" (x. Dt 11, 1-2; 8-19). 
Thái độ trên cũng là kinh nghiệm của con cái Israel. Họ được cứu thoát là nhờ nghe lời ông Môsê khuyên bảo (x. Xh 12,21-28) tin và trông đợi vào Chúa. Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu muốn khuyên chúng ta hôm nay (x. Lc 12,32-48).
Nhìn vào đời sống thường nhật, phải nói là chúng ta dường như đang hy vọng trong niềm tin và tỉnh thức đấy chứ. Bởi chúng ta đang vội vã lăng xăng, đang xử dụng cặp mắt, đôi chân, đôi tay và các quan năng để làm những công việc chúng ta cho là đem lại nhiều lợi ích nhất cho phần rỗi cuộc đời cứu cảnh của ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Vậy, phải chăng chúng ta thức mà không tỉnh, sẵn sàng mà không có chuẩn bị. Tiên vàn, hãy tỉnh thức, trung tín và khôn ngoan (x. Lc 12,32-48).
Vậy tỉnh thức như thế nào, có phải rằng cứ thức suốt không ngủ sao? Chúa Giêsu khuyên chúng ta: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Các con hãy sẵn sàng”(x. Lc 12, 36). Đây không phải thức suốt không ngủ, càng không phải là chờ đợi cách thụ động: “Đầy tớ trung tính và khôn ngoan” là đầy tớ “khi chủ về còn thấy làm việc”, nghĩa là đang hăng say làm nhiệm vụ ông chủ đã trao phó cho, không gì khác là phục vụ trong yêu thương, theo gương của chủ mình. Vậy, “Ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy” (x. Lc 12, 42-43).
Tỉnh thức ở đây là đừng ngủ mê, phải tỉnh táo và phân định. Ở đời có những bóng đêm ru ta ngủ say, khiến ta không gặp được Chúa. Có bóng đêm của tội lỗi, của danh vọng, ru ta ngủ sâu trong tội, ngủ quên vinh quang Nước Trời. Có những bóng đêm của xác thịt, ích kỷ đưa ta vào giấc mộng của lạc thú, chỉ biết sống cho mình, chìm đắm trong giấc mộng làm cho niềm tin của ta phai mờ, mất lẽ cậy trông.
"Thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn" là tư thế của người có chủ đích đợi chủ đi ăn cưới về bất cứ lúc nào: "chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng", anh vẫn trung tín luôn sẵn sàng làm theo ý chủ. Đây là hình ảnh lý tưởng của sự thức tỉnh trong tình yêu.
Tỉnh thức là bắt tay vào hành động, không phải chỉ có ngồi và chờ, nhưng phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Phải luôn trong tư thế sẵn sàng làm việc. Tại sao vậy? Thưa! Vì người đầy tớ không hề mảy may biết được lúc nào, giờ nào ông chủ trở về. Sự xuất hiện của ông bất thình lình đến độ như tên trộm.
Chúa như ông chủ đi vắng, Ngài trao cho ta toàn quyền khi vắng nhà. Người giao cho ta sức khỏe, điều kiện, khả năng để ta phát triển về nhiều mặt. Thức tỉnh là nhận ra ý Chúa trong những dấu chỉ của thời đại.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tỉnh thức, để chúng con có thể chờ đợi Chúa với sự kiên trì trong niềm tin yêu. Xin đốt lên trong lòng chúng con chính ngọn lửa hy vọng đang đợi Chúa không hề tắt, để chúng con gặp được Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 5
KHO TÀNG CỦA TA ĐANG Ở ĐÂU?

Xảy ra một câu chuyện bất ngờ, nhưng thật tang thương, khi hàng loạt bài báo đều đăng tin anh chàng khoẻ mạnh, đẹp trai bị đột tử. Ai ai cũng biết rõ hằng ngày anh chăm chỉ đi làm, kiếm tiền, dành dùm, hầu chăm sóc bản thân cũng như mẹ già. Lúc anh đã ra đi vĩnh viễn, khi khám tử thi, người ta phát hiện dường như cánh tay trái của anh vẫn cố vươn ra, chỉ về phía có chiếc két sắt đóng đầy bụi cũ kỹ. Nhưng rồi, chẳng ai để ý đến. Chỉ sau khi tang lễ hoàn tất, họ hàng xa của anh lấy làm hiếu kỳ, bèn mở két sắt ra, ôi trông như đứng một kho báu đã chôn giấu từ rất lâu, nay được khai quật lên toàn vàng bạc, tiền của!
Kho tàng này còn ở lại trần gian, còn anh giờ phải ra đi, không trở lại. Chắc hẳn, ai ai trong chúng ta cũng có một kho tàng. Vậy, kho tàng của chúng ta đang ở đâu? Đức Giê-su khẳng định: “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12, 34). Quả thật, tục ngữ Việt Nam nói rất chí lý: Đồng tiền đi liền khúc ruột. Những gì quý giá nhất, chúng ta đều cất giữ kỹ lưỡng. Những gì quý giá, chúng ta thường nghĩ suy, để lòng trí hướng về nó.
Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su còn dạy: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12, 33). Thật vậy, gây dựng kho tàng trên trời thì đảm bảo hơn kho tàng ở hạ giới. Nhưng lạ lùng thay, cách gây dựng kho tàng trên trời lại khác hẳn so với cách xây dựng kho tàng trần gian. Chẳng cần nói nhiều, hẳn ai trong chúng ta đều biết để gây dựng kho tàng trần gian, chúng ta phải tích trữ, tiết kiệm, hà tiện, tính toán, đến nỗi ích kỷ thì lúc ấy kho lẫm mới gia tăng, tài sản mới rủng rỉnh. Ngược lại, để gây dựng kho tàng trên trời, chúng ta phải biết cho đi, chúng ta phải biết chia san. Càng quảng đại cho đi, lại càng trở nên giàu có. Càng chia sẻ với người, với đời, lại càng được đầy dư. Càng ban tặng, lại càng được phong phú. Đây chính là những đặc tính của người quản lý khôn ngoan và trung tín, mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay.
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói chẳng sai: Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn…Môi xinh ở trọ người xinh, duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý kiều…Tôi nay ở trọ trần gian, mai sau về chốn xa xăm với Người…Cuộc sống trần gian này chỉ tạm thời như việc ở trọ vậy. Chúng ta được Chúa trao phó thời gian, sức khoẻ, tài năng, tiềm năng, trí lực, thể lực, v.v…không phải để chúng ta trở nên ‘ông/bà chủ con’ của bản thân hoặc của người khác, mà đúng hơn là người quản lý không hơn không kém. Chúa mong muốn chúng ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan, người quản lý biết gây dựng kho tàng trên trời vĩnh viễn, không bao giờ hư mất. Nhưng để trở nên người quản lý trung tín và khôn ngoan, chúng ta cần đặt trên nền tảng đức tin như ông Áp-ra-ham đã tín thác, tin tưởng vào Thiên Chúa, và thực thi lời Ngài phán truyền, dù ông không biết nơi đích đến là đâu (x. Dt 11, 8). Vì chưng, “đức tin bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (x. Dt 11, 1).
Hơn nữa, nhờ đức tin mà người quản lý khôn ngoan và trung tín luôn tỉnh thức trước những cơn ngủ mê, những giấc mộng mị của thói đời dửng dưng, lối sống ‘mặc kệ nó’ (chẳng hề quan tâm đến tha nhân, chỉ biết cái tôi của mình), thói quen tích trữ hơn là cho đi, cách sống đòi hỏi, chỉ muốn nhận, chứ chẳng bao giờ chia san tất cả ân sủng, tài nguyên, tài năng, trí lực, thời gian, v.v…cho tha nhân, vì đó chính là những tài sản Chúa trao cho chúng ta quản lý và sẻ chia không ngừng. Ngoài ra, người quản lý trung tín và khôn ngoan chẳng bao giờ được bội phản, bất trung, quay lưng chống lại Thiên Chúa bằng cách dùng ơn Chúa bội tín Ngài, dùng thời gian Chúa ban ủ mưu, thực hiện những việc làm xấu xa, dùng sức mạnh-quyền lực dèm pha, chà đạp, áp bức kẻ khác, dùng tài năng cho tư lợi mà chẳng biết cống hiến, phục vụ, v.v…Nhưng đúng hơn, người quản lý trung tín và khôn ngoan dùng tất cả những gì Chúa ban để phục vụ Ngài, Giáo hội và tha nhân. Vì “hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12, 48).
Sau cùng, nhờ đức tin mà người quản lý khôn ngoan-trung tín biết nhẫn nại đợi chờ trong tinh thần tỉnh thức. Không ai trong chúng ta biết khi nào mặt trời lặn lần sau cùng trong đời mình, và chẳng ai có thể biết được ngày nào được nhìn thấy ánh dương chiếu rọi lần cuối. Cuộc đời này ở trọ chóng qua, nhưng Chúa lại hay đến bất ngờ, vì thế là người quản lý tín trung-khôn ngoan, chúng ta phải tỉnh thức đợi chờ. Nhưng chẳng phải thụ động ngồi đó khoanh tay đứng ngồi không yên, hoặc đứng nhìn! Không, đợi chờ trong tỉnh thức đồng nghĩa với việc tích cực sống đạo, hăng say làm việc bác ái, thắt lưng-đốt đèn, giữ ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn nến đức tin cháy sáng luôn mãi. Hơn thế, tỉnh thức chờ đợi là sống tinh thần phục vụ không ngơi nghỉ. Dẫu Chúa có đến bất ngờ như kẻ trộm đi chăng nữa, Ngài cũng nhìn thấy người quản lý khôn ngoan-trung tín đang hăng say phục vụ, đang chia san với tha nhân, đang thực thi Lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, ước gì kho tàng con
Trong tấm lòng sắt son, chân thành
Trở nên người quản lý khôn ngoan
Luôn thức tỉnh đợi chờ thực thi
Lời rao truyền Chúa chỉ (dẫn) đỡ nâng
Mãi là người quản lý ân cần
Đèn rạng chiếu, tảo tần chia san
Với tâm hồn trao bao, hiến dâng.

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 6
TỈNH THỨC

Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”. (Lc 12,35-36).
Đức Giêsu dạy ta sống trong sự tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa Kitô đến bằng việc “thắt dây  lưng và cầm đèn sáng”. Y phục của Người Do Thái thời đó mặc vừa dài vừa rộng. Để khỏi vướng víu khi đi lại hay làm việc, họ phải xắn lên và thắt đai lưng cho gọn. Tin Mừng hôm nay Chúa dạy tôi phải có thái độ sẵn sàng đón chờ Chúa đến, phải loại bỏ những cản trở như danh vọng, đam mê, những thứ khác ràng buộc, khiến ta mất tự do, không hoàn toàn thuộc về Chúa, để sẵn sàng ra đón tiếp Người đến cách chung hay riêng. Người Kitô hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Tỉnh thức còn là luôn ở trong tình trạng “đang làm nhiệm vụ”. Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng. Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Người tỉnh thức là người luôn sống tinh thần cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36).
Chúa nhắc đi nhắc lại: “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12, 36). Nếu canh hai hoặc canh ba, biết chắc giờ nào thì Chúa đến? chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con còn được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.
Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống tỉnh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ? Tỉnh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và ban thưởng quá lòng ước mong: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. (Lc 12, 37).
Lạy Chúa là nguồn hạnh phúc bất diệt, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức, để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong môi trường chúng con đang sống, đặc biệt trong chúng con và nơi anh chị em xung quanh. Xin dạy chúng con biết sẵn sàng đón Chúa qua việc tiếp xúc, cư xử với tha nhân, để chúng con được hưởng hạnh phúc của người con tín trung, ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời.

Én Nhỏ

 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log