Thứ hai, 09/09/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI Thường niên C

Cập nhật lúc 10:48 14/07/2022
Suy niệm 1
Chỉ một điều là đủ
Lc 10, 38-42
Hoạt động hay chiêm niệm? Khi đọc bản văn Tin Mừng này, chúng ta thường kết luận: Maria là người chiêm niệm, còn Matta là người hoạt động. Nhưng nếu chúng ta khẳng định đó là hai lối sống trái ngược nhau, thì không hoàn toàn đúng:
- Thánh nữ Teresa Avila, vừa là người hoạt động, lại vừa là người chiêm niệm
- Charles de Foucauld đã đến Samac không chỉ để cầu nguyện mà còn gặp gỡ người bị xa lánh và khó tiếp cận.
- Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, đi khắp thế giới, nhưng dành rất nhiều thời giờ để cầu nguyện. Và khi đề cập đến công việc truyền giáo, Ngài cũng đã nói: “Chúng ta phải là người hoạt động trong chiêm niệm”.
- Mẹ Teresa Calcuta cũng vậy: Mẹ đến với người nghèo, người đau khổ và mẹ có đời sống cầu nguyện lâu giờ.
- Đối với các tín hữu giáo dân chọn đời sống hôn nhân gia đình, cuộc sống của họ đầy dẫy những lắng lo cho đời sống gia đình và những công việc của nghề nghiệp…Nhưng cuộc đời của họ cũng được đánh dấu bằng bí tích. Bí tích cũng có nghĩa là huyền bí và chiêm niệm.
Vì thế chúng ta đừng vội kết luận đời sống hoạt động và chiêm niệm đối lập nhau! Tốt hơn hết là chúng ta hãy nhìn lại thân phận con người chúng ta để vượt qua tất cả gì là đối lập.
Thuần túy con người. Tình trạng con người chúng ta dù ở địa vị nào đều có cùng một vẻ đẹp. Chúa Giêsu, Ngôi lời Thiên Chúa đã mặc lấy vẻ đẹp đó. Khi tới gần Gierusalem, Chúa Giêsu dành một thời gian để nghỉ lại Betania, trong một gia đình có 3 chị em: Mat-ta, Maria và Lagiaro, là những người bạn thân của Chúa. Chúa bước vào nhà như vào trong chính gia đình mình. Bữa ăn sẽ được chuẩn bị thịnh soạn. Tại đây, Ngài có thể nói mà không sợ hãi: họ lắng nghe Ngài. Ngài đánh giá cao sự hiện diện của Maria ngồi bên cạnh Ngài, nuốt từng lời Ngài nói.
Ngài nói gì? Chúng ta không biết. Nhưng chắc chắn Ngài nói trong tình bạn nghĩa thiết. Tình bạn nối kết Ngài với người lắng nghe,  giá trị hơn nội dung bài giảng của Ngài. Tình bạn này còn thể hiện một cách rõ nét khi Ngài chứng kiến cái chết của Lagiaro trong gia đình này: “Hãy nhìn xem Ngài thương anh ấy biết bao”! Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là một con người giòn mỏng có khả năng xúc động. Ngài cũng chia sẻ thân phận con người của chúng ta
Một tình bạn để tận hưởng. Chúa Giêsu nói với Matta: "Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá”! Và Ngài cũng nói như thế với chúng ta hôm nay. Chúa biết chúng ta sống trong một thời đại mà người ta lặp đi lặp lại rằng nếu không có việc làm, thì đó là điều đáng lo lắng nhất. Mối quan tâm lo lắng của chúng ta, đó là thất nghiệp, hết tiền và không còn lương nữa. Trong thực tế, việc làm là một phần chính yếu của mỗi người chúng ta.. Việc làm tạo thành kết cấu sự tồn tại của chúng ta.  Không có việc làm cũng tạo nên một sự buồn chán nào đó. Nhiều người đến tuổi về hưu, nếu phải về hưu họ cũng rất buồn chán. Hơn nữa, người ta còn nói: Nhàn cư vi bất thiện. Nếu không có việc làm, con người rất dễ bị dẫn đến những hành vi tội lỗi.
Tuy nhiên, làm việc liên tục cũng làm cho chúng ta lo lắng và mệt nhọc. Vì thế cần phải  có những lúc nghỉ ngơi thư giãn. Nghỉ ngơi thường là để phục vụ việc làm: giúp lấy lại sức mạnh để làm việc tốt hơn.  Chúa Giêsu nói tiếp với Mat-ta: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria  đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”!
Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Chị nghe  lời Chúa. Còn Mat-ta bận rộn nhiều công việc phục vụ. Chị không có thời gian ngồi xuống, chị không có thời gian lắng nghe.
Có lẽ chúng ta cũng thế! Chúng ta đã mất thói quen ngồi xuống.
- Chúng ta không còn biết lắng nghe tiếng Chúa
- Chúng ta sợ ngồi xuống để lắng nghe Thiên Chúa của chúng ta.
- Chúng sợ thấy mình phải cô đơn yên lặng.
- Chúng ta thích dành thời gian hoạt động để thoát khỏi cảnh cô đơn buồn chán.
- Chúng ta không biết,thường xuyên, lắng nghe người thân và bạn bè chúng ta: có bao nhiêu cuộc hội họp chỉ là những cuộc đối thoại điếc mà mỗi người đều bảo thủ ý kiến riêng cho nghề nghiệp của mình.
Một chuyện cần thiết đó là gì? Chúa Giêsu nói với Mat-ta và mời chị tận hưởng niềm vui của cuộc gặp. Chỉ một điều cần thiết thôi đối với ai tin vào Chúa Giêsu, đó là tin vào tình bạn thân của Ngài, trong đời sống đạo, bất kể ơn gọi nào của mỗi người trong Giáo Hội: giáo sỹ, tu sỹ hay giáo dân. Vì thế, cần phải có một chỗ trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, chỗ có thể lắng nghe! Maria đã tìm thấy chỗ đó!
Tìm nơi của Thiên Chúa, tìm nơi này, nơi cho mỗi người như cho Maria, để Chúa nói. Thiên Chúa chúng ta, trong Chúa Giêsu, là con người, con người dịu dàng. Chúng ta đừng từ chối trải nghiệm điều đó! Tìm nơi... hay đúng hơn là để mình được Thiên Chúa tìm thấy. Cuộc phiêu lưu này giá trị hơn tất cả các công việc của thế giới!  Để mình được Thiên Chúa làm việc và rồi chúng ta sẽ nhìn thấy những chân trời mới đang mở ra! Từ đó, chúng ta sẽ làm việc tốt hơn trong đời sống chúng ta!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
============== 
Suy niệm 2
Lc 10, 38 – 42
Cách Giêrusalem chừng ba cây số về hướng đông, có một làng tên là Bêtania. Làng này có một gia đình được Đức Giê su coi như bạn thân. Cứ mỗi lần vào thủ đô Giêrusalem để dự lễ, Chúa thường đến nghỉ trọ ở đây.
Với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan kể cho chúng ta một câu chuyện. Câu chuyện này vừa buồn cười vừa đẫm ý.
Chúa là một siêu sao từ miền Bắc vào thủ đô dự lễ, được bà Mác-ta mời dùng bữa. Khách thì đông: nguyên đoàn truyền giáo của Chúa đã là 13 rồi; ngoài ra còn những người thân tín của gia đình chắc chắn cũng được mời, mà số lượng thì đông hơn con số 13.
Khách đông như thế thì ban hậu cần phải tất bật. Vậy mà cô Maria bỏ mặc chị Mác-ta tất bật, toát mồ hôi. Cô cứ ngồi lì bên chân Chúa để nghe giảng. Cô nghe lời Chúa, quên cả tình chị em. Như vậy có nghĩa là cô Maria thiếu tế nhị đối với chị Mác-ta.
Chị Mác-ta cũng ham được nghe lời Chúa, nhưng lại không được ngồi nghe như cô em, vì đi nghe Chúa giảng thì lấy gì mà đãi Chúa. Thế là cơn ganh cơn ghen nổi lên. Chị Mác-ta le te đến trước mặt Chúa khiếu nại. Lời khiếu nại cho thấy Mác-ta đánh mất tất cả sự tế nhị của phụ nữ. Mác-ta lên tiếng: “Thầy thấy con vất vả một mình mà không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con xuống bếp giúp con một tay.”
Cô Mác-ta đã thiếu tế nhị với chị. Bây giờ chúng ta lại thấy Mác-ta thiếu tế nhị với Chúa. Lẽ ra chị phải ngọt ngào thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy cho phép con nói nhỏ với em con một chút”. Thế mới là phụ nữ. Thế mới là nể mặt siêu sao. Nhưng lại không là thế. Buồn cười quá!
Mác-ta vừa dứt lời, thì đến lượt Chúa là người thứ ba không tế nhị, không tế nhị với chị Mác-ta. Thay vì nói rằng: “Maria ơi, con xuống bếp tiếp tay chị con. Mác-ta ơi, làm vài món thôi, rồi cả hai chị em cùng lên đây nghe giảng”. Không! Chúa nói một câu chua lè: “Mác-ta ơi! Con lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một việc cần phải làm, thì em con đã làm rồi…” Tất bật lo cho Chúa, mà bị Chúa chê là “lăng xăng nhiều chuyện”. Nhưng có lẽ lời và ý của Chúa thì chua lè, nhưng giọng nói và ánh mắt của Chúa thì vẫn ngọt lịm.
Thế là ta thấy có ba cái không tế nhị. Tại sao lại như vậy?
  1. Maria thiếu tế nhị với chị vì quá thèm lời giảng của Chúa. Gần như mỗi năm Chúa chỉ vào thủ đô có bốn lần thôi: Maria đói lời Chúa quá, mà sinh ra thiếu tế nhị như vậy. Chỉ thiếu tế nhị với chị có vài mươi phút thôi.
  2. Mác-ta thiếu tế nhị với Chúa, cũng chỉ vì thèm khát lời Chúa quá. Thua cô em vì không được nghe lời Chúa thì tức, nhưng sau đó thì chắc là hai chị em lại vui như tết.
  3. Chúa cố tình không tế nhị với chị Mác-ta, vì đó là bài giáo huấn mạc khải cho muôn người và muôn đời. Lời Chúa là của ăn từ trời ban xuống. Lời Chúa đem lại sự sống vĩnh cửu. Phải nặng lời với Mác-ta như thế để hôm nay chúng ta phải say mê nghe lời Chúa. Lời Chúa được ghi lại trong bốn cuốn Phúc Âm.
Nhìn lại ba cái không tế nhị của Chúa, của chị Mác-ta và của cô Maria, chúng ta phải vừa buồn cười vừa ghi khắc trong lòng quyết tâm: có Phúc Âm trong gia đình; đọc Phúc Âm hằng ngày và suy niệm lời Chúa thường xuyên. Đặc biệt là phải cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta hiểu và thi hành lời Chúa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
============== 
Suy niệm 3
Kho tàng vô giá
Lc 10, 38-42
Hôm ấy, khi được Chúa Giê-su đến thăm nhà, Mác-ta vui mừng tiếp đón và tất bật lo việc nấu dọn để hầu hạ Chúa, hy vọng Chúa sẽ hài lòng về sự tiếp đãi ân cần, chu đáo của mình.
Vậy mà Chúa Giê-su lại đề cao thái độ chăm chú lắng nghe của Maria hơn và trách Mác-ta: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10, 41-42).
Maria đã chọn phần tốt nhất, vì lắng nghe Lời Chúa là việc hệ trọng nhất trên đời, là khai thác một kho tàng vô giá, là nắm lấy bí quyết để được sống hạnh phúc muôn đời...    
Lời Chúa biến đổi lòng người
Trong nhiều trường hợp, người ta chỉ cần đón nhận một câu Lời Chúa thôi cũng đủ để thay đổi cuộc đời. Xin nêu lên vài trường hợp tiêu biểu:
- Thứ nhất: Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e sinh tại Tây Ban Nha năm 1506. Năm 19 tuổi, anh đến Pa-ri, vào đại học với ước mơ trở thành giáo sư.
Tại đây, anh gặp thánh I-nha-xi-ô và được ngài lấy Lời Chúa nhắc nhở rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16,16).
Những lời nầy đã xoay chuyển hoàn toàn cuộc đời Phan-xi-cô, soi cho anh thấy công danh sự nghiệp đời nầy chỉ là phù du, hư ảo. Thế là Phan-xi-cô dứt khoát từ bỏ danh vọng thế gian, hiến dâng đời mình để phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn, mang Tin mừng Chúa đến với các dân tộc Á Châu tại Ấn-độ, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản.
- Thứ hai: Một câu Lời Chúa quen thuộc khác là: “Những gì các con đã làm cho những anh em bé mọn của Ta đây là đã làm cho chính Ta” cũng tác động mạnh mẽ tâm hồn mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta, thôi thúc mẹ cũng như hàng ngàn chị em trong Hội dòng Thừa sai Bác ái do mẹ thành lập, tận hiến cả cuộc đời, dấn thân phục vụ hết sức tận tình những người bất hạnh khắp nơi trên thế giới.
Lời Chúa xóa bỏ hận thù, xây đắp tình yêu thương
Cụ thể là:
- Nhờ Lời Chúa soi sáng, người ta sẽ không xem người khác là xa lạ, là kẻ thù… nhưng là anh chị em ruột thịt có chung một người Cha là Thiên Chúa; nhờ đó, thay vì sống thờ ơ, vô cảm, ghét bỏ người khác… mọi người sẽ yêu thương đùm bọc nhau.
- Nhờ Lời Chúa dạy, người ta nhận ra Chúa Giê-su đang hiện diện nơi những người chung quanh, đang thực sự sống trong mỗi người; nhờ đó, người ta sẽ tôn trọng nhau như tôn trọng Chúa, ân cần phục vụ người khác tận tình như phục vụ chính Chúa Giê-su.
- Nhờ ánh sáng của Lời Chúa, người ta nhận biết sự thật tuyệt vời là có cuộc sống đời sau; biết trần gian chỉ là quán trọ, thiên đàng mới là quê hương; biết cùng đích của đời người không phải là nấm mồ hoang lạnh, nhưng là cõi phúc hoan lạc đời đời trên thiên quốc.
- Ngoài ra, Lời Chúa còn cải thiện cuộc sống con người, giúp họ diệt trừ thói hư tật xấu để sống quảng đại, tốt lành, nhân ái hơn.
Tóm lại, Lời Chúa đẩy lùi sự gian ác, xóa bỏ hận thù, dập tắt lửa chiến tranh.
Lời Chúa mang lại hòa bình, vun đắp tình yêu thương, mang lại hạnh phúc cho muôn người.
Chính vì vậy, lắng nghe và thực hành Lời Chúa là việc cần thiết và quan trọng nhất trên đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Lời Chúa như ngọn hải đăng soi đường cho nhân loại giữa biển đời tăm tối; Lời Chúa là kim chỉ nam chỉ lối cho người lạc bước giữa rừng sâu.
Xin cho chúng con luôn quý trọng Lời Chúa và để cho Lời Chúa hướng dẫn mọi hoạt động hằng ngày của mình; nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ trở nên thánh thiện, an vui và hạnh phúc. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
============== 
Suy niệm 4
NGHE NHỮNG LỜI CHÚA MUỐN NÓI VỚI CHÍNH MÌNH
Một vị kinh sư thuật lại câu chuyện giữa nhà hiền triết tài ba với các đồ đệ của ông rằng: giữa chốn rừng cây cối um tùm, chim chóc hót líu lo, muôn vật, muôn thú khoe sắc hương, bỗng nhà hiền triết hỏi các sĩ tử của ông: các con đến đây tìm gì nơi ta? Phải chăng đến để nghe những gì các con muốn nghe hay nghe điều mà ta chỉ dạy?
Không cần phải nói, quý ông bà và anh chị em có thể biết câu trả lời tất yếu của các sĩ tử rồi! Tuy nhiên, với một ý nghĩa nào đó, câu hỏi của nhà hiền triết cũng làm ta không khỏi suy nghĩ mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, khi chúng ta quy tụ sinh hoạt cầu nguyện, chia sẽ Lời Chúa hay các hoạt động tôn giáo nói chung: chúng ta nghe những điều mà chúng ta muốn nghe hay chúng ta nghe những lời mà Chúa đánh động tâm can, thầm thỉ, tỉ tê trong tâm hồn mình? Để rồi, chúng ta tiến thêm một bước nữa, đó là: hãy để Lời Chúa hoán đổi tâm hồn, quan điểm, cách nhìn đời, cách đánh giá, nhận xét của mình, v.v..! Và đó là sự chọn lựa của mỗi người chúng ta!
Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta được tận hưởng rất nhiều dịch vụ, vô số phương tiện, tiện ích hỗ trợ cũng như đẩy chúng ta đến thói quen ‘bất di, bất động’ hay ‘chẳng mảy may quan tâm đến tha nhân’. Thêm nữa, trước mắt chúng ta, đầy dãy những chọn lựa như hàng hoá, linh kiện, dụng cụ, đồ dùng, v.v... và hàng loạt sự kiện, phương tiện giải trí cung phụng con người chúng ta từ A đến Z, từ móng chân cho đến sợi tóc, từ khi chào đời nằm trong nôi cho đến khi nhắm mắt lìa đời nằm trong quan tài. Cũng chẳng cần nói thêm nữa, chúng ta đã biết chọn lựa những gì tốt đẹp nhất, tiện lợi nhất, hữu ích nhất cho bản thân, gia đình, con cái. Với cái nhìn này, đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhở Mát-ta cũng như nhắc nhở mỗi người chúng ta: đừng lo lắng quá nhiều sự, đừng để tâm hồn mình bị chi phối mà ảnh hưởng đến lựa chọn ưu tiên của bản thân, đó là việc nuôi dưỡng tâm linh, đời sống đạo đức bằng việc lắng nghe, đón nhận và để Lời Chúa – Lời Sự Sống – hoán đổi, dưỡng nuôi, gia tăng lòng mến, đức tin, niềm cậy trông của chúng ta. Qua lời xác nhận của Chúa Giê-su với Mát-ta “...con lo lắng bối rối nhiều chuyện; chỉ có một sự cần mà thôi Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (x.Lc 10, 42), Ngài không có ý đánh giá thấp hay xem thường công việc chuẩn bị, quan tâm đến đời sống thể chất qua việc nấu ăn, sửa soạn bữa ăn tiếp đãi khách quý (Chúa Giê-su), nhưng Ngài lưu ý với Mát-ta và mỗi chúng ta là: đừng để việc kiếm tìm đồng tiền, nồi cơm, manh áo mà ta quên nuôi sống đời sống tâm linh, đạo đức của mình. Hơn nữa, đừng để đời sống vật chất chi phối, thậm chí trói buộc, giam hãm đời sống tâm linh, nhất là trong xã hội ‘bốc mùi’ vật chất này vì “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4b).
Sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó; và việc chọn lựa nào cũng đi đôi với quyết định và trách nhiệm của bản thân. Nhưng chọn lựa đúng đắn bao giờ cũng hơn lựa chọn sai lầm? Ông Ab-ra-ham và thánh Phao-lô đã đưa ra quyết định chọn lựa hết sức khôn ngoan như chúng ta đọc, lắng nghe bài đọc 1 và 2 trong thánh lễ Chúa Nhật XVI Thường Niên hôm nay: “Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông Ab-ra-ham chạy ra đón” các vị khách mà ông chưa quen biết (x. St 18, 2), và tâm hồn ông hoan lạc, nhảy mừng vì Thiên Chúa đã đoái thương đến ông “độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sa-ra bạn ông sẽ được một con trai” (St 18, 10). Hơn nữa, Thánh Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Cô-lô-sê cũng tỏ lộ niềm hân hoan, vui sướng trong việc chọn lựa “đau khổ vì anh em” (x. Cl 1, 24) và Ngài đi đến quyết định táo bạo “tôi loan báo Người, cảnh tĩnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giê-su Ki-tô” (Cl 1, 28). Tóm lại, ai ai trong chúng ta đều có lựa chọn, nhưng làm sao để chọn lựa đúng đắn và không nuối tiếc, thiết nghĩ chúng ta nên đặt mình trước Chúa, nhờ Lời Người, Thần Khí thúc bách để chúng ta luôn mở rộng tâm hồn mình lắng nghe tiếng Chúa muốn nói, đón nhận Lời Chúa, và để Lời Ngài hoán đổi con người mình.
Lạy Chúa, xin giúp chúng ta luôn biết chọn Chúa trên hết mọi thứ khác; xin nâng đỡ chúng con luôn đặt trọn niềm tin nơi Chúa để chúng con không hề bị lay chuyển, chi phối bởi những trận ‘cuồng phong’, ‘sống thần’ vật chất trong xã hội hiện nay, mà ngược lại được gia tăng không ngừng trong đời sống tâm linh, giao kết mối tình thân với Chúa và tha nhân. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
==============  
Suy niệm 5
Nghe và Thực Hành
Tin mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách.
Cả hai cùng đón tiếp Chúa, nhưng Chúa lại nhẹ nhàng trách Matta quá tất bật, bận tâm phục vụ và khen Maria ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Lời Chúa. Phải chăng qua đó Chúa đề cao con đường chiêm niệm, cầu nguyện hơn là sống hoạt động tông đồ bên ngoài? Và như thế, có gì mâu thuẫn với lời Chúa dạy phải cứu giúp anh em trong “dụ ngôn người Samatitanô nhân hậu” của Tin mừng tuần trước?. Thực ra, tiếp đón Chúa Giêsu như hai chị em Matta và Maria là đáng quý. Cả hai đã dành cho Chúa một sự tiếp đón nhiệt tình, thân mật. Matta lo việc bếp núc, chuẩn bị bữa cơm. Maria ngồi dưới chân Chúa lắng nghe. Mỗi người một cách, cố gắng làm vui lòng người khách đặc biệt với dáng vẻ uy nghi cao quý siêu thoát đang ghé thăm gia đình. Chúa Giêsu tán thưởng cả hai. Cả hai đã minh hoạ đầy đủ trọn vẹn Lề Luật của Thiên Chúa là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Hành động của Matta và Maria là hai yếu tố cần thiết, nhưng có sự cần thiết hơn trước khi hành động là lắng nghe.
Maria ngồi bên chân Chúa với tâm thế lắng nghe. Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe. Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất.
Matta lo việc bếp núc, phục vụ ăn uống. Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: "Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay". Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.
Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: "Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất. Chọn phần tốt nhất không phải là chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu và làm theo ý Chúa. Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa.
Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao chiêm niệm trên hoạt động. Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động, lo lắng về những nhu cầu vật chất. Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện. Trên thiên đàng người ta chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu. Như thế, Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu. "Phần hơn" của cô là ở chỗ đó. Có Chúa rồi thì còn gì hơn nữa!
Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ ân cần của Matta và đưa ra bậc thang giá trị, cần “chọn phần tốt nhất”. Chọn Lời Chúa và lắng nghe. Đó chính là “phần tốt nhất” như lời Tv 119: “Lạy Chúa, con đã nói, phần của con là tuân giữ Lời Ngài”. Lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên đá (Lc 6,47-49). Lắng nghe Lời giúp tâm hồn trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc của Đức Maria là “lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,27-28).
Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta là: việc cốt yếu đối với người môn đệ là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Nhiều lần, Chúa nói về điều cốt yếu ấy: "Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 11,28); "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21; Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35). Điều cốt yếu ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm "việc Chúa" nhiều, làm "việc đời" ít)... nhưng ưu tiên về giá trị. Khi làm việc gì, nếu mình tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì mình vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì mình vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình. Thánh Phaolô dạy: "Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1Cr 10,31).
Sách Giáo Lý Công Giáo diễn tả: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725). Đời sống Kitô hữu đích thực vừa là một hoạt động có chiêm niệm vừa là một chiêm niệm có hoạt động. (Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 23). Cầu nguyện và hành động đều rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu. Cần thực hiện cách quân bình và điều hòa trong cuộc sống hàng ngày.
Hoạt động và cầu nguyện là nhịp sống đời Kitô hữu. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. Cầu nguyện làm nền tảng cho mọi hoạt động.Nhờ cầu nguyện nên việc phục vụ tha nhân được tốt hơn. Mẹ Têrêxa Calcutta và các Nữ tu dù bận rộn công việc hằng ngày vẫn luôn dành thời giờ tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể. Mẹ luôn là gương sáng cho các Nữ tu, cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày dành một giờ chầu Mình Thánh Chúa, sau đó mới đến các nơi nghèo nàn ở Calcutta để chăm sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các căn nhà tồi tàn giúp những người hấp hối được chết lành.
Tham dự Thánh lễ chính là lúc chúng ta như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài. Đến với Chúa, xin đừng dè sẻn cò kè thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước. Xin đừng đến với Chúa chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ tội. Hãy đến với Chúa như một người con thảo, đến để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đến là vì lòng yêu mến Chúa và muốn sống hiếu thảo với Ngài mà thôi.
Thánh lễ cũng chính là lúc Chúa đến thăm và ban ơn sủng cho chúng ta. Hãy quý trọng sự hiện diện của Chúa. Hãy tham dự tích cực, linh động, cầu nguyện sốt mến, thưa chuyện với Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể ban thêm cho chúng ta đức tin, tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ để chúng ta dấn thân phục vụ anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.(Mana)
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
============== 
Suy niệm 6
Cầu Nguyện và Hoạt Động

(Lc 10, 38-42)
Cầu nguyện và hoạt động chắp lại với nhau thành đôi cánh giúp người tín hữu trở nên hoàn thiện, gặp được Chúa, đến với tha nhân, kiện toàn bản thân.
Abraham và Sara
Tổ phụ Abraham và Sara là đại diện cho lối sống này. Bài đọc I mô tả khi Abraham ngưới mắt lên thấy ba vị khách quí, ông sấp mình xuống van xin để được đón khách vào nhà, rồi gọi vợ là Sara: “Em ơi ra làm bánh, tiếp khách mau, anh đi bắt bê non làm thịt đãi khách” (x. St 18,). Chính ông đứng hầu khách nữa.
Tiếng cười vang dội sau bữa ăn vì tin vui đến. Một trong ba vị khách nói, bà sẽ sinh con và trở thành mẹ của nhiều dân tộc. Nghe tin ấy Bà cười phá lên. Vì dưới cái nhìn của chính bà thì lời này là không thể, vì ông đã già và bà đã lão. Nên sau  này khi sinh con, ông bà đặt tên cho là "Anh cười", tiếng Do thái là Isaac. Đây là kết quả của cầu nguyện và hoạt động song hành với nhau. Thiên Chúa hứa ban cho ông bà.
Marta và Maria
Hai phụ nữ này quê ở Betania, bà con với Chúa Giêsu. Hai bà với hai cách hành xử được người ta qui chiếu về hai cách sống và ơn gọi của người Kitô hữu là: chiêm niệm và cầu nguyện. Thánh sử Luca miêu tả họ như sau: Maria thì ngồi dưới chân Chúa "lắng nghe lời Người", trong khi Marta bận rộn với nhiều việc phục vụ (x. Lc 10,39-40), nàng bận bịu tới độ hướng tới Chúa Giêsu và nói: "Lậy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm gì sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với" (Lc 10, 40). Nhưng Chúa Giêsu dịu dàng quở trách: "Marta, Marta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi, là con hãy nghỉ ngơi, và ngay cả điều quan trọng nhất, con hãy nghỉ ngơi bên cạnh Thày, chiêm ngắm Thầy và nghe Thầy nói" (Lc 10, 41).
Chính lời trên của Chúa Giêsu làm nảy sinh những khuynh hướng khác nhau. Có người cảm thấy tiếc cho Marta, vì Maria đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Marta, trong lúc cô ta vui hưởng cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu, thì lại được khen là người khéo chọn " phần tốt nhất ". Vậy là việc cô làm chưa phải là tốt nhất.
Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên tâm sự. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Chúa không chê hoạt động, lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại, Người chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria để nói lên thái độ cơ bản con người phải có đối với Thiên Chúa.
Áp dụng
Phần lớn trong chúng ta, được Thiên Chúa đã kêu gọi sống như "Marta". Nhưng cũng đừng quên rằng Chúa muốn chúng ta ngày càng như "Maria": Đức Giêsu Kitô cũng mời gọi chúng ta "chọn phần tốt hơn" và không để cho bất cứ ai lấy mất.
Chúng ta nên nhớ rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì chúng tôi có thể làm, nhưng là Lời Chúa soi sáng đời sống chúng ta, và do đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà việc chúng ta làm chất chứa tình yêu.
Chúa Giêsu không có nói xuông, Người đã đi bước trước làm mẫu gương cho chúng ta trong đời sống lao động và cầu nguyện. Lần giở lại các trang Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra một ngày ở Caphácnaum được sánh ví như “ngày làm việc mẫu” của Chúa Giêsu. Trong ngày đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu không chỉ làm việc liên lỉ, rao giảng Tin mừng, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng,… mà còn không ngừng kết hiệp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện. (Mc 1, 29 – 39)
Không chỉ làm việc, Chúa Giêsu còn tìm mọi thời gian, bao có thể để cầu nguyện. Có thể nói, cầu nguyện là điều không thể thiếu trong đời sống tại thế của Chúa Giêsu. Người làm việc không ngừng, nhưng cũng kết hiệp với Chúa Cha cách liên lỉ. Chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn kết hiệp với Chúa Cha, trò chuyện tâm sự với Cha của Người. Cầu nguyện không ngừng nhất là trong những công việc quan trọng cần đến sự cố vấn của Chúa Cha luôn là điểm nổi bật trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chính vì thế, đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu là mẫu gương cho mỗi người chúng ta.
Chuyện kể rằng: Có một chàng thanh niên thông minh trí thức đi tìm thầy để học thêm, nhưng để gặp được thầy, anh phải qua sông, mà phương tiện chỉ là thuyền đò. Anh bước xuống thuyền của một ông già. Anh nhìn thấy trên mái chèo của ông lái đò, mái bên phải có hàng chữ (cầu nguyện), mái chèo bên trái mang chữ (lao động).  Chàng trai nhếch mép cười vào nói: Bố già ơi! Lẩm cẩm chậm tiến quá!  Đã lao động thì cần gì phải cầu nguyện nữa.
Ông lái đò chẳng nói gì cả, ông gác mái chèo cầu nguyện lên mạn thuyền và chỉ chèo với cái mái chèo lao động.  Ông chèo, chèo mãi … nhưng thuyền cứ quay tròn chứ không tiến lên phía trước.  Chàng trai hoảng hồn tưởng đò sắp đắm, liền kêu to: Ông ơi, ông làm gì vậy, sao ông lại chèo có một mái, ông chèo cả hai mái cho cân mau, thuyền đắm bây giờ. Ông nhẩn nha nói: thì cậu chẳng bảo tôi rằng, đã lao động thì cầu gì phải cầu nguyện nữa.
Ông bà anh chị em thấn mến, đời sống người kitô hữu chúng ta được ví như một chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả thế gian này, để tới bến nước thiên đàng chúng ta rất cần hai mái chèo là “lao động”  và “cầu nguyện”.  Hai mái chèo cùng kết hợp hài hoà với nhau, thì khi điều khiển con thuyền mới mau cập bến. Nếu chỉ lao động làm ra nhiều của cải vật chất phục vụ cho cuộc sống mà không nghĩ tới việc cầu xin cùng Chúa, thì cũng như chèo đò với một cái mái chèo. Như mẩu chuyện trên, để từ bờ bên này sang bờ bên kia, cập bến bình an, đò cần phải hai mái chèo, chèo với một mái chèo “lao động” thì cái xuồng sẽ cứ mãi quay tròn, không thể tiến về phía trước để cập bến được.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

============== 
Suy niệm 7
Phần Tốt Nhất
St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42
“Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Macta đón Người vào nhà.” (Lc 10,38).
Phải là thân thiết nghĩa tình lắm với Thầy Giêsu, thì đang trên đường thầy trò đi rao giảng, cô Macta mới đón đoàn khách quý vào nhà mình nghỉ chân. Cô là người phụ nữ nhiệt thành chu đáo, tất bật lắng lo cho cả đoàn có bữa ăn thịnh soạn, chẳng dễ mấy người được như cô. Xảy ra là cô em Maria chẳng đoái hoài việc bếp núc, cứ “an nhàn” ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, “tiếp” Thầy cách này nghe có vẻ nhàn hạ sướng thân. Bực mình khó chịu mà không nói nhỏ vào tai em, cô chị dám nhắc xéo với vị khách lớn: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10,30b). Chẳng những không giải quyết thỏa đáng cho cô chị, Thầy Giêsu lại bảo: “Macta! Macta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42). Nghe lời này xem ra bất công, tại sao cô chị đảm đang tươm tất lại bị “thua” cô em chỉ ngồi lì hóng chuyện? Ở đây Thầy Giêsu không chủ ý hạ giá công việc của Macta, mà chỉ báo động cái nguy của sự lo lắng bối rối về nhiều chuyện, không còn khoảng lặng nào để “ngồi bên chân Chúa” mà lắng nghe, nên cần có sự hài hòa giữa hoạt động và chiêm niệm, không chỉ lăng xăng đủ thứ mà bỏ cầu nguyện và cũng không được bỏ hoạt động phục vụ con người. Hoạt động bằng cách phục vụ là điều tốt, nhưng còn tốt hơn nữa là việc chiêm niệm (cầu nguyện, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa). “Người ta sống không nguyên chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Thầy khen Maria đã biết chọn phần tốt nhất, phần này chắc chắn và không bị lấy mất. Khi đời sống tôi được bám rễ, thẫm đẫm Lời Chúa trong lòng mến, rồi đưa ra hành động thì “không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô”. 
Hàng ngày có biết bao việc tôi phải làm, ở nhiều nơi khác nhau, nhưng “ở bên Chúa” là điều quan trọng và phải chiếm chỗ nhất. “Ở bên Chúa” tôi được mật thiết với Người để tạ ơn, ngợi khen, mà lắng nghe học hỏi, van xin, bày tỏ nỗi niềm vui buồn sướng khổ trong đời.
Lạy Chúa! Chúa đã để lại cho chúng con mẫu gương cầu nguyện trong việc luôn hiệp thông với Chúa Cha và việc dấn thân phục vụ nhân loại trong giảng dạy và hoạt động. Xin Chúa giúp chúng con biết hòa hợp trong cầu nguyện và làm việc. Ước chi những công việc chúng con làm đều phát xuất từ việc cầu nguyện, là lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh được trao ban trong những giây phút trở về lắng nghe Chúa nói. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log