Thứ sáu, 29/03/2024

Suy niệm lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Chúa nhật XIII Thường niên C

Cập nhật lúc 09:12 23/06/2022
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Suy niệm 1
Anh em hãy chia vui với tôi
Lc 8, 11b-17
Niềm vui mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay:
- Đó là niềm vui của người chăn chiên tìm được con chiên lạc.
- Lẽ tất nhiên chắc chắn cũng là niềm vui của con chiên được tìm thấy, được mang trên vai người chăn dắt, được chăm sóc và được hòa nhập trở lại với đàn chiên đầy đủ của mình.
Từ niềm vui đó, Chúa Giêsu muốn chúng ta hướng tới:
- Niềm vui của mọi tội nhân được hòa giải với Thiên Chúa nhờ ân sủng của bí tích.
- Và cũng là niềm vui của tất cả các thừa tác viên lòng thương xót, những người được chịu chức linh mục để trở thành tác nhân hòa giải và bình an.
Như Chúa Giêsu vui mừng vì con chiên thứ một trăm được tìm thấy, các linh mục của Chúa vui mừng mỗi khi gặp  người tội lỗi hoán cải, nhờ ân sủng của Thiên Chúa chứ không phải tài khả năng tài giỏi của linh mục. Lời Chúa tìm được một người, đưa người đó xin ơn tha thứ và tìm được sự trọn vẹn của bí tích giao hòa
- Nếu ai đó nghĩ rằng mình không được tha thứ, là người tự nhốt mình trong mặc cảm tội lỗi và có nguy cơ chìm vào tuyệt vọng.
- Một xã hội sống không có sự tha thứ là xã hội luôn cố chấp và biến mình thành hung hăng đối với người khác để tìm ra lỗi lầm nơi người khác mà chính bản thân mình không muốn nhận ra.
- Một nhân loại không có sự tha thứ là một nhân loại dành riêng cho tố cáo, mọi rợ và dã man.
Vậy thì tại sao việc truyền bá sự tha thứ lại khó đến thế? Tại sao lại khó nhận ra rằng chúng ta cần được tha thứ? Tại sao lại khó nhận ra mình là tội nhân?
Để nhận ra mình là tội nhân, chúng ta phải tin tưởng sâu xa vào tình yêu thương mà Thiên Chúa  không chỉ ban cho cá nhân mỗi người, mà còn cho toàn thể nhân loại. Để có sự tự tin thú nhận tội lỗi của mình và được tha thứ, tình yêu thương trọn vẹn của Thiên Chúa đã được bày tỏ trước mắt chúng ta.
Lưỡi đòng của viên sỹ quan đâm vào trái tim Chúa Giêsu, đã làm máu và nước chảy ra. Đây không chỉ đơn giản là thực hiện nghi thức cuối cùng để xác minh cái chết của nạn nhân, mà còn chu toàn một cử chỉ tiên tri. Vì chưng máu và nước này chảy ra từ trái tim của Chúa Giêsu, bày tỏ sự trao ban tất cả mà Chúa Giê-su đã thưc hiện tự chính Ngài và là nguồn sống cho toàn thể nhân loại. Khi chiêm ngắm máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kito, chúng ta hiểu được điều Thánh Phao-lô nói trong Thư gửi tín hữu Rô-ma: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Các linh mục trở thành thừa tác viên của lòng thương xót và sự tha thứ thôi chưa đủ, mà còn trong cuộc sống của họ, tất cả những khoảnh khắc của cuộc đời họ, phải trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi con người của Chúa Giêsu thành Na-gia-ret. Chúa Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài đến cùng và đã nói với họ: “Không có tình yêu nào cao cả hơn là hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13).
Mỗi người chúng ta đều biết rõ câu nói này của Chúa Kito. Mỗi người chúng ta hãy bắt tay vào hành trình hoán cải để những lời này trở thành hiện thực trong đời sống cụ thể của chúng ta. Mỗi người chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng hình ảnh Chúa Kitô hiến dâng mạng sống, hình ảnh người mục tử nhân lành tìm kiếm con chiên lạc. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình hình mẫu người chăn tốt lành này.
Nhưng chúng ta biết rằng mỗi chúng ta cũng mang những dấu tích: vết sẹo và vết thương của tội ác đã gây ra trong cuộc đời mình. Mỗi chúng ta đều mang trong mình những điểm yếu mà tất cả chúng ta đều mắc phải. Mỗi chúng ta cần người anh em của mình để nhận ra bóng dáng của vị mục tử nhân lành và chiến thắng cám dỗ chạy trốn khi đối mặt với khó khăn.
Trong thế giới hôm nay, các linh mục đôi khi cảm thấy nhiệm vụ của mình càng ngày càng khó khăn hơn. Nhưng khó khăn ở chỗ nào và khi nào? Chúng ta sống trên đời không phải để đo lường những khó khăn, mà là phải đối mặt với thực tế:
- Hãy rút ra sức mạnh từ sự hiệp thông Thánh Thể, hiệp thông với Chúa Kito, Đấng đã chia sẻ Thịt Máu mình cho những người mà Ngài đã chọn.
- Hãy rút ra sức mạnh  từ sự hiệp thông bí tích Trtuyền Chức, hiệp thông với tất cả các thành viên của hàng giáo sỹ.
- Hãy rút ra sức mạnh từ sự mong đợi của mọi thành phần Dân Chúa mà chúng ta được sai đến.
Chắc chắn rằng tình yêu Thiên Chúa tràn đầy con tim chúng ta nhờ đức tin vượt ra khỏi mọi giới hạn của chúng ta. Đó không chỉ là niềm an ủi, mà còn là lời kêu gọi chúng ta luôn rút ra từ việc tìm kiếm con chiên lạc, ý nghĩa và hướng đi của chức linh mục..
Bí tích hòa giải nằm trong kho bạc của Giáo Hội là cánh cửa hy vọng:
- Để không ai trong những trong muốn nhìn lại cuộc đời mình và đi trên con đường hoán cải, sẽ bị bỏ rơi.
- Để không ai trong những người mặc cảm vì tội lỗi. không cho phép mình bị giam cầm trong tội lỗi của mình.
- Để  những người bị kích động bởi mong muốn chỉ ra lỗi lầm nơi người khác, có thể tin rằng mình được trở nên công chính giữa tội nhân nhờ cái chết và sự phục sinh của Đấng Chúa Kito.
Nguyện xin Thiên Chúa ban cho mọi thành phần trong Giáo Hội được vui sống bí tích Hòa Giải là bí tích của niềm hy vọng. Amen.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===============
Suy niệm 2
Lc 15, 3 -7

Khi Đức Giê su mở mắt chào đời, thì nước Do Thái đã bị đế quốc La mã cai trị 63 năm. Người công dân Do Thái mà làm công chức thì bị coi như phản quốc và phản đạo. Cụ thể là Mát-thêu, một nhân viên thuế vụ. Theo luật thì ông bị vạ tuyệt thông tiền kết. Tín đồ Do Thái mà quan hệ với Mát-thêu thì bị mắc uế.
Đức Giê su phớt lờ luật ấy. Vì thế Chúa đã gọi Mát-thêu làm đệ tử. Mát-thêu làm tiệc mừng và mời Chúa tham dự. Tham dự bữa tiệc này cũng là phá luật. Chúa lại phớt lờ đi. Ngài cùng các môn đệ đến ngồi ăn với vô số người mắc uế. Thế là các ông Pharisêu phản đối. Tại sao Chúa phá luật, để bị các ông Pharisêu và Kinh sư phản đối? Tại luật sai. Chúa phá luật sai để dìu dắt loài người đi vào con đường chân chính và để cứu vớt người tội lỗi. Chúa khẳng định rằng Chúa đến để cứu người thoát cảnh tội lỗi, giống y như thầy thuốc cứu bệnh nhân thoát cái đau và cái chết do bệnh làm ra. Đó là một vấn đề lớn chúng ta phải ngẫm nghĩ.
Dường như chỉ có một mình Đức Giê su đã hy sinh cả uy tín lẫn mạng sống, để cứu người tội lỗi. Vì vào nhà ông Gia-kêu, trưởng cục thuế vụ thành Giêrikhô, mà hằng trăm dân đang hâm mộ Chúa, bỗng xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào”. Mất uy tín, mất thiện cảm với dân hâm mộ, nhưng lại biến một người tội lỗi thành một đại ân nhân của người nghèo. Gia-kêu xin hiến một nửa gia tài kếch xù cho người nghèo. Cái đáng quan tâm nhất đó là Chúa hiến mạng sống mình để cứu chuộc toàn thể nhân loại qua mọi thời từ Áp-ra-ham cho đến tận thế.
Chúa là thế, còn chúng ta thì sao? Dường như trên khắp thế giới từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim, từ gia đình ra tới xã hội, người tội lỗi luôn luôn bị khinh dể và tẩy chay. Bằng chứng cụ thể là trong văn hóa Việt Nam, người làm nghề điếm luôn luôn bị gọi là: con đĩ, con điếm. Không bao giờ được gọi là cô đi, là chị điếm, dù người làm nghề ấy vẫn còn trẻ măng. Có những người đã ngoài tuổi xồn xồn mà vẫn còn làm nghề bán hoa, thì chẳng ai gọi là dì đĩ, bà điếm. Cứ bị gọi hết là con đĩ, con điếm. Nếu một ông già râu dài đến rốn, mà đi ăn trộm, thì vẫn bị gọi là thằng ăn trộm, chứ chẳng ai gọi là cụ trộm, bác trộm…
Ông cha chúng ta khinh dể và tẩy chay người tội lỗi. Còn Đức Giê su thì yêu thương và cứu vớt người tội lỗi. Kết quả cụ thể là ông Mát-thêu đã bỏ nghề thu thuế, để theo Chúa đi truyền đạo. Bây giờ chúng ta gọi ngài là Thánh Mát-thêu. Về phe tóc dài thì có cô Mác-đa-la. Cô làm nghề “bán hoa”, nhưng đi nghe Chúa giảng thì bỏ nghề để tháp tùng đoàn truyền giáo của Chúa. Hôm nay chúng ta tôn vinh cô và gọi cô là bà Thánh Mác-đa-la.
Vậy chúng ta phải cởi bỏ cái áo văn hóa dân tộc khinh dể và tẩy chay người tội lỗi. Phải mặc áo mới. Áo ấy là áo mang nhãn hiệu Giê su Ki tô. Đã mang áo ấy thì phải yêu thương và kính trọng người tội lỗi. Yêu thương rồi tiếp cận và loan tin về Tình Yêu của Đức Giê su. Dù có bị bạn bè chống đối, chúng ta vẫn trung thành với Đức Giê su mà yêu thương người tội lỗi. Chỉ có vậy thì người tội lỗi mới giảm thiểu và đời sống xã hội mới nở hoa thánh thiện.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===============
Suy niệm 3
CHỈ VÌ YÊU
Ed 34, 11-16; Rm 5, 5b-11; Lc 15, 3-7
Cha mẹ nào cũng hết lòng yêu thương, hy sinh rất nhiều cho các con của mình. Nhưng có lúc chị em tôi khó chịu thắc mắc: tại sao mẹ cứ suốt ngày để tâm lo cho chị cả? Là người nhà quê chân chất, mẹ tôi chỉ biết trả lời: “con lành thương ít, con “tịt” thương nhiều con ơi!” Chúng tôi im lặng mà ngẫm thấy mẹ nói đúng, vì chúng tôi hiểu hoàn cảnh của chị.
Qua hình ảnh này và ngẫm suy dụ ngôntrong Tin Mừng hôm nay, người chăn “bỏ chín mươi chín mà đi tìm một” con chiên bị mất, tôi mới hiểu phần nào cái “kiểu yêu thương” không cầntính toán hơn thiệt của Đức Giêsu. Ai lại bỏ chín mươi chín con chiên tốt lành mà chạy theo tìm cho kỳ được mỗi một con “chạy đi”. Tìm được rồi thì mừng quá đỗi vác cả lên vai, alô gọi cả làng đến mà chia sẻ niềm vui với mình.
Đối với tội nhân, Đức Giêsu ví mình như người chăn chiên chẳng màng chi lỗ lãi. Người là chủ chăn nhân hiền sẵn sàng dốc sức đi tìm về, băng bó, chữa lành và liều mạng vì con chiên đi lạc. Người chính là chủ chăn nhân lành mà tiên tri Êdêkiel mô tả: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”. Từng con chiên dù là loại nào đều được yêu thương chăm sóc vỗ về. Vì tình yêu Người muốn tất cả đều được ở trong vòng tay yêu thương của Người. Người không muốn một ai phải hư mất, nên dốc sức chạy theo, tìm cho kỳ được mang về mới trọn niềm vui. Nếu “chiên lạc” cứ cắm đầu mà “chạy mất” thì thật đáng buồn. Nhưng nếu nhận ra mình sai đường và biết nghe theo tín hiệu mà trở về thì niềm vui sẽ nhân lên gấp trăm. Bởi vì “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” Nhiều khi chúng con an tâm nghĩ mình nằm trong số “chín mươi chín” người công chính kia. Cách nào đó mỗi chúng con là một chiên “đi hoang”, bệnh hoạn khác nhau mà Chúa đang dẫn dắt, mời gọi sám hối trở về trong tình yêu thương của Người. Trái Tim nhân hậu của Người luôn bao dung thứ tha, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho mỗi người tội lỗi chúng ta. Hãy mau quay về với tình yêu không bờ không bến của Người. Đừng dại dột mà “chạy xa” khỏi vòng tay yêu thương của Người. Vì tình yêu của Người mạnh hơn tất cả tội lỗi và sự chết. “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”.
Lạy Trái Tim Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim yêu của Chúa. Amen.

Én Nhỏ
===============
Chúa nhật XIII Thường niên C
Suy niệm 1
Dù Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo
Lc 9, 51-62
Các cửa đóng ở Sa-ma-ri-a
Gần đến cuộc Khổ Nạn, Chúa Giê-su "kiên quyết " rời Ga-li-lê-a để đến Giê-ru-sa-lem. Thánh Lu-ca nói: “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem”. Con đường đến Giê-ru-sa-lem phải đi qua Sa-ma-ri-a, các môn đệ đi đến một ngôi làng để tìm nơi trú chân. Người Sa-ma-ri-a từ chối, vì họ muốn bảo vệ quyền tự chủ tôn giáo của họ. Lúc bấy giờ Gia-cô-bê và Gio-an bực tức và nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không”?
Nhưng thái độ của Chúa Giêsu không thế, Ngài khiển trách hai anh em. Chúa Giê-su, trên con đường đến Thập giá, Ngài đặt tất cả quyền lực của Ngài để phục vụ lòng thương xót. Ngài xin sự hiếu khách ở một làng khác. Bài học tốt cho chúng ta, đôi khi chúng ta phản ứng không đúng với những người làm phiền chúng ta. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta không được dùng vũ lực để trả thù cho một cái nhìn bị hiểu sai!
Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay không tập trung vào những phản ứng quá con người này. Những gì sắp diễn ra ở Giê-ru-sa-lem quan trọng hơn nhiều so với sự nhạy cảm nhỏ bé của chúng ta: đó là ơn cứu độ của chúng ta sắp diễn ra trong vài ngày tới. Để làm môn đệ Chúa, một chàng thanh niên muốn theo Chúa Giêsu sẽ sớm phát hiện ra rằng theo Chúa không phải là tìm được một nơi ổn định: “con cáo có hang, chim trời có tổ,  nhưng Con Người không có chỗ tự đầu đầu” . Anh thưa với Chúa: “Lạy Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Nói như thế là rất tự phụ nếu chúng ta không đặt niềm tin vào Ngài và quyền năng của ChúaThánh Thần hơn là vào chính chúng ta.
Những câu nói làm chúng ta suy nghĩ
Những câu sau đây trong Tin Mừng có vẻ rất cứng cỏi. Chúa Giêsu yêu cầu tất cả những ai muốn theo Chúa không cần phải nói lời tạm biệt với những người nhà và thậm chí dự đám tang của cha mẹ. Những câu cứng cỏi này được nói ra theo cách của các tiên tri, có mục đích trên hết khiến người ta phải suy nghĩ. Hơn nữa, bất cứ ai muốn theo Chúa Giêsu không được nhìn lại và không dành cho mình một không gian nhỏ. Chúng ta không thể theo Chúa Giêsu với một trái tim bị chia sẻ. Nhiều người thời nay có quá nhiều của cải và giàu có để tiêu thụ. Vì thế họ thích những thứ đó hơn Chúa Kitô và thực hành niềm tin tôn giáo. Tiên tri Ô-sê đã từng quan sát sự xuống cấp đó trong đất nước Israel: “Đất nước của họ càng trở nên giàu có, họ càng làm cho thần tượng của mình trở nên giàu có hơn” .
Niềm vui cho đi tất cả
Thông thường, chúng ta là những Kitô hữu ngập ngừng, thiếu lời hứa và cam kết. Phải chăng theo Chúa Kitô là phải kiềm chế niềm vui sống và tước đoạt mọi sự dịu dàng của chúng ta? Không và không phải là như vậy! Biết bao người đã cống hiến cả cuộc đời cho Chúa ngay cả khi phải trả giá bằng nhiều thử thách và hy sinh. Họ rất vui vì đã từng là ngôi nhà thân yêu cho tất cả những người mà họ cùng chung sống. Tình yêu thực sự là cái mà chúng ta cho đi và chia sẻ nhân danh Chúa Kitô, chứ không phải là cái mà chúng ta giữ cho riêng mình. Kitô hữu không tìm cách chôn vùi quá khứ vì biết rằng cuộc sống không thể chờ đợi và tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta.(2 Cor 5,14).
Biết bao lần chúng ta nói không với Chúa Kitô, khi chúng ta không dành thời gian cầu nguyện hoặc từ bỏ một đam mê nào đó lôi cuốn chúng ta:
- Lạy Chúa, sau này con sẽ theo Chúa, nhưng không phải là hôm nay.
- Lạy Chúa, con sẽ theo Chúa, nhưng trước hết cho phép con làm việc này việc nọ trước đã...  
- Lạy Chúa, bây giờ con đang làm cán bộ nhà nước, khi nào về hưu, con sẽ theo Chúa một cách triệt để hơn
Chúng ta hãy để lại quá khứ cho lòng thương xót của Chúa! Nếu chúng ta đưa tay vào cày, nếu chúng ta muốn "đủ điều kiện cho Nước Thiên Chúa, đừng nhìn lại hoặc hướng về điều gì đó làm chúng ta rời xa luống cày trên bước đường chúng ta theo Chúa.  Chính Thiên Chúa đã ở đằng sau chúng ta để gieo. Với cái nhìn như vậy, gánh nặng của cuộc sống sẽ càng ngày càng trở nên nhẹ hơn và chúng ta sẽ bước vào một con đường tự do và hạnh phúc thực sự. Dần dần Thần Khí của Thiên Chúa sẽ làm lại sự thống nhất con người chúng ta trong chính chúng ta:
Lạy Chúa, xin dạy con đường lối Ngài, để con vững bước theo chân lý của Ngài! Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh (PS 86, 11).
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===============
Suy niệm 2
Lc 9, 51 – 62

Nước Do Thái có ba miền: miền Bắc là Galilê; miền Trung là Samari; miền Nam là Giuđê. Người sống trên ba miền coi nhau là đồng bào và đồng đạo. Họ chỉ có một đền thờ duy nhất ở thủ đô Giêrusalem. Nhưng qua dòng lịch sử thăng trầm, hai ông vua nước Babylon và Ba Tư thay nhau nắm quyền cai trị nước Do Thái. Vua Babylon bắt dân Do Thái đi lưu đày. Vua nước Ba Tư lại cho người Do Thái lưu đày được hồi hương. Những người hồi hương này xây lại đền thờ Giêrusalem. Người miền Samari xin hợp tác, thì bị từ chối. Người Samari không còn thờ Chúa ở Giêrusalem nữa. Họ xây đền thờ và thờ Chúa ở Garidim. Thế là từ đó người Do Thái coi người Samari là người ngoại: vừa là ngoại đạo, vừa là ngoại quốc. Họ ra vạ tuyệt thông cho cả người lẫn đất Samari. Ai đi qua Samari thì bị vạ tuyệt thông.
Đức Giê su chống lại thái độ ấy. Ngài cứ đi qua xứ Samari bất chấp vạ tuyệt thông. Do đó người Samari rất quý mến Chúa. Lần ấy Đức Giê su từ miền Bắc đi qua miền Samari để vào dự lễ Vượt Qua ở thủ đô Giêrusalem. Trên đường đi phải nghỉ trọ ít nhất là hai đêm tại xứ Samari. Chúa sai hai anh em Giacôbê và Gioan đến một làng kia xin cho nghỉ trọ. Dân Samari rất mến Chúa, nhưng vì Chúa về dự lễ ở thủ đô Giêrusalem là kẻ thù của người Samari. Bởi vậy họ từ chối không cho Chúa nghỉ trọ ở làng ấy. Giacôbê và Gioan nổi nóng, vì làng ấy đối xử với Thầy mình một cách quá đáng như vậy. Vì yêu Chúa, nên họ xin Chúa cho họ lấy lửa từ trời xuống thiêu rụi làng ấy, Chúa không đồng ý với hai anh em này. Ngài quở mắng họ, rồi bình thản đi đến làng khác.
Yêu Chúa nên mới xin Chúa phạt làng Samari ấy. Vậy tại sao Chúa lại quở mắng họ? Tại họ yêu sai. Sau này, tại vườn Cây Dầu, cũng vì yêu Chúa, ông Phê rô mới tuốt gươm chém đứt tai anh chàng Mancô. Chúa mắng: “Xỏ gươm vào bao! Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Phê rô yêu Chúa quá, nhưng yêu sai quá đáng. Yêu Chúa mà thôi thì chưa yên tâm. Phải yêu Chúa như Chúa dạy thì mới được. Phải coi chừng, vì trên dòng lịch sử, người ta đã yêu sai rất nhiều. Yêu Chúa mà yêu sai có thể gây ra tội ác tày trời. Đây là bằng chứng cụ thể.
Vào thời Trung cổ có những sự cố lịch sử xảy ra mà hôm nay chúng ta phải hối hận:
Một. Đó là cuộc chiến tranh kéo dài từ 1090 – 1276 giữa Công Giáo và Hồi Giáo. Cuộc chiến này là “nhân danh Chúa, tôi trừ diệt chúng”. Sai hoàn toàn. Hậu quả của cuộc chiến tôn giáo này là hiện nay anh em Hồi Giáo vẫn tuyên bố: Công Giáo là kẻ thù số một của họ và cây thập giá là một hình ảnh mà họ không thể chấp nhận được. Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế bị vạ lây, vì lá cờ của họ có chữ thập đỏ ở giữa lá cờ. Các nước Hồi Giáo tuyên bố là không cho hội Chữ Thập Đỏ hoạt động công tác xã hội trong nước của họ, nếu không bỏ chữ thập đỏ trên lá cờ; hoặc nếu không bỏ chữ thập đỏ, thì phải thêm hình bán nguyệt, logo của Hồi Giáo, vào bên cạnh chữ thập.
Hai. Hiện nay vẫn có người chưa hối hận vì đã yêu Chúa theo kiểu thánh Phê rô trong vườn Cây Dầu. Có một thanh niên Công Giáo nói với cha xứ rằng: “Nếu Đức Giáo Hoàng chiêu mộ quân đội đi đánh Hồi Giáo, thì con xin tình nguyện cầm vũ khí lên đường ngay. Lại yêu sai nữa rồi.
Yêu Chúa là một vấn đề lớn, nhưng phải yêu đúng như Chúa muốn mới được. Yêu Chúa mà yêu sai thì từ chết đến chết.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===============
Suy niệm 3
THEO CHÚA VỚI LÒNG TÍN THÁC
Với bản tính con người, chúng ta cần sự động viên, khuyến khích, kể cả lời khen ngợi, và công trạng khi phải nỗ lực hay bỏ công sức ra cho việc gì đó. Chắc hẳn, chúng ta không lạ lẫm gì về câu chuyện Thánh Phê-rô lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thầy xem, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27). Nếu được hỏi, thiết nghĩ chúng ta cũng giống như Thánh Phê-rô, muốn được hưởng gì đó ngay đời này, một khi theo Chúa nhỉ!
Quý cộng đoàn phụng vụ thân mến! Trước câu hỏi trên, lời đáp của Đức Giê-su quá rõ ràng: “…anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Is-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (x. Mt 19, 28-29). Phần thưởng theo Chúa quá hiển nhiên, không chỉ ở đời này, mà cả đời sau; Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay muốn nói tới tinh thần, tâm thế, thái độ khi bước theo chân Giê-su, và thực tế của việc trở nên môn đệ của Thầy Giê-su.
Sách các Vua quyển thứ I thuật lại câu chuyện Ê-li-sê quyết định bỏ mọi sự để làm môn đệ của tiên tri Ê-li-a mới nghe dường như quá đơn giản, nhưng đầy bất ngờ đến nỗi khó hiểu. Ê-li-sa đang cày ruộng với mười hai cặp bò, sau khi được ngôn sứ Ê-li-a ném tấm áo choàng lên người, thì ông “lập tức bỏ bò lại và chạy theo Ê-li-a” (x. 1V 19, 20). Từ đó trở đi, ông từ giã mọi người, rồi đứng dậy đi theo và phục vụ Ê-li-a như một môn đệ thân tín. Dĩ nhiên, Ê-li-sa không lập tức bước theo Ê-li-a vì tấm áo choàng được ném phủ lên người ông, nhưng đúng hơn, vì sức hút từ người của Chúa (Ê-li-a), vì sự thánh thiện, cương trực của Ê-li-a đã khiến Ê-li-sa bỏ mọi sự mà đi theo.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn, sự thúc giục đầy thánh thiêng này từ đâu mà đến? Theo Thánh Phao-lô, chắc hẳn là nhờ Thần Khí, như Ngài quả quyết trong thư gửi giáo đoàn Ga-lát: “…Hãy lấy đức mến của Thánh Thần mà phục vụ lẫn nhau…Hãy sống theo Thần Khí…” (x. Gl 5, 13. 16). Nhờ Thánh Thần dẫn dắt, soi lối, nâng đỡ, thúc bách, chúng ta dám tiến bước theo chân Giê-su, can đảm sống ơn gọi của mình. Tuy vậy, với bản tính yếu đuối, con người chúng ta đôi khi ‘ngôn hành bất nhất’, hoặc chỉ ước muốn ước mong giống như lời của người thưa với Đức Giê-su đang khi đi đường: “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy” (Lc 9, 57), nhưng lại không thực hiện.
Đứng trước thực tế của việc trở nên môn đệ Giê-su: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58), nhiều người có ước vọng theo Chúa đã bỏ cuộc vì chẳng dám đương đầu với khó khăn, gian khổ, mọi sự bất tiện, bất lợi, phải bỏ mình, rèn luyện, v.v…Hơn nữa, một khi đã biện phân ơn gọi, quyết định theo Chúa thì cần sự cam đảm, thái độ dứt khoát và tín thác vào Ngài đến độ: “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết; phần anh, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (x. Lc 9, 60). Yêu cầu của người được mời gọi theo Chúa chẳng quá đáng chút nào, ngược lại, nó thật hợp lý mà: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc 9, 59), và “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã” (Lc 9, 61). Tuy nhiên, việc thảo hiếu với mẹ cha, quan tâm đến gia đình là điều chân quý, là điều phải đạo, đáng phải làm; nhưng nếu đã quyết định dấn thân theo Chúa đến cùng với niềm xác tín, tin tưởng, phó thác, thì mọi việc sẽ ổn, sẽ tốt đẹp thôi. Hơn nữa, nếu hoàn toàn phó dâng tất cả cho Chúa, ngõ hầu thực hiện thiên ý và trở nên môn đệ của Ngài, thì việc rao truyền Nước Thiên Chúa, loan báo Tin Mừng, sống chứng tá cho Chúa là sứ vụ hết sức cấp bách và cần kiếp. Nhưng làm sao có thể “để kẻ chết chôn kẻ chết” (x. Lc 9, 59) được? Lối nói này thoạt tiên cảm thấy vô cảm, bất hiếu trong văn hoá Á Đông; tuy nhiên, nó muốn nhấn mạnh đến thái độ dứt khoát, lòng tín thác vào Đấng mà chúng ta muốn dấn thân bước theo. Vì chưng “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62).
Nhớ lại thời gian được đồng hành với các bạn trẻ, nhiều em chia sẻ với tôi rằng: ‘Cha ơi, con muốn đi tu, nhưng con phải lo chăm sóc bố mẹ, gia đình con trước đã…’, ‘….con thích đi tu, nhưng mới tốt nghiệp đại học, nên con muốn đáp đền công ơn nuôi nấng, dưỡng dục của cha mẹ một thời gian đã…’, và những câu chuyện đại loại thế này hầu như diễn ra hằng ngày, hằng tuần trong tâm tư của các bạn trẻ. Có lẽ, tôi không thể lý giải được vì sao, nhưng nếu thật sự chúng ta có ơn gọi, đã biện phân, quyết định bước theo Chúa, trở nên môn đệ Ngài, thì chắc hẳn chúng ta phải biết tín thác, cậy trông vào Ngài, thứ đến can đảm thực hiện những gì Chúa muốn, còn lại mọi việc khác Ngài sẽ lo. Cảm nghiệm đời sống dâng hiến cho thấy, Chúa đã lo toan thì hơn cả chúng ta lo liệu và vượt trên cả lòng mong mỏi của ta!
Lạy Chúa, con đường theo Chúa chẳng bao giờ dễ dàng
Nhưng nhờ ơn Chúa, với ơn Chúa, nó không bao giờ là gánh nặng
Vì Thần Khí thúc đẩy, dẫn lối con cam đảm đáp trả lời mời thánh thiêng
Với cả niềm yêu mến, cậy trông, tín thác vào Ngài
Con sẽ trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa muôn nơi. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

===============

Suy niệm 4
Đường lối ôn hòa của Chúa Giê-su
Lc 9, 51-62

Có nhiều vụ va quẹt nhẹ giữa hai xe máy trên đường phố hay quấy rầy hàng xóm vào đêm khuya bằng tiếng hát karaoke… và cũng có những xung đột mang tầm quốc gia hay quốc tế… đã được giải quyết bằng bạo lực, gây ra hậu quả tai hại khôn lường. Giải quyết như thế là sai lầm nghiêm trọng, mang lại đau thương tang tóc cho bao người.
Chúa Giê-su dứt khoát bài trừ những lề lối ứng xử như vậy và qua bài Tin mừng được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta ứng xử khôn ngoan.
Hôm ấy, Chúa Giê-su sai sứ giả đến thương lượng với dân chúng tại một thôn làng xứ Sa-ma-ri để cho Ngài và các môn đệ băng qua làng của họ tiến về Giê-ru-sa-lem, nhưng dân làng không chấp thuận.
Họ không chấp thuận vì quan điểm của họ là phải tôn thờ Thiên Chúa trên núi Ga-ri-dim mới xứng hợp và họ bài bác những người Do-thái có quan điểm trái nghịch, chủ trương tôn thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem.
Thế là từ bất đồng quan điểm đi đến chỗ bất hòa, từ bất hòa đưa đến xung đột. Hai tông đồ Gioan và Gia-cô-bê vô cùng tức tối trước cách ứng xử ngang ngược của dân làng nầy đến nỗi muốn hủy diệt họ. Vì thế, hai anh em thưa với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng không?”
Chúa Giê-su nghiêm khắc phản đối thái độ quá khích nầy. Ngài quở trách Gioan và Gia-cô-bê về thái độ bất bao dung đó, rồi dẫn các môn đệ đi tránh qua làng khác tiến về Giê-ru-sa-lem.
Đường lối ôn hòa của Chúa Giê-su
Khi hai bên xung đột, người ta thường giải quyết bằng nắm đấm, bằng bạo lực, bằng hung khí… Còn Chúa Giê-su thì dạy phải ứng xử ôn hòa và bao dung. Ngài dạy: “Đừng kháng cự lại người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5, 39).
Thế nên, khi người Sa-ma-ri không đón tiếp cũng chẳng cho đi qua thôn làng của họ để lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su không giận hờn hay phản kháng và thay vì khiến “lửa trời xuống tiêu diệt dân thành” như môn đệ Gioan và Gia-cô-bê đề nghị, thì Chúa Giê-su âm thầm dẫn các môn đệ tìm đường khác mà đi.
Sau nầy, khi Chúa Giê-su bị quân lính đến tìm bắt giữa đêm tối tại vườn Dầu như một kẻ gian ác, Phê-rô hung hãn tuốt gươm ra nhằm đấu tranh bảo vệ Thầy. Bấy giờ Chúa Giê-su nói với ông: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).
Và khi Chúa Giê-su bị điệu ra trước Thượng hội đồng để xét xử, có nhiều người đứng lên vu cáo Chúa Giê-su sai phạm đủ điều, thế mà Ngài vẫn lặng im, không biện minh, chẳng bác bỏ những lời vu cáo sai lạc… Sự im lặng của Ngài trước bao lời buộc tội gian dối khiến cho cả thượng tế Cai-pha cũng phải ngạc nhiên và nói: “Ông không đáp lại lời nào ư?” (Mt 26, 62).
Ôn hòa là thượng sách
Búa đập vào tường, tường dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự búa, thế là tường sụp đổ. Búa đập vào bức màn, màn dùng sự mềm mại uyển chuyển của mình, tránh né sức mạnh của búa, nên màn vẫn y nguyên.
Nếu chúng ta biết áp dụng đường lối ứng xử ôn hòa của Chúa Giê-su để giải quyết những tranh chấp, xung đột trong cuộc đời, chúng ta sẽ tránh được nhiều đổ vỡ, bất hòa đáng tiếc và phần thắng sẽ thuộc về chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su,
Lời Chúa như ngọn hải đăng bừng sáng giữa đêm đen soi lối cho tàu thuyền tìm về bờ bến an lành. Xin cho chúng con biết đón nhận lời Chúa soi sáng, để ứng xử ôn hòa khi gặp xung đột trong cuộc sống như Chúa truyền dạy và nêu gương, nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ được an bình, hạnh phúc hơn. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

===============

Suy niệm 5
“Con Đường Giêsu”

Hiệp Hành là căn tính của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16 muốn nhìn lại “con đường Giêsu”. Chính Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là “Con đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6). Các kitô hữu, những người đi theo Chúa Giêsu, ban đầu được gọi là “những môn đệ của ‘Con Đường’ đó” (Cv 9,2).
Hành trình của Chúa Giêsu Phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35) là một minh họa sống động về một “Tiến trình hiệp hành” với 5 bước:

  • Hỏi và lắng nghe: Đức Giêsu Phục sinh hỏi"Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ? và hai môn đệ kể, Chúa Giêsu lắng nghe.
  • Giải thích:  Đức Giêsu giải thích với Lời Chúa và cử hành Thánh Thể (bẻ bánh).
  • Hoán cải: Khi nhận ra Chúa rồi, hai môn đệhoán cải”, quyết định trở về Giêrusalem ngay lập tức.
  • Làm chứng: Tại Giêrusalem họ đã làm chứng cho Chúa Phục Sinh.  
  • Làm chứng cho Chúa Phục sinh trong lòng Giáo Hội với sự hiệp thông với thánh Phêrô. Trước khi hai ông kể lại việc gặp Chúa Phục sinh, các môn đệ khác đã nói :"Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon" (Lc 24,34).
Hiệp hành là cùng đi chung một con đường “con đường Giêsu” để đến với Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần khai sáng cho chúng ta nhiều bài học hiệp hành từ Thánh Kinh: nhờ gặp gỡ Lời Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, phân định ra ý Chúa, chúng ta hiệp thông với cộng đoàn, tham gia công việc của Giáo Hội, thi hành sứ vụ Chúa trao. Hiệp hành là phương cách sống và hành động là đặc trưng của Giáo Hội, dân Thiên Chúa.
Các Giáo Hội địa phương đang thực hiện tiến trình Hiệp Hành của THĐGM Cấp Giáo phận bao gồm 3 công việc được xác định bởi 3 câu hỏi:
- Mọi thành phần Dân Chúa hiệp thông với Giám mục, với các linh mục, “cùng đi trên con đường Giêsu” với câu hỏi khởi sựchúng ta có đi đúng con đường Giêsu không, hay chúng ta đang lạc đường, đang đi vào con đường khác ?
- Khi cử hành THĐGM lần 16 này, mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau tham gia, nghĩa là gặp gỡ, trao đổi, với trọng tâm là “lắng nghe nhau”. Việc lắng nghe này được gọi là “Thỉnh ý Dân Chúa”. Việc “Thỉnh ý Dân Chúa” nhằm cùng nhau khám phá “đâu là con đường Giêsu thực sự”, nghĩa là “con đường chúng ta đang đi có đạt được mục đích phải đến là Loan Báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm không?”.
-  Việc “Thỉnh ý Dân Chúa” còn giúp trả lời câu hỏi thứ ba, đó là “chúng ta phải làm gì để trở về đúng Con đường Giêsu”, hay phân định điều Chúa Thánh Thần muốn nói, muốn hướng dẫn giáo phận nhằm chu toàn sứ vụ Loan báo Tin Mừng.
Phần thứ hai của Bài Tin Mừng hôm nay kể lại ba trường hợp xin đi theo làm môn đệ, muốn theo “con đường Giêsu”. Trong mỗi trường hợp Đức Giêsu đều yêu cầu người ta phải chọn lựa dứt khoát.
  •  Với người thứ nhất, Đức Giêsu đòi hỏi phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn vật chất.
  •  Với người thứ hai, Đức Giêsu đòi phải ưu tiên lo việc Chúa hơn gia đình.
  •  Với người thứ ba, Đức Giêsu đòi phải một lòng một ý lo phục vụ Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Người cần phải phân định để có một tinh thần siêu thoát.
  • Siêu thoát đối với những tiện nghi và của cải:Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Ai muốn theo Chúa, phải lượng sức mình có đủ siêu thoát để chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như Người, ngay cả chỗ tựa đầu cũng chẳng có chăng?
  •  Siêu thoát đối với những trói buộc trần thế để ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng:Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”. Ai muốn trở thành môn đệ của Người, phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng.
  •  Siêu thoát khỏi những tình cảm riêng tư để dốc hết tâm lực cho việc loan báo Tin Mừng:Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Ai muốn theo Người, phải siêu thoát khỏi những mối tình cảm gia đình để thảnh thơi lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa.
Ai muốn đi “Con đường Giêsu” cần phải dứt khoát trong chọn lựa.
  • Người thứ nhất hăng hái xin theo Chúa đi bất cứ nơi đâu. Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, không ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x.1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu. Chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ. Chỗ tựa đầu cuối là thập giá.
  • Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã. Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con. Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
  • Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.Chúa Giêsu đòi anh ta dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Ba người muốn xin đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ không dứt khoát chọn lựa như Êlisa (bài đọc 1), họ vẫn còn đắn đo kỹ lưỡng, chần chừ vì những lý do xác thịt và bịn rịn gia đình. Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là “hãy theo Ta” và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi của cải vật chất. Theo Chúa lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn. Ba trường hợp khác nhau, nhưng đều chung một lời mời gọi từ Chúa Giêsu. Ba lời đối thoại trên cũng là ba đòi hỏi hướng đến điều răn thứ nhất: “Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22, 37).
Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau. Con đường đi tìm Chúa là con đường con đường của từ bỏ… Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.
Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.
Nếu cuộc đời người Kitô hữu là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.
Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình… Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cày ruộng, đang làm những công việc hàng ngày. Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế… Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận hàng ngày. Sống ơn gọi của mình là biết chọn lựa và ưu tiên. Đó cũng là lời mời gọi, hãy đơn giản hoá cuộc sống.
Là người kitô hữu, chúng ta đã chọn đi theo “con đường Giêsu”, tuân giữ những lời thề hứa trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, thực thi mười điều răn của Thiên Chúa và sáu điều răn của Hội Thánh, sống tám mối Phúc thật và bảy mối tội đầu…Với những người sống đời hôn nhân: một vợ một chồng và tín trung suốt đời. Với những người sống đời độc thân linh mục, tu sĩ: vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh…Chúa muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Tuy nhiên, người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ. Ai muốn theo Ngài, phải dứt khoát với mọi thứ ràng buộc, cần có một con tim không san sẻ để luôn biết lo cho vinh quang Nước Trời.
Để sống bình an vui vẻ hạnh phúc, chúng ta đi theo “con đường Giêsu”. Chúa Giêsu đã hạ mình trở nên như tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, để đến với người nghèo, bệnh nhân và tội nhân. Chúa Giêsu thích sự đơn sơ và bé nhỏ giữa đời thường. Bởi vậy, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời ” (Mt 18,4). Chúa Giêsu đã gieo vào lòng thế giới giá trị của yêu thương và phục vụ trong đơn giản âm thầm.
“Con đường Giêsu” là con đường hẹp, không trải đầy nhung lụa mà là những gai nhọn và gian nan. Con đường ấy dẫn lối về hạnh phúc cho những ai dám từ bỏ mọi sự để sống cho Chúa, dám sống đời hèn mọn, dám sống đời tận hiến với quyết tâm thuộc trọn về Chúa suốt đời. Đó là Ơn Gọi cho những người bước đi theo Thầy Chí Thánh, họ luôn tìm thấy lẽ sống, ý nghĩa và cùng đích cho cuộc đời mình, họ có một cuộc sống đong đầy yêu thương hướng đến trọn lành.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

===============

Suy niệm 6
Khi Con Nghe Tiếng Kêu Mời

(Lc 9, 51-62)
Bước vào Chúa nhật thứ XIII thường niên C, với chủ để chính là: “Chúa cất tiếng gọi”. Ngỏ lời là sáng kiến của Thiên Chúa và con người đáp trả. Êlia và Êlisê là hai nhân chứng. Chúa đã dùng Êlia gọi Êlisê, Êlisê đáp trả (x.1 V 19,16b.19-21). Vì là sáng kiến của Thiên Chúa nên Chúa gọi người Chúa muốn: "Hãy theo Ta” (Lc 9, 51-62). Hôm qua cũng như hôm nay, Thiên Chúa vẫn đến gọi con người ngay giữa dòng đời. Chúa gọi Êlisê khi ông đang cày ruộng (x.1 V 19, 19). Tiếng gọi của Thiên Chúa là nhất. Chúa gọi, Êlisê không thể trốn được, đến nỗi ông không nói được gì. Tiếng gọi của Thiên Chúa là bắt buộc. Êlia làm điều tốt cho Êlisê khi ông đòi trở về nhà để hôn chào cha mẹ. Êlisê bỏ bò lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: “Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài” (1 V 19, 20).
Khung cảnh thật đơn sơ, nhưng đầy xúc động, không giấu được. Khi Chúa gọi con người, con người không thể cưỡng lại, Ngài không dùng sức mạnh để áp đặt. “Êlisê con ông Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai” (1V 19, 19) nghĩa là công việc gần xong. Thiên Chúa đến ra cho ông một chân trời mới. Qua trung gian Êlia, Thiên Chúa gọi Êlisê một cách rất kín đáo: “Khi Êlia đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông” (1 V 19, 19). Không một lời chiêu mộ, không một huấn lệnh để bắt ông vâng theo. Êlisê thấy sự công chính và hành động ngôn sứ của Êlia, ông hiểu theo lòng mình. Tiếng Chúa gọi lay động lòng người.
Để đáp lại tiếng Chúa, con người phải có tự do là lẽ đương nhiên. Tự do này do Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô giải thoát chúng ta để chúng ta thực sự tự do” (Gl 4, 31b). Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta hoàn toàn đáp lại tiếng Chúa. Từ lúc Thiên Chúa gọi đến lúc con người đón nhận ân sủng để đáp trả cách tự do là cả một thời gian dài để đắn đo và cân nhắc. Như Êlisê, hành động trước tiên là ông thu mình vào trong dĩ vãng, và tìm kiếm sự an toàn nơi gia đình. Đây là người chắc chắn, nhưng ơn của Thiên Chúa là không đổi. Êlia từ chối sự trốn chạy của Êlisê, dù Êlisê không lượm áo choàng Êlia tặng cho. Khi Êlisê tìm gặp được sức mạnh, ông nắm bắt ngay, ông bỏ lại tất cả những gì mình đang có để dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Tương tự như bài Tin Mừng, có ba người được gọi (x. Lc 9, 51-62). Nhưng lịch sử cuộc đời của mỗi người khác nhau. Vấn đề là tiếng Chúa gọi và sự đáp trả của con người.
Câu hỏi được đặt ra cho người thứ nhất khiến chúng ta suy nghĩ. Trước hết, anh không được Đức Giêsu gọi, anh đến xin làm môn đệ Người (x. Lc 9, 57). Giống như ở trường các thầy Rabbi, học trò đến xin theo học. Đức Giêsu không ở trong trường đặc biệt này, Người không có điều kiện ổn định, Người đang trên đường. Bước vào trường Giêsu là lên đường, từ bỏ tất cả những gì ổn định, ngay cả gia tài và địa vị. Theo Đức Giêsu là gắn bó với Người, lên đường tiến về phía trước, cần phải tự mình quyết định, nhưng không thể tiến bước một mình.
Người thứ hai là một ngoại lệ. Chính Đức Giêsu gọi anh: “Hãy theo Ta” (Lc 9, 59). Người này được kêu gọi cách đặc biệt đi vào trong giao ước tình yêu gắn kết với Thầy. Đối với anh, Đức Giêsu yêu cầu từ bỏ cách triệt để, không trở về chôn cất mẹ cha. Khi anh thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 59 – 60). Chúng ta không biết anh đáp lại ra sao. Nhưng đòi hỏi ở đây cho thấy, phục vụ Nước Trời luôn kéo theo một sự từ bỏ tận căn. Từ bỏ chính là thước đo tình yêu của ta đối với Đức Giêsu.
Người thứ ba xin theo Đức Giêsu với điều kiện (x. Lc 9, 61). Như trong bài đọc I, thái độ là điều cần phải suy nghĩ. Đối với Đức Giêsu tra tay vào cầy, nghĩa là đang phục vụ người khác chuẩn bị cấy cầy, ngoái lại sau là bỏ dở việc. Quyết định này làm sáng tỏ điều trên. Từ bỏ gia đình không phải là một từ bỏ, vì nó mở ra một gia đình khác. Theo Chúa không loại trừ gia đình đầu tiên nhưng là vượt qua. Gia đình Thiên Chúa là gia đình có Thiên Chúa hiện diện, liên kết hết mọi người lại với nhau một cách chặt chẽ sâu xa hơn gia đình tự nhiên.
Tóm lại, nhân đức đầu tiên của trang Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống chỉ đẹp khi thực sự sống tự do. Chính tự do, Đức Giêsu “dứt khoát” lên đường đi Giêrusalem nơi Người biết rằng mình sẽ chết. Giá trị của cuộc sống lớn lao hơn khi người ta sử dụng tự do để phục vụ sự sống cho người khác. Cần bước qua những thử thách trong đời, lằng nghe tiếng Chúa gọi và đáp trả. Lịch sử nhân loại chúng ta đang sống, người này liên đới với người kia. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Ước chi tự do của anh em không phải là cái cớ để làm thoải mãn tính ích kỷ của anh em, trái lại, anh em hãy phục vụ mọi người trong tình yêu” (Gl 5,13).
Công Ðồng Vaticanô II quả quyết rằng “kẻ được Thiên Chúa Cha kêu gọi… theo ý định của ân sủng Ngài” (Lumen Gentium, số 40). Đúng thế, theo Chúa là ra khỏi ý định riêng tư, để đặt mình trong bàn tay và ý định nhiệm mầu của Chúa. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là đặt mình trên đường theo Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con thưa với cả cuộc đời: “Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” (x. Dt 10,7).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============

Suy niệm 7
THEO THẦY

1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9, 51-62
Đang khi Thầy trò đi đường, có kẻ thưa Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Lc 9, 57). Đang hứng khởi tưởng Thầy gật đầu duyệt ngay chí hướng cao đẹp, ai dè Thầy đưa ra cái giá sẽ phải trả: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Chả biết người ấy có dám theo Thầy hay không? Nhưng chúng con nghe cũng thấy chùn cả bước chân. Thầy đang nổi danh lẫy lừng thiên hạ, làm bao việc chẳng ai làm được, đám đông ngút ngàn chạy theo. Ấy vậy mà Thầy bảo theo Thầy là chấp nhận cái cảnh cù bơ cù bất không cửa không nhà, sống cảnh “đầu đường xó chợ”! Làm môn đệ Thầy phải khó nghèo thanh thoát, không tích cóp phòng bị tài sản riêng tư. Theo Thầy là chấp nhận tương lai bấp bênh, nay đây mai đó không ổn định gia cư, hoàn toàn buông mình theo sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo Thầy thì không đặt tiền của lên trên việc cứu linh hồn người ta. Chính Thầy có quyền năng cùng với Cha tạo dựng vũ trụ, mà khi xuống trần cứu độ con người, Thầy từng phải “mượn” hang bò lừa để sinh ra, sống lang thang nay đây mai đó khắp nơi, cuối cùng chết… “trên cây” và phải mượn ngôi mộ nhà ông Nicôđêmô để chôn xác, làm gì có chỗ tựa đầu?
Khi Đức Giêsu mời gọi người khác theo, thì anh do dự mặc cả lần khất với Thầy: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc 9, 59b). Anh cũng muốn theo Thầy nhưng còn đang “khó” cái bổn phận làm con cha mẹ ở nhà. Chắc anh quên rằng Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”!!! Nghĩa là phải “lấy Đức Chúa Trời làm hơn của cải, hơn cha mẹ, hơn mình cùng thà chết chẳng thà mất lòng Đức Chúa Trời.” (Chúng con học từ ngày xửa ngày xưa). Không được đặt bổn phận đối với con người lên trên bổn phận đối với Thiên Chúa. Phải đặt Thánh Ý Thiên Chúa lên trên hết ý hướng của con người, dù là tình cha mẹ, máu mủ ruột thịt. Thầy đã từng dạy: “Tiên vàn, các con hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác, Ngài sẽ quan phòng lo liệu cho các con sau” (Mt 6, 32). Nên Thầy bảo anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9, 60b).
Để có được sự lựa chọn đúng đắn, cần phải có lòng yêu say, mới biết dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Có biết bao nhiêu thứ thần khác làm người ta không thể chọn Chúa trên hết mà theo.
Ngày nay nếu chúng con sống gắn bó với tình Thầy, Thầy là lý tưởng sống mà chúng con đã lựa chọn. Trong Thầy tự nhiên mọi sự đều trở thành thứ yếu đối với chúng con. Nhờ sức sống nơi Thầy luân chuyển, con tim của chúng con sẽ được thanh lọc đổi máu, chúng con sẽ hăng hái hân hoan theo Thầy mỗi ngày cho đến cùng đời, còn gia tài, nhà cửa, anh em… đã có Thầy lo hết.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Ngày 24.03.2024 Chúa nhật Lễ Lá, giáo xứ Yên Tập đã tổ chức Hội thi Kinh nguyện, Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh. Hiện diện trong chương trình có cha xứ Giuse Nguyễn Văn Cường, quý dì cộng đoàn Mến Thánh Giá Yên Tập, quý ban tổ chức, ban giám khảo và 750 quý cụ ông bà anh chị em tham gia dự thi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log