Thứ tư, 08/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi - Năm A

Cập nhật lúc 08:43 01/06/2023
Suy niệm 1
NGUỒN TÌNH YÊU
Ga 3, 16-18

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu, thì tình yêu là điều khó hiểu nhất, nhưng lại là sự chi phối lớn nhất trong cuộc sống con người. Tình yêu làm nên những điều kỳ diệu trong đời sống nhân loại. Chẳng ai có thể định nghĩa được tình yêu, vì tình yêu thì vô biên. Nhưng chẳng có gì vô biên ngoài Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, một mầu nhiệm vượt trí não và chỉ cảm nghiệm bằng con tim: một con tim tràn đầy yêu thươngsẽ nhận ra biết bao điều lạ lùng mà Thiên Chúa làm nên trong vũ trụ thiên nhiên, và trong chính sự hiện diện của mình. Voltaire đã nói: “Chỉ cần mở mắt ra là ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Abraham Lincoln còn nói: “Tôi không hiểu làm sao người ta có thể là người vô thần được khi nhìn xuống mặt đất. Tôi cũng không thể hình dung một người nào đó nhìn lên trời mà nói không có Thiên Chúa”.
Thiên Chúa đã làm nên tất cả chỉ vì yêu thương loài người mà Ngài đã dựng nên. Trong bài đọc 1, trích sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã tự mạc khải Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín” (Xh 34,4-6.8-9). Cho dù dân được tuyển chọn đã đem lòng phản bội, Ngài vẫn yêu thương tha thứ. Qua những trang Sách Thánh, Thiên Chúa còn cho ta biết thêm rằng Ngài không phải là Thiên Chúa đơn độc, nhưng là Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Tuy Ba Ngôi Vị khác nhau, nhưng cùng một bản thể, một sự sống, một ước muốn, một hành động. Nói vắn tắt là Ba Ngôi nên một với nhau trong tình yêu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, nhưng còn là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.
Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa Tình Yêu, vì Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha.Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.Đó là một Tình Yêu duy nhất tràn ngập khắp vũ trụ, hiển hiện dưới ba hoạt động làm nền tảng của đời sống con người, đó là:
  • Tình Yêu Sáng Tạokhi Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, mang tính linh thiêng và sâu nhiệm.
  • Tình Yêu Cứu Độkhi Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta nên con cái Thiên Chúa.
  • Tình Yêu Thánh Hóakhi Ngài ban cho chúng ta sức sống mới là đời sống trong Chúa Thánh Thần, để ta mang Tin Mừng đến muôn dân.
Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu hiến trao:“Thiên Chúa đã yêu thế gianđến nỗi đã trao ban Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người Con ấythì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.”(Ga 3, 16).Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân hay hư mất. Nếu có, thì không phải vì Thiên Chúa đành tâm bỏ mặc, nhưng vì con người đã vô tâm bỏ mặc, không tha thiết gì. Con người có thể tin hay từ chối,mở ra hay khép lại trước sự sống mới được trao ban như một quà tặng cho không. Chỉ là tình yêu khi có sự đáp trả nơi con người.
Nhân loại chúng ta phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, nên mỗi người đều mang trong mình một trái tim yêu thương. Càng yêu thương, con người càng nên giống Thiên Chúa, càng có khả năng siêu việt mà triết lý Đông phương gọi là “cùng Thần tri hóa”, nghĩa là cùng góp phần với Thiên Chúa, để đổi mới thế giới này cho phù hợp với kế hoạch tình yêu của Ngài. Tuy nhiên, tình yêu nơi con người vẫn chen lẫn nhiều ích kỷ, kiêu căng, hận thù, ghen ghét…, cần phải thanh luyện cho tình yêu của mình ngày càng thêm tinh ròng và sâu rộng, giống như tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài.
Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta không sống tình yêu. “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16). Tình yêu biến đổi phận người và làm cho chúng ta nên vĩ đại. Nếu có những kẻ tầm thường ti tiện, bị coi là tiểu nhân hay kẻ xấu xa, thì không phải là những kẻ vô danh tiểu tốt, hay dốt nát không có văn hóa, mà là những kẻ sống không có tình yêu, hoặc đó là tình yêu ích kỷ chỉ biết lo nghĩ cho riêng mình, không hướng tới tha nhân.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi sẽ sáng lên trong cuộc đời Kitô hữu, khi chúng ta làm mọi việc chỉ vì tình yêu, một tình yêu như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chính trong tình yêu mà chúng ta được hiệp nhất với Chúa và với nhau, làm thành mộtsức mạnh linh thiêng để xây dựng gia đình, cộng đoàn, xứ đạo, Giáo Hội, thành hiện thân của tình yêu Chúa Ba Ngôi. Đó chính là dấu chứng của một thực tại vô hình, là biểu hiện đích thực của niềm vui sự sống và hạnh phúc muôn đời.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi!
là nguồn suối tình yêu và sự sống,
là an vui và hạnh phúc hiệp thông,
là khởi nguyên và cùng đích con người.

Xin cho chúng con vững tin vào Ngài,
Đấng ẩn thân lặng lẽ trong cuộc trần,
Đấng ẩn dật nơi thiên nhiên vạn vật,
Đấng ẩn mình trong tận đáy lòng con.
Đấng mà thếnhânluônhằng khao khát,
luôn băn khoăn khắc khoải kiếm tìm Ngài.

Trong một thế giới phân tranh,
đề cao quyền lực và lợi danh,
xin cho con sống hiền lành và khiêm nhượng.

Trong một thế giới phân chia,
đầy ham mê thống trị và chiếm đoạt,
xin cho con sống phục vụ và thanh thoát.

Trong một thế giới phân hóa,
phân biệt giàu nghèo và trên dưới sang hèn,
xin cho con sống hòa đồng và hiệp thông.

Trong một thế giới thực dụng và hưởng thụ,
mưu tìm giàu sang danh vọngvà lạc thú,
xin cho con sống thanh bần và khiết tịnh.

Như tình yêu Ba Ngôi luôn hiệp nhất,
xin cho con đừng cao thấp hơn thua,
đừng ngồi đó mà phân bua phê phán,
nhưng ra đi xây dựng lại tình người.

Xin cho thế giới lần hồi biến đổi,
để mai kia thành trời mới đất mới
nơi vinh phúc ngàn đời con ca ngợi,
cùng muôn người tán tạ Chúa Ba Ngôi. Amen.
Lm. Thái Nguyên

================
Suy niệm 2
THIÊN CHÚA BA NGÔI
- NGUỒN MẠCH TÌNH YÊU, ÂN SỦNG và BÌNH AN

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta được thông phần vào sự sống của mầu nhiệm các mầu nhiệm, là mầu nhiệm cốt lõi của đời sống đức tin Công Giáo, đó là Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Lịch sử của Giáo Hội đã minh chứng hùng hồn về vô số cách chú giải, giải thích về Mầu Nhiệm này của các Thánh Giáo Phụ lỗi lạc; hàng loạt ví dụ, hình ảnh diễn giải mà các Ngài đã sử dụng nhằm giảng dạy, giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm cao cả này. Tuy nhiên, suy cho cùng, cho dù hình ảnh, ví dụ xác thực, chính xác như thế nào đi nữa thì cũng trở nên khập khiễng, hữu hạn trước Mầu Nhiệm vô hạn này. Chính vì thế, thay vì chúng ta cố gắng đi tìm lời giải thích vì sao lại Một Chúa mà Ba Ngôi? hay Nếu là Ba Ngôi thì đáng lẽ phải là Ba Chúa chứ? hay thay vì cố gắng truy tầm để hiểu Mầu Nhiệm này, thì tốt hơn hết chúng ta nên học biết sống, cảm nghiệm Mầu Nhiệm này ngay cả nơi cuộc sống thường nhật, trong đời sống đức tin, cầu nguyện, cộng đoàn, và trong những mối tương quan!
Trước hết, các bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đề cập một cách cụ thể, rõ nét đến Thiên Chúa là ai? Người như thế nào? Người có phải như chúng ta thường tưởng tượng, suy đoán? hoặc là một vị Thiên Chúa khác do tâm trí của chúng ta vô tình tạo ra? Nói một cách cụ thể, chúng ta có xu hướng tạo cho riêng mình một vị Thiên Chúa quyền năng bằng cách Người phải trừng phạt hết tất cả bọn người xấu xa, dẹp trừ hết mọi bất công xã hội, mang lại lợi ích kinh tế cho mọi người! Nhưng Thiên Chúa thật của chúng ta phải chăng như chúng ta nghĩ?
Nơi cuộc sống thường ngày, mỗi lần chúng ta nghiêm trang ghi dấu Thánh Giá trên mình là lúc chúng ta đang tuyên xưng Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tuyên tín và xác tín rằng: Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ngự trị trong tư tưởng, lời nói, hành động, con người mọn hèn bất xứng của chúng ta; hay nói cách khác, chúng ta thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, mỗi lúc chúng ta bắt đầu hay kết thúc công việc gì thì chúng ta cũng làm dấu Thánh Giá trên ta như một lời xác tín, nguyện cầu, xin Thiên Chúa Ba Ngôi soi trí mở lòng, hướng dẫn, đồng hành với ta trong công việc và cảm tạ Người đã luôn hiện diện, trao ban, cho chúng ta cảm nghiệm sâu sắc tình yêu của Người trong mọi sinh hoạt đời thường. Đặc biệt, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi một cách thân mật, gần gũi nhất mỗi khi tham dự vào Bàn Tiệc Thánh (Thánh Lễ). Qua vị chủ tế, Thiên Chúa chào mỗi người chúng ta, Người mời gọi mỗi người chúng ta sống tháp nhập vào tình yêu, ân sủng, bình an của Người và kết hiệp với Người “nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13, 13). Và rồi trong suốt Thánh Lễ, chúng ta được cảm nghiệm Mầu Nhiệm này qua Lời Chúa, được nếm mùi vị hạnh phúc đích thật nơi Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc rước lấy chính sự sống của Người; sau cùng, trước khi kết thúc Thánh Lễ, Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ nơi tâm hồn, chúc lành cho mỗi người chúng ta qua vị chủ tế, “xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần, ban phúc lành cho anh chị em”, và Người ước mong chúng ta sống với Người, trở nên chứng nhân yêu thương, hiệp nhất, bình an trong mọi trạng huống cuộc đời ta như lời kết thúc Thánh lễ “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, hay nói một cách khác “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị ra đi, trở nên chứng nhân tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Vị Thiên Chúa ấy cũng chính là Thiên Chúa mà ông Mô-sen đã được diện kiến như bài đọc I trích sách Xuất Hành thuật lại “Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành” (Xh 34, 6), và được Thánh Sử Gio-an trình bày cụ thể, sống động hơn về một Thiên Chúa đầy nhân hậu, vượt trên mọi trí hiểu, khôn ngoan, tầm cao vĩ đại của con người “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời,…” (Ga 3, 16) và “Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Dừng lại nơi đây, chúng ta cùng nhau xem lại tư tưởng của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào? “Thiên Chúa đầy lòng thương xót, từ nhân...” (x. Xh 34, 6), nhưng đôi lúc chúng ta muốn Thiên Chúa biểu dương quyền năng của Người trừng phạt những ai ‘cản mũi kỳ đà’ chúng ta, và nếu như Chúa thương xót, từ bi thì xin tỏ lòng từ nhân, xót thương con, còn con có học sống, biểu lộ lòng thương xót này cho người khác hay không, đó lại là chuyện của con! “Thiên Chúa bao dung, khoan nhân…” (x. Xh 34, 6), nhưng chúng ta chỉ muốn Người khoan nhân với chính ta, còn những người khác không thuộc nhóm, không thuộc gu, không thuộc chính kiến, quan điểm, v.v…thì đừng bao dung!! “Thiên Chúa chẳng tiếc gì, kể cả chính Con Một yêu dấu của Người, mà Người trao ban cho ta để nhờ Người, thế gian được cứu độ” (x. Ga 3, 16), chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương đến dường nào, Người đã hiến trao chính Con Một Người để cứu độ chúng ta, để mời gọi chúng ta biết sống hy sinh cho tha nhân, bỏ mình, bỏ cái tôi, bỏ định kiến, thói quen xấu, v.v…, nhưng tiếc thay, mỗi khi động đến quyền lợi, ích lợi cá nhân thì chúng ta ‘nắm khư khư’ chẳng bao giờ buông!!! “Thiên Chúa không sai Con của Người để luận phạt thế gian, nhưng nhờ Con của Người, thế gian không phải bị hư mất…” (x. Ga 3, 17), Thiên Chúa chẳng lên án, kết án chúng ta, nhưng chính chúng ta lại có xu hướng chụp mũ, lên án, xét đoán anh chị em, ‘treo bản án kết liễu’ cuộc đời cho tha nhân. Một trong 3 chứng nhân được ơn diện kiến Đức Mẹ tại Fatima, Bồ Đào Nha (13/5-13/10/1917), đó là Sơ Lucia (đã qua đời) từng nói về Sứ Điệp Fatima như sau: “Thiên Chúa chẳng bao giờ kết án ai phải xuống hoả ngục cả; nhưng vì con người dùng tự do mà Thiên Chúa ban cho để lựa chọn mà thôi”. Nếu ai càng xét mình trước khi xét đoán người khác, thì càng trở nên người đang sống, cảm nghiệm Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi! Nếu ai càng nỗ lực sống như Thánh Phao-lô răn dạy: “Hãy vui lên, hãy nên trọn lành, khuyến khích nhau, đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau…” (x. 2Cr 13, 11), thì “…Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn bình an và tình yêu sẽ ở với người ấy” (x. 2Cr 13, 11), hay nói cách khác: người ấy đang cảm nghiệm, sống Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi nơi đời thường của mình!
 
          Thiên Chúa Ba Ngôi từ ái,
          Sống trong sâu thẳm, hiện tại đời con.
          Lòng con bất xứng, hao mòn
          Người hằng mời gọi, mãi trọn khoan nhân.
          Xét mình, chớ xét (đoán) tha nhân
          Luôn vui, sống trọn, ân cần chia san.
          Thiên Chúa - nguồn mạch bình an
          Ba Ngôi hiển trị, trao ban ân tình. Amen!
                                               

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 3
Trao ban cả mạng sống mình
Ga 3,16-18

Có bệnh nhân nhiễm Covid nặng. Hai lá phổi bị tàn phá nặng nề, vô phương cứu chữa. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận chỉ còn liệu pháp ghép phổi mới có thể cứu sống bệnh nhân. Nhưng tìm đâu ra người hiến tạng trong lúc cấp bách nầy? Hỏi trong số người nhà bệnh nhân: “Có ai vui lòng hiến một lá phổi để cứu sống bệnh nhân nầy không”, thì mọi người đều phân vân, do dự rồi lặng im!
Còn bạn, nếu bạn là người nhà, là anh chị em của bệnh nhân, bạn có bằng lòng hiến một lá phổi khỏe mạnh của mình để cứu sống người thân không?
Và nếu bạn lâm vào tình trạng đau thương như bệnh nhân nầy, có ai thương bạn đến nỗi hiến tạng để cứu bạn không? Chắc là không.
Phải có tình yêu rất lớn lao, người ta mới chấp nhận hiến tạng cho người khác.
Hiến tặng một bộ phận trong cơ thể để cứu người khác khỏi chết là chuyện hiếm có trên đời. Vậy thì việc hy sinh toàn thân, hy sinh cả mạng sống mình cho người khác lại càng hiếm có hơn.
Thế mà vì yêu thương loài người vô hạn, Thiên Chúa Cha đã hiến ban Con Một yêu quý của mình để cứu nhân loại, đồng thời Chúa Giê-su cũng tự trao hiến mạng sống mình cho muôn người được sống.
Từ khi ông bà nguyên tổ và con cháu nối tiếp nhau sa vào tội lỗi, sự chết đã nhập vào thế gian, khiến loài người phải trầm luân muôn đời trong đau khổ.
Muốn cứu loài người thoát khỏi hậu quả khủng khiếp của tội, Thiên Chúa Cha đã trao hiến Con Một Ngài làm phương dược cứu đời. Thế là Chúa Con hạ mình xuống thế, mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân và Ngài phải chịu khổ nạn vô cùng đau thương để đền tội cho muôn người và phải chết ê chề nhục nhã để cho họ được sống đời đời.
Trao ban bản thân và sự sống mình để cứu muôn người được sống là biểu lộ cao nhất của tình yêu, là tột đỉnh của tình yêu thương.
Chính Chúa Giê-su đã bày tỏ điều nầy như sau:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Gioan 3, 16-17).
Tôi tớ thấp hèn tự nguyện chết thay cho vua chúa cao sang là điều hiếm có; còn việc vua chúa cao sang hiến thân chết thay cho hàng tôi tớ thì không hề có trên đời.
Vậy mà Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa tể trời đất vô cùng cao cả, lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn là hành vi cao quý trên cả tuyệt vời. Chỉ vì quá đỗi yêu thương, Thiên Chúa mới có thể hy sinh như thế.
Đền đáp hồng ân                                      
Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng. Người nào quên đền ơn đáp nghĩa sẽ bị xem là kẻ vô ơn, là không biết điều.
Thế thì khi được Chúa Trời ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giê-su hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn trời biển đó chưa?
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa,
Chúa Cha yêu thương chúng con đến nỗi hiến ban Người Con Một xuống thế cứu sống chúng con; Chúa Con yêu thương chúng con đến nỗi hiến dâng cả mạng sống và trao ban cho chúng con đến giọt máu cuối cùng…
Xin cho chúng con đừng thờ ơ hững hờ, vô tâm vô cảm trước tình yêu trời bể ấy nhưng biết đền đáp tình yêu Chúa bằng cách hiến dâng cuộc sống mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 

================
Suy niệm 4
HIỆP NHẤT TRONG CHÚA BA NG
ÔI

Hẳn ai trong chúng ta cũng biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nền tảng của tất cả mọi mầu nhiệm. Và khi đề cập đến mầu nhiệm tối thượng này, kể cả các bậc Thánh nhân tài ba, các Thánh giáo phụ uyên bác như Âu-gus-ti-nô, An-se-mô, v.v… cũng chạm tới ngưỡng hữu hạn của trí tuệ con người xác phàm. Vì chưng, mầu nhiệm quá nhiệm mầu, vượt hẳn lý trí và khôn ngoan của con người. Do đó, hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi, không phải để tri hiểu tường tận mầu nhiệm khôn vời này, mà đúng hơn, để giúp chúng ta cảm nhận tình yêu Chúa Ba Ngôi, để kín múc ân sủng dồi dào nơi Thiên Chúa, để trở nên hiệp nhất và hiệp thông như Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy ba Ngôi vị khác biệt, nhưng là một Thiên Chúa duy nhất.
Trong cuốn sách nói về tiểu sử của vị tổng thống tiên khởi Hoa Kỳ George Washington, tác giả Richard Brookhiser đã viết: ‘George Washington hiện diện với chúng ta mỗi ngày, trên những tờ tiền đô-la và tại các khu phố. Từ ngọn núi Rushmore, ông nhìn xuống chúng ta. Trong thủ đô mang tên ông, một đài tưởng niệm nổi tiếng nhất được xây dựng để tưởng nhớ tới ông. Hơn bất kỳ người Mỹ nào, danh xưng ông được dùng để đặt tên cho các trường học, đường xá, thành phố. Các sử học gia xếp ông vào số những Tổng thống vĩ đại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự hiện diện của Washington chẳng khiến mọi tương quan trở nên thân mật. Ông có mặt trong sách giáo khoa, trong ví tiền, trong sinh hoạt đời thường, nhưng lại không hiện diện trong tâm hồn chúng ta. Khuyết điểm này một phần do Washington, khi ông có khuynh hướng giữ khoảng cách giữa mình với dân chúng!”
Quả thật, con người dù có tài ba, giỏi giang đến đâu, có sức ảnh hưởng lớn thế nào, cũng chỉ là ‘những người bước vào rồi ra khỏi cuộc đời chúng ta’ mà thôi. Tuy nhiên, duy chỉ mình Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta, luôn hiện diện nơi mọi sinh hoạt chúng ta. Khi được lãnh nhận ân sủng đức tin (lúc chịu phép Thánh tẩy/bí tích Rửa tội), chúng ta chính thức trở nên con cái ánh sáng, con cái của Chúa, trở nên thành viên của gia đình Giáo hội Ngài, trở nên thân tình với Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được khắcghi vào tâm khảm dấu ấn thiêng liêng nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi “…nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần…”, và dấu ấn này chẳng bao giờ có thể xoá mờ. Vì vậy, Thiên Chúa không ở bên ngoài đời chúng ta, hay chỉ là một hình ảnh xa xôi cách biệt, mà Ngài cư ngụ trong tâm hồn, nơi cuộc sống ta. Nói một cách khác, đức tin không là vấn đề của cái đầu, của tri thức lạnh lùng; đúng hơn, đức tin là vấn đề của con tim, của tâm hồn. Một khi đức tin cắm rễ sâu thẳm trong cõi lòng chúng ta, thì Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên gần gũi, ấm áp vô cùng. Nhờ đức tin mà mối tương quan với Ngài càng đậm sâu, tạo ra niềm hân hoan vượt trên cả mong đợi của con người.
Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được kín múc ân sủng vô hạn, được tháp nhập với Ngài. Đoạn trình thuật trích sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã mạc khải cho Mô-sê Ngài là ai, là “Đức Chúa, Thiên Chúa xót thương và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành” (Xh 34, 5). Hơn thế, Thánh sử Gio-an đã tóm tắt gãy gọn, rõ ràng căn tính và chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi thế nào nơi đoạn Tin Mừng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để tất cả những ai tin ở Con của Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16), vì “Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Dừng tại điểm này, chúng ta nhìn lại mình một chút. Lắm lúc, đối với chúng ta, Thiên Chúa như thể ‘ông kẹ’ thưởng cho những đứa trẻ ngoan, nhưng phạt trẻ lì lợm! Chúng ta thường nghĩ và cũng thường dạy các em: ‘Nếu con/em không biết vâng lời, thì Chúa phạt con/em đấy!’ Thiên Chúa của chúng ta đâu có như vậy! Thiên Chúa không sai Con Một Ngài giáng trần để luận phạt, nhưng để cứu độ chúng ta. Và “hễ ai tin vào Con của Ngài thì không bị luận phạt; còn kẻ không tin thì hành vi không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa đã luận phạt họ rồi” (x. Ga 3, 18).
Do đó, trong sứ điệp gởi cho vị giám đốc đài thiên văn Va-ti-can năm 1988, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định một trong những chân lý nền tảng của Ki-tô giáo, rằng: ‘Đức tin là một ơn sủng nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng cho con người’. Điều này nghĩa là chẳng phải kiếm tìm, lý giải uyên bác, hoặc dựa trên những thành tựu hay đặc quyền gì đó thì con người mới đạt được đức tin. Nói như triết gia kiêm nhà toán học người Pháp Pas-cal: ‘Muốn có đức tin thì con người phải quỳ gối xuống mà van xin’. Chúng ta đã được lãnh nhận ơn ích cao siêu ấy, chúng ta đã được ghi dấu ấn thiêng liêng nhân danh Chúa Ba Ngôi; vì vậy, mỗi khi chúng ta bắt đầu, trong lúc và kết thúc mọi sinh hoạt ngày sống, chúng ta đều làm dấu Thánh giá, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, và tuyên xưng đức tin. Như thế, chúng ta đang sống mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, mỗi lúc chúng ta tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, làm việc bác ái, sống hiệp nhất và hiệp thông, thực thi lời Chúa dạy, v.v…, chúng ta đều nhân danh Chúa Ba Ngôi, khởi sự và kết thúc trong niềm tín thác vào Ngài như Thánh Phao-lô Tông đồ nhắc nhở giáo đoàn Cô-rin-tô: “Anh (chị) em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu sẽ ở với anh (chị) em” (2Cr 13, 11).
Sau cùng, xin mượn lời của Thánh Phao-lô cầu chúc quý cộng đoàn Phụng vụ luôn tràn đầy ơn sủng từ Thiên Chúa Ba Ngôi, bình an và thiện hảo: “Nguyện xin ân sủng Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và tình yêu ca Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh (chị) em. Amen! (2Cr 13, 13).

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 5
Ba Ngôi hằng ở cùng ta
(Ga  3, 16 - 18)

Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo hội cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ Lời Chúa chỉ rõ, Chúa Cha là Đấng thống trị, từ bi nhân hậu, đầy nhân nghĩa tín thành (x. Xh 34, 4b-6.8-9) Chúa Con là Đấng ban ân sủng, Chúa Cha là nguồn suối tình yêu, Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất các tín hữu (x. 2 Cr 13,11-13); Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi ban Chúa con cho nhân loại, không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ (x. Ga 3, 16-18). Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
 Ba Ngôi hằng ở cùng ta
Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, toàn bộ đời sống của người kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người rửa tội vừa đổ nước vừa đọc rằng, cha rửa con hoặc tôi rửa ông bà anh chị “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần“. Vẫn Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần khi cử hành Bí tích Hôn nhân, người nam và người nữ được ràng buộc nên vợ nên chồng (A, hoặc E, hãy nhận chiếc nhẫn cưới này làm dấu chỉ tình yêu và lòng trung thành của A, hoặc E, Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần). Lời cầu nguyện vào cuối đời, chúng ta cầu nguyện rằng: Hỡi linh hồn, hãy lìa xa trần thế này, nhân Danh Thiên Chúa là Cha, Đấng đã tạo dựng, Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc và Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hóa với hy vọng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ban cho người qua đời được hưởng phúc trường sinh.
Ba Ngôi cứu chuộc ta
Chúa Cha là nguồn mạch của tình yêu trong tư cách là Cha, Ngài đã yêu Chúa Con và yêu chúng ta như thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Đây là tình yêu cứu chuộc, cao cả trong sáng tạo và thánh thiện trong trao ban.
Chúa Con là Đấng đón nhận tình yêu. Người được Chúa Cha yêu thương “trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Con đón nhận tình yêu của Chúa Cha trong công trình sáng tạo và cứu chuộc hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.
Ngày truyền tin Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Bà, Bà thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Khai mào sứ vụ công khai, Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Giêsu, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần do Cha xức dầu tấn phong và sai đi. Chính Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại (Cv 2,24). Trên Thập giá Chúa Con trao Thần Khí cho Chúa Cha, thì vào ngày Phục sinh, Chúa Cha ban lại Thần Khí cho Chúa Con, để trong Chúa Con, cùng với Chúa Thánh Thần đưa nhân loại vào trong sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cứu chuộc là sáng kiến của Chúa Cha. Chính Ngài đã đặt Đức Giêsu làm “Con với tất cả quyền năng” sau khi Đức Giêsu đã “từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần” (Rm 1,4). Vài dẫn chứng trên cho chúng ta thấy tình yêu cứu chuộc của Ba Ngôi.
Ba Ngôi thánh hóa đời ta
Chúng ta cũng thường nói, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Nhưng việc thánh hóa, không chỉ của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là công việc chung của Chúa Cha, Chúa Con. Vai trò của Chúa Thánh Thần cho thấy tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu mở rộng và dâng hiến. Chính do sự dâng hiến này mà, trong nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa luôn xuất hiện trong Thánh Thần. Thánh Thần có mặt thuở tạo dựng (St 1,2), ngự xuống trên Đức Giêsu (Lc 1,35), ùa vào thân xác phục sinh của Đức Giêsu (Rm 1,4). Theo nghĩa này, Thánh Thần làm trọn chân lý tình yêu khi cho thấy tình yêu chân thật không đơn độc nhưng liên đới với Chúa Cha và Chúa Con.
Sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa là sự hiệp nhất trong tình yêu, với Đấng vì yêu mà trao nộp Con mình (Chúa Cha), Đấng vì yêu mà để mình bị trao nộp (Chúa Con), Đấng vì yêu mà tuôn tràn ngày Phục sinh để đưa con người vào trong tình yêu của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần).
Thực ra thì tất cả sứ mệnh và công trình của Đức Giêsu đều cho thấy sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Con Thiên Chúa, Đấng nhận và trao ban Thần Khí, là một với Chúa Cha (x.Ga 10,30), nhờ sự Phục sinh mà đặt nền móng cho sự hiệp nhất của con người trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi (x.Ga 14,20; 17,21.23).
Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 6
CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CAO VỜI, NHƯNG GẦN GŨI DƯỜNG BAO!

“Tôi không biết tôi xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú vì tìm thấy một viên sỏi bóng loáng hơn hoặc một vỏ sò xinh đẹp hơn thường gặp, trong khi đại dương bao la của chân lý chưa khám phá vẫn còn trải ra trước mắt tôi”. Đây là lời nhận xét của Isaac Newton, một nhà toán học và khoa học lừng danh, khi về cuối đời, ông đã thổ lộ chính kiến cá nhân ông về những thành tựu phát minh mà ông đã cống hiến cho thế giới và cho đời. 
Hôm nay, chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, một Mầu Nhiệm cao cả, cùng đích của mọi mầu nhiệm. Cũng giống như Isaac Newton, chúng ta chỉ là những đứa bé chơi đùa trên bãi biển, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta hiểu được mầu nhiệm cao vời này, thì chắc hẳn chúng ta chỉ mới bắt đầu mà thôi. 
Đã là con người, chúng ta muốn biết mọi sự, muốn giải thích toàn bộ sự việc, muốn tháo gỡ mọi vấn nạn, muốn thấu hiểu nguyên do trong mọi biến cố, sự kiện cuộc sống; tuy nhiên, sống với mầu nhiệm lại là một điều lý thú. Như Albert Einstein đã nói: “Kinh nghiệm đẹp nhất chúng ta có thể có được là kinh nghiệm về điều mầu nhiệm.” Và cả khi có đức tin, các mầu nhiệm mà tâm trí ta không thể suy thấu vẫn còn tồn tại, vì chăng con người chúng ta không thể thấy toàn bộ đời sống, đúng như lời Van Gogh thốt lên rằng: “Trên trần gian này, chúng ta chỉ nhìn thấy một nửa bán cầu mà thôi.” 
Như vậy, phải chăng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi quá xa vời đến nỗi lòng trí, tâm hồn con người chúng ta không thể cảm nhận được sao? Thưa, chắc chắn là không. Quả thật, mầu nhiệm ‘Một Chúa Ba Ngôi’ cao vời khôn thấu, nhưng lại rất gần gũi với đời sống thiêng liêng, tu đức và đức tin của mỗi chúng ta. Đơn cử ví dụ: mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh giá ‘Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’, mỗi khi đọc kinh Sáng Danh, mỗi khi bắt đầu và kết thúc giờ cầu nguyện, trước và sau khi làm việc, dừng bữa, và nhất là khi tham dự Bàn tiệc Thánh Thể (Thánh Lễ)…Tuy vượt trên trí khôn con người, nhưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi lại rất gần gũi như thể hơi thở của chúng ta. Chúng ta sống, cảm nghiệm với Chúa Ba Ngôi mỗi giây phút, mỗi thời khắc, mỗi giai đoạn cuộc đời. 
Ngoài ra, chúng ta còn cảm nghiệm và học hỏi nhiều nhân đức nơi Chúa Ba Ngôi, con xin chia sẽ cùng với cộng đoàn ít nhất ba điều sau đây: 
Tuy Ba nhưng là Một: Khi đến công trình tạo dựng trời đất, muôn loài và con người, chúng ta thường hình dung đến công việc chuyên biệt của Chúa Cha; Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu khổ nạn, Phục sinh cứu độ nhân trần; và Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, hướng dẫn, dạy dỗ, giải thích cho các Tông Đồ, cho Giáo Hội hết tất cả những lời giảng dạy của Đức Giê-su Ki-tô. Thế nhưng, Ba Ngôi luôn cùng chung tay thực hiện tất cả các công trình từ tạo thiên lập địa cho đến thời viên mãn. Tuy Ba Ngôi nhưng là Một Chúa, và tuy là Một Chúa, nhưng Ba Ngôi vẫn không đánh mất bản thể riêng biệt của mình, như lời Thánh Phao-lô chào mỗi cộng đoàn tín hữu ngày xưa, mà ngày nay, đó là lời chào của vị chủ tế trong mỗi Thánh lễ gửi đến cộng đoàn phụng vụ “ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13, 13).
Hiệp Nhất chứ không Chia Rẽ: tình hiệp nhất này phát xuất từ tình yêu xâu thẳm mà Chúa Cha dành cho Chúa Con, và đáp trả lại tình yêu ấy, Chúa Con đã vâng phục, yêu thương, làm sáng danh Chúa Cha. Chúa Cha và Ngôi Hai Con Một Người yêu nhau cùng tận, hiệp nhất cùng tận, và tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Linh, hoa quả của sự hiệp nhất sâu xa của Chúa Cha và Chúa Con. Lời trích trong Sách Xuất Hành rất xác thực “Thiên Chúa là Đấng thống trị, từ bi, và nhân hậu” (x. Xh 34, 4b-6), từ ‘Thiên Chúa’ ở đây nghĩa là Ba Ngôi Thiên Chúa – Ba Ngôi hiệp nhất, kết hiệp nên một trong mọi chương trình, kế hoạch yêu thương dành cho muôn loài, muôn vật, đặc biệt chương trình cứu chuộc con người bất toàn, bất xứng, tội lỗi chúng ta. 
Đồng Nhất chứ không Đồng bộ hoặc đồng hoá: chúng ta có câu: “chín người, mười ý” (十人十色: じゅうにんといろ). Mỗi khi tập trung hội họp, làm việc chung với nhau, con người chúng ta thường đề cao cá nhân hơn là cùng nhau đồng lòng, đồng sức làm việc! Hơn nữa, tuy chúng ta làm việc đồng bộ, mặc đồng phục, chưa chắc chúng ta có cùng chung con tim, cùng chung tinh thần (満場一致: まんじょういっち); tệ hơn, khi chúng ta có ý muốn đồng hoá tư tưởng người khác theo lối suy nghĩ mà bản thân mình cho là tiêu chuẩn, hoàn toàn đúng đắn. Trái lại, Thiên Chúa Ba Ngôi ‘làm việc không ngơi nghỉ’, chăm sóc cho công trình do tay Người tạo nên. Đứng trước sự khước từ, ngoảnh mặt làm ngơ, chống đối, phạm tội,... của loài người xa ngã, Người hằng yêu thương, mời gọi, và chẳng bao giờ bỏ mặc chúng ta “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người...” (Ga 3, 16), và rồi Chúa Giê-su lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta như lời Người đã phán hứa với tổ tông loài người ‘...ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế’ qua việc sai Chúa Thánh Thần xuống. Tuy Ba Ngôi khác nhau, nhưng luôn đồng tâm, nhất trí đồng hành với con người chúng ta, với Mẹ Giáo Hội trải qua biết bao thăng trầm thách thức của thế gian.
Ước gì người tín hữu chúng ta luôn khắc sâu trong tâm khảm mình mỗi khi làm dấu Thánh Giá trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, biết ý thức, cảm nghiệm sâu xa tình thương Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta, đã hiến mạng sống mình và còn đồng hành với chúng ta cho đến ngày tận thế. Vì vậy, cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta dốc quyết sống hiệp nhất, hy sinh, vị tha và cùng đồng lòng, nhất trí xây dựng cộng đoàn, gia đình, giáo xứ mà trung tâm điểm đó là Chúa Ba Ngôi. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng 

================
Suy niệm 7
Thiên Chúa Đã Sai Con Của Người Đến
Xh 34, 2b-6.8-9; 2Cr 13, 11-13; Ga 3, 16-18

Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16). Vì yêu thế gian, Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con duy nhất để cho thế gian được sống muôn đời. Người Con đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bằng chứng tận cùng của tình yêu. Nhưng buồn thay thế gian lại không cảm nhận và thấy hạnh phúc vì được ban cho Người Con duy nhất, nên khi thì nhạt nhẽo, có khi không cần chi đến Người. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền lấp đầy cõi lòng tâm trí rồi thì đâu còn chỗ để liên đới mật thiết với Người Con được ban tặng.
“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian tội lỗi nhờ Ngài mà được cứu độ”. (Ga 3,17). Nhưng để đáp lại, thật ngược đời, thế gian lại lên án Người và làm cho Người phải chết trên thập tự. Có khi ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục lên án Chúa. Trước bệnh tật rủi ro, đau khổ hoạn nạn, tai ương... đều đổ cho Chúa định, Chúa gửi thánh giá... Oan cho Chúa quá! làm sao để đổi mới cái nhìn mà nhận ra giữa cuộc đời ánh sáng và bóng tối lẫn lộn bao trùm này? Chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng có thể giúp chúng con đổi mới cái nhìn ấy.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cầu chúc cho tín hữu, cũng là lời cầu của vị chủ tế trong mỗi Thánh lễ hôm nay: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen”. (2Cr 13,13).
Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng con chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả lạ lùng: Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện bằng việc hiến tặng Con Một yêu dấu. Tình yêu của Chúa Cha, ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần còn thể hiện trong Chúa Con, nơi tâm hồn các môn đệ và luôn ở trong chúng con nữa. Chúa ngự trị trong chính cõi lòng chúng con, cõi lòng là kho để cất giữ những gì quí giá. Vâng, Chúa Cha hằng ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong tâm hồn chúng con, như thế chúng con hằng được ở trong tình yêu Ba Ngôi hiệp nhất với tình yêu thương. Còn gì cao quý hạnh phúc hơn? Chúng con phải can đảm làm chứng cho tình yêu ấy nơi chúng con sống và làm việc mọi ngày.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong lòng mọi người và giữa lòng thế giới. Chúng con ước mong nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng con khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong những điều quen thuộc của cuộc sống. Hằng ngày chúng con vẫn hưởng nhận tình yêu Ngài  mà chẳng nhận ra để cảm tạ Ngài. Nguyện xin Thánh Thần Chân Lý đến chiếu tỏa trên chúng con ánh sáng của Ngài, biến đổi chúng con thành những chiến sĩ theo Chúa Kitô, thành nhân chứng nước trời, cho muôn người trong khắp nơi. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sứ điệp quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cườn
Sứ điệp quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cườn
Đại lễ Vesak, một thời gian thiêng liêng để kính nhớ việc đản sanh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật, là cơ hội thích hợp để chúng tôi gửi đến các bạn lời chào nồng nhiệt nhất và cùng với các bạn suy tư về trách nhiệm chung của chúng ta, là những Kitô hữu và Phật tử, về việc thăng tiến hòa bình, tinh thần hòa giải và lòng kiên cường,...
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log