Thứ năm, 10/10/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cập nhật lúc 09:58 25/05/2023
Suy niệm 1
Ga 20, 19 – 23
Bài Tin Mừng hôm nay nói về Chúa Thánh Thần. Nhưng nói không hết lời. Chúng ta phải đọc thêm Công vụ Tông đồ chương 2 để thấy Chúa Thánh Thần đóng vai trò quan trọng như thế nào trong lịch sử của Giáo hội.
Trước hết Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội hai ơn quan trọng đầu tiên để xây dựng và phát triển Giáo hội. Đó là ơn khôn ngoan và ơn can đảm. Muốn thấu hiểu và cảm nghiệm được điều đó, chúng ta chỉ cần theo dõi một mình thánh Phêrô mà thôi, thì cũng đủ rồi.
Trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thánh Phêrô không có một tí khả năng nào để lãnh đạo Giáo hội. Ông nhát đảm đến mức độ phải chối Chúa ngay trước mặt một cô gái gác cổng dinh Thượng tế. Kiến thức của ông chỉ đủ để quăng và gom lưới kiếm tiền nuôi vợ con. Vậy mà khi Chúa Thánh Thần hiện xuống rồi, thì ông Phêrô được lật 180 độ. Một anh chài lưới dốt nát của xứ Galilê mà dám đứng ra tranh luận với các nhà trí thức của thủ đô. Ông dẫn chứng Thánh Kinh để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Trí thức thủ đô đành cúi mặt ngậm miệng. Ông Phêrô không còn biết sợ hãi là gì. Đánh đòn ông, ông không sợ, mà còn hãnh diện và sung sướng. Trên đường phố Giêrusalem ông được dân chúng coi như siêu nhân. Người ta đưa bệnh nhân ra nằm bên lề đường để chờ khi ông đi qua thì bóng của ông ngả trên ai thì người nấy được khỏi. Ông không chỉ là thần tượng ở Giêrusalem mà thôi. Sau này ông sang truyền đạo ở thủ đô Rôma thì người ta cũng tôn sùng ông như một siêu sao, thậm chí tên lính gác cổng trại giam cũng quỳ gối xuống để xin hôn chân của ông.
Phêrô được Chúa hứa làm nền tảng của Giáo hội, thì Thánh Thần là Đấng biến lời hứa ấy thành hiện thực. Phêrô là bần dân thế mà lại được Thánh Thần làm cho ông trở thành đại diện của Chúa để tha tội và cầm tội. Ông đã trở thành vị Giáo Tông đầu tiên của Giáo hội. Giáo hội này của ông vẫn tồn tại theo dòng lịch sử và sẽ còn tồn tại cho đến tận thế. Đó là quyết định của Chúa Con và được Chúa Thánh Thần thực hiện.
Giáo hội này đã được Chúa Thánh Thần dìu dắt qua hai mươi thế kỷ. Giáo hội trải qua biết bao gian khó, nhưng càng bị gian khó bao nhiêu, Giáo hội càng phát triển và trưởng thành bấy nhiêu.
Sứ mạng quan trọng nhất mà Chúa Thánh Thần đang điều hành đó là sứ mạng loan báo Tin Mừng. Với kinh nghiệm của lịch sử và với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” rằng: “Chúa Thánh Thần là nhân tố chính yếu của mọi sinh hoạt truyền giáo.” Đã là nhân tố chính yếu lại còn là của mọi sinh hoạt truyền giáo, thì ta mới thấy Chúa Thánh Thần quan trọng tới mức độ nào. Chính vì thế, trong lời trăng trối của Đức Giêsu trước khi về trời, Chúa dặn là phải ở lại Giêrusalem mà cầu nguyện. Khi nào được ơn Chúa Thánh Thần mới được đi khắp trần gian mà rao giảng.
Chúa Thánh Thần là như thế đó. Bởi vậy trong công tác loan báo Tin Mừng, chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan và can đảm. Đi truyền giáo mà không cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, thì là một sai lầm lớn. Đi truyền giáo như thế thì là không truyền giáo và là truyền giáo sai từ bước đầu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Ga 20, 19-23
Bốn mươi ngày sau Phục Sinh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Chúa lên Trời. Sau đó 10 ngày cử hành lễ Ngũ tuần, là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa. Ngài không chỉ hiện diện, dẫn dắt và canh tân Giáo hội, mà còn hoạt động ở mọi nơi mọi thời, trong mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và tôn giáo, để không ngừng đổi mới con người và thế giới cho phù hợp với dự định của Thiên Chúa, và để qui tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức kitô.
Sách Công Vụ thuật lại:sáng ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Sau khi nhận lãnh Thánh Thần, các tông đồ đã mạnh dạnđi rao giảng Tin Mừng. Sau đó xảy ra một hiện tượng lạ, là đám đông dân chúng thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ai cũng nghe và hiểu được lời rao giảng của các Tông đồ, như nghe chính ngôn ngữ của mình. Các ông cũng chỉ nói bằng tiếng Do thái, nhưng Chúa Thánh Thần giúp cho thính giả thuộc nhiều dân tộc khác nhau đều thấu hiểu.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện tháp Babel trong sách Sáng Thế: con cháu ông Noe kiêu ngạo muốn xây một tháp cao vút để tỏ ra mình hơn Thiên Chúa, không còn trận lục hồng thủy nào có thể lên tới được. Liền sau đó, Chúa khiến họ nói nhiều thứ tiếng, không ai hiểu ai nữa, đưa đến chia rẽ và hỗn loạn. Chính trong ngày Lễ Ngũ Tuần, qua việc ra rao giảng Tin Mừng mà Chúa Thánh Thần bắt đầu liên kết lại mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, và văn hoá khác biệt. Ngài đã chữa lành vết thương của tháp Babel do sự cao ngạo của con người. Ngài làm con người hiểu nhau, gần nhau, sống tình thương mến nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc.
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo,với một mệnh lệnh rõ ràng:“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).“Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).Trong Tin Mừng hôm nay, Ðấng phục sinh nói với các môn đệ:“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Đó là sứ mạng duy nhấtmà Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha và truyền lại cho các mônđệ, nhằm qui tụ muôn dân, hiệp nhất muôn người, đem lại niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại.
Do đó, truyền giáo không phải là một hoạt động tự nhiên, dựa vào nỗ lực của con người, mà là một sứ mạng siêu nhiên dựa vào ân sủng. Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta phải được nhận lấy Chúa Thánh Thần, là hơi thở, là sức sống thần linh của chính Đức Giêsu phục sinh. Bí tích Thêm sức không phải là một nghi lễ ban ơn nhất thời, mà để làm cho chúng ta trở thành nhân chứng của Đức Kitô phục sinh, sẵn sàng lên đường và hành động theo sự soi dẫn của Thánh Linh.
Chúa Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ và hoạt động trong Hội Thánh tiên khởi như thế nào thì ngày nay Ngài cũng đang tiếp tục thực hiện như thế. Biết bao biến cố trong lịch sử của đời sống Giáo Hội đã cho thấy sự bảo trợ mạnh mẽ của Ngài. Chính Ngài là Đấng điều khiển mọi công cuộc truyền giáo.Không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đơn thuần, một tổ chức như bao tổ chức khác.
Biết bao Kitô hữu đã đổi đời, đã trở nên những chứng nhân anh hùng, đã góp phần lớn lao để mở rộng Nước Chúa là nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Ngàivẫn luôn hoạt động trong thế giới hôm nay, ngay trong các nền văn hóa, các tôn giáo; các phong trào cải thiện đời sống nhân sinh và xây dựng hòa bình; các tổ chức và hiệp hội nhằm nâng cao phẩm giá con người;nơi tất cả những ai có thiện chí, dám dấn thân phục vụ xã hội, góp phần kiến tạo một nền văn minh tình thương.
Giáo Hội có sứ mạng toàn cầu là hiệp nhất dân thánh Chúa.Nhưng hiệp nhất không phải là đồng bộ, mà trong sự khác biệt, không phải là thu gom vào một nhóm ngườimang tính cục bộ, hay để sống an toàn trong một cơ chế vững vàng. Nhưng hiệp nhất là hướng mọi người đến sự đồng tâm nhất trí để xây dựng thế giới hôm nay. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta đều được Chúa sai đi trong chính hoàn cảnh và bậc sống của mình. Hãy ý thức thi hành sứ mạng cao cả mà Chúa đang mong đợi.
Tin Mừng phải được rao giảng bằng mọi cách trong đời sống của chúng ta. Kinh Thánh đã được dịch ra 2.197 ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương. Phục vụ trong yêu thương là thái độ sống cơ bản của mọi tín hữu, để Chúa Thánh Thần có thể hành động nơi mỗi người chúng ta, hầu đem lại niềm vui ơn cứu độ cho con người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần!
Đấng phù trợ cho đời sống chúng con,
Ngài nâng đỡ khi con thấy lo âu,
Ngài ủi an khi con thấy buồn sầu,
Ngài cứu giúp khi gặp cảnh bể dâu.

Chính Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
cho con người sự sống mới đẹp tươi,
cho thế giới muôn loài được tái tạo,
ban muôn vàn ân phúc của trời cao.

Cho con biết buông mình theo ân sủng,
biết sống và hành động trong tình yêu:
yêu điều tốt đẹp ghét điều xấu xa.
quyết vượt qua những gì còn tăm tối,
khai đường và mở lối để vươn lên,
dám làm nên cuộc cách mạng đời mình.

Cho con đưa tình yêu vào cuộc sống,
và biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
vì con biết rằng, Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.

Xin thương đến nhân loại chúng con,
và ban cho một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất khắp muôn nơi.

Xin biến đổi chúng con nên tông đồ,
để loan truyền danh thánh Đức Ki-tô,
là tình yêu trong cội nguồn chân thật,
là Mùa Xuân cứu độ cho thế trần. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==================
Suy niệm 3
THẦN KHÍ CHÂN LÝ
 
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Mỗi khi cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hay Ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta thường hồi tưởng ngày mỗi người chúng ta được hân hoan, vinh dự đón nhận bảy ơn Chúa Thánh Thần qua cử chỉ đặt tay và sức dầu Thánh của Đức Giám Mục Giáo phận. Kế đến, mỗi gia đình sum vầy, quây quần lại với nhau chụp hình với Đức Cha và quý Cha; và theo thông lệ, lễ xong thì lạc vì ‘lễ lạc’ thường đi đôi với nhau!
Chẳng hiểu thế nào, được nhận bí tích Thêm Sức xong rồi, ông bà và anh chị có cảm nghiệm được ơn Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn chúng ta chăng? Và rồi, chúng ta có can trường, can đảm như được Thần Khí tăng thêm sức mạnh hầu sống chứng tá, sống đạo, thực hành Lời Chúa trong gia đình, nơi chòm xóm, trường học, công sở, và ngoài xã hội chăng? 
Đọc lại và suy niệm các bài đọc hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại đời sống đức tin, mối tương quan với nhau trong cộng đoàn, và gương làm chứng tá của mỗi người chúng ta mỗi ngày nhé! Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ ‘ai nấy đều tràn đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho’ (x. Cv 2, 4). Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên các Tông Đồ như lời Chúa Giê-su đã hứa trước khi Ngài lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Một điều chúng ta xác tín rằng: Thần Khí Chân Lý luôn thúc đẩy mỗi người chúng ta biết cộng tác với ơn sủng Ngài, biết ra khỏi con người câu nệ, ấu trĩ, tội lỗi, nhút nhát, v.v…; hơn thế, biết dẹp bỏ những thói quen vô bổ, đam mê trần tục, thói đời dẫn chúng ta đến hư vô. Tuy nhiên, chúng ta đã biết mở toan cõi lòng đón nhận Thần Khí và dâng trọn con người mình hầu để Ngài làm việc, hoạt động qua thân phận yếu hèn của chúng ta như Ngài đã ngự xuống trên các Tông Đồ xưa kia và thực hiện bao kỳ công nơi các dân thiên hạ tề tụ tại Giê-ru-sa-lem chăng?
Ngoài ra, Thần Khí Chân Lý biến chúng ta trở nên nghĩa tử, trở nên con cái Thiên Chúa. Thần Khí mang lại cho chúng ta lòng can trường, can đảm, chứ chẳng phải Thần Khí khiến chúng ta trở nên nô lệ, nhát đảm, sợ sệt (x. Rm 8, 15) như thánh Phao-lô khẳng khái nhắc nhở giáo đoàn Rô-ma. Và nhờ Thần Khí, chúng ta được vinh dự lớn lao, kêu lên “Abba, Cha ơi” như tấm lòng của một người con thảo dâng trọn niềm thành tín, phó thác nơi người cha hết mực thương yêu mình. Một lời kêu lên cùng Chúa Cha ‘Cha ơi’, ‘Bố ơi’ hay ‘Ba ơi’ cho thấy Thiên Chúa cúi xuống, hạ mình chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mỗi người chúng ta để nhấc chúng ta lên bậc con cái của Ngài, dầu trăm ngàn lần chúng ta bất xứng, hay quay lưng thờ ơ với tình yêu Ngài dành trọn cho chúng ta qua Cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Con Một. Mặc khác, lời gọi đơn sơ ấy còn cho ta thấy rằng: Thiên Chúa không câu nệ, cung cách, phức tạp hay phân biệt giai cấp, phẩm trật, mà Ngài hoà đồng, muốn xây dựng tình liên đới, tình thân thương như mối tương quan khăng khít giữa người cha với đứa con thơ của mình vậy. Chính nhờ Thần Khí Chân Lý chứng thực cho thần trí chúng ta rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 16). Và nhờ Thánh Thần Chúa, bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người bị vỡ tan. Thay vào đó, khoảng cách ấy được lấp đầy bởi hình ảnh một vị Thiên Chúa như người cha thương yêu dang rộng đôi tay trìu mến, đón nhận, âu yếm và ôm ấp con thơ mình vào lòng. Ngài dẹp tan những hố sâu ngăn cách, những gì làm cản trở mối tình thân da diết này. Còn chúng ta, chúng ta đã can đảm, đón nhận Thần Khí, ngỏ hầu dám dẹp bỏ con người ích kỷ, câu nệ, lòng cao ngạo, thái độ chụp mũ của bản thân mình mà bước tới anh chị em khác, tha thứ, đón nhận họ với cả lòng thành như Thiên Chúa đã gạt bỏ, chẳng màng đến sự bất xứng của ta mà rộng lượng hải hà, bao dung thứ tha, dang rộng đôi tay mời gọi ta trở về với Ngài chưa? 
Thần Khí Sự Thật được ban xuống cho chúng ta như một Đấng Bảo Trợ khác mà Chúa Giê-su xác tín: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em...” (x. 14, 26). Và như trong đoạn trình thuật Ga 20, Chúa Ki-tô Phục Sinh ‘thổi hơi’ và nói: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 21-22). Chính Thánh Thần Chúa sẽ dạy chúng ta những gì mà Chúa Giê-su đã nói, đã làm. Vì vậy, mỗi khi chúng nghe lời đồn thổi rằng: có thần khí dạy những điều mới mẻ nhưng lại khác hoàn toàn, hoặc ngược lại với những lời dạy của Đức Giê-su, thì lúc ấy, chúng ta dám quả quyết: đó không phải là Thần Khí Sự Thật, mà trái lại, đó là thần khí gian tà, mê hoặc, hoặc thần khí thế gian, v.v…Do đó, chúng ta phải biết phân định đâu là Thần Khí Chân Lý, và từ đó biết lắng nghe, tuân giữ những gì Chúa Giê-su răn dạy qua Lời Hằng Sống (Lời Chúa), qua Giáo Hội, cũng như luôn can đảm bênh vực cho chân lý, cho sự thật. Hơn nữa, có rất nhiều ân sủng, chức vụ, công việc, cũng như nhiều chi thể, nhưng nhờ Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác liên kết chúng ta nên một thân thể (x. 1Cr 12, 3-7. 12-13), hiệp nhất với nhau.
Sau cùng, chúng ta cùng đồng tâm nhất trí dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen cảm tạ khôn nguôi, và tạ ơn Ngài đã ban Thần Khí, nguồn Tình Yêu cho chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần luôn soi sáng chúng ta biết phân định, bênh vực cho chân lý, sự thật và biết mở lòng, can đảm thực hành những gì Ngài thúc đẩy mỗi người chúng ta trong tư tưởng, lời nói và việc làm. 
Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài ngự đến
Đốt lửa bừng cháy tình mến trong con
Thần Khí Chân Lý dẫn dắt vuông tròn
Sống luôn trọn vẹn, chứng nhân tin yêu….Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 4
Thánh Thần, Đấng dạy dỗ và nhắc nhở

(Ga 20, 19-23)
Khi đến giờ Ðức Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha, Người phán cùng các môn đệ nhiều điều. Người nói với họ về niềm tin, tình yêu và lòng mến (Ga 12, 44-50; 14, 1-6). Người trấn an các ông bằng cách để lại bình an cho họ, truyền dạy họ mến thương nhau, đồng thời kết hợp với Người như cành nho với thân nho, ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (Ga 14; 15). Đặc biết là Người xin Chúa Cha ban cho các môn đệ “Đấng Phù Trợ khác ” (Ga 14, 16) để ở với các ông luôn mãi.
Và một lần nữa: “Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13). Ngài sẽ không làm tất cả cùng một lúc, hoặc một lần cho mãi mãi, mà là khi có tình huống phát sinh. Trước khi dứt khoát từ giã các môn đệ lên Trời, Đấng Phục Sinh đã trấn an các môn đệ về sự trợ giúp của Đấng Bảo Trợ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất". (Cv 1, 8).
Chúa Giêsu nói: "Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy các con mọi sự và nhắc nhớ cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con" (Ga 14, 26). Ðây là điều Chúa Thánh Thần làm: Ngài dạy dỗ và nhắc nhớ điều Chúa Giêsu đã nói.
Thánh Thần dạy dỗ
Câu hỏi được đặt ra: Chúa Thánh Thần dạy chúng ta sự gì?
Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời: Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng ta cách yêu mến Chúa và tuân giữ các giới răn của Chúa, để chúng ta khỏi yêu mến Chúa mà không giữ các giới răn của Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng biết phải làm gì và làm từ đâu. Chính Chúa Giêsu nói: "Nếu các con yêu mến Thầy thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy" (Ga 14, 15). Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có tình yêu, thì làm gì cũng chỉ uổng công vô ích. Chúng ta không thể tạo ra tình yêu, vì chỉ có Thiên Chúa là Tình Yêu còn chúng ta là kẻ có tình yêu. Tình yêu là hồng ân do Chúa tặng ban. Chính Thánh Thần tình yêu đặt trong chúng ta tình yêu. Chính Ngài làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến và dạy chúng ta yêu mến. Ngài là "động cơ" đời sống liêng của chúng ta. Chúa Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn người tín hữu lòng sốt sáng kính mến Chúa.
Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn
Ngoài việc dạy dỗ bảo ban, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta như thánh Phaolô giải thích : "Những người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn không sống theo xác thịt nhưng theo thần trí" (Rm 8,14). Đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đi con đường tốt nhất cần theo. Vì thế, điều quan trọng là biết phân định tiếng nói của Thánh Thần và tiếng nói của ác thần.
Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy một Giáo hội từng bước được “Thánh Thần hướng dẫn” những bước đầu tiên trong lịch sử. Sự hướng dẫn của Ngài được thực hiện không chỉ trong những quyết định lớn mà còn trong những điều nhỏ bé hơn. Phaolô và Timôthê muốn rao giảng phúc âm trong tỉnh Asia, nhưng “Thánh Thần ngăn cản họ”; họ chuẩn bị tiến về Bithynia, nhưng có lời chép rằng “Thần Khí Ðức Giêsu không cho phép” (Cv 16, 6). Chúa Thánh Thần đã thúc giục Giáo hội sơ khai rời khỏi Châu Á để hướng tới một lục địa mới, Châu Âu (x. Cv 16, 9). Thánh Phaolô đi xa đến mức tự xác định mình, trong các lựa chọn của mình, là “tù nhân của Thần Khí” (Cv 20, 22).
Khi các Tông đồ ở Giêrusalem phải quyết định chào đón những dân ngoại vào cộng đồng mà không buộc họ phải cắt bì và tuân thủ tất cả luật pháp Môise, được thúc đẩy và truyền đạt như thế nào? Nó được giải quyết bằng những lời mở đầu phi thường này: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định …” (Cv 15, 28).
Chúa Thánh Thần không bao giờ nói với chúng ta rằng trong hành trình mọi sự đều thuận buồm xuôi gió. Không, Chúa Thánh Thần sửa chữa lỗi lầm của chúng ta, làm cho chúng ta lo buồn đau đớn, khóc lóc vì tội lỗi chúng ta. Ngài thúc giục chúng ta thay đổi, gia tăng sức mạnh để chúng ta chiến đấu chống lại sự gian dối và lối sống hai mặt, dù điều này đòi nhiều vất vả, chiến đấu trong nội tâm và hy sinh. Ác thần thúc đẩy chúng ta luôn làm điều chúng ta thích. Chúa Thánh Thần muốn chúng ta cùng nhau, đồng hành.
Chúa Thánh Thần là Đấng nhắc nhớ
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ bao nhiều điều, nhưng vẫn còn bao điều cần phải nói, hiện thời họ không thể lĩnh hội được, họ đã nghe nhiều, nhưng hiểu chẳng được bao nhiêu, phải chờ Chúa Thần Thần đến (x. Ga 16,12). Chỉ khi có Chúa Thánh Thần, họ mới nhớ lại và hiều là vì Chúa Thánh Thần làm cho họ nhớ lại và hiểu.
Chính Chúa Thánh Thần thực hiện điều ấy, đưa con người từ tình trạng "nghe nói" đến sự nhận thức bản thân về Chúa Giêsu, đi vào trong tâm hồn. Như thế, Chúa Thánh Thần làm thay đổi cuộc sống: Ngài làm cho những tư tưởng của Chúa Giêsu trở thành những tư tưởng của người nghe. Và điều này nhắc nhớ cho chúng ta những lời của Chúa Giêsu.
Quả thật, nếu không có Thánh Thần nhắc nhớ thì đức tin trở thành điều bị quên lãng. “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến. Xin Ngài rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường…” (Ca tiếp liên).  Nhất là lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, xin nhắc nhớ Chúa Giêsu cho chúng con, xin soi sáng tâm hồn chúng con.
Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, đầy tràn Chúa Thánh Thần, xin đốt lên trong chúng con ước muốn cầu xin Chúa Thánh Thần. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 5
Thánh Thần, Đấng Phù Trợ

(Ga 7, 37-39)
 
40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến làm tuần chín ngày dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu xin cùng với Chúa Giêsu để Ngài đoái thương ban Thánh Thần xuống trên Giáo hội và trong thế giới: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến… “
Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi?
Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã bước vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất, là Đấng dạy dỗ, nhắc nhớ và an ủi. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống, tình yêu và sự tự do. Ngài là Đấng làm cho sống, chúng ta sống là sống sự sống của Chúa Thánh Thần. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo
Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo...”. Chúa Thánh Thần là đấng  tác sinh, Ngài làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).
Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, nhưng còn là lễ của Giáo hội. Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức cố Giáo hoàng Benedicto XVI nói: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).
Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, “mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta“. (Rm 8,22-24)
Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất
Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động không cần đến Thiên Chúa là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Ngài là suối bảy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.
Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 6
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
Sau cái chết như một tử tội của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không dám gặp gỡ giao tiếp với ai. Nhưng khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông. Người còn truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông.
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Có sự hiện diện với sự bình an và ơn của Chúa Thánh Thần, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Bài đọc I hôm nay mô tả sự kiện vô cùng lớn lao trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ đang tề tựu một nơi, tiếng gió mạnh từ trời ùa vào, xuất hiện những hình như lưỡi lửa trên từng người. Từ những người kém học, nhút nhát sợ sệt, họ bừng lên sức sống mạnh mẽ, như sức bật của lò xo. Với đầy ơn Thánh Thần, họ có thể nói được các thứ tiếng khác khi chưa hề học tới!
Vâng, chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là Đấng “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”, mới nhóm lên ngọn lửa mến cháy trong lòng mọi người. Người tưới gội chỗ khô khan, sưởi ấm chỗ lạnh lùng và chỉnh đốn lại chỗ chật đường. Nhưng chúng con nhiều khi lại quên mất sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng làm nên và canh tân, đổi mới mọi sự cách lạ lùng. Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn các tín hữu, nhẹ nhàng như làn gió, thổi sạch những bụi bặm thế trần trong con người, làm cho họ được thay đổi tế bào từ trong ra ngoài và lớn lên bằng một sức sống mới.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã cử Thánh Thần xuống trên Đức Mẹ và các Tông đồ, để thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Xin Chúa tiếp tục công trình đã thực hiện, mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới, để chúng con được hiệp nhất nên một cùng nhau, mà tuyên xưng danh Chúa mãi ngàn đời. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thông báo thánh lễ truyền chức linh mục cho quý thầy Phó tế, ngày 15.10.2024
Thông báo thánh lễ truyền chức linh mục cho quý thầy Phó tế, ngày 15.10.2024
Xin gửi tới quý cha, quý tu sỹ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa, chương trình thánh lễ truyền chức linh mục cho quý thầy Phó tế, ngày 15.10.2024. Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho giáo phận, cách đặc biệt là các tiến chức.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log