Thứ tư, 06/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Phục Sinh năm A

Cập nhật lúc 10:20 11/05/2023
Suy niệm 1
Ga 14, 15 – 21
Trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay là yêu Đức Giêsu. Cứ yêu Đức Giêsu, đời chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái, nhiều hệ quả khôn lường.
Thứ nhất, khi đã yêu Đức Giêsu, thì người ta sẽ yêu nhau. Khi đã yêu nhau thì đó là chứng tá của Tin Mừng. Người ngoại thấy người Kitô giáo yêu nhau, thì họ sẽ yêu Chúa và theo Chúa. Sử gia Tertulianô đã ghi nhận lời người ngoại bàn tán với nhau về Kitô hữu thời sơ khai của Giáo hội như thế này: “Kìa xem người Kitô, họ thương yêu nhau biết dường nào.” Lời bàn tán ấy đã đi vào lịch sử. Lời bàn tán ấy cũng giải thích cho hậu thế hiểu tại sao Giáo hội sơ khai lại mau trưởng thành đến thế.
Thứ hai, khi người ta yêu Đức Giêsu, thì được Chúa Cha yêu thương. Chúa Cha là ai? Là Ông Trời, là Đấng Tạo Hóa, là Đấng Càn Khôn, mà lịch sử loài người luôn luôn kính trọng và tôn thờ. Loài người chỉ là một thụ tạo bé nhỏ mà lại được Đấng Tạo Hóa Toàn Năng yêu thương và đùm bọc. Chỉ nghĩ thế thôi cũng đủ thấy loài người chúng ta được vinh dự và hạnh phúc biết dường nào.
Thứ ba, khi ta yêu Đức Giêsu, thì Chúa Cha sẽ ban cho ta Ngôi Thứ Ba là Chúa Thánh Thần. Mà Chúa Thánh Thần lại ban cho ta bảy hồng ân. Hai hồng ân quan trọng nhất là khôn ngoan và can đảm. Để hiểu và minh chứng điều này, chúng ta cứ nhìn vào con người ông Phêrô là thấy hết. Bản chất của Phêrô là nông cạn và nhát đảm. Thế mà khi được ơn Chúa Thánh Thần rồi, ông trở nên thông minh lạ thường. Ông dùng Thánh Kinh để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, thì các bậc thông thái cấp trung ương của Do Thái giáo cũng phải cúi đầu chịu thua. Ông Phêrô nhút nhát tới mức độ phải sợ cả cô gác cổng của dinh Thượng tế. Thế mà sau khi được ơn Chúa Thánh Thần, ông không còn biết động từ sợ là gì nữa. Ông cứ tỉnh bơ vào tù ra khám. Ông đã trở thành thần tượng của quần chúng từ thủ đô Giêrusalem đến thủ đô Rôma.
Thứ bốn, khi yêu Đức Giêsu, thì được Người bảo đảm là sẽ không bị bỏ mồ côi. Chúng ta luôn luôn được Đức Giêsu ở kề bên. Ngài hứa khi về trời, tạm xa ta, là để dọn chỗ cho ta để một ngày nào đó không còn xa, Ngài sẽ đến để đón ta, đưa ta về thiên đàng, nơi tràn lan hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không thể có ở nơi trần gian này. Ở nơi ấy ta ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong Chúa Cha và cả Chúa Con lẫn Chúa Cha ở trong ta. Trên dòng lịch sử loài người, chưa có một tôn giáo nào cho ta thấy Ông Trời, Đấng Tạo Hóa, lại yêu chúng ta đến như thế. Đạo Kitô đã đưa chúng ta đến một vị trí cao đến như thế. Nhưng khởi đầu vẫn  phải là yêu Đức Giêsu.
Vinh dự lớn lao của chúng ta là như thế đó. Muốn chắc chắn được hưởng vinh dự ấy thì dứt khoát là phải yêu Đức Giêsu. Chúng ta cũng đừng quên lời Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại, đó là nếu yêu Chúa thì phải giữ các giới răn của Chúa. Mà giới răn cao quý nhất vẫn là phải yêu nhau. Mà điều này, trong Giáo hội vẫn chưa làm vui lòng Chúa. Trong Giáo hội vẫn có chia rẽ lớn là có bốn đạo Kitô: Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành và Anh giáo. Mong rằng bốn anh em này hãy ôm hôn nhau và trở thành một trong Đức Kitô.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
SỰ SỐNG MỚI
Ga 14, 15-21
Một người kia nằm mơ gặp một thiên thần đi bộ xuống phố. Một tay ngài cầm bó đuốc, tay kia cầm một xô nước. Anh ta liền hỏi thiên thần: “Ngài đi xuống phố kia làm chi vậy ?”. Thiên thần đáp: “Ta được sai đến để tìm xem ai là người có đức tin và có lòng mến Chúa thực sự”.
Anh ta hỏi tiếp: “Sao Ngài lại phải cầm theo bó đuốc và xô nước?”Thiên thần đáp: “Ta muốn dùng bó đuốc để thiêu hủy các tòa nhà trên thiên đàng, và dùng xô nước để dập tắt ngọn lửa dưới hỏa ngục”. Anh lại hỏi: “Nhưng tại sao Ngài lại phải làm như thế ?”
Thiên thần trả lời: “Để biết ai thực sự có đức tin và lòng mến Chúa. Một người có đức tin thực sự thì sẽ tuân giữ các giới răn, cho dù ta có phá hủy hy vọng sau này của họ là lên thiên đàng, và phá hủy nỗi sợ của họ sau này sẽ bị sa hỏa ngục đi nữa”.
Câu chuyện giấc mơ trên cho ta hiểu thế nào là đức tin và lòng mến Chúa thực sự. Lòng mến Chúa đích thực thì không đặt ra vấn đề thiên đàng hay hỏa ngục, vì như thế thì động lực của tình yêu mến không còn tinh ròng nữa. Đối với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, được yêu Chúa là đủ rồi, dù ở đâu, làm gì, đi đâu, ngay cả khi phải ở trong hỏa ngục mà vẫn được yêu Chúa thì cũng đủ cho chị rồi.
Ta chỉ lo âu sợ hãi khi mình không có tình yêu. Khi đã có tình yêu thì lo âu sợ hãi không còn, vì chỉ còn lo sống cho tình yêu, như Harry Emerson đã phát biểu như sau: “Sợ hãi thì đe dọa, còn tình yêu lại gọi mời. Sợ hãi thì cầm tù, còn tình yêu lại giải phóng. Sợ hãi thì chua chát, còn tình yêu lại ngọt ngào. Sợ hãi thì gây ra thương tích, còn tình yêu lại chữa lành. Sợ hãi thì luôn lẩn tránh còn tình yêu lại hiện diện”.
Đã yêu thì chỉ còn có một điều là mong sống thật nhiều cho người mình yêu, cụ thể là làm những gì mà người yêu mong đợi. Đó cũng chỉ là một tình yêu đáp trả, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người. Và Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho các môn đệ biết: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Hay nói một cách khác phổ quát cho tất cả mọi người: Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”.
Bài Phúc Âm hôm nay là một lời an ủi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi Ngài sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Lời an ủi này không chỉ là một sự động viên khích lệ, mà là một lời hứa chắc chắn Người không để các ông mồ côi, Người sẽ xin Chúa Cha ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Người là Thần Khí Sự Thật, sẽ đến ở giữa các ông và trong các ông.Nhưng điều quan trọng là tình yêu mến trong lòng họ qua việc giữ lệnh truyền của Thầy. Tình yêu ấy làm cho Chúa Cha thương mến họ, cả Ba Ngôi đều ở trong họ, làm cho sự sống linh thiêng ngập tràn trên họ, và chính Chúa sẽ tỏ mình cho họ, khiến họ vững vàng trước mọi thử thách gian nan.
Mùa Phục sinh nhắc nhở ta nhìn lại sự sống của Chúa trong mình: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”.Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh, nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô. Sự thông hiệp này làm nên một sức sống mới và một kinh thiêng liêng mà thánh Phaolô đã nói lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Quả thật, sự sống của Chúa bắt đầu bừng lên khi ta bắt đầu sống yêu thương. Ngài sẽ tỏ mình cho ta khi ta dám cúi xuống tỏ tình thương với mọi người.
Thực tế cho thấy, lắm khi ta sống èo uột, khô khan, cằn cỗi, tầm thường, chỉ vì không dám sống giới răn yêu thương, không dám xả thân phục vụ anh chị em, chỉ quanh quẩn với bản thân, và loay hoay với những gì mình muốn để đượcan nhàn thư thái. Còn đời sống đạo thì nhiều khi chỉ lo giữ những điều tối thiểu và vừa đủ để được lên thiên đàng. Nếu như vậy chỉ là một thứ đạo thực dụng, như chuyện trao đổi ở đời, và như vậy ta xem Đức Kitô cũng chỉ là một vị thần đóng vai trò thưởng phạt, chẳng khác nào chuyện thần thoại Hy lạp.
Không lạ gì mànhững người lương dânthấymột số người có đạo mà không thấy có Chúa. Điều này có nguy cơ trở thành một thứ đạo mà con người dựng nên Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa dựng nên con người. Làm sao cho người khác nhận ra Đức Kitô đang sống, đang hành động trong ta, đang có mặt ngay trong cuộc sống hôm nay giữa mọi người? Cuộc đời chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh lại tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta: một thái độ mở ra, bao dung, đón nhận, vui tươi và nhiệt tình với mọi người, đem lại tự do và bình an cho nhau.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Ki-tô giáo là đạo Đấng đã sống lại,
nên Ki-tô hữu là người đã phục sinh,
đã đón nhận sự sống của Thánh Linh,
nhờ chính Đức Ki-tôhiến thân mình.

Sự sống lại là hồng ân Chúa ban,
nhưng con phải tuân giữ các luật điều,
và phải làm tất cả vì tình yêu,
không so đo hay tính toán chi nhiều,
không phàn nàn vì những điều con thiếu,
không quan trọng mình có được bao nhiêu.

Yêu mến đâu phải là tình cảm tự nhiên,
được đo lường theo mối dây thân thiện,
nhưng biểu hiện bằng hành động dấn thân,
với tự do và tinh thần quả cảm,
luôn dám sống dám yêu và dám làm,
dám đi ngược với lối sống thế gian.

Đức tin không hành động, đức tin chết,
tình yêu cũng không chỉ ở trong lòng,
nhưng cònlà sáng lên trong hành động,
khơi sâu và mở rộng sự hiệp thông.

Cho con ngheđược tiếng Chúa gọi mời,
để con biết sống một cuộc đời phấn khởi,
biết nhiệt tâm đem an hòa cho thế giới,
đem niềm vui thương mến đến mọi nơi.

Xin cho con đừng ngồi đó để chờ thời,
nhưng ra khơi tạo nên nguồn sống mới,
cho bao người còn đang sống chơi vơi,
đang khốn khó nguy nan giữa biển đời.

Xin cho con ghi nhớ lời Chúa phán,
biết thực thi những điều mà Chúa dạy,
đểnêu cao một tình mến mỗi ngày,
cho tới lúc được xum vầy bên Chúa. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
Yêu mến Chúa nơi tha nhân
Ga 14,15 - 21
Chồng bà Tư qua đời đã vài chục năm, để lại cho bà ba đứa con thơ dại. Vì yêu thương con, bà không quản ngại nhọc nhằn, quần quật lao động suốt ngày nuôi đàn con khôn lớn.
Điều khiến bà buồn phiền là ba đứa con trong nhà thườngxuyên xung khắc kình cãi nhau, khiến bầu khí gia đình trở nên ngột ngạt.
Mỗi độ xuân về tết đến, đứa nào cũng muốn chọn một món quà tặng mẹ với hy vọng làm vui lòng mẹ nhất. Nhân dịp nầy, bà Tư tâm sự với đoàn con:
“Nếu các con thương mẹ thì hãy cho mẹ món quà quý nhất mà mẹ luôn ao ước, đó là các con yêu thương nhau. Chỉ có thứ quà đó mới làm cho mẹ ấm lòng và hạnh phúc.”
Dù rất yêu mẹ và đã nhiều lần nghe mẹ tâm sự như thế, nhưng các con không làm theo ý mẹ, không trao cho mẹ món quà mẹ mong ước, tức là sự hòa thuận yêu thương, mà chỉ tặng những món quà theo sở thích của mình.
Cũng như những đứa con của bà Tư, chúng ta muốn bày tỏ tình thương đối với Chúa theo cách chúng ta muốn, chứ không theo cách Chúa muốn.
Chúa muốn chúng ta bày tỏ tình thương đối với Ngài cách nào?
Qua trích đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ dạy chúng ta thể hiện tình thương theo cách Ngài mong muốn như sau:
Ngài nói: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ các điều răn của Thầy.” [1]và một lát sau, Ngài nhấn mạnh: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.” [2]
Như vậy, Chúa Giê-su mong đợinhững ai yêu mến Ngài thì hãy thể hiện tình yêu đó bằng cách dâng cho Ngài món quà Ngài yêu quý nhất, là tuân giữ điều răn Ngài dạy.
Và điều răn đó được Chúa Giê-su tóm gọn như sau:
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” [3]
Như thế,Chúa Giê-su mong muốn chúng ta yêu mến Ngài bằng cách yêu thương chăm sóc người lân cận.
Khi sống vô cảm với người chung quanh, khi thờ ơ trước những nỗi đau của người khác, khi không ra tay giúp đỡ kẻ khốn khổ bần cùng… là chúng ta quay lưng lại với Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những lời ca khen chúc tụng, bằng những câu kinh lời nguyện thì dễ, nhưng thể hiện lòng mến Chúa bằng cách giữ điều răn yêu mến mọi người chung quanh là điều rất khó.
Xin mở rộng con tim vô cảm và đổ đầy tình thương Chúa vào lòng chúng con, để chúng con hết lòng yêu mến, phục vụ Chúa hiện diện nơi anh chị em chung quanh. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1]Ga 14,15
[2]Ga 14, 21
[3]Gioan 13, 34
=================
Suy niệm 4

TÌNH YÊU ĐONG ĐẦY - SỐNG LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Kính thưa cộng đoàn!
Thông thường, chúng ta cất giữ những gì quý giá trong tâm tưởng sâu kín; nào là kỷ niệm khó quên, thời khắc thay đổi cuộc đời, con người bản thân, biết bao nhiêu lời dạy, câu nói, ….ảnh hưởng và khó phai mờ trong tâm trí của mỗi chúng ta.
Cũng như hai người nam nữ đang yêu nhau, hình bóng của nhau luôn hiện diện đâu đó trong cuộc sống, trong suy nghĩ, trong thời khắc hằng ngày của họ. Có lúc, họ chẳng cần gặp nhau, mà chỉ nói chuyện qua điện hoặc chỉ nhìn nhau qua cuộc gọi video không cần nói chi nhiều, mà họ vẫn thể hiện tình cảm cho người họ yêu, và chẳng thể nào quên nhau dù chỉ một giây!
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta đọc lại một lần nữa diễn từ của Chúa Giê-su chia sẻ với các Tông đồ “nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy…” (x. Ga 14, 15). Vấn đề đặt ra là: chúng ta chắc hẳn yêu mến Chúa, nhưng sao không sống giới răn của Ngài? Phải chăng, giới răn của Chúa chưa phải điều quý giá mà khiến tôi phải ghi khắc trong tâm hồn, tâm tưởng? Hay tôi có thể không bao giờ quên những câu châm ngôn, những luận điểm hùng biện thú vị này nọ, nhưng Lời Chúa thì chúng ta chẳng thể nhớ? Và một khi không nhớ, một khi Lời Chúa chưa chạm tới con tim thì làm sao chúng ta thực thi trong cuộc sống thường nhật, nhất là trong những thời khắc cam go, khó khăn? Hoặc lòng yêu mến Chúa của chúng ta chưa lớn đủ để khiến chúng ta khắc ghi Lời của Ngài trong tâm tư và sống Lời ấy hằng ngày như việc chúng ta phải hấp thụ không khí, phải thâu nạp dinh dưỡng mỗi ngày?
Những gợi ý trên chỉ là một số điểm mà mỗi chúng ta nên hỏi lòng mình và đi tìm câu trả lời cho bản thân! Câu trả lời có thể chẳng đâu xa, mà có khi nó đang nằm trong vấn đề mà chúng ta đặt ra! Tuy nhiên, trong bài chia sẻ này, chúng ta nên làm sáng tỏ một số điểm: Chúng ta phải yêu mến Chúa thế nào thì mới khiến chúng ta tuân giữ giới răn của Ngài? Và động từ ‘giữ’ ở trong câu ‘…hãy giữ giới răn Thầy’ đối với chúng ta có nghĩa như thế nào?
Trước tiên, khi tình yêu thương của tôi dành cho ai đủ lớn thì chính tình yêu ấy khiến tôi làm mọi việc cho người ấy, và cũng chính tình yêu ấy tạo động lực cho tôi thay đổi tích cực vì người tôi yêu thương. Trong gia đình, lòng yêu thương bố mẹ dành cho con cái, tình thương của con cái dành cho bố mẹ lớn đủ thì bố mẹ sẵn sàng hy sinh cho con cái, và con cái cũng vậy làm hết mọi việc hầu chăm sóc, quan tâm bố mẹ. Trong tình bạn chân chính cũng sẽ diễn ra tương tự, và kể cả trong tình yêu đôi lứa giữa một người nam và một người nữ. Vậy, tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa thế nào? Dẫu tôi biết Ngài là Đấng hằng yêu thương tôi, ban cho tôi sự sống, đã hiến thân chết cho tôi, hằng chờ đợi tôi mọi lúc tôi lìa xa Ngài, thương xót tôi, tha thứ, cứu độ tôi…Nếu lòng mến của tôi đối với Chúa đủ mạnh, đủ lớn thì việc tôi dành thời gian cho Ngài, nhớ đến Ngài, dám làm tất cả vì Ngài, thay đổi bản thân, làm mọi việc đẹp lòng Ngài là điều dễ dàng xảy ra!
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì chúng ta sẽ thấy mức độ yêu thương của mỗi chúng ta đối với Chúa thế nào. Điển hình trong thời đại 4.0 này, chúng ta dành quá nhiều thời giờ cho việc lướt web, và dành rất ít thời gian để nhìn lại ngày sống của bản thân, rất ít thời gian dành cho việc tâm sự, hàn thuyên với Chúa (mà chúng ta thường gọi là cầu nguyện)! Chúng ta dành quá nhiều giờ cho công việc, cho việc mưu sinh cơm áo gạo tiền (vật chất) mà lại quên đi bồi bổ cho đời sống thiêng liêng, cho linh hồn! Chúng ta dành nhiều thời giờ để tạo mối tương quan trong giao tế, trong kinh doanh, trong gia đình, mà quên đi dành thời gian tạo mối liên kết với Chúa trong thinh lặng, trong việc đọc - suy gẫm Kinh Thánh, trong việc cầu nguyện, trong việc tham dự Bàn tiệc Thánh trực tiếp hay trực tuyến (trong thời điểm đại dịch cô-vid)!
Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy” (x. Ga 14, 15) và rõ ràng nếu chúng ta chỉ yêu mến Chúa bằng đôi mắt (= nhìn), bằng đôi môi (= nói) mà không bằng con tim (= ghi nhớ và hành động cụ thể) thì việc ‘giữ’ Lời Ngài khó có thể thành sự; mà nếu thành sự đi chăng nữa thì cũng ở mức độ là ‘cất giữ’ ‘cất giấu’ ‘giữ đạo’ thôi!
Và từ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu thật sự ý nghĩa của động từ ‘giữ’ ở đây là gì? Nếu chúng ta nghĩ ‘giữ’ ở đây là cất giữ, giữ kín chuyện gì đó, hay vật gì đấy thì vô hình chung chúng ta cũng chỉ yêu mến Chúa bằng đôi mắt, bằng ngôn từ, và như thế chúng ta đang ‘giữ đạo’ chứ chưa ‘sống đạo’. Hơn thế nữa, nếu như vậy, chúng ta chỉ dừng lại việc thờ phượng Chúa trong nhà thờ, trong nhà nguyện; còn khi ra khỏi nhà thờ thì là một con người như bao nhiêu con người ngoài xã hội kia vẫn chưa tin nhận Chúa! “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy” (x. Ga 14, 15) nghĩa là nếu tình yêu của chúng ta đối với Chúa đủ lớn, đủ đong đầy thì chính lòng mến này khiến chúng ta thực thi tất cả những gì mà Chúa dạy qua Kinh Thánh, qua Thánh Truyền, và qua Giáo Hội. Một khi chúng ta dành nhiều sức lực, thời gian cho Chúa thì chính tình yêu Chúa biến đổi chúng ta trở nên những người yêu mến Ngài, yêu mến anh chị em xung quanh, và đây là động lực khiến chúng ta không ngừng ghi nhớ - khắc ghi - thực hành tất cả những gì Ngài đã dạy tóm lại trong giới răn yêu thương. Nói một cách đơn giản, một khi chúng ta yêu mến Chúa đủ nhiều, đủ lớn thì chúng ta sẽ làm hai việc song hành: cầu nguyện và làm việc bác ái.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau dành ít phút thinh lặng chẳng phải để xin, mà để cảm tạ Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong mọi thời khắc cuộc đời:
Lạy Chúa, con đã từng nghe:
“Sau cơn mưa trời lại sáng
Bình minh ló rạng ngập tràn ánh dương”.
Giây phút này xin tựa nương
Kề bên lòng Chúa yêu thương chan hoà.
Đời con như một đoá hoa
Tình yêu đủ lớn mọi nhà ngát hương
Thanh tao trong cõi vô thường
Đơn sơ sống giữa nẻo đường trần gian
Thực thi bác ái toả lan
Truyền loan ơn Chúa bình an tâm hồn. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 5
Yêu mến Chúa, thì phải giữ giới răn Thầy

(Ga 14, 15 - 21)

Khi thể hiện tình yêu, nếu không nắm bắt được tấm lòng của đối phương, mà lại thể hiện tình yêu bằng phương pháp chỉ có bản thân mình thích trong khi đối phương không vui mừng thì đây không phải là tình yêu chân chính.
Liên hệ đến tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta yêu theo kiểu của chúng ta thôi chưa chắc đã là yêu mến Chúa. Chính Thiên Chúa phán: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng của lòng người bấy nhiêu” (Is 55, 9).
Trong bầu khí tình Thầy trò tâm sự, Chúa Giêsu phán: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15). Vậy, chúng ta nghĩ xem, chúng ta yêu mến Chúa với việc tuân giữ các giới răn của Chúa như thể nào?
Mến Chúa thì phải giữ các giới răn của Chúa
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người vừa mở ra cho nhân loại con đường dẫn đến sự sống đời đời, vừa dạy người ta biết cách yêu mến Thiên Chúa. “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy... Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy, và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó” (Ga 14, 15. 21).
Cứ lời Chúa Giêsu nói ở trên thì có thể biết được rằng việc giữ các giới răn của Chúa là thể hiện lòng yên mến Chúa. Nếu ai yêu mến Chúa thì phải quý trọng và giữ các răn mà Chúa đã dạy và truyền phải giữ.
Những người giữ tập tục của loài người
Chúa Giêsu đã nghiêm khắc với những người không giữ các giới răn của Chúa lại còn tự phụ cho rằng mình yêu mến Chúa. “… như có chép rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng. Còn lòng chúng thi xa Ta... Các ông gạt bên lệnh truyền của Thiên Chúa, mà cố thủ lấy lệ truyền của loài người ” (Mc 7, 6).  
Việc giữ các giới răn của Chúa phải phát xuất từ đức tin tôn trọng lời của Chúa và tình yêu hướng tới Chúa. Tuy nhiên, rất nhiều người không có đức tin và tình yêu thương ấy nên mới dễ dàng gặt bỏ các giới răn của Chúa để giữ các tập tục của loài người. Dù họ tuyên xưng to tiếng ngoài môi miệng rằng họ kính mến Chúa thì Chúa, Đấng thấu suốt mọi tâm can cũng không công nhận cho.
Giữ các giới răn của Chúa là mến Chúa
Chúng ta yêu mến Chúa nên giữ các giới răn của Chúa. Giữ các giới răn của Chúa là yêu mến Chúa.
Lời của Chúa Giêsu nêu lên tương quan giữa các giới răn với tình yêu dành cho mình, nên Người kết luận : « Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy » (Ga 14, 21). Và Người cam kết: « Thầy sẽ xin Cha ». Nói thế là Người chịu trách nhiệp về những việc Người làm. Một cách chắc chắn và bảo đảm là ;  nếu Chúa Giêsu bênh đỡ chúng ta, chúng ta còn sợ hãi gì ?
Chúa Giêsu xin Cha điều gì ? Người xin Cha « ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác » (Ga 14, 16). Khi nói Đấng Phù Trợ khác, Chúa Giêsu chứng tỏ sự lo lắng bảo vệ các môn đệ, và cho thấy Người là một Đấng Phù Trợ. Đó là lý do tại sao Người nói đến một « Đấng Phù Trợ khác ».
Lạy Chúa Giêsu, chúng con nài xin Chúa xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, và ở trên chúng con như đã ở với các môn đệ Chúa, những người sống nhờ Thánh Thần Chúa và vui mừng nhận biết chỉ có Chúa là ơn cứu độ chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
=================
Suy niệm 6
Lời An Ủi Trước Lúc Chia Xa

Cv 8,5-8.14-17; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21
Người ta yêu nhau thì luôn nhớ lời đã nói với nhau, giữ lời hứa với nhau, luôn làm theo ý muốn của người yêu. Nếu quên hay chẳng muốn giữ lời thì tình yêu bị mờ nhạt, lạnh lẽo.
Suốt mấy năm theo Thầy, các môn đệ được ở với Thầy, chứng kiến bao việc Thầy làm, nghe bao lời dạy dỗ của Thầy. Thầy trò sống mật thiết yêu thương, Thầy coi trò như bạn thân. “Thầy không gọi anh em là đầy tớ, song là bạn hữu”. Trước lúc chia xa Thầy hứa với các ông: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14, 6). Quả vậy, sau này khi Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha xuống, Ngài đã làm các ông nhớ lại, hiểu, giữ và sống Lời Thầy bằng tình yêu mến cháy bỏng.
Đức Giêsu còn khẳng định: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14, 20-21). Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, Cha Thầy yêu mến, cùng với Thánh Thần, họ được sống mật thiết với Tình yêu Chúa Ba Ngôi, tâm lòng trở thành thiên đàng, từ đây xuất hiện những điều kỳ diệu, hoa trái thiêng liêng, những việc làm có sức mạnh thần thiêng…
Thánh Phêrô cũng chỉ dạy trong bài đọc II: “Đức Kitô là Đấng thánh, hãy suy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em”. (1Pr 3,15a).
Ngày nay nếu chúng con không yêu mến Thầy, sẽ chẳng màng đến Lời Thầy, làm sao Thầy “tỏ mình” cho chúng con? Đời sống đạo sẽ khô cằn nứt nẻ, buồn tẻ, nhạt nhẽo. Chúng con vẫn rước Thầy mỗi Thánh lễ mà chẳng thấy chi, dường như Thầy vẫn ở đâu đó, trên thiên đàng hay bị nhốt trong Nhà Tạm kia. Còn nếu chúng con vì yêu mà tìm đến Thầy, mở lòng đón Thầy thì “Cả Nhà Thầy”: Cha - Con và Thánh Thần sẽ đến và ở trong chúng con. Thầy sẽ “tỏ mình” cho chúng con. Càng “biết” Thầy chúng con càng yêu, càng yêu Thầy chúng con không dám sai Lời Thầy vì sợ làm Thầy buồn, sai Lời Thầy chúng con sẽ tự đẩy mình ra xa Thầy. Xin Thầy hoán cải và mở mắt cho chúng con thấy Thầy ở trong con người yếu đuối của chúng con. Để cuộc đời bé nhỏ khô cằn của chúng con đây, nhờ liên kết trong Thầy sẽ luôn hạnh phúc ngọt ngào, đời sẽ nở hoa.
Lạy Chúa! xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Người giúp chúng con nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa và thúc đẩy chúng con chu toàn. Nhờ Chúa Thánh Thần dẫn dắt và đồng hành, trợ giúp chúng con trong mọi tư tưởng, lời nói và việc làm, những hành động của chúng con làm đều lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người anh em. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log