Chúa nhật, 05/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Phục Sinh năm A

Cập nhật lúc 14:20 27/04/2023
Suy niệm 1
Ga 10, 1 – 10
Để hiểu và cảm nghiệm được cả tâm lẫn tư của Đức Giê su qua bài Tin Mừng này, chúng ta phải tạm dừng một thời gian để nhìn ngắm mối tương quan giữa chủ chăn và bầy chiên.
Các tổ phụ Do Thái đều sống bằng nghề chăn chiên. Đời của họ nếu được giàu có đều nhờ vào bầy chiên.
Lông chiên bán cho thợ dệt, để làm len. Len để may áo khoác, để làm khăn choàng cổ, để làm chăn và nệm. Sữa chiên để uống, để bán cho người làm bơ và pho mát. Da chiên bán cho thợ may dép, làm áo khoác, làm túi xách, thậm chí còn làm bầu đựng rượu. Mỡ chiên dùng làm chất đốt thay cho dầu ô liu. Còn thịt thì để ăn tươi, hoặc phơi khô, sấy khô để làm đồ ăn, đồ nhậu. Chính vì vậy mà đời sống của chủ chăn gắn bó với đời sống của bầy chiên. Họ yêu chiên và chăm sóc con chiên như bé thơ. Chủ chăn đặt tên cho từng con chiên, vuốt đầu chiên khi dẫn nó ra và vào chuồng chiên.
Con chiên thì quấn quýt chủ chăn. Lúc nào cũng chạy lũn chũn theo chủ. Chúng nó thuộc lòng hình ảnh cao thấp của chủ. Thậm chí chúng nó còn nhớ được cả cái mùi hôi hôi, hoi hoi của chủ nữa.
Cứ hừng đông vừa tới là chủ mở cửa chuồng chiên, rồi thổi tù và. Thế là cả bầy chạy theo chủ đi đến cánh đồng cỏ tươi để gặm. Gặm no rồi, chủ dẫn chúng đến suối trong lành nhất để uống. Uống no bụng rồi thì theo chủ đến một cây cổ thụ có bóng dâm. Ở đấy; chiên thì ngủ; chủ thì cầm gậy đi tới đi lui để bảo đảm an toàn cho chiên. Nếu có chó sói tới thì cả chủ chăn lẫn chó săn nhào ra để đánh. Chủ chăn thà chết, chứ không để chó sói cắn giết bầy chiên.
Đức Giê su dùng hình ảnh ấy để nói lên tấm lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta. Ngài đã sẵn sàng chết thay cho chúng ta, để chúng ta được hưởng cuộc sống vĩnh cửu.
Trước khi về trời, Chúa lại trao quyền chăm sóc chúng ta cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ. Ngài yêu cầu hàng giáo phẩm và giáo sĩ phải chăm sóc chúng ta như chính bản thân Ngài đã làm. Ngài còn cảnh giác hàng giáo phẩm và giáo sĩ phải nhìn lại nếp sống của các ông Kinh Sư trong cơ chế Do Thái giáo thời đó. Ngài gọi các ông Kinh Sư và Biệt Phái là những chủ chăn thuê, là những tên trộm trèo tường vào chuồng chiên để giết và ăn thịt chiên.
Qua bài Tin Mừng này, chúng ta cảm thấy thương Chúa nhiều quá. Chúng ta thương Chúa vì Chúa thương chúng ta quá chừng. Yêu đến mức độ liều chết để cứu sống chúng ta. Nếu chúng ta là con chiên ngoan, thì được Chúa yêu là chuyện thường tình. Nhưng khi chúng ta là chiên hư: con chiên bị thương, thì được băng bó; con chiên lạc thì được chủ đi tìm và khi tìm được, thì không đánh, không mắng, mà còn được âu yếm vác trên vài mang về chuồng. Chúng ta thử nghĩ xem qua dụ ngôn này, ta phải yêu Chúa biết chừng nào cho vừa.
Đã yêu Chúa rồi, Chúa còn yêu cầu hàng giáo phẩm, giáo sĩ và chúng ta phải gắn bó với nhau. Nếu cả hai bên thấy khuyết điểm của nhau, thì hàng giáo phẩm đừng lấy hình phạt là phương thuốc trị bệnh, nhưng lấy tình yêu mà sửa chữa. Khi tín hữu tức là con chiên thấy chủ chăn là hàng giáo phẩm, giáo sĩ có tiêu cực, thì phải biết cầu nguyện và khéo léo khuyên lơn, chứ không phải là chế giễu, là chống đối và phổ biến trên phương tiện truyền thông. Dụ ngôn chủ chăn và con chiên là vậy. Mong rằng mỗi người chúng ta đều cảm thấy hết cả tâm và ý của Chúa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG

Ga 10, 1-10
Chúng ta đang ở trong mùa Phục Sinh, mùa của thiên nhiên lan tràn sự sống, với những đồng cỏ xanh tươi bát ngát trên các nương đồi, mặc sức cho đàn chiên no thỏa dưới sự chăn dắt của một chủ chiên tốt lành. Đó là bức tranh biểu tượng cho một thực tại sâu nhiệm trong đời sống tinh thần của con người. Điều này được diễn tả qua hình ảnh người Mục tử nhân lành, là chính Đức Giêsu Kitô. Ngài là vị mục tử tối cao từ Thiên Chúa mà đến, vị mục tử đích thực mà dân Chúa hằng luôn mong đợi từ ngàn xưa. Ngài đến để đem lại sự sống mới cho con người.
Đức Giêsu là vi Mục tử nhân lành, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Ngài còn ví mình là cửa chuồng chiên. Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên thì đều là những tên trộm cướp. Đó là những mục tử giả hiệu, vì trèo qua những ngõ khác mà đột nhập vào. Đàn chiên sẽ nhận ra ngay kẻ lạ mặt, chúng hoảng sợ và chạy trốn chứ không nghe theo. Vì họ đến chỉ để giết hại và phá hủy đàn chiên. Còn người mục tử chân chính thì đi qua cửa mà vào. Với lời nói và giọng điệu riêng biệt, chiên nhận ra ngay tiếng của người chủ và cất bước theo sau.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã giải thích dụ ngôn này như sau: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa. Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử”. Cửa chuồng chiên là cổng duy nhất để chiên nhận ra người chủ đích thật, và cũng là lối đi duy nhất để chiên vào trong tìm được sự an toàn, cũng như để chiên ra ngoài tìm đến đồng cỏ xanh tươi. Đức Giêsu là Cửa duy nhất đem lại sự sống thật cho nhân loại, vì Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Chỉ những ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy được niềm vui ơn cứu độ.
Đức Giêsu là gương mẫu tuyệt đối cho mọi mục tử khác trong vai trò lãnh đạo dân Chúa. Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết:
“Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi”. Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng. Với tâm tình và tính cách đó, Ngài là mô mẫu để giúp phân biệt mục tử thật và mục tử giả. Mục tử giả sẽ không dám sống như Ngài, càng không dám hy sinh để bảo vệ đàn chiên, mà chỉ nhằm vào những con chiên béo bở để no thỏa cho mình. Mục tử thật cũng khác với kẻ chăn thuê, là kẻ không quan tâm gì đến sự sống của đàn chiên, mà chỉ nhằm đến quyền lợi và bổng lộc cho mình.
Người mục tử lý tưởng theo gương Đức Kitô qua lời dẫn giải của Đức Thánh Cha Phanxicô: là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót; là người yêu sự khó nghèo, không tham vọng tìm địa vị cao… là người săn sóc canh giữ đoàn chiên hiệp nhất, chú ý các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên, làm cho niềm hy vọng của đoàn chiên lớn lên; là người có khả năng củng cố bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn: ở đàng trước đoàn chiên để chỉ đường, ở giữa đoàn chiên để duy trì đoàn chiên hiệp nhất, ở đàng sau đoàn chiên để tránh cho ai đó khỏi phải ở lại phía sau…”.
Giáo Hội dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Làm sao có được những mục tử như lòng Chúa mong ước, và những tu sĩ dám tận hiến trọn vẹn đời mình? Về điều này, thánh Gioan Phaolô II đã kêu gọi mọi tín hữu hãy chăm lo cho mảnh đất nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên. Mảnh đất đó là cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, với những nét phát họa cơ bản như: một cộng đoàn biết lắng nghe Lời Chúa, nhờ đó người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi vang lên từ trái tim mình; một cộng đoàn biết chuyên tâm cầu nguyện, dành ưu tiên cho đời sống tâm linh, nhờ đó người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời, quên mình để phục vụ vô vị lợi và hiến thân vô điều kiện; một cộng đoàn biết hăng say làm việc tông đồ, khao khát làm cho Chúa được mọi người nhận biết và yêu mến; một cộng đoàn quan tâm phục vụ và sống cho người nghèo.
Gia đình là một Hội Thánh tại gia. Chính từ những gia đình đạo đức thánh thiện, mới có những con người trẻ tốt lành, dám quảng đại hiến dâng cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Giáo Hội lúc nào cũng cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để chăm sóc đoàn chiên Chúa, cũng như hiện diện của các tu sĩ sống đời thánh hiến, để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu, thấy được thế nào là những thực tại vô hình. Ước chi mỗi người chúng ta luôn cầu nguyện và canh tân cuộc sống mình, gia đình mình, để tạo điều kiện cho ơn gọi phát triển nơi các bạn trẻ, góp phần xây dựng Giáo Hội của chính Đức Kitô.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành,
đã hy sinh đời mình vì nhân thế,
không như kẻ chăn thuê chỉ yên bề,
không kể gì sống chết của đàn chiên.

Là Mục Tử Đấng chăn chiên nhân từ,
Chúa dẫn con đến đồng xanh suối mát,
đem lại bình an sự sống cho xác hồn,
chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn.

Chúa chính là nơi chốn để tựa nương,
cho cả những ai phải sa cơ lỡ bước,
để vượt qua tăm tối của đêm trường,
đón nhận được tình thương và ân sủng.

Xin cho đoàn chúng con trong mọi lúc,
biết nhận ra ân phúc của đời mình,
để luôn sống trong ân tình của Chúa,
biết nghe theo tiếng Chúa ở mọi nơi,
biết bước theo chân Chúa ở mọi thời,
đừng để con xa rời tình thương Chúa.

Trong kế hoạch yêu thương và cứu độ,
Chúa vẫn chọn một số trong chúng con,
để nên như mục tử giữa gian trần,
đại diện Chúa để phục vụ tha nhân,
để chăm lo dẫn dắt đoàn dân Chúa,
và đưa về những ai đang sa lạc.

Xin cho các bạn trẻ biết mở lòng,
nghe được tiếng Chúa đang vang vọng,
biết đáp lại tình Chúa vẫn ước mong,
và góp phần với Chúa cho cuộc sống.

Xin cho con có tâm tình của Chúa,
biết quan tâm đến người đang khốn khó,
biết chăm lo cho kẻ bị bỏ rơi,
để tình Chúa sáng lên trong cuộc đời. Amen
Lm. Thái Nguyên
==================
Suy niệm 3
ĐỂ NÊN MỤC TỬ NHÂN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU
Cv 2,14a.36-41 ; 1 Pr 2,20b-25 ; Ga 10,1-10
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 10,1-10
(1) “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh, anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (6) Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. (7) Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su vừa là mục tử vừa là cửa chuồng chiên:
- LÀ MỤC TỬ THẬT SỰ CỦA DÂN ÍT-RA-EN: Vì Người đi qua cửa chính mà vào chuồng chiên và được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả giới thiệu. Do đó, Người được đàn chiên là dân chúng nghe theo. Còn các đầu mục Do thái chỉ là người lạ, nên chiên chạy trốn và không đi theo họ.
- LÀ CỬA CHO CHIÊN RA VÀO: Các luật sĩ và Biệt phát không tin Đức Giê-su và không được Thiên Chúa ủy nhiệm coi sóc đàn chiên. Họ leo rào mà vào chuồng nên chỉ là hạng trộm cướp. Kẻ trộm đến chỉ để giết hại và phá huỷ đàn chiên. Còn Đức Giê-su đến để đem lại cho chiên sự an toàn, tự do, lương thực và sự sống dồi dào.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Ràn chiên: hay chuồng chiên, là hình ảnh quen thuộc của dân Do thái vốn là một dân du mục. Ở đây ràn chiên là hình ảnh ám chỉ Giáo hội là Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. + Cửa vào: Mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa chính để chiên ra vào. Ai muốn được công nhận là mục tử đích thực của Chúa phải qua cửa chính là Đức Giê-su mà vào Hội Thánh. Họ phải được Người tuyển chọn và trao sứ mệnh chăn chiên. Còn kẻ trèo qua lối khác mà vào, như các kinh sư hay Pha-ri-sêu, thì chỉ là mục tử giả hiệu hay hạng trộm cướp. + Người giữ cửa mở cho anh ta vào: Đức Giê-su chính là Mục tử đích thực, vì Người đã được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả làm chứng là “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,31-34). + Và chiên nghe tiếng của anh: Đàn chiên chỉ nhận biết và nghe theo một chủ chăn duy nhất, như các Tông đồ đã nghe lời và đi theo một mình Đức Giê-su (x. Ga 1,35-51). + Anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra: Trong ràn có nhiều đàn chiên. Ban chiều, mỗi mục tử sẽ đưa đàn chiên vào ràn, rồi đến sáng sẽ lại đến dẫn đàn chiên ấy ra khỏi chuồng để dẫn đến đồng cỏ cho chúng ăn cỏ uống nước. Đây là kiểu nói cường điệu. Thực ra các mục tử chỉ đặt tên và gọi tên một con chiên đầu đàn thôi và các con khác sẽ theo sau con chiên đầu đàn này ra ngoài. Ở đây Đức Giê-su nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của Người là vị Mục tử tốt lành, khác với các Pha-ri-sêu và kinh sư là những kẻ chăn thuê vô trách nhiệm.
- C 4-6: + Anh ta đi trước và chiên đi theo sau: Câu này nhắc đến sứ mệnh Mục tử của Đức Giê-su: Khi đã kéo Môn đệ ra khỏi thế gian (x. Ga 15,19). Người đi tiên phong dẫn họ tới đồng cỏ non là Hội Thánh. Chiên sẽ nhận biết tiếng nói và chỉ đi theo Mục tử Giê-su, vì Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho họ (x. Ga 14,10). + Chúng sẽ không theo người lạ,..: Người lạ là những kẻ không do Thiên Chúa sai đến, nhưng đã leo rào mà vào. Người lạ ám chỉ các đầu mục dân Do thái đương thời. Vì họ không phải là mục tử đích thực, nên chiên đã không đi theo họ mà trái lại chúng còn lẩn trốn họ nữa.
- C 7-8: + Tôi là cửa cho chiên ra vào: Vì thính giả không hiểu ý nghĩa dụ ngôn, nên Đức Giê-su phải giải thích rõ ràng: Người chính là cửa chuồng chiên tức là cửa ngõ để vào Nước Trời, mà ai muốn vào Nước Trời ấy đều phải tin Người. + Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ: Mọi kẻ đến trước ở đây không nhằm chỉ các ngôn sứ Cựu Ước, mà chỉ nhắm tới những kẻ không được Thiên Chúa sai như các pha-ri-sêu và kinh sư Do thái (x. Mt 23,1-8). Họ bị Đức Giê-su quở trách là bọn đạo đức giả, cản đường người khác gia nhập Nước Trời, có lòng tham lam, ăn ở bất công, dẫn dường đui mù và đã từng giết hại nhiều vị ngôn sứ chân chính (x. Mt 23,13-32).
- C 9-10: + Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu: Đức Giê-su là con đường người ta phải đi ngang qua để được vào Nước Trời. Tương tự như câu: “Thầy là đường…Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). + Người ấy sẽ ra vào: Ra vào nghĩa là được tự do đi lại. + Gặp được đồng cỏ: Trong Đức Giê-su, các tín hữu sẽ được cứu khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ. Họ sẽ được hưởng tự do đích thực (x. Ga 8,31-36). Nhờ Đức Giê-su, họ sẽ tìm được của nuôi thân là Nước hằng sống và Bánh trường sinh (x. Ga 4,14 ; 6,35). + Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy: Kẻ trộm ám chỉ các đầu mục Do thái, vì không được Thiên Chúa sai đến, nhưng họ đã leo rào mà vào chuồng chiên. Họ chỉ đi tìm lợi ích cho bản thân hơn là lợi ích của đàn chiên (x. Mt 23,4-7). + Tôi đến cho chiên được sống và sống dồi dào: Nhờ có lương thực là Lời Chúa và Thánh Thể, mà đức tin của các tín hữu sẽ trở nên vững mạnh và có được sự sống đời đời.
4. CÂU HỎI:
1) Ràn chiên nghĩa là gì và là hình ảnh ám chỉ điều gì ? Cửa vào ám chỉ ai ? 2) Đức Giê-su là Mục Tử thực sự của đoàn chiên vì đã được Gio-an Tẩy Giả là người giữ cửa làm chứng như thế nào ? 3) Đàn chiên chỉ nhận biết tiếng nói và đi theo ai ? Phải chăng mọi con chiên đều được đặt tên và mỗi buổi sáng người mục tử phải gọi tên từng con chiên để dẫn chúng ra khỏi chuồng ? 4) Ý nghĩa của câu: anh ta đi trước và chiên đi theo sau… là gì ? 5) Tại sao đàn chiên không nghe theo người lạ ? Người lạ nói đây ám chỉ những ai ? 6) Những kẻ đến trước được liệt vào hạng trộm cướp nói đây ám chỉ ai ? Tại sao ? 7) Đức Giê-su tự nhận mình là cửa chuồng chiên mà ai muốn vào chuồng chiên phải đi qua, giống như nơi khác Người đã tự ví mình là gì ? 8) Kẻ trộm đầu mục Do thái khác với vị Mục Tử tốt lành là Đức Giê-su thế nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LÒI CHÚA: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9)
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐỨC GIO-AN PHAO-LÔ II – HÌNH ẢNH MỤC TỬ NHÂN LÀNH :
Ngày 27/04/2014, Đức Thánh Cha Gio-anPhaolô II đã được Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh. Người là một người môn đệ đã hoạ lại rõ nét hình ảnh mục tử của Thầy Chí Thánh Giê-su. Một vị mục tử luôn làm việc : Cho dù tuổi đã cao lại thêm nhiều bệnh tật, thế mà ngài vẫn luôn hiện diện bên đàn chiên, vẫn lên tiếng gọi đàn chiên, vẫn là chỗ dựa vững chắc và an toàn cho đàn chiên. Đến nỗi khi ngài qua đời, Đức tổng Giám mục Lê-ô-nar-do San-dri, thứ trưởng Ngoại giao của Toà Thánh đã nói với toàn thế giới rằng: “Hôm nay, chúng tôi trở thành những đứa con mồ côi”.
Tại sao người ta lại tỏ lòng thương tiếc một cụ già như thế ? Có phải người ta ngưỡng mộ Ngài vì ngài nhiều tiền, nhiều quyền thế không ? Thưa không phải thế. Người ta thương tiếc ngài như một mục tử đã sống hết mình vì đàn chiên. Một mục tử canh giữ hoà bình không chỉ cho đàn chiên mà cho hàng tỉ người trên khắp hành tinh này. Người mục tử với 26 năm chăn dắt đàn chiên của Chúa đã không ngừng bảo vệ quyền sống của con người, nhất là của các thai nhi. Người mục tử đã không ngừng đi đến tận cùng thế giới để gieo rắc an bình, công bình, tha thứ và yêu thương. Người mục tử đã đi đến cùng đường để quy tụ đàn chiên, để tìm kiếm các con chiên lạc đưa về một mối và cuối đời, trong những tiếng nấc hoà trộn với hơi thở bị ngắt quãng, ngài đã nói với đàn chiên đang canh thức cầu nguyện cho ngài trong giờ lâm chung rằng: “Ta đã đi tìm kiếm các con. Và bây giờ các con đã đến với Ta. Ta xin cám ơn các con”.
2) TINH THẦN MỤC TỬ CỦA MỘT BÀ MẸ:
Trong cuốn tự thuật, DIM-MY CÁC-NÂY (Jimmy Cagney) một nam diễn viên nổi tiếng ở HÔ-LI-GÚT (Hollywood) đã thuật lại câu chuyện cảm động về bà mẹ của ông. Câu chuyện xảy ra vào thời thơ ấu của Các-nây khi mẹ ông nằm thoi thóp chờ chết. Chung quanh giường có bốn anh em trai và một cô em gái út duy nhất. Vì bị tai biến mạch máu não, nên bà mẹ của Các-nây không thể nói thành tiếng. Sau khi bà cố lần lượt hôn năm đứa con, bà liền giơ cánh tay phải còn cử động được lên. Dim-my kể lại những gì đã xảy ra như sau : “Mẹ tôi dùng ngón tay phải chỉ vào anh con trai trưởng rồi lại chỉ vào ngón tay trỏ của bàn tay trái bị tê liệt của bà, rồi bà lần lượt chỉ vào từng người trong mấy anh em chúng tôi, mỗi người được tượng trưng bằng một trong bốn ngón tay trái. Riêng ngón cái thì bà chỉ vào đứa em gái út Din-ni (Jeannie) mới ba tuổi. Bà cầm ngón cái ấy để vào giữa lòng bàn tay và ép bốn ngón tay kia lên ngón cái ấy. Cuối cùng bà dùng bàn tay phải vỗ nhẹ lên nắm đấm của bàn tay trái”. Dim-my nhận xét rằng cử chỉ của mẹ ông lúc đó thật tuyệt vời. Năm anh em hiện diện đều hiểu được ý nghĩa mà bà muốn diễn tả: Bốn anh em trai phải thay bà để che chở và giúp đỡ cho cô em gái út bé nhỏ sau khi bà qua đời. Đó là một cử chỉ đầy ý nghĩa mà không lời nói nào có thể diễn tả hay hơn được. Cử chỉ ấy của bà đã để lại ấn tượng mạnh mẽ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của anh em chúng tôi, khiến chúng tôi luôn giữ lời trăn trối của bà”.
3) ĐỨC TÍNH HY SINH CỦA MỤC TỬ : CÂU CHUYỆN « ANH PHẢI SỐNG »
Có hai vợ chồng trẻ làm nghề đốn củi vào mùa nước lũ. Chiều tối, khi trở về họ đặt củi trên chiếc thuyền lan mong manh, nhỏ bé để xuôi theo dòng nước quay về nhà. Thình lình một dòng lũ từ những sườn núi ồ ạt tuôn xuống dòng sông, tạo thành một dòng xoáy mỗi lúc một mạnh khiến chiếc thuyền lan nhỏ bé của họ bị bể vỡ tan tành. Người chồng cố níu kéo vợ khỏi bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng dòng nước xoáy mỗi phút giây qua đi lại trở nên mạnh mẽ hơn. Sức lực của anh chồng xem ra mỗi lúc đuối dần khi phải một mình bơi sải vừa để thoát thân lại vừa phải cứu vợ. Người vợ thấy sức chịu đựng của chồng đã sắp cạn kiệt, nên đã buông tay ra để mặc cho dòng nước lũ cuốn đi. Chị chỉ kịp gào thét trong cơn mưa giông và nước lũ: "Anh phải sống để nuôi dạy đàn con anh nhé !".
4) MỤC TỬ CÓ SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI SỐ PHẬN ĐỜI NGƯỜI:
Dương Ân Điển là đứa bé bị bỏ rơi, người ta nhặt được nó ở một quầy bán thịt, trong cái chợ nghèo vùng núi miền Nam, đảo Đài Loan. Câu chuyện thương tâm này xảy ra năm 1974, ấy là lúc vừa lọt lòng, em đã không có hai cánh tay, chân phải thẳng đơ không thể co duỗi.
Thế mà 25 năm sau, đứa bé tàn tật bất hạnh ấy đã trở thành nhà danh họa tài ba, chuyên vẽ tranh bằng chân và miệng. Cô đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ và Nhật, và là thành viên của Hiệp Hội quốc tế những người vẽ tranh bằng chân và miệng.
Cuộc đời cô thay đổi nhanh chóng như thế, thành công rực rỡ như thế, cũng là nhờ mục sư Dương Húc và vợ ông là Lâm Phương Anh nhận nuôi. Đặc biệt là ông Tưởng Kinh Quốc đã cho cô đi giải phẫu chỉnh hình cột sống, nắn chân phải, sửa đường làm cầu cho cô dễ dàng đi tới trường. Ông đã nói với cô: “Cháu không có tay, nhưng còn chân, và có thể làm được rất nhiều việc”. Chính tình thương, sự chăm sóc, và lời động viên của ông Tưởng Kinh Quốc đã thay đổi số phận của một con người.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Thiên Chúa là chủ chiên nhân lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu bao bọc của Chúa; mỗi người chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trái tim yêu thương của Người. Tấm lòng quảng đại yêu thương của ông Tưởng Kinh Quốc dành cho cô bé tàn tật Dương Ân Điển chỉ là hình bóng tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con chiên của Người.
5) ĐỨC GIÊ-SU LÀ CỬA BẢO VỆ ĐÀN CHIÊN:
George Smith kể lại một loại chuồng chiên khi đi du lịch ở Đông phương: Bấy giờ ông cùng đi với một người chăn chiên. Thấy một chiếc chuồng ông liền hỏi người chăn chiên:
- Đó có phải là chuồng chiên không ?
Người ấy đáp:
- Dạ, phải.
Rồi Geoge nói:
- Tôi thấy chỉ có một lối đi vào.
Giơ tay chỉ khoảng trống ở hàng rào, người ấy đáp:
- Vâng, ở đàng kia là cái cửa.
Ông Geoge rất ngạc nhiên bảo:
- Nhưng ở đó đâu có cửa ?
Người chăn chiên đáp:
- Dạ, tôi là cửa.
Geoge chợt nhớ câu truyện trong Tin Mừng Gio-an nên tiếp tục hỏi người chăn chiên:
- Anh muốn nói gì khi bảo chính anh là cái cửa ?
Người chăn chiên giải thích:
- Chiên vào chuồng xong, tôi đến nằm ngay ngưỡng cửa, và sẽ không có con chiên nào có thể đi ra hoặc con chó sói nào có thể đi vào chuồng nếu không nhảy qua người tôi.
3. SUY NIỆM:
Chúa nhật IV Phục Sinh được gọi là Chúa nhật lễ Chúa Chiên lành. Tin Mừng Gio-an đề cập đến hình ảnh quen thuộc của vùng Trung Đông: các mục tử, cửa chuồng chiên:
1) TÔI LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH (Ga 10,7):
- Mục tử là người vào chuồng chiên ngang qua cửa chính, chứ không lén lút leo rào mà vào chuồng (x. Ga 10,1-2). Người giữ cửa quen biết mục tử nên sẵn sàng mở cửa, và chiên cũng quen biết mục tử quen với giọng nói của anh, nên dễ dàng phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (x. Ga 10,3-5). Mục tử nhân lành yêu thương chiên, biết tên và âu yếm gọi từng con chiên trong đoàn ra ngoài. Mục tử sẽ đi trước dẫn đường, các con chiên sẽ yên tâm theo sau, vì chúng biết đang đi theo ai và người chủ chiên sẽ dẫn chúng đi đâu. Hầu như có một sự hiểu biết cảm thông và gần gũi giữa đoàn chiên và người mục tử.
- Trong lịch sử dân Ít-ra-en, các vua chúa và đại tư tế được gọi là mục tử. Danh hiệu Mục Tử Nhân Lành thường được dành riêng để gọi Đức Chúa. Qua trung gian ông Mô-sê, Đức Chúa đã dẫn đưa con dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ, qua sa mạc 40 năm để về miền Đất Hứa dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và con cháu đến muôn đời. Đức Chúa như người mục tử đã gắn liền số phận với đàn chiên là dân Ít-ra-en. Hình ảnh mục tử đó chỉ được rõ nét nơi Đức Giê-su trong thời Tân Ước sau này. Hôm nay, Đức Giê-su tuyên bố Người là Mục Tử nhân lành. Khác với các đầu mục Do thái là bọn người chăn thuê. Chúng chỉ biết lợi dụng đàn chiên để tìm tư lợi, Mục Tử nhân lành Giê-su yêu thương đàn chiên, hiểu biết từng con, luôn phục vụ đàn chiên và sẵn sàng thí mạng sống bảo vệ đàn chiên khỏi bị sói dữ cắn xé. Đáp lại, con chiên cần nghe tiếng chủ chiên, yêu mến và vâng lời chủ chiên. Đức Giê-su tóm lại sứ mệnh mục tử của Người như sau: “Kẻ trộm đến chỉ để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
2) TÔI LÀ CỨA CHUỒNG CHIÊN (Ga 10,9) :
Sau khi đã tự mô tả là một người mục tử nhân lành, Đức Giê-su lại nhận mình là cửa chuồng chiên. Hôm nay Đức Giê-su tuyên bố: « Tôi là cửa cho chiên ra vào… Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ » (Ga 10,7.9). Đức Giê-su chính là mục tử chăn dắt đoàn chiên là các tín hữu. Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy, Đức Giê-su đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
- Cửa chuồng chiên là lối cho chiên ra vào chuồng để được bảo vệ an toàn và được sống dồi dào. Chỉ người nào đi qua Cửa chuồng chiên Giê-su tức là Hội Thánh thì người ấy mới là mục tử thực sự của Thiên Chúa và mới được hưởng ơn cứu độ của Ngài ban cho (x. Ga 10,9). Thánh Gio-an Kim Khẩu nói: “Khi Đức Giê-su đưa chúng ta đến với Chúa Cha, Người nhận mình là Cửa. Khi Người săn sóc dưỡng nuôi ta, Người nhận mình là Mục Tử”. Cửa Giê-su cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật : Mục tử giả sẽ không dám đi ngang qua Cửa Giê-su để vào chuồng chiên. Chớ gì Hội Thánh có nhiều mục tử thực sự của Chúa Giê-su, có tình yêu thương thể hiện qua lối sống gần gũi « có mùi chiên », biết tên từng con chiên và mang lại cho chiên của ăn thiêng liêng là Lời Chúa và Thánh Thể đem lại sự sống dồi dào.
3) NGUYÊN NHÂN THIẾU ƠN THIÊN TRIỆU TRONG CÁC NƯỚC TÂN TIẾN ?
a) Hiện nay nhiều nơi trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ, đang thiếu trầm trọng ơn gọi linh mục tu sĩ. Nhiều nhà thờ không có linh mục nên phải đóng cửa hoặc bán đi để trả nợ. Cũng có nhiều dòng tu bị giải thể vì không còn lớp tu sĩ trẻ kế thừa.
b) Hiện tượng thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ thường do mấy nguyên nhân như sau:
- Một là vì các đôi vợ chồng trẻ do thói ích kỷ nên không muốn sinh nhiều con, để dành tiền bạc và thời gian phục vụ cho các nhu cầu riêng của mình.
- Hai là các người trẻ hôm nay luôn chịu ảnh hưởng của lối sống thực dụng và hưởng thụ: chỉ biết tìm thỏa mãn các đam mê nhục dục thấp hèn, các nhu cầu ích kỷ bản thân… và mất đi cảm thức đức tin.
- Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ là do người lớn đã không nhiệt tâm cổ võ cho ơn thiên triệu và không quảng đại hiến dâng con mình cho Chúa và Hội Thánh.
- Mỗi Giáo xứ phải trở thành vườn ươm trồng ơn thiên triệu: Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 đã nhắc đến việc cần phải làm là tạo một môi trường thuận lợi cho hạt giống ơn gọi dễ phát triển là các giáo xứ. Ngài nói như sau: “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được Hội Thánh hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mệnh cứu độ của Người. Giới trẻ hôm nay cũng cần được nghe những tiếng kêu than của bao người đói khát chân lý hay đang cần được công lý bảo vệ. Hội Thánh phải giúp giới trẻ cảm nhận được bổn phận lớn lao là xây dựng thế giới này trở thành một ngôi nhà của tình thương và hạnh phúc. Giới trẻ cũng cần có những người thầy, người bạn dám sống niềm tin giữa muôn trở lực khó khăn, và luôn đứng vững trước sức mạnh của các cám dỗ muốn thỏa mãn các đam mê bất chính”.
4) LÀM GÌ ĐỂ GIÚP HỘI THÁNH THÊM NHIỀU LINH MỤC TU SĨ ?
a) Hỗ trợ của các bậc cha mẹ trong gia đình: Hiện nay sở dĩ thiếu ơn gọi một phần cũng là do lỗi của chúng ta chưa thiết tha cầu xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa quyết tâm trở thành chứng nhân của Chúa, chưa quảng đại dâng con và khuyến khích chúng quảng đại phục vụ Chúa và Hội Thánh trong bậc tu trì.
b) Vai trò của gương sáng: Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã nói về các mục tử trong Hội Thánh như sau: “Giám Mục không phải là Giám Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, Linh Mục không phải là Linh Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân: để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài…” Đức Giáo Hoàng đòi hỏi linh mục như sau : “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình.” Hiện nay trong giáo xứ của chúng ta, vẫn còn nhiều người chưa biết Chúa, hoặc đã biết Chúa nhưng chối bỏ đức tin, cố tình loại Chúa ra khỏi cuộc đời mình… Các cha xứ phải đi tìm kiếm họ để an ủi, chữa lành và giúp họ trở về với Chúa.
c) Gây ý thức về tầm quan trọng và nhiệm vụ ươm trồng ơn thiên triệu : Mỗi người chúng ta cần cầu nguyện cho mình sống đúng vai trò là linh mục, là quý chức giúp việc, là chồng vợ, cha mẹ và con cái trong gia đình.
d) Quảng đại đóng góp tinh thần vật chất cho chủng viện : Các gia đình, hội đoàn, giáo xứ… hãy quảng đại để tích cực cộng tác với Hội Thánh ươm trồng ơn thiên triệu và có thêm nhiều linh mục tu sĩ hiến thân chăm sóc đàn chiên và loan báo Tin Mừng cho an hem lương dân chưa nhận biết Chúa, vì « lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt ».
4. THẢO LUẬN:
Theo bạn mục tử tốt như lòng Chúa mong ước hôm nay cần có những phẩm chất nào trong các phẩm chất sau đây: khôn ngoan, đạo đức, có bằng cấp cao, thông thạo ngoại ngữ, đàn hay hát giỏi, giảng hấp dẫn, nhiệt tình tông đồ, sống đơn giản, dấn thân hy sinh, chu toàn bổn phận, thái độ khiêm tốn, hiền hòa, vui vẻ, tiết độ, trung thực, vị tha, đúng đắn trong giao tiếp, quan tâm đến giới trẻ, có lòng thương xót ? Tại sao ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh trong đời phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa. Xin ban cho chúng con những linh mục biết chăm chỉ rao giảng Lời Chúa, có sức làm nóng lên đức tin yếu kém và làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành noi gương Chúa xưa, đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.
LM ĐAN VINH -  HHTM

==================
Suy niệm 4
ƠN GỌI: ĐẶC SỦNG và SỨ MỆNH

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Mỗi khi chúng ta nghe nói đến ơn gọi, chúng ta thường nghĩ ngay đến đời sống dâng hiến, trở thành Linh mục, hay tu sĩ. Nhưng chẳng lẽ ơn gọi, ân sủng của Chúa chỉ hạn hẹp và đặc cách cho bậc sống ơn gọi tu trì, dâng hiến thôi hay sao? Phải chăng Chúa chỉ gọi và chọn một số ít người để thực hiện kế hoạch cứu độ yêu thương của Chúa? Trên thực tế, trong Giáo Hội có ba ơn gọi chính: sống tu trì dâng hiến, sống đời sống gia đình, giáo dục đức tin, nuôi dưỡng ơn gọi và sống độc thân vì lý tưởng cao đẹp như hy sinh cả đời lo cho các em mồ côi, những ai neo đơn khốn khổ, v.v…Một khi chúng ta nhìn ơn gọi theo hướng này, thì chúng ta không thể phủ nhận: số người được mời gọi sống bậc sống gia đình là nổi trội hơn hẳn. Tuy nhiên, trong Phụng Vụ hôm nay - Lễ Chúa Chiên Lành - Giáo Hội dành trọn ngày hôm nay cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cho các bạn trẻ dám can đảm lắng nghe, đón nhận và bước theo tiếng Chúa mời gọi trở nên môn đệ của Người trong bậc sống thánh hiến.
Trước hết, ơn gọi là một đặc sủng mà chính Thiên Chúa ban tặng. Một khi là ân sủng thì con người chúng ta không thể nào tự ban phát, hoặc tự làm ra, hoặc tự nỗ lực hầu đáp ứng điều kiện để nhận lãnh. Và vì Thiên Chúa ban, nên không dựa trên tiêu chuẩn của con người như thành công, tài năng, khôn ngoan, lanh lợi, thành tựu, diện mạo tuấn tú hay xinh đẹp…, nhưng nhờ vào tình thương, lòng xót thương vô biên của Người mà chúng ta được chọn giữa vô số đông đảo giáo dân như Thánh Phao-lô xác tín: “i có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa,…tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (x. 1Cr 15, 10).
Trong cuộc đời, chúng ta thường thấy nhiều mảnh đời đáng thương, gia thế neo đơn, kinh tế không ổn định, con cái phải bỏ học, oằn lưng gánh gồng cùng cha mẹ làm lụng mưu sinh qua ngày, và không khỏi ước mơ thoát cảnh cơ cực, nghèo khổ này. Như thế, có nhiều bạn trẻ lấy đó làm động lực để tìm hiểu ơn gọi, hoặc muốn trở thành người cứu sinh cho gia đình mà chọn đời sống ơn gọi tu trì! Ngược lại, nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ ai đó có một quá khứ không mấy đẹp đẽ như bán vé số nuôi gia đình, bán dạo, nghèo cùng đinh thì không thể được chọn làm Linh mục của Chúa; hoặc nghĩ ai đó sống trong cảnh sung túc tại thành phố, chốn phồn hoa đô thị cũng không thể sống ơn gọi tu trì! Lối suy nghĩ hay tư tưởng này vốn dĩ là của con người chúng ta, chứ không phải ý định của Thiên Chúa; vì một khi nhận biết ơn gọi chính là nhận biết Thiên Chúa - Người đang mời gọi chúng ta.
Nhưng làm sao để nhận ra điều này? Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta đã từng nói: “Sự bình an hoặc nền hoà bình khởi sự từ nụ cười”, và cũng sự bình an này bắt đầu từ gia đình. Vì thế, ơn gọi cũng chớm nở từ trong gia đình, qua việc chia san tình yêu thương, hy sinh của cha mẹ đối với con cái, qua việc tha thứ cho nhau, qua việc cùng nhau cảm nghiệm ơn Chúa thông truyền trong mỗi giờ nguyện gẫm, trong giờ cơm chung với nhau, trong từng giây phút hằng ngày…Một lần được chuyện trò cùng với Sr. Angela, Tổng quyền dòng Nữ Tu các Thiên Thần, và con đã mạo muội hỏi Sơ: “Theo Sơ, vì sao ngày nay ơn gọi lại ít dần?”, Sơ không ngần ngại trả lời: “Ngày trước, nhiều người đi tu nhờ vào các câu chuyện về Hạnh các Thánh, những lúc cha mẹ nói chuyện với con cái về Thiên Chúa, về Giáo Hội. Còn ngày nay, cha mẹ không có thời gian chuyện trò với con cái, lại càng không có thời giờ nói cho con cái nghe về Chúa, các Thánh và Giáo hội…!” Thiết nghĩ, đây cũng có thể là thực trạng khan hiếm ơn gọi tại Nhật và nhiều nơi trên thế giới chăng? Một khi con người sung túc, tiện lợi, đời sống vật chất tuy không quá giàu sang nhưng thoải mái nhờ biết bao nhiêu tiện ích của công nghệ, khoa học kỹ thuật đã chi phối đời sống thiêng liêng, đời sống gia đình. Cha mẹ lao vào công việc làm lụng vất vả hầu chỉ cho con cái đời sống thể lý cường tráng, học vấn thành công, mà quên mất việc đơn giản nhưng quan trọng, đó là: tạo mối tương quan với con cái, chuyện trò, nói với con về đời sống đạo, kể những mẫu chuyện nho nhỏ về các Thánh, về Chúa, về Giáo hội và về cảm nghiệm ơn Chúa trong đời sống.
Thứ đến, ơn gọi không chỉ lãnh nhận đặc sủng, lời mời của Thiên Chúa rồi ‘cất giấu’ hay ‘giữ riêng’ cho mình, mà nó gắn liền với sứ mệnh, một trách vụ đặc biệt như thánh Phê-rô trong bài đọc I đã can đảm rao truyền Lời Chúa, làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh cho hết mọi người, nhất là cho mọi người có tấm lòng thiện chí đón nhận, “xin toàn thể nhà Is-ra-el hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Đức Giê-su mà anh em đã đóng đinh lên làm Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2, 36). Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm được trách vụ nặng nề này nếu không có bàn tay nâng đỡ, sự đồng hành của Chúa Chiên Lành. Với giới hạn của bản thân, chúng ta luôn tín thác, cộng tác với Chúa thì mọi việc sẽ trở nên đẹp lòng Chúa vì “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta” (Ga 10, 27-29). Ngoài việc tín thác, tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta cần được rèn luyện, trau dồi kỹ năng cần thiết, và nhất là trung tín với Người đã mời gọi-chọn chúng ta. “Thiên Chúa mời gọi chúng ta không phải để trở nên những người thành công, mà để trở thành những người tín trung” (trích từ châm ngôn của Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta). Để rồi, một ngày nào đó, chúng ta cũng được “đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên trong một đám đông không thể đếm được, thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói…họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế” (x. Kh 7, 9).
Sau cùng, xin mời cộng đoàn thinh lặng trong giây lát để cùng lắng nghe tiếng lòng, cũng là nơi mà Chúa đang muốn đến gặp gỡ và chuyện trò với chúng ta:
Lạy Chúa Chiên Lành từ nhân
Người dn con đi, ân cần rạng khơi
Tới nguồn suối mát thảnh thơi
Trên đồng xanh cỏ, nghỉ ngơi con nằm
Xin thêm chủ chăn âm thầm
Rao truyền sớm tối, thăng trầm biến tan
…Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng  

==================
Suy niệm 5
Bảo vệ và nuôi dưỡng đàn chiên  

(Ga 10,1-10)

Xưa kia, tại Do-thái, để canh giữ đàn chiên ban đêm, người chăn chọn một bãi đất trống ngoài đồng rồi rào giậu chung quanh, chỉ chừa một lối hẹp cho chiên ra vào mà không có cửa. Ban đêm, sau khi đã lùa chiên vào ràn, người chăn nằm ngay lối ra vào chật hẹp đó thay cho cánh cửa. Thế là chiên bên trong không thể ra ngoài được vì đã có người chặn lối, kẻ trộm bên ngoài cũng không vào trong ràn bắt chiên được vì người chăn đã chắn lối đi. Như thế, người chăn trở thành một “cánh cửa sống” bảo vệ cho đoàn chiên được an toàn.
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su tự xưng ví mình như “cánh cửa chuồng chiên”, bảo vệ chiên được an toàn, không bị trộm cướp và ác thú giết hại.
Cửa đóng lại để bảo vệ chở che
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại có nhiều cạm bẫy của ác thần, nhiều nọc độc của văn hoá sự chết, nhiều cám dỗ tệ hại lôi kéo nhân loại vào vòng sa đoạ như trong thế kỷ hôm nay.
Vô vàn sách báo xấu xa, phim ảnh đồi trụy, tư tưởng độc hại, lối sống thác loạn… được quảng bá khắp nơi trên thế giới, được tung lên mạng lưới điện toán toàn cầu làm sai lệch méo mó lương tâm con người, khiến người ta xem tội ác là chuyện bình thường, giải quyết tranh chấp bằng bạo lực là chính đáng, xem hôn nhân đồng tính là lẽ tự nhiên, huỷ hoại đời sống chung thuỷ của vợ chồng là chuyện nhỏ…
Trước những nguy cơ khủng khiếp như thế đang đe doạ nhân loại trên khắp thế giới, chỉ có một lá chắn vững chắc, một cánh cửa an toàn, một thành trì kiên vững là Chúa Giê-su. Giáo huấn của Ngài là tấm cửa che chắn chúng ta được an toàn, không kẻ thù nào xâm hại được, nếu chúng ta biết đón nhận và lắng nghe.
Cửa mở ra để dẫn đưa vào đồng cỏ thiêng liêng
Không chỉ đóng lại để bảo vệ chở che, “Cửa Giê-su” còn mở ra để khai lối cho nhân loại tiến vào đồng cỏ thiêng liêng như lời Ngài nói: “Tôi là Cửa.  Ai qua tôi… thì sẽ gặp đồng cỏPhần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào (Gioan 10, 9-10).
Các vị đại thánh nổi bật như Phan-xi-cô Át-xi-di, Phan-xi-cô Xa-vi-ê, Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su… của những thế kỷ trước hay mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta thời nay và rất nhiều vị thánh cao cả khác trong dòng lịch sử Hội thánh, nhờ được nuôi ăn trong cánh đồng cỏ thiêng liêng nầy nên đã trở thành những người có phẩm chất cao đẹp, thành gương sáng cho đời và là những ngôi sao sáng ngời trong Hội thánh.
Nhân loại hôm nay như đàn chiên đói khát, đói khát lương thực tinh thần cách khẩn thiết, nhưng tiếc thay, còn lắm người chưa chấp nhận bước qua “Khung Cửa Giê-su” để được dẫn vào đồng cỏ thiêng liêng, bồi bổ cho đời sống tâm linh của mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Cửa đóng lại che chắn để chúng con được bảo vệ khỏi sự xâm nhập và tàn phá của ác thần;
Chúa là Cửa mở ra đồng cỏ xanh để chúng con được nuôi dưỡng sung mãn với vô vàn ân phúc của Chúa.
Xin cho nhân loại hôm nay biết tin nhận Chúa là Đấng bảo vệ che chở và dưỡng nuôi họ, nhờ đó mọi người được vui hưởng hồng phúc và hoan lạc muôn đời. Amen.

 Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

==================
Suy niệm 6
Cửa chuồng chiên
(Ga 10, 1-10)

Chúa Giêsu đã từng nói với Tôma: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6). Với Tin Mừng chương 10 theo thánh Gioan, Chúa Giê su tự nhận kình là "Mục tử tốt lành" (x. Ga 10, 14}.
Sau khi đã tự mô tả là một người mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lại nhận mình là cửa chuồng chiên khi tuyên bố: « Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên … Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và được của nuôi thân » (Ga 10,7.9).
Chúa Giêsu có ngụ ý gì khi công bố “Ta là cái cửa”? Những ai vào cửa Giêsu thì sẽ nhận được điều gì? Ngược lại, đến với kẻ trộm thì sẽ nhận được điều gì? Mỗi người chúng ta làm gì để giúp nhiều người đến với Chúa mà được ơn cứu độ?
Sau khi kể cho những người Pharisiêu nghe về ẩn dụ người chăn chiên thật và kẻ trộm chiên, nhưng họ không hiểu ý Người (x.Ga 10, 6). Vì thế, Chúa giải thích thêm, Người là cái cửa vào chuồng chiên, ai vào cửa này thì sẽ được cứu rỗi, tự do đi lại và tìm gặp đồng cỏ xanh tươi (x.Ga 10 7-9). Nhưng ai đi theo kẻ trộm thì sẽ bị cướp, bị giết.
Để hiểu rõ ý tưởng của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng, ở nước Do Thái, đối với những người du mục chăn chiên, bò, lừa. Khi đêm đến chiên được nhốt trong chuồng có rào và chỉ có một cánh cửa duy nhất được khóa lại để bảo vệ chiên. Nhưng những khi chiên ngủ đêm ngoài đồng thì ngay tại vị trí chiên có thể ra vào được, người chăn sẽ nằm chắn ngay trước cửa, và tất cả chiên nào muốn ra hay vào đều phải bước qua người chăn. Đó là ý nghĩa của lời công bố “Ta là cái cửa” của Chúa Giêsu.
Hình ảnh về cửa chuồng chiên này đối với chúng ta thì rất lạ, còn đối với người Do thái lại là hình ảnh rất quen thuộc. Chúa Giêsu tự ví mình như cửa chuồng chiên và như người mục tử tốt lành. Cả hai hình ảnh này đều nói lên tình thương yêu chăm sóc và sự bảo vệ mà Người dành cho chúng ta, là những con chiên trong đàn chiên do Người chăn dắt.
Cửa chuồng chiên là lối cho chiên ra vào chuồng để được bảo vệ an toàn và được sống, ngụ ý ám chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào thì người ấy mới là mục tử thực sự của Thiên Chúa và mới được hưởng ơn cứu độ Chúa ban cho (x. Ga 10,9). Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Khi Đức Giê-su đưa chúng ta đến với Chúa Cha, Người nhận mình là Cửa. Khi Người săn sóc dưỡng nuôi ta, Người nhận mình là Mục Tử”.
Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 60 sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng 4, Chúa Nhật IV Phục Sinh, còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành với chủ đề “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến sự được chọn trước cả khi tạo thanh vũ trụ, mỗi người một phận vụ, nhưng được kêu gọi quy tụ cùng nhau. “Lời kêu gọi của Thiên Chúa bao gồm việc ‘sai đi’. Không có ơn gọi nếu không có sứ vụ. Không có hạnh phúc và sự tự nhận thức đầy đủ trừ khi chúng ta mang đến cho người khác sự sống mới mà chúng ta đã tìm thấy” (x. Sứ điệp cho ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2023. Thánh Phaolô VI Giáo hoàng đã bắt đầu sự kiện thường niên vào năm 1964.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Ngày này là một cơ hội quý báu để nhớ lại với sự kinh ngạc rằng lời mời gọi của Thiên Chúa là ân sủng, là hồng ân trọn vẹn, đồng thời là một cam kết mang Tin Mừng đến cho người khác”.
Trong Sứ điệp của mình, Các ơn gọi được “kết hợp với nhau trong việc ‘ra đi’ để chiếu tỏa khắp thế giới sự sống mới của vương quốc Thiên Chúa” nhấn mạnh rằng mọi ơn gọi trong Giáo hội – giáo dân, linh mục, tu sĩ, hay đời sống thánh hiến – phối hợp với nhau trong một bản giao hưởng hài hòa.
Mọi ơn gọi được “kết hợp với nhau trong việc ‘ra đi’ để chiếu tỏa khắp thế giới sự sống mới của Vương quốc của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha viết tiếp: “ Tất cả mọi người trong Giáo hội đều là những người phục vụ theo đặc sủng của mỗi người, trong khi ơn gọi chung của chúng ta là “yêu thương trao hiến chính mình... Những người trong Thừa tác vụ có chức thánh – Linh mục, Giám mục và Phó tế – được “đặt để phục vụ việc rao giảng, cầu nguyện và thúc đẩy tinh thần hiệp thông của Dân thánh của Thiên Chúa”.
Hiện nay nhiều nơi trên thế giới đang thiếu trầm trọng ơn gọi linh mục tu sĩ, nhất là Âu Châu, Mỹ Châu. Có nhà thờ không có linh mục nên đành phải đóng cửa hoặc bán đi để trả nợ. Cũng có nhiều dòng tu bị giải thể vì không còn lớp tu sĩ trẻ kế thừa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn Thiên triệu linh mục, tu sĩ. Hãy đóng góp phần mình vào việc mở mang Nước Cúa.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 7
TÔI LÀ CỬA

Cv 2,14a.36-41; 1Pr 2,20b-25; Ga 10,1-10

Đức Giêsu kể dụ ngôn với người Do Thái cho họ hiểu ai là mục tử đích thực, ai là kẻ trộm, kẻ cướp: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” (Ga 10,1-5). Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. “Anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra”. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo.
Họ không hiểu dụ ngôn trên nên Người lại nói: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”. (Ga 10,9a). Cửa là lối để đi vào bên trong. Ai muốn vào bên trong mà tận hưởng thì phải qua Cửa là chính Đức Giêsu. Cánh cửa của Ơn Cứu Độ luôn sẵn sàng mở ra cho bất cứ ai tin yêu, mê say mà tự nguyện “chui” vào. Vào đây để được ăn gì hay bị nhốt nhỉ? Không, “Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Ga 10,9b). Chiên mà gặp “đồng cỏ” thì tha hồ ăn no say thỏa thích. “Đồng cỏ” tươi là chính Máu Thịt của Chủ, ăn mãi mà không chán, không hết. Càng ăn càng “khỏe mạnh” và “lớn” lên mãi, “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga 10,10b). Vị Mục Tử Giêsu đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, Ngài đã chấp nhận cái chết vô cùng bi thương trên Thập Giá để mở ra Cánh Cửa Cứu Độ con người. Trong Ngài những ai tin và sống đức tin thực sự sẽ được hạnh phúc sung mãn tràn đầy. Vì yêu thương Ngài đến để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất.
Chúa Chiên ơi! xin giữ con trong Bàn Tay Yêu Thương của Ngài. “Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi”. Dù con có bệnh hoạn làm sao hay chạy lăng xăng sai lối xin Ngài chữa lành, uốn nắn và dắt con về, về bình an bên “ngàn suối mát” của Ngài. Thành con chiên ngoan hiền, con sẽ ra vào trong Cánh Cửa Tình Yêu của Ngài, con vào đó tha hồ mà múc vợi ăn uống thỏa thuê, từ Ngài con lại mang ra phân phát cho anh em mọi ân huệ, để “cả nhà ta cùng thương yêu nhau” hạnh phúc Chúa nhé! “Đồng là  đồng cỏ tươi, Chúa  chăn cho tôi nghỉ ngơi. Suối ngọt cỏ non xanh rì. Tôi nay còn thiếu thốn chi? vui thay mà cũng phúc thay!”

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ
Giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ
“Maria đoàn con kính chào. Mẹ cao sang Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Khắp muôn phương cùng về đây hát vang, xin noi theo Mẹ mẫu gương hiệp hành.” Trong tâm tình yêu mến và tôn kính, tối ngày 04/05/2024, giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất hân hoan tổ chức cuộc rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log