Thứ sáu, 26/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 5 Mùa Chay năm A

Cập nhật lúc 10:33 23/03/2023
Suy niệm 1
Ga 11, 1 – 45
Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều chuyện tuy nhỏ mọn, nhưng lại đáng cho chúng ta suy gẫm để hiểu và yêu Chúa nhiều hơn. Những chuyện nhỏ ấy là:
1. Ladarô mà Chúa gọi là “bạn của chúng ta” đang lâm bệnh nặng. Chị Mácta và Maria cho người từ miền Nam lặn lội ra tận miền Bắc báo tin cho Chúa. Ước mong được Chúa chiếu cố vào tận nơi để cứu sống em mình. Chúa không đi theo yêu cầu, mà còn bảo rằng: “Bệnh này không chết đâu”. Người báo tin quay trở về. Về tới nhà thì Ladarô đã chết. Vậy người ấy sẽ nghĩ Chúa là người vô tâm vô tình. Còn chị Mácta và Maria thì vừa buồn, vừa giận, vừa tủi hờn. Người dưng nước lã thì Chúa tận tình chăm lo; còn người được Chúa yêu và tận tình yêu Chúa, thì Chúa lại tỏ vẻ lạnh nhạt. Tại sao vậy?
2. Khi Ladarô tắt thở rồi, Chúa nói với các Tông Đồ: “Chúng ta vào Nam để đánh thức bạn Ladarô của chúng ta”. Chết mà lại bảo là ngủ. Khi các Tông Đồ thắc mắc: “Anh ta ngủ thì anh ta tự thức dậy”. Bấy giờ Chúa mới nói: “Anh ta chết rồi”. Chuyện quan trọng, lớn lao như thế, mà còn nói như nói đùa. Tại sao vậy? Tại sao Chúa biết mọi sự, mà không vội vã đi ngay khi được tin Ladarô ốm nặng, mà chờ cho đến khi anh ta chết rồi mới đi? Thật kỳ lạ và còn là kỳ cục nữa.
3. Khi Chúa vào tới nơi, còn đang ở đầu làng, chị Mácta ra đón bằng một câu hờn dỗi cay đắng: “Nếu Thầy có mặt ở đây, thì em con đâu có chết”. Chị Mácta thì vậy; còn chị Maria thì giận đến độ không thèm ra đón chào. Khi chị Mácta về và nói rằng: “Thầy gọi em đấy”. Bấy giờ Maria mới chạy ra và cũng hờn dỗi như chị Mácta: “Nếu Thầy có mặt ở đây, thì em con đâu có chết”. Giọng nói của Maria phải chua hơn giấm. Cả hai chị em cùng thương Chúa lắm. Nhưng càng thương, thì càng giận. Tại sao Chúa không đến sớm hơn, kịp cho Ladarô khỏi bệnh? Như vậy thì đẹp biết bao nhiêu.
Nếu Chúa không cho Ladarô sống lại, thì chuyện buồn và giận đã nói ở trên kia sẽ làm cho bao nhiêu người mất thiện cảm với Chúa và có thể bao nhiêu người không còn thân, không còn thương Chúa cho đến chết. Nhưng khi Ladarô từ trong mồ đi ra, thì mọi chuyện buồn, mọi thái độ giận lẫy không những bị xóa hết trọn vẹn, mà niềm tin và thiện cảm lại tăng gấp bội. Chuyện kỳ cục được kể lại từ thời này qua thời khác và được đánh giá là kỳ diệu và siêu kỳ diệu. Đức tin và tình yêu được tăng lên gấp bội. Chúa giả vờ kỳ cục để biến kỳ cục thành siêu kỳ diệu là vậy. Hiểu thế, thấy thế, người ta sẽ dễ nhắc đến Chúa nhiều hơn; tình yêu dâng cho Chúa sẽ mang sắc thái gần gũi và thân thương hơn nhiều.
Một điều đáng suy nghĩ nữa đó là khi Ladarô được Chúa cho sống lại sau bốn ngày năm trong hầm mồ, thì niềm tin bùng vỡ trên toàn thành phố thủ đô, từ người dân trí thức cho tới bần dân thấp kém. Đó là một tin mừng khủng sau ba năm truyền đạo của Chúa.
Nhưng cũng chính vì thế mà công nghị họp khẩn để kết án tử hình cho cả Chúa lẫn Ladarô. Gia đình của chị Mácta rơi vào tình trạng đại họa. Chắc chắn Ladarô phải trốn đến nơi an toàn. Nơi ấy chỉ là xứ Samari mà thôi. Nếu vậy thì Ladarô lại trở thành một nhà truyền giáo sống động của xứ Samari. Còn tai họa đổ xuống trên gia đình thì cả ba chị em đều coi đó là một hồng ân. Đó là quy luật của tình yêu. Yêu thì hy sinh cho người mình yêu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
SỐNG VÀ CHẾT
Ga 11,1-45.
Đúng như lời ngôn sứ Êdêkien đã báo: “Ta sẽ đem các người lên khỏi mồ, hỡi dân Ta và đem các ngươi về đất Ít-ra-en… Ta sẽ ban Thần khí của Ta xuống trên các ngươi và các ngươi sẽ được sống”. Lời này đã được ứng nghiệm cho dân Chúa, và sẽ được Đức Giêsu thực hiện.
Qua bài Tin Mừng, chúng ta cảm nhận được nét đẹp đầy cảm động về tình bạn của Chúa Giêsu. Là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn không cầm được nước mắt bên mồ của Ladarô. Ngài đã trở nên giống chúng ta, sống thân phận của chúng ta, đau cái đau của chúng ta, khổ nỗi khổ của chúng ta. Và rồi đây Ngài cũng sẽ phải chịu đau đớn tận cùng, khi chấp nhận cực hình trên thập giá và chịu chết để cứu chuộc chúng ta.
Lúc gặp Đức Giêsu, Mátta đã thốt lên những lời than trách: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Khi Đức Giêsu đến chậm, để cho Ladarô phải chết, Ngài cho chúng ta thấy, không ai có thể ngăn chặn được cái chết thể lý. Công việc của Ngài không phải là phá vỡ dòng lưu chuyển sự sống tự nhiên của con người. Ngài không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu, nhưng trước tiên là để sống thân phận con người, với tất cả những hậu quả bi đát của nó do tội lỗi gây ra. Tuy nhiên, Ngài cũng đã làm cho anh Ladarô sống lại, để biểu hiện quyền năng sự sống của Thiên Chúa nơi mình.
Với bản tính con người, Ngài cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ những ai đang phải gặp cảnh buồn thương khốn khổ. Nhưng với bản tính Thiên Chúa, Ngài cho chúng ta được chỗi dậy, được thông phần sự sốngThần Linh của Ngài, như Ngài đã công bố: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Tin Đức Giêsu, chúng ta thoát khỏi sự trống rỗng của cuộc đời hư không, một cuộc sống đã chết do tội lỗi để bước vào sự sống mới, sự sống đích thật của con cái Thiên Chúa, nên chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng.
Nói là sự sống mới vì sự sống cũ của ta đang bị chôn chặt dưới nấm mồ của buồn sầu, nghi nan, thất vọng, vì lo chạy theo vật chất, tiền tài, danh lợi. Nói là sự sống mới vì sự sống cũ đang trong vòng tranh chấp, kéo theo những tham lam, ích kỷ, ghen ghét, hận thù. Đức Giêsu không chỉ mở cửa mộ cho Ladarô ngày xưa, mà Ngài đang mở cửa mộ cho con người hôm nay, bởi vì mỗi người chúng ta đang chết một cách nào đó. Đó là cái chết thiếu đức tin, thiếu lòng yêu mến và cậy trông hy vọng. Đó là cái chết của một xã hội mà sự phát triển kinh tế không đi đôi với đạo đức; một xã hội muốn loại trừ Thiên Chúa nhưng lại tôn thờ ngẫu tượng; một xã hội văn minh tiến bộ nhưng nhân phẩm con người lại bị chà đạp thảm thương. Chẳng lạ gì thánh Gioan Phaolô II gọi thế giới hôm nay là thời đại của nền văn minh sự chết.
Thế giới văn minh, nhưng vẫn đầy dẫy những cái chết não nùng, như những cuộc tàn sát do chiến tranh, cướp bóc, đói kém, phá thai, ma túy, áp bức, khủng bố, bạo hành, ám sát, tự tử, …Cái chết thân xác phản ánh một cái chết nguy hiểm hơn, là cái chết của tình yêu ở trong lòng người. Đó mới là cái chết đáng sợ, vì không còn là cái chết tạm thời, nhưng là cái chết vĩnh viễn vắng bóng Thiên Chúa. Cái chết đó đang len lỏi vào đời sống đạo của chúng ta, nhất là đối với giới trẻ, những con người dễ bị mê hoặc bởi những hào nhoáng bên ngoài, và dễ buông theo lối sống ảo, là những cạm bẫy giăng mắc của sự chết.
Tôn giáo nào cũng nói đến cứu độ hay giải thoát, để đạt tới sự sống viên mãn. Nhưng thật sự chẳng có ai có quyền trên sự sống con người ngoài một mình Thiên Chúa, Đấng là chủ tể của sự sống đời này và đời sau. Càng không có ai có thể tự giải thoát mình. Chỉ có Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, mới có thể giải thoát chúng ta khỏi những cái chết tai ác, vì Ngài là sự sống lại và là sự sống. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể mở những cửa mộ kiên cố của lòng ta, lăn những tảng đá đè nặng trên cuộc đời ta, để ta bước ra khỏi thế giới sự chết mà đi vào thế giới sự sống.
Sự sống lại của Ladarô dù sao cũng chỉ là tiếp nối cuộc sống dương trần, điều quan trọng là sự sống đời đời mà chính Chúa Giêsu sẽ đem lại cho chúng ta nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho Chúa, để Chúa đưa chúng ta vào cuộc sống mới từ hôm nay. Chỉ khi gắn bó với Chúa Giêsu, nhờ quyền năng Ngài, ta mới có khả năng ra khỏi nấm mộ của bản thân mình, và có khả năng thông truyền niềm vui sự sống cho những người chung quanh, đúng theo ơn gọi của mình là môn đệ Đức Giêsu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
sống là biết có ngày mình phải chết,
và tất cả sẽ không còn gì hết,
thế nhưng ai cũng ngậm ngùi chua xót,
vô cùng đắng đót trước cảnh biệt ly,
kẻ ở người đi mong gì gặp lại.

Chính Chúa cũng thổn thức và xao xuyến,
đến nỗi không ngăn được dòng lệ nhỏ,
trước bạn hiền đã từ bỏ thế gian,
cho dù Chúa có quyền ban sự sống.

Chúa chẳng muốn để một ai phải chết,
nhưng đó là hậu quả của tội lỗi,
vì con người đã manh tâm phản bội,
để dục vọng cứ mặc sức cuốn lôi.

Tuy cái chết đã đi vào thế giới,
nhưng Chúa đem sự sống mới cho đời,
để ai tin vượt qua những gian tà,
bước theo Chúa trên con đường thập giá.

Cuộc đời này rồi ai cũng phải chết,
nhưng con tin tình yêu không thể chết,
khi con dâng hiến hết cuộc đời mình,
vì cái chết là điểm kết của hy sinh,
để mở ra sự sống mới huy hoàng,
mà chính Chúa đã sống lại vinh quang.

Nên cái chết chẳng còn gì đáng sợ,
chỉ đáng sợ khi con sống nghi ngờ,
thiếu niềm tin vào chính Chúa Giê-su,
nên cuộc sống thành tăm tối ngục tù.

Xin cho con lòng tin tưởng cậy trông,
luôn kiên vững không bao giờ thất vọng,
điều quan trọng là nối kết hiệp thông,
để tình yêu mỗi ngày thêm sâu rộng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
TIN VÀO ĐỨC GIÊ-SU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI VÀ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Ed 37,12-14 ; Rm 8.8-11 ; Ga 11,3-45
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 11,3-45
(1) Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. (2) Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. (3) Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. (4) Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. (5) Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là Ma-ri-a và anh La-da-rô. (6) Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. (7) Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: “Nào, chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !”. (8) Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?” (9) Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. (10) Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !”. (11) Người nói những lời này, sau đó Người lại bảo: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. (12) Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại”. (13) Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. (14) Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết”. (15) Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy”. (16) Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy !”. (17) Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. (18) Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. (19) Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. (20) Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. (21) Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. (22) Nhưng bây giờ con biết: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. (23) Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại !” (24) Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. (25) Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. (26) Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” (27) Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. (28) Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !”. (29) Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. (30) Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. (31) Những người Do thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em. (32) Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. (33) Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. (34) Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu ?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. (35) Đức Giê-su liền khóc. (36) Người Do thái mới nói: “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” (37) Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể cho anh ấy khỏi chết ư ?” (38) Đức Giê-su thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. (39) Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. (40) Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?”. (41) Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. (42) Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. (43) Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !”. (44) Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn, Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Trong số những người Do thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.           
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a thì La-da-rô đã chết và chôn được bốn ngày. Gặp hai bà Mác-ta và Ma-ri-a là chị người chết đang khóc thương em, Đức Giê-su đã trấn an họ rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (25). Khi ra thăm mộ của La-da-rô, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha rồi truyền cho La-da-rô ra khỏi mồ (43) và người chết liền trỗi dậy đi ra ngoài. Qua phép lạ phục sinh La-da-rô này, Đức Giê-su đã mặc khải Người chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa hằng sống. Người sẽ ban sự sống và sự sống lại muôn đời cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người. Mỗi tín hữu phải trở thành ngôn sứ của sự sống.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-5: + La-da-rô: là tên của người bạn thân với Đức Giê-su, ở làng Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,3). Ngoài La-da-rô này, cũng còn một người ăn xin tên là La-da-rô trong Tin Mừng Lu-ca (x. Lc 16,20). + Bê-ta-ni-a: Là một làng nằm ở phía Đông núi Cây Dầu, cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba cây số (x. Ga 11,18). Đức Giê-su thường đến trọ tại làng này mỗi khi có dịp lên Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra, còn một Bê-ta-ni-a khác là nơi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 16,20). + Mác-ta: là chị lớn trong ba chị em. Bà có tính năng nổ hướng ngoại thể hiện khi đón tiếp Đức Giê-su (x. Lc 10,38-42). + Ma-ri-a: là em của Mác-ta, có tính trầm lặng hướng nội, sẵn sàng hy sinh bình dầu thơm quý giá để xức chân Người (x. Ga 12,1-8). Theo phần lớn các nhà chú giải Thánh Kinh: Bà Ma-ri-a này không phải là người đàn bà tội lỗi (x. Lc 7,36-50), không phải là người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,3-11), cũng không phải Ma-ri-a Ma-đa-lê-na được trừ khỏi bảy quỷ ám (x. Lc 8,2).
- C 6-16: + Mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy: Các môn đệ mang tâm trạng sợ hãi vì ý thức nguy hiểm: Thầy có thể bị kẻ thù giết hại tại Giê-ru-sa-lem. + Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ?: Đức Giê-su quyết tuân theo chương trình Chúa Cha đã truyền. + La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây: Đức Giê-su dùng chữ “ngủ” để ám chỉ cái chết, giống như trường hợp của con gái ông Gia-ia (x. Mc 5,39). Thánh Phao-lô cũng coi cái chết chỉ là một giấc ngủ (x. 1 Tx 4,14), là một bước phải vượt qua đến sự sống lại (x. Ep 5,14). + Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin: Đức Giê-su mừng vì môn đệ sắp được dịp chứng kiến Người truyền cho La-da-rô sống lại, để các ông vững tin nơi Người.
- C 17-27: + Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi: Theo phong tục người Do thái thì người chết thường được chôn ngay trong ngày vừa chết (x. Cv 5,6). Người Do thái tin rằng trong ba ngày đầu, hồn vía người chết còn lảng vảng gần xác chết. Sang ngày thứ tư khi xác thối rữa, nó mới tan đi. Con số bốn ngày ở đây như muốn nói La-da-rô đã chết thật sự. + Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết: Thời Cựu Ước, nhiều người tin có sự kẻ chết sống lại (x Đn 12,2-3; 2 Mcb 7,23). Đến thời Đức Giê-su, nhóm Pha-ri-sêu cũng tin như vậy, nhưng nhóm Xa-đốc thì không tin (x Cv 23,8). Riêng Mác-ta tuy tin kẻ chết sẽ sống lại trong ngày tận thế như nhóm Pha-ri-sêu, nhưng vẫn muốn Đức Giê-su làm phép lạ cho em được sống lại ngay lúc này. + Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống: Đức Giê-su là sự sống phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga 5,26). Người làm cho những kẻ tin Người được sống đời đời (x. Ga 5,24-25). Người cũng sẽ ban cho những kẻ tin được sống lại vào ngày cánh chung, dù xác của họ có bị tiêu hủy cũng sẽ được sống lại (x. Ga 5,28-29). + Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian: Mác-ta tuyên xưng Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,19).
- C 28-37: + Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến: Theo thói tục của người Do thái, khi có khách đến viếng xác, thì người nhà bật khóc to, và khách cũng tự nhiên phát khóc lên theo.
- C 38-44: + Đức Giê-su thổn thức trong lòng: Trước sự đau khổ của tang gia, Đức Giê-su có thái độ cảm thông đầy tình người. Nhưng thực ra nguyên nhân sâu xa khiến Đức Giê-su khóc một phần còn vì sự cứng lòng tin của những người Do thái hiện diện (37) và vì niềm tin nửa vời của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a (39). + Đem phiến đá này đi: Phần mộ của người Do thái giàu có thường khoét vào núi đá. Sau khi tắm rửa, xác chết được xức thuốc thơm, cột lại bằng giây băng vài và phủ khăn liệm, đưa vào mồ chôn cất rồi lấp ngòai cửa mồ bằng một tảng đá lớn, như hai môn đệ an táng Đức Giê-su sau này (x Ga 19,40-42). + Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày: Tuy Mác-ta vừa tuyên xưng đức tin, nhưng vẫn nghi ngờ Ngừơi có thể làm cho La-da-rô sống lại. + Chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?: Vinh quang ở đây là quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện qua việc người sắp cho La-da-rô từ cõi chết sống lại. + Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con": Người Do thái khi cầu nguyện thì quay mặt về hướng Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Còn ở đây Đức Giê-su lại ngước nhìn lên trời. Đây là lối cầu nguyện của các Ki-tô hữu sau này. + Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !": Đức Giê-su ra lệnh cho người chết sống lại. Điều đó cho thấy Người có quyền trên sự chết. + Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi: La-da-rô sau khi sống lại phải được người khác cởi khăn và vải liệm. Trái lại, Đức Giê-su sau khi phục sinh, những băng vải vẫn còn để lại trong mồ và khăn che đầu Người cũng được cuốn lại và xếp để riêng ra một nơi (x. Ga 20,5-7).
4. CÂU HỎI:
1) Ma-ri-a Bê-ta-ni-a có phải là người đàn bà tội lỗi, người phụ nữ ngoại tình sắp bị ném đá hay bà Ma-ri-a Ma-đa-le-na hay không ? 2) Đức Giê-su nói La-da-rô đang yên giấc có ý ám chỉ điều gì ? Hai trường hợp khác tương tự là những trường hợp nào ? 3) Theo phong tục Do Thái thì người chết được chôn khi nào ? Ở đây việc La-da-rô được chôn bốn ngày rồi mang ý nghĩa gì ? 4) Thời Đức Giê-su, niềm tin về việc kẻ chết sống lại giữa hai phái Xa-đốc và Biệt phái khác nhau ra sao ? 5) Tại sao Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Mác-ta và người đi theo cô khóc ? 6) Khi nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày" Mác-ta có hòan tòan tin vào quyền năng phục sinh kẻ chết của Đức Giê-su không ? 7) Ngày nay các tín hữu hướng về đâu khi cầu nguyện ? Tại sao ? 8) Tình trạng của La-da-rô sau khi sống lại khác với tình trạng sống lại của Đức Giê-su thế nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
2. CÂU CHUYỆN:
1) TÍN THÁC VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA SẼ ĐƯỢC ƠN PHỤC SINH.
Một bé gái nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia, em bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết chỉ có giải phẫu mới có hy vọng cứu sống em. Trước khi cho thuốc gây mê, các bác sĩ và y tá báo cho em biết là em sẽ được ngủ một giấc dài. Nghe nói ngủ, cô bé ngây thơ đã xin được quỳ xuống cầu nguyện. Thế là trước mặt mọi người, cô bé quỳ gối cầu nguyện một cách hết sức chân thành, và em kết thúc bằng lời nguyện như sau: “Xin Chúa cho con được chóng lành bệnh”. Cầu nguyện xong, em bé nằm xuống và xin các bác sĩ và y tá tiến hành cuộc giải phẫu...
Ngày hôm sau, cô bé tỉnh dậy với nỗi đau tột cùng. Câu hỏi đầu tiên của em với bác sĩ là:
- Cháu có được lành bệnh không, thưa bác sĩ ?
 Vị bác sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của em và đáp với tất cả sự xúc động:
- Cháu hãy để cho Chúa lo liệu, bác chưa biết được kết quả của cuộc giải phẫu. Nhưng có một điều bác tin chắc, đó là cháu đã cứu được một người, và người đó không ai khác hơn đó chính là bác đây! Từ lâu, bác đã không đến nhà thờ, bác không còn nhớ đến Chúa và cũng không bao giờ cầu nguyện nữa. Thế nhưng, hôm qua khi nhìn thấy cháu cầu nguyện một cách thật sốt sắng, bác không cầm được nước mắt. Chúa đã đánh động bác. Sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội và chịu lễ. Bác tin chắc rằng Chúa đã nhận lời cháu. Cháu đừng lo lắng nữa. Hãy phó thác cho Thiên Chúa!.
Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng ta hãy tín thác vào tình thương và quyền năng của Chúa để được ơn Chúa chữa lành bệnh tật cho mình và giúp người khác cũng được ơn sống lại thật về phần linh hồn như em bé trong câu chuyện trên.
2) VỀ MỘT CON NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG LẠI VỀ PHẦN LINH HỒN:
SI-TA ĐE-LI vốn là một kẻ chuyên quậy phá kẻ khác. Anh đã nhiều lần vào tù ra khám vì tội phá phách cướp giựt. Trong phiên tòa lần thứ năm, quan tòa đã phải tuyên bố như sau: “Có phạt anh thêm nữa cũng vô ích ! Nhưng chúng tôi vẫn phải cách ly anh. Chúng tôi đã làm hết cách. Quả thật chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng về anh”. Vào tù lần này, ĐE-LI lại ngựa quen đường cũ: có những hành vi vô kỷ luật và đàn áp bạn tù yếu thế hơn anh, nên anh đã bị biệt giam trong hai tuần lễ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: Khi phải nằm thu mình trong căn hầm chật hẹp tăm tối, nằm trên nền đá ẩm mốc hôi hám, ĐE-LI đã có dịp suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm đã phạm. Vốn là con một trong gia đình giàu có, được cha mẹ cho đi học, nhưng anh lại lười biếng và ăn cắp tiền của cha mẹ rồi sau đó bỏ nhà đi hoang. Từng được nhà trường đánh giá là một học sinh thông minh giàu sáng kiến, anh chỉ có thói xấu là ham vui. Vậy tại sao anh lại không sử dụng những tài năng đó để làm việc tốt hữu ích cho tha nhân, mà lại bỏ nhà đi hoang và phạm tội đàn áp bóc lột kẻ khác ? Rồi sau đó anh bắt đầu có những giấc mơ đẹp về Đức Giê-su, mà anh đã từng học biết khi còn theo học lớp giáo lý vỡ lòng. Dường như anh thấy Đức Giê-su đang âu yếm nhìn anh và mời anh hãy đi theo Người. Rồi hình ảnh những người từng bị anh gây thương tích lần lượt lướt qua tâm trí anh. Tự nhiên anh cảm thấy một tình cảm dào dạt đối với họ. Chính tình thương ấy đã tắm mát và chữa lành những vết thương trong tâm hồn sơ cứng của anh. Cảm nghiệm ấy đã dần dần biến đổi anh nên một người mới đầy tràn tình yêu của Đức Giê-su. Sau hai tuần lễ, ĐE-LI được ra khỏi ngục biệt giam và trở lại phòng giam thường phạm. Anh không còn thái độ bắt nạt bạn tù, trái lại còn sẵn sàng bênh vực những kẻ thân yếu thế cô. Anh xin cha tuyên úy nhà giam theo học lớp Thánh Kinh hằng tuần. Anh trở thành người học trò chăm chỉ và xuất sắc nhất trong đám bạn tù. Mấy năm sau, khi được mãn hạn tù, anh đã trở thành chủ tịch hội “Cải cách chế độ lao tù”. Khi nói về anh, cha tuyên úy nhà lao đã nói: “Si-ta Đe-li là một bằng chứng sống động nhất về một phép lạ đã xảy ra: Không những anh là một con người tội lỗi được ơn sám hối, mà còn là một tạo thành mới, một tín hữu tốt lành thánh thiện và là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su”.
3) TÁC HẠI CỦA THÓI ƯA TRÌ HOÃN “HÃY ĐỢI ĐẤY”:
Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi và nói:
 - Để mai hãy hay.
Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi bức thư bị khui ra, thì cả chính phủ đã bị bắt sạch không thoát một ai.
Nếu ngày Chúa lại đến không ai biết trước thì mọi người đang sống phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ đó. Ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng, mình còn sống lâu, còn có đủ thời gian để kịp hồi tâm sám hối trước khi chết.
4) HIỆU QUẢ ĐÁNG NGỜ CỦA THUỐC TRƯỜNG SINH:
Vào thời chiến quốc, có người dâng lên Sở vương một viên thuốc trường sinh. Ông ta bưng viên thuốc này vào hoàng cung. Quan cảnh vệ gác cổng lliền hỏi: “Thuốc này có uống được không ?” Người kia đáp: “Uống được”.
Lập tức viên quan cảnh vệ liền mở viên thuốc quý ra, cầm cho vào miệng nuốt đi trước sự ngỡ ngàng của người dâng thuốc. Câu chuyện được báo cáo lên vua Sở. Vua liền truyền tống giam quan cảnh vệ vào ngục vì tội “khi quân” và xử tội chết.
Viên quan liền kêu oan rằng: “Hạ thần đã hỏi người dâng thuốc và ông ta nói: ”Thuốc có thể uống được” nên thần mới dám uống. Thế là hạ thần vô tội mà kẻ có lỗi chính là người dâng thuốc kia. Hơn nữa, người dâng thuốc lại nói đó là thuốc trường sinh nghĩa là ai uống vào sẽ được trường sinh bất tử. Thế mà thần uống vào lại sắp phải chết. Như vậy đây là “thuốc tử” chứ sao gọi là “thuốc bất tử” được ?  Điều đó chứng tỏ người dâng thuốc là kẻ nói dối mà sao bệ hạ lại tin hắn ?
Vua nghe quan cảnh vệ nói có lý, liền tha không giết nữa.
3. SUY NIỆM:
1. VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH KẺ CHẾT:
Dùng quyền năng siêu nhiên để làm cho người bệnh nan y được khỏi bệnh thì nhiều người đã làm được, nhưng làm cho người đã chết được sống lại thì chỉ những người được Chúa ban ơn đặc biệt mới có thể làm được. Chẳng hạn:
Thời Cựu Ước: Ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho con trai của bà góa ở Sa-rép-ta sống lại (x. 1 V 17,17-24); Ngôn sứ Ê-li-sa cũng phục sinh cho con trai của bà Su-nêm (x. 2 V 4,32-37).
Đến thời Tân Ước, tông đồ Phê-rô đã làm cho bà Ta-bi-tha đã chết được sống lại (x. Cv 9,39-42). Riêng Ðức Giê-su đã phục sinh kẻ chết ít nhất 3 lần: Cho con trai bà góa ở thành Na-in mới chết đang đem đi chôn sống lại (x. Lc 7,11-15); Cho con gái ông trưởng hội đường mới chết đang nằm trên giường được trỗi dậy (x. Mt 9,18-26); Cho anh bạn thân La-da-rô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại ra khỏi mồ (x. Ga 11,34-45). Ba người này sau khi sống lại cũng chỉ sống thêm được một thời gian rồi lại phải chết. Sự sống lại của họ nhằm tiên báo việc Ðức Giê-su sau này sẽ chiến thắng thần chết. Người sẽ trải qua cái chết và đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại (x. Ga 20,1-10). Sự phục sinh của Người là bằng chứng bảo đảm cho niềm tin vào mầu nhiệm kẻ chết sống lại trong ngày tận thế như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu Ðức Ki-tô không sống lại, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng tôi là vô ích” (1 Cr 15,14), và sự phục sinh của Người chứng tỏ Người thực là Con Thiên Chúa hằng sống.
2. ĐỨC GIÊ-SU, CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI CÓ QUYỀN TRÊN SỰ CHẾT:
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy: Ðức Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm; Người chính là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã tiên báo sẽ đến và dân Do thái trông mong.
- Là người phàm, nên Đức Giê-su đã xúc động thổn thức và khóc thương người bạn thân khi đứng trước mộ của anh (c 33-35), đến nỗi người ta phải thốt lên: “Kìa xem ! Ông ta thương La-da-rô biết mấy !” (c 36). Nhưng là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã phán một lời khiến La-da-rô chết 4 ngày được trỗi dậy và ra khỏi mồ. Vì Người “là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Người thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết” (x. Ga 11,25-26).
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su đã mở cánh cửa sự sống, phá tan sào huyệt của tử thần: Khi truyền cởi những dải băng liệm cuốn quanh người La-da-rô, Người giải phóng anh khỏi quyền lực của tử thần.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở cánh cửa đức tin của Mác-ta: Trước đó, đức tin của Mác-ta chỉ mới là thứ đức tin chung chung giống như đa số người Do thái đương thời. Nhưng sau khi chứng kiến La-darô sống lại, đức tin của bà đã trở thành sống động vững chắc. Trước đó, nhiều người Do thái vẫn chưa tin Đức Giê-su. Nhưng sau khi chứng kiến La-da-rô từ cõi chết sống lại, họ đã đạt đến đức tin vào Đức Giê-su. Chính khi tảng đá lấp cửa mộ La-da-rô mở ra cũng phá tan tảng đá nghi ngờ, dẫn họ tới đức tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở cánh cửa niềm vui: Sự chết của La-da-rô gieo tang tóc u buồn cho hai bà chị Mác-ta và Ma-ri-a. Tiếng khóc của hai người này đã khiến Đức Giê-su cảm động và không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi La-da-rô được Người cho sống lại, đám tang biến thành đám hội, lời phân ưu trở thành lời chúc mừng.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở cánh cửa niềm hy vọng: Từ nay nhân loại hy vọng Đức Giê-su là “sự sống lại và là sự sống”, cũng sẽ làm cho những ai tin vào Người được tham phần vào sự sống đời đời với Người như Người đã nói:  “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
3. MUỐN ĐƯỢC THAM PHẦN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI PHẢI BIẾT YÊU THƯƠNG:
- Đức Giê-su không chỉ yêu bằng thứ tình yêu thần linh, mà còn yêu thương bằng tình cảm nhân loại. Tình yêu của Người là thứ tình yêu tột đỉnh như Tin Mừng Gio-an viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng !” (Ga 13,1b). Yêu đến cùng là yêu tột cùng, đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình yêu, như lời Đức Giê-su: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
- Tình yêu của Ðức Giê-su đối với anh bạn thân La-da-rô được thể hiện qua thái độ xúc động khi trước mộ của anh. Tình yêu tự nhiên được thể hiện qua ánh mắt trìu mến, lời nói cử chỉ dịu dàng và thái độ quảng đại như bà mẹ hiền nựng đứa con thơ, như Thiên Chúa đã yêu thương con cái loài người chúng ta, đã sai Con Một đến chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho chúng ta và đã từ cõi chết sống lại để cứu sống chúng ta (x. 1 Ga 4,9). 
4. TRỞ NÊN NGÔN SỨ CỦA SỰ SỐNG BẰNG VIỆC THỰC THI YÊU THƯƠNG:
- Trong sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã khuyên các bạn trẻ như sau: “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương, những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, si-đa, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là cái chết của Tình Yêu trong lòng con người ! Cái chết ấy sẽ thắng thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giê-su là “Sự Sống Lại và là Sự Sống”. Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giê-su, chúng ta cũng có thể thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới, giống như Đức Giê-su xưa đã trả lại sự sống cho La-da-rô và lau khô giọt lệ cho hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a… Ki-tô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang mong chờ được đáp ứng”.
- Mỗi ngày chúng ta cần tích cực chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, bằng một nếp sống bác ái cụ thể như: "Vui với người vui và khóc với người khóc”; bằng việc quan tâm thăm viếng, an ủi động viên, quảng đại chia sẻ tinh thần vật chất và khiêm tốn phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật và bất hạnh… Yêu thương không phải bằng môi miệng nhưng bằng sự quan tâm tới người đau khổ nghèo đói bệnh tật bất hạnh đang sống ngay bên và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu, phục vụ họ như phục vụ chính Đức Giê-su bị bỏ rơi.
4. THẢO LUẬN:
Chúng ta cần phải làm gì để trở thành Ngôn Sứ của Sự Sống, sẵn sàng chia sẻ tình thương của Chúa cho đồng bào Việt Nam, cho những người bệnh tật đau khổ đang sống chung quanh chúng ta ?
5. NGUYỆN CẦU:
 LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy đổ tràn ngập tâm hồn chúng con Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH

=================
Suy niệm 4
BƯỚC RA KHỎI MỒ

Thoạt nhìn các tin tức trên mạng thế giới, chúng ta không khỏi bồi hồi, nao núng trước biết bao thông tin về đại dịch cô-vi, nào là một loạt video từ kênh Edge-Wonder giải mã virus cô-vi, các kênh loan tin về bí mật Fatima, và vô số các thơ, vè, đồng dao về dịch bệnh cô-vi. Nhớ lại thời gian vừa qua, trước biến cố đại dịch lây lan chóng mặt, một hiện tượng chưa bao giờ diễn ra lại xảy ra cách hy hữu: các nhà thờ trên thế giới hầu hết tạm ngưng Thánh lễ và những sinh hoạt chung. Từ thực tại này, nhiều câu hỏi được đặt ra trong giới lãnh đạo dân sự, hàng ngũ giáo quyền, đông đảo giáo dân: Khi nào đại dịch chấm dứt, và mọi sinh hoạt được trở lại bình thường?
Thật sự, lúc ấy không một ai trong chúng ta có thể trả lời câu hỏi trên, nhưng điều chúng ta tường tận, tín thác vào Chúa Ki-tô đã chịu chết - sống lại mãi là kim chỉ nam cho đời sống chúng ta, không ngừng tiến bước hân hoan trên con đường lữ thứ này, đặc biệt trong thời gian đại dịch. Lời Chúa sẽ lay chuyển, đánh động, thúc bách mỗi chúng ta và cả nhân loại ăn năn, sám hối, can đảm trở về với tình yêu nguyên thuỷ, một khi chúng ta và cả thế giới chú tâm lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Nói cách khác, Thần Khí sẽ biến đổi và canh tân như Lời Chúa trích sách ngôn sứÊ-zê-ki-en: “Ta sẽ đặt thần khí của ta vào trong các người và các ngươi sẽ được hồi sinh” (Ez 37, 14), và lời huấn dụ của Thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Rô-ma: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em,…Thần Khí sẽ làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Thiết nghĩđể được như vậy, chúng ta không thể không quan sát, suy niệm một cách cụ thể qua trình thuật Tin Mừng hôm nay.
Khi nghe tin La-za-rô đã chết, và đặc biệt khi nhìn thấy chị Ma-ri-a khóc thương em mình, Chúa Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến (x. Ga 11, 33. 35. 36). Là Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, chấp nhận thân phận yếu đuốimỏng dòn của con người, nên Chúa Giê-su chắc hẳn cảm động rơi lệ, xót thương trước sự mất mát, biệt ly, nhất là điều này diễn ra trong gia đình rất thân thương với Ngài, gia đình ba chị em Mát-ta, Ma-ri-a và La-za-rô tại làng Bê-ta-ni-a.
Cũng có lẽ vì tình thương, sự gần gũi với gia đình ba chị em, nên Chúa Giê-su đã làm phép lạ cho La-za-rô sống lại chăng? Hay nhờ vào niềm tín thác, tin tưởng của chị Mát-ta nơi Thầy chí thánh Giê-su ư: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26)? Hoặc một lí do nào khác, ngõ hầu vinh quang của Thiên Chúa được tỏ rạng, và để mọi người tin rằng Chúa Cha đã sai Con Một Ngài? Hoăc tất cả những lí do trên? Tuy nhiên, đây không phải điều chúng ta tập trung trong bài suy niệm này, mà những lời Chúa Giê-su nói khi bước tới mộ và cho La-za-rô sống lại khiến chúng ta suy nghĩ và suy gẫm.
Thoạt tiên, Ngài nói khi đứng trước mộ phần của người bạn La-za-rô: “Đem phiến đá này đi” (‘phiến đá’ chứ không phải ‘tảng đá’!), nhưng Mát-ta can ngăn “…nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày” (Ga 11, 39). Để được sống lại, La-za-rô phải bước ra khỏi phiến đá kia, phải vượt lên sự thối nát, nặng mùi, hoặc kể cả sự thương tiếc của người thân vô tình trở nên bước ngăn trở cho cuộc sống mới! Thứ đến, Chúa Giê-su kêu lớn tiếng sau khi ngước mắt lên trời cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Anh La-za-rô, hãy ra khỏi mồ”, và tiếp sau đó “cởi khăn và vải cho anh, rồi để anh ấy đi” (x. Ga 11, 43). Khi đã vượt ra phiến đá chắn trước mộ, rời khỏi tình trạng nặng mùi, thối nát…, anh La-za-rô phải can đảm bước ra khỏi mồ, để lại những gì là hư nát, cũ rích, và phải cởi bỏ hết những gì bao lâu nay trói buộc anh. Đặt trường hợp nếu lúc được gọi, La-za-rô không chịu bước ra thì chắc hẳn anh phải chịu thối rửa, mục nát trong mồ theo lẽ tự nhiên, đó là ‘trở về cát bụi’!
Về phần mình, trong chúng ta ít nhiều gì chưa phải bước tới hồi kết, chưa phải chết về mặt thân xác; tuy nhiên, khi chúng ta lo sợ, đánh mất đức tin, chối bỏ lòng thương xót và sự bao dung của Chúa, chạy đến ma thuật, bói toán, ‘vái bốn phương tám hướng’, không biết ăn năn sám hốihoán cải trở về với Chúa, v.v…là những lúc chúng ta đang ‘chết mòn’ trong tâm linh, trong đời sống đạo đức; hoặc nói một cách đơn giản: ‘chúng ta đang sống, nhưng sống trong cái xác không hồn’. Tương tự như La-za-rô, chúng ta chỉ có được đời sống mới, một khi ‘bước ra khỏi mồ’ của những đam mê, thú tiêu khiển vô ích, thói quen xa rời Chúa và anh chị em; ‘bước ra khỏi mồ’ của những âm mưu toan tính, của sự kiêu ngạo, tham vọngđiều khiển người khác; ‘bước ra khỏi sự hư thối, mục nát’ của chủ thuyết này lý thuyết nọtiềm ẩn lối sống loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình; ‘cởi bỏ vải tang’ của sự chết chóc, hận thù, hiềm tị, ghen ghét, coi thường sự sống, tước đoạt quyền sinh-tử của Đấng Tạo Hoá; ‘cởi bỏ vải tang’ của sự áp bức, bóc lột, bất công xã hội, lợi ích nhóm, tư lợi…Và như thế, chúng ta sẽ được lãnh nhận thần khí mới, thần khí của sự sống, thần khí biến đổi chúng ta trở nên gần gũi với Thiên Chúa và anh chị em.
Lạy Chúa, Ngài là nguồn sống
Xin cho con biết mở lòng đón nhận
Bình an ân sủng muôn phần
Tỉnh cơn mê,(thức) dậy, ân cần chia san
Ra khỏi ‘ngôi mộ’ bất an
Sợ sệt vô lối lan tràn đời con
Nguyện xin cho con sắt son
Hân hoan theo Chúa, chẳng còn ngại chi. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 5
Chúa Kitô sống lại niềm hy vọng của chúng ta

(Ga 11, 1-45)

Với Chúa nhật của Niềm Vui (Lætare) vừa qua, màu hồng Phụng Vụ của Giáo hội là màu của bình minh, hé mở ánh sáng huy hoàng của Đại Lễ Phục Sinh sắp tới. Dù còn hai tuần nữa, nhưng niềm vui ấy đã ló rạng trong các bài đọc Chúa nhật hôm nay, tuy không nói về sự sống lại của Chúa Giêsu vì đó là điều tất yếu, nhưng nói về sự phục sinh của chúng ta, chính Chúa Kitô ban cho chúng ta: trỗi dậy từ trong cõi chết.
Phục sinh Lagiarô báo trước cái chết của Chúa Giêsu
Sự kiện Lagiarô sống lại như một bi kịch giữa Sự Sống và Sự Chết, giữa Đấng được Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô, Chúa của Sự Sống, và thủ lãnh sự chết tiềm ẩn nơi: bệnh tật, cái chết của Lagiarô, cũng như các âm mưu chống lại Chúa Giêsu.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu cho thấy những thử thách về bệnh tật của bạn mình, cũng như cái được cái mất trong cuộc thương khó của Ngài: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa ” (Ga 11, 4). Chúa Giêsu biết rõ, Lagiarô chết và việc của Ngài nên nói với các môn đệ: “Lagiarô đã chết ” (Ga 11, 14). Nhưng Ngài sẽ cho sống lại, vì “sáng danh Thiên Chúa ” (Ga 11, 4).
Đây là phép lạ thứ bẩy và cuối cùng thu hút sự chú ý nhất của dân chúng vào Chúa Giêsu trước khi Ngài bị bắt. Khi loan báo cho các môn đệ biết về ý muốn trở lại Giuđêa của Chúa Giêsu để gặp Lagiarô đã chết, các ông hết sức ngạc nhiên và lo lắng nên nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư ? “(Ga 11, 8). Quả thật, các nhà lãnh đạo Do thái đã để mất Chúa Giêsu vào dịp này : ” Bởi vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người ” (Ga 11, 53 ). Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu là: “Lagiarô đã chết, chúng ta hãy đi với anh ta” (Ga 11, 15), Ngài sẽ đánh bại sự chết, cứu con người khỏi chết và ban cho sự sống.
Niềm hy vọng của chúng ta
Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay là câu: ” Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ  (Ga 11, 25-26). Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, Chúa Cha” Đấng đặt Thánh Thần của Ngài trong chúng ta, và chúng ta đang sống” sự sống của Người (Ez 1, 13) thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho sống lại ngày sau hết.
Chúa cho Lagiarô sống lại như Ngài đã làm cho con gái ông Giairô, con trai của bà góa thành Naim trở lại sự sống tự nhiên lần thứ hai trong một thời gian ngắn. Trái lại, “Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Ngài nữa” (Rm 6, 9) vì Ngài sống sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng “nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em” (Rm 8, 11). Sao chúng ta không thể hy vọng được.
Phần lớn chúng ta mong đợi trở lại cuộc sống tự nhiên. Chắc chắn chúng ta sẽ chết, bởi vì “thân xác chúng ta đã chết vì tội lỗi ” (Rm 8, 10) nhưng” nếu Đức Kitô ở trong chúng ta” và chúng ta ở trong Ngài với đức tin sống động, thì linh hồn chúng ta sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa và được tham dự vào sự bất tử của Ngài. Hơn nữa: chúng ta tin vào phép rửa ” Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới “. (Rm 6, 4).
Thật là đại tin mừng : ” Nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại.  Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng” ( Ga 1, 4-5). Nếu như tác giả Tin Mừng đã hai lần thuật lại điều Martha và Maria than với Chúa về đau khổ của hai bà: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết“,  há không phải muốn nhấn mạnh rằng, từ nay, tiếng khóc không còn nữa đó sao? Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: “Đã an táng Lagiarô ở đâu? ” Nước mắt Chúa như mưa, Lagiarô như hạt giống, và ngôi mộ như một thửa đất. Chúa Giêsu hô lớn tiếng, tiếng Ngài làm cho sự chết run sợ, Lagiarô đã bung lên như hạt giống, anh bước ra khỏi mồ và tôn thờ Đấng đã cho anh sống lại.
Mãnh lực của sự chết đã thống trị Lagiarô bốn ngày. Chúa Giêsu đã đánh bại sự chết ngày thứ ba, đúng như lời Ngài đã hứa rằng, Ngài sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chết (x. Mt 16, 21).
Hãy đẩy tảng đá ra ” (11, 39). Cái gì vậy, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, nay không thể mở cửa mồ hay phán một lời để di chuyển tảng đá đóng cửa mồ hay sao ? Chắc chắn, Ngài có thế khiến tảng đá lăn ra khỏi mồ bằng lời Ngài phán, khi Ngài bị treo trên thập giá, Ngài đã từng chẻ đôi tảng đá và mở tung các cửa mồ (Mt 27, 51-52 ).
Hãy cởi ra cho anh ấy đi ” (11, 44).  Chúa bảo người chung quanh cởi cho anh để họ nhận ra chính anh là người họ đã bọc vào trong khăn an táng, thân xác đã phân hủy, nay sống lại nhờ quyền năng Chúa.  
Hình ảnh báo trước và là lời hứa phục sinh cho các dự tòng
Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ. (Kinh Tiền Tụng). Hôm nay Chúa cũng tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” và hỏi “Con có tin điều đó không?” Cùng với Martha chị của Lagiarô các anh chị em dự tòng thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11,). Chúa phục sinh Lagiarô là hình ảnh báo trước sự phục sinh cho các dự tòng là những người mong đợi trong Đêm Vọng Phục Sinh. Khi dìm mình trong nước nước Rửa tội, người dự tòng được giải thoát khỏi sự chết và sống lại với Chúa Kitô. Sự sống lại này, như lời tiên tri Êgiêkiêl: “Ta sẽ mở cửa mồ cho các người, Ta sẽ kéo các người ra khỏi mồ “ (Ez 37, 12-14). “Ta đặt thần khí ta vào tâm hồn anh em“ (Ez 37, 6): nhờ Phép Rửa tội, Thần Khí Đức Kitô ngự vào trong chúng ta (Rm 8, 8-11), Thần Khí kết hợp người chịu phép rửa trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con; khi đón nhận, chúng ta được tham dự vào tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 6
Thầy Là Sự Sống

Ed 37, 12-14; Rm 8, 8-11; Ga 11, 1-45

Gia đình Bêtania gồm ba chị em là Macta, Maria và Ladarô, phải là nghĩa tình thắm thiết lắm nên mới được Thầy Giêsu ưu ái quá đỗi, hễ đi qua là Thầy ghé thăm, ở lại, dùng bữa... Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại một sự kiện động trời, câu chuyện nghĩa tình của Thầy Giêsu với gia đình này thật là sâu nặng.
Đến khi anh Ladarô bị đau nặng, hai chị em đã cho người đi báo với Đức Giêsu rằng người Thầy thương mến đang ốm nặng. Giờ nguy tử mà Thầy cố ý coi nhẹ mà bảo bệnh này không đến nỗi chết, nhưng qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh! Đức Giêsu nán lại hai ngày sau, rồi mới lên kế hoạch đi “đánh thức anh Ladarô vì anh đang yên giấc”. Các môn đệ tưởng Thầy nói về giấc ngủ bình thường nên bàn lùi, vì người Do Thái ở đó đang tìm cách ném đá Thầy, rồi anh ấy sẽ khỏe lại thôi. Lúc này Thầy mới khẳng định Ladarô đã chết, Thầy còn... “mừng” vì đã không có mặt ở đó, để anh em tin và Thầy giục môn đệ lên đường. Các môn đệ rất sợ chuyến đi này nhưng đành vâng lời Thầy thôi. Ông Tôma còn quay sang nói với đồng môn rằng chúng ta đi để cùng chết với Thầy.
Thầy vừa đến làng Bêtania, cô Macta đã chạy ra đón. Vừa đau khổ tuyệt vọng, vừa tủi và tiếc xót vì muộn màng, Thầy quyền năng chẳng có mặt hôm đó để ra tay cứu em, cô thưa: “nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết”. (Ga 11,21). Nhưng cô vẫn hy vọng chuyện kỳ diệu ở Thầy nên thêm lời: “Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. (Ga 11,22). Thầy hứa em cô sẽ sống lại. Cô tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời sau, nhưng Thầy vừa thẩm vấn, vừa khẳng định với cô: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. (Ga 21, 25-26).
Vào đến nhà, cô em Maria cũng chạy đến phủ phục, thưa Thầy trong tiếc xót vì sự việc đã muộn màng. Cô khóc, khách nhà hiếu khóc và Thầy cũng khóc. Đến người Do Thái cũng phải ngạc nhiên vì Thầy quá nặng tình với người chết và thương anh đến nhường nào! Họ xì xào Thầy đã từng làm bao chuyện lẫy lừng cho những người khác, huống chi nhà này, làm Thầy lại càng thổn thức trong lòng.
Đi đến mộ, Đức Giêsu bảo người ta lăn phiến đá ra khỏi cửa mộ, vì Người sắp thực hiện việc cả thể. Cô Macta phân bua nặng mùi vì em cô chết đã bốn ngày rồi. Thầy cầu nguyện cùng Chúa Cha rồi kêu lớn: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11,43). Thật kinh ngạc, người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, mặt còn phủ khăn. Thầy bảo cởi vải và khăn ra để anh ấy đi cho dễ dàng.
Qua phép lạ làm sống lại người đã chết, Đức Giêsu chứng tỏ Người có quyền trên sự sống và là sự sống thật, để ai tin vào Người thì được sống đời đời.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Êdêkiel cũng tuyên sấm ngôn của Đức Chúa: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh”. (Ed 37,14a). Bài đọc II thánh Phaolô cũng quả quyết: “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới”. (Rm 8,11).
Lạy Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống chúng con, xin Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng con, để chúng con được phục hồi và sống bằng chính sức sống của Chúa mỗi ngày. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
​Ngày 24/4/2024, ông Chuck Robbins, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Cisco, một tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và chuyên cung cấp thiết bị mạng, đã gặp Đức Thánh Cha và đã ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo của Vatican, một tài liệu được Hàn lâm viện Tòa Thánh công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2020.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log