Chúa nhật, 05/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Phục Sinh

Cập nhật lúc 10:00 06/04/2023
Suy niệm 1
Ga 20, 1 – 9
Sau khi nghe trình thuật của thánh Gioan, chúng ta nên đọc thêm các trình thuật của thánh Matthêu, Maccô và Luca để có một cái nhìn dài rộng hơn và một cảm nghĩ sâu sắc hơn.
Ba giờ chiều thứ Sáu Thọ Nạn, Chúa Giêsu tắt thở. Ông Giuse Arimathia và ông Nicôđêmô phải tất bật lo thủ tục an táng Chúa. Thủ tục này phải kết thúc trước sáu giờ chiều, vì sáu giờ chiều là thời gian được lao động theo luật sabát. Chỉ có ba tiếng đồng hồ mà hai ông phải: nào là vào dinh tổng trấn nộp đơn xin làm lễ an táng; nào là phải hạ xác Chúa, tắm rửa, lau chùi; nào là xức thuốc thơm; rồi còn phải lăn tảng đá lớn để lấp cửa mộ; lấp cửa mộ là phải trộn hồ và chét các kẽ hở. Bấy nhiêu việc mà phải hoàn thành trong vòng ba tiếng đồng hồ, thì chắc chắn không thể hoàn tất tốt đẹp như lòng mong muốn. Thế là lương tâm của mọi người bị cắn rứt. Lương tâm của các bà phụ nữ thì bị cắn rứt gấp hai đàn ông. Suốt đêm thứ sáu, trọn ngày thứ bảy và suốt đêm thứ bảy, chẳng ai muốn ăn, chẳng ai buồn ngủ.
Hừng đông Chúa nhật vừa ló rạng, thì các bà phụ nữ vội vã đi ra mộ để viếng xác Chúa và để xức dầu thơm loại xịn cho thỏa lòng yêu Chúa. Các bà ấy gồm mệnh phụ Gioanna, bà Salômê, bà Maria mẹ của hai anh Giôxết và Giacôbê, bà Maria Mácđala. Riêng bà Maria Mácđala thì không đi chung với các bà kia. Bà ăn gian, vì ra đi khi trời còn tối mịt, nghĩa là đi trước giờ luật cho phép.
Ra tới mộ, thấy cửa mộ đã lăn ra rồi, ngó vào trong mộ, thì chả thấy xác Chúa đâu. Bà chạy vội về báo tin cho hai ông Phêrô và Gioan. Bà lại ra mộ lần thứ hai và ở lại ngồi khóc một mình, không sợ ai, không thèm sợ bất cứ điều gì. Bà chỉ biết yêu Chúa thôi.
Khi Phêrô và Gioan được bà Mácđala báo tin buồn, hai ông chạy vội ra mộ. Gioan chạy nhanh, tới mộ trước, nhưng sợ nên chưa dám vào. Khi Phêrô chạy tới, thì hai ông cùng vào. Ông Phêrô thấy khăn liệm còn đó, thì sửng sốt bỡ ngỡ. Gioan thấy khăn liệm được xếp gọn ghẽ, khăn che đầu thì để riêng ra. Ông thấy thế, liền tin ngay là Chúa đã sống lại thật rồi.
Câu chuyện trên cho chúng ta hai bài học.
Bài học một. Các tông đồ là đàn ông thì sợ co rúm lại. Chẳng ông nào dám ra thăm mộ, trừ Phêrô và Gioan vì được bà Mácđala báo tin khủng. Đàn bà và đàn ông là thế. Khi gặp khó khăn cực kỳ, thì đàn ông chui lủi. Còn đàn bà thì ra tay để gạo xay ra cám. Thời cấm đạo ở Việt Nam minh chứng điều đó. Linh mục, thầy giảng và các ông trùm đều chui vào hầm, vách kép để tránh nạn. Các bà phước thì cứ váy quai cồng, tóc vấn vành rế… đi tứ tung khắp nơi, để cung cấp bánh lễ, rượu lễ cho các cha, đem thư của giám mục đến cho các giáo xứ. Thư thì giấu trong yếm ngực. Thế là êm, không lính nào dám khám.
Bài học hai. Thánh Gioan vừa yêu Chúa hơn ai, vừa có óc quan sát. Ngài biết cả tập quán của Chúa, tập quán ấy là rất tiết kiệm. Chúa bảo tông đồ: “Gom các mảnh vụn bánh lại, kẻo uổng phí đi”. Ông cũng theo dõi và biết Chúa khi đi ngủ thì áo khoác được xếp gọn gàng. Nhìn cách xếp áo ấy, ông biết ngay là cách xếp của Chúa. Đó là thói quen của Chúa.
Hai bài học trên chúng ta nên áp dụng cho mọi thời: Thời khó khăn thì đàn bà phải thay đàn ông mà bảo vệ Giáo hội. Phải yêu Chúa bằng thi hành lời Chúa, mà còn phải yêu Chúa bằng yêu cả tập tính của Chúa nữa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=================
Suy niệm 2
ĐÊM HOÀI MONG - ĐÊM KHẢI HOÀN

Hẳn ai trong chúng ta đều rõ: cao điểm của năm Phụng vụ chính là Tuần Thánh, đặc biệt Tam Nhật Thánh (Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh hoặc Lễ Vọng Phục Sinh). Có rất nhiều lễ nghi cũng như nghi thức trong Tam Nhật Thánh, nhưng chúng ta cùng nhau chiêm ngắm gần hơn ngọn nến cao cháy sángPhục Sinh.
Khởi đầu nghi lễ, mọi đèn nến trong sân nhà thờ đều tắt, bóng tối như bao trùm tất cả. Thế rồi vị Chủ tế châm lửa từ bếp than hồng, mồi vào ngọn nến Phục Sinh. Một tia sáng nhỏ loé lên trong đêm tối. Đêm canh thức, đêm hoài mong dường như nhường lối cho đêm hồng ân và đêm khải hoàn! Sau đó, những ngón nến nhỏ trên tay các tín hữu được thắp sáng bừng lên từ ngọn nến cao Phục Sinh. Ánh sáng tỏa lan, và cuối cùng mọi đèn nến trong nguyện đường đều rực chiếu. Bóng tối hoàn toàn bị đẩy lùi. Chúa Giê-su Ki-tô đã chiến thắng sự chết, đã khải hoàn phục sinh từ cõi chết; Ngài là nguồn mạch ánh sáng, chiếu soi toàn thể nhân loại đang lần mò trong tối tăm.
Quả thật, bóng tối chẳng thể nào che lấp ánh sáng; ma quỷ-thần chết chẳng thể nào chiến thắng Thiên Chúa; sự ác chẳng thể nào áp đảo thiện lành được! Qua các nghi lễ Tuần Thánh, một chân lý sáng tỏ và tường tận. Khi Đức Giê-su chịu khổ nạn, chịu chết nhục nhã trên thập giá, dường như bóng tối, quyền lực ma quỷ, thần chết và sự ác đã hoàn toàn chiến thắng. Thế nhưng, Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại vinh quang; Ngài là ánh sáng Phục Sinh soi chiếu và đẩy lùi bóng đêm tăm tối; Thiên Chúa không dừng bước trước ma quỷ và sự thiện lành đã toàn thắng trước sự ác!
Vào dịp Lễ Vọng Phục Sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô năm 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kết thúc bài giảng của ngài như sau: "Tin Mừng Phục Sinh rất ư rõ ràng: chúng ta cần trở về Ga-li-lê-a để gặp Chúa Giê-su Phục Sinh, và trở thành những chứng nhân phục sinh của Ngài. Điều này không phải đi ngược thời gian, cũng không phải niềm thương luyến tiếc quá khứ, mà là chúng ta quay trở về với tình yêu ban đầu, hầu nhận ngọn lửa mà Đức Giê-su đã thắp lên trong thế gian và mang ánh lửa ấy đến cho tất cả mọi người, đến tận cùng trái đất”. Thật vậy, trong đêm lễ Vọng Phục Sinh, tại các nhà thờ đây đó trên khắp thế giới, chúng ta chứng kiến những anh chị em dự tòng trưởng thành được lãnh nhận Bí tích Khai Tâm (Rửa Tội, Thêm Sức, Rước Lễlần đầu), được trở nên con cái của Chúa, được gia nhập Giáo Hội, trở thành người đồng hành đức tin với chúng ta. Thiết nghĩ, trong số ấy, có nhiều người vì hoàn cảnh này hoàn cảnh khác chưa dám bỏ mình theo đạo; nhưng nhờ gương sáng chứng nhân nơi anh chị em Ki-tô hữu, cuộc gặp gỡ đổi đời, họ cảm nhận dãi ánh sáng trong tâm trí, dần dần tìm hiểu học đạo, và tự quyết bước theo chân Chúa. Cũng trong đêm Vọng Phục Sinh này, họ được bước vào cung lòng ánh sáng chan hòa của Chúa; họ vui mừng kín múc hồng ân trở nên thụ tạo mới; họ được lãnh nhận đức tin và can đảm sống chứng tá suốt quảng đời còn lại. Vì vậy, bóng tối vô thần nhường bước cho ánh sáng Phục Sinh; bóng đêm vô tri ngã gục trước ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa!
Bên cạnh đó, đã là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những giây phút yếu đuối, tội lỗi; những ‘đêm tối, u mê’ giữa dòng đời. Lắm lúc, chúng ta ngã lòng, ‘nhắm mắt đưa chân’ hoặc muốn buông trôi; nhiều khi chán chường vì biết bao kẻ lòng dạ ác tâm nhận chìm chơi vơi giữa biển đời tăm tối chông chênh, v.v… Những khoảnh khắc này, chúng ta không khỏi chán nản, nhục chí, bỏ cuộc!Tuy nhiên, Mầu Nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh vực chúng ta trỗi dậy, đưa chúng ta ra khỏi đại dương tăm tối, cứu chúng ta đang hì hục ngụp lặn giữa dòng chảy siết trần ai, nâng đỡ chúng ta kiên vững, giúp chúng ta vượt qua tình trạng ngã lòng; vì chưng sau cùng, ánh sáng Phục Sinh sẽ đẩy lùi bóng đêm sự chết, và Chúa Ki-tô khải hoàn vinh quang là nguồn cứu độ cho chúng ta. Bởi vậy, từ đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội hân hoan cất lên bài ca Hal-lê-lui-a (Tạ ơn Thiên Chúa!). Ước gì bài ca Hal-lê-lui-a vang mãi trong đời sống đức tin của mỗi chúng ta, như Thánh Phao-lô Tông Đồ từng mời gọi giáo đoàn Phi-líp-phê đang khi ngài bị giam giữ: “Anh (chị) em hãy vui lên. Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh (chị) em hãy vui mừng luôn trong Chúa” (Pl 3, 1).
Ôi đêm hoài mong trở thành đêm hồng ân; đêm chờ trông trở nên đêm khải hoàn! Lời tiên báo từ xa xưa của ngôn sứ I-sai-ah đã thành sự nơi Con Thiên Chúa Phục Sinh ‘ngay hôm nay và bây giờ’ (hic et nunc; here and now): “Mặt trời của ngươi sẽ không lặn và mặt trăng sẽ không còn khuyết, vì Thiên Chúa là ánh sáng vĩnh tồn của ngươi và sẽ chấm dứt những ngày tang tóc của ngươi”  (Is 60, 20).
Ánh sáng Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa!
Ánh sáng Chúa Phục Sinh, chúc tụng Chúa!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 3
SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH

St 1,1.26-31a;Xh 14,15-15,1a; Ed 36,16-17a18-28; Rm 6,3-11; Mt 28,1-10

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 28,1-10
(1) Sau ngày sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló dạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. (2) Và kìa, đất rung chuyển dữ dội, Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên. (3) Diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. (4) Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. (5) Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. (6) Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, (7) rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: “Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. (8) Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. (9) Và kìa Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. (10) Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.
2. Ý CHÍNH:
Vào lúc bình minh ngày thứ nhất trong tuần, do lòng mến thôi thúc, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà Ma-ri-a khác đã cùng đi thăm mồ Đức Giê-su. Nơi đây, các bà đã chứng kiến một trận động đất và cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy thiên thần hiện ra. Thiên thần đã trấn an các bà và loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su đã phục sinh. Thiên thần còn trao cho các bà sứ mệnh: hãy loan báo Tin Mừng ấy cho các tông đồ. Các bà vui vẻ thi hành và sau đó các bà còn được chính Chúa Phục Sinh hiện ra. Một lần nữa, Người lại trao sứ mệnh cho các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (10).
3. CHÚ THÍCH:
– C 1-3: + Sau ngày Sa-bát: Về thời gian các bà ra thăm mộ Chúa thì có người cho rằng vào lúc chập tối thứ bảy, tức là bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng hầu hết các ý kiến đều dựa theo Tin Mừng Lu-ca và Mác-cô để quả quyết rằng: các bà đến thăm mộ vào lúc tảng sáng ngày đầu tuần, tức là lúc mặt trời sắp mọc (x Lc 24,1). + Bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a: Đây là những phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Đức Giê-su (x Mt 27,61). Khi ghi lại việc đến mộ này, Mát-thêu nhằm nhấn mạnh các bà như là nhân chứng của mầu nhiệm Phục Sinh, đang khi Mác-cô và Lu-ca lại trình này khía cạnh nhân bản: ra thăm mộ và mang theo dầu thơm để tiếp tục công việc ướp xác Đức Giê-su (x Mc 16,1; Lc 24,1). + Đất rung chuyển dữ dội: Chỉ Tin Mừng Mát-thêu ghi lại chi tiết “đất chuyển mạnh” như câu này và ”màn Đền Thờ bị xé, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung” xảy ra sau khi Đức Giê-su trút linh hồn trên cây thập giá (x. Mt 27,51-52). Những sự kiện này đều tiên báo cho “Ngày của Đức Chúa” do các Ngôn sứ đã tuyên sấm (x Is 26,19; Ed 37,12; Đn 12,2). + Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên: Tảng đá được lăn ra ở đây có thể là do đất động, nhưng đã được gán cho thiên thần. Việc thiên thần xuất hiện lăn tảng đá và ngồi lên trên, cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa đã chiến thắng mọi dự tính của con người, khi họ muốn chôn Đức Giê-su và công trình cứu độ của Người trong mồ đá (x Mt 27,66). + Diện mạo Người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết: Vẻ sáng láng của diện mạo và y phục trắng như tuyết là đặc điểm của cuộc thần hiện trong Thánh Kinh. Chẳng hạn: Trong sách Đa-ni-en, dung mạo Con Người giống như ánh chớp (x Đn 10,6), áo của Đấng Lão Thành trắng tinh như tuyết (x Đn 7,9), và khi biến hình, dung mạo Đức Giê-su cũng chói lọi như mặt trời, y phục Người trắng tinh như ánh sáng (x Mt 17,2).
– C 4-7: + Thấy người, lính canh khiếp sợ: Sự xuất hiện của thiên thần làm cho lính canh hoảng sợ, vì được tiếp xúc với thế giới thần thiêng, giống như các Tông đồ đã từng khiếp sợ khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông giữa đêm khuya (x. Mt 14,26). + Các bà đừng sợ: Thiên thần trấn an các bà. Lính canh phải sợ hãi chứ các bà việc chi phải sợ ! + Các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh: Có sự song đối giữa “Đấng bị đóng đinh” với Tin Mừng “Người đã chỗi dậy”, hầu ứng nghiệm lời Người đã tiên báo là sẽ “Qua đau khổ để vào vinh quang” (x. Mt 16,21). + Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm: Các phụ nữ này được mời đến kiểm chứng nơi Đức Giê-su đã nằm để thấy lời thiên thần nói là xác thực. + Rồi mau về nói với môn đệ Người: Các bà được vinh dự nhận trách nhiệm mang sứ điệp Chúa Phục Sinh cho các môn đệ (x Mc 16,7). Ở đây Mát-thêu nhấn mạnh vì là sứ điệp quan trọng, nên các bà phải lập tức thi hành. + Và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông: Thiên thần nhắc lại lời tiên báo của Đức Giê-su về việc Người sẽ từ cõi chết sống lại và sau đó thiên thần còn cho biết Người hẹn sẽ gặp lại các ông tại xứ Ga-li-lê (x Mt 26,32).
– C 8-10: + Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng: Các phụ nữ tuy sợ nhưng lại rất phấn khởi, và lập tức thi hành sứ mệnh được trao phó. + Chào chị em: Lời chào nói lên niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại, giống như lời sứ thần Gáp-ri-en chào khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a (x Lc 1,28). + Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người: Cử chỉ bái lạy để biểu lộ đức tin trước đó đã được nhiều người thể hiện với Đức Giê-su (x Mt 8,2; 9,18; 14,33). Nhưng ở đây được các bà làm cách trang trọng, kèm theo cử chỉ hôn chân biểu lộ lòng yêu mến kính phục của môn đệ được gặp lại Thầy sau những ngày buồn sầu thất vọng. + Chị em đừng sợ: Đây là lời trấn an của Chúa dành cho các môn đệ đang bị khiếp sợ khi phải đối diện với thần thiêng.
4. HỎI ĐÁP: Chúa PS đã hiện ra mấy lần với các môn đệ trước khi lên trời ?
ĐÁP:
Về các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh thì các Tin Mừng không nhất trí với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là các tác giả Tin Mừng đều không muốn kể lại toàn bộ các lần Chúa đã hiện ra sau khi từ cõi chết trỗi dậy. Ta chỉ có thể so sánh giữa nhiều đoạn văn của Tân Ước với nhau, để phỏng đoán: trong thời gian bốn mươi ngày trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần chứ không phải chỉ vài ba lần như đã được kể lại (x Cv 1,8; 13,31; 1 Cr 15,3-8). Riêng Mát-thêu, vì viết theo lối giản lược, nên đã bỏ qua nhiều hoàn cảnh và nhiều chi tiết cụ thể các lần Chúa hiện ra trước đó, mà chỉ muốn nhấn mạnh sự kiện Chúa Phục sinh tại Ga-li-lê để chính thức sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng mà thôi (x. Mt 28,16-20).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người” (6b-7).
2. CÂU CHUYỆN:
1) BÉ SƠ SINH CHẾT ĐƯỢC SỐNG LẠI NHỜ LỜI CẦU NGUYỆN:
Vào tháng 10 năm 1995, tại vùng Hồ Lớn ở miền Đông Bắc nước Mỹ, giáp ranh với Ca-na-đa, một câu chuyện xảy ra làm sửng sốt nhiều người: Một bé sơ sinh đã chết và sau đó nhờ lời cầu nguyện của cha mẹ và người thân, đã được Chúa cho sống lại như sau:
Bà TAN-MƠ (Tanmer) mẹ của bé RƠ-GHEO (Reugel) xúc động, kể lại như sau: “Đây là một món quà của Thiên Chúa đã ban cho gia đình tôi. Khi mới mang thai Rơ-gheo, mọi chuyện đều diễn ra bình thường. Các bác sĩ đã theo dõi tôi chặt chẽ, vì cháu lớn của tôi đã từng bị chết khi vừa ra đời. Qua kết quả kiểm tra thai nhi ngay trước khi lọt lòng mẹ thì tim cháu vẫn đập bình thường. Thế nhưng chỉ ít phút sau, cháu đã ra đời trong tình trạng tim bị ngừng đập. Lập tức các bác sĩ đã tìm cách cấp cứu, nhưng sau khi làm hết cách mà vẫn không kết quả, họ đành chịu bó tay, và ra lệnh cho hộ lý vào lau rửa và bọc cháu trong một chiếc khăn lông, rồi đặt nằm trong nôi để cha mẹ và các người thân vào chào từ biệt, trước khi nhà đòn đến liệm xác cháu rồi đem đi chôn. Bấy giờ cả gia đình tôi đều rất đau khổ. Bà ngoại là người cuối cùng bế cháu trong lúc mọi người sốt sắng cầu nguyện xin Chúa cho cháu được sống lại. Ít phút sau, bà ngoại phát hiện ra cháu vừa nấc lên một cái và thở mạnh. Bà nói to trong niềm vui: “Ồ, cháu tôi đang thở rồi này !”. Tiếng cầu kinh im bặt. Mọi người hồi hộp chạy lại gần. Bấy giờ bác sĩ trực đang ở gần đó vội chạy đến dùng ống nghe kiểm tra cháu và xác nhận cháu đã thực sự sống lại rồi. Ít phút sau phòng của bé đầy ắp người. Ai nấy đều ngạc nhiên chứng kiến sự kiện lạ lùng này trong niềm vui hân hoan khôn xiết.
2) ĐÁNH TAN BÓNG TỐI TỘI LỖI BẰNG ÁNH SÁNG TIN YÊU:
Một hôm JOHN KELLER, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại sân vận động Thành Phố Los Angeles Hoa Kỳ. Đang diễn thuyết, diễn giả bỗng dừng lại và nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”. Sau đó đèn tắt và sân vận động chìm trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi vừa đốt lên thì hãy kêu lớn: “Đã thấy!”. Sau đó một que diêm được bật lên và cả sân vận động đều vang lên tiếng hô: “Đã thấy!”. Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm, cũng sẽ chiếu sáng trong bóng tối của nhân loại như vậy”.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại vụt tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang diêm quẹt hay bật lửa, xin hãy đốt cháy lên!”. Bỗng chốc cả sân vận động rực sáng. Ông John Keller kết luận: “Nếu mọi người chúng ta đều hợp lực cùng nhau, sẽ có thể chiến thắng bóng tối sự dữ và sự oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng nhân ái của chúng ta”. Làm như thế, John Keller muốn gửi đến mọi người một sứ điệp: “Mỗi người là một cây đèn, cần phải được thắp sáng lên”. Nếu một ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy sáng, thì thế giới đang bị tối tăm bao trùm này sẽ bớt đi phần tăm tối. Nếu mọi tín hữu Ki-tô đều thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu bằng các việc bác ái yêu thương phục vụ tha nhân, thì thế giới này sẽ nhận biết và tin yêu Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
3. SUY NIỆM:
1) ÁNH SÁNG PHỤC SINH XUA TAN BÓNG TỐI SỰ CHẾT:
Phụng Vụ Lễ Vọng Phuc Sinh khởi đầu bằng nghi thức làm phép lửa mới và thắp nến Phục Sinh, nói lên cuộc vượt qua của Đức Giê-su từ bóng tối tử thần đến ánh sáng Phục Sinh. Đức Giê-su chính là Ánh Sáng như Người đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Ánh sáng đó đã được diễn tả trong nghi thức trước thánh lễ Vọng Phục Sinh hôm nay.
Lúc đầu, bóng tối bao trùm không gian nhà thờ khi các ngọn đèn đều tắt hết. Sau khi Chủ Sự làm phép lửa mới ở cuối nhà thờ, Linh mục đã dùng lửa này để thắp sáng cây nến Phục Sinh, và sau đó là nghi lễ rước nến Phục Sinh. Trong cuộc rước, Chủ sự cầm nến Phục Sinh lần lượt công bố ba lần: “Ánh Sáng Chúa Ki-tô”. Lần thứ nhất công bố ngay sau nghi thức làm phép lửa mới và mọi người đáp: “Tạ ơn Chúa”. Lần thứ hai công bố khi Chủ sự bước vào cửa chính cuối nhà thờ, và nến Phục Sinh được rước từ cuối nhà thờ đi lên cung thánh. Chủ Sự cầm cây nến cháy sáng đi đến đâu thì sẽ mồi lửa cho người đứng ở đầu các hàng ghế, người này sẽ mồi lửa sang người bên cạnh. Ánh sáng Phục Sinh dần dần lan tỏa ra cả nhà thờ. Khi rước nến Phục Sinh tới Cung Thánh, Chủ Sự sẽ quay xuống cộng đoàn long trọng công bố lần thứ ba. Bấy giờ toàn bộ ánh sáng trong nhà thờ được bật lên. Niềm vui Phục Sinh tiếp tục được thể hiện cách đầy đủ trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh “Mừng Vui Lên” hay “Exultet”.
2) SỐNG ĐỨC TIN VÀO MẦU NHIỆM PHỤC SINH:
Nhiều người chúng ta vẫn đang ở trong nấm mồ tội lỗi, vẫn muốn ở lì trong con người cũ cùng với các thói hư, khiến chúng ta chưa đón nhận được niềm vui của Chúa Phục Sinh. Cuộc sống của nhiều người chúng ta còn bị đè nặng bởi sự gian dối, ham mê tiền bạc của cải vật chất, khiến chúng ta không thể trở thành người loan báo tin vui phục sinh cho tha nhân chung quanh. Cuộc sống của nhiều gia đình tín hữu đang bị đè nặng bởi sự cãi vã, bị trói buộc bởi những giận hờn ganh ghét ích kỷ, khiến cuộc sống gia đình luôn bị căng thẳng. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi những nấm mồ tối tăm ấy, để đón nhận ánh sáng phục sinh của Chúa. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Thánh Thần sẽ làm cho cuộc đời chúng ta tràn ngập niềm vui Phục Sinh.
Mỗi tín hữu không thể tuyên xưng Chúa đã phục sinh với khuôn mặt buồn rầu thất vọng. Chúng ta không thể nói về Chúa Phục Sinh khi lời nói và hành động của chúng ta thiếu sự bao dung cảm thông với nỗi đau của anh chị em chung quanh mình.
Cũng vậy, niềm tin vào Chúa Phục Sinh phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta canh tân đổi mới nếp sống của bản thân và gia đình mình, đem lại cho môi trường mình đang sống một sức sống mới. Hãy phá bỏ đi tảng đá của sự giận hờn thù oán đang đè nặng cuộc sống chúng ta, để chúng ta bước đi trong ánh sáng tin yêu của Chúa.
3) HĂNG SAY LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH CHO THA NHÂN:
Phiến đá trấn ngoài cửa mộ đã không thể cầm hãm được Đức Giê-su phục sinh. Những băng vải và khăn liệm đã không thể trói buộc được Người tiếp tục ở trong mồ đá. Sự sống đã chiến thắng thần chết. Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối âm u. Tình yêu đã toàn thắng d ù trước đó đã bị hận thù nuốt trửng ! Niềm vui Phục sinh sẽ là quà tặng bất ngờ cho chúng ta giống như Ma-ri-a Mác-đa-la đã nhận được niềm vui khi gặp Chúa Phục Sinh ở bên cạnh mồ Chúa; Như các môn đệ đã vui mừng khi gặp lại Chúa tại xứ Ga-li-lê. Điều quan trọng là chúng ta hãy noi gương Ma-ri-a Mác-đa-la, sau khi gặp Chúa Phục Sinh đã hăng hái đi báo Tin Mừng cho các Tông đồ. Còn chúng ta hôm nay sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho những anh em bệnh tật, nghèo đói, những người đang bị đau khổ thất vọng và mất niềm tin ?
4. THẢO LUẬN: Cụ thể trong mùa Phục Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ phải làm gì để làm chứng Chúa đã Phục Sinh cho những người bên cạnh mình?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin gia tăng lòng mến trong chúng con. Chính nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng con sẽ mau mắn đi tìm Chúa nơi Sách Thánh, trong Thánh lễ và sẽ nhận biết Chúa đang hiện diện trong những người bệnh tật đau khổ, qua các biến cố may rủi xảy ra trong cuộc sống đời thường của con. Nhờ đó, chúng con sẽ vui tươi phấn khởi và nhiệt thành loan báo Tin Mừng Phục Sinh noi gương Ma-ri-a Mác-đa-la và các Tông đô khi xưa.- AMEN.

LM ĐAN VINH –  HHTM

================= 
Suy niệm 4
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 20,1-9
(1) Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?”. (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh,  Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
2. Ý CHÍNH:
Gio-an viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng  Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (ga 20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.
3. CHÚ THÍCH:
– C 1: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần lễ có bảy ngày. ngày Thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát và bắt đầu một tuần lễ. Về sau, Giáo Hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày Thứ Nhất, nên gọi là ngày Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. +sáng sớm… lúc trời còn tối: Về thời gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những diễn tả hơi khác nhau: Ở đây Gio-an viết: “Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (x. Ga 20,1); Còn Mát-thêu viết: “Sau ngày Sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28,1); So với Mác-cô: “Sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (x. Mc 16,2) ; Riêng Lu-ca lại viết: “Ngày Thứ Nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc 24,1). + Ma-ri-a Mác-đa-la: Mác-đa-la là một thị trấn nằm trên bờ phía tây biển hồ Ghen-nê-xa-rét. Là quê của bà Ma-ri-a. Bà đã từng bị 7 quỷ ám trước khi theo Chúa Giê-su (x. Lc 8,2). Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28,1; Lc 24,10). Trước đó, bà đã can đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56) và đã chứng kiến hai môn đệ mai táng Thầy trong mồ (x. Mt 27,61; Mc 15,47).
– C 2: + Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô: Câu này nói lên vai trò quan trọng đặc biệt của Phê-rô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Ma-ri-a Mác-đa-la cần phải báo cáo với ông trước tiên về việc xác Thầy biến mất. + Và người môn đệ Đức Giê-su thương mến: Cách nói “môn đệ Đức Giê-su thương mến” là kiểu nói riêng trong Tin Mừng Gio-an. Đây là cách tác giả nói về mình một cách khiêm tốn khi không muốn nhắc đến tên của mình. + Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết: Khi thấy mồ trống, Ma-ri-a Mác-đa-la không nghĩ đến việc Chúa sống lại như nhiều lần Người đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự nhiên để cho rằng ai đó đã đến mang xác Thầy ra khỏi mồ. Từ “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ Ma-ri-a không đi ra mộ Chúa một mình mà đi chung với mấy bà khác nữa (x. Mt 28,1).
- C 3-4: + Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ: Khi được các phụ nữ báo tin mộ trống và xác Thầy biến mất, hai môn đệ nòng cốt là Phê-rô và Gio-an liền tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực hư. điều đó cho thấy lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. + Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước: Lý do Gio-an chạy nhanh hơn và đến mộ trước Phê-rô đơn giản là vì ông trẻ hơn nên khỏe và chạy nhanh hơn Phê-rô, và có lẽ cũng vì nôn nóng do yêu mến Thầy nhiều hơn.
– C 5-6: + Băng vải còn ở đó: Đây là tấm vải lớn bao bọc toàn thân Đức Giê-su. Khăn này theo truyền thuyết còn được lưu giữ tại nhà nguyện thánh Gio-an ở Tu-ri-nô miền Bắc nước Ý. + Nhưng không vào: Gio-an không vào có thể do ông tôn trọng và nhường cho Phê-rô là đàn anh vào trước mình. Nhưng đúng hơn có lẽ do ông cảm thấy bàng hoàng trước sự kiện cửa mồ rộng mở và mải lo suy nghĩ về những tấm khăn để lại, đủ thời gian cho Phê-rô theo sau kịp chạy đến nơi. + Si-mon Phê-rô … vào thẳng trong mộ: Phê-rô tính nóng nảy nên lập tức bước vào trong mộ.
– C 7-9: + Và khăn che đầu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi: Bên trong mộ các khăn liệm xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp La-da-rô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,43-44). Điều này cho thấy Đức Giê-su không cần ai giúp đỡ khi trỗi dậy ra khỏi mồ. Người đã có thể tự lăn tảng đá che kín mộ ra thì cũng có thể tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn để lại cho Gio-an thấy Thầy Giê-su đã thực sự sống lại. Vì không kẻ trộm nào lại bỏ công sức và thời gian để làm một việc vô ích là cởi các dây vải ra và xếp gọn để vào một chỗ rồi mới đem xác trần đi cả ! + Ông đã thấy và đã tin: Dấu chỉ ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác được xếp gọn lại đã giúp Gio-an suy luận và đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết: Trước khi thấy các dấu chứng vừa nói thì Gio-an và các tông đồ đều không tin Thầy các ông sẽ sống lại, dù Người đã báo trước  ba lần (x. Mt 16,21; 17,23; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng như mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng được cuộn lại riêng một chỗ, thì các ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và tin Người đã thực sự sống lại (x.Tv 16,10; Tv 2,7; Hs 6,2).
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao ngày nay người ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật ? 2) Về thời điểm bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra thăm mộ Chúa, so sánh bản tường thuật của 4 tác giả Tin Mừng khác nhau thế nào ? 3) Bạn biết gì về thân thế của bà Ma-ri-a Mác-đa-la ? 4) Bà đã báo tin xác Thầy biến mất cho ai ? Tại sao ? 5) Qua câu nói với Phê-rô và Gio-an, bà Ma-ri-a Mác-đa-la có tin việc Thầy Giê-su đã phục sinh hay không ? 6) Hành động chạy nhanh ra mộ của Phê-rô và Gio-an cho thấy tinh thần trách nhiệm của 2 ông thế nào ? 7) Tại sao Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô ? 8)Tại sao ông Gio-an đến mộ trước Phê-rô mà không vào bên trong mộ ngay ? 9) Khi thấy hiện tượng mộ trống, băng vài và khăn che đầu được xếp gọn, hai ông đã tin gì về mầu nhiệm Đức Giê-su sống lại ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).
2. CÂU CHUYỆN:
1) VỀ SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH:
Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn Người vẫn còn mang những dấu tích đau thương từ những cây đinh nhọn và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã lên tiếng hỏi Đức Giê-su rằng: “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra ?” Người đáp: “Đúng vậy !” Thiên thần hỏi tiếp: “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay các tội lỗi của họ không ?” Chúa trả lời: “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói: “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó ?”  Chúa đáp: “Ta lại đi loan báo Tin Vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng cứu độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người và nghi ngờ họ nên hỏi tiếp: “Giả như Phê-rô, Gio-an và các Tông đồ quên thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao ? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ gian ác mà chán nản buông xuôi thì sao ? Chúa có lập thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa thôi ?” Chúa Giê-su trả lời: “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người thường nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh Thần Khí của Ta cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.
2) ĐƯỢC PHỤC SINH NHỜ SỐNG THEO LỜI CHÚA DẠY:
Cuốn phim “Chiếc cầu sông Quai” diễn tả câu chuyện phục sinh tại một trại tù như sau:
Vào thời đệ nhị thế chiến, những người lính đồng minh bị quân đội Nhật bắt làm tù binh, được đem tới vùng biên giới Miến Điện và Thái Lan để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển vũ khí. Cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt. Họ bị cưỡng bức lao động dưới cái nóng như đổ lửa, có khi lên tới những 49 độ. Họ bị đối xử một cách tàn thệ. Chính cuộc sống khắc khổ này đã làm cho họ trở nên những con người độc ác. Họ cư xử với nhau bằng luật rừng « Mạnh được yếu thua », trộm cắp, nghi ngờ và làm tay sai chỉ điểm nhau cho bọn lính cai tù.
Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra: Có hai tù nhân nọ, đã tổ chức cho những bạn tù của mình thành một nhóm học hỏi Lời Chúa. Và nhờ sự học hỏi này, mà Lời Chúa bắt đầu thấm vào tâm hồn họ, để rồi chính họ khám phá ra Đức Ki-tô đang sống giữa họ. Ngài hiểu và cảm thông với nỗi đau của họ, bởi vì Ngài cũng đã từng sống vất vả, đã từng chịu cảnh đói khát mệt mỏi, đã từng bị môn đệ phản bội và đã từng bị bọn lính Rô-ma đánh đòn... Từ đó, tất cả những lời Đức Giê-su nói và những việc Ngài làm đều mang một ý nghĩa mới và trở nên sống động đối với các tù nhân. Họ không còn nghĩ mình là nạn nhân của một cuộc chiến dã man. Họ không còn chỉ điểm và trộm cắp của nhau, nhưng đối xử với nhau bằng tình thương yêu và nhất là họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau.
Từ đó, trong trại tù thỉnh thoảng có những tiếng hát vui tươi thay cho sự thinh lặng căng thẳng, giống như sự khác biệt giữa cái chết và sự phục sinh. Nói cách khác, sự biến đổi xảy ra trong trại tù chính là một lễ phục sinh, là một phép lạ làm cho họ tin tưởng lẫn nhau thay vì nghi ngờ nhau. Làm cho họ biết chia sẻ với nhau thay vì trộm cắp. Làm cho họ biết giúp đỡ nhau thay vì tìm cách chỉ điểm làm hại lẫn nhau.
3) TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT:
Một cuốn phim mang tựa đề “Thế Giới Trong Tăm Tối” diễn tả câu truyện về một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức một cuộc khai quật khoa học ở Giê-ru-sa-lem.
Ngọn đồi Gôn-gô-tha được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và các hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò khám xét kỹ lưỡng. Vì theo Tin Mừng Thánh Gio-an, xác của Chúa Giê-su được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị án tử hình Thập giá. Sau bao công khó đào bới khám xét, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố: “Tôi đã tìm được xác ông Giê-su”. Rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, quy tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào bới khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mặt mọi người một xác người đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra là tay chân của xác người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu và cả những dấu chứng tỏ thân xác ấy bị nhuốm máu qua những vết in trên tấm khăn liệm xác.
Cuốn phim quay lại cảnh mọi người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố. Tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng: “Đây là sự thật hiển nhiên. Ông ta bị đóng đinh, đã chết và đã được táng xác” và nhà khảo cổ tiếp lời: “Vâng, đúng thế, bị đóng đinh, chết và được an táng. Nhưng làm gì có chuyện Phục Sinh, bởi vì xác ông ta vẫn còn nằm đây”.
Tiếp đến, cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giê-su:
Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.
Một linh mục tắt đèn Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nhà thờ.
Chuông các thánh đường im tiếng.
Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.
Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống.
Đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt.
Thế giới chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc với cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận: “Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm giả xác của ông Giê-su và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi khởi sự cuộc đào bới tìm kiếm này”.
Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến ngôi mộ thánh ở Giê-ru-sa-lem như chúng ta chứng kiến hàng năm trong Tuần Thánh. Những ngọn nến được thắp lên và các tín hữu mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng đi khắp nơi soi sáng con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin Chúa Giê-su đã Phục Sinh: Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết.
3. SUY NIỆM:
Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau:
1) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MA-RI-A MÁC-ĐA-LA ĐI TÌM CHÚA:
Niềm vui Phục Sinh khởi đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi thăm mộ ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mộ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như chính lòng mến đã làm cho bà thêm can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (x. Mt 27,61), thì giờ đây lòng mến đó lại thôi thúc bà cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để ướp xác Thầy theo phong tục Do thái (x. Mc 16,2). Khi thấy mộ trống, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ thì ai đó đã đến lấy mất xác Thầy và bà không biết họ đã để Thầy ở đâu (x. Ga 20,13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được xác Thầy để mang về chôn lại trong mộ mà thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Ma-ri-a lại quay ra mộ mà than khóc. Trong lần ra mộ thứ hai này, bà đã trở thành người đầu tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ vụ đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ như sau: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
2) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ GIÚP GIO-AN NHẬN BIẾT CHÚA PHỤC SINH:
Gio-an là một trong bốn môn đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,21). Là một trong ba môn đệ được chứng kiến Thầy biến hình (x Mt 17,1) và cũng là người môn đệ được Thầy yêu mến nhất (x Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc ông, làm cho ông trở thành người can đảm hơn cả: Không bỏ chạy như các môn đệ khác, nhưng âm thầm theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo và đời; Can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Thầy trăn trối Đức Ma-ri-a làm Mẹ của mình và đón Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Thầy (x Ga 19,27). Cũng do tình yêu thôi thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (x Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn 0và đạt đến đức tin trước Phê-rô (x Ga 20,8).
3) CHÍNH LÒNG MẾN LÀM PHÊ-RÔ ĐƯỢC TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN:
Phê-rô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (x. Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được nhìn thấy Thầy biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), được chứng kiến phép lạ Người cho bé gái mới chết sống lại (x Lc 8,51), được ở gần Đức Giê-su khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng,  Đức Giê-su thường đến ở trọ tại nhà ông Si-mon Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (x Mc 1,29). Có lần Phê-rô đại diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc, và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vào Đức Giê-su vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ông còn được  trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22,31-32). Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng chấp nhận con đường thập giá (x Mt 16,22-23), hoặc có lúc ông đã bị Thầy trách kém lòng tin (x Mt 14,31) hay trách khi ông không muốn cho Thầy rửa chân (x Ga 13,6-8). Phê-rô còn bị trách khi quá tự tin vào sức riêng của mình (x Mt 26,33-35). Nhất là ông đã tỏ ra hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75).
Nhưng bù lại Phê-rô đã có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Thầy làm nghề chài lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng thường được Đức Giê-su hỏi ý kiến như: Thầy trò có nên nộp thuế Đền thờ không ? (x Mt 17,24-27). Có lần ông hỏi ý Đức Giê-su về số lần phải tha thứ cho anh em (x Mt 18,21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên xưng đức tin và thề quyết trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6,68-69). Ông can đảm rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế khi chúng đến bắt Thầy (x Ga 18,10). Ông không chạy trốn như các ông khác mà đi theo Gio-an theo dõi diễn tiến tòa án xét xử Thầy (x Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô cùng Gio-an chạy ra mộ để kiểm chứng thực hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy sống lại chứ không bị kẻ trộm lấy xác (x Ga 20,8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước anh em Nhóm Mười Một (x Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Khi được Gio-an mách bảo Người mặc áo trắng đứng trên bờ hồ là Thầy, Phê-rô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào bờ để mau được gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao cho sứ vụ chăn dắt chiên con chiên mẹ và chăn dắt cả đàn chiên là Hội Thánh (x Ga 21,15-17). Ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho thầy (x Ga 21,18-19).
4) THỰC HÀNH ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN HÔM NAY:
Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, ra thăm mộ đầu tiên và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao cho sứ vụ loan Tin Mừng cho các tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của Gio-an đã làm cho ông nhận ra Thầy trước anh em và thấy được ý nghĩa của những sự kiện dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lòng mến  cũng làm cho ông Phê-rô luôn gắn bó mật thiết với Thầy, hy sinh mọi sự để đi theo làm môn đệ của Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã sớm hồi tâm sám hối trở về và được Thầy tín nhiệm đặt làm Đá Tảng đức tin, có nhiệm vụ củng cố đức tin cho các anh em (x Lc 22,32), và còn được Chúa Phục Sinh trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh.
Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để ta khỏi bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại trên đường đời. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất hoặc những người thân yêu nhất của mình không còn, chúng ta thường chạy đôn chạy đáo đi tìm người chết trong nước mắt đau thương như Ma-ria Mác-đa-la xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống đã trỗi dậy từ cõi chết; Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần;Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Ki-tô sẽ được Hội Thánh loan báo đi khắp thế gian như lệnh Người truyền trước khi lên trời (x Mt 28,19).
4. THẢO LUẬN:
Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, hy vọng Người sẽ kíp thời giải cứu và giúp bạn mau trỗi dậy ?
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, lại vừa lôi cuốn chúng con hướng tâm hồn lên cao để nhận ra giá trị tương đối của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… hầu noi gương các thánh: chúng con sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy, để quyết dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ thua thiệt… vì xác tín rằng: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.- AMEN.

LM ĐAN VINH –  HHTM

=================
Suy niệm 5
MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Ga 20, 1-9

Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Kitô Phục Sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chịu chết trên thập tự, và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đúng như thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của cúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14). Tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến Tin là nói đến Yêu, hay trái lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.
Với lòng mến sâu xa, Maria Mácđala đã ra viếng mộ Thầy Giêsu trước tiên,vào sáng sớm Chúa Nhật khi trời còn tối.Bà vô cùng kinh ngạc, vì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà nghĩ ngay đến việc người ta ăn trộm xác Thầy, và vội chạy về báo tin cho các môn đệ. Rất tiếc là chị đã để cho nỗi buồn khổ lấn át tâm trí,không nhận ra dấu chỉ ngôi mộ trống. Chị không thể tìm thấy xác Thầy trong ngôi mộ, mà sẽ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20, 11-17), ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài một quan niệm thường tình, hay sự bám níu vào một cách thế, một hình thức cố định nào đó.Chúng ta nhiều khi cũng hốt hoảng trước những tình thế trái ngang, khiến mất đi sự bình tĩnh sáng suốt để nhận ra sự thật đang hiển hiện.
Được tin, Phêrô và Gioan tức tốc chạy đến mồ. Gioan chạy nhanh hơn, nhưng khi tới nơi thì để cho Phêrô vào mộ trước. Dù chối Thầy, nhưng Phêrô vẫn là người đứng đầu trong anh em. Ông vẫn có một điều gì đó ưu việt hơn, khiến các đồng bạn vẫn thừa nhận ông là tông đồ trưởng sau cái vấp ngã nặng nề. Thật ra, sự yếu đuối là nhất thời, lòng đạo đức và bản chất chân thật của ông mới là điều quan trọng. Phêrô vào mộ nhìn thấy những băng vải vẫn để ở đó, nhưng khăn che đầu thì cuốn lại, xếp riêng ra một bên. Nhìn thấy ngôi mộ trống và các đồ khâm liệm, nhưng Phêrô cũng không đoán biết gì hơn.
Gioan vào mộ sau, ông cũng chỉ thấy những gì Phêrô đã thấy. Cũng như Maria Mácđala,ông rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức tin hướng dẫn, nên ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống, và các tấm khăn đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (Mt 9, 17). Đã quen sống gần gũi bên Thầy, nên khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, ông nhận ra cách thức hành động của Thầy, đồng thời với sự trầm tĩnh, ông nhớ lại những lần Thầy đã tiên báo về sự phục sinh. Ai quen sống thân tình với Chúa, tất nhiên sẽ có một cảm nhận nhạy bén hơn về sự hiện diện và cách hành động của Ngài.
Đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy mà qua dấu chỉ hữu hình, người ta nhận ra một thực tại vô hình. Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự hoảng hốt hay thất vọng trước những thất bại và đổ vỡ trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta cầntu tập cho mình có cái nhìn đức tin, để luôn sống bình an và lạc quan trong mọi tình cảnh.
Tuy nhiên, chính tình yêu mến Chúa mới dạy cho người ta có cái nhìn đức tin. Chính tình yêu mới làm cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu được điều mà người khác không hiểu. Cùng đọc kinh, cùng tham dự thánh lễ, nhưng sự thấu hiểu và cảm nhận về Chúa với nhiều mức độ khác nhau. Có những người cũng chẳng cảm thấy gì hơn cho dù đãdự bao nhiêu lễ, rước Chúa bao nhiêu lần. Cuộc sống khác đi chỉ khi nào tâm hồn ta đầy tràn lòng tin mến Chúa.
Bản thân ta chỉ nhận ra bóng dáng Chúa Giêsu Phục Sinh, và trở nên nhân chứng của Chúa khi nào trái tim ta biết rung động sâu xa trước tình yêu Chúa trong cuộc đời mình. Yêu mến Chúa là một ân ban, nhưng phải bắt đầu từ sự khao khát mãnh liệt nơi lòng mình. Thiếu sự khao khát và tìm kiếm Chúa hằng ngày, mọi việc bổn phận trở nên khô khan, mọi hoạt động và ngay thánh lễ cũng trở nên nhàm chán, vì chẳng nhận ra điều gì sâu xa hơn, để ta làm mới hơn cuộc sống mình.
Tuy Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể nhiệm mầu, nhưng vẫn luôn có những dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa phục sinh ngay trong đời thường, qua những lúc vui buồn sướng khổ, và nhất là khi ta gặp cảnh tang thương, buồn sầu, thất vọng. Chúa vẫn luôn có mặt trên mọi nẻo đường đời. Cần có đôi mắt đức tin và lòng mến sâu xa để thấy Chúa đang hiện diện trong mọi giây phút của cuộc đời ta, để ta làm sáng lên đức tin và lòng mến nơi mọi người hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Mọi đau khổ sẽ trở nên vô ích,
mọi hy sinh sẽ trở thành vô dụng
nếu đau khổ không đưa tới vinh quang,
và hy sinh không đem về vinh thắng.

Cái chết cũng sẽ là một xúc phạm,
nếu không đưa tới cuộc sống sáng ngời,
và đời người cũng sẽ là vô nghĩa,
nếu nỗ lực vượt qua chẳng tới nơi.

Những mầu nhiệm quả thật là khó hiểu,
nhưng nơi Chúa con đã thấy mọi điều,
nên an vui trước khổ đau mình phải chịu,
cũng là dịp để con biết đền bù,
và sẵn sàng chết đi con người cũ,
để sống lại cùng với Chúa ngàn thu.

Lạy Đức Ki-tô Đấng đã Phục Sinh!
là chính Đấng cứu tinh cho nhân loại,
Ngài là Đường để đời con bước đi,
là Sự Thật để con luôn vững chí,
là Sự Sống để con biết yêu vì,
và Điểm Hẹn để ngày mai hạnh ngộ.

Xin cho con cảm nghiệm ơn phục sinh,
đang thấm nhập tâm hồn thân xác con,
đang luân chuyển trải qua từng biến cố,
đang sinh động trong từng dây liên hệ,
đang lan tỏa vào hoạt động nhân thế,
đang biến đổi đời sống của nhân trần.

Con hân hoan xin dâng lời cảm tạ,
trước mầu nhiệm phục sinh thật cao cả,
đã trở thành một khúc khải hoàn ca,
cho nhân loại nguồn sống mới chan hòa,
và đời con hôm nay được thánh hóa,
trong vui mừng tiến bước về nhà Cha. Amen.

Lm. Thái Nguyên

===================
Suy niệm 6
Chúa Giê-su sống lại khai sinh kỷ nguyên mới

Thế là cuối cùng, sau bao ngày chịu bắt bớ, xét xử, vu cáo, chịu đòn vọt rách nát thịt da; chịu vác thánh giá nặng nề lảo đảo tiến lên đồi sọ và phải ngã xuống nhiều lần; rồi lại phải chịu đóng đinh thân mình rất đỗi đau thương vào thập giá… Chúa Giê-su đã gục đầu tắt thở và được mai táng trong mồ.
Thế rồi, tảng đá lấp cửa mồ đã đóng lại; đóng lại lịch sử một đời người với bao việc diệu kỳ; chôn vùi một nhân vật được kỳ vọng đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.
Thế là hết! Còn đâu nữa ngày nắng đẹp khi Ngài ngồi trên núi giảng bài tám phúc giữa đám đông quần chúng! Còn đâu buổi chiều vàng trong hoang địa khi Ngài hoá bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn! Cũng chẳng còn bóng dáng Đấng quyền năng dùng lời đầy uy lực truyền cho sóng yên biển lặng! Chẳng còn con người kỳ diệu đã làm cho kẻ chết đội mồ sống lại, người phong hủi được chữa lành, người câm được nói, người điếc được nghe! Còn đâu nữa vị Ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và hành động phán bảo những lời vàng đem lại phấn khởi cho biết bao tâm hồn!…
Đức Giê-su đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.
Thế rồi điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra: Qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Ma-đa-lê-na đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, Chị hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa, Chị hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các vị nầy ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh.
Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Chúa Giê-su đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giê-su nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương quốc trường sinh.
Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Ngài là sự sống lại và là sự sống như đã từng khẳng định với chị em Mác-ta và Maria: "Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ." (Gioan 11,25)
Từ thời nguyên tổ phạm tội đến nay, tội lỗi thống trị và huỷ diệt sự sống con người. Con người vừa được sinh ra là đã mang án chết, như hoa còn đang nụ mà đã chớm lụi tàn; như nhộng chưa thành bướm mà đã phải tiêu vong… Mầm mống chết chóc hiện diện ngay giữa lòng đời và một sớm một chiều sẽ huỷ diệt sự sống. Lưỡi hái tử thần như đang kề cổ mọi người và cướp đi sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.
Thế rồi qua sự phục sinh vinh hiển, Chúa Giê-su đã mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của sự sống vĩnh hằng. Ngài đã thắng sự chết. Thần Chết phải buông khí giới quy hàng. Loài người không còn phải bị tiêu diệt bởi lưỡi hái tử thần nhưng đã được cứu sống bởi quyền lực của Chúa Giê-su phục sinh. Sự sống đã được khai thông. Cái chết đã bị đẩy lùi. Ngôi mộ không còn là điểm tận cùng của kiếp người nhưng là khởi điểm cho một đời sống mới. Cái chết không còn là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng trường sinh. Sự phục sinh của Chúa Giê-su đã xoá đi đêm dài tăm tối của kiếp sống đau thương để làm bừng lên bình minh của cuộc đời vĩnh cửu.
Xin mọi người hãy cùng cất cao lời ca tụng Đấng phục sinh và hãy đến cùng Chúa phục sinh để đón nhận cuộc sống hồng phúc Ngài ban tặng.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

==================
Suy niệm 7
NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH

Thế giới đảo điên trước tin đồn, tin nóng hổi, nào là người từ cõi chết trở về dương gian, người nằm trong mồ trỗi dậy về với gia đình trước sự bàng hoàng, hoảng sợ của gia luyến, người được xác quyết là đã lìa thế, nay lại trở về, v.v...Theo thói thường, con người chúng ta có xu hướng mong mỏi sự kiện, thông tin ‘shock’, thích bàn tán, bàn luận về ‘thế giế bên kia’, phép lạ này phép lạ kia, v.v... Thế thì, đứng trước niềm xác tín, lòng tin Chúa Ki-tô phục sinh, chúng ta có thái độ thế nào, và sống chứng tá ra sao
Trước tiên, chúng ta cùng tán tạ Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công vĩ đại và hân hoan chia san niềm vui Chúa Phục Sinh với nhau “Chúa đã sống lại thật rồi, Al-lê-lui-a”. Thiết nghĩ rằng lời chúc mừng này chính là động lực, niềm xác tín của đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Thánh Phao-lô đã từng khẳng định khi Ngài nói về sự phục sinh của Đức Ki-tô như sau: “Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy từ cõi chết, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng...và nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền...nếu chúng ta chỉ đặt niềm tin vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” (x. 1Cr 15, 14.17.19). Vì thế, niềm vui phục sinh là bài ca tán tụng Thiên Chúa, là kim chỉ nam cho đời sống chúng ta.
Thế nhưng, sự chiến thắng khải hoàn này, sự phục sinh này không phải nhờ vào công trạng, lòng đạo đức thánh thiện của riêng ta, mà đây chính là sự chiến thắng tử thần của Đức Giê-su Ki-tô, và nhờ vào lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa mà chúng ta được thông phần vào niềm hân hoan phục sinh của Chúa Ki-tô. Hơn nữa, một khi chúng ta kết hợp mật thiết với Ngài, đồng chịu tử nạn với Ngài, đóng đinh những sai lầm, tội lỗi, tính hư nết xấu của bản thân chúng ta, thì chúng ta sẽ được cùng sống lại với Ngài. Ngạn ngữ phương tây có câu: “Có bước qua con đường thập giá, mới nhận được vòng hoa phục sinh” (no cross, no crown). Thật vậy, lắm lúc, chúng ta mong muốn, hồ hởi đón nhận niềm vui, vòng hoa chiến thắng vinh quang, nhưng chúng ta chẳng muốn thông phần, chịu tử nạn, bước qua con đường hy sinh, dâng hiến ‘con đường thập tự’! Lắm lúc, chúng ta khước từ lời mời gọi ‘uống chén đắng’ với Thầy Giê-su trong mọi giây phút sinh hoạt hằng ngày, mà chỉ ước mong nhanh nhanh lãnh lấy triều thiên quang vinh!
Trong các bài đọc hôm nay, Chúa Ki-tô phục sinh mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy xác tín, tin vào Ngài, vì chỉ có Ngài là sự sống lại và là sự sống (x. Ga 11, 25). Thứ đến, hãy trở nên nhân chứng cho Chúa Ki-tô phục sinh qua mọi sinh hoạt, mọi nơi, mọi lúc, trong mỗi cử chỉ, lời ăn, lối suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách sống xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn, vì chúng ta là đoàn dân của Chúa Ki-tô phục sinh như chính ĐHY Luis Antôniô G. Tag-lê (trước kia là TGM Ma-ni-la, Phi-luật-tân; hiện tại là Chủ tịch Thánh Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc) đã xác tín khi ngài viết sách suy tư về ơn gọi cùng đích của người Ki-tô hữu, và sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo với tựa đề nguyên bản ‘The Church: The People of the Resurrection’ (tạm dịch: Giáo Hội: Tín Hữu của Niềm Tin Phục Sinh). Theo ngài, mỗi Ki-tô hữu là một chứng nhân của niềm hân hoan Phục Sinh, chứ chẳng phải là người ủ dột, buồn sầu. Người Ki-tô hữu là chứng tá sống động của Chúa Ki-tô Phục Sinh, chứ không phải là người vô cảm, vô hồn, chẳng màng đến sự thống khổ của đồng loại. Người Ki-tô hữu là những người con cưng của Giáo Hội luôn mang trong mình niềm tin Chúa Ki-tô Phục Sinh, luôn mặc lấy con người mới, con người của sự chia san, của sự quên mình, luôn nghĩ cho tha nhân, và đặt Chúa Ki-tô làm chủ, trung tâm đời sống của mình.
Tương tự bà Ma-ri-a Mag-đa-lê-na, với lòng trìu mến, gắn bó với Chúa Giê-su, và nhất là bà đã đặt Ngài làm chủ, làm trung tâm của mọi sinh hoạt của bà; thế nên, bà đã chiến thắng nỗi sợ sệt khi phải một mình ra mộ lúc trời còn tối (x. Ga 20, 1). Bà trở nên can đảm nhanh nhẹn chia san, loan truyền những gì bà cảm nghiệm, cảm nhận, và đón nhận từ Chúa Phục Sinh. Cũng như Phê-rô, Gio-an đã dật tung cánh cửa khép kín bởi nỗi sợ hãi mà ra khỏi con người cũ của mình, đến với niềm xác tín vào Chúa Phục Sinh, và trở nên chứng tá Tin Mừng “ông thấy và ông tin” (x. Ga 20, 9). Hơn nữa, như Phao-lô được mời gọi hoán cải từ một người bắt bớ, cấm cách tín hữu tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh, trở thành tông đồ nhiệt thành, sống và làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh “...Ngài đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Ngài đã được Thiên Chúa tôn vinh...” (x. Cv 10, 42). Chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của niềm tin Chúa Phục Sinh trong đời sống thường nhật, và cũng được thông phần vào sự hân hoan trọn vẹn mà Chúa Phục Sinh mang lại cho chúng ta, đó là ơn cứu độ, và chiến thắng sự chết.
Chúa đã sống lại thật rồi, Al-lê-lui-a! Chúng ta hãy hân hoan, mừng rỡ, chia san, thông truyền niềm vui Phục Sinh đến hết mọi người, mọi dân nước vì Chúa đã chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 8
Thế Giới đang rất cần Chúa Kitô Phục Sinh

(Mt 28, 1-10)

Sau những tuần ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, thực hành việc lành bác ái, giờ đây tới lúc Giáo Hội cùng với con cái mình hân hoan vui mừng công bố tin mừng Chúa Phục Sinh.
Ánh Sáng bừng lên trong đêm tối
Trước khi cử hành nghi thức Đêm Vọng Phục Sinh, toàn thể cộng đoàn chìm ngập trong bóng tối. Cảnh tối tăm này họa lại lịch sử nhân loại ở trong bóng tối của tội lỗi và của cái chết. Nghi thức làm phép Lửa bắt đầu, Nến Phục Sinh được thắp Lửa mới vừa được làm phép, tượng trưng Chúa Kitô, Ánh Sáng thế gian. Người đem lửa tình yêu cho nhân loại nhờ tác động của Chúa Thánh Thần để sưởi ấm vũ trụ và tâm hồn mỗi người. Ánh Sáng của Đức Kitô Phục Sinh bừng lên chiếu sáng nhân gian; muốn nói tội lỗi được xoá bỏ; sự chết chuyển thành sự sống với Đức Kitô đi từ cuộc tử nạn đến Phục Sinh.
Nến sáng được rước vào trong nhà thờ cùng với ba lần vị chủ sự cất lên “Ánh sáng Chúa Kitô” và cộng đoàn đáp  “Tạ ơn Chúa”. Từ trong bóng tối đêm đen, Nến Phục Sinh dẫn chúng ta bước vào ánh sáng. Mọi người cầm nến lấy Lửa từ Nến Phục Sinh để chia sẻ niềm vui với Giáo Hội và đón nhận Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian.Nến cháy sáng được đặt trang trọng và xông hương. Giáo Hội long trọng cất cao giọng công bố Tin Mừng Phục Sin: "Mừng vui lên".
 “Mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiên thần trên trời. Cùng vui lên, hỡi những thừa tác viên này… Và vui lên, toàn trái đất vui lên … tất cả vũ trụ đều hân hoan... Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh vui lên…khắp nơi trong cung điện này hòa vang lên ngàn muôn tiếng ca reo mừng của nhân trần”(x.Exsultet). Cả Trời Đất mừng vui. Mừng vui lên! Hỡi anh chị em!!! Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia.
Thiên Thần loan làm chứng tỏ tường
Chúa Giêsu sống lại là một biến cố siêu việt, một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người, nền tàng cho niềm tin của người kitô hữu chúng ta. Chúa sống lại được chứng thực, không chỉ là ngôi mộ trống, khăn liệm được xếp gọn gàng mang tính khả giác, mà là bằng chứng từ trời. Thiên Thần làm chứng tỏ tường khi nói: “Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,5-6). 
Chúa Giêsu sống lại như lời Người đã báo trước: “Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”.  (x.Mt 20,17-19; Mc 10,33-34; Lc 18,31-33). Đây cũng là trọng tâm lời rao giảng của các tông đồ: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại” (Cv 1,22; 2,23.32; 3,15; 13,30; 17,3.8; 26,23). Thánh Phêrô đứng chung với mười một Tông đồ rao giảng: “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2, 24). Thánh Phaolô công bố: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Đức Tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị” (1Cr, 15, 14-17). Các Tông đồ tuyên xưng: “Chúa Giêsu Kitô ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”.
Tin vui cho toàn thế giới
40 ngày Chay Thánh qua đi, nay Giáo hội bước vào 50 ngày Mùa Phục Sinh và kêu gọi con cái mình nâng tâm hồn lên cùng với chư thánh chư thần, hòa mình với vũ trụ vạn vật cùng cất cao giọng hát lên bài ca tuyệt diệu  “Mừng vui lên”.
Khi hát bài ca Mừng vui lên, ánh sáng trong nhà thờ chưa được thắp hết, cảnh đêm đen còn phảng phất, điều này làm sáng tỏ thêm chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh. Mỗi người tham dự cầm nến sáng trong tay để nói lên niềm vui mừng và tin nhận Chúa Kitô là ánh sáng soi chiếu trần gian.
Đến phần làm phép Nước, Nến sẽ được nhúng vào nước, sau đó Tân Tòng được Rửa tội bằng Nước Phép này, những người đã chịu phép Rửa tội sau khi lặp lại lời hứa cũng được rảy trên mình cùng một Nước Phép này.
Này người trần hỡi hãy vui lên Al-lê-lui-a, vì Chúa đã sống lại thật rồi đem niềm vui cho thế giới. Chúa đã sống lại rồi, vinh quang tỏa lan khắp nơi. Chúa đã sống lại rồi, cho muôn người hưởng phúc quê Trời.
Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội Tổ Tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người.
Tiếng đạn bom vẫn không ngừng khi chúng ta mừng lễ Phục Sinh. Bạo lực tiếp diễn, máu người vô tội vẫn đổ ra, sợ hãi và đau khổ. Chúng ta cố gắng tin rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại, rằng Người đã thực sự chiến thắng sự chết. Liệu điều đó có thể chỉ là một ảo ảnh, hay chỉ là một phần trong trí tưởng tượng của chúng ta chăng?
Không! Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta nghe vang vọng lời loan báo Phục sinh rất đỗi thân thương đối với Kitô giáo Ðông phương: "Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật rồi! " Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh. Chỉ có một mình Chúa Giêsu phục sinh mang những vết thương mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Những vết thương ấy là của chúng ta bởi vì chúng ta đã gây ra cho Ngài bởi tội lỗi của chúng ta, bởi sự cứng lòng của chúng ta, bởi sự thù hận anh em của chúng ta. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu phục sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và sống trong bình an.
Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.
Vậy chúng ta có thể cao rao “Vui lên Đất Trời. Allelui! Vui lên muôn dân. Alleluia! Vì Chúa đã thật phục sinh, vì Chúa sống lại hiển vinh”. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 9
SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH GIỮA ĐỜI

Tại một làng nọ, có một người đạo đức thánh thiện đầy khôn ngoan, được mọi người yêu mến và ai ai cũng gọi đây là vị thánh sống. Người ta khắp nơi đổ về, tư vấn, hỏi han mọi chuyện. Trong đó có một vị bề trên tu viện đến tìm và lo lắng trình bày về tình trạng bi đát của tu viện. Được biết, trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút vô số khách hành hương; nhà nguyện lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân khắp nơi tuôn đến; nhà dòng không còn chỗ nhận thêm người xin gia nhập. Thế mà bây giờ tu viện hoang vắng hơn ‘chùa Bà Đanh’; nhà thờ chìm lắng, số tu sĩ èo uột, leo teo mấy người. Cuộc sống thật buồn tẻ!
Vì thế, vị bề trên đánh liều đến hỏi người khôn ngoan nàyvề nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đẩy tu viện tới tình trạng trên. Người khôn ngoan đạo đức thánh thiện này ôn tồn đáp: ‘Có lẽ, sai lầm của cộng đoàn là thái độ vô tình, dửng dưng chăng!’ Và ông tiếp tục giải thích: ‘Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người hiện diện giữa quí vị, nhưng dường như quí vị không nhận ra Ngài!’ Nghe lí giải xong, vị bề trên này trở về tu viện. Từ đó trở đi, ai aicũng thay đổi thái độ, đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế vậy. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ trở nên thắm thiết, sức sống mới nảy sinh, và niềm vui tràn ngập tu viện. Khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện tĩnh tâm cầu nguyện; các bạn trẻ quay về xin gia nhập cộng đoàn.
Niềm hân hoan khôn tả này khởi sự từ tin mừng vui, đó làĐức Giê-su Ki-tô đã phục sinh khải hoàn; ánh sáng Ngài rạng ngời, chiếu tỏ khắp nơi, xoá tan bóng đêm tăm tối tử thần và tội lỗi, ngỏ hầu dẫn đưa con người chúng ta bước vào miền ánh sáng sự sống. Lòng sung sướng, sức sống hồi sinh này phát xuất từ tin vui mừngĐức Giê-su Ki-tô Phục Sinh luôn hiện diện giữa những ai tin Ngài sống lại hiển vinh, mang lại cho họ niềm hoan hỷ và bình an trong đời sống mới. Nếu ngôi mộ u tối đã không thể chôn giữ Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, và gông cùm sự chết đã bị bẻ gãy, xiềng xích tội lỗi bị phá tan, thì không còn gì có thể tiêu diệt chúng ta được. Thật vậy, Thánh Phao-lô Tông đồ đã xác tín rằng: “Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phi chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo?…không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35. 39).
Chúa Ki-tô Phục Sinh là nền tảng cho đức tin của chúng ta. Đây là một biến cố lớn lao nhất, vĩ đại nhất chứng thựcĐức Giê-su là Thiên Chúa. Đó là lí do Thánh Phao-lô đã không ngần ngại tỏ bày: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh (chị) em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Thật vậy, “Đức Giê-su là Chúa, Ngài đã sống lại từ cõi chết” (Rm10,9) là trọng tâm, cốt lõi củaTin Mừng khởi nguyên (kerygma), lời rao giảng của các Tông đồ, vì chưng Chúa đã báo trước Ngài sẽ trỗi dậy từ cõi chết và sai các Tông Đồ ra đi loan truyền tin vui ấy cho hết mọi người. Hơn nữa, Lễ Phục Sinh đem lại cho chúng ta niềm vui tràn trề hy vọng và ơn can đảm trong cuộc sống đầy đau khổ và thử thách này, bởi vì chúng ta xác tín rằng mình còn có cuộc sống vinh hiển mai sau với Chúa Ki-tô.Vì thế, sống niềm vui Phục Sinh chính là chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa trong đời sống mới, đời sống Phục Sinh.Sống niềm vui Phục Sinh chính là tin rằng Chúa đã sống lại khải hoàn, đã cứu thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi, nên chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng phó thác và lòng trông cậy nơi Ngài.Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện diện của Chúa Giê-su Phục Sinh. Sống niềm vui Phục Sinh không phải ‘hô một cái, đau khổ biến mất’, mà đức tin vào Chúa Phục Sinh mang lại ý nghĩa trổi vượt cho đau khổ, và chiếu sáng tia hy vọng lên khổ đau, cũng như những ai đang trầm kha khốn cùng. Bởi vậy, dù vẫn sống giữa những đau thương, nhưng Chúa Ki-tô Phục Sinh hằng ân ban cho tâm hồn chúng ta niềm vui khôn tả, tuy âm thầm nhưng chất chứa và bình an sâu lắng.
Tắt một lời, cộng đoàn tu viện trong câu chuyện kể trên chỉ tìm lại được bầu không khí yêu thương và niềm vui huynh đệ khi và chỉ khi mọi người nhận ra Chúa Cứu Thế, Đức Ki-tô Phục Sinh đang sống-đồng hành với họ, đang hiện diện giữa họ, và trong người anh em. Chúa đã sống lại thật, nào chúng ta hãy hoan hỷ mừng vui, Hal-lê-lui-a!
Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin cho mọi người chúng con luôn biết sống niềm vui Phục Sinh giữa đời đầy biến động này. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 10
Ông Đã Thấy Và Đã Tin

Cv 10, 34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Phục Sinh theo thánh Gioan. Ông giấu tên và tự đặt cho mình biệt hiệu thần bí nhưng thật là dễ thương: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”.
Cái chết của Thầy Giêsu làm “cả thế giới” của các môn đệ và những người phụ nữ theo Thầy bị sụp đổ tan tành. Các ông thì thấy thất bại và chán chường. Các bà thì đứt ruột… khóc hết cả nước mắt! Nên sáng sớm ngày thứ ba lúc trời còn tối, phận nữ mà bà Maria Macđala đã liều ra thăm mộ. Lòng yêu mến Thầy của bà đã vượt lên nỗi sợ hãi.
Thoạt nghe bà Maria Macđala báo về ngôi mộ trống, hai môn đệ cùng “chạy” ra mộ. Bình thường người ta đi chứ không chạy, nhưng ở đây là việc nóng bỏng cấp thiết, tình yêu là động lực thúc đẩy bước chân người môn đệ. Cả Gioan và Phêrô cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn. Có lẽ vì Gioan còn trẻ, nhưng đúng hơn là lòng yêu Thầy thúc đẩy và dồn nhanh bước chân ông không thể đặng đừng. Gioan là một trong ba môn đệ gần gũi Thầy mình nhất và được chứng kiến vinh quang cũng như khổ đau của Thầy, ông được tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc sau hết và chỉ còn mình ông trong hàng môn đệ đứng dưới chân Thánh giá. Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Kitô vì chỉ có Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Hôm nay trong biến cố Phục Sinh, bằng cảm nhận của tình yêu tha thiết, ông được “thấy” mầu nhiệm trọng đại và đã tin trước hết. Thật tế nhị khi ông “chiêm niệm trong lòng” đã, khiêm nhường để cho Phêrô vào trước mà chứng kiến sự việc, một mẫu gương cho Giáo Hội xưa nay.
Sau cái chết của Thầy, lòng yêu của ông còn canh cánh về đó. Cũng chính tình yêu làm cho ông nhạy cảm, nhận ra, luôn “thấy” và tin. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, Gioan chỉ kết luận bằng một lời thú nhận rằng “ông đã thấy và đã tin”. Ông còn được mang danh hiệu “Người môn đệ Chúa đó!” Với tình yêu, ông có thể làm chứng cho Thầy cách chắc chắn về điều mình đã “thấy” và chiêm niệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến…” (1Ga 1,1).
Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Phục Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ
Giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ
“Maria đoàn con kính chào. Mẹ cao sang Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Khắp muôn phương cùng về đây hát vang, xin noi theo Mẹ mẫu gương hiệp hành.” Trong tâm tình yêu mến và tôn kính, tối ngày 04/05/2024, giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất hân hoan tổ chức cuộc rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log