Thứ sáu, 26/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 27 Thường niên C

Cập nhật lúc 09:35 29/09/2022
Suy niệm 1
Lc 17, 5 – 10
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Một yêu cầu không đầu không đuôi khiến chúng ta không nắm trọn vẹn ý của học trò cũng như ý của Thầy.
Dường như trên đường truyền giáo, các Tông Đồ gặp nhiều khó khăn không vượt qua được khiến uy tín của các ngài bị giảm sút. Cụ thể là có một lần người ta đưa đến cho các ngài một người bị quỷ ám, để xin các ngài giải cứu. Cứu không được. Thế là phải chịu mất mặt. Khi trở về các ngài hỏi Thầy: “Tại sao chúng con không trừ được tên quỷ ấy?” Chúa trả lời: “Phải cầu nguyện.”
Nhân dịp này Chúa dạy các Tông Đồ và chúng ta hai bài học: Bài học đức tin và bài học khiêm nhu.
Về đức tin thì Chúa dạy rằng: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, thì nó cũng vâng lời anh em.” Đó là lối nói cường điệu chúng ta không nên làm, vì nếu làm, thì thế giới này sẽ loạn xà ngầu. Người này bảo trời hãy mưa, người kia bảo trời hãy nắng; người này bảo núi Ba Vì hãy dời vào Cà Mau, người kia ra lệnh để Hồ Hoàn Kiếm phải dời vào Sài Gòn… Đúng là loạn xà ngầu. Chúa muốn chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa là Đấng Toàn Năng, nhưng vẫn phải xin cho ý Cha thể hiện, chứ không phải ý của ta.
Về đức khiêm nhu thì Chúa dạy rằng, vì có đức tin lớn, chúng ta làm được phép lạ cho người bệnh tật được khỏi, thì phải khiêm nhu coi mình chỉ là không, còn phép lạ được thực hiện là của Chúa.
Chắc chắn một điều là nếu chúng ta làm được nhiều phép lạ như Chúa đã làm, thì rất nhiều người trong chúng ta sẽ hỉnh mũi lên, sẽ khoe khoang, sẽ tự cao tự đắc và rồi từ đó sẽ sinh ra cầu danh cầu lợi. Đức Giê-su rất dị ứng với cái tính khoe khoang áy của các ông Pha-ri-sêu và các ông Kinh sư. Có lần Chúa đã nói một câu nặng như búa bổ giáng xuống trên đầu các ông Kinh sư: “Các ông lo đọc kinh cho dài để nuốt chửng tài sản của các bà góa”. Khiêm nhu mới đáng yêu. Kiêu ngạo thì đáng nguyền rủa. Làm lớn mà không khiêm nhu, thì chẳng được ai kính trọng.
Chúng ta hãy ngắm nhìn mẹ Têrêsa Calcutta, một người được thế giới tôn vinh là “Người đàn bà vĩ đại nhất của thế kỷ XX”. Mẹ là một nữ tu được lãnh giải Nobel Hòa Bình. Mẹ là người có nhiều bằng “Tiến sĩ danh dự” nhất thế giới. Thế nhưng, dù công tác từ thiện của mẹ được mọi người coi như trập trùng, thì mẹ vẫn tự nhận là “muối bỏ biển”.
Chúng ta đã nghe đọc bài Tin Mừng và đã được Chúa dạy hai bài học: Tuyệt đối tin tưởng vào quyền năng và tình phụ tử của Chúa; hết lòng khiêm nhu coi mình chỉ là con số không trước Chúa và trước mọi người, chúng ta phải tự kiểm xem mình đã thực hiện được chút nào về hai nhân đức ấy. Đồng thời chúng ta có rao truyền hai nhân đức ấy cho các em thiếu nhi chưa. Rất có thể chúng ta cứ vô tâm vô tình gieo vào lòng các em tính tự cao, tự đại mà chúng ta cứ tưởng đó là anh hung tính mà mỗi người phải có. Coi chừng kẻo mình đã gieo hạt giống kiêu ngạo vào lòng các em, mà vẫn cứ tỉnh bơ. Đáng lo đấy.
Linh mục Pi ô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
Thành quả tuyệt vời của niềm tin

Lc 17, 5-10

Trong cuộc sống đời thường, niềm tin là một năng lực thần kỳ có thể giúp con người vượt qua mọi trở lực và đạt được những thành quả phi thường.
Đối với người không có niềm tin vào bản thân thì việc dễ hóa thành khó, vì thế họ gặp thất bại triền miên; Còn đối với người vững tin thì việc dù khó mấy cũng hóa nên dễ dàng, nên họ dễ đạt được nhiều thành công trong cuộc đời.
Rất nhiều sự việc tưởng như không thể làm được, là chuyện trong mơ… đã trở thành hiện thực, nếu được thực hiện với niềm tin.
Cách đây 30 năm, chuyện hạ cánh xuống Sao Hỏa, cách Trái Đất 225 triệu Km, là chuyện hoang đường, là điều không tưởng… Thế nhưng nhờ niềm tin vào khả năng của mình, các khoa học gia đã được thực hiện được dự án nầy từ năm 2018.
Chúa Giê-su cũng xác nhận niềm tin mang lại nhiều thành quả lớn lao. Ngài nói: “Đối với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được” (Mc 9, 23).
Và qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy các môn đệ rằng: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, (là thứ hạt rất nhỏ bé) thì dù các con có bảo cây dâu nầy (là cây đại thụ to lớn): "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời các con” (Lc 17, 6).
Niềm tin mang lại ơn chữa lành
Qua các trình thuật của Tin mừng, chúng ta thấy nhiều bệnh nhân được chữa lành cách lạ lùng nhờ lòng tin, cụ thể là:
- Một phụ nữ bị băng huyết suốt 12 năm, vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, bà tin rằng chỉ cần đụng đến áo Chúa Giê-su là được chữa lành, nên đã tìm cách tiếp cận Chúa và khi vừa đụng đến áo Ngài, căn bệnh nan y của bà liền biến mất (Mc 5,34).
- Hôm ấy, ông Giai-rô là trưởng hội đường đến gặp Chúa Giê-su, nài xin Ngài cứu chữa con gái ông sắp chết. Sau đó, gia nhân đến báo cho ông biết là con gái ông chết rồi, hết hy vọng rồi, đừng làm phiền Chúa nữa. Tuy vậy, Chúa Giê-su dạy ông cứ vững tin thì nó sẽ được cứu sống và ông vững tin vào lời Chúa nói. Nhờ đó, đứa bé chết rồi được cứu sống (Mc 5, 22- 42).
- Ông đại đội trưởng người Rô-ma đến gặp Chúa Giê-su tại Ca-phác-na-um, nài xin Ngài chữa lành tôi tớ ông đau nặng đang nằm liệt giường. Đặc biệt, ông tin rằng Chúa Giê-su không cần phải đến tận nhà, chỉ cần đứng tại chỗ, phán một lời là tôi tớ ông sẽ được chữa lành. Thế là nhờ niềm tin đó, người tôi tớ được khỏi bệnh (Mt 8, 5-13).
- Anh Ba-ti-mê là người mù thành Giê-ri-khô nhờ lòng tin vào quyền năng Chúa Giê-su nên được thoát khỏi cảnh mù lòa (Mc 10, 46-52).
Và rất nhiều lần khác, Chúa Giê-su xác nhận rằng chính nhờ lòng tin mà các bệnh nhân được lành bệnh. Ngài nói với họ rằng: “Lòng tin của con đã cứu chữa con.”
Lòng tin mang lại sự sống đời đời
Một thành quả tuyệt vời của lòng tin là những ai tin Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ thì sẽ được lãnh nhận sự sống đời đời. Chúa Giê-su xác nhận điều nầy khi Ngài phán:
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).
Như vậy, niềm tin là báu vật thiêng liêng đáng trân quý nhất trên đời mà mỗi người phải cố công thủ đắc cho bằng được.
Lạy Chúa Giê-su,
Niềm tin là yếu tố cần thiết nhất giúp chúng con vượt qua mọi gian nan thách thức trong cuộc sống cũng như đạt được thành công trong cuộc đời nầy. Đặc biệt niềm tin vào Chúa là chìa khóa giúp chúng con đạt được sự sống đời đời trên thiên quốc.
Vì thế, hiệp ý với các Tông đồ, chúng con tha thiết cầu xin: “Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 3
Xin ban thêm lòng tin cho chúng con

(Lc 17, 5-10)
Đức tin là chủ đề nổi bật của Chúa Nhật này, Chúng ta cũng nghe về đức tin trong bài đọc I, trích sách tiên tri Khabacúc, được Thánh Phaolô lấy lại trong thơ gởi tín hữu Roma: “Người công chính sẽ nhờ đức tin mà được sống” (1,17). Bài Tin Mừng bắt đầu bằng lời van xin các tông đồ với Chúa Giêsu là: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con!”(Lc 17,5).
Khoảng 600 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh thời tiên tri Khabacúc, nước Giuđa lâm vào cảnh éo le. Trong nước triều đình suy yếu, ngoại giáo xâm nhập, đạo đức đảo điên. Bên ngoài, sức ép của các quốc gia lân cận ngày càng mạnh. Ðặc biệt cuộc xâm lấn vũ trang của đế quốc Babylon là không tránh nổi. Niềm tin của họ vào Thiên Chúa bị thử thách. Phần lớn trong số họ muốn có một Thiên Chúa như họ, giải quyết tức khắc các vấn đề theo suy nghĩ của họ. Họ không muốn tin Thiên Chúa mà chỉ muốn dùng Thiên Chúa để phục vụ các tham vọng ích kỷ của họ. Số khác, tức là những người tin vẫn một mực trung thành tin tưởng vào sự Thiên Chúa cứu giúp.
Tiên tri Habacuc dạy chúng ta bài học sơ đẳng rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy vững tin vào Chúa, và phải bắt chước các Tông Đồ xưa thưa: "Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con!"
Các môn đệ hiểu rằng lời dạy của Thầy Giêsu không phải là tư tưởng mới, nhưng kêu gọi họ hoán cái tận căn, từ bỏ hoàn toàn để theo và tin vào Đấng mà họ gọi là “Chúa” và là “Thầy”. Đức Giêsu khẳng định rằng nếu có đức tin, họ sẽ tìm được câu trả lời. Vì thế, khi đối diện với lời van xin của họ là gia tăng về số lượng, Ngài liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con” (Lc 17, 6). Chúng ta gọi lòng tin như thế là lòng tin chuyển núi dời non. Chúng ta thường quan tâm đến hiệu quả của công việc mà quên đi chính việc làm. Chúa muốn chúng ta làm việc với lòng tin giống như người đầy tớ trong nhà làm việc thế nào? Anh ta làm hết công việc cày bừa ngoài đồng, rồi lại về làm các việc trong nhà. Anh không đòi được trả công tức khắc. Lòng trung tín bảo anh làm hết mọi công việc đã phân chia cho anh và anh cũng tin chắc chủ sẽ thi hành phận sự của chủ là thưởng công cho anh.
Đức tin không hành động theo trật tự lô gích của thế giới này. Đức tin hành động các tổng quát bất ngờ và không thể dự kiến trước được, như: “Gió muốn thổi đâu thì thổi: ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 8). Theo nguyên lý sự sống: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí” (Ga 3, 6). Thế nên, đức tin đặt chúng ta vào trong tương quan trực tiếp với Thiên Chúa và cho phép chúng làm điều tưởng chừng như không thể.
Khổ đau có thể làm chúng ta lo sợ ; nhưng đức tin giúp chúng ta không bị chi phối bởi những thất bại của thế gian này. Đúng là để có thể cầm cự tốt cho đến thời đã ấn định, như Thánh Phaolô mời gọi Timôthê người con yêu quý của ngài “Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha” (2 Tim 1, 6-8). Đức tin là tham dự vào “sức mạnh của Thiên Chúa” trong Thánh Thần của tình yêu và lý trí. Trong khi đợi chờ sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa và ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô, vẫn còn hạt giống của niềm tin cho phép chúng ta tuyên xưng rằng Chúa đến là điều chắc chắn như lời Ngài hứa: “Người sẽ thực hiện, không chỉ với thời gian ấn định. Chắc chắn giờ sẽ đến”.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con và ban Thánh Thần tình yêu xuống đầy lòng chúng con, để chúng con có sức nhổ tận gốc tất cả những ngờ vực và sống bằng lòng trung thành của chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 ==================
Suy niệm 4
KHIÊM TỐN PHỤC VỤ TRONG TIN YÊU
Kb 1,2-3;2,2-4 ; 2Tm 1,6-8.13-14 ; Lc 17,5-10

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 17,5-10
(5) Các Tông đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. (6) Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (7) Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi !”, (8) chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !” (9) “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? (10) Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
2. Ý CHÍNH:Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức tin, Người đã đề cao sức mạnh của một đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Người muốn các ông phải tránh thái độ công thần khi đòi Chúa trả công cho mình ngay đời này. Trái lại, phải khiêm tốn phục vụ và chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng với tinh thần quảng đại vô vụ lợi.
3. CHÚ THÍCH:
- C 5-6: + Tông đồ: Ở đây đức Giê-su nói riêng với nhóm Tông đồ chứ không phải nói chung với các môn đệ. Tông đồ là tước hiệu dành riêng cho Nhóm 12 được Đức Giê-su tuyển chọn từ nhóm 72 môn đệ (x. Lc 10,1; 6,12-13). Các Tông đồ phải từ bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giê-su và sau này sẽ được Người trao quyền lãnh đạo đoàn chiên và được sai đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. + Xin thêm lòng tin cho chúng con: Đứng trước những đòi hỏi của Luật Mới (x. Lc 17,1-4) và sứ vụ phải mở rộng Nước Thiên Chúa, các Tông đồ cảm thấy bất lực. Các ông đã xin Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin đang yếu kém của các ông (x. Lc 8,25). Các ông đã xin Người mở rộng tâm hồn để đón nhận được ánh sáng đức tin. + “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải”:Hạt cải là loại hạt giống nhỏ nhất (x. Mt 13,32). Khi so sánh lòng tin với hạt cải, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh về mặt phẩm chất hơn về số lượng của đức tin. Một sự phó thác dù nhỏ bé đến đâu, nếu được thực hiện với đức tin, thì vẫn có thể đạt được kết quả lớn lao kỳ diệu. Vì khi ấy người ta làm việc không dựa vào sức riêng, nhưng nhờ vào quyền năng Thiên Chúa. + “Thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”: Cây dâu là một cây đại thụ, rễ của nó rất lớn và có thể sống tới 600 năm. Nhưng chỉ cần một lời nói phát xuất từ niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, cũng có thể bứng được cây đó khỏi mặt đất và xuống mọc trong lòng biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 17,20). Ở đây Đức Giê-su không khuyến khích người ta cầu xin phép lạ giật gân, và chắc không bao giờ Người lại thực sự di dời cây dâu xuống trồng dưới lòng biển. Vì Người luôn từ chối làm phép lạ để chứng minh Người là Con Thiên Chúa như đòi hỏi của các đầu mục Do thái nhiều lần. Đây chỉ là một kiểu nói nhằm đề cao sức mạnh của lòng tin thôi.
- C 7-8: + Có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên...: Theo tập tục thời đó, người đầy tớ không được tự do làm việc theo ý mình, nhưng phải luôn làm theo ý của ông chủ. Ở đây, người đầy tớ vừa cày ngoài ruộng về, hoặc vừa dẫn chiên từ đồng cỏ về nhà. Ông chủ đòi anh ta phải tiếp tục phục vụ bữa ăn tối cho ông. Bổn phận của người đầy tớ là phải làm việc hết mình theo ý muốn của ông chủ.
- C 9-10: + Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ?: Qua hình ảnh đầy tớ. Đức Giê-su muốn dạy người làm việc cho Chúa không được vênh vang đòi Chúa phải đền ơn mỗi lần làm được một việc gì. Trái lại, họ cần ý thức thân phận tôi tớ thấp hèn của mình để sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Chúa truyền. + “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”: “Đầy tớ vô dụng” không có nghĩa là không làm được gì. Ở đây, “đầy tớ vô dụng” là một kiểu nói cường điệu ám chỉ “mang thân phận hèn kém”. Người Tông đồ cần tránh thái độ “công thần”. Vì các thành quả tuy bề ngoài do các ông làm, nhưng thực sự đều nhờ ơn Chúa giúp, như lời Người phán: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Thánh Phao-lô cũng khiêm tốn nhận rằng: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Tóm lại, khi rao giảng Tin Mừng ta cần noi gương khiêm hạ của Đức Giê-su (x. Pl 2,6-8).
4. CÂU HỎI: 1) Tông đồ là những ai ? 2) Tại sao các ông lại xin Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin ? 3) Khi so sánh đức tin với hạt cải, Đức Giê-su muốn dạy điều gì ? 4) Đức Giê-su nói về sức mạnh của một đức tin chân chính qua câu nói nào ? 5) Tại sao Người lại muốn các Tông đồ phải tránh thái độ “công thần” ? 6) Tại sao Đức Giê-su muốn các Tông đồ phải luôn tự nhủ: mình chỉ là “những đầy tớ vô dụng”?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).
2. CÂU CHUYỆN:
1. ĐỨC TIN HẠT CẢI CỦA MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA:
Ngày nay, trên thế giới, ít có người không biết tên Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA. Mẹ là một nữ tu đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý nhất: Năm 1963, Ấn Độ đã tặng Mẹ giải thưởng “Bông Huệ Tuyệt Vời”; Phi-líp-pin thì tặng giải thưởng Mas-say-say; Năm 1974 Rô-ma tặng Mẹ giải “Hòa Bình Gio-an 23” và đến năm 1979, Mẹ được tặng giải No-ben Hòa Bình thế giới. Mẹ đã qua đời vào năm 1997 hưởng thọ 87 tuổi. Dù chỉ là một nữ tu không chút địa vị quyền hành, không có nhiều tiền bạc hay quyền lực... thế mà khi qua đời, Mẹ lại được nhiều vị đứng đầu quốc gia như Tổng Thống, Chủ Tịch Nhà Nước của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... hay các nước nhỏ như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia... hiện diện hay cử đại biểu đến dự lễ an táng, tiễn đưa Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Vào năm 1948, Mẹ đã nhìn thấy một người đàn bà đang bị đói ăn đang ôm đứa con nhỏ mới sinh nằm bên một đống rác hôi thối, ruồi nhặng bu đầy chung quanh. Cảnh tượng ấy làm Mẹ xúc động như nhìn thấy Đức Giê-su đang bị bỏ rơi trên cây thập giá. Từ đó Mẹ đã quyết hiến trọn cuộc đời để phục vụ những người cùng khổ. Họ là những người đang bị bệnh tật, đói rách,  không nhà phải nằm ngủ trên các hè phố hay bãi rác công cộng để chờ chết mà không được ai chăm sóc. Mẹ đã mang họ về nhà dòng và phục vụ họ thật chu đáo, cho đến khi qua đời. Nhờ lời cầu nguyện và sự cộng tác giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, Mẹ và các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã lập được gần 300 nhà hấp hối như thế. Cuộc đời và công việc của Mẹ Tê-rê-sa, một nữ tu nghèo nhưng đã làm được những việc phi thường nhờ đức tin, đã minh chứng cho Lời Chúa dạy hôm nay: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Vậy đức tin là gì? Tại sao chúng ta phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta?
2. KHIÊM NHƯỜNG LÀ NỀN TẢNG MỌI NHÂN ĐỨC:
Một thầy Ráp-bi già bị bệnh phải nằm liệt giường. Các môn đệ rủ nhau đến thăm và thì thầm nói chuyện với nhau cố ý làm vui lòng ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức tuyệt vời của thầy.
Một người trong bọn nói: "Từ thời vua Sa-lo-mon đến nay, chưa có ai khôn ngoan được như thầy mình". Người khác nói: "Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham”. Người thứ ba nói: "Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của thánh Gióp". Người thứ tư thêm vào: "Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, thì chỉ có hai vị đứng đầu là ông Mô-sê và thầy chúng tamà thôi".
Nghe các môn đệ khen như vậy, nhưng xem ra thầy ráp-bi vẫn tỏ thái độ không vui. Chờ cho đám môn đệ ra về rồi, vợ thầy mới lên tiếng hỏi:
- Ông có nghe thấy họ ca tụng ông không?
- Có.
- Thế tại sao ông vẫn không vui ?
Vị ráp-biliền than phiền:
- Vì không thấy ai nhắc đến nhân đức khiêm nhường của tôi cả.
Muốn được người ta ca ngợi sự khiêm nhường của mình thì thầy ráp bi này lại chẳngcó nhân đức khiêm tốnchút nào! Cho dù thầy có khôn ngoan như vua Sa-lo-mon, đức tin có mạnh mẽ ngang ngửa với tổ phụ Áp-ra-ham, lòng kiên nhẫn có được như thánh Gióp và có sống thân mật với Đức Chúa như mục tử Mô-sê… mà không có lòng khiêm hạ thì tất cả các nhân đức nói trên cũng chỉ là con số không to tướng. Cũng vậy, nếu chúng ta tập thành được nhiều nhân đức, có chu toàn được các bổn phận đạo đức hằng ngày, có làm được nhiều việc từ thiện lớn lao, nhưng chúng ta lại tự mãn và khoe khoang thành tích ấy ra để được người đời ca tụng, thì chúng ta lại khôngcòn phải là người thực sự thánh thiện nữa.
Vì khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, nên hôm nay Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ: "Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17, 10).
3. QUAN TÂM PHỤC VỤ MANG LẠI HẠNH PHÚC THỰC SỰ:
Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: "Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tôi cả. Tôi có đủ mọi sự, nhưng không biết tại sao trong lòng vẫn cảm thấy trống vắng. Xin cho tôi lời khuyên". Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời tư của cô ta, Câu chuyện ấy như sau:
“Chồng tôi đã chết lâu, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì bị xe đụng. Tôi cảm thấy như đã bị mất tất cả và không thể chợp mắt ngủ được, cũng chẳng thiết gìăn uống và không muốn nở nụ cười với ai. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Ngoài trời đang rất lạnhvà tôi thấy tội nghiệp con mèo, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha một ly sữa cho nó uống. Nó kêu meo meo rồi đếnngồi bên cạnh và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi sau đó tôi nghĩ: nếu việc giúp đỡ một chú mèo con mà có thể làm cho tôi cười được, thì việc giúp cho một người nào đó chắc sẽ còn làm tôi được hạnh phúc nhiều hơn nữa.
Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh mì mang sang cho một bà cụ hàng xóm đang bị bệnh. Từ đó mỗi ngày tôi đều để tâm làm một vài việc gì đó giúp cho người chung quanh. Và quả thực tôi đã dần dần tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là: ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ được người khác đem lại hạnh phúc cho ta; Trái lại ta sẽ có hạnh phúc thực sự khi biết quan tâm phục vụ tha nhân, làm cho người khác được hạnh phúc".
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ đã bật khóc. Quả thật, cô đã có rất nhiều thứ mà đồng tiền mang lại, nhưng cô lại không cảm thấyhạnh phúc, là thứ mà đồng tiền không thể mua được. Và cô đã quyết định sẽ thực hành theo gương cô thư ký kia là làm cho người khác vui. Chính khi quên mình để nghĩ đến người khác lại là cách hữu hiệu để mang lại niềm vui cho bản thân mình(Charlene Johnson).
4. THỰC THI BÁC ÁI LÀ PHƯƠNG THẾ CỦNG CỐ ĐỨC TIN:
Có một bà cụ già nọ đã trải qua một thời gian nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa khi phải đối diện với nhiều tai ương hoạn nạn liên tiếp xảy ra cho mình. Trong lúc tâm hồn bối rối hoang mang, bà đến gặp cha linh hướng để xưng tội và xin ngài một lời khuyên. Bà hy vọng vị linh mục này sẽ nói với bà về sự hiện hữu và lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng bà rất ngạc nhiên khi cha linh hướng lại cho bà lời khuyên không mấy ăn nhập vớithắc mắc của bà: Cha khuyên bà hãy về nhà thực thi những cử chỉ đẹp,hãy cảm thông với những nỗi đau khổ bất hạnh của người chung quanh. Dù không mấy thỏa mãn về đáp án này nhưng bà vẫn làm theo lời khuyên của cha. Quả thật sau một thời gian, bà đã lấy lại được niềm tin trước đó. Những nghi ngờ về sự hiện hữu và lòng nhân từ của Thiên Chúa cũngtự nhiên biến mất.
3. SUY NIỆM:
Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức tin, Người đã cho biết đức tin là một hồng ân nên các ông phải cầu xin Chúa ban. Tiếp đến Người đề cao sức mạnh của một người có đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Đức Giê-su muốn các môn đệ tránh thái độ “công thần”, tự hào khi làm được việc tốt và đòi Chúa phải thưởng công ngay cho mình. Trái lại các ông phải luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân, hăng hái chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng vô vụ lợi.
1) “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”:
- Đức tin là ơn do Chúa thương ban: Trong cuộc sống chúng ta thấy đức tin không luôn đi đôi với sự khôn ngoan của thế gian, nhưng là một ơn do Chúa thương ban, như lời Đức Giê-su đã thưa với Chúa Cha: “Lay Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Do đó, muốn có đức tin vững mạnh chúng ta phải noi gương các Tông đồ để cầu xinChúa: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5).
- Sức mạnh của đức tin: Tiếp theo, Đức Giê-su đã đề cao sức mạnh của đức tin khi nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Nói câu này, Đức Giê-su không khuyến khích các Tông đồ làm phép lạ để cho người ta tin, nhưng Người muốn các ông ý thức về sức mạnh của một đưc tin đích thực. Nếu có đức tin vững vàng, chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta như Người đã hứa: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14,12-13).
- Thành quả của đức tin:Quả thật, sau khi Đức Giê-su lên trời, nhờ quyền năng Thánh Thần, các Tông đồ đã thực hiện được nhiều dấu lạ: Sau bài giảng của Tông đồ Phê-rô, đã có ba ngàn người xin tòng giáo. Các Tông đồ còn làm nhiều phép lạ trên những người tin (x. Cv 2,41; 5,12-16).Như vậy, dù yếu đuối, các ông cũng đã trở nên mạnh mẽ nhờ cậy vào ơn Chúa giúp. Về vấn đề này, thánh Phao-lô viết: “Chúa quả quyết với tôi:  Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10c).
2) Đức tin phải đi đôi với thái độ khiêm tốn phục vụ:
- Phục vụ cách khiêm tốn: Người tín hữu phải biết phục vụ Chúa và tha nhân một cách khiêm tốn vô điều kiện, giống như một người đầy tớ, sau khi đã đi cày hay đi chăn chiên về, sẽ tự thấy mình còn phải phục vụ bữa tối cho ông chủ,rồi sau đó mới được ăn.
- Phải tránh thái độ “công thần”: Đức Giê-su đã dạy các môn đệ: "Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10). Phải tránh thái độ“công thần”, nghĩa là tự hào về công việc tốt đã làm để đòi Chúa phải thưởng công, như người biệt phái trong dụ ngôn hai người lên Đền thờ cầu nguyện đã cầu nguyện kể công và khinh thường người thu thuế (x. Lc 18,11.13).
3) Chúng ta phải làm gì ?
- Xin thêm đức tin: Noi gương các Tông đồ xưa, chúng ta hãy năng cầu xin Chúa:"Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5). Chính nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được những điều lớn lao. Chẳng hạn: Sẽ giúp cho nhiều tội nhân hồi tâm trở về; Sẽ giúp nhiều anh em lương dân nhận biết tin thờ Thiên Chúa; Sẽ kêu gọi được nhiều người rộng rãi đóng góp công sức tiền bạc để làm các việc từ thiện bác ái lớn lao, noi gương Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã làm. Đàng khác, Tin và yêu luôn đi đôi với nhau: Có yêu Chúa nhiều thì mới tin vững vàng vào Chúa được. Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, chúng ta còn phải xin Chúa ban thêm lòng yêu mến Chúa nữa.
- Loan Tin Mừng bằng việc bác ái: Ngày nay, loan báo Tin Mừng không những phải dựa vào ơn Chúa giúp, mà còn phải khiêm nhường dấn thân phục vụ tha nhân noi gương Chúa Giê-su (x. Ga 13,6.13-15). Thực tế cho thấy: Việc chia sẻ bác ái cụ thể có sức thuyết phục khiến nhiều người dễ dàng đón nhận đức tin hơn bài giảng hùng hồn, như Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã dạy: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41).
- Yêu phải đi đôi với tin: Có yêu Chúa nhiều thì mới vững tin vào Chúa. Trươc khi trao quyền chăn chiên cho Si-mon Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã ba lần sát hạch ông về lòng mến dành cho Người: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” (x. Ga 21,15-17). Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, mỗi tín hữu chúng ta cũng cần xin Chúa ban thêm lòng mến Chúa cho chúng ta.
- Phục vụ trong khiêm hạ: khi đã làm tất cả những việc được giao rồi, chúng ta cần tránh tự mãn khoe khoang thành quả đạt được, nhưng phải luôn tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ ban thưởng cho các tôi trung của Người, cho họ được tham dự bàn tiệc Nước Trời và sẽ phục vụ lại họ (x. Lc12,37).
4. THẢO LUẬN: 1) Khi bạn làm việc tông đồ mà cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi tất cả thường do những nguyên nhân nào ? 2) Bạn cần làm gì để lấy lại tinh thần hăng say phục vụ Tin Mừng Nước Thiên Chúa ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho con một đức tin như hạt cải, để con loại bỏ các thói hư tật xấu khỏi lòng trí con. Xin cho con một đức tin can đảm, để con không sợ bị thiệt thòi khi dấn thân, sẵn sàng từ bỏ những điều con thường cậy dựa xưa nay. Xin cho con một đức tin sáng suốt, để con nhìn thấy Chúa đang hoạt động trong vũ trụ và trên thế giới, thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khổ chung quanh con. Xin cho con một đức tin quảng đại,dám hy sinh bản thân vì Chúa và tha nhân. Xin cho con một đức tin liều lĩnh, dám lội ngược dòng và khước từ những cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Xin cho con một đức tin vui tươi, vì biết những gì đang chờ đợi con lúc cuối đời, sung sướng và hy vọng vì biết mình sẽ được Chúa yêu thương đón nhận. Cuối cùng, xin cho con một đức tin trưởng thành, để con luôn kiên vững khi gặp những khó khăn gian khổ, dù phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng vẫn luôn cậy trông và phó thác cho duy một “Thiên Chúa Là Tình Yêu”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM
==================
Suy niệm 5
ĐỨC TIN NHỎ BÉ ĐẶT NƠI THIÊN CHÚA LỚN LAO

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Tại một giáo xứ nọ, có một bà nổi tiếng, được mọi người biết đến vì lòng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách, biến cố trong đời. Nghe nói thế, cách đó không xa, một bà khác tìm đến, hy vọng học được bí quyết sống bình thản và hạnh phúc. Vừa tới, bà ấy hỏi:
– Thưa bà, có phải bà là người được mọi người biết tới với một đức tin lớn lao?
– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ, nhưng nó được đặt nơi Thiên Chúa lớn lao mà thôi…
Quả thật, đức tin chính là hồng ân mà Chúa tặng ban cho mỗi người khi chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Vì hầu hết chúng ta chịu phép Thánh tẩy lúc còn sơ sinh, nên không nhớ và cảm nhận được gì, mà hoàn toàn nhờ vào bố mẹ cũng như người đỡ đầu. Tuy nhiên, mỗi lần tham dự nghi thức chịu phép Rửa tội, chúng ta được mời gọi tháp nhập và cảm nghiệm sâu sắc hơn về ân thiêng mà Chúa ban cho mình, đó là Đức tin.
Như lời ngôn sứ Kha-ba-cúc khẳng định: “Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín” (Kb 2, 4). Người ngay thẳng sống dựa trên đức tin, chứ không chỉ dừng lại ở đôi mắt phàm trần. Người công chính sống dựa trên niềm tín thác vào Chúa, chứ chẳng lệ thuộc vào cơ cấu, lề thói của xã hội trần thế này. Tuy vậy, lắm lúc vì sự yếu hèn, dễ sa ngã của con người, chúng ta bị dòng đời cuốn trôi, để sóng gió bão táp trần ai đánh dạt tơi tả. Đức tin chúng ta dường như lịm tắt, phai nhạt, mờ dần. Vì vậy, cũng như các Thánh Tông đồ, trong mọi giây phút của cuộc sống, chúng ta phải thốt lên van nài với Chúa Giê-su: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5), và một khi lòng tin dẫu chỉ nhỏ bằng hạt cải chăng nữa, thì “các con khiến cây dâu này: ‘hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con” (x. Lc 17, 6).
Thế nhưng, để có được đức tin ‘bằng hạt cải’, chúng ta không thể không lắng nghe lời căn dặn thấu đáo của Thánh Phao-lô dành cho ông Ti-mô-thê: “Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ” (“Tm 1, 7). Chúng ta được ban ơn can đảm trở nên chứng nhân cho Chúa trong trách vụ, bậc sống của mình. Chúng ta được ban ơn can đảm dám sống Lời Chúa, thực thi bác ái, biết tha thứ, cảm thông với anh chị em. Chúng ta được ban ơn dũng mạnh hầu đứng vững trước mọi biến cố trong đời, dù bé hay nhỏ, dù thất bại hay thành công, dù được hậu thuẫn hay bị chống đối, v.v…Vì vậy, “con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,…nhưng hãy đồng lao cộng khổ với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa” (x. 2Tm 1, 8). Kế đến, luôn luôn “lấy lời lành lẽ phải mà đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Đức Giê-su Ki-tô” (2Tm 1, 13). Hễ ai ‘neo đậu thuyền đời mình nơi bến đỗ Giê-su’ thì ý thức đời sống đức tin với cả nhiệt huyết và đức ái thâm sâu. Vì chưng Chúa Giê-su Ki-tô chính là mẫu mực cho mỗi người chúng ta. Sau cùng, “hãy cậy nhờ Thánh Thần là Đấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp” (2Tm 1, 14). Sống đức tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, biết bảo tồn gìn giữ kho tàng đức tin, việc đạo đức, lành thánh. Và như thế, sau khi đạt được những thành quả hoặc thành tựu gì thì chỉ biết tạ ơn Chúa, chứ chẳng phải bởi tài nghệ của bản thân. Hơn nữa, đức tin dưới sự thúc giục, dẫn lối của Chúa Thánh Linh, chúng ta không có gì để khoe khoang, phô trương, kể công cả; đúng hơn, chỉ biết nói: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm” (Lc 17, 10).
Chuyện kể rằng: Khi Thánh Phan-xi-cô đệ Sa-lê lúc 19 tuổi bị bệnh nặng, nghĩ mình sắp chết và thấy bản thân thật vô dụng. Ngài bèn nói với thầy dạyngành y: “Khi con chết, xin thầy lấy xác con để cho sinh viên học tập mổ xẻ”. Thời đó, năm 1587, mổ xẻ xác người và ăn cắp xác người chết là một thứ tội lỗighê gớm. Nhưng vì cho sinh viên thực hành, trường y khoa buộc lòng phải ra nghĩa địa ăn trộm xác về. Nghĩ vậy, nên ông thầy trả lời với thánh nhân: “Nếu thế, chắc gia đình sẽ kết án thầy mất!”. Vị thánh trẻ liền nài nỉ: “Điều đó thật sự an ủi con khi con nhắm mắt xuôi tay. Con nghĩ rằng khi còn sống, con chỉ là đầy tớ vô dụng. Cho nên, con muốn ít nhất sau khi chết, còn có cái gì tốt để lại cho đời”. Mãi về sau,khi ngài làm Giám mục Giáo phận Giơ-ne-vơ, Vua Louis IV phải công nhận rằng: “Giám mục Giơ-ne-vơ có tất cả mọi nhân đức và chẳng hề lầm lỗi! Ngài đã làm bao nhiêu việc tông đồ lớn lao và giúp giáo phái Thể phạn Cal-vin trở lại với Giáo hội Công giáo, thế nhưng ngài vẫn luôn nói: “Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng!”.
Lạy Chúa, xin ban cho con
Biết sống âm tình cảm tạ
Dù ngày tháng có trôi mau
Lửa đức tin vẫn bùng cháy
Thiêu đốt e dè sợ sệt
Xua tan rối bời cuộc sống
Để vẫn mãi hướng về Ngài
Cội nguồn hạnh phúc đời con. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 6
Khiêm Nhường Với Bổn Phận
Kb 1,2-3.2,2-4; 2Tm 1,6-8.13-14; Lc 17, 5-10
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ví tương quan giữa con người với Thiên Chúa như đầy tớ với ông chủ: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: 'Mau vào ăn cơm đi', chứ không bảo: 'Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!'? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17,7-9).
Ông chủ: Thật khác lạ, ở đây ông chủ yêu thương nhân hiền mời giục đầy tớ: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không để đầy tớ làm mệt về nhà vẫn phục vụ chủ ăn đã, rồi mình ăn uống sau. Bình thường một ông chủ trả công xứng đáng, đầy tớ được ngồi đồng bàn ăn với chủ là tốt lắm rồi. Nhưng ở đây ông không phân biệt tớ chủ, mà vì tấm lòng yêu thương, không phải vì biết ơn đầy tớ đã làm cho mình. Chính Đức Giê-su, “Ông Chủ ngược đời” trong bữa tiệc ly đã sẵn sàng thắt lưng, quỳ xuống mà rửa chân cho môn đệ mình.
Đầy tớ:Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10).
Khi đã làm tất cả theo lệnh xong thì nói chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Đây là hình ảnh đầy tớ rất khiêm nhường trong bổn phận với chủ. Sau khi chu toàn công việc không kể công khó, không kiêu ngạo khẳng định khả năng của mình trong sự thành công, còn nhìn nhận mình vô dụng, chỉ làm việc bổn phận, cũng chỉ vì lòng mến yêu chủ.
Trong cuộc sống này, người ta làm việc bổn phận với nhiều mục đích và thái độ khác nhau: để tính công, để thể hiện tài năng của mình, để được khen, có khi vì ép buộc… Nhưng đẹp nhất vẫn là làm vì lòng mến yêu không đòi đền đáp, không điều kiện, càng với tình yêu nhưng không càng thấy hạnh phúc. Bà mẹ lo cho các con bữa ăn thật ngon, ngồi nhìn con ăn như chưa bao giờ được ăn, ăn hết cả phần mẹ. Phải tất tả làm mệt mà mẹ vẫn vui, không kể công mẹ, nhưng càng vui khi thấy mình chu toàn bổn phận nuôi con, cho con được ngon miệng và no ấm. Tình yêu Chúa luôn trào tràn trên con cái nhưng không, hơn nhiều tình mẹ. “Chúa đã đối xử nhân từ với chúng tôi, nên chúng tôi mừng vui bao hân hoan.” (TV đáp ca).
Chúa ơi! là những người con, chúng con an tâm phó thác cuộc đời hiện tại trong vòng tay yêu thương quên mình vì con của Chúa. Xin cho chúng con biết trung thành khiêm tốn, chăm chỉ chu toàn việc bổn phận riêng mình mọi nơi và trong mọi lúc vì lòng yêu mến Chúa.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log