Thứ sáu, 15/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XX Thường niên - Năm C

Cập nhật lúc 09:45 11/08/2022
Suy niệm 1
Đem lửa xuống thế gian
Ga 6, 51-59
 
Đem lửa đến.
Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên” ! Khi nói câu này, Chúa Giêsu không chỉ nghĩ đến những lời bốc lửa Tin Mừng của Ngài sẽ đốt cháy thế giới, mà còn là món quà sự sống của Ngài ban cho chúng ta trên Thập giá sắp đốt cháy tất cả gốc rễ của tội ác và của hận thù nơi con người. Những lời này của Ngài sẽ thức tỉnh nhân loại rằng chỉ có tình yêu mới có thể cứu và làm cho nhân loại được sống. Tình yêu này xuất phát từ chính trái tim Thiên Chúa.
- Thánh Phaolo nói: Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa đang thiêu đốt chúng ta
- Moi-sê đã đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong bụi gai đang cháy
- Đa-vit đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đốt cháy trái tim tôi .
- Hai môn đệ trên đường Em-mau sau khi được Chúa Giêsu nhắc lại những lời Kinh Thánh, đã nói lên rằng: “Lòng chúng ta đã chẳng cháy lên khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh thánh cho chúng ta đó sao”?
Ngay từ khởi đầu Giáo hội, ngọn lửa Tin mừng được thắp lên vào ngày Lễ Ngũ Tuần và lan rộng khắp thế giới nhanh chóng đáng kinh ngạc. Thánh Phaolo nói rằng cả một đám đông nhân chứng đã sẵn sàng hiến mạng sống mình vì Chúa Kitô. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả các vị tử đạo của thời đại chúng ta, có lẽ còn nhiều hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử Giáo hội. Chúa Thánh Thần đặt ngọn lửa vào trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa. Nếu chúng ta để cho Ngài hoạt động, chúng ta sẽ có khả năng yêu thương và không chia rẽ. Về điều này, Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng chúng ta không nên ngồi mãi trên chiếc ghế dài của chúng ta nhưng phải ra ngoài để gặp anh em chúng ta: chia sẻ nguồn năng lượng bền vững có trong chúng ta!
Làm gì khi đối diện với sự dữ?
Sứ điệp tình yêu mà Chúa Kitô để lại cho chúng ta dường như chống lại những lời mà Ngài đã nói trong tin mừng hôm nay: “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bỉnh an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: Không phải thế! Nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Vấn đề chính yếu ở đây không phải là sự chia rẽ và sự ghen ghét đi theo, mà là sự can đảm vạch mặt sự dữ tiềm ẩn trong đó.
Can đảm vạch mặt sự dữ, đó là thái độ của tiên tri Giêrêmia trong bài đọc I: dân trong làng vây quanh ngài và ngay cả nhà vua cũng cảm thấy mình bị xáo trộn trước lời kêu gọi phải đối xử công bằng hơn. Và vì thế tất cả đều chống lại ngài đến nỗi ném ngài vào giếng nước đầy bùn. Vào giây phút cuối cùng, khi ngài sắp chết, một người dũng cảm đến cảnh báo cho nhà vua biết nhà vua đã gây nên một điều ác.
Phần chúng ta, chúng ta đang sống trong thời đại mà người ta nói:
Giàu thì người ta ghét,
Đói rét người ta khinh,
Thông minh người ta tiêu diệt,
Hoặc một câu nói khác:
Nước trong thì không có cá,
Người tốt quá thì không ai chơi.
Liệu chúng ta có dám can đảm bảo vệ sự sống và công lý khi chúng ta bị đe dọa cách này hay cách khác, và có khi nguy hại cả đến tính mạng chúng ta không?
Thật không dễ dàng gì vì sự dữ hay đúng hơn là những kẻ phạm tội ác lại là người có quyền hành đều biết cách tự vệ!  Tất cả những người đối lập đã cùng nhau chống lại Chúa Giêsu khi Ngài đến để loan báo những lời nói thật. Những người này là nguồn gốc dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, vì họ từ chối nhận ra sự thật và ý nghĩa của những gì Ngài nói. Ngày nay, loại người này có thể có trong các gia đình khi ai đó dám làm chứng về đức tin của mình. Một điều chắc chắn trong mọi trường hợp: Tin Mừng khi được hiểu rõ, không cho phép ai thờ ơ: luôn đặt câu hỏi và thắp lên ngọn lửa thiêu đốt!
Khả năng chịu đựng trong thử thách
Thánh Phaolo trong bài đọc II, mời gọi chúng ta bắt chước các nhân chứng xung quanh chúng ta: “Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng mang đức tin và làm cho đức tin nên hoàn tất… Người đã chịu khổ giá bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng trong mỗi chúng ta và xung quanh chúng ta đều có tính ích kỷ và kiêu ngạo. Đứng trước tình trạng này, chúng ta phải tố cáo hoặc loại bỏ, hoặc "đốt cháy".
Vì thế, chúng ta vừa phải can đảm vừa phải đem bình an khi đối mặt với bạo lực và hận thù.  Bình an mà chúng ta mang đến phải trở nên nhân chứng chứ ​​không phải là bình an theo kiểu thế gian:  đó là bình an mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ngay cả giữa nghịch cảnh
Nói tóm lại, tố cáo tội ác mà không phạm tội ác là điều nghịch lý và tuyệt vời của Kito giáo. Đức tin của chúng ta thường dò dẫm, nhưng hãy để đức tin sinh hoa trái, đó là làm chứng đức tin với một trái tim khiêm tốn và chân thành: ngọn lửa đức tin của chúng ta tiến triển từ đống tro tàn, dần dần và chắc chắn trở nên than hồng. 
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Lc 12, 49 – 53
Đức Giê su đến trong trần gian để thực hiện công trình cứu độ. Công trình này đã được Chúa Cha thiết kế rồi. Bản thiết kế có rất nhiều chi tiết. Chi tiết nào cũng làm cho người thực hiện phải toát mồ hôi. Những chi tiết đó là: Sinh ra trong hang đá lạnh lẽo và thiếu thốn cực kỳ; sống bằng nghề thợ mộc vừa nghèo vừa thấp kém; khi ra truyền đạo thì bị rình mò, bắt bẻ và chống đối; cuối cùng thì bị tra tấn lăng nhục và đóng đinh vào khổ giá; chết đau, chết nhục và oan khiên, rồi sau ba ngày thì phục sinh.
Đức Giê su nói cho các Tông Đồ và thính giả: Ngài đang nôn nóng, đang bức xúc muốn cho mọi nỗi đau đó đổ ngay xuống trên đầu mình, để ý của Chúa Cha được thực hiện và loài người được trở về làm con Chúa.
Người ta ở đời, thì háo hức có một cái nồi to để ôm và có một cái ghế cao để ngồi. Còn Chúa thì chỉ thao thức có một cây khổ giá để vác. Vác oằn vai để nói lên tấm lòng yêu thương của mình đối với loài người tội lỗi. Ôi! Chúa khổ như vậy đấy, mà lòng chúng ta có bị xao xuyến hay không?
Sau khi mô tả một con tim thao thức được khổ, được chết cho người mình yêu, Chúa đưa mắt nhìn mười hai Tông đồ và với giọng trìu mến Ngài cho họ thấy một tương lai buồn đến tê tái đang đến và sắp đến với các Tông đồ.
Suốt ba năm trường, họ thoát ly gia đình đi theo Chúa, không phải vì một lý tưởng cao siêu, mà chỉ vì đĩa xôi mâm thịt. Họ nghĩ rằng Chúa sẽ làm vua, còn họ thì để làm quan. Cụ thể là hai môn đệ ưu tú Gia-cô-bê và Gio-an đã vận động bà mẹ để ba mẹ con đến xin Chúa cho một đứa làm thủ tướng, một đứa làm tổng tư lệnh quân đội. Cả ba mẹ con đều tin chắc rằng Chúa sắp làm vua rồi.
Để giập bỏ tinh thần thấp lè tè ấy, Chúa phác họa ngay một cuộc sống đầy gian khổ bắt đầu từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Trong gia đình thì vợ con xấu hổ với xóm giềng. Đi theo Đức Giê-su thì không lĩnh lương không có một đồng xu để đưa cho vợ, không có một viên kẹo cho thằng cu tí để nó nhóp nhép với bạn bè. Thế là xóm giềng chế giễu, nội bộ gia đình lỉnh kỉnh.
Mà sự thật thì còn khổ hơn thế nhiều. Các Tông Đồ sau này đều bị tù đày, đánh đập và giết chết. Nhưng tất cả các ngài đều vui như tết, chẳng biết buồn là gì. Cụ thể là thánh Phê-rô, khi được thả về, thì trên đường đi, vừa đi vừa hát thánh ca. Hỏi tại sao bị đòn, mà vẫn còn hát, thì câu trả lời lại rất tự nhiên rằng: “Tại vì được chịu đòn vì Thầy”. Thánh Phao-lô và Sila bị đánh 40 hèo rồi tống vào trại giam Phi-líp. Đêm hôm ấy hai anh em hứng lên hát thánh ca làm náo động cả trại giam. Tại sao vậy? Tại sướng quá!
Cây khổ giá là quy luật của lịch sử cứu độ. Số phận của Giáo hội và của mỗi người tín hữu của Chúa là cây khổ giá, nhưng là “Từ khổ giá đến vinh quang”. Số phận này của Giáo hội và của mỗi người chúng ta giống như số phận của chậu hoa mai ở các chợ Tết.
Trước Tết hai tháng, chủ vườn ngưng bón phân, ngưng tưới nước. Cây mai phải nhịn đói nhịn khát. Trước Tết hai tuần, chủ vườn ngắt hết lá mai. Cây mai giống như cây khô. Tưởng đời của cây mai đã tận thế. Ai ngờ đến Tết hoa mai nở rực rỡ. Mỗi chậu mai bán được vài chục triệu.
Giáo hội và mỗi tín hữu của Chúa cứ nhìn vào thân phận của cây mai, để thấy rằng mình cũng thế đấy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Phép rửa của Chúa Giê-su
Lc 12, 49-53
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho biết: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất!” (Lc 12,50).
Phép rửa đó thế nào mà lại khiến Chúa Giê-su phải khắc khoải âu lo?
Đây không phải là phép rửa mà Chúa Giê-su đã chịu ở sông Gio-đan bởi tay Gioan, vì phép rửa đó đã qua rồi.
Và khi “Hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an đến gặp Chúa Giê-su và thưa với Ngài: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Đức Giê-su bảo: "Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10, 35-40).
Lần nầy, Chúa Giê-su lại nói Ngài sắp chịu một thứ phép rửa nào đó... Vậy thì phép rửa nầy là gì?
Phép Rửa được Chúa Giê-su đề cập hai lần trên đây là cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Phép Rửa nầy có hai giai đoạn liền kề nhau, giai đoạn thứ nhất là chịu chết trong đau thương và giai đoạn hai là sống lại trong vinh quang.
Phép Rửa nầy có khả năng mang lại ơn cứu độ cho nhân loại; vì thế, sau khi đã chịu phép Rửa xong và trước khi lên trời, Chúa Giê-su muốn ban lại cho chúng ta. Ngài truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16).
Như vậy, Chúa Giê-su mong muốn chúng ta tin và lãnh nhận phép rửa để được cứu độ.
Chịu phép rửa với Chúa Giê-su
Như đã đề cập trên đây, Chúa Giê-su chịu phép Rửa là Ngài chấp nhận chịu chết cách đau thương để sống lại trong vinh quang. Vậy thì, nếu muốn chịu phép Rửa, chúng ta cũng phải dìm chết con người cũ tội lỗi để sống lại làm người mới tinh tuyền thánh thiện.
Thánh Phao-lô dạy rằng khi chịu phép Rửa là chúng ta cùng chết với Chúa Giê-su để được sống lại với Ngài trong đời sống mới (Rm 6,3-4).
Trong tôi có một con người kiêu căng, tự cao, tự đại… Lãnh phép Rửa thì phải dìm chết con người đó đi, để sống lại thành con người mới không còn kiêu căng, tự phụ.
Trong tôi có một con người tham lam, ích kỷ, chỉ biết vun quén cho mình chẳng nghĩ đến ai. Lãnh phép rửa là dìm chết con người hư hỏng đó đi để sống quảng đại, vị tha.
Trong tôi có một con người ganh tỵ, bất nhân… Lãnh phép Rửa thì phải dìm chết con người khả ố đó đi để sống chan hòa với mọi người.
Nói khác đi, lãnh nhận phép Rửa với Chúa Giê-su là:
Hủy diệt con người cũ với những thói hư tật xấu để sống lại làm người mới, giống Chúa Giê-su phục sinh.
Lạy Chúa Giê-su,
Nếu muốn được cứu độ thì chúng con phải lãnh nhận phép Rửa như Chúa, phải dìm chết con người cũ với bao nhiêu lầm lỗi của mình để sống lại làm con người mới giống như Chúa.
Nhưng đây là điều rất khó mà tự sức riêng, chúng con không thể làm được.
Xin ban ơn giúp sức để chúng con dần dần từ bỏ những lỗi phạm hằng ngày, hủy diệt tội lỗi của mình, nhờ đó, chúng con được bước vào đời sống mới vinh quang với Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
Hoàng Tử Bình an sao lại mang đến sự chia rẽ?
Lc 12 ,49-57
Lửa của Chúa Giêsu  
Câu đầu tiên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy những mong biết bao cho lửa ấy cháy lên" (Lc 12). Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Chúa Giêsu như "Ðấng sẽ đến để thanh tẩy trong Thánh Thần và trong lửa". Hơn nữa, Người còn nói: "Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây: cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa" (Mt 3,10).
"Lửa" mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là "Lửa Thánh Thần", lửa của tình yêu và lòng mến. Chúa Giêsu đến để cho những ai tin Người được đầy tràn Thần Khí Chúa. Người hằng mong lửa Thánh Thần sẽ xuống trên các môn đệ, vì đó là mục đích cuộc giáng sinh cứu thế của Người.
Bình an của Chúa Giêsu
Đoạn Tin Mừng hôm nay chứa đựng một số lời được cho nghịch lý nhất chưa bao giờ được Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, nàng dâu chống đối mẹ chồng " (Lc 12, 51-53).
Chúng ta nghĩ sao đây khi mà sách Sáng Thế mô tả Thiên Chúa sáng tạo con người trong cảnh bình an, nhưng con người muốn tự quyết định vận mệnh của mình ngược với thánh ý Thiên Chúa, con người trở nên bất an và các mối tương quan của con người cũng không còn diễn ra trong trật tự và hòa hợp nữa (x. St 3,1-24). Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và đã thiết lập giao ước bình an với con người: "Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời" (Ed 37,26).
Chúa Giêsu được Isaia loan báo là Thái Tử Hòa Bình, và ngày sinh nhật của Người được các thiên thiên chào đón với những lời ca tiếng hát: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm", (Lc 2, 14) và khi đi rao giảng, Người cũng đã từng công bố: "Phúc cho những ai xây dựng hoà bình" (Mt 5, 9). Cũng chính Chúa Giêsu, khi bị bắt, đã truyền cho Phêrô "Hãy xỏ gươm vào bao! " (Mt 26, 52). Nay lại tuyên tuyên bố một câu thật sốc: "Thầy đến để đem sự chia rẽ" (Lc 12, 51). Chúng ta giải thích sự mâu thuẫn này như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt xem đâu là sự bình an và hiệp nhất mà Chúa Giêsu mang đến, và đâu là sự bình an và sự hiệp nhất Người muốn tẩy chay. Người đến ban bình an và hiệp nhất cho người lành, điều dẫn tới sự sống đời đời, và Người đã đến tẩy chay sự bình an và hiệp nhất giả trá, ru ngủ lương tâm và dẫn tới sự đồi bại.
Không phải Chúa Giêsu có ý đến để đem sự chia rẽ và chiến tranh, nhưng điều Người mang đến, không thể tránh được sự chia rẽ và sự chống đối, bởi vì Người đặt dân chúng trước một sự lựa chọn khi đối mặt với sự cần thiết phải chọn lựa.
Chính Chúa Giêsu đã phân biệt hai kiểu bình an khi nói với các môn đệ mình rằng: "Thầy để lại bình an cho các con ; Thầy ban bình an của Thầy cho các con ; Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng" (Ga 14, 27). Bình An Giêsu, Đấng đã chịu khổ nạn, chết và phục sinh, đem lại cho nhân loại. Bình an này đồng nghĩa với ơn cứu độ. Bình an của Chúa Giêsu là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà không mãnh lực nào có thể cướp mất được, cho dù là sự chết. Thánh Phaolô quả quyết: "Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu" (Pl 4,7).
Chúa Giêsu nói rằng sự "chia rẽ' này cũng có thể xảy ra trong gia đình: giữa cha và con trai, mẹ và con gái, anh em và chị em, nàng dâu và mẹ chồng. Và vô phúc thay, chúng ta biết điều này thỉnh thoảng gây đau đớn thật sự. Người nào đã gặp được Chúa và muốn nghiêm chỉnh theo Chúa, thường thấy mình ở trong tình huống khó khăn phải lựa chọn: Hoặc làm cho những người nhà được hạnh phúc, lơ là Thiên Chúa và việc thực hành đạo đức, hoặc là theo những cái xấu và đặt mình xung đột với người nhà mình, những kẻ mang lại rắc rối cho mình vì lòng sốt sắng và sánh danh Thiên Chúa.
Nhưng sự chống đối thâm nhập còn sâu hơn, trong chính con người, và trở thành một trận chiến giữa xác thịt và tinh thần, giữa tiếng mời gọi đi tới ích kỷ, sự hưởng thụ quá đáng, và tiếng gọi lương tâm. Sự chia rẽ và xung đột bắt đầu bên trong chúng ta. Thánh Phaolô đã minh họa điều này cách rất kỳ lạ: "Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt; đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn" (Gal 5,17).
Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy: " Bản chất của hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của công bằng" (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động.
Lạy Thái Tử bình an, xin cho thế giới được hòa bình. Nữ Vương Bình An cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 5
Lửa Tình Yêu
 
Chúa Nhật 20 Thường niên năm nay nhằm ngày 14 tháng 8, lễ nhớ thánh Maximilia Maria Kolbe, linh mục người Ba Lan, dòng Hiến sĩ Đức Mẹ, tử đạo trong trại tập trung Auschwitz.
Tháng 7 năm 2016, nhân dịp đến Ba Lan gặp gỡ các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới về dự Đại hội Giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Auschwitz, nơi trước đây là trại tập trung. Ngài đã thinh lặng cầu nguyện trong căn phòng nhỏ bé, số 13, dưới tầng hầm, là nơi cha Kolbe cùng với 9 tù nhân khác bị giam giữ và chết vì hơi độc. Cha Kolbe đã tự nguyện chết thay cho một tù nhân. Hành động ấy khiến những viên cai tù ngỡ ngàng. Sau khi cha Kolbe bị giết chết trong phòng hơi ngạt, những viên cai tù trở nên trầm ngâm ít nói và hành động của họ bớt đi sự hung hãn.
Dịp hành hương này, khi đến thánh địa Lòng Thương Xót Chúa ở Ba lan, tôi cũng có đến thăm trại tù số 13. Có hàng triệu người bị phát xít giết chết, trong đó có khoảng 6 triệu người Do thái. Chứng tích của sự tàn bạo dã man, giống như những cánh đồng chết và trại tù Tusliêng ở Campuchia do Pônpốt hủy diệt hơn 2 triệu dân.
Cha Kolbe đã hành động quả cảm, vừa chết thay cho một tù nhân, vừa làm cho những cai tù bớt tàn ác. Ngài theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận chịu khổ hình để cho nhân loại hạnh phúc, chấp nhận thập giá để xoá tan bạo lực, từ đó mời gọi con người sống với nhau nhân ái hơn. Cái chết của cha Kolbe là một chứng từ thắp ngọn lửa yêu thương.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về sứ mạng của Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!”.
Lửa ấy là gì?
Trong Kinh Thánh, từ “lửa” được đề cập 480 lần. Lửa mang nghĩa biểu tượng thánh thiêng chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai cháy rực cháy (x.Xh3,2). Thiên Chúa lập giao ước dưới chân núi Sinai (x.Đnl 1,33;4,11-12.36;5,4.22). Lửa là hình ảnh Thiên Chúa hướng dẫn dân Do thái trong sa mạc (x.Xh 13,21).
Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các Tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần (x.Cv 3,2). Lửa là sức mạnh của Thánh Linh, khi các Tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã trở nên con người hoàn toàn mới: Can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng (x.Cv 1,8), làm chứng, hy sinh vì Tin Mừng và vì tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Lửa chính là tình yêu nồng cháy của Đức Giêsu (x.Lc 12,49).
Lửa còn tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu huỷ và phán xét. Đó là ngọn lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra (x.St19,24), mưa lửa từ trời xuống như một phần của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới (x.Lc17,29); hay là lửa soi sáng trong Ngày của Thiên Chúa (x.1Cr 3,13; Mt 3,11-12).
Theo các nhà chú giải Kinh thánh, lửa ấy chính là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cho “lửa” đó được bùng lên, nghĩa là muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết Chân lý và Tình yêu của Thiên Chúa.
Dùng hình ảnh lửa, Chúa Giêsu có ý nói đến nội dung và đặc điểm sứ mạng của mình. Lửa bừng cháy và tỏa sức nóng, lửa đem lại ánh sáng xua tan bóng tối, thiêu đốt thành tro, nung nấu tan chảy và làm cho biến đổi.
Bằng ẩn dụ lửa, Chúa Giêsu gợi lên nội dung sứ mạng của mình là mang ánh sáng chân lý từ trời cao ném vào mặt đất, để soi sáng con đường cứu nhân loại thoát khỏi bóng tối nô lệ tội lỗi, đồng thời thiêu hủy sự dữ và thanh luyện con người nên tinh tuyền.
Khởi đầu sứ vụ, trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng về lửa được Ngài ném vào thế gian. Đó là lửa của những mối phúc (x.Mt 5,3-12; Lc 6,20-26), đặc biệt lửa của những phép lạ, lòng khoan dung tha thứ tội lỗi và của trái tim nhân từ cảm hóa kẻ lầm lạc.
Người môn đệ cũng phải tiếp tục mang lửa của Chúa Giêsu vào trần gian bằng cách loan báo và làm chứng từ chính cuộc sống bừng lửa của mình. Lửa của những mối phúc thật. Lửa của sự sống phục sinh. Lửa đã tỏa sáng và thanh luyện những người bước theo Chúa Giêsu.
“Thầy ước mong ngọn lửa ấy bùng lên!”. Đó là tâm nguyện của Chúa Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu thắp sáng ngọn lửa ấy bằng đời sống chứng nhân.
Lửa Chúa Giêsu mang đến là lửa của tình yêu.Đó là lửa của Thánh Thần, là chính Chúa Thánh Thần, Đấng canh tân đổi mới địa cầu, nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối, sưởi ấm những tâm hồn băng giá, Đấng hướng dẫn con người bước đi trong ánh sáng chân lý và sự thật.
Chính từ ý tưởng này, Chúa Giêsu đã dùng kiểu so sánh khiến nhiều người thắc mắc: Thầy đến không đem hòa bình nhưng là đem sự chia rẽ. Vậy Chúa Giêsu có phải là người gây chia rẽ không ? Chắc chắn là không. Nhưng Ngài đem lửa chân lý và sự thật đến thế gian. Sự chia rẽ xảy ra là do sự giằng co giữa tin và không tin, đón nhận và chối từ, thuận và chống, ủng hộ và đối kháng với Tin Mừng của Chúa. Sự chia rẽ khởi đi từ nội tâm trong mỗi người, là cuộc chiến xảy ra trong tâm hồn mỗi người khi đón nhận sự thật và chân lý của Chúa.
Con người cũ là con người sống theo bản năng, chiều theo tự do của xác thịt, bị cuốn hút vào những hấp dẫn của thế gian, điểm cuối cùng của chọn lựa con đường này là tha hoá và sự chết. Con người mới là con người hướng thượng, nỗ lực vươn lên đến Chân, Thiện, Mỹ. Con người mới được mời gọi bước theo sự hướng dẫn của Tin Mừng.Từ sự đối nghịch giữa con người cũ và con người mới đã dẫn đến sự phân rẽ trong nội tâm con người, khiến cho con người luôn phải giằng co và chiến đấu với chính mình.
Cũng từ việc chon lựa tin hay không tin, theo hay không theo đã xảy ra chia rẽ ngay trong các gia đình. Có những người quảng đại đón nhận giáo lý Tin Mừng, có những người nấn ná hay từ chối khiến cho sự chống đối xảy ra. Sự chống đối Chúa Giêsu nói ở đây không phải là sự phản đối nhau bằng bạo lực hoặc súng đạn, cũng không phải là chiến tranh nhân danh tôn giáo theo kiểu ngày nay, nhưng là cuộc chiến đấu âm thầm mà liên lỉ của chân lý và tình yêu.Trong bài đọc 2, thánh Phaolô đề nghị chúng ta hãy chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để tìm nguồn sức mạnh giúp chúng ta “xông pha chiến trận”.
Người môn đệ khi lãnh nhận ngọn lửa tình yêu, lửa Tin Mừng của Chúa, được mời gọi bước vào một cuộc chiến vượt lên chính mình. Cuộc chiến này đòi hỏi kiên trì nhẫn nại để làm cho lửa tình yêu lan tỏa, ánh sáng chân lý làm cho sự thật lên ngôi và tình yêu được triển nở. Như thế, sự chống đối trong gia đình giữa cha mẹ, con cái, anh em, không phải là một cuộc nội chiến, nhưng là một cuộc tâm chiến, tức là chiến đấu trong tâm hồn và trong sứ vụ.
Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta tham gia thực hiện tâm nguyện của Ngài, làm cho ngọn lửa Tin Mừng, lửa tình yêu được bùng cháy lên trong cuộc sống mỗi người từng ngày.
Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa từ trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con soi sáng những ai còn ngồi trong tăm tối, sưởi ấm những ai đang lạnh lùng, thanh luyện những cõi lòng chai đá, để khắp nơi trên trái đất này tràn đầy ánh lửa tình yêu Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 6
SỰ BÌNH AN ĐÍCH THỰC
 
Mỗi người trong chúng ta không nhiều thì ít cũng trải nghiệm những biến cố đau thương, mất mát, đối diện với sự sống và cái chết, giành giật giữa sự bình an và nỗi bất an trong tâm hồn, đắn đo suy nghĩ chọn lựa để đưa ra quyết định đúng đắn hay đã trót mắc sai lầm, v.v...Một câu nói vô danh rất thú vị đáng để chúng ta gẫm suy: “Cuộc đời là một bài kiểm tra khó tột cùng. Nhiều thí sinh đã thất bại vì họ nhầm tưởng cứ sao chép đáp án của nhau là đỗ đạt, nhưng họ lầm vì đáp án của mỗi người hoàn toàn khác nhau”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết can đảm chọn lựa điều Chúa muốn hơn là bản thân hoài vọng, biết chấp nhận sự thua thiệt đời này mà được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, biết từ bỏ những ảo vọng, tham vọng mà nghiệm thấy sự bình an đích thực trong tâm hồn. Và sự bình an này chỉ một mình Thiên Chúa mới lấp đầy tâm hồn hằng khắc khoải, khát vọng của chúng ta thôi.
Thoạt tiên, khi đọc bài Phúc Âm theo Thánh Lu-ca hôm nay, chắc hẳn ai cũng ngỡ ngàng, và có thể không đồng tình với Chúa Giê-su khi Ngài nói: “Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ” (x.Lc 12, 51). Xem ra nghịch lý, khó chấp nhận; nhưng suy đi, nghĩ lại, ngẫm suy cho kỹ, thì câu nói này lại là một chân lý tuyệt vời, sâu xa. Vì sự bình an, hoà bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt đấu tranh chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, giữa sự lành và tội lỗi, giữa ý định của Thiên Chúa và ước vọng trần tục ngay trong tâm hồn chúng ta, trong gia đình (đặc biệt gia đình ‘đạo ai người ấy giữ’), trong cộng đoàn giáo xứ, trong Giáo hội và trong xã hội đầy biến chuyển ngày nay. Vào một buổi yết kiến chung, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: “Nếu chúng ta ước ao theo sát chân Chúa Giê-su, chúng ta nên loại bỏ lối sống dễ giải, quá tiện nghi mà hy sinh vác Thập giá mình với cả lòng nhiệt thành, hân hoan”. Quả thật, sự bình an đích thực mà Chúa Giê-su muốn đem đến cho thế gian này đó chính là Lửa tình yêu, Lửa Thánh Linh nung nấu, thánh hoá, biến đổi chúng ta biết phân định, phân rẽ sự ác khỏi điều thiện hảo, bóng tối tội lỗi khỏi ánh sáng của ân sủng... “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên...” (x. Lc 12, 49). Và nhờ ngọn Lửa Thánh Linh thanh tẩy mọi bợn nhơ, hoen úa tâm hồn, những dục vọng trần tục được loại bỏ chỉ còn lại sự tinh tuyền trọn hảo. Nhưng để đạt được sự bình an đích thực này, chúng ta cần cộng tác với ơn sủng Chúa ban qua Lời Hằng Sống, qua Bí tích, qua đời sống giảng dạy của Mẹ Giáo Hội,..., và đặc biệt qua hai bài đọc hôm nay.
Chấp nhận từ bỏ tội lỗi, từ bỏ hận thù, ghen ghét, ích kỷ,...như vua Sê-đê-ci-a đã làm trong bài đọc I. Thoạt tiên, Vua chiều theo ước muốn của các thủ lãnh dân Is-ra-en mà bắt tiên tri Giê-rê-mi-a quăng xuống hầm nước của hoàng tử Men-ki-a, đoạn cho ông chết vì họ cáo buộc tiên tri Giê-rê-mi-a làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót, không tìm hoà bình cho dân mà chỉ tìm tai hoạ (x. Gr 38, 4), trong khi tiên tri Giê-rê-mi-a loan báo chân lý mà Chúa sai ông tuyên sấm cho dân Is-ra-en (x. Gr 38, 1-3). Tuy nhiên sau đó, vua đã truyền dạy Ab-đê-mê-léch, người Ê-ti-ô-pi-a cứu tiên tri Giê-rê-mi-a (x. Gr 38, 10). Thiết nghĩ, khi vua đồng tình tra tay với các thủ lãnh có ý định giết Giê-rê-mi-a, lương tâm vua đau nhói, bất an, cắt rứt... vì đã hành động chống lại sự thiện, chân lý. Nhưng trong giây lát, nhờ ơn từ bỏ tư lợi, tính ích kỷ của bản thân, vua đã bênh vực công lý, và nhờ vậy, vua đạt được sự bình an đích thực trong tâm hồn.
Thứ đến, để đạt được sự bình an của Thiên Chúa, chúng ta noi theo gương sáng của tác giả thư gửi tín hữu Do thái (bài đọc II), đó là: can đảm, dứt khoát chọn lựa tình yêu chân chính với tất cả nhân chứng đông đảo, với những ai yêu mến sự thật, hoà bình, với cộng đoàn dân Chúa, chứ không cô độc hay ‘đơn phương độc mã’ xông pha chiến trận trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi đang bao quanh chúng ta (x. Dt 12, 1). Như vậy, chúng ta đang “nhìn thẳng vào Đức Giê-su, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất” (Dt 12, 2). Trong cuộc sống thường nhật, nếu chúng ta dám nâng tâm hồn mình lên tới Chúa, và để Ngài hoán đổi chúng ta thực sự thì chắc hẳn chúng ta đang được hưởng suối nguồn bình an đích thực rồi! Và chúng ta sẽ không bao giờ nao núng, sợ hãi khi phải đối mặt với sự ác, sự bất công, thất vọng, đau khổ...nếu chúng ta biết nhìn lên, và “suy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi” (x. Dt 12, 3), cũng như “Ngài đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, bất chấp sự hổ thẹn” (x. Dt 12, 2), ngõ hầu chúng ta khỏi sờn lòng, nản chí và thất vọng khi phải chiến đấu với tội lỗi, để nhờ ơn sủng Chúa, chúng ta đạt được sự bình an vĩnh cửu ngay cả đời này. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, tác giả thư Do Thái cũng nhắc nhở mỗi chúng ta rằng “dù đấu tranh trong cuộc chiến với tội lỗi này, anh chị em cũng chưa chống trả đến mức đổ máu đâu” (x. Dt 12, 4) cho bằng chính Con Thiên Chúa đã đổ máu mình ra mà cứu độ chúng ta.
Lạy Thiên Chúa Tình yêu, Hoàng Tử Hoà Bình, để được sự bình an đích thực của Chúa trong cuộc đời này, chúng con phải chấp nhận từ bỏ tội lỗi, căm ghét, ganh tị, định kiến, ý nghĩ thiển cận và lòng ích kỷ không đáy của chúng con. Xin cho mỗi người chúng con biết cộng tác với ơn Chúa ban, hầu nhờ đó, chúng con cam đảm, dứt khoát chọn lựa cho mình tình yêu chân chính và sự bình an vĩnh cửu của Chúa. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 7
Thầy đem lửa đến thế gian

Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12, 49-53
Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49).
Ngày xưa lúc Thầy xuống thế, các Thiên Thần hát rằng: “Vinh danh thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người thiện tâm”. Thầy được mệnh danh Hoàng Tử Hòa Bình. Vậy mà hôm nay Thầy bảo các môn đệ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” (Lc 12, 51-53).
Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Thầy bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Thầy dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. Hoặc “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin, kẻ không tin, người chấp nhận, kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống trong một mái nhà với nhau.
Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 49-50).
Qua cách nói của Đức Giêsu, lửa mà Ngài ném vào mặt đất là lửa Tình Yêu, lửa này có sức thanh luyện mọi sự. Vì Người muốn cho con người nên thánh thiện và hạnh phúc. Người đã thanh luyện chúng ta bằng cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người. Từ đó mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, là kỷ nguyên của hạnh phúc.
Sống dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Thầy thì cuộc sống dù xem như hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con quá bội, yêu đến hy sinh cả mạng sống mình. Xin cho loài người chúng con biết đáp lại tình Chúa bằng một lòng tin sắt son và một lòng mến nồng nàn. Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự Hiện Diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tiếp kiến chung 13/11 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu
Tiếp kiến chung 13/11 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13/11/2024, tiếp tục suy tư về cách thế Chúa Thánh Thần hoạt động để thánh hóa Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngoài Lời Chúa, các bí tích và lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần còn thánh hóa Giáo hội bằng “lòng sùng kính Đức Maria”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log