Thứ sáu, 15/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường niên C

Cập nhật lúc 09:30 25/08/2022
Suy niệm 1
Lc 14, 1.7-14
Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe chuyện Đức Giê-su được mời đi ăn tiệc. Tiệc gì thì không biết. Chỉ biết chủ tiệc là thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu, tức là các sư phụ của tín đồ Do Thái giáo. Chỉ cần biết bấy nhiêu thôi cũng để đoán mò rằng: đây là tiệc lớn, chủ tiệc có uy tín tương đương với cha quản hạt trong Giáo hội Công giáo hôm nay và khách tiệc thì toàn là những nhân vật vị vọng tương đương với các cha xứ, các ông chánh trương, các ông trùm và những người có máu mặt. Có lẽ Đức Giê-su được đánh giá là khách siêu sao.
Tiệc thì to, khách thì quý như thế, vậy mà có một điều làm Chúa phải ngứa mắt. Đó là các quý khách tranh nhau ngồi bàn danh dự, giành nhau ngồi ghế ưu tiên. Người thì lớn mà tư cách thì y như bọn hạ cấp. Lẽ ra Chúa phải làm thinh, nhưng vì đa số quan khách ấy là linh hướng của các tín đồ, nên Chúa phải lên tiếng cảnh cáo, để các con cái của Chúa không bị lây nhiễm tật nguyền thiêng liêng. Chúa dạy họ như dạy trẻ con vô thức.
Điều đó chứng tỏ là Chúa rất dị ứng với cái thói kiêu ngạo, ham cầu danh cầu lợi, giả hình ở ngoài xã hội, mà giả hình cả trong đạo nữa. Cái thói cầu danh cầu lợi này cũng đang xảy ra trong xã hội hôm nay, mà chính chúng ta lại vô tâm vô tình. Cụ thể là có người giả danh làm người đạo đức thích giúp người nghèo, thích công đức nhiều tiền để xây nhà thờ. Nhưng thực ra thì đạo đức chỉ là cái bao bì thật đẹp, mà bên trong chỉ là bánh mốc meo. Có những chuyện khoe khoang rất buồn cười đã xảy ra một cách rất tự nhiên. Có một họ đạo kia, thấy cha xứ láng giềng đi xe Dream. Còn cha xứ mình thì đi xe kích, thì xấu hổ chịu không nổi, bèn vận động bà con mua cho cha xứ mình xe ôtô để: “Cha xứ mình phải hơn cha xứ bên kia”. Cũng có giáo xứ thấy tháp nhà thờ bên kia cao 24 mét, nên âm thầm nâng tháp bên mình lên 24 mét rưỡi. Những chuyện vụn vặt này chỉ làm ta buồn cười. Nhưng Chúa thì không cười đâu. Người buồn lắm đấy.
Sau bài học dạy khách tiệc đừng tự cao tự đại, phải sống khiêm nhu và đơn sơ, “hữu xạ, tự nhiên hương”, chứ đừng giả hình, Chúa bắt đầu tâm sự với vị chủ tiệc. Chúa có cường điệu trong cách trình bày, đó là “khi dọn tiệc thì đừng mời người giàu, mà chỉ mời người nghèo thôi”. Trong thực tế, chúng ta đừng thực hiện bài học này theo nghĩa đen. Nghĩa là tiệc cưới, tiệc khao thi đậu, tiệc sinh nhật… thì cứ tổ chức, nhưng đừng lãng phí quá đáng. Đặc biệt là nên dành chi phí của những đám tiệc không quan trọng, để giúp người nghèo. Cũng chẳng nên tổ chức tiệc dành riêng cho người nghèo, vì chính bữa tiệc ấy lại làm cho người nghèo bị mặc cảm tự ti. Điều Chúa nhấn mạnh là phải yêu người nghèo, tôn trọng người nghèo, giúp người nghèo bớt thiếu thốn, nhất là giúp họ thoát cuộc sống nghèo. Cũng đừng quên lập trường của Giáo hội về vấn đề nghèo là: “Sống xa xỉ bên cạnh người túng thiếu là xúc phạm đến nhân phẩm và làm nhục cho Thượng Đế”. Cũng đừng quên lời của nhà văn Victor Hugo trong cuốn “Những kẻ khốn cùng rằng: “Nghèo và dốt là một cặp vợ chồng đẻ ra quái thai”. Tôi thì muốn nói mạnh hơn: “Nghèo cộng với dốt là một cặp vợ chồng cực kỳ gian ác”.
Khiêm nhu và yêu người nghèo là bài học của Chúa hôm nay. Mong rằng ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được điều đó.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
Học sống khiêm nhường với Chúa Giê-su

Lc 14, 7-14
Người đời thích tôn mình lên, muốn nổi trội hơn người khác bằng đủ mọi hình thức. Vì thế, người ta coi rẻ đức khiêm nhường, cho rằng khiêm nhường là thấp kém, là yếu đuối, nhu nhược... Tuy nhiên, đây là một nhân đức cao quý được Chúa Giê-su trân trọng và đề cao.
Chúa Giê-su trân trọng đức khiêm nhường
Mặc dù Chúa Giê-su là Thiên Chúa Ngôi Hai đầy quyền năng, đồng hàng với Chúa Cha; Ngài cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng nên vũ trụ kỳ diệu nầy. “Nhờ Ngài mà muôn loài muôn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).
Tuy nhiên, Ngài đã trút bỏ vinh quang, danh dự và quyền năng, hạ mình xuống thế làm người, “mặc lấy phận nô lệ” thấp hèn để cứu độ muôn dân (Philipphe 2,7).
Ngài chấp nhận sinh ra trong chuồng bò, đặt mình nằm trong máng ăn của súc vật! Hạ mình đến mức rốt hèn!
Khi lớn lên, Chúa Giê-su không liệt mình vào thành phần giàu có hay thượng lưu trong xã hội. Ngài không muốn thuộc về giai cấp tư tế của Đền thờ cho người ta bái phục, cũng chẳng là kinh sư, luật sĩ cho người ta trọng vọng nể vì, cũng không thuộc hàng biệt phái có nhiều uy tín trong dân… Ngài muốn thuộc về tầng lớp dân đen, làm nghề thợ mộc, đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm.
Trong bữa ăn cuối với các môn đệ trước khi nộp mình chịu chết, Ngài làm như người nô lệ phục vụ chủ nhân: múc nước vào chậu và quỳ xuống rửa chân cho từng người. Xưa nay, chưa hề có ông thầy, ông chủ nào trên đời hạ mình thấp hèn đến thế.
Đặc biệt trong cuộc khổ nạn, Ngài để cho người ta bắt bớ giữa đêm đen như một tên trộm cướp và dù Ngài là Chúa tể trời đất, là thẩm phán tối cao có quyền phán xét cả loài người và thiên thần, nhưng đã để cho quân hèn hạ phán xử Ngài cách oan ức, thậm chí khạc nhổ vào mặt Ngài.
Rồi cuối cùng, Ngài lãnh lấy cái chết thê thảm, nhục nhã, đau thương… chết không manh áo che thân, chết treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp… Không có người lương thiện nào trên đời chết thảm như Chúa Giê-su!
Từ tột đỉnh vinh quang, Ngôi hai Thiên Chúa hạ mình xuống trần làm người thấp hèn tột bậc.
Ngài hạ mình, vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền tội cho muôn người. Không ai trên đời hạ mình sâu thẳm như Chúa Giê-su. Không ai trên đời khiêm nhượng như Chúa Giê-su.
Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài vượt lên mọi loài trên trời dưới đất (Philipphe 2, 9-11).
Chúa Giê-su dạy ta sống khiêm nhường
Vì Chúa Giê-su rất trân trọng đức khiêm nhường và sống khiêm nhường từ lúc sinh ra cho đến chết, nên Ngài mời gọi chúng ta sống khiêm nhường như Ngài: “Hãy học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhường”
Vì khiêm nhường là một phẩm chất cao đẹp nên Chúa Giê-su thuyết phục chúng ta sống khiêm nhường bằng một dụ ngôn rất thực tế như sau: “Khi anh em được mời dự tiệc, đừng chọn chỗ nhất, kẻo khi có người khách khác quan trọng hơn đến sau, chủ nhà sẽ đến nói với anh em: Mời anh xuống ngồi chỗ dưới nầy cho… Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi được mời dự tiệc, anh em hãy chọn chỗ cuối….  Vì hễ ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Lc 14, 8-11).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Chúa tể trời đất mà lại trân quý và theo đuổi đời sống khiêm nhường, hạ mình đến chỗ rốt hèn; trong khi đó, chúng con chỉ là những kẻ mang thân phận thấp hèn, chẳng đáng là gì trước mặt Chúa, thì thích được tôn lên cao.
Xin cho chúng con chấp nhận hạ mình, sống khiêm nhường như Chúa, để từng ngày, chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 3
CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN THÁNH THIỆN: KHIÊM NHƯỢNG
Khi đọc Phúc Âm  hôm nay, con chợt nhớ đến câu chuyện của một giáo xứ nọ. Hầu như giáo dân đến nhà thờ vào ngày hôm sau, họ đều ngồi ở những dãy ghế cuối chót, hoặc bên ngoài. Cha xứ ngạc nhiên và hỏi họ, thì Ngài nhận được câu trả lời vì Chúa Giê-su dạy (x. Lc 14, 1.7-14). Thế là Cha xứ phải vất vả mời họ vào nhà thờ, hoặc ngồi ở những hàng ghế phía trên…Nếu chúng ta thực hành Lời Chúa như vậy thì vô hình dung, chúng ta sống nệ theo câu chữ, chứ chưa đụng chạm được đến cốt lõi của con đường nên thánh thiệnmà chính Chúa Giê-su đã sống, dạy bảo chúng ta qua các bài đọc Phụng vụ hôm nay, đó là: thái độ khiêm nhường, nhân đức khiêm nhường, lòng khiêm tốn.
Đối với xã hội ngày nay, đặc biệt ở những xứ sở phát triễn, đặt nặng về vật chất, chủ nghĩa thực dụng, thì khiêm nhượng chẳng phải là một nhân đức được biết đến hoặc được chú trọng hay được yêu chuộng. Có lẽ, khiêm nhường là nhân đức bị khinh dể và chế giễu nhiều nhất, bởi vì nó rứt bỏ sự kiêu hãnh, lòng tự cao, tự đại, thái độ tôn thờ bản thân, nổi loạn, lối sống chỉ trích, phẫn uất, khoác lác, v.v…ra khỏi tâm hồn con người chúng ta. Vì vậy, khiêm nhượng là nhân đức đối nghịch với thời đại đầy kiêu căng, kiêu hãnh của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta đến thái độ khiêm tốn, lối sống khiêm nhượng thật sự, và chính nhờ nhân đức khiêm nhượng này mà chúng ta tiến lên trong bước đường thánh thiện. Nhưng khiêm nhường đích thật là gì? Câu trả lời nằm ở bài đọc I trích Sách Huấn Ca “…con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa, thi hành công vic con cách hiền hoà thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng,…vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhượng phải tôn vinh Chúa” (Hc 3, 17.20).  Như vậy, khiêm nhường là sự tôn nhận Thiên Chúa là chủ tể, chứ không phải tự tôn bản thân mình, và hơn nữa, mang thái độ sẵn lòng phục vụ một cách khiêm tốn, kín ẩn, không phô trương.
Chúa Giê-su hằng mời gọi mỗi chúng ta “hãy hc cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29), và Người mặc lấy lối sống khiêm nhường hơn ai hết “Người đã tự hạ mình, vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá! Vì thế Thiên Chúa đã suy tôn Người” (Pl 2, 8-9). Những ai tôn nhận sự chủ tể tuyệt đối của Thiên Chúa (người tự hạ mình, người khiêm nhượng) thì được Người nâng lên, và ai tự nâng mình lên (người tự tôn bản thân, không tôn nhận Thiên Chúa là chủ tể) sẽ bị hạ xuống (x. Lc 14, 11). Trong nhật ký (NK) của Thánh nữ Fau-sti-na, khi đề cập đến nhân đức khiêm nhượng, Ngài viết: “Giờ đây, tôi hiểu được vì sao có ít thánh nhân đến thế; chỉ vì có quá ít linh hồn khiêm nhượng thẳm sâu” (NK 1306), và tiếp lời “không có gì tốt hơn cho một linh hồn bằng những sỉ nhục…Nếu có một linh hồn thực sự hạnh phúc trên trần gian này thì chỉ có thể đó là linh hồn khiêm nhượng…Một linh hồn khiêm nhượng không tự tự mãn, nhưng đặt tất cả sự tín thác của họ nơi Thiên Chúa (NK 593). Bởi vì khiêm nhượng là phương thuốc đặc trị tật kiêu ngạo, lòng tự kiêu, tự đại, tính cao ngạo, kiêu hãnh, v.v…, nên khiêm nhường là nhân đức căn bản trong đời sống thiêng liêng, đời sống đạo, đời sống đức tin, và là con đường đưa đến sự thánh thiện như Thánh Âu-gus-ti-nô, một trong những đại tiến sĩ của Giáo Hội đã nhận định: “Tôi muốn anh em hãy dùng tất cả lòng mến của anh em mà đặt mình dưới chân Chúa Ki-tô, và đừng đi con đường nào khác để đạt đến chân lý ngoài con đường đã được Đấng tuy là Thiên Chúa, nhưng đã biết đến sự yếu đuối của những bước chân yếu hèn của chúng ta. Như vậy, con đường này trước tiên là khiêm nhượng; thứ hai là khiêm nhượng, và thứ ba cũng là khiêm nhượng…Mỗi khi anh em hỏi tôi về những tiêu chuẩn sống của đạo thánh, tôi sẽ cho anh em một câu trả lời duy nhất: khiêm nhượng” (trích Thư số 118: 2,11). Là con người, một hữu thể tội lỗi, chúng ta có lòng kiêu hãnh, hợm mình, tự cao, tự đại, khởi loạn, phẫn uất và xu hướng chỉ trích tiềm ẩn, vì vậy, không một ai có thể nói tôi không phải là người tự cao! Chúng ta biết tự hào về những gì mình nỗ lực đạt được, những thành công do công sức gầy dựngcủa bản thân, hoặc những gì đắc thủ; nhưng từ thái độ tự hào đi đến thái độ tự cao, tự kiêu, tự tôn thờ bản thân, tự khuếch trương cái tôi, v.v…thì chẳng xa là bao! Ngược lại, ranh giới đó lại rất gần, và khó xác định rõ ràng. Cũng theo lời thánh nữ Fau-sti-na, Đức Mẹ dạy Ngài về nhân đức khiêm nhượng như sau: “Mẹ ước mong con hãy thực hành ba nhân đức quý trọng đối với Mẹ, và làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Thứ nhất là đức khiêm nhượng, khiêm nhượng và một lần nữa là khiêm nhượng (NK 1415)
Do đó, chìa khoá đưa đến lòng khiêm nhượng đích thật là sự “dâng hiến trọn vẹn, dâng hiến không ngừng”, sự hạ mình, khiêm hạ, tận hiến, sẵn lòng phục vụ như chính Thiên Chúa đã trao ban Con Một yêu dấu của Người như quà tặng ân tình, Người chịu chết trên thập giá vì mỗi một người chúng ta. Hơn nữa, Chúa Giê-su đã sống hoàn hảo nhân đức khiêm nhượng qua việc “đến thế gian không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống mình là giá cứu chuộc cho muôn người” (x. Mt 20, 28).
Tiếp đến, một chìa khoá khác đưa đến lối sống khiêm nhượng thật sự là những ai chung quanh ta - đối tượng cho chúng ta yêu thương, phục vụ. Khi khiêm tốn nâng đỡ, trao ban một cách âm thầm, ‘không phèn la, trống đánh inh ỏi’ là lúc chúng ta sống nhân đức khiêm nhượng, chu toàn những công việc đơn sơ phù hợp với bậc sống, trách nhiệm sống; không một chút khoe khoang, phô trương, phô diễn, tự nâng mình lên với những cống hiến lớn lao, nhưng làm tất cả mọi công việc mọn hèn với thái độ khiêm hạ, hết mình và chẳng kể công trạng hay mong đáp đền (x.Lc 14, 12-14)
Sau cùng, chìa khoá dẫn đến lối sống khiêm nhượng, thái độ khiêm nhường đích thật là sự chân thành, tấm lòng trong suốt của ta, để qua đó mọi người có thể nhận ra Thiên Chúa đang hoạt động, hướng dẫn, chủ tể đời sống, hành vi của chúng ta. Thái độ kiêu căng, tự cao chính là mầm móng tội lỗi ăn sâu trong lòng chúng ta như sách Huấn Ca dạy: “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3, 28). Vì vậy, để loại bỏ những gì trái ngược với đức khiêm nhượng, chúng ta hãy chạy đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới - Đức Giê-su Ki-tô (x.Dt 12, 24a), và xin Đức Mẹ - mẫu gương sống khiêm nhượng tuyệt vời - dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su: “Ngài bảo gì, hãy làm như vậy” (x.Ga 2, 5) Duy chỉ những ai sống khiêm nhượng thật sự mới cảm nhận sâu xa tình Chúa xót thương và có thể tiếp nhận lòng thương xót Chúa một cách vô bờ bến. Chỉ khi nào chúng ta chết đi cái tôi, lòng kiêu hãnh, sự tự cao của mình thì chúng ta mới có thể mặc lấy chiếc áo cẩm bào của lòng khiêm nhượng thâm sâu; và chỉ khi nào chúng ta huỷ mình ra không, thì chúng ta mới có thể được đổ đầy.
Khiêm nhường là điều kiện thiết yếu của sự thăng tiến đời sống thiêng liêng, đời sống tu đức, đời sống đức tin, đời sống tận hiến - phục vụ - truyền giáo; và khiêm nhượng chính là phương thuốc trị liệu thần dược đối với nhân loại tội lỗi; là nền tảng của sự thánh thiện.
Lòng con chẳng dám tự cao
Mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước
việc diệu kỳ vượt sức chng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131, 1-2). Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 4
Khiêm Nhường và Bác Ái
Nước là biểu tượng cho đức khiêm nhường. Nước luôn tìm chỗ thấp mà chảy xuống. Dù hạ mình thấp hèn nhưng nước thật cao cả vì đem lại sự sống cho mọi loài.
Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận dùng hình ảnh nước để huấn dụ cho các chủng sinh về đức khiêm nhường: “Khi ta ngồi lên ngai cao, nhiều người muốn đạp ta xuống; khi ta nằm xuống sát đất, nhiều người muốn nâng ta lên…Nước mưa rơi xuống trên những đỉnh núi cao sẽ chảy tuôn đi hết chẳng đọng lại giọt nào. Rốt cuộc, mọi dòng nước đều tuôn về chỗ trũng. Chính thế người ta thường nói: biển cả là mẹ của tất cả sông ngòi vì biển hạ mình thấp hơn mọi con sông”.
Khiêm hạ như dòng nước chảy xuống thấm nhuần vào đất đai. Nước bao giờ cũng chảy xuống thấp nên có thể đến mọi nơi. Nước thấm tới đâu làm đất đai ở đó thêm màu mỡ và phì nhiêu.
Bài đọc 1, Sách Huấn Ca dạy rằng: “Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, con sẽ được đẹp lòng Chúa”. Hạ mình là cách thế tốt nhất để gặp gỡ và đến với tha nhân. Con đường khiêm hạ là con đường Thiên Chúa đến với nhân loại. Qua sự khiêm hạ, con người đến với nhau và đến mọi nơi.
Bài Tin Mừng kể chuyện, một ngày Sabát kia, Chúa Giêsu đi dự bữa tiệc tại nhà một Thủ lãnh các người Biệt phái, những người Pharisiêu cũng được mời đến tham dự, họ cố ý dò xét xem Người có làm gì lỗi luật trong ngày sabát hay không, để tìm cách bắt bẻ và lên án Người. Nhưng họ chưa tìm được lỗi nào của Chúa thì Chúa đã thấy hết lỗi của họ là lòng kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn, tự nâng mình lên để khoe khoang, coi mình hơn người khác, qua hành động tranh giành nhau chọn chỗ nhất để ngồi trong bữa tiệc. Chúa Giêsu liền kể cho họ nghe dụ ngôn: “Khi anh được mời đi ăn tiệc cưới thì đừng ngồi vào chỗ nhất…”. Và Người kết luận: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống…”.
Chỉ một bữa ăn cũng đủ là đề tài để Chúa dạy nhiều bài học. Bài học cho những kẻ được mời là hãy khiêm nhường nhìn nhận việc mình được mời là một ân huệ. Và cũng thêm một bài học cho chủ nhà là người mời. Ông biệt phái mở tiệc đãi khách, thực ra không phải vì khách mà vì mình. Ông mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, rằng bè bạn của mình toàn là những người tai to mặt lớn. Ông biệt phái thích khoe khoang nên có lẽ mời Chúa Giêsu chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bè bạn về tài giao thiệp của mình. Chúa nói đến bữa tiệc mà khách quý phải thuộc giới nghèo không có khả năng đáp lễ. Hãy biết nghĩ đến những người nghèo khó bất hạnh.
Bài học Chúa dạy là đức khiêm nhường và đức bác ái. Hai nhân đức này là nền tảng của đạo đức.
1. Bài học khiêm nhường
“Hãy chọn chỗ rốt hết để được mời lên chỗ cao hơn”.
Chỗ ngồi tượng trưng cho địa vị trong xã hội. Người ta chọn vị trí quan trọng trong bàn tiệc không phải để được ăn ngon nhưng để được vinh dự hơn. Vì thế, người ta luôn thích ngồi ở những vị trí quan trọng ở những nơi đông người để thỏa mãn lòng tự tôn của mình. Còn Chúa dạy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Ai cũng muốn thăng tiến bản thân, thích mình nổi trội, được nhìn nhận tôn trọng và ngưỡng mộ; Chúa dạy hãy hạ mình xuống, tìm chỗ thấp nhất. Ai cũng muốn mở tiệc thiết đãi những người có mối tương quan, liên hệ với mình; Chúa dạy hãy mở rộng bàn tiệc cách chân thành, quảng đại, không tính toán thiệt hơn cho tất cả những người không quen biết, những người không có khả năng đáp lễ. Ai cũng muốn giao du, kết với những người quyền thế giàu sang để có thể tự hào hãnh diện hoặc để thăng quan tiến chức; Chúa dạy hãy liên đới trách nhiệm với người nghèo khó, những người vô danh, những người bị bỏ rơi ra bên lề và quan tâm tới chính con người, hạnh phúc của họ.
Khiêm tốn là ít nghĩ về mình, và nhiều lúc không nghĩ gì về bản thân. Đối với Kitô hữu, khiêm tốn là trở nên giống Chúa Giêsu: “Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”; “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vu và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Khiêm tốn sống như Chúa Giêsu là không sống cho riêng mình mà sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ tha nhân.
Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nhu nhược hèn nhát, nhưng chỉ những ai dũng mạnh, can đảm mới dám hạ mình phục vụ anh em. Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nô lệ, mà là một hành vi yêu thương, một thái độ hoàn toàn tự do, cao quý.
Khiêm nhường còn là khuôn mặt của tình yêu. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã xuống ngang tầm những kẻ hèn mọn, những trẻ thơ, những kẻ yếu đuối. Chúa không kết thân với người giàu có quyền thế nhưng luôn quan tâm những người nghèo, người bị ruồng bỏ, người ốm yếu tật nguyền, Ngài an ủi và chữa lành cho họ.
Bằng những lời khuyên nhủ khôn ngoan, Sách Huấn Ca cũng chỉ cho thấy con đường khiêm tốn là con đường tuyệt đẹp được mọi người quý chuộng và được Thiên Chúa mến yêu.
2. Bài học bác ái
Con đường khiêm hạ còn là con đường phục vụ vô vị lợi. Chúa dạy rằng, khi mời khách dự tiệc hãy mời những người nghèo khó vì họ không có gì để trả lễ. Đó là tinh thần phục vụ vô vị lợi, không mong đền đáp, làm việc âm thầm.
Chúa Giêsu nói với ông chủ nhà, hãy mời vào bàn tiệc những kẻ bị loại ra ngoài xã hội: người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp trả, và như thế, ông mới thật có phúc vì ông sẽ được Thiên Chúa trả công trong ngày các kẻ lành sống lại.
Người ta thường nghĩ những kẻ đui mù, tàn tật, què quặt và nghèo khó là những người bất hạnh làm gánh nặng cho xã hội. Nhiều khi người ta ngoảnh mặt, giả điếc làm ngơ và từ chối giúp đỡ.Chúa Giêsu dạy các môn đệ, hãy sống gần gũi hòa đồng với người nghèo, người bất hạnh. Sống và cư xử tốt với họ dù rằng họ chẳng có gì đáp lại. Lý do là vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa, là anh em con một Cha nên cần phải thương yêu họ như chính mình.
Con đường bác ái yêu thương là lối vào Nước Trời. Chúa Giêsu chính là hiện thân nơi những người bất hạnh, nghèo khó. Ai đón tiếp họ là đón tiếp chính Chúa.
3. Tình yêu như dòng nước.
Bác ái và khiêm nhường là hai nhân đức căn bản. Bác ái là bản chất, khiêm nhu là vóc dáng. Vóc dáng giúp chủ thể thon gọn thuận tiện ở mọi sinh hoạt trong mọi lãnh vực. Bác ái là nền tảng làm nên phẩm giá và tư cách hấp dẫn con người ở mọi nơi mọi thời. Người sống bác ái chính là biết khiêm nhường phục vụ, làm nên vóc dáng xứng hợp với cửa hẹp Nước Trời.
Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn chan hoà muôn người.
Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quảng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo. Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu như Chúa đã yêu và yêu đến cùng.
Nước biểu tượng đức khiêm nhường và đặc tính của nước cũng giống như tình yêu. Nước còn là biểu tượng cho mọi phúc lộc của Thiên Chúa. Trong thuật ngữ Kitô giáo, nước được sử dụng như như biểu hiệu của một diễn trình biến đổi và trở về nội tâm. Qua phép Rửa bằng nước, người Kitô hữu lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nước của phép Rửa có sức tẩy sạch tội lỗi gây sự chết và đưa vào đời sống mới. Nước của phép Rửa có sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn. Được làm con cái Thiên Chúa qua phép Rửa là hồng ân với đời sống mới, luôn khiêm tốn và bác ái hướng tới trọn lạnh.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa một thế giới luôn đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy chúng con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy chúng con biết yêu thương tự hiến. Giữa một thế giới đầy phe phái và chia rẽ, xin dạy chúng con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy chúng con biết coi mọi người như anh chị em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm tốn nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ mà hàng ngày chúng con gặp gỡ. Amen. (Trích Rabbouni).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 5
Hiền lành, đức tính của bậc anh hùng
(Lc 14, 1a.7-14)
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự cao tự đại, kiêu ngạo, giả hình, háo danh, đề cao quyền lực và lợi nhuận, say mê thống trị và chiếm đoạt, bè phái và chia rẽ. Sự dịu dàng, hiền lành đang dần vắng bóng, thay vào đó là sự cộc cằn, thô lỗ, hay nóng giận và thù hằn. Lòng khiêm nhường lại càng hiếm hoi, khi người ta sống theo chủ nghĩa khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ, cậy vào tài năng của mình và đề cao cái tôi.
Trong thực tế, khiêm nhường là đặc điểm chung của các nhà lãnh đạo tuyệt vời, các vị cao sang đều mến chuộng đức khiêm nhường. Lịch sử nhân loại đã không có ít bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình trong sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Hiền lành và khiêm nhương không phải là thái độ của kẻ hèn nhát, sẵn sàng chịu khuất phục, nhưng là đức tính của bậc anh hùng, của người đã làm chủ được bản thân mình. Chỉ ai khiêm nhường mới có khả năng yêu thương thực sự. Và chỉ ai yêu thương thực sự mới thích sống hiền hậu và khiêm nhường. Người ăn ở khiêm nhường chẳng những được người đời kính trọng mà cả Thiên Chúa cũng yêu thích kẻ khiêm nhường. Lời Chúa trong sách Huấn Ca dạy : Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa. "Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa" (Hc 3, 19-21. 30-31).
Lời Chúa trích Sách Khôn Ngoan khuyên chúng ta hãy ở khiêm nhường. Kẻ khiêm nhường: vừa đẹp lòng người vừa đẹp lòng Chúa. Người hiền lành thì thu phục nhân tâm, cứu vãn tình bạn và cảm hóa được lòng người. Ai cũng muốn kết giao và quí trọng người hiền lành. Tiếp xúc với người hiền lành, chúng ta thấy nhẹ nhàng thoải mái, bởi vì họ luôn hòa nhã và chân thành, bản thân họ cũng sẽ đạt được nhiều quả ngọt trong cuộc sống. Người hiền lành sống chân thành, vị tha, biết nhẫn nại và kiềm chế, đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành là một trong tám mối phúc: "Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm sản nghiệp" (Mt,5,5). Người hiền lành là người bình tĩnh, đơn giản, nhẹ nhàng, vâng phục và hòa bình, đối xử tốt với người khác và không cãi vã với ai, được người khác quý mến và chiến thắng sự giận dữ.
Bằng dụ ngôn khách được mời tới dự tiệc cưới, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy khiêm nhường dành chỗ nhất, chỗ trọng cho người khác: "Đừng tìm kiếm chỗ nhất ". Chúa biết chúng ta thường thích chỗ nhất ở nơi công cộng, trong nhà cũng như ngoài phố, nơi hội họp cũng như bàn ăn… Người biết ý định của chúng ta, nên Người khuyên chúng ta: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất" (Lc 14,8).
Chỗ nhất là chỗ quan trọng nhất. Ta chọn ngồi chỗ nhất là vì ta thấy mình quan trọng, xứng đáng được hưởng vinh dự đó... Tiếc thay, chỗ nhất chỉ có một chứ không có nhiều, nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình. Những cuộc tranh giành như thế vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia... Ở đâu có hai người trở lên là có đụng chạm, chỉ vì có một chỗ nhất. Vì thế Chúa Giêsu khuyên bảo ta: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,11). Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý và bền vững. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, còn ai tự hạ thì rồi được tôn.
Vì muốn chọn chỗ nhất, nên ngươi ta thường thích giao du với người có thế giá, có học, có của, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế mà xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, vì kém cỏi về mọi mặt. Chúa Giêsu dẫn chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh, giảm bớt sự kiêu căng, nâng cao đức khiêm nhường.
Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
Lm. An tôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 6
Khách Mời
 
Hc 3,10-21.30-31; Dt 12,18-19, 22-24a; Lc 14,1.7-14
Đang dùng bữa ở nhà một thủ lãnh Pharisêu, Thầy nói với ông: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,12-14). Người đời thường suy tính khi mời nhau, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Khách mời càng thế giá thì chủ càng “trân trọng kính mời”. Đằng này Thầy bảo “đừng”, hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật… nếu vậy thì chỉ con mừng thầm thôi, vì con thuộc hàng “khách quý” ấy.
Ðang bữa ăn thế trần, Thầy liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống, ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa. Quả thật, người hèn mọn luôn là đối tượng của lòng Chúa xót thương. Ngôn sứ Isaia xưa kia cũng đem tin vui cho họ: “Người được Ta thương đến là kẻ nghèo hèn, thống khổ và biết kính sợ Lời Ta.” (Is 66, 2).
Nhìn vào gương của Thầy con thấy rõ, cả đời Thầy là một cuộc tình cho đi bất tận không hề phai, bác ái yêu thương vô vị lợi, cho đi không cần ai biết đến, cứu vớt thi ân bất cứ hạng người nào. Thầy cứ đi, cứ đến, làm ơn khắp thiên hạ, chữa bệnh cơ man là người mà không ai phải trả đồng nào. Tình thương của Thầy không đòi phải có đi có lại, hoàn toàn nhưng không. Cho đi bao nhiêu Thầy cũng sẵn sàng, Thầy nộp luôn cả mạng vì yêu. Cho đến hôm nay Thầy vẫn đem cả chính Thân Mình đãi tiệc nuôi sống chúng con, vì con chứ Thầy đâu mong được gì? Nhưng chúng con có khát khao, có thấy mình nghèo hèn đói khát, để biết mở lòng đón nhận mà được no thỏa hay không? Được lãnh nhận mọi sự nhưng không từ Thầy, chúng con có biết đem thân mình, tất cả những gì Thầy ban, để rồi lại trao ban, làm ích cho anh em không?
Chúa ơi! ngày nay trong mỗi thánh lễ, Thánh Thể Chúa được dâng cao với lời mời trịnh trọng: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian! Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa!” Chúa đón mời mọi thực khách không kể người nghèo khó hay giàu sang, người giỏi giang hay hèn kém dốt nát. Xin cho con nghe rõ và biết đáp lại lời mời gọi bao dung tha thiết ấy, cho con “nghiệm” được cái “phúc” vô cùng to lớn ấy, mà mê say  đến Bàn Tiệc Thánh của Chúa, để được no thỏa mọi ngày đời con.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tiếp kiến chung 13/11 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu
Tiếp kiến chung 13/11 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13/11/2024, tiếp tục suy tư về cách thế Chúa Thánh Thần hoạt động để thánh hóa Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngoài Lời Chúa, các bí tích và lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần còn thánh hóa Giáo hội bằng “lòng sùng kính Đức Maria”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log