Thứ sáu, 26/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Chay năm C

Cập nhật lúc 08:00 17/03/2022
Suy niệm 1
Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực
Lc 13, 1-9
 
Trước những thảm cảnh khác nhau, thảm cảnh quá khứ, thảm cảnh hiện tại, như cơn bệnh dịch covid và cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào đất nước Ucraina, Tin Mừng hôm nay đặt ra cho chúng ta một dấu hỏi lớn: cái chết bất công của những người vô tội đến từ đâu? Những nạn nhân do sự tàn ác hoặc vì lý do nào đó của con người? Qua hai chuyện kể trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta, đó là:
- Một số người Galilê khi đi lễ bị Philatô tàn sát.
- Và 18 người vô tình đi qua một tòa tháp, thình lình bị thảm họa khủng khiếp: tòa tháp sụp đổ đè chết.
Trải qua dòng thời gian, người ta nghĩ rằng những bất hạnh của con người là một loại hình phạt Thiên Chúa giáng xuống vì tội lỗi con người. Ngay cả thời đại hôm nay, nhiều người thốt lên rằng: tôi đã làm gì đối với Thiên Chúa tốt lành mà Ngài lại để tôi như thế này? Con cháu của Áp-ra-ham, khi bị giam cầm ở Ai Cập, cũng đã đặt câu hỏi tương tự như những người hỏi Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay: chúng tôi đã làm gì nên nông nỗi này?
Để trả lời câu hỏi đó, Chúa Giêsu mạnh mẽ nói rằng những nạn nhân đó không tội lỗi hơn những người khác. Tuy nhiên, Ngài gợi ý rằng nhiều thảm họa lớn trên thế giới đến từ một trách nhiệm tập thể: tất cả chúng ta đều liên đới với nhau về điều tốt cũng như điều ác. Những người đương thời chúng ta rất nhạy cảm về vấn đề này, vì họ biết rõ rằng tương lai của trái đất nằm trong tay chúng ta: nếu bạn không chuyển đổi, bạn sẽ làm diệt vong tất cảNếu hành tinh của chúng ta diệt vong, đó không phải là do sự báo thù của Thên Chúa nhưng là do chúng ta từ chối thay đổi hành vi của chúng ta.
Tin mừng hôm nay mô tả: ông chủ vườn ho phát hiện ra vườn nho của mình có một cây vả không sinh ra quả do lỗi của người làm vườn. Ông cho người làm vườn một thời gian để vun xới bón phân cho cây đó, may ra sang năm nó có quả. Về phần chúng ta, chúng ta hãy tận dụng thời gian dọn dẹp, bón phân vun xới cây tâm hồn chúng ta và đời sống chúng ta...
Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực. Chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không hề có ý định trừng phạt dân Ngài, Ngài đã thấy dân Ngài phải khổ cực và Ngài đã chọn Moise để giải thoát dân Ngài. Ngài tỏ mình cho Môi-se nơi sa mạc trong bụi cây bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Thiên Chúa không phá hủy bất cứ điều gì; ngược lại, Ngài thông truyền sự thánh thiện của Ngài cho tất cả những gì Ngài tiếp cận và chạm vào. Moise đã đến và thấy như vậy. Thiên Chúa mời gọi ông vào và ông bỏ dép để vào vì chỗ ông đứng là nơi thánh.
- Điều này cũng nhắc nhỏ chúng ta: chúng ta là con cái của Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta bước vào nhà thờ, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta cũng phải bắt đầu bằng sự tôn kính sâu xa!
- Lời đầu tiên mà Moise nghe được đó là Thiên Chúa gọi tên ông. Thiên Chúa biết rất rõ mỗi người chúng ta là ai. Vì thế chúng ta hãy đến với Ngài, lắng nghe Ngài và sẽ khám ra chúng ta thế nào.
- Khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho Môi-se và sai ông đi giải thoát dân Ngài, Ngài làm cho ông hiểu rằng Ngài là Đấng  không thể biết được. Vì thế, chúng ta không nên tìm cách định nghĩa tên Thiên Chúa là thế nào. Ngài là "Thiên Chúa" duy nhất chứ không phải một thần tượng do con người dựng nên. Thiên Chúa nói một cách đơn giản: “Ta là Đấng Ta là, Ta là điều mà Ta là”. Điều đó có nghĩa là: “Hãy tôn trọng điều bí ẩn nơi Ta, đừng đóng Ta trong ngôn ngữ giới hạn của ngươi”. Nhưng bằng những lời tương tự, Thiên Chúa cũng muốn rằng:  Ta ở đây với ngươi và Ta thương dân Ta.
Thiên Chúa ở với chúng ta và không đành để mặc chúng ta chịu đau khổ. Vì thế, Ngài muốn cùng chúng ta bước đi và nâng đỡ chúng ta bằng ngọn lửa rực cháy mà không bị thiêu rụi, đó là sức mạnh tình yêu của Ngài. Vâng, đó là sự thật! Chỉ có tình yêu đích thực  mới có thể bừng cháy và không bị tiêu hao, không bị phá hủy hoặc phá hủy. Ngọn lửa tình yêu này mang theo sự nhiệt tình, sức mạnh và niềm vui. Thiên Chúa không ngừng yêu thương chúng ta vì Ngài luôn là tình yêu bừng cháy!
Thánh Phaolo trong bài đọc II chiếu cho chúng ta xem cuốn phim về những hoạt động tình yêu của Thiên Chúa, dấu hiệu của ngọn lửa tiếp tục bốc cháy bất chấp sự cứng cỏi của Dân Ngài.  Phaolo nói với chúng ta: “Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách phàn nàn, đừng đặt những câu hỏi về Thiên Chúa. Thay vào đó, hãy tự hỏi mình: bất cứ ai nghĩ rằng mình đang đứng vững, hãy cẩn thận để kẻo ngã” !...Điều đó cũng có nghĩa rằng: lửa tình yêu chúng ta có thể lụi tàn, nếu không được thắp sáng lại nhờ thứ lửa phát sinh từ Tình Yêu Thiên Chúa.
Vì thế trong mùa chay này, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta hãy lắng đọng trong  tim câu nói của vị chủ tế: “Chúa ở cùng anh chị em”. Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa yêu chúng ta. Hãy đón nhận lời và sự hiện diện của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Hãy để Ngài cùng đi với chúng ta trên khắp nẻo đường như Ngài đã làm với các môn đệ trên đường Emmau!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Lc 13, 1 – 9
Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu dạy chúng ta hai bài học.
Bài học 1. Miệng đời, đặc biệt là miệng người Do Thái, cứ thấy thiên hạ gặp tai nạn, thì kết luận rằng: “trời hành; trời phạt”. Thậm chí một người đàn bà son sẽ không có con, cũng bị miệng đời bảo là “ông trời thắt dạ không cho đẻ, để đền tội của mình, hoặc của cha ông ba bốn đời”. Chúa lên án cái “miệng đời” ấy vừa là độc ác, vừa là bất công. Chỉ có Thiên Chúa mới là quan tòa xét xử. Loài người mà xét xử là ăn cướp quyền ấy của Chúa. Thấy người gặp nạn, thì trước hết phải là an ủi, giúp đỡ. Còn người ấy bị Chúa phạt hay không, thì chỉ một mình Chúa biết.
Lịch sử thế giới và lịch sử đạo đều cho thấy các sứ ngôn, các anh hùng, các tâm hồn đạo đức đều bị miệng đời xuyên tạc, đều bị quyền bính bất công hành hạ. Chính Đức Giêsu suốt ba năm truyền đạo, luôn luôn là đối tượng để Kinh sư và Pharisêu tố điêu, rồi kết án tử hình một cách bất công.
Đạo của Chúa được rao giảng tới đâu, thì ở đó cũng gặp khó khăn, từ phá rối cho tới cấm đạo. Máu của các thánh tử đạo đều là hạt giống nảy sinh niềm tin và tín hữu.
Bài học 2. Mỗi người phải là một cây vả. Cây vả phải sinh trái. Nếu không, thì sẽ bị đốn bỏ. Mỗi người chúng ta phải tự hỏi xem mình là loại cây vả nào? Cây vả được chủ vườn là Chúa yêu thích, thì trên cành lúc nào cũng sum suê trái. Cây vả có nhiều trái là người ngày nào cũng làm việc thiện. Việc thiện có thể là nghĩ tốt và làm tốt. Việc thiện có thể là những việc bác ái dành cho tha nhận. Trái vả sum suê là giúp người nghèo cơm ăn áo mặc, là giúp học sinh nghèo có điều kiện để mở mang kiến thức, là giúp người bệnh tật được an vui với số phận của mình, là khuyên lơn, hướng dẫn người lầm đường lạc lối biết quay đầu trở lại đời sống khi chưa sa ngã.
Có một “cây vả” sum suê mà ai cũng biết và nên bắt chước, mà bắt chước cũng dễ thôi. Đó là mẹ Têrêsa Calcutta. Hồi Têrêsa còn bé, cứ mỗi sáng cắp sách đến trường, thì mẹ lại cho tiền và dặn rằng: “Mẹ cho con tiền để ăn bánh và uống nước. Nhưng con phải nhớ là con chỉ được hưởng một nửa thôi. Còn nửa kia con mời bạn nghèo của con ăn uống với con”. Têrêsa mãi mãi thực hiện lời dặn ấy của mẹ. Cứ mỗi lần giải lao, Têrêsa lại bá vai mời một bạn nghèo vào căng-tin để cùng ăn bánh và uống nước với mình. Cứ mãi như thế, Têrêsa thành người dành trọn đời của mình để lo cho người nghèo. Dư luận thế giới đã đánh giá bà là người đàn bà vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Têrêsa đã trở thành cây vả sum suê nhất thế giới. Đó là việc mà ai trong chúng ta cũng làm được. Thế giới đã có một cây vả Têrêsa. Nếu mỗi người chúng ta cũng làm như thế, thì thế giới sẽ là một rừng cây vả sum suê. Chúa là chủ vườn đứng nhìn rừng cây vả sum suê ấy, thì Ngài vui biết dường nào.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 3
CHỚ QUÊN ĐIỀU CHÍNH YẾU!

Chúng ta thường đánh đồng những chuyện không may mắn, rủi ro, bệnh tật, sự bất hạnh với thân phận đáng phải nhận của kẻ bất nhân và người tội lỗi. Nhiều lúc, mọi sự tốt lành, thành công, may mắn, chúng ta lại nhận hết công trạng về mình!
Thái độ, tư tưởng trên chẳng khác nào lối suy nghĩ của dân chúng thời Đức Giê-su mà Thánh Sử Lu-ca tường thuật trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Ga-li-lê-a bị ngược đã như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Ga-li-lê-a ư?…các ngươi tưởng mười tám người bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết, tội lỗi hơn những người khác ở Giê-ru-sa-lem ư?” (x. Lc 13, 2. 4)
Đứng trước xu hướng nghĩ suy này, Đức Giê-su không ngần ngại vạch rõ vấn đề chính yếu cho họ, cũng như cho chúng ta: “Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 3. 5). Cũng thế, dân gian thường có câu: “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”! Chưa đọc nội dung cuốn sách, mà đã phán nó hay hoặc dở!
Chuyện kể rằng: một hôm trời bỗng mưa to, thằng Tí mặc áo mưa lôi thôi lếch thếch, chạy vội ra sân trước nhà, leo lên chiếc xe đạp để đi học cho kịp, vì đã bị trễ giờ vào lớp. Vì bất cẩn, chưa xỏ hết chân vào giày, hớt ha hớt hãi chạy ra sân ướt liền bị chợt chân, suýt ngã đập đầu xuống đất. Hú hồn hú vía, Tí chấp tay nhẩm trong miệng: “Lạy Chúa, may quá, con chưa ‘đi đời’!” Thế là bình an vô sự, Tí tiếp tục lên xe đạp đến trường. Vừa bước vào lớp, Tèo (hàng xóm với Tí) cũng chạy vội, vô tình chợt té! Thấy vậy, Tí lẩm bẩm trong miêng: “Đáng đời, ai bảo không tốt với tớ làm chi!”
Hai sự cố này do bất cẩn mà ra, nhưng phản ứng của Tí lại trái ngược. Và thiết nghĩ, chúng ta lắm lúc rơi vào tình huống này nhiều lần trong ngày. Thay vì, chúng ta nhìn lại bản thân và tìm ra nguyên nhân tại sao, thì chúng ta vội vàng đánh đồng tai ương, tai nạn, mọi điều rủi ro…phải đến với những người mình chẳng ưa hoặc không thích, hay vì họ là những con người tội lỗi hơn ta, xứng đáng với điều không may đó! Quả thật, Thiên Chúa chúng ta chẳng nhỏ nhen như vậy đâu! Ngài luôn luôn ban cho chúng ta cơ hội ăn năn sám hối trở về. Ngài hằng tuôn đổ ơn thiêng đủ đầy, hầu giúp chúng ta trở nên hoàn thiện. Ngài mãi để ý, quan tâm, chăm nom chúng ta theo cách thức trìu mến của Ngài, như thể ông chủ vườn đồng ý chờ để người làm công cải tạo đất, chăm bón cho cây vả trong vườn nho: “…xin để cho nó một năm nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi” (x. Lc 13, 8-9).
Tương tự, Thánh Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, ngài khẳng định: “Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa…Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng” (1Cr 10, 6. 11). Vì vậy, mọi biến cố xảy ra quanh chúng ta đều có lí do và mục đích của nó cả! Thay vì chúng ta oán trách, than phiền những điều chẳng may đến với mình, thì chúng ta nên suy xét, nghiệm ra nguyên nhân, và nhất là làm tròn bổn phận trong tinh thần hân hoan, vui tươi, biết nhận ra sai lầm, lỗi tội của bản thân, cũng như hoán cải tận căn. Vì chưng, “Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi, Thiên Chúa của Ab-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp…là Đấng Tự Hữu” (Xh 3, 6. 14) thấu tỏ tâm can, hiểu rõ tâm tư, thấy rõ tâm tính, hành vi của con người chúng ta. Tuy nhiên, Ngài chẳng bao giờ trói buộc, nhưng giải thoát chúng ta. Ngài chẳng bao giờ giận lâu, giữ trong lòng oán hận, nhưng hằng từ bi và thương xót. Ngài chẳng cắt đứt mọi cơ hội trở về, nhưng luôn mở toan cánh cửa, dang rộng đôi tay chờ trông chúng ta quay về với Ngài.
Lời nguyện:
Lạy Chúa, nhiều phen con ngã sa
Rơi vào chốn mịt mờ, chông chênh
Thuyền đời con mãi trôi lênh đênh
Sóng thét gào, thác ghềnh bủa vây.
Chẳng rời xa con thơ tháng ngày
Hằng cạnh bên đong đầy tình mến
Soi trí lòng, thoát khỏi đam mê
Về với Ngài, lê thê dừng chân. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===============
Suy niệm 4
Sám hối để khỏi bị hủy diệt

Lc 13, 1 - 9
Khi bàn đến việc sám hối, một số người cho rằng: “Thôi! Sám hối làm chi cho mệt! Sám hối thì phải hy sinh, hãm mình để dứt bỏ tội lỗi, phiền lắm! Nếu có phạm tội thì đi xưng tội là xong, thật đơn giản, nhẹ nhàng! Xưng tội xong, nếu có phạm lại, thì xưng tiếp...”
Thế là cuộc sống của họ cứ đong đưa qua lại như người đu dây: phạm tội – rồi xưng tội, xưng tội – rồi phạm tội… Và lối sống đong đưa kiểu này cứ tiếp diễn mãi suốt cả cuộc đời, chẳng tạo nên công phúc gì.
Suy nghĩ như trên thật là sai lầm, tai hại và đi ngược lại giáo huấn của Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su kêu gọi sám hối
Sám hối là giáo huấn quan trọng hàng đầu, được Chúa Giê-su nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần, từ lúc bắt đầu rao giảng cho đến khi lên trời.
Lời đầu tiên Chúa Giê-su trực tiếp nói với nhân loại khi bắt đầu công cuộc rao giảng là lời kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).
Trước đó ít lâu, khi Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng, thì sứ điệp đầu tiên mà Gioan gửi đến mọi người cũng là lời kêu gọi sám hối: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2).
Và lời cuối cùng Chúa Giê-su gửi gắm cho nhân loại trước khi lên trời cũng là sám hối. Ngài truyền cho các môn đệ “hãy đi giảng dạy cho muôn dân để họ sám hối và được ơn tha tội” (Lc 24,47).
Trong suốt ba năm rao giảng, Chúa Giê-su thường kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối qua nhiều dụ ngôn khác nhau.
Không ăn năn hối cải sẽ bị huỷ diệt
Chúa Giê-su kịch liệt lên án những người cứng lòng không chịu sám hối.
Trước hết, Ngài nhắc họ rằng: Xưa kia dân thành Ni-ni-vê, một dân phạm nhiều tội lỗi, đáng bị án phạt nặng nề, nhưng nhờ nghe lời ngôn sứ Giô-na rao giảng và thực lòng sám hối sửa mình nên được Thiên Chúa thứ tha. Còn hiện nay, Ngài là Thiên Chúa cao cả từ trời xuống thế, tận tình dạy dỗ, mà họ không nghe. Vì thế, Ngài lên án họ gắt gao:
“Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Gio-na giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Gio-na nữa” (Lc 11,32).
Và đặc biệt, nhân sự kiện có một số người Ga-li-lê bị Phi-la-tô tàn sát cách man rợ, Chúa Giê-su cảnh báo: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 3).
Chúa Giê-su cũng nêu lên trường hợp mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết thình lình, để cảnh báo: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 5).
Chúa Giê-su còn cho biết số phận của người không sám hối, không cải thiện đời sống… chẳng khác gì số phận cây vả không sinh trái, chẳng được tích sự gì… Chủ vườn sẽ chặt nó đi, không để nó choán đất vô ích.
Chúa Giê-su cũng răn đe những người không ăn năn hối cải, không cải thiện cuộc đời bằng nhiều dụ ngôn khác.
- Như ngư phủ kéo lưới lên bờ, tuyển chọn cá tốt và vứt bỏ cá xấu, thì đến ngày tận thế, “các thiên thần sẽ tách biệt kẻ xấu, (là người không sám hối), ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13, 47-50).
- Và người không sám hối bị xem như cỏ lùng mọc chung với lúa tốt, đến cuối mùa sẽ bị gom lại và đốt đi (xem Mt 13,30).
Như vậy, sám hối là chuyện sống còn: Phải sám hối để khỏi bị hủy diệt.
Lạy Chúa Giê-su,
Hậu quả của việc không sám hối thật là khủng khiếp.
Xin giúp chúng con quyết tâm sám hối ngay từ hôm nay, quyết tâm từ bỏ tội lỗi, hầu có thể tránh thoát hậu quả khủng khiếp sau nầy và được hưởng phúc thiên đàng với Chúa muôn đời. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 5
SAI VÀ SỬA SAI
Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay hai tuần vừa qua nói về ý nghĩa của thử thách cám dỗ và vinh quang của Đức Kitô. Chúa nhật III, các bài đọc Kinh Thánh hướng về chủ đề ăn năn sám hối.
Ăn năn sám hối gồm hai giai đoạn. Ăn năn là cảm thấy ray rứt, bị giày vò vì lỗi lầm đã mắc phải. Cha Đắc Lộ giải thích: “Năn: thứ cỏ đắng; Ăn năn: ăn thứ cỏ đắng, theo lối nói ẩn dụ để chỉ sự thống hối” (Alexandre de Rhodes, Từ Điển Việt – Bồ – La, Roma, 1651). Ăn năn là nghĩ lại về bản thân mình, nhìn lại cuộc sống, nghĩ lại cách sống của mình trong nhiều môi trường khác nhau. Nghĩ lại và thấy mặt tốt mặt xấu của chính mình. Biết hối hận về những gì không tốt hay chưa tốt của bản thân, nơi cách mình sống. Con người vốn mỏng dòn yếu hèn và tội lỗi. Sám hối là quyết tâm thay đổi là thành tâm sửa chữa lỗi lầm, là cải thiện đời sống là canh tân tâm hồn là đổi mới tư duy là định hướng lại cách cư xử, là lên đường hoà giải với mình, với Chúa và với cộng đoàn.
Ăn năn sám hối là thấy sai và sửa sai.
Sai và sửa sai là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, sửa sai không kịp thời thì không những không có tiến bộ mà còn ngày càng lún sâu trong vực thẳm suy vong.Là con người, ai cũng có sai lầm, không trừ một ai. Chỉ có điều là có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, hoặc đã thấy mình sai lầm nhưng không chịu thừa nhận, hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, hoặc có sửa chữa mà cũng không quyết tâm cho đến cùng.
Từ xưa, các bậc minh triết đã cho rằng việc thấy được sai lầm của bản thân mình, có dũng khí để công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những sai lầm đó là những dấu chỉ của một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể hai sự kiện:
- Sự kiện vụ án Philatô giết người vô tội, Chúa Giêsu không ủng hộ những người quá khích trong cuộc đấu tranh của họ chống lại Roma. Sứ điệp của Người luôn rõ ràng và rất tập trung: “Thời giờ đã hoàn tất, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy ăn năm sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Chúa Giêsu cảnh tỉnh: “Nếu các ngươi không sám hối thì cũng bị chết như vậy” ( Lc 13,3.5).
- Sự kiện tháp Silôa đổ xuống đè chết mười tám người ở Giêrusalem. Cũng như trong trình thuật người mù bẩm sinh (Ga 9,2–3), Chúa Giêsu giải thích rằng “không phải vì anh ta,không phải vì cha mẹ anh ta đã phạm tội, mà anh ta sinh ra đã bị mù loà”. Ngài khẳng định nơi đây rằng, không ai trong bọn họ là nạn nhân của trừng phạt. Thiên Chúa không tìm trừng phạt mà là nâng dậy. Tuy nhiên, mỗi người chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Nhân hai sự kiện thời sự, những người nổi loạn bị Tổng trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôa đè chết, Chúa Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Ngài mạnh mẽ quả quyết: “Nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng sẽ chết như vậy”.
Người Do Thái thời xưa quen nghĩ "ác giả ác báo". Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng, những nạn nhân ấy là "ác giả" cho nên bị "ác báo". Chúa Giêsu khuyên, đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở, hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối. Ngài không vạch lá tìm sâu, không tìm những nguyên nhân tôn giáo, chính trị, kỹ thuật, càng không được kết tội ai. Trước những tai họa đó, Ngài nhấn mạnh cho chúng ta điều phải lo nhất là cái chết đời đời. Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối. Điều quan trọng phải lo là xét tội mình, phải đấm ngực mình để sám hối và cải thiện chính mình.
Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết thấy sai và sửa sai. Ăn năn sám hối bắt đầu từ nội tâm với những bước cụ thể sau đây.
- Ý thức tội lỗi. Trong thâm sâu của cõi lòng, mỗi người thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Bản thân phán xét chính mình, nhận điều xấu mình đã làm. Đối với nhiều người, bước đầu tiên này đã là khó. Nhiều người trong thời đại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, và đó là nguy cơ lớn nhất của nhân loại ngày nay.
- Hối hận, đau buồn, ray rứt trong lòng vì những điều xấu mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi.
- Gặp gỡ Thiên Chúa trong tin yêu. Khi đã lỡ phạm tội, nhiều người rất hối hận, vì yêu Chúa nên quyết tâm trở về. Mỗi người gặp gỡ Chúa, thú nhận tội lỗi với Chúa và xin Chúa tha thứ. Chắc chắn Chúa tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an.
- Quyết tâm thú nhận tội lỗi của mình, không những với Chúa, mà còn với Giáo hội. Đến với Bí tích Hoà giải, biểu lộ sự chân thực của lòng thống hối.
- Thực sự sửa đổi đời sống. Dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này đòi hỏi sự hy sinh, chiến đấu với chính mình, làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà cần rất nhiều ơn Chúa trợ giúp.
Ăn năn sám hối là chiều kích nền tảng của đời sống đức tin.
Có nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình con người mới nhận được ơn cứu độ và tình thương của Chúa. Có biết mình hay vấp ngã, con người mới dễ cảm thông với anh em. Như vậy, mến Chúa yêu người chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của sám hối mà thôi. Sám hối là việc làm mỗi ngày, vì không ngày nào lại không có lỗi; không lỗi nhiều thì cũng lỗi ít, không lỗi nặng thì cũng lỗi nhẹ, không lỗi trong hành động thì cũng lỗi trong tư tưởng, lời nói.... Sám hối cũng là việc làm liên lỉ thường ngày vì không ai biết trước được mình sẽ chết khi nào, cách nào… Dụ ngôn cây vả nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên tính cấp bách của việc sám hối. Ăn năn sám hối để đón nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa và giao hoà cùng anh chị em.
Mỗi biến cố xảy đến trong đời đều mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa để đón nhận tình thương tha thứ của Ngài.
Vua Ðavít phạm tội ngoại tình với bà Bát Seva là vợ của tướng Urigia. Sau khi phạm tội, nhà vua cố tình che đậy tội lỗi của mình. Nhà vua sai chồng bà đang ở ngoài mặt trận về nhà với vợ. Tuy nhiên tướng Urigia nhất định không chịu về nhà vì ông là một tướng lãnh chiến trường, muốn sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận. Giấu giếm bằng cách này không được, vua Ðavít lại toan che đậy tội lỗi của mình bằng cách lập kế và để cho vị tướng Urigia bị chết ngoài trận địa. Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến để thức tỉnh lương tâm của nhà vua. Ðavít liền ăn năn hối lỗi, trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2Sm 12,13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối và viết nên Thánh vịnh 51: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài...Nhưng ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ” (c 3-6).
Kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh Phêrô chia sẻ cho cộng đoàn Giáo Hội sơ khai là: anh em hãy sám hối. Ba lần chối Thầy vì yếu đuối bản thân chứ không phải vì không yêu mến Thầy. Phêrô đã biết lỗi lầm đó và ngài đã ăn năn bằng những giọt nước mắt sám hối chân thành. Phêrô đã sửa sai lầm bằng chính sự can đảm, thái độ hiên ngang,bằng một tình yêu nồng nàn với Thầy trong sứ vụ Tông Đồ của mình.Đối với Phêrô, sám hối là bước đi thứ nhất của hành trình lãnh nhận Thánh Thần. Không có sám hối thì không có ân huệ Thánh Thần. Đó là kinh nghiệm bản thân và cũng là gương sáng của Thánh Phêrô: “đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3). Gương sáng của Thánh Phêrô trước hết là gương sám hối, thấy sai và sửa sai đến cùng. Ngài muốn chia sẻ bài học thấm thía ấy với những người đang cùng mình giữ trọng trách mục tử.
Thánh Phaolô cũng bằng chính kinh nghiệm cuộc đời mình đã chia sẻ rằng: sám hối là làm hoà lại với Thiên Chúa. Phaolô, người lãnh đạo nhiệt thành bắt bớ Đạo Chúa, được ơn sám hối, đã sửa sai lỗi lầm, từ đó ngài làm hoà với Chúa để nên Tông Đồ dân ngoại. Theo Thánh Phaolô, tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hoà giữa con người với Thiên Chúa, sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối là thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ.
Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sai lầm bản thân, về sự đỗ vỡ, sự bất hoà. Hai người bạn trở nên lạnh nhạt, hai người tình bỗng hoá xa lạ, hai vợ chồng trở thành dửng dưng. Đỗ vở bất hoà sinh ra hiểu lầm, đau khổ, tiếc nuối. Khi đỗ vở, phía nào thấy sai để sửa chữa, phía nào yêu nhiều hơn sẽ chủ động tìm cách làm hoà, hàn gắn lại. Không ai không phạm sai lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ đối xử với sai lầm của mình như thế nào mà thôi.
Sám hối và canh tân, nhận ra sai lầm và sửa đổi không chỉ là việc làm trong Mùa Chay mà là suốt đời người.
Ðể có thể ăn năn sám hối, chúng ta phải cầu xin cho được ơn biết kính sợ Chúa, không phải sợ mà không dám đến gần Chúa, nhưng sợ làm điều mất lòng Chúa như sách Huấn ca dạy: “Kính sợ Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Hc1,14). Ơn biết kính sợ Chúa là cần thiết để được hưởng nhờ ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu chí thánh! Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót.Chúa ghét tội, nhưng lại thương kẻ có tội.Xin dạy con biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi mình và khơi dậy tâm tình ăn năn sám hối hầu được Chúa thương tha thứ. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
==================
Suy niệm 6
Chúa từ nhân
Lc 13, 1-9

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, “chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8). Nếu không có lòng Chúa xót thương thì tất cả chúng ta hầu như hết đường sống.
Thiên Chúa của Israel là Đấng nhân từ
Môsê, người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa xuất thân từ một gia tộc tư tế (x.Xh 2,1), và bản thân ông là tư tế (Tv 99,6) được Thiên Chúa phái đến giải cứu dân Ngài và truyền đạt cho dân mạc khải của Thiên Chúa là Cha nhân từ. Một nhiệm vụ mà ông cảm thấy mình không được trang bị đúng mức (x.Xh 4,10-17). Một hôm, Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng mà không bị thiêu rụi. Thấy lạ, ông tự nhủ: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” (Xh 3,3). Đức Chúa thấy ông lại xem liền gọi “Môsê! Môsê!”. Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” (Xh 3,4). Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là ĐẤT THÁNH” (Xh 3,5).
Sau đó, Thiên Chúa lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Gia cóp” (Xh 3,6). Ông Môsê phải che mặt đi, vì SỢ NHÌN PHẢI THIÊN CHÚA. Tại sao vậy? Không phải là Thiên Chúa dữ tợn hoặc dị dạng khó nhìn, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng Thánh. Mắt phàm nhân không thể nhìn thẳng vào mặt trời thì làm sao nhìn Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sáng được? Biết vậy nên Đức Chúa liền trấn an ông Môsê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Canaan, Khết, Emôri, Pơrítdi, Khivi và Giơvút” (Xh 3,7-8).
Lúc đó, ông Môsê thân thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” (Xh 3,13). Thiên Chúa xác nhận với ông Môsê: “Ta là ĐẤNG HIỆN HỮU. Ngươi nói với con cái Ítraen thế này: Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em” (Xh 3,14). Không vòng vo. Trực tiếp. Chính xác. Rõ ràng. Thiên Chúa lại phán với ông Môsê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ítraen thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3,15).
Khi đọc đoạn Kinh Thánh này và biết rằng Thiên Chúa mà chúng ta đang tin kính và tôn thờ là Đấng nhân hậu từ bi.
Hãy mau hoán cải
Hai biến cố thời sự, một là cuộc nổi loạn của vài người Galilê bị quan Philatô đàn áp giết chết; hai là ngọn tháp tại Giêrusalem bị sụp đổ làm cho 18 người thiệt mạng; hai bi thảm khác nhau, một do con người tạo ra, và một do tai nạn. Người đương thời với Chúa Giêsu nghĩ rằng, tai nạn đã đổ xuống trên các nạn nhân, bởi vì họ đã phạm lỗi trầm trọng. Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, Chúa Giêsu phục hồi lại hình ảnh chân thực của Một Vì Thiên Chúa từ nhân, không muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai họa đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Chúa Giêsu kết luận: “Không phải thế. Tôi nói cho các người biết, nếu các người không ăn năn hối cải, các người cũng sẽ phải chết như vậy” (Lc 13,3.5). Chúa Giêsu muốn dẫn những kẻ lắng nghe Người đến kết luận về sự cần thiết phải ăn năn trở lại.
Để làm rõ lời kêu gọi hoán cải, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả. Đã ba năm nay, cây không sinh quả. Ông chủ tượng trưng cho Chúa Cha và người làm vườn là hình ảnh của Chúa Giêsu, còn cây vả tượng trưng cho loài người vô cảm, khô cạn và cằn cỗi. Chúa Giêsu cầu khẩn Chúa Cha cho con người, xin Người chờ đợi và thêm chút thời gian, với ước mong những hoa trái tình yêu và công bình sẽ trổi lên trong nó. Cây vả mà ông chủ trong dụ ngôn muốn loại bỏ muốn nói đến một cuộc đời không sinh hoa trái, không biết cho đi, không biết làm việc lành. Ðó chính là biểu tượng của một người chỉ biết sống cho mình, trong sự đầy đủ, êm đềm và thoải mái của riêng họ, mà không để mắt, để tâm đến những người xung quanh, những người đang sống trong đau khổ, nghèo đói, và thiếu tiện nghi. Thái độ ích kỷ và không sinh hoa trái thiêng liêng này đi ngược lại với tình yêu lớn lao mà người làm vườn dành cho cây vả: bác ta kiên nhẫn, chờ dợi, dành thời gian và công sức cho nó. Bác ấy hứa với ông chủ sẽ chăm sóc đặc biệt cho cái cây đang gây thất vọng ấy.
Chúa nhân từ cho chúng ta thời gian để hoán cải. Dù nhiều lần trong đời, chúng ta là thứ cây cằn cỗi, không sinh hoa trái, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và cho chúng ta cơ hội để thay đổi, để tiến bộ mỗi ngày trên nẻo đường thánh thiện. Nhưng việc gia hạn cho đến ngày cây ra trái cho thấy việc hoán cải là điều cấp bách. Người làm vườn nói với ông chủ: “Xin cứ để nó lại năm nay nữa” (Lc 13,8).
Vậy hãy sám hối ngay ngày hôm nay để đón nhận lòng nhân từ Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 7
Chúa Chờ Ta

Xh 3,18a.13.15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13, 1-9
Có mấy người hiếu kỳ đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện thời sự nổi bật: những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Những tưởng Người đồng quan điểm nghĩ họ bị giết là đúng người đúng tội. Ai dè Người đáp lại: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao?” (Lc 13,3-4). Bởi họ hiểu đó là hình phạt nhãn tiền, đáng kiếp cho kẻ tội lỗi, Chúa nào ác vậy? Trong cái nhìn sai lầm của con người biến Vua Tình Yêu thành quan án thật khiếp sợ. Trái lại Đức Giêsu muốn họ hãy nhìn vào chính họ, rờ lại chính mình, để xét mình và sám hối, thay đổi lối sống. Chúa mời gọi mỗi chúng con hôm nay trong mỗi biến cố, không phán xét theo cách nhìn trong hai câu chuyện trên đây mà kết tội cho người gặp nạn, nhưng phải luôn nhìn vào con người thật của mình để mà hoán cải, thay đổi đời sống nên mới trong Chúa.
Để cảnh báo thái độ bình chân như vại của họ, Đức Giêsu cảnh tỉnh họ bằng dụ ngôn cây vả không trái. Bực mình sốt ruột vì đã ba năm cây không chịu sinh trái, ông chủ giục người làm vườn chặt đi kẻo hại đất. Nhưng người làm vườn xin khất lại, gia hạn để có cơ hội chăm bón, hy vọng sang năm nó kết trái và không bị chặt đi. Phúc cho cây vả ấy quá nhỉ? Phải chăng cây vả ấy đích thực là tôi?
Thầy Giêsu ba năm rao giảng mà các ông ấy chưa sám hối? Ngày nay chúng con đọc và nghe Lời Chúa nhiều năm, chúng con đã thay đổi được gì chưa? “Chúa chờ ta, từ bao năm ta vẫn ngủ mê, từ bao năm quên lối đường về, Chúa vẫn chờ ta. Nghe trong tim như có tiếng gọi ta: Con hãy về với Cha đi! đừng chần chừ vì trời tối buông mau…” (thánh ca).
Tại sao Chúa kiên tâm chờ đợi chứ không “chặt đi”? Bởi vì Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi, Ngài là Đấng không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Nhưng làm sao để nghe được tiếng gọi yêu thương tha thiết ấy? Tôi ơi hãy trở về bên Chúa thật gần, ở bên Ngài, để cảm nhận được tình Ngài luôn yêu thương vỗ về từng phút giây. Trở về bên lòng Chúa, ánh sáng Chúa soi rọi vào ngõ ngách tâm can, sẽ nhận ra tội lụy, yếu đuối, giới hạn và con người thật của chính mình. Càng gần Chúa càng lo xét mình cẩn thận và mọi tội lỗi, những ngáng trở sẽ lộ trơ ra, càng cảm nhận tình yêu Chúa càng hối tiếc quay về cho mau. Trở về với Chúa cõi lòng ta thanh thản, an bình thư thái. Sống gắn bó mật thiết trong tình yêu Chúa sẽ hành động theo Thần Khí, tâm hồn hoan lạc và trổ sinh những hoa trái tốt lành nhờ Thần Khí Chúa.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log