Thứ bảy, 27/07/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VIII Thường niên C

Cập nhật lúc 08:21 24/02/2022
Suy niệm 1
                 Ai là người mù thực sự?               
Lc 6, 39-45
                                                                                                                                                
Hôm đó và hôm nay, Chúa Kitô mời gọi chúng ta tiếp tục sống tin thần của các mối phúc. Đạo đức của người kito là kết quả của một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa Tình yêu, chứ không phải là một đạo đức khô cằn và giả hình. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải có lòng thương xót như Cha trên trời. Để diễn tả lòng thương xót đó, Chúa Giêsu nêu 3 dụ ngôn ngắn để nói lên mối tương quan chúng ta với nhau và với Ngài, vị Thầy của chúng ta.
1- Dụ ngôn người mù dẫn người mù. Dụ ngôn này ngắn nhất chỉ có một câu: “Người mù lại dắt người mù được sao? Cả hai lại không sa xuống hố sao”? Dụ ngôn này có lẽ nhằm vào những người hướng dẫn cộng đoàn. Họ nghĩ rằng mình là người mang sự thật, vượt trội hơn người khác và vì thế không cần phải thực hành lòng thương xót. Vì không có lòng thương xót, nên họ không phân biệt được đâu là điều mà Thánh Thần soi sáng và đâu là cám dỗ đen tối của thần dữ. Họ là người mù đòi hướng dẫn người mù. Ai nghĩ rằng có một con đường vượt trên mà không cần thương xót, thì người đó thật mù quáng. Trong trường hợp này, chúng ta có thể hiểu "mù" không phải là "mù về con mắt thể xác", mà là một người không biết mình từ đâu đến và đến đâu. Người mù thiêng liêng là người không nhận biết chính mình, không nhận biết Thiên Chúa và người khác...
Điều gì xẩy đến với những con người như vậy? Họ sa xuống hố sự chết, vì họ sống xa rời lòng thương xót của Thiên Chúa.  Dẫn dắt người khác như là một cử chỉ của tình yêu. Khi một người mù quáng và tự nhận là người hướng dẫn, thì người đó không có tình yêu đích thực, mà chỉ có tính ích kỷ và sẽ dẫn đến vực thẳm.
2- Môn đệ không hơn thầy. Muốn trở thành môn đệ, một kitô hữu tốt, thì phải giống thầy Kito: khiêm nhường thực thi lòng thương xót. "Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái sà trong mắt anh, anh lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: Này anh hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong mắt mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ. Để lấy cái rác trong mật anh em.”
Như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta biết ai là người thầy xấu?
Đó là người mù lòng thương xót và tự phụ phán xét tàn nhẫn người khác. Họ chỉ tốt với bản thân. Họ soi bói và nhìn vào tất cả những cái rơm cái rác trong mắt người khác nhưng không nhận ra cái đà trong mắt họ. Bất cứ ai phán xét mà không có lòng thương xót, đều chết. Người nào hay bắt bẻ người khác, chỉ nhìn vào những điều nhỏ mọn trong mắt người khác, thì người đó đã chết con tim.
Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải có một thái độ thật cởi mở khi gặp gỡ người khác. Càng cởi mở với người khác, chúng ta càng dể gặp gỡ Thiên Chúa hơn. Vì thế, trong việc sửa lỗi anh em, đừng bao giờ có mục đích trừng phạt nhưng chia sẻ trong tình huynh đệ, hướng về người thầy của mình là Chúa Kito. Hãy ghép vào Ngài, vì Ngài là Cây Sự Sống.
3- Cây tốt. Đó là một tình yêu biếu không, đó là luật của Thiên Chúa
Với câu chuyện dụ ngôn cây tốt sinh quả tốt, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng: Tin thật vào Ngài có nghĩa là làm điều tốt cho người khác và không ích kỷ. Mặt khác, người nào không bắt chước Ngài, sẽ gặp khó khăn làm điều tốt vì con tim người đó khô cứng. Bất cứ luật nào đều phải xuất phát từ con tim, chứ không phải từ bên ngoài. Vì thế cần phải trở về, trở về từ con tim và thay đổi lối suy nghĩ ích kỷ hẹp hòi!
Thánh Giacobe Tông đồ gọi luật Thiên Chúa là "luật tự do". Luật tự do là luật tình yêu. Tự do trong tiếng latinh, có nghĩa là con cái. Luật tự do là luật con cái, là luật yêu thương, vì con cái nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Con cái phải biết yêu thương nhau và yêu người khác như chính mình. Yêu người lân cận của mình, là chu toàn mọi lề luật, lề luật tự do....Vì thế, không nên xét đoán người khác. Xét đoán là không có lòng thương xót đối với người không yêu mình. Thiên Chúa không xét đoán vì Ngài yêu thương và tha thứ cho chúng ta.
Vì thế, để chu toàn lề luật tự do, hãy trở về. Trở về theo gương thánh Phaolo. Thánh Phaolo trở về không phải là từ tội lỗi đến ân sủng. Ngài trở về vì ngài nhận ra tình yêu vô bờ của Thiên Chúa! Vì thế chúng ta có thể kết luận: người mù thực sự là người không nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa và vì thế không yêu thương người khác.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Lc 6, 39 – 45
Vào thời Đức Giê su, các ông thuộc nhóm Biệt phái và Kinh sư được coi như là cha linh hồn của tín hữu Do Thái. Đi đâu cũng được dân gian chào là sư phụ. Đi dự hội nghị hay dự tiệc thì luôn luôn được ngồi ghế danh dự.
Họ đọc kinh mỗi ngày 5 lần: Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Tối và thêm hai lần vào nửa mùa, tức là giữa Sáng – Trưa và giữa Trưa – Tối. Đang đi đường mà đến giờ đọc kinh, thì họ dừng lại, dang tay, ngước mắt lên trời mà đọc.
Họ ăn chay một tuần 2 ngày: Thứ Hai và thứ Năm. Khi ăn chay, họ để tóc xõa, mặc áo như áo tang và không ăn không uống suốt từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn.
Họ dâng cúng cho đền thờ 10% thu nhập của gia đình.
Sống như thế là quá đẹp, quá đạo đức. Nhưng rất tiếc đó chỉ là hình thức của đạo, họ dùng làm phương tiện để mua danh và lợi. Có thể nói: đó là thương mại hóa tôn giáo, mượn tôn giáo làm phương tiện để mua danh và lợi.
Đức Giê su rất dị ứng với nếp sống đạo giả dối ấy. Chúa đã dành một bài học có 8 câu để nguyền rủa cái nếp sống ấy. Mỗi câu đều mở đầu bằng lời chúc dữ: “Khốn cho các ông, hỡi người Pharisêu giả hình…
Tại sao Đức Giê su nặng lời đến như vậy? Tại vì các ông Pharisêu giống như những người dẫn đường mà lại mù. Kết quả là cả hai lăn đùng xuống hố. Mà số người dẫn đường mù lại đông quá khiến tai nạn xảy ra phải kể là trùng trùng điệp điệp. Vì biết hết hậu quả tai hại như thế, nên Đức Giê su phải bức xúc và cảnh cáo mạnh mẽ giới lãnh đạo Biệt phái và Kinh sư.
Sau khi nặng lời cảnh cáo các lãnh đạo giả hình, vì họ là những người dẫn đường đui mù, Chúa lại cảnh giác chúng ta, vì chúng ta chưa quan tâm xem quả để biết cây độc hay cây lành. Quả độc làm chết người mà không quan tâm để tìm hiểu và phân tích các loại cây. Người ta cứ bắt chước người giả hình mà không sợ hậu quả khôn lường. Đó là điều chúng ta làm cho Chúa phải bức xúc, phải lo âu.
Một điều đáng buồn và đáng tiếc là tính giả hình vẫn đang phát triển tràn lan. Vợ chồng giả hình yêu thương mà thực tế là không có. Một ông chồng nọ mới có bồ nhí. Để che mắt bà vợ, thì nhân dịp mừng ngày sinh nhật của vợ, ông dẫn vợ đi siêu thị. Ông chất một đống quà lên xe đẩy để minh chứng lòng thành của mình đối với vợ, mà sự thật là không có. Đó là giả hình, mà Chúa đã nói: “Khốn cho ngươi”.
Ở miền cuối Việt có một cô gái cứng đầu cứng cổ khiến cả xóm giềng cũng phải chê. Cô bỏ gia đình đi theo trai. Ngày tết cũng không thèm về để chúc tuổi hai đấng sinh thành. Thế rồi cô nghe tin mẹ đau nặng. Cô về và chăm sóc mẹ đến độ cả xóm làng đều mừng và khen: “Út Lan ngoan rồi”. Cô ngồi suốt ngày bên giường mẹ. Lúc nào cũng xài khăn nóng, khăn lạnh để lau mặt cho mẹ. Lúc nào cũng hỏi mẹ: “Mẹ muốn ăn gì thì cứ nói, con mua cho mẹ ăn ngay”. Bà mẹ cảm động đến rơi lệ vì con út ngang tàng nay trở thành con ngoan hơn các anh chị gấp mười lần. Thương con quá nên chuyện gì cũng tâm tình cho con biết. Đùng một cái, Út Lan bỏ đi không một lời từ giã, thì hóa ra nó biết mẹ còn 5 cây vàng giấu ở gầm giường. Nó moi lên và đi biệt tăm. Ôi tội giả hình, Chúa ghét tội giả hình đến tột cùng. Chúng ta cũng phải ghét tội giả hình như Chúa vậy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=================
Suy niệm 3
CHẬM XÉT ĐOÁN, NHANH XÉT MÌNH

Nhớ lại lúc trước khi mới nhận nhiệm sở, một đôi vợ chồng trẻ vào và tâm sự với tôi. Cô vợ nhanh nhảu chào hỏi, rồi đi thẳng vào vấn đề:

-    Cha ơi, sao dạo từ khi con lập gia đình, con hay có những cảm giác khó chịu mỗi lúc gặp chồng con về nhà, không chịu vệ sinh mà cứ ngồi phệt xuống với chiếc máy di động?

Tôi mỉm cười, thay vì trả lời, tôi hỏi lại chị:

-    Thế, con mới biết điều này sau khi lập gia đình, hay đã biết tính chồng con như vậy lúc mới yêu?

-    Dạ, con đã biết khi chúng con yêu nhau được hai ba năm rồi ạ!

-    Vậy, khi thành gia thất rồi, chồng con cũng cảm thấy ‘vỡ mộng’ ở nơi con điều gì chăng?

-    Thưa cha, không chỉ ít, mà nhiều nữa là đàng khác…hic hic…

Cộng đoàn phụng vụ thân mến! Trong đời sống gia đình, đặc biệt nơi cuộc sống hôn nhân, chúng ta trải nghiệm vô vàn những biến cố như trên. Dĩ nhiên, có thể không hoàn toàn giống, nhưng tình tiết chính vẫn hệ tại do xu hướng: chúng ta dễ thấy những điều không hay, chưa tốt…nơi người khác, hơn là nhìn vào bản thân, rồi nhận ra vô vàn thiếu sót của mình. Lời Chúa hôm nay không nói trực tiếp về việc ‘chớ xét đoán để khỏi bị xét đoán’ (x. Mt 7, 1), nhưng mở ra cho chúng ta biết nguyên do vì sao chúng ta dễ sa lầy vào thói quen ‘xét đoán người khác, trước khi xét mình’, hoặc ‘dễ dàng đưa ra lời bình phẩm người khác, hơn là nhận xét và đánh giá bản thân’. Tắt một lời, chúng ta nên rèn giũa, tập luyện và nỗ lực sống theo khuôn vàn thước ngọc ‘chậm xét đoán, nhanh xét mình’, hoặc ‘xét mình trước khi xét đoán’.
Thật vậy, rất chí lý khi tác giả sách Huấn Ca dạy rằng: “Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy…Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người” (Hc 27, 4. 8). Một trong vô số điểm khác biệt giữa con người và con vật, đó là tiếng nói, giọng nói. Từ khi lọt lòng mẹ, con trẻ được nuôi dưỡng, được tập ăn, tập nói…Và khi bập bẹ, bé gọi ‘ba’ (papa), ‘má’ (mama); lớn dần lên, bé biết nói chuyện, dùng lời nói để kết nối với mọi người. Kỹ năng sử dụng ngôn từ, câu chữ này được trau dồi hằng ngày trên trường lớp, trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn, giáo xứ. Tuy nhiên, cũng chính với lời nói (do bất cẩn, do không nghĩ suy chín chắn, hay vô tâm…) mà chúng ta rơi vào tình cảnh làm tổn thương, đau lòng người khác, đay nghiến, cáu xé tha nhân, và nhất là xét đoán người khác. Đúng như lời tác giả sách Huấn Ca đã chỉ ra: “Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy” (Hc 27, 6). Theo lẽ thường tình thì không thể biết chắc chắn hoàn toàn tư tưởng người khác nếu chỉ dựa trên lời nói; nhưng qua lời nói như một cách tham khảo, chúng ta cũng biết ít nhiều về tư tưởng người nói, vì chưng “Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra” (Lc 6, 45).
Chính vì thế, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có giọng nói, biết dùng lời nói, ngôn từ để truyền tải, diễn đạt, biểu lộ tư tưởng, tâm tư, tình cảm,… của bản thân. Đồng thời, chúng ta cũng phải nỗ lực rèn luyện, giũa rèn câu chữ, ngôn từ, kiểm soát suy nghĩ, hành vi, và đặc biệt dành nhiều thời gian để xét mình hơn là xét đoán tha nhân. Không ít người hỏi: Vì sao chúng ta lại dễ dàng xét đoán, đánh giá người khác? Câu trả lời rất đơn giản, bởi lẽ chúng ta không xét mình, chúng ta ít dùng thời gian/chưa dùng thời gian, tệ hơn là không muốn dành thời gian để suy xét, để nhìn lại bản thân, để xét mình; do đó, chúng ta dễ bị rơi vào ‘xa lộ’ xét đoán tha nhân! Hơn nữa, mỗi lúc chúng ta chú trọng, để tâm trí vào việc đánh giá, xét đoán người khác, thì chắc chắn không còn thời gian để nhìn lại bản thân, để xét mình nữa. Thái độ này tương tự như hình ảnh mà Đức Giê-su đưa ra trong bài Tin Mừng hôm nay: “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh (chị) em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?” (Lc 6, 41). Chẳng cần giải thích, giữa “cái (cọng) rác [hoặc “cái dằm”] và cái đà [hoặc “cái xà”]”, ai ai trong chúng ta đều biết cái nào lớn hơn cái nào, cái nào chiếm chỗ nhiều hơn cái nào, cái nào che lấp cái nào! Vả lại, làm sao chúng ta có thể nhìn thấy ‘cọng rơm/cọng rác/cái diềm/cái dằm’ nhỏ trong mắt anh chị em, trong khi mắt của chúng ta bị ‘cái đà hay cái xà to tướng’ che khuất? Theo lý lẽ tự nhiên, chúng ta trước tiên phải nhờ anh chị em lấy ‘cái đà/cái xà’ đang che lấp đôi mắt mình ra, rồi sau đó, với đôi mắt tinh tường, chúng ta mới có thể giúp anh chị em lấy ‘cọng rác/cái dằm’ trong mắt họ ra chứ! Hoặc chúng ta phải làm theo trình tự như Đức Giê-su nêu ra cụ thể: “…hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh (chị) em ngươi” (Lc 6, 42).
Thật sự, chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo cả! Một điều khá thú vị là hiện nay trên hành tinh xanh với 7,7 tỉ dân, hơn 206 quốc gia lớn nhỏ và hơn 6.500 ngôn ngữ tuy khác nhau, nhưng đều có cùng chung một thành ngữ “Không ai là hoàn hảo”/“Nhân vô thập toàn” (“No one is perfect”, 誰も完璧ではありません、Personne n'est parfait, Nemo est perfectus, Nessuno è perfetto, Nadie es perfecto,…). Đã là con người ‘chân đạp đất, đầu đội trời’, thì ai ai cũng có thể mắc sai lầm, có lỗi, không lớn thì nhỏ, không nặng thì nhẹ; nên, không một ai là không cần được chấn chỉnh, sửa mình cả! Vì vậy, hiểu được điều này, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông với lỗi lầm của anh chị em, như chúng ta cũng mong muốn anh chị hiểu và thông cảm, giúp đỡ chúng ta mỗi khi mắc sai lầm. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ ý thức mình là người cần được chấn chỉnh trước tiên. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ dành thời gian xét mình hơn là đánh giá, xét đoán tha nhân. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ nhanh xét mình, chậm xét đoán. Tuy nhiên, để khắc ghi và cụ thể hoá điều này, tiên vàn “chúng ta cảm tạ Chúa Cha, vì đã được chiến thắng, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (x. 1Cr 15, 57). Tiếp đến, khắc sâu trong tâm khảm lời dạy của Thánh Phao-lô Tông Đồ: “…anh (chị) em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh (chị) em không phải là uổng phí trong Chúa” (1Cr 15, 58). Và rồi nỗ lực, cộng tác với ơn Chúa hằng ngày, sống một cách cụ thể, chứ không chỉ để điều này trong tâm trí, trong tâm tư như một mớ kiến thức hay một tá/một rổ lý thuyết ‘vô hồn bất toại’, bằng cách: xét mình, nhìn lại bản thân, đọc lại ngày sống thường xuyên khi vui cũng như lúc buồn.

Cầu nguyện:            Lạy Chúa, xin cho con biết con

                                    Hầu cảm thông bao lời nỉ non

                                    Chất chứa nơi con tim bao người

                                    Cùng chia sớtvới tấm lòng son. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4
Xem quả biết cây

(Lc 6, 39-45)

Người ta có nhiều cách ví von để kết luận về một hệ lụy tất yếu nào đó, chẳng hạn như: cha nào con ấy, thầy nào trò ấy, rau nào sâu ấy. Còn Chúa Giêsu xác định: “Cứ xem trái thì biết cây” (x. Lc 6:44). Nhận định của Chúa Giêsu có thể áp dụng vào mọi trường hợp trong cuộc sống.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca và Tin Mừng Thánh Luca ghi lại những danh ngôn hay những “lời” đầy khôn ngoan về thái độ của người môn đệ đích thực như: “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy” (x. Hc 27, 5-8 (Hl 4-7).  “Mù dắt mù sao, trò hơn thầy chăng, lấy cái rác nơi người mà không lấy cái đà trong mắt anh, xem quả biết cây, lòng đầy miệng mới nói ra” (x. Lc 6,39-45).
Từ những lời Kinh Thánh trên, chúng ta có được chân dung của người môn đệ chân chính, hay cụ thể hơn là người kitô hữu đích thật của Chúa Giêsu. Cái rác, cái đà hay chuyện ngụ ngôn về một cây tốt sinh trái tốt Chúa Giêsu kể dạy rõ chân lý này (Lc 6,39-42). Ai nghe và vâng giữ Lời Chúa, đồng thời đem ra thực. Người ấy sẽ trung thành với niềm tin, cho dù khó khăn xảy đến, thậm trí đối diện với bắt bớ nữa. Bởi “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính” (Hc 27,6). Lửa chính là thứ đùng để luyện sành.cái hay của câu trên là ở vế sau"gian nan người công chính". Gian nan ở đây chính là những khó khăn, gian truân vất vả mà ta bắt gặp trong cuộc sống.
Tại sao “gian nan thử người công chính?” Cuộc sống là một hành trình dài với nhiều khó khăn, không phải lúc nào cũng thuận lợi như ta mong đợi. Chính khó khăn ấy là môi trường tốt nhất để rèn người nên công chính. Trái lại, người nào nghe mà không tuân giữ và hành động theo Lời Chúa thì khi bách hại xảy đến, họ khó đứng vững, thậm chí có nguy cơ mất đức (x. Lc 6,43-49).
Khi nói “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi” (Lc 6,39-40). Chúa Giêsu muốn nói, người môn đệ Chúa phải học và theo Chúa trước khi tự xưng mình là thầy hoặc lãnh đạo người khác. Vì chưa thuộc bài hoặc thực hành lời Thầy Giêsu dậy đã đi dẫn dắt người khác thì nguy hiểm cho bản thân và cả những người thụ giáo.
Chúa Giêsu nói tiếp: “Lòng đầy miệng mới nói ra. Hãy xem quả biết cây” (Lc 6,45). Đúng là thiện căn ở tại lòng ta. Sự xấu xa cũng hệ tại lòng ta. Lòng trí con người là trung tâm điểm phát sinh những điều thiện hảo cũng như xấu xa, tội lỗi.
Theo ý nghĩa đó, Bài đọc I đề cập đến “lời nói phát ra từ miệng lưỡi” được coi như một tiêu chuẩn đo lường khôn ngoan để đánh giá con người: Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan như Sách Huấn Ca dạy: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (x. Hc 27,5-6).
Chúa Giêsu cũng nói lời tương tự : “Cứ xem trái thì biết cây” (Lc 6,44). Chúng ta biết loại cây nhờ xem quả hay ăn quả của nó. Nhiều người biết được chúng ta là ai, bản chất, tính cách của chúng ta như thế nào nhờ nhìn vào đời sống và nghe lời chúng ta nói. Giống như cây khế không thể sinh quả cau được, cách cư xử bên ngoài của chúng ta là màn hình qua đó những động cơ và những giá trị bên trong của chúng ta lộ ra.
Khi nói: “Người hiền, bởi tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện, kẻ dữ, bởi tích đầy lòng cs nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Chúa Giêsu muốn nói về những gì bên trong của con người được phản chiếu qua lời nói và biểu lộ ra bên ngoài. Quả thật, những gì chúng ta nói ra là những điều chúng ta đã suy nghĩ và ước muốn trong lòng. Chúa Giêsu nói tiếp: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng vậy, không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Nhân quả là như thế.
Vậy chúng ta tự hỏi, đâu là trái tốt để người ta nhận ra nơi người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Thưa, từ một con tim cằn cỗi không thể nào có thể phát ra những lời hay ý đẹp cũng như có những hành động cao thượng được. Để có quả tốt, chúng ta cần có cái tâm tốt. Vì thế phải thực hành các mối phúc mà Chúa đã dạy chúng ta trong Chúa Nhật VII vừa rồi: như yêu thương kẻ thù, cho mà không đòi lại, không xét đoán, không kết án người khác, trước khi sửa lỗi người khác phải sửa lỗi chính mình, hay ít ra, chúng ta cố gắng làm một điều tốt lành để hoàn thiện mình. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 5
Tự biết mình để cải thiện đời sống
Lc 6, 39-45

Bạn bè gọi Tuấn là thằng Chôm Chôm vì đầu tóc nó dựng đứng tua tủa như quả chôm chôm và gọi Hùng là Hột Mít vì có thân hình tròn trịa y như hột mít.
Hôm đó, đoàn thiếu nhi giáo xứ đi cắm trại. Chôm Chôm và Hột Mít cùng ngủ chung lều vào ban trưa. Cả hai ngủ say như chết.
Trong lúc đó, Vũ láu cá mới đi chơi về, thấy hai bạn mình ngủ say nên nảy ra một ý tưởng tinh nghịch. Nó lấy lọ nồi vẽ lên mép thằng Chôm Chôm một bộ râu cá chốt và vẽ lên cằm Hột Mít một bộ râu dê, rồi dông đi mất dạng.
Mười lăm phút sau, hiệu còi tập họp vang lên. Vũ chạy lẹ vào lều đánh thức Chôm Chôm, Hột Mít ra sân tập họp.
Khi hai bạn nầy tới nơi, cả bọn trẻ bỗng ôm bụng cười ngặt nghẽo nhưng hai bạn nầy chẳng hiểu mô tê gì. Bấy giờ Hột Mít chợt nhìn lên và trông thấy bộ râu cá chốt của Chôm Chôm nên ré lên cười sằng sặc… Chôm Chôm cùng lúc cũng nhận thấy bộ râu dê quái đản của Hột Mít, cũng òa lên cười nắc nẻ. Hột Mít và Chôm Chôm, ai cũng tưởng mặt mình sạch nên tha hồ cười nhạo nhau cách khoái trá… Mãi đến khi anh trưởng tìm được tấm gương soi, cho hai cậu nhìn ngắm bộ râu quái gở của mình, hai cậu mới sáng mắt ra!
Chôm Chôm chỉ nhìn thấy bộ râu dê trên khuôn mặt Hột Mít và hả hê cười nhạo bạn mà không thấy được bộ râu quái đản của chính mình. Cũng vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy tội lỗi người khác rồi cười nhạo, lên án, trách móc… Còn tội lỗi và những thói xấu của ta, cũng đang bị nhiều người âm thầm đàm tiếu, chê cười, lên án… thì lại không nhận ra.
Bởi vì con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Một nốt ruồi chỉ bằng hạt gạo trên khuôn mặt người khác, người ta thấy rõ ràng; còn vết nhơ lớn như đồng tiền trên mặt mình thì chẳng nhận ra. Tiếc thay, khuôn mặt duy nhất trên cõi đời chúng ta không thể nhìn thấy trực diện lại là khuôn mặt của chính ta!
Vì thế, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải nhìn lại mình, nhận ra lầm lỗi để cải thiện bản thân trước khi phê phán lỗi lầm người khác. Ngài nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?  Sao anh lại có thể nói với người anh em:  'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra', trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”
Có biết mình mới có thể cải thiện đời sống
Nếu biết được bản thân chớm bị ung thư, người bệnh sẽ tìm cách chữa trị tức khắc với bất cứ giá nào; nhờ đó sẽ có cơ may thoát nạn. Nhưng nếu không nhận ra mầm bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, người ta sẽ không lo chạy chữa sớm và hậu quả sẽ rất đau thương.
Nếu tôi thấy được vết dơ trên khuôn mặt mình, tôi sẽ lau rửa tức khắc. Nếu không biết mặt mình dơ, tôi cứ để vậy khiến người chung quanh đàm tiếu.
Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm mình, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.
“Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự biết mình.” (Krishnamurti).
Làm sao để biết mình?
Muốn biết mặt mình dơ hay sạch, chúng ta cần một tấm gương soi. Muốn biết những thói hư tật xấu của mình, chúng ta cần nhờ đến những người chung quanh chỉ bảo và điều quan trọng là biết khiêm tốn lắng nghe mà không nổi khùng nổi nóng. Lời chỉ bảo của người khác là tấm gương soi tối cần giúp ta biết mình và cải thiện đời sống.
Ngoài ra chúng ta cần dành ra thời gian tĩnh lặng để quan sát mình, để nhìn lại cách ta cư xử với người khác, thái độ của ta đối với bao người chung quanh cũng như những thiếu sót của ta. Có thường xuyên nhìn ngắm mình như thế, chúng ta mới có thể nhận ra sai sót của mình để cải thiện cuộc đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con thường xuyên nhìn vào nội tâm để nhận ra những sai phạm lỗi lầm và quyết chí sửa đổi ăn năn. Nhờ đó, chúng con mới có thể cải thiện cuộc đời, để trở thành người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức, xứng tầm người con Thiên Chúa.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================
Suy niệm 6
“Xem quả thì biết cây”
 

Trong các chuyện về Cọp, câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” thật đặc sắc.
Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!Cọp không hiểu, tò mò hỏi:– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:– Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.Cọp nghe nói, mừng lắm.Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:– Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:– Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.
Với trí khôn, con người là thụ tạo cao cả nhất trong muôn loài tạo vật. Hiểu biết thật quan trọng, nhất là biết nhận rõ tốt xấu, phải trái, đúng sai, hay dở, thật giả, thiện ác.
Giáo huấn trongphần 3 của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc vàng giúp việc phân định hành vi tốt xấu của con người: “Xem quả thì biết cây”. Một hành động là tốt khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.
Theo kinh nghiệm thông thường về trồng trọt, cây giống tốt sẽ sinh trái tốt. Chúa Giêsu dạy, muốn phân định một ngôn sứ giả hay thật đừng chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời. Hoa trái đạo đức đích thực phải là kết quả của cả cuộc sống lâu dài và sâu thẳm từ trong tâm hồn.Chúa Giêsu khẳng định rõ hơn: “Ở bụi gai, không có nho mà hái? Trên cây găng không có vả mà bẻ?”. Và Ngài kết luận: “Cây tốt sinh trái tốt và ngược lại cây xấu sinh trái xấu”; “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh trái tốt”. Đó là khuôn thước phân định để nhận biết tốt xấu. Cây xấu là những việc làm dù có vẻ tốt nhưng xuất phát từ động cơ xấu. Chúa dùng những lời khiển trách nặng nề gọi đó là “giả hình, mồ mả tô vôi, sói đội lốt chiên”. Để phát hiện những loại “cây xấu” ấy, Chúa dạy hãy nhìn vào những hoa quả của chúng. Việc làm trở thành xấu vì xuất phát từ tâm địa gian manh, tham lam, vị kỷ. Hoa quả tốt phát sinh từ “cây tốt” là tình yêu: nếu chúng ta có làm được mọi sự mà thiếu đức ái thì cũng chẳng ích lợi gì (x. 1Cr 13,1tt).
Ngày nay, người ta chán ngán nhiều người trong xã hội nói quá hay mà làm chẳng ra làm sao. Nhiều từ ngữ, nhiều tuyên bố kiểu đao to búa lớn, nghe rất kêu nhưng nội dung rỗng tuếch được lập đi lập lại hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, đài phát thanh, tivi, các chương trình quảng cáo, các bài giảng, bài báo, trong các mẩu đối thoại, những cuộc nói chuyện... Nhiều người lầm tưởng những người nói hay như vậy là những người tốt. Nhưng Chúa Giêsu đã cho một nguyên tắc phân định rất thực tiễn để biết được ai tốt ai xấu: Cứ xem quả thì biết cây. Để biết một người là tốt hay xấu, phải nhìn vào hành động của họ, chứ không chỉ nghe lời họ nói. Lời nói hay chỉ có thể chứng minh được sự thông minh và lanh lợi, khả năng suy nghĩ sâu xa hay nông cạn của người đó, chứ không nói lên được tính đạo đức, tình yêu thương, lòng quảng đại, cao thượng, ngay thẳng, trong sáng, can đảm của họ.
Bài đọc 1 trích sách Huấn ca cũng đề cập đến một tiêu chuẩn như là thước đo của sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi họ. Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay”.Thánh Giacôbê có kinh nghiệm về những hậu quả của lời nói trong đời sống của cộng đoàn ngài phụ trách, kinh nghiệm về sự khó khăn trong việc làm chủ miệng lưỡi, nên ngài viết: “Cái lưỡi thì không ai chế ngự được” (Gc 3,8), “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (3,2), và đừng có huênh hoang vì “tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (3,2). Đồng thời ngài cũng cho thấy sự cần thiết phải làm chủ miệng lưỡi mình, vì “từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (3,10).
Lời nói thể hiện con người: “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27, 6). Nguyên nhân sâu thẳm của lời nói phát xuất từ bên trong, do tâm ý mà có.Vì thế, để có thể nói những gì tốt lành và hữu ích đòi hỏi ta phải chỉnh sửa và thanh lọc từ bên trong của lòng mình. Điều quan trọng nhất là có được tấm lòng yêu thương. Khi có một tấm lòng thực sự biết thương yêu mọi người, tự nhiên người ta biết cách phải nói như thế nào cho thích hợp và sinh ích lợi cho người nghe.

Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt.Ngài nói: “lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Miệng thường nói ra những tư tưởng chất chứa trong lòng. Nếu bên trong là những tư tưởng tốt đẹp, sẽ hướng đến những việc thiện hảo. Còn tư tưởng xấu sẽ dẫn đến những hành vi xấu xa, có khi độc ác. Như thế, làm chủ miệng lưỡi không dừng lại ở việc kiểm soát lời nói “uốn lưỡi bảy lần” nhưng còn phải lưu tâm đến việc thay đổi từ trong suy nghĩ, trong tình cảm dành cho người khác, cho cộng đoàn. Thực hành điều này sẽ làm cho lời nói “thật” hơn, vì nó xuất phát từ trong lòng: bụng nghĩ sao nói vậy, nhưng lời đó đầy yêu thương!Để cho “lòng đầy”, chúng ta“Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Muốn nói ra những điều tốt đẹp, xây dựng, yêu thương, thì phải biết nghe trước đã. Nghe Lời Chúa, để cho tư tưởng của Chúa, cách suy nghĩ của Chúa, lòng yêu thương của Chúa ngấm vào nơi sâu xa của mình, rồi chúng ta sẽ phân định, sẽ chọn lựa, sẽ nói những điều cao đẹp.“Lắng nghe bằng trái tim” là chủ đềcủa“Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022”.Lòng người có Chúa, đầy Chúa thì chúng ta hay nói về Chúa và trổ sinh hoa trái tốt lành từ Chúa.
Sách Châm ngôn thường bàn về việc sử dụng lời nói của người khôn ngoan. Tác giả ca tụng những người dùng lời nói để khuyên nhủ kẻ khác: “Miệng kẻ khôn ngoan gieo rắc sự hiểu biết” (Cn 15,7). “Nếu muốn Hội Thánh là nơi chúng ta tái khám phá ý nghĩa sâu xa của bản chất con người, của những con người mà căn tính thâm sâu là hiệp nhất với nhau, thì trước hết, chúng ta phải là một cộng đoàn, trong đó chúng ta sử dụng ngôn từ với lòng kính trọng và tinh thần trách nhiệm” (Timothy Radcliffe).
Lời nói có ảnh hưởng lớn đối với gia đình và xã hội, đối với phần rỗi của chúng ta và phần rỗi của kẻ khác (Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang).
Lời nói đối với gia đình:Gia đình nào được bằng an hạnh phúc, trong ấm ngoài êm, là nhờ chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh chị em có những lời nói hiền lành, nhịn nhục, lễ độ, cao thượng, trong sạch; có những lời nói thúc giục và khuyên bảo nhau làm lành, lánh dữ; có những lời đọc kinh cầu nguyện chung với nhau trong gia đình để thờ phượng Chúa.
Lời nói đối với xã hội:Sống trong xã hội, hằng ngàychúng ta phải liên lạc với đủ mọi hạng người:kẻ quen, người lạ; kẻ thương, người ghét; kẻ thông cảm, người ác cảm. Trong khi giao tiếp với họ, chúng ta làm sao tránh hết được mọi va chạm vì bá nhân bá tánh, trăm người trăm tính. Nhưng nếu trong khi sống chung giữa xã hội, chúng ta biết dùng lời nói nhã nhặn, lễ độ, ôn hoà, khiêm tốn, thì làm sao mà sinh ra cãi cọ hoặc đổ vỡ được: một sự nhịn, mua được chín sự lành; lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Lời nói đối với phần rỗi của chúng ta: Lời nói làm chúng ta dễ phạm tội mất lòng Chúa: tội phạm đến đức yêu người (nói lời vô lễ, to tiếng với nhau, cãi cọ nhau, chưởi bới nhau, nói xấu nhau, xúi nhau làm bậy,...); tội phạm đến đức công bình (đổ hô, bỏ vạ, cáo gian, nói lời chứng dối,...); tội phạm đến đức trong sạch (nói tục, nói nhớp, nói lời hai ba ý, nói chuyện hoa tình, nói lời dụ dỗ người khác phạm tội về giới răn thứ sáu,...); tội phạm đến đức vâng lời (cằn nhằn bề trên, cãi lại bề trên, nói xấu bề trên, nói láo với bề trên,...); tội phạm đến Giáo Hội (công kích Giáo Hội, nói xấu Giáo Hội, chỉ trích Giáo Hội,...); tội phạm đến Chúa (nói phạm thượng, nói lời chối Chúa vì hổ thẹn, nói lời bỏ Chúa vì sợ hãi,...).
Lời nói đối với phần rỗi của kẻ khác:Có kẻ không chịu tha thứ vì bị người khác xúi giục cứ trả thù; có kẻ sa vào tội dâm ô vì bị người khác dùng lời nói quyến rũ; có kẻ cắp trộm, tham nhũng vì bị kẻ khác xúi giục, bày vẻ cho cách làm; có kẻ bỏ Chúa vì bị kẻ khác xúi giục chạy theo vật chất tiền tài danh vọng chóng qua ở đời này.
Khi tâm hồn thực sự yêu mến, biết ơn Chúa, chúng ta sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng việc làm đạo đức và cử chỉ biết ơn Thiên Chúa. Khi lòng đầy tràn tình yêu thương, trắc ẩn, chúng ta thể hiện ra bên ngoài bằng những việc làm yêu thương cách cụ thể. Khi lòng chứa đầy những điều tốt đẹp thì từ ánh mắt, cử chỉ, việc làm chúng ta sẽ thể hiện sự tốt đẹp, thiện chí và yêu thương với anh chị em chung quanh.
Lạy Chúa, Chúa dạy nguyên tắc vàng để phân định “Xem quả thì biết cây”. Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người.
Chỉ khi nào con biết dùng những lời nói chân thật, khiêm tốn và khoan dung để đem lại an vui thuận hòa, để yêu thương và tha thứ, để bênh vực và che chở, để quan tâm nâng đỡ và khích lệ thì tâm hồn con mới thực sự trong sáng và cao đẹp.
Khi biết dùng những lời lẽ tốt lành, con mới biết mình là người sống trong Chúa và Chúa sống trong con.
Xin cho con biết tha thiết sống hiệp nhất với Chúa và khao khát lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm con, để tiếng Chúa nói trở thành lời con nói ra ngoài môi miệng.
Xin cho con xác tín luôn luôn, lời nói việc làm của con chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt tươi khi con biết siêng năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Đời sống của con chỉ có thể “phát xuất ra sự lành” khi con được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa vì Lời Chúa là lời yêu thương và Mình Chúa là Bí tích tình yêu.
Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình yêu để hoa trái con đem lại lợi ích cho mọi người.Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=================
Suy niệm 7
Nhận Biết Mình

Hc 27,5-8: 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45

Ở câu lạc bộ của những người khuyết tật, có những hình ảnh thật đẹp, cảnh tượng dẫn dắt chỉ đường khéo léo và thắm đượm tình thương: Người mù đẩy xe lăn cho người khuyết tật chân tay, người ngồi trên xe lăn sáng mắt thì chỉ đường cho người đẩy xe. Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Ở đây họ bổ túc, sẻ chia cho nhau phần thiếu khuyết của nhau, kết quả thật êm xuôi, người mù không bị chệch đường, kẻ yếu thì đủ sức tới nơi, quá hay!
Hôm nay Thầy Giêsu cảnh báo các môn đệ trong dụ ngôn: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Với câu hỏi thách thức này, bất cứ ai cũng sẽ trả lời rõ ràng rằng không thể dắt được. Đã mù làm sao thấy đường mà dắt người ta? Tôi phải có đôi mắt sáng mới có thể giúp cho người đi trong bóng đêm, có sáng mắt mới thấy đường mà dẫn dắt người khác. Ấy là cảnh mù thể lý thì dễ nhận thấy hệ lụy của nó. Còn mù về tâm linh thì sao? Cái khó là mù bên trong lại thật khó để mà nhận ra. “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”,... trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (Lc 6,42). Biết mình không phải là chuyện dễ, biết được lầm lỗi của mình lại càng khó hơn. Chính con mắt của ta, nó gần mình nhất mà lại khó thấy nhất. Ta không thể biết mắt mình đẹp hay xấu nếu không soi gương, hoặc nhận biết từ người khác. Thầy Giêsu dạy muốn “dẫn dắt người” thì phải tự xét mình, phải biết mình trước đã. Khổ nỗi nhìn người khác thì chỉ thấy rõ những cái xấu chình ình mà không thấy điều tốt lành của họ. Nếu có nhìn vào mình thì chỉ thấy “ngon cơm”, chẳng thấy được “cái tôi to đùng” như cái xà đang che kín mắt.  Những xà, rác rưởi khiến ta thành người “có mắt như mù”, khi ấy có dắt người khác coi chừng lại “đưa nhau xuống hố”!... Vậy làm sao để biết được mình? Thánh Augustinô cho biết không tự mình biết được mà bởi Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Chỉ có trở về với Chúa, trong ánh sáng Người soi chiếu vào mọi ngõ ngách sâu thẳm hồn ta, mới thấy rõ mọi thứ xà rác trong mắt mình. Chính Chúa sẽ hoán cải, đổi thay, chữa lành, thanh tẩy bụi bẩn, giải thoát ta khỏi mù lòa và làm cho ta có sức thay đổi cách sống của người khác. Trong khiêm nhường, ta sẽ biết được phận mình mà không dám phê bình, chỉ trích tha nhân.
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu.” (Lc 6,43-45a). Đức Giêsu phản ánh một thực tại như lẽ thường ở đời. Người tốt ắt sẽ phát sinh những việc làm tốt lành, người xấu sẽ nảy sinh những việc làm xấu xa. Gương tốt hay gương xấu từ cha mẹ có ảnh hưởng đến con cái, cha hiền để đức cho con, con hư tại mẹ, hay gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45b). Miệng người ta thường nói ra những tư tưởng chất chứa trong lòng. Nếu bên trong là những tư tưởng tốt đẹp, sẽ hướng đến những việc thiện hảo. Còn tư tưởng xấu sẽ dẫn đến những hành vi xấu xa, có khi độc ác. Tôi cần hướng lòng và tâm trí về những tư tưởng trong sáng tốt đẹp, tránh những tư tưởng xấu xa, vì chính những tư tưởng ấy sẽ hướng dẫn hành động của tôi. Xem quả thì biết cây, xem hành động, cách  xử sự bên ngoài thì biết rõ tâm can, nghe lời nói ra là người khác có thể biết được tim óc của mình. Lòng người có Chúa, đầy Chúa thì hay nói về Chúa và trổ sinh hoa trái tốt lành từ Chúa. Cuộc đời tôi đang thuộc loại “cây” nào sẽ được kiểm chứng bằng hoa trái các việc làm. Có thể tôi nhận biết mình đang là cây sâu, cần bám lấy Thầy Giêsu, để có Thầy cứu chữa, chăm sóc thì vẫn có thể trở thành cây tươi tốt cho mà xem, mà “nhìn thấy” ơn cứu độ của Chúa chúng ta.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Ngày 18.07.2024, hơn 200 bạn trẻ từ 9 giáo xứ thuộc Giáo hạt Nghĩa Lộ đã quy tụ tại Giáo xứ Vàng Cài để tham gia ngày “Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ" lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log