Thứ sáu, 19/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Thường niên C

Cập nhật lúc 08:49 20/01/2022
Suy niệm 1
Sự vĩ đại của người bé mọn!
Lc 1, 1-4; 4, 14-21
Vĩ đại và nhỏ bé không bao giờ đủ.Chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu tình thương đối với người yếu thế:
- Thế giới mà người ta thường so sánh bản thân mình với người khác, đánh giá thực lực, cảnh giác và cuối cùng đè bẹp người nhỏ bé để không muốn là chính mình.
- Thế giới của mỗi người vì mình, thế giới của sự sợ hãi và cạnh tranh.
- Thế giới mà người ta phải chiến đấu ngày này qua ngày khác để trở nên mạnh mẽ hơn những người khác, luôn mạnh mẽ hơn, luôn vĩ đại hơn.
- Thế giới mà người ta không có lòng thương xót, không tặng quà cho những người nhỏ bé.
Nhưng đối với các kito hữu trong thế giới này, chúng ta chưa bao giờ đủ lớn nếu muốn sống theo Tin mừng. Chúng ta biết điều đó!. Tin Mừng không thích người lớn. Tin Mừng bênh vực kẻ yếu hèn. Thiên Chúa của chúng ta “hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”. Thiên Chúa mời gọi chúng ta chọn chỗ của kẻ yếu đuối, của kẻ hoàn toàn bé mọn.
Đối với thế giới, chúng ta không bao giờ đủ lớn. Đối với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ đủ nhỏ.
- Là kitô hữu, chúng ta ngần ngại nhận ra sự vĩ đại của mình trước mặt Thiên Chúa.
- Là con người, chúng ta ngần ngại nhận ra sự nhỏ bé của mình trong xã hội. Chúng ta cảm thấy bị trói buộc, bị mắc kẹt, luôn thiệt thòi, luôn gặp nguy hiểm.
Giữa người lớn và người bé mọn, một hố chia cắt được đào lên không thể vượt qua. Chúng ta chọn sống ở phía nào của vực thẳm chia cắt đó, nếu chúng ta muốn ở trong thế giới này và đồng thời sống theo tinh thần của Tin mừng?
Sự vĩ đại và sự nhỏ bé được nối kết với nhau. Nếu thế giới chúng ta bị phân chia giữa người lớn và người bé nhỏ, liệu chúng ta cứ phải là người nhỏ bé để sống đúng với Tin mừng chăng? Chúa Giê-su không lựa chọn giữa sự vĩ đại và sự nhỏ bé. Ngài hòa giải điều không thể hòa giải bằng cách chọn cả hai cùng một lúc… Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận mình đứng về phía những người quyền năng. Ngài thể hiện mình đứng về phía người vĩ đại: Ngài đứng dậy và là người nổi bật trong hội đường. Ngài thu hút mọi ánh nhìn: “Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài”. Ngài không ngần ngại nói rằng lời của một nhà tiên tri vĩ đai được ứng nghiệm nơi Ngài: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe”. Ngài thông báo rằng trong Ngài có một sức mạnh mà không ai có thể sánh được, đó là sức mạnh của Thiên Chúa: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi". Và sức mạnh này được công nhận nơi những người xung quanh Ngài: "Chúa Giêsu trở lại Ga-li-lê-a trong quyền năng của Thần Khí và danh tiếng Ngài lan tràn khắp cả miền chung quanh”
Nhưng quyền năng của Chúa Giê-su đi đôi với sự yếu đuối cùng cực. Vì chưng, ngay lúc khẳng định sự vĩ đại của mình, Chúa Giê-su đã nhận ra rằng quyền năng không đến từ Ngài. Quả thật, Ngài là người mà lời tiên tri Isaia được ứng nghiệm, chính là phải nhờ một Đấng khác, nhờ vào Thiên Chúa. Quyền năng của chính Ngài được liên kết với niềm vui của Đấng khác… vì Ngài làm hài lòng Thiên Chúa. Ngài làm vui lòng Thiên Chúa không phải là để chú ý đến những phẩm chất hay đức tính của Ngài, mà là chỉ đánh dấu quyền năng của Thiên Chúa bằng việc xức dầu: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Ngài đã xức dầu cho tôi ".
Nhận ra điều chúng ta có, đó cũng là chấp nhận phụ thuộc mọi thứ vào người khác để nhận được sức mạnh của người khác. Đó không phải là tự nhận bản thân mình nhỏ bé đến lạ lùng sao? Sự vĩ đại của Chúa Giê-su đến với Ngài từ sự lệ thuộc của Ngài vào Đấng khác. Ngài hoàn toàn không là gì nếu không có Đấng khác.
Và còn hơn thế! Chúa Giêsu không chỉ nhận ra rằng quyền năng của Ngài không đến từ Ngài, mà còn khẳng định rằng quyền năng đó không phải dành riêng cho Ngài. Quyền năng đó đi qua Ngài để đến với tất cả những người nghèo khó trên trái đất. Ngài chỉ là một sự chuyển tiếp. Thần Khí Chúa sai Ngài đến cho người khác: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức”.
Thần Khí Chúa sai Ngài đến ban sự vĩ đại cho người bé mọn! Chúa Giêsu đồng ý với điều mà quyền năng của Người khác đi qua Ngài mà không giữ lại lợi ích cho Ngài. Quyền năng này liên kết với sự yếu đuối là một phước lành cho thế giới, cho tất cả mọi người: “Ngày năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Những gì được ứng nghiệm bởi một người sẽ lan truyền cho tất cả những người khác. Những gì trải qua một người sẽ đến với những người khác. Đó là cách người khác không trở thành đối thủ cạnh tranh và cuối cùng có thể trở thành anh em.
Làm nên một thân thể. Thế giới không có lòng thương xót đối với những người nhỏ bé. Còn chúng ta, chúng ta được mời gọi theo Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội ở giữa thế giới có thể là nơi chúng ta không còn gì để sợ nhau và mọi thứ để hy vọng. Thay vì lo sợ rằng người khác trở thành đối thủ, chúng ta hãy hy vọng quyền năng của người khác nhằm lợi ích cho tất cả mọi người. Khi đó, chúng ta sẽ trở nên tự do trước mặt nhau. Chúng ta có thể sống trong sự công nhận món quà mà chúng ta hoặc người khác đã nhận được. Hạnh phúc biết bao vì những gì xảy ra cho chúng ta cũng như cho người khác. Chúng ta vui mừng vì món quà được ban cho để chúng ta trở thành một thân thể, để nhận từ nhau niềm vui, sức mạnh và sức sống. Chúng ta vui mừng trong sự phụ thuộc lẫn nhau!.
Khi đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng lời tiên tri Isaia hôm nay được ứng nghiệm không chỉ cho chúng ta mà còn qua chúng ta, những người bé mọn trở nên sáng suốt nhờ quyền năng. Quyền năng đó khiến chúng ta sống động khi chúng ta trở thành một thân thể với Chúa Giêsu, chúng ta trở nên đủ mạnh loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức”. Chúng ta có thể ghi danh trong thế giới này vì muốn rằng mọi người có thể và thực sự được hạnh phúc khi sống như anh em và đoàn kết với nhau!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Lc 4, 14 – 22
Nước Do Thái có 3 miền, thì Galilê là miền lạc hậu nhất. Trong suốt dòng lịch sử nước Do Thái, tất cả các sứ ngôn và vị lãnh đạo đều xuất thân từ Samari và Giuđê. Phải chờ mãi cho tới năm 1948 khi nước Ítrael được tái lập, người ta mới thấy một vị lãnh đạo xuất thân từ Galilê. Đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng Moshe Dayan. Trong miền lạc hậu ấy, thì Nadarét là làng lạc hậu nhất, đến mức độ miệng đời của các nước lân bang có câu ngạn ngữ: “thằng đàn ông nào mà ông trời ghét nhất thì ông sẽ cho nó một con vợ người Nadarét”.
Đức Giê su là người Nadarét, nhưng từ ngày Ngài đi truyền đạo, thì tên Ngài “Giê su Nadarét” được coi như là siêu sao. Nhờ đó mà người Nadarét không còn mặc cảm tự ti nữa.
Hôm ấy Ngài trở về thăm quê. Đồng hương Nadarét đón tiếp Ngài như một siêu sao. Ngày Sabát Ngài đến nguyện đường thì được ông trưởng hội đường mời đọc Sách Thánh và giảng. Ai nấy đều vểnh tai để nghe. Lời giảng của Chúa luôn luôn đi song hành với việc làm. Đó là người nghèo vừa được nghe giảng, vừa được các tín đồ mở rộng tay giúp đỡ. Người bệnh tật được Chúa cứu vớt. Người lỗi lầm đua nhau sám hối. Yêu Chúa và yêu người được nối kết thành một. Thậm chí kẻ thù cũng phải được yêu thương và chúc lành. Chúa khẳng định rằng: “Nếu không yêu thương và chúc lành cho kẻ thù, thì không xứng đáng là con của Cha trên trời…”
Đồng hương Nadarét của Chúa sửng sốt và xầm xì với nhau: “Một anh thợ mộc mà tại sao lại giảng hay như thế!”
Sự nghiệp truyền giáo của Chúa luôn luôn được khởi động như thế: nguyên tắc thì đúng trăm phần trăm; quần chúng thì ái mộ cực kỳ. Nhưng với thời gian dài ngắn, lòng hâm mộ của quần chúng phải âm thầm lùi vào bóng tối. Riêng tại Nadarét, thì sự nghiệp truyền giáo bị công khai chống đối. Cụ thể là giới lãnh đạo ở bất cứ nơi nào cũng coi Chúa là một tên phá đạo. Thậm chí thân nhân Chúa phải công khai cho người đi bắt Chúa về, viện lý do là: “Nó khùng rồi!” “Nó khùng rồi” là cách nói để chạy tội mà thôi. Nhưng chạy không thoát, vì từ khắp nơi vẫn vọng về lời kết án của các Kinh sư và Pharisêu.
Đức Giê su thì bị xuyên tạc và chống đối. Đức Mẹ cũng bị vạ lây. Ở các nơi khác, Đức Mẹ được ca tụng: “Phúc thay cho lòng nào đã cưu mang Thầy. Phúc thay cho vú nào đã cho Thầy bú”. Nhưng nội bộ gia đình thì ngược lại, Đức Mẹ bị coi là người đàn bà bạc phước, vì chỉ sinh được có một đứa con, mà đứa con này lại chẳng giống bố được lấy một giọt. Thế là cả Chúa lẫn Đức Mẹ đều mất uy tín. Tin Mừng cũng vì thế mà phải khựng lại ở Nadarét.
Việc Chúa trở về thăm quê Nadarét là một bài học chua chát của lịch sử cứu độ. Công việc truyền giáo nào cũng đều gặp khó khăn như thế. Đó là một quy luật dành cho hạt giống Tin Mừng. Nhưng cũng chính vì thế mà Tin Mừng được phát triển. “Từ khổ giá đến vinh quang” là định mệnh của hạt giống Tin Mừng. Đừng mong có một con đường khác.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

===================
Suy niệm 3
THỰC HIỆN ‘CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ’ CỦA THIÊN CHÚA

Ai trong chúng ta đều biết khá rõ về một người mẹ với vóc dáng nhỏ nhắn, thấp bé, khuôn mặt đầy nếp nhăn nhưng đầy phúc hậu, đó chính là Mẹ Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta.Mẹ đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi thúc giục trở nên người thực hiện ‘chương trình nghị sự’ cứu độ của Ngài; mẹ từ giã quê hương, đến một nơi xa xôi, sống giữa người nghèo, giữa những con người cùng khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Với ưu tiên người nghèo, cho người nghèo, dường như ai ai cũng gọi thánh nhân là mẹ của người nghèo giữa dòng đời trong thế kỷ XX. Hơn nữa, mẹ được cả thế giới biết tới với danh xưng thân thương đầy kính trọng: Mẹ Tê-rê-sa Cal-cút-ta. Và vì lẽ ấy mà chẳng mấy ai còn nhớ đến tên thật của mẹ do hai cụ thân sinh đặt từ thời ấu thơ An-nê Gon-xê Bô-ja-xiu (nguyên ngữ tiếng Al-ba-ni-a: Anjezë (Agnes) Gonxhe Bojaxhiu).
Mẹ Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta đã theo sát bước chân Đức Giê-su, ưu tiên người nghèo trong ‘chương trình nghị sự’ như bài Tin Mừng hôm nay mà Thánh sử Lu-ca thuật lại một cách sống động: ‘Ngài đến Na-da-rét, nơi Ngài sinh trưởng, và theo thói quen của Ngài, thì ngày nghỉ lễ, Ngài vào hội đường. Ngài đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Ngài sách tiên tri I-sai-a. Mở sách ra, Ngài gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.’ (Lc 4, 16-19). Như vậy, Đức Giê-su đến trần gian này không phải để thực hiện ý muốn riêng, hay kế hoạch của bản thân, mà trên hết thực hiện ‘chương trình nghị sự’ của Thiên Chúa Cha, cụ thể: rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa trị những tâm hồn sám hối, loan truyền giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho kẻ bị áp bức, và công bố năm hồng ân, trao bao ơn thánh cho toàn dân. Nhưng ở đây, nếu được phép hỏi Chúa, chúng ta có thể hỏi: tại sao lại là người nghèo? Và người nghèo ở đây có phải chỉ nghèo tiền nghèo bạc, nghèo vật chất thôi không?
Nếu ngẫm suy thấu đáo, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra tư tưởng và đường lối của Chúa khác xa với chúng ta như lời ngôn sứ I-sa-ia từng phán truyền: “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Thực tế, chúng ta thường có xu hướng đánh giá người khác qua các biểu hiện bên ngoài, dựa trên quyền lực, tiền bạc và giàu sang. Người rủng rỉnh tiền bạc thì được yêu mến lưu tâm như ông bà ta có câu: ‘Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khác tầm’ (nghĩa là: nghèo mà ở giữa phố chợ cũng chẳng ai thăm, còn giàu mà ở trên rừng trên núi vẫn có kẻ chịu khó tìm đến). Hay dân gian thường nói: thấy người sang bắt quàng làm họ. Miệng nhà giàu có gang có thép. Nén bạc đâm toạc tờ giấy…Còn nữa, người có chức có quyền lại được vị nể, trọng kính như ngôn ngữ bình dân thường rêu rao: lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Vì vậy, ít nhiều bị xã hội chi phối, chúng ta sống giữa đời rơi vào mộng mơ, ước muốn được giàu sang và quyền thế. Trong khi đó, Đức Giê-su lại đem Tin mừng đến cho những kẻ nghèo hèn. Ngoài ra, ngay bài giảng đầu tiên trên núi (x. Mt 5, 1-12), Ngài còn chúc phúc cho những người nghèo khó, đói khát, đau khổ và bị bách hại. Ở một đoạn khác, Ngài cất tiếng nói cùng Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25). Biết bao nhiêu trình thuật, biến cố mà Thiên Chúa ưu tiên, thực hiện bao kỳ công nơi những ai nghèo hèn như hình ảnh Đa-vít nhỏ yếu, kém cỏi của một cậu bé chăn chiên, nhưng nhờ bàn tay oai hùng của Ngài đã chiến thắng tên khổng lồ Gô-li-át. Hơn thế, chỉ là một người thôn nữ Ma-ri-a, nhưng được chọn làm mẹ Thiên Chúa, làm mẹ Đấng Cứu Thế. Các mục đồng nghèo túng vất vả, các tông đồ chẳng có địa vị gì trong xã hội, nhưng được mời gọi, được diễm phúc đón nhận tin mừng và cộng tác vào việc rao truyền Phúc Âm. Dĩ nhiên, có vô vàn lý do vì sao Thiên Chúa lại dành phúc lành trước tiên cho những người khó nghèo, và hết mực yêu thương những ai bất hạnh (kể cả lý do mà chúng ta không thể thấu hiểu!); nhưng sở dĩ Ngài hành động như vậy có thể vì người giàu sang, quyền cao chức trọng thường hay cậy nhờ vào sức riêng, nên dễ sinh ra kiêu căng, ngạo mạn. Mà tự mãn thì chắc chắn sẽ bị Chúa loại trừ vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5), và trong kinh Mag-ni-fi-cát, Mẹ Ma-ri-a tán tụng “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Với cảm nghiệm sâu sắc về đường lối của Thiên Chúa, Thánh Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô đã quả quyết: “Kiêu căng là dấu chỉ rõ ràng nhất của kẻ bị Chúa loại trừ”. Trái lại, người nghèo hèn, bất hạnh cảm nhận mình yếu đuối, thấp hèn, thiếu thốn, nên dễ đặt hết niềm tin tưởng, cậy trông, phó thác nơi Chúa, và biết đón nhận Tin Mừng, cùng được Chúa chúc phúc.
Theo lẽ thường tình, muốn cho nước đầy vào một chiếc ly/chiếc cốc, thì chắc hẳn chiếc ly/chiếc cốc đó phải còn trống. Tương tự, những ai kiêu căng chất chứa đầy dẫy tự phụ, tự mãn, tự cao trong lòng, thì còn chỗ đâu mà mời Chúa vào ngôi nhà tâm hồn, còn chỗ nào để ơn thánh rót đầy vào đời sống mình nữa! Trong khi đó người nghèo hèn và bất hạnh luôn cảm thấy tâm hồn mình trống để cho tình thương dạt dào của Chúa lấp đầy chứa chan. Mặc khác, người nghèo được ưu tiên hàng đầu trong ‘chương trình nghị sự’ của Thiên Chúa, không chỉ giới hạn nghèo về mặt của cải, vật chất, mà bao hàm cả những ai thiếu thốn tình thương, bị bỏ rơi, thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc, bị bỏ rơi, bị đẩy ra bên lề xã hội, thiếu thốn về trí lực, thể lực, tâm lực và nhất là nghèo nàn vì chưa được biết Chúa, chưa cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho mình, v.v…Chính Mẹ Tê-rê-sa Cal-cút-ta đã từng nói: “Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa”. Với ước muốn nhân rộng thêm công việc sẻ chia với người nghèo, mẹ đã thành lập Hội dòng Thừa sai Bác ái với ước nguyện: “Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Người sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Người đối với người nghèo”.
Tắt một lời, Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta hãy trở nên khí cụ tình yêu, trở nên đôi tay trìu mến, đôi mắt cảm thông, con tim sẻ chia, đôi chân ra đi đến với anh chị em trong sứ vụ riêng của mình (x. 1Cr 12, 27-28). Chúng ta được kêu mời lắng nghe Lời Chúa (x. Nkm 8, 8), sống bác ái cụ thể (chứ không chỉ trong tâm trí, tư tưởng, lời nói suông), tiếp tục ‘chương trình nghị sự’ của Chúa, cùng sẵn sàng để Ngài thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài qua bàn tay, đôi chân, qua con người và cuộc sống chúng ta.Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 4
Được xức Dầu và được sai đi

(Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

Sau khi tỏ mình ra dần dần bằng các phép lạ tại Cana (x. Ga 2,1-12), Galilêa và Giêrusalem (Ga 2, 23). Chúa chọn thêm một số môn đệ, rồi cùng với các ông trở về Capharnaum, Người bắt đầu giảng dạy tại đây, chữa lành những người ốm đau bệnh tật, xua trừ ma quỉ, kêu gọi người ta hoán cải.
Ngày Sabát đầu tiên Chúa vào hội đường Nagiarét đứng lên đọc Sách Thánh. Người mở sách ngôn sứ Isaia và gặp đoạn chép rằng: " Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hôn sám hối... trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng" (Lc 4, 14-18). Mọi người chăm chú lắng nghe và không ngớt lời ca tụng. Chúa Giêsu tuyên bố: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21).
Chúa Con được Chúa Cha xức Dầu và sai đi…
"Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc  4, 21).
Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng thật trang trọng, những lời tiên tri ấy áp dụng vào Chúa Giêsu một cách rất tự nhiên. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Chúa Cha, được Chúa Cha xức Dầu và sai xuống trần gian để thể hiện lòng xót thương qua việc giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa con người trở về với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Giêsu nhằm mang hạnh phúc, niềm vui, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa đến cho loài người. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ thần linh, thần linh hoá nhân loại, cho nhân loại được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được trở nên con cái của Thiên Chúa trong Thần Khí. Người không được sai đến với những ai tự phụ, tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ, nhưng là đến với những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương của Dân Chúa là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa là cứu độ và giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.
Như thế, khi áp dụng những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Giêsu tự mô tả về con người và sứ mạng của mình, bằng những từ ngữ đơn sơ nhưng rất uy nghi, đến nỗi dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: "Mọi người trong Hội đường đều chăm chú nhìn Người"(Lc  4, 20). Cung cách dạy dỗ của người hoàn toàn khác với các thầy dạy luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.
Giáo hội đươc sai đi
Nếu như Chúa Giêsu được Chúa Cha xức Dầu hoan Thánh Thần, sai đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ hàn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người, khai mở năm hồng ân để thi ân giáng phúc cho nhân loại, thì đến lượt mình, Người cũng trao lại sứ mạng đó cho Giáo hội: "Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em" (Ga 20,21). Giáo hội cũng được xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi. Người cũng ban tràn đầy Thánh Thần cho Giáo hội: "Hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội, là Chúa Giêsu nối dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể và sứ vụ của Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Ngày hôm nay, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội, đã được xức Dầu và cũng được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa Giêsu là Đấng được xức dầu, là Đấng Kitô. Việc xức dầu là quan hệ nhân quả với nghĩa vụ của việc giảng dạy. Việc xức dầu để trở thành Đấng Mêsia có một mối liên hệ chặt chẽ với Chúa Thánh Thần. Rao giảng Tin Mừng về nước Thiên Chúa là sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu (Lc 4,43;7,22-23) và của chúng ta.
Người kitô hữu đã được xức Dầu và cũng được sai đi
Ngày 06/01/2022, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2022 với chủ đề: "Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy" (Cv 1,8). Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu loan báo sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô trong mọi chiều kích của đời sống hàng ngày của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói tiếp: "Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn là sứ mạng của Ðức Giêsu. Ðây cũng chính là sứ mạng của Giáo hội và của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa trong Giáo hội…Là một Kitô hữu cũng chính là một nhà truyền giáo. Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, mà trước hết là bằng chính đời sống, là mục đích chính yếu mọi thành phần dân Chúa, cần phải đến gần với người nghèo, phục vụ họ, và thực hiện tất cả những điều này trong danh Ðức Kitô với Thần Khí của Ðức Kitô, vì Người chính là Tin Mừng của Thiên Chúa" (x. Sứ điệp truyền giáo 2022).
Mọi Kitô hữu được mời gọi trở thành một nhà truyền giáo và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta thực hiện sứ vụ truyền giáo trong Giáo hội, vì được Giáo hội sai đi nhân danh Chúa Kitô loan báo Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất”. Chúng ta cũng nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn để làm chứng đầy đủ và chân thực cho Chúa Kitô là Chúa đã đến trong thế gian. Vì thế, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, này con đây xin sai con đi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 5
Hôm Nay Đã Ứng Nghiệm

Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-14.27; Lc 1,1-4; 4,14-21

Đức Giêsu về làng nơi người sinh trưởng, Ngài vào hội đường đứng lên đọc Sách Thánh, gặp ngay đoạn nói về sứ mạng của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Trong lúc trăm con mắt đều đổ dồn về phía Ngài, Ngài xác nhận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” (Lc 4,18-19). Mọi người đều gật đầu tán thành và thán phục lời từ miệng Ngài.
Hồi đó dân làng đang mong chờ một vị anh hùng đánh đông dẹp bắc, toàn quyền toàn năng, mang chiến thắng và vinh quang về cho dân tộc quê hương. Người sẽ nổi dậy làm cách mạng giải phóng dân tộc khỏi bị ách đô hộ của đế quốc Rôma với một đội quân hùng hậu. Người sẽ là một tổ phụ, một vị ngôn sứ vĩ đại như thời các cha ông của họ đã để lại những dấu ấn, hạ nhục kẻ thù và khinh bỉ các dân ngoại; loại trừ những kẻ tội lỗi, phường khố rách áo ôm, xua đuổi những kẻ tiếp tay cho đế quốc. Nhưng Người đã không làm như lòng họ mong chờ.
Ngày nay chúng con đã tin Người là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Chúa Cứu Thế, Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà đến như chúng con hằng tuyên xưng. Nhưng có nhiều người lại nghĩ Chúa quá cao vời con chẳng sao vươn tới nên vẫn không gặp được Chúa. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang ở giữa, ở với, ở cùng chúng con trong mỗi phút giây hiện tại. Xin cho chúng con biết sống gắn bó với Chúa, trong Chúa để thấy và tin yêu Chúa. Với một đời sống đức tin sống động, Chúa sẽ thực hiện cho chúng con những phép lạ hiển nhiên ngay giữa đời thường hôm nay.
Lạy Chúa! trong cuộc đời thực thi sứ vụ làm ngôn sứ của chúng con cũng vẽ lại dòng đời của Chúa. Có lúc mọi người ca khen vui vẻ, có lúc bị chống đối từ khước coi thường, hạ thấp, loại trừ… Xin cho chúng con dám can đảm làm chứng nhân của Chúa, giữa lúc thuận tiện cũng như khi gặp thử thách đố kỵ và khinh khi. Để dù giữa sóng gió cuộc đời có Chúa cùng đi, chúng con không sợ bị trật đường ray. Đi trong tay Chúa chúng con an tâm vượt khó. Cuộc đời “loan báo” của chúng con sẽ có ngày nở hoa. Chúng con cũng mạnh dạn tuyên xưng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi…” và… “Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh quý vị vừa nghe”.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Legio Mariae giáo xứ Hoàng Xá mừng lễ Truyền Tin
Legio Mariae giáo xứ Hoàng Xá mừng lễ Truyền Tin
Chiều ngày 16.04.2024, hội Legio Mariae giáo xứ Hoàng Xá đã tổ chức sinh hoạt và mừng lễ Truyền Tin. Do cha xứ và cha phó bận công việc chung của giáo xứ nên việc mừng lễ của hội Legio Mariae đã được chuyển đến hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log