Thứ bảy, 20/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Thường niên năm C

Cập nhật lúc 17:05 27/01/2022
Suy niệm 1
Bạo lực của Tin Mừng
Lc 4, 21-30
Từ dịu hiền đến bạo lực
Tại một làng quê xinh đẹp của miền Galilêa, con trai bác thợ mộc Giuse, người con của quê hương trở về. Đó là ngày đẹp! Phải chăng cũng giống như một số tân linh mục sau khi được thụ phong, trở về quê dâng lễ Tạ ơn?
- Một người mà người ta biết, người ta thấy lớn lên.
- Một người mà người ta bắt đầu nói đến, một người có danh tiếng khắp nơi đây đó.
- Họ tự hào về người này. Tự hào về bản thân họ! “Họ thán phục Ngài! "
Nhưng sự nhất trí cao đẹp của họ về Chúa Giêsu không kéo dài.
- Người mà họ ngưỡng mộ khiến khán giả phải phẫn nộ.
- Người ở với họ lại bị đẩy ra ngoài.
- Người mà được họ quan tâm, lại bị họ muốn giết.
- Sự dịu hiền bản ngã nhường chỗ cho bạo lực chết người.
- Điều kỳ lạ nhất là có vẻ như chính Chúa Giêsu là người tự nguyện khơi dậy tình trạng bạo lực này. Chính Ngài là người phá vỡ sự đồng thuận của họ bằng cách từ chối sự ngưỡng mộ của họ. Bởi vì Ngài tuyên bố với những người "thán phục Ngài vì những lời miệng Ngài thốt ra” rằng: "không một tiên tri nào được tiếp đón tại quê hương mình".
Từ bạo lực đến dịu hiền
Chúa Giêsu sẽ nói trong Tin Mừng “Phúc cho những người dịu hiền”. Trong hội đường Nagiaret, hình như Chúa Giê-su thích tạo nên bất ổn trong vũ trụ này đã được tiên nghiệm đầy nhân từ và dịu hiền:
- Ngài không muốn bị hạ thấp thành đứa con của quê hương mà danh vọng quay về lại gia đình và quê hương Ngài.
- Ngài không chỉ là con trai bác mộc Nazareth. Ngài càn là một tiên tri và là Con Thiên Chúa.
- Ngài cố tình phá vỡ sự ngọt ngào của một người giữa hai người.
- Ngài phá đổ biên giới của mảnh đất nhân loại để đưa đoàn tùy tùng vào quê hương Thiên Chúa. Chỉ những ai đã từng bước vào, hoặc những người có kiến ​​thức về quê hương mới này là gì, mới có thể hiểu được sự dịu hiền đích thực, sự dịu hiền của Thiên Chúa là thế nào. Một cách nào đó, sự dịu hiền của Thiên Chúa gây nên bạo lực vì tạo ra vết thương. Nhưng vết thương này làm cho chúng ta:
- Đi từ vũ trụ này sang vũ trụ khác,
- Từ một thế giới mà người ta xua đuổi những người xa lạ, những người không quen biết, đến một thế giới mà người ta chấp nhận làm bạo lực với chính mình để đón nhận sự hiện diện của Đấng hoàn toàn khác và những người khác giữa chúng ta.
Người dân Na-gia-rét không cho phép Chúa Giê-su làm bạo lực với họ. Vì không chịu nổi vết thương, họ trục xuất Ngài và định xô Ngài xuống vực thẳm.
- Họ thích Chúa Giê-su bị thương hơn là chính họ bị thương tổn.
- Họ thích bạo lực đối với người khác hơn là để cho sự đồng thuận đẹp đẽ của họ bị rạn nứt.
- Tất cả họ đều tập hợp chống lại Chúa Giêsu.
Bạo lực với chính mình
Những người Do-thái được cho là dịu hiền trong hội đường, lòng tốt của họ lúc đầu chỉ là để thôn tính Chúa Giêsu. Sự dịu hiền của họ có tính giết người. Sự dịu hiền của họ là giả dối, che giấu một thực tế. Thật vậy, họ không muốn có một người lạ ở quê hương họ; họ không chịu để cho sự bình yên hạnh phúc giữa họ bị xé nát. Sự dịu hiền giả tạo, đó là khi sự dịu hiền chỉ là sự rút lui vào những gì tương tự hoặc quen thuộc.
Chúng ta hãy cảnh giác với sự dịu hiền như vậy. Sự dịu hiền này có thể là bạo lực tồi tệ nhất mà chúng ta có thể gây ra cho người khác… hoặc cho Thiên Chúa.
- Bạo lực vói chính mình là chấp nhận rằng người khác là khác và Thiên Chúa… là Chúa!
- Bạo lực với chính mình là chấp nhận rằng Thiên Chúa vẫn là Đấng khác ngay cả khi Ngài cư ngụ giữa chúng ta.
Đó là sự dịu hiền của Tin Mừng; và sự dịu hiền này không bao giờ tự nhiên mà có, cần phải luyện tập mỗi ngày. Cần phải bạo lực với chính mình... để trở nên dịu hiền. Nếu sự dịu hiền của chúng ta không phải là kết quả của một cuộc chiến, thì sự dịu hiền đó, chỉ là bạo lực được ngụy trang.
Nếu ngày nay chúng ta mơ về sự dịu hiền và hòa bình, chúng ta hãy cẩn thận! Nếu đó là sự dịu hiền trong các mối phúc mà chúng ta muốn, chúng ta đừng bước vào đó như vào trong một bồn nước ấm chỉ là để ngâm mình. Chúng ta sẽ không bước vào đó nếu không kỵ cọ những gỉ ghét. Chúa Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa chấp nhận bạo lực và chỉ những kẻ bạo lực mới vào được.
Lời Chúa là “bàn là nóng”, chứ không phải để ru ngủ chúng ta. Lời Chúa đánh dấu chúng ta, Lời Chúa làm tổn thương chúng ta. Lời Chúa bạo hành chúng ta. Nếu chúng ta không chấp nhận bị tổn thương, chúng ta sẽ trở nên người bạo lực và đuổi Chúa ra khỏi nhà như người dân Na-gia-rét đã làm.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Lc 4, 21 – 30
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa trở về thăm quê hương Nadarét. Ban đầu Ngài được đồng hương đón tiếp nồng hậu tới mức độ ông trưởng hội đường mời Chúa đọc Sách Thánh và chia sẻ Lời Chúa. Ai nấy đều khen ngợi hết lời: “Là thợ mộc mà sao lại giảng hay thế!”
Thế nhưng, khi kết thúc bài giảng, thì cả hội đường nổi xung lên và la hét: “Lôi cổ nó lên núi, rồi xô xuống cho nó chết đi”. Tại sao Chúa đang được ca ngợi cực kỳ như thế, mà bỗng dưng lại bị đả đảo đến như vậy? Chỉ vì Chúa đề cao người ngoại hai lần.
Lần thứ nhất: Chúa nhắc lại chuyện sứ ngôn Êlia đã cứu đói hai mẹ con một bà góa ở Sarépta. Chúa kết luận: “Trong nước Ítrael có biết bao bà góa nghèo, thế mà sứ ngôn không chiếu cố, mà đi chiếu cố một bà góa ở Sarépta.”
Chuyện thứ hai: Chúa nhắc lại việc sứ ngôn Êlisa chữa cho ông Naaman, thủ tướng nước Syria khỏi bệnh cùi. Ngài kết thúc câu chuyện như sau: “Trong nước Ítrael có biết bao nhiêu người cùi, thế mà sứ ngôn không chiếu cố, mà lại chiếu cố ông Naaman người Syria.”
Đối với não trạng lạc hậu của người Do Thái, thì đề cao người ngoại như thế là phản quốc là lăng nhục dân ưu tú của Giavê. Đức Giê su biết trước hậu quả tai hại sẽ xảy ra như thế, nhưng Ngài cứ nói như thế, vì Ngài là mạc khải viên của mọi ý của Chúa Cha.
Mạc khải xong ý ấy của Chúa Cha, Chúa Giê su chuồn khỏi vụ bạo động của đồng hương. Từ đó Ngài không còn trở về thăm quê hương Nadarét nữa. Nhưng ý của Chúa Cha đã được mạc khải và còn lưu lại cho chúng ta đến hôm nay và cho đến ngày tận thế. Yêu người ngoại, người ngoại quốc và người ngoại đạo là một bài học lớn của lịch sử cứu độ.
Hiểu được tấm lòng của Đức Giê su yêu người ngoại như thế; hiểu được tấm lòng ấy là mạc khải của Chúa Cha, thi chúng ta phải rất cẩn trọng đối xử với người ngoại, trên đường loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Phải tự hỏi rằng, trên đường truyền giáo hai mươi thế kỷ qua, Giáo hội có yêu người ngoại như Đức Giê su đã yêu không?
Phải thành thật và khiêm tốn để thú nhận rằng trên đường truyền giáo năm trăm năm tại Việt Nam, người ngoại không được ông cha chúng ta kính trọng như Đức Giê su đã dạy. Ông cha chúng ta gọi người ngoại là “quân ngoại đạo”. Phải chờ đến công đồng Vaticano II, chúng ta mới biết gọi người ngoại là “tôn giáo bạn”. Dĩ nhiên chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho ông cha chúng ta, vì các ngài bị vua chúa cấm đạo, làm khổ con cái Chúa quá đáng. Ông cha chúng ta bị vua chúa và người ngoại chụp mũ là “gia tô tả đạo”. Đau quá! Oan quá! Vì thế mà ông cha chúng ta cầm lòng không được. Cho nên lòng tự ái của các ngài bùng lên che lấp cả giáo huấn của Chúa. Chúng ta vẫn thương và thông cảm với ông cha chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn phải công nhận cái sai của ông cha chúng ta. Hôm nay trên đường loan báo Tin Mừng, chúng ta phải yêu thương và kính trọng các tôn giáo bạn gấp mười lần, để đền tội của tổ tiên và để chia sẻ nổi khổ của Chúa vì yêu và đề cao người ngoại.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
Thuốc đắng dã tật
Lc 4, 21-30
Ngày Sa-bát, Chúa Giê-su vào hội đường Na-da-rét, đọc sách ngôn sứ I-sai-a và giải thích vắn tắt cho những người hiện diện. Ban đầu, mọi người cảm phục những lời Ngài nói. Sau đó, khi Chúa Giê-su chuyển sang đề tài khác, họ thay đổi thái độ, xôn xao phản đối, rồi đồng loạt đứng dậy, xông vào túm lấy Chúa Giê-su, lôi ra khỏi hội đường, lại còn xô đẩy Ngài ra khỏi thành…
Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn lôi kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực, cho Ngài nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Ngài khỏi cuộc sống! Đúng là một cơn giận điên cuồng!
Vì đâu mà dân thành Na-da-rét lại đối xử với Chúa Giê-su hung hăng và thô bạo như thế?
Vì Chúa Giê-su đề cập đến hai sự kiện sau đây:
Thứ nhất: Vào thời ngôn sứ Ê-li-a, Ít-ra-en bị hạn hán suốt ba năm sáu tháng, toàn dân lâm cảnh đói kém trầm trọng. Thế mà ngôn sứ Ê-li-a không được Thiên Chúa sai đến cứu giúp các bà góa Ít-ra-en mà lại giúp cho một bà góa ở Xa-rép-ta miền Xi-đôn là vùng ngoại bang.
Thứ hai: Vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được chữa lành, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri là vùng dân ngoại được vị ngôn sứ chữa lành (Lc 25-27).
Chúa Giê-su nêu lên hai sự thật đáng buồn nầy nhằm răn đe họ đừng xử tệ với các ngôn sứ như cha ông họ đã làm xưa kia. Thế nhưng, vừa nghe xong, cơn giận của những người trong hội đường bốc lên ngùn ngụt và họ đã xử sự với Chúa Giê-su cách hung bạo như thế.
Thuốc đắng dã tật
Người xưa thường nói: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” để giúp ta hiểu rằng những lời góp ý sửa lỗi chân thật của người khác dành cho ta cũng giống như liều thuốc đắng, tuy khó uống nhưng rất cần thiết vì mang lại sự chữa lành.
Chúa Giê-su nêu lên hai sự thật trên đây như một liều thuốc đắng cần thiết để chữa trị dân Ngài, nhưng họ thà mang bệnh mãn đời chứ không chấp nhận thuốc đắng. Vì thế, họ quay lại tấn công Chúa Giê-su là Người chữa trị cho mình.
Trong thực tế đời thường, chúng ta có sẵn sàng “uống thuốc đắng” do người khác kê toa, tức là đón nhận những lời góp ý sửa sai của người khác dành cho mình, để cải thiện cuộc sống, hay không?
Nếu không đủ khiêm tốn, người ta sẽ căm hờn, giận dỗi… người nào góp ý sửa sai cho mình.
Tại sao?
Tính kiêu căng, tự cao tự đại là nguyên nhân chính khiến người ta nổi giận với những ai chỉ lỗi cho mình. Thế là không ai dám góp ý sửa sai cho những người như thế và như vậy, họ sẽ đeo bám lầm lỗi cho đến lúc xuống mồ.
Nếu ngôi nhà chúng ta đang bị bén lửa từ phía sau, bỗng có người phát hiện và báo cho ta biết để kịp thời chữa cháy, hẳn chúng ta sẽ biết ơn người ấy và cấp tốc chữa cháy cho ngôi nhà.
Còn nếu trong hoàn cảnh đó, thay vì cám ơn và lo chữa cháy, chúng ta quay ra căm giận, hành hung người báo cháy thì thật là điên rồ, dại dột.
Thói hư tật xấu và những đam mê tội lỗi cũng là những ngọn lửa âm thầm đốt cháy đời ta. Vậy nếu có ai đó báo cho chúng ta biết lỗi của mình, tức là báo cho biết có “lửa” đang bén vào “căn-nhà-cuộc-đời”, thì đừng phẫn nộ với người đó nhưng phải biết ơn và cấp tốc cứu đời mình khỏi “cháy”.
Lạy Chúa Giê-su,
Trên đời nầy chẳng có ai vô tội và thấy được tội mình là điều rất khó. Vì thế, xin cho chúng con khiêm tốn lắng nghe người khác chỉ lỗi cho mình và thực tâm hoán cải để cải thiện cuộc đời nên tốt đẹp hơn. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================== 
Suy niệm 4
ĐỐI DIỆN SỰ THẬT

Không ai trong chúng ta chưa từng một lần nghe câu ngạn ngữ: Sự thật mất lòng (Truth hurts)! Và đã là người Công Giáo thì ít nhiều cũng được nghe Lời Chúa: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (x. Ga 8, 32) [The truth will set you free; Veritas liberabit vos; ἡ ἀλήθεια ἐλευθερώσει ὑμᾶς (hē alḗtheia eleutherṓsei hūmâs)].
Đành rằng là thế, nhưng khi đối diện với sự thật, không ít người sợ bị tổn thương, hoảng hốt, nên chọn cách nghe những lời không thật, ngỏ hầu chẳng gây tổn hại đến bản thân cũng như người khác! Thái độ này tương tự với dân chúng (có lẽ không phải tất cả!) trong hội đường ở Na-za-rét khi Đức Giê-su trưng dẫn hai câu chuyện thời Cựu ước, mà chắc hẳn không một người Do Thái nào không biết, đó là: tiên tri Ê-li-a được sai đến bà goá vùng Sa-rép-ta thuộc xứ Si-đon khi nạn đói lớn xảy ra trong ba năm sáu tháng; và chuyện ngôn sứ Ê-li-sa được sai đến chữa lành cho viên quan Na-a-man người Sy-ri-a (x. Lc 4, 25-27). Ngạc nhiên ở đây là: cả hai tiên tri này được sai đến với dân ngoại (nghĩa là: không phải người Do Thái). Và cũng thế, Đức Giê-su đến trần gian này, chẳng phải cho dân Is-ra-el thôi, mà còn cho cả nhân loại nữa!
Tuy nhiên, đứng trước chân lý hiển nhiên ấy, dân chúng trong hội đường dường như chỉ cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, nên chẳng hề nhận ra “sự thật dù mất lòng, hay đau lòng đi chăng nữa, nhưng giải thoát họ”. Sự thật có thể khiến chúng ta đau, nhưng đổi lại, nó giúp ta thấy rõ bản thân mình, thấy rõ những yếu đuối, những điểm tối nơi tâm hồn ta! Sự thật có lẽ làm ta tổn thương, nhưng thà đau một lúc, còn hơn không nhìn nhận sự thật mà phải đau cả đời! Nếu được vậy, chắc hẳn dân chúng trong hội đường thay vì “căm phẫn, trỗi dậy, trục xuất Đức Giê-su ra khỏi thành, rồi dẫn Ngài lên triền núi mà xô xuống vực thẳm” (x. Lc 4, 28-29), họ đã biết mở rộng lòng chăm chú lắng nghe lời Đức Giê-su giảng dạy, hoán cải tâm tư đón nhận sự thật và mãi bước theo chân lý cùng đích vì Ngài chính là “con đường, sự thật và sự sống” (x. Ga 14, 6).
Quả thật, để suy nghĩ và đi đến hành động mở cửa tâm hồn đón nhận sự thật này, không thể không nhờ đến đức mến như Thánh Phao-lô Tông đồ đã chỉ ra một cách sống động, cụ thể hơn bao giờ hết: “Đức mến thì kiên tâm, nhân hậu, không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7). Vì vậy, để đối diện sự thật, chấp nhận sự thật, đón nhận sự thật và hành động theo sự thật, hẳn chúng ta phải có đức ái, cụ thể hơn: không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu xa, không hớn hở hồ hởi trước bất công, nhưng vui tươi lắng nghe chân lý. Ngược lại, trên thực tế, tại sao chúng ta khó lòng đối diện với sự thật, có lúc không muốn đón nhận sự thật, mặc dù chúng ta biết “sự thật sẽ giải thoát chúng ta”? Lí do thì vô vàn, nhưng có lẽ chúng ta còn vương kiêu hãnh, còn thích khoác lác, phô trương, còn vụ lợi, còn đam mê đồng loã với sự bất công, bất chính hay chăng!
Suy tưởng thật kỹ, chúng ta nhận ra ơn gọi ngôn sứ không nằm ngoài ơn gọi trở nên chứng nhân thấm đượm đức ái, ơn gọi giúp người khác đối diện-đón nhận-sống theo sự thật. Nhưng tiên vàn, ứng viên ngôn sứ phải can đảm đón nhận chân lý và trở nên nhân chứng của chân lý. Thật cao cả dường bao khi suy ngắm ơn gọi tiên tri của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc” (Gr 1, 5). Thiên Chúa đã đoái nhìn, ghé trông và chọn thiếu niên Giê-rê-mi-a làm ‘sứ giả’, trở nên ‘môi miệng thông truyền ý định’ của Ngài. Vì thế, sứ vụ ngôn sứ phải luôn trong tâm thế sẵn sàng như hình ảnh “thắt lưng, trỗi dậy” (x. Gr 1, 17), thứ đến, can đảm loan truyền những gì Thiên Chúa răn dạy, chứ không phải những điều người ngôn sứ muốn. Dĩ nhiên, phận vụ nào cũng có rủi ro, nhưng Thiên Chúa hằng bênh đỡ, trợ giúp: “Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1, 19). Hơn nữa, một sự thật chẳng mấy hào hứng mà người tiên tri phải đón nhận và kiên tâm hoàn thành sứ vụ của mình, như lời Đức Giê-su quả quyết: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình” (Lc 4, 24). Ngạn ngữ có câu: “Không đâu bằng nhà mình” (East or West, home is best), và ca dao Việt Nam cũng khẳng định điều này: “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Thật đau lòng khi nơi “chôn nhau cắt rốn” hay “quê hương là trùm khế ngọt” lại cho các ngôn sứ những trùm khế chua, quả đắng như vậy. Tuy nhiên, ơn gọi của ngôn sứ không giới hạn tại quê hương, nơi làng xã thân quen lối xóm, mà các ngài được sai đến với hết mọi người, đến những ai khao khát đi tìm chân lý và biết đón nhận sự thật. Chính vì vậy, trước khi thực hiện sứ vụ giúp mọi người đối diện-đón nhận-hành động theo chân lý, thì vị ngôn sứ phải biết can đảm đối diện-chấp nhận-thi hành sự thật rồi.
Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận sự thật
Cho dù sự thật có phũ phàng ra sao
Cho dù sự thật làm tim con nát tan thế nào
Nhưng nhờ sự thật, tâm hồn con được giải thoát. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 5
Số phận ngôn sứ của Đức Chúa

(Lc 4, 21-30)

Có nhiều loại ơn gọi: có ơn gọi dành cho hết mọi người, có chỉ dành cho một số ít người; có ơn gọi cho cả đời người. Giêrêmia đã được Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri cho nhiều dân tộc. Ông kể: “Trong thời vua Giosia, lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc” (Gr 1,4-5).

Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với dân Ngài, chúng ta không thể không nhắc đến những vị ngôn sứ, những người được Thiên Chúa chọn gọi để loan báo cho dân Chúa biết được chương trình và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Các ngài là những vị đại diện của Thiên Chúa để đồng hành với dân, hướng dẫn và bảo vệ dân, nhắc nhở dân không lạc vào con đường gian tà tội lỗi, nhưng luôn sống đời công chính, trung thành với giao ước đã được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân, đặc biệt là sự chuẩn bị để đón Đấng Mêsia ngự đến. Ơn gọi ngôn sứ cao cả đấy, nhưng cũng đầy những hy sinh đau khổ, những trái ý, những thập giá trong cuộc đời thi hành sứ vụ của mình. Giêrêmia là một nhân chứng (x. Gr 20,7-18).

Giêrêmia, vị ngôn sứ bị chống đối

Giêrêmia là chứng nhân của một thời đại quyết liệt. Đời sống của ông gắn liền nước Giuđa gần bốn mươi năm (626-587 trước CN). Với một sứ mạng cao cả và gian nan. Giêrêmia là một ngôn sứ thi hành sứ mạng trong một bối cảnh rất phức tạp về mặt tôn giáo, chính trị và xã hội, vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ông đã gặp nhiều đau khổ, vì bị nghi kỵ, chống đối và ngược đãi. Trong khi thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, Giêrêmia gặp phải toàn những chống đối, hắt hủi và bắt bớ cách dữ dội, vì phải nói lên những lời của Chúa cho dân Người. Mà lời của Chúa là những lời lên án, đe dọa và nhắm thẳng đến đời sống luân lý của dân, nên người ta không dễ gì đón nhận: “Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày” (Gr 20,8b). Đang trong lúc buồn phiền thì lời Đức Chúa lại cứ như ngọn lửa thiêu đốt tận xương tủy, khiến Giêrêmia không chịu nổi: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt”(Gr 20,9b). Lời Thiên Chúa có một sức mạnh mà con người không thể chống lại nổi. Chúa đã khích lệ ông và bảo đảm với ông: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi nhưng không làm gì được, vì có Ta ở với người để giải thoát ngươi”. Chúa đã giữ lời hứa với vị Ngôn sứ, giúp cho sứ mạng của ông sinh hoa kết trái.

Đức Giêsu là Giêrêmia mới

Khởi đầu thi hành sứ vụ Thiên sai của Chúa Giêsu với những việc như chữa lành những người bị quỉ ám, làm cho người mù được sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, nhìn chung là vui mừng và sung sướng; mọi người đều...thán phục Người; các thần ô uế phải vâng lệnh Người, danh tiếng Chúa lan truyền khắp nơi.

Hôm nay Chúa Giêsu đã trở lại Nagiarét trong một tư cách hoàn toàn mới: Chúa Giêsu vào hội đường đọc một lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và loan báo "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4,21), khiến cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Ðiều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nagiarét: một đàng, "mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra" (Lc 4,22). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người qúa rõ. Họ nói: "Ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ" (Ðức Giêsu thành Nagiarét, 11). "Người này không phải là con ông Giuse sao?" (Lc 4,22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nagiaret có thể có khát vọng gì đây? Chúa Giêsu bị chống đối. Sứ mạng của Chúa Giêsu vừa huy hoàng vừa gian nan. Người được người ta tung hô, ca tụng, nhưng cũng bị người ta chống đối, sỉ nhục như ngôn sứ Giêrêmia.

Vừa được ca ngợi, vừa bị phê phán, đó là thân phận chung của các ngôn sứ. Chúa sai các ngài đi để thông truyền sứ điệp của Chúa, kêu gọi dân từ bỏ đường tà, trở về với Chúa trong đường ngay nẻo chính. Hầu hết các vị ngôn sứ trong Cựu ước đều gặp phải những chống đối gay gắt, nhiều vị đã bị giết chết. Chúa Giêsu cũng đã phải chấp nhận thân phận của một ngôn sứ, giống như các ngôn sứ thời Cựu ước. Người ta phải tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại khơi dậy sự đổ bể ấy? Thưa, Chúa Giêsu đã không đến để tìm sự đồng ý của loài người. Vị ngôn sứ thật không vâng lời ai khác ngoài Thiên Chúa, và phục vụ chân lý, sẵn sàng trả giá.

Sứ mạng và ơn gọi của người Ki tô hữu chúng ta  

Nếu chúng ta có ơn gọi làm ngôn sứ, để chu toàn sứ mạng cao cả này, chúng ta gặp những khó khăn là cái chắc. Có người đặt câu hỏi: “Tại sao Đạo Chúa dạy những điều tốt lành như vậy, mà vẫn có ít người theo, thậm chí còn có người chống đối?” Điều đã xảy đến với các ngôn sứ, đã xảy ra đối với Chúa Giêsu, rồi trong suốt lịch sử Giáo Hội đến chúng ta hôm nay, sẽ đến với những ai là ngôn sứ, chúng ta phải chấp nhận. Cuộc tranh đấu giữa Sự thật và sự gian dối, giữa Ánh sáng và tối tăm, giữa Yêu thương và thù hận, luôn là cuộc giằng co khốc liệt. Chúa mời gọi chúng ta làm sao để Tình yêu chiến thắng hận thù, Ánh sáng chiến thắng tối tăm và Sự thật chiến thắng gian dối. Như thế, trong cuộc sống trần gian hôm nay, chúng ta sẽ trở thành những ngôn sứ của tình thương.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 6
Số Phận Ngôn Sứ

Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30

Đức Giêsu về làng nơi người sinh trưởng, Ngài vào hội đường đứng lên đọc Sách Thánh, gặp ngay đoạn nói về sứ mạng của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi...” Trong lúc trăm con mắt đều đổ dồn về phía Ngài, Ngài xác nhận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” (Lc 4, 21). Cả hội đường chăm chú nghe người quê mình rao giảng. Mọi người đều gật đầu tán thành và thán phục lời từ miệng Ngài. Cứ như vậy thì chẳng có chi rắc rối.
Bỗng đâu cái kiểu thành kiến quan niệm “bụt nhà không thiêng” nổi lên trong họ, họ bắt đầu hạ giá Ngài vì cái cảnh người cùng làng, xoàng xĩnh như họ vẫn thấy mấy chục năm nay. Họ xầm xì: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4, 22b). Thừa biết ý nghĩ trong đầu của họ, Ngài khẳng định cái bậc thang giá trị bất hủ từ bao đời xưa nay: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4, 24). Đó là chuyện thường tình vẫn xảy ra ngay từ trong gia đình, người cùng làng, cộng đoàn địa phương, thường khó chấp nhận một người nổi danh tiếng xuất thân từ “vườn nhà” của mình. Khách lạ xa xôi thì sẵn sàng ca ngợi tán dương, vì họ đến rồi đi, chẳng ảnh hưởng đến thế giá, uy tín, “chỗ đứng” của tôi. Còn những vị “bụt nhà” mà bỗng nổi nang xuất chúng thì tự nhiên sự tín nhiệm đổ dồn về họ, tôi bị giảm giá mờ nhạt, vị thế lung lay, nguy cơ bị lấn sân mất chỗ… chẳng dại gì mà đánh giá cao về họ. Các ngôn sứ bao đời xưa nay đều bị hành xử, chống đối và triệt hạ.
Vị ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I cũng từng chung số phận nhưng giờ chưa đến: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ; từ các vua Giuđa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì sấm ngôn của Đức Chúa - có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. (Gr 1, 18-19).
Đức Giêsu, Người Tôi Trung, là vị Ngôn Sứ đúng nghĩa nhất và cũng không tránh khỏi lối hành xử miệt thị này. “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành-thành này xây trên núi. Họ kéo người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”. (Lc 4, 28-29). Thật là khủng khiếp! Hôm nay “giờ chưa đến” nên “Người băng qua giữa họ mà đi.” (Lc 4, 30). Nhưng khi giờ đã đến, Ngài để họ đánh đập hành hạ, cuối cùng bị căng thây treo trên thập giá, kết thúc cuộc đời của vị Ngôn Sứ Cao Cả nhất trong lịch sử. Nhưng cái chết của Ngài lại khai sinh một Giáo Hội mới lan tràn khắp mặt đất hôm nay.
Chúa ơi! ngày nay cuộc đời thực thi sứ vụ làm ngôn sứ của chúng con cũng vẽ lại dòng đời của Chúa. Có lúc mọi người ca khen vui vẻ, có lúc bị chống đối từ khước coi thường, hạ thấp, loại trừ… Xin cho chúng con dám can đảm làm chứng nhân của Chúa, giữa lúc thuận tiện cũng như khi gặp thử thách đố kỵ và khinh khi. Để dù giữa sóng gió cuộc đời có Chúa cùng đi, chúng con không sợ bị trật đường ray. Đi trong tay Chúa chúng con an tâm vượt khó. Cuộc đời “loan báo” của chúng con sẽ có ngày nở hoa.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Yêu mến “NGƯỜI NHÀ CHÚA”
Yêu mến “NGƯỜI NHÀ CHÚA”
Xin Chúa cho các tu sĩ nam nữ và chủng sinh được lớn mạnh lên trong hành trình ơn gọi của mình nhờ việc đào tạo. Xin Chúa đốt lên trong họ ngọn lửa mến nhiệt thành và cho mỗi người chúng con luôn thao thức, cầu nguyện, đồng hành và nâng đỡ những người được tuyển chọn trong vườn nho thiêng của Giáo hội.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log