Thứ ba, 16/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Thường niên C

Cập nhật lúc 22:47 04/02/2022
Suy niệm 1
Hãy ra chỗ nước sâu
Lc 5, 1-11
 
Nỗi lo lắng của con người.
Một đám đông dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu. Chúa nói gì với họ mà họ đến với Ngài đông thế? Thực sự là chúng ta không biết Chúa nói gì. Tin Mừng chỉ nói với chúng ta rằng họ đến để nghe lời Chúa, chứ không nói nội dung bài giảng của Chúa là thế nào. Đám đông này từ khắp nơi đến để nghe “một người mà họ không biết”. Người đó làm cho họ tìm được hạnh phúc.
Lúc đầu, Simon Phêro, Giacobe và Goan không có nhiều tình cảm với “người mà họ không biết” đó đã lôi kéo đám đông. Họ “đã cực nhọc suốt đêm mà không kiếm được con cá nào”. Việc của họ lúc này là giặt lưới cho sạch bùn đất. Không biết họ có nghĩ gì liên quan đến những vấn đề xẩy ra chung quanh họ không? Đương nhiên trước hết là họ thất vọng, mệt mỏi vật lộn với công việc suốt đêm rồi cũng vô ích...Như thế, phải chăng lo lắng của họ là quá con người? Chúng ta có thể trách họ về điều đó không?
Về phần Chúa Giêsu, Ngài không trách họ điều gì. Ngài chỉ đến với họ và xin họ cho Ngài lên một chiếc thuyền để có thể giảng cho đám đông dân chúng trên bờ. Như vậy, Ngài đến gần họ hơn. Ngài ngồi trên thuyền của họ mà Phê-ro, Giacobe và Gioan không ý thức được Ngài sẽ làm gì nữa đây. Chính Ngài sẽ lôi kéo họ vào một cuộc phiêu lưu kỳ lạ.
Một lời đáp cho nỗi lo lắng của con người.
Khi giảng cho đám đông dân chúng xong, Chúa Giêsu nói với Phê-rô: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Chúa Giêsu đến với những con người này đang có những bận tâm hoàn toàn con người.
Tại sao Phê-rô đồng ý làm những gì Chúa Giêsu yêu cầu mình? Phêro dường như đã nghi ngờ điều này khi thưa với Chúa: chúng tôi “đã cực nhọc suốt đêm mà không kiếm được con cá nào”. Mặc dù có nghi ngờ đôi chút, nhưng Phê-ro vẫn tin vào lời Thầy.
Và sau đó, mẻ cá kiếm được thật kỳ diệu đến nỗi hai chiếc thuyền có thể chìm. Phê-rô và những người bạn đồng nghiệp bị choáng ngợp! Chỉ một lần đánh cá thôi mà họ kiếm được quá nhiều hơn cả những gì họ tưởng tượng. Đột nhiên, Simon Phê-ro kinh hoàng trước quyền năng của Chúa Giêsu …“Người này là ai mà điều không thể trở thành có thể”? Phê-ro chưa biết người này là ai và Phê-ro hoàn toàn bị choáng ngợp.
Một ước muốn lớn hơn. Chúng ta đừng dừng lại tại mẻ cá lạ lùng đó! Điều kỳ diệu đích thực là những người đánh cá này ở đầu câu chuyện không có lời Chúa Giêsu, nên họ đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì. Và ở cuối câu chuyện, họ quên đi mẻ cá lớn đó: “bỏ tất cả mọi sự và đi theo Người
Khi đến với những con người này đang có những bận tâm hoàn toàn con người, Chúa Giêsu làm cho họ phát hiện ra rằng mong muốn thực sự của họ không phải là kiếm được nhiều cá hay tiền. Từ nay, họ sẽ không bao giờ quên tất cả vẻ đẹp và phong phú của thế giới, nhưng tốt cho họ, là vì họ đã tìm được hạnh phúc từ một con người mà họ chưa biết rõ.
Chúa Giêsu nói với Phê-ro: “ Từ nay anh sẽ là kẻ chinh phục người ta”.
- Phê-ro chính phục người ta như anh đã bị Chúa chinh phục.
- Chinh phục người ta không phải là công bố một Thiên Chúa đòi hỏi tất cả từ nơi con người, nhưng là một Thiên Chúa đến với từng người đang có những bận tâm thường ngày nhất và làm cho mỗi người khám phá ra rằng ước muốn thực sự của con người không phải là dừng lại ở đó.
Thiên Chúa của chúng ta qua Chúa Giêsu Kito, đề nghị với chúng ta như với Phê-ro, Giacobe và Gioan: “hãy ra chỗ nước sâu”, đó là:
- Hãy mở rộng ước muốn hạnh phúc của chúng ta tới các chiều kích hạnh phúc của chính Ngài.
- Ngài không đòi hỏi con người điều gì. Ngài không phải là ông vua độc đoán và độc tài
- Ngài để nghị chúng ta tìm kiếm Ngài và nghe lời Ngài dù chúng ta chưa biết Ngài là ai hoặc chưa biết gì về Ngài.
- Ngài sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc ngay cả lúc chúng ta sống trong đêm tối nhất...
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Lc 5, 1 – 11
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta nghe một chuyện dài có nhiều chi tiết vụn vặt. Nối kết những chi tiết vụn vặt ấy, ta thấy được cả tâm lẫn ý của Chúa một cách sâu sắc.
Sáng sớm hôm ấy ông Phê rô từ ngoài khơi trở về bến. Mặt ông buồn so, vì vất vả suốt đêm mà phải trở về với hai bàn tay trắng. Ông tính giặt lưới xong rồi thì nhồi cho đầy cái bụng rỗng bằng bánh mì và rượu nho. Sau đó là ngủ một giấc thật sâu để quên chuyện làm ăn thất bại.
Cùng thời gian đó, Đức Giê su đang ngồi cầu nguyện ở bờ hồ, thì bị quần chúng xô nhau đến vừa để nghe Chúa giảng, vừa để rờ vào áo, vào vai Chúa để lấy một kỷ niệm đẹp trong ngày. Để tránh cái lòng hâm mộ vô duyên của quần chúng, Chúa lấy tay ngoắt làm hiệu gọi Phê rô đến để Ngài mượn xuồng làm tòa giảng. Ngồi dưới xuồng, nhìn lên bờ để giảng thì quần chúng hết quậy. Họ ngồi im re, vểnh tai để nghe.
Khi giảng xong, Phê rô tưởng là Chúa cho ông về nhà để ăn để ngủ. Ai ngờ Chúa ra lệnh: “Ra khơi thả lưới”. Mặt Phê rô dài ra vì thất vọng, nhưng vẫn cứ kèo buồm để ra khơi. Vừa chuẩn bị ra khơi, ông vừa lẩm bẩm: “Vâng lời Thầy, con ra khơi thả lưới”. Nhưng con sẽ về với hai bàn tay trắng”. Nhưng kết quả thì ngược lại. Chiến thắng của Phê rô là hai xuồng đầy ắp cá to, cá nhỏ. Phê rô giật mìnhvà hối hận. Ông quỳ mọp dưới chân Chúa mà thưa: “Xin Thầy tránh xa ra, vì con tội lỗi quá!”
Chúa không khiển trách Phê rô một lời nào. Ngài dõng dạc tuyên bố: “Đừng sợ! Từ nay anh không còn thả lưới bắt cá nữa, mà chỉ giăng lưới chinh phục con người”.
Câu chuyện thánh Luca vừa kể cho chúng ta thấy:
Một. Đây là phép lạ duy nhất được thực hiện không phải vì lòng bác ái, cũng không phải vì xây dựng niềm tin, mà là phép lạ vì ơn gọi.
Chúa đã quy tụ được một số đệ tử đi theo Chúa trên đường loan báo Tin Mừng. Nhưng họ chỉ theo Chúa kiểu năm mươi theo Chúa, năm mươi lo cho gia đình. Nếu Chúa bắt họ phải theo Chúa trăm phần trăm, thì chính họ sẽ gãi tai xin Chúa thông cảm. Sau đó đến cha mẹ, vợ con của họ cũng lại gãi tai và gục đầu ngỏ bày: “Xin Thầy thông cảm…”
Chắc chắn là Chúa đã nhiều lần yêu cầu các tông đồ phải bỏ mọi sự mà theo Chúa. Nhưng cả họ cùng với cha mẹ vợ con cũng đã gãi tai và gục đầu hằng chục lần rồi. Nói mãi, họ không nghe. Năn nỉ mãi, họ cũng không nghe. Đành phải thực hiện một phép lạ gây sốc mạnh này, để chinh phục các tông đồ và thân nhân của họ hôm ấy, hôm nay và cho tới những thế hệ sắp tới.
Chúa tha thiết mời gọi nhiều người phải hy sinh chuyện cá nhân và gia đình để phục vụ cho Tin Mừng. Nhu cầu này càng ngày càng khẩn thiết. Nếu không lắng nghe lời kêu gọi tha thiết của Chúa, thì số người gãi tai càng ngày càng nhiều. Số người gãi tai này mà gia tăng, thì Tin Mừng Cứu Độ sẽ đi về đâu?
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3

NHỜ BỞI ƠN CHÚA!

Trong mỗi bậc sống, chúng ta đều cảm nhận niềm vui lẫn nỗi buồn, những điều thú vị cũng như nhàm chán. Nhưng có lẽ, chúng ta đều có ít nhiều một cảm giác và niềm xác tín giống nhau, đó là: tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa!
Dù chúng ta có tài năng tỏ hiện hay đang tiềm ẩn, dù chúng ta tích cực hoạt động hoặc chỉ hỗ trợ phía sau, thì mọi thành quả do công khó nhọc, nỗ lực, cố gắng của bản thân cũng đều từ Thiên Chúa, ân sủng và hồng phúc của Ngài mà ra.
Vì vậy, trong cả ba bài đọc Phụng vụ hôm nay, ba nhân vật chính tuy khác nhau, nhưng đều chung quy một lòng biết ơn, dấn thân và đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Dẫu cả ba nhân vật này không xứng đáng, nhưng nhờ lòng yêu thương trìu mến, nhờ ơn Chúa, họ đã vâng phục tiến bước trên chặng đường làm chứng cho tình yêu Ngài dù biết đầy chông gai phía trước. Ngôn sứ I-sai-ah kêu lên: “Vô phúc cho tôi!…vì lưỡi tôi nhơ bẩn…” (Is 6, 5); còn Thánh Phao-lô thổ lộ: “…Ngài cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ” (x. 1Cr 15, 9-10); và Thánh Phê-rô sụp lạy, thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” (Lc 5, 8) sau khi làm theo những gì Ngài phán truyền: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4). Đứng trước sự yếu hèn, mỏng dòn, mong manh của con người, Thiên Chúa chẳng bao giờ đầu hàng, và làm theo ý hướng ‘thoái lui’ của con người! Một cách cụ thể, ngôn sứ I-sai-ah được thánh hoá qua hình ảnh “Thần Sốt Mến đặt than lửa vào miệng” (x. Is 6, 6-7). Thánh Phao-lô quả quyết xác tín: “Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (1Cr 15, 10); còn Thánh Phê-rô được Đức Giê-su trấn an và mời gọi: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5, 8).
Quả thật, chấp nhận giới hạn của bản thân là bước đầu tiên của chặng đường đón nhận và đáp lời mời gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta khó lòng đón nhận ý kiến (dù đúng đắn) của người khác với vô số lí do, nhưng thiết nghĩ có lẽ vì chúng ta không muốn ‘đứng sau’ kẻ khác, dẫu biết rằng họ uyên thâm uyên bác, chuyên môn hơn chúng ta về lĩnh vực nào đó! Từ đó, ý nghĩ ‘không muốn xếp sau’ vô hình chung che lấp, ngán đường và khiến chúng ta ‘đui mù’ trước giới hạn của bản thân mình. Ở đây, nếu quan sát thật gần và kỹ lưỡng trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ thấy Thánh Phê-rô không nại vào sự chuyên nghiệp của mình (ngài là một ngư phủ thực thụ) mà bác bỏ hoặc không nghe theo lời chỉ dẫn của Đức Giê-su (một người không chuyên về đánh bắt). Giả sử thánh Phê-rô dựa vào khả năng, kinh nghiệm lão luyện của người ngư phủ chuyên nghiệp, thì Ngài vẫn có quyền không cần nghe theo lời chỉ dẫn của Đức Giê-su là một người ngư phủ không chuyên: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà chẳng được gì hết”; tuy nhiên, thánh nhân đã thêm vào câu nói này sau khi nghe Đức Giê-su dạy “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà chẳng được gì hết, nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5, 5). Thật vậy, đây là một thái độ biết nhìn ra và chấp nhận giới hạn của bản thân, giới hạn trong chuyên môn của mình trước lời chỉ dẫn giản đơn vốn dĩ từ một người không chuyên đánh bắt hải sản như Đức Giê-su: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4).
Hơn nữa, chấp nhận những thiếu sót, những gì chưa hoàn thiện nơi bản thân không có nghĩa ‘hạ thấp bản thân’ và ‘chọn hướngthoát thân’! Thái độ này thường diễn ra nơi mỗi người chúng ta trong thực tế, nào là: “Thôi, tôi chẳng có tài cán gì, nên tôi xin rút lui…”, “Tôi không làm gì nên hồn đâu, tôi xin kiếu nhé!…”, v.v…Nếu ngôn sứ I-sai-ah, hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô cũng xử sự như chúng ta hay làm, thì chắc hẳn, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được biết tới gương sống chứng tá anh dũng của các ngài. Nếu Thánh Phê-rô chỉ thốt lên lời: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” và bỏ cuộc sau khi nghe lời an ủi của Đức Giê-su: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5, 8), thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ tỏ tường một ngư phủ vốn bộc trực, nhưng trở thành Tông đồ cả đã trung thành bước theo Thầy Chí Thánh đến cùng và tử nạn ‘chịu chết treo trên thập tự, chân hướng lên trời, đầu quay về đất’ (chịu chết treo ngược với Thầy Giê-su). Cũng vậy, nếu làm theo thói thường ‘hạ thấp bản thân’ và ‘chọn hướng thoát thân’ thì tiên tri I-sai-ah đã chẳng thưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8), và Thánh Phao-lô không nói: “Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (1Cr 15, 10). Trái lại, sau khi chấp nhận giới hạn bản thân và nhận ra ơn Chúa hằng tuôn đổ dồi dào trên cuộc đời của mình, các ngài đã như Thánh Phê-rô và những Tông đồ khác xác tín bước theo Thầy Giê-su: “Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người” (Lc 15, 11).
Sau cùng, chấp nhận giới hạn bản thân là cách thức chẳng bao giờ ‘để ơn Chúa trở nên vô ích nơi mình’ như Thánh Phao-lô đã bộc bạch trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô (x. 1Cr 15, 10). Tuy vậy, theo thói quen, chúng ta thường nói: “Tôi chẳng có tài năng gì; tôi chẳng có tài lẻ gì; Chúa ban cho người khác tài này, khả năng kia, nhưng tôi thì không…”, v.v…Rồi, chúng ta nhìn vào những tài năng lộ diện nơi người khác mà so sánh với bản thân, và nếu chúng ta không có tài năng ấy, thì vội kết luận: tôi chẳng có tài gì; Chúa chẳng ban cho tôi tài năng chi, v.v…Thật sự, tài năng chỉ là một phần nhỏ của ân phúc, ơn thánh mà Chúa trao ban cho chúng ta mà thôi. Có thể Chúa không ban cho ta ơn này, nhưng chắc chắn chúng ta được lãnh nhận ơn ích khác cần kíp cho bậc sống của mình. Ơn ích, tài năng nơi mỗi người tuy khác nhau, nhưng chắc chắn mỗi người chúng ta đều được nhận lãnh hồng ân từ Thiên Chúa; vì vậy, ‘đừng bao giờ để ơn Chúa nên vô ích nơi mình’, nghĩa là ‘biết cộng tác, vận dụng và áp dụng ơn thánh Chúa’ qua vô số tài năng, khả năng của mình, hầu sinh ích lợi, phục vụ và trở nên chứng tá cho Chúa như Thánh Phao-lô hằng quả quyết: “Hiện giờ tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Ngài ban cho tôi đã không vô hiệu…” (x. 1Cr 15, 10).

Cầu nguyện:                        Tất cả nhờ bởi ơn Chúa

                                    Con vui mừng hát, nhảy múa hoan ca.

                                    Nhờ ơn thánh Chúa bao la

                                    Rao truyền thương mến thiết tha chan hoà. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4
Ơn gọi cuộc đời

(Lc 5,1-11)

Chúa thương, chọn gọi ai thì Chúa biến đổi người ấy. Isaia (x. Is 6, 1-2a. 3,8), Phêrô (x. Lc 5,1-11) và Phaolô (1Cr 15,1-11) là ba chứng nhân về điều nói trên. Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng Thiên Chúa yêu họ và họ đã đáp trả cách quảng đại. Đúng là tình yêu Chúa biến đổi phận người.
Ơn gọi của Isaia
Trong một thị kiến uy nghi, Isaia được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nghe tiếng các Thiên Thần Sốt mến luân phiên tung hô: "Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa" (x. Is 6,2). Điều đó khiến ông run sợ  và cảm thấy mình bất xứng, nên đã thốt lên lời: "Vô phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn" (x. Is 6,3). Trước sự khiêm tốn ấy, Chúa sai sứ thần đến thanh tẩy ông bằng than lửa hồng, ông trở nên thanh sạch và được Chúa tuyển chọn, ông đã can đảm đáp lại: "Này  con đây, xin hãy sai con" (x. Is 6,8). Tình yêu Chúa đã biến đổi Isaia thành đại ngôn sứ của Thiên Chúa.
Ơn gọi của Phêrô
Simon Phêrô đang ở trên thuyền đánh cá cùng đồng nghiệp, bỗng Chúa Giêsu bước xuống thuyền của Simon, rồi ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng, có Simon ở bên để giữ cho thuyền khỏi tròng trành, còn Chúa Giêsu thì cố gắng giảng dạy đám đông. Về phương diện thể lý, Simon gần Chúa hơn, ông nghe Chúa rõ lời Chúa và lời Chúa thấm nhập vào ông. Vừa giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá" (Lc 5,4). Phản ứng của Simon là : "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới" (Lc 5,8). Lời Chúa Giêsu đặt ông vào tình thế phải thả lưới bắt cá tiếp, dù kinh nghiệm ngư phủ là không thể. Phêrô tin vào lời Chúa Giêsu, đức tin được nuôi dưỡng bằng tình Thầy trò, đức tin tái tạo cái mới và tôn vinh khả năng của con người. Ông tin Chúa, nên bắt được một mẻ đầy cá.
Bảo Phêrô : "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu", là Chúa muốn ông bước ra ngoài sự an toàn, thói quen, chắc chắn, "và thả lưới bắt cá". Ðứng trước sự lạ lùng ấy, Simon Phêrô đã không ôm choàng lấy Chúa Giêsu để bầy tỏ lòng biết ơn vì thu lượm được nhiều cá quá sức mong đợi. Nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: "Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi"(Lc 5,8). Chúa trấn an: "Ðừng sợ:từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta" (Lc 5,10); ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.
Chúa Giêsu thật nhân lành! Phêrô, kẻ chài lưới được Chúa gọi và trở nên nhà hùng biện đáng được ca ngợi nếu ông hiểu được công việc chài lưới người. Đó là tại sao thánh Phaolô gửi cho các tín hữu tiên khởi và nói : "Hãy coi, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi! Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí. Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có" (1Cr 1,26-28).
Vì nếu Chúa Giêsu chọn người hùng biện trước, người ấy có thể nói, "Tôi đã được chọn vì tài hùng biện của tôi". Nếu Chúa chọn một thượng nghị sĩ, thượng nghị sĩ có thể nói, "Tôi được chọn vì cấp bậc của mình". Sau cùng, nếu Chúa chọn một hoàng đế, hoàng đế có thể nói, "Tôi được chọn vì khả năng của mình".
Ơn gọi của Phaolô
Phaolô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thương ông và đã thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu, bất chấp giới hạn con người của ông, Chúa còn trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10). Há chẳng phải lòng thương xót Chúa biến đổi con người ông sao ?
Ơn gọi mỗi người chúng ta
Trong cả ba kinh nghiệm kể trên, chứng tỏ con người dù nghèo nàn và bất xứng, giới hạn và tội lỗi, kể cả mỏng giòn. Nhưng nếu gặp được Thiên Chúa tình yêu, Chúa sẽ biến đổi con người. Isaia, Phêrô và Phaolô đã làm gương cho tất cả những ai được Chúa gọi thì hãy nhìn vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người.
Từ ơn gọi của các tiên tri, đến ơn gọi của các Tông đồ và cuối cùng là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Isaia, Phaolô, Phêrô là mẫu số chung cho ơn gọi của mỗi người.  Ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa chọn để trở thành Kitô hữu, sứ giả loan báo Tin mừng. Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng. Nhưng Chúa chọn gọi ai là Người biến đổi như đa biến đổi như tiên tri Isaia, Phaolô, Phêrô, dù chúng ta bất xứng. Thánh Irênê nói: ai nhận thức được bản chất tội lỗi của mình, thì người ấy có khả năng nhận biết tình trạng tạo vật của mình nữa. Chỉ có những người như Phêrô, mới chấp nhận những giới hạn của chính mình và nhận những thành quả tông đồ của mình. Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở thành kẻ lưới người, nhưng ngư dân đích thực là chính Chúa: trò giỏi không chỉ giỏi chài, mà còn bắt cá người giỏi. Điều này chỉ có hậu nếu chúng ta liều bỏ tất cả để theo Chúa. Mong sao, mỗi người chúng ta ý thức được trách nhiệm, bổn phận cao quý của mình là trở nên sứ giả Tin Mừng của Thiên Chúa giữa đời hôm nay.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ gợi lên nơi mỗi người chúng con lòng ước muốn thưa "Xin Vâng" với Chúa trong vui sướng hân hoan. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 5
Mẻ Cá Lạ
Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 5,1-11; Lc 5, 1-11

Thầy Giêsu dùng mọi địa thế thuận lợi để rao giảng nước trời cho dân chúng, khi thì từ trên núi với đám đông ở dưới, lúc thì trong nhà của ai đó chật ních những người. Trong Tin Mừng hôm nay thì thật ấn tượng, Người ngồi trên một chiếc thuyền dưới hồ Ghênêsaret mà giảng cho dân chúng dọc trên bờ hồ. Người dùng mọi cơ hội, ngay giữa cảnh làng nghề ngư phủ tại hồ để rao giảng. Thật đặc biệt, lúc đó Người bước xuống một chiếc thuyền, mà lại là thuyền của ông Simon Phêrô (vị Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội).
Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc 5,4-7). Với sức người và tay nghề chuyên môn, các ông đã vất vả luống công. Nhưng một khi đã vâng nghe, làm theo Lời Thầy thì kết quả thật đáng kinh ngạc, lưới được đầy cá, hầu như rách lưới, phải nhờ các bạn thuyền khác đến giúp. Mẻ cá lạ sau đêm trắng tay đã làm các ông kinh ngạc. Ông Simon Phêrô sợ quyền năng của Thiên Chúa nơi Người, nên sấp mặt dưới chân Người mà thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Nhưng Thầy bảo đừng sợ, từ nay chính ông sẽ là người “thu phục con người”.
Đức Giêsu chọn và gọi các ông, khi họ đang là những kẻ làm nghề lưới cá. Người vẫn muốn họ dùng chính kinh nghiệm lưới cá của mình để quăng những mẻ lưới mới như Thiên Chúa muốn. Mẻ lưới tình thương, mẻ lưới cứu độ. Người gọi các ông đi theo và ở với Người, ở bên Người, cùng ăn uống ngủ nghỉ, được nghe Người giảng dạy mỗi ngày, được chứng kiến bao nhiêu phép lạ nhãn tiền. Người còn đưa các ông vào cuộc tử nạn để các ông “thấy” mọi gian nan thử thách cho đến khi Thầy sống lại. Các ông được “tắm rửa” trong Máu Con Chiên và trở nên con người mới can đảm, khác hẳn con người cũ trước kia.
Ngày hôm nay chúng con không được Chúa gọi trực tiếp như các môn đệ xưa, nhưng là gián tiếp qua trung gian người khác và trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn, dù chúng con là ai hay làm nghề nghiệp gì. Khi Người gọi các môn đệ, thì không phải để các ông tự xoay xở làm lấy, mà chính Người sẽ làm cho các ông. Chúng con hôm nay thường bị cám dỗ tự lo cho mình, trang bị kiến thức, xếp đặt chương trình... trước, không để Chúa lo, nên nhìn vào khả năng riêng thấy sợ mà chối.
Nhưng nếu chúng con mau mắn đáp lời mời gọi, đến “ở với Người và trong Người”. Một khi có Chúa ở cùng, chúng con được hạnh phúc sung mãn, được nếm cảm Nước Trời ngay tại thế. Niềm vui hoan lạc Nước Trời tỏa ra nơi những chứng nhân, nên hấp dẫn và thu hút được nhiều người khác. Như thế Chúa cũng làm cho chúng con trở thành những kẻ “lưới người” như các môn đệ.
Lạy Chúa! Chúa đã chọn chúng con với những khả năng và hoàn cảnh riêng. Xin biến đổi làm cho chúng con thành chứng nhân, để có thêm nhiều người nhận biết, yêu mến Chúa và trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo phận Vĩnh Long chào đón Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự hội nghị thường niên kỳ I - 2024
Giáo phận Vĩnh Long chào đón Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự hội nghị thường niên kỳ I - 2024
​Lúc 15g00, ngày 14/4/2024, Giáo phận Vĩnh Long hân hoan chào đón quý Đức Hồng Y, quý Đức Cha thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận dự Hội Nghị Thường Niên Hội đồng Giám mục Việt Nam kỳ họp lần thứ I năm 2024
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log