Thứ sáu, 15/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B

Cập nhật lúc 09:20 03/03/2021
Suy niệm 1
Đừng làm nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán
Ga 2, 13 - 25
Buôn bán thiêng thánh
Tại Gierusalem có nhiều nhà buôn, nhưng Chúa Giêsu không tấn công bất kỳ ai trong số họ. Tuy nhiên, trong bài tin mừng hôm nay, những người buôn bán bên ngoài Đền thờ cũng như bên trong khuôn viên Đền thờ đều bị Chúa Giêsu lên án là những tên trộm! Tin mừng kể: “Chúa Giêsu lấy dây làm roi đánh đuổi tất cả bọn buôn cùng với chiên bò ra khỏi đến thờ. Ngài nói: Hãy đem những thứ này đi khỏi đây đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”
- Chúa Giêsu không dung thứ người ta buôn bán trong khuôn viên Đền thờ.
- Ngài từ chối buôn bán bịp bợm Thiên Chúa.
- Ngài cấm tìm cách biến Cha Ngài thành một kẻ đồng lõa trong việc buôn bán của con người
Các nhà buôn tại khu vực Đền thờ giống như bất kỳ nhà buôn nào đều tìm kiếm lợi lộc cho riêng họ. Nhưng những gì họ bán khác với những gì người ta bán bên ngoài Đền thờ. Họ bỏ túi lợi nhuận những con vật được sử dụng vào việc tế lễ.
Động vật được dâng lên Thiên Chúa là những con vật linh thiêng. Và, vì những con vật này sẽ được thánh hiến cho Thiên Chúa, cũng như việc buôn bán của họ là linh thiêng, hoạt động của họ là thiêng liêng,  và lợi ích của họ cũng là thiêng liêng! Nhưng các nhà buôn bên trong khu vực Đền thờ lại phục vụ lợi ích riêng của họ, và họ còn cho rằng việc buôn bán của họ là phục vụ Thiên Chúa. Chúa Giêsu tố cáo kiểu buôn bán bịp bợm này .
Nơi buôn bán
Chúa Giêsu thấy trong Đền thờ có những người bán bò, chiên chim câu và cả những người đổi tiền bạc…Nhưng Ngài có ý nói Đền thờ là thân thể Ngài.
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng thấy trong thân thể của Ngài, trong Giáo hội của Ngài
- Có những người buôn bán tìm kiếm lợi ích và lợi nhuận riêng cho họ.
- Và Ngài thấy cả những người tự tôn mình là đức hạnh phục vụ Thiên Chúa.
- Ngài nói với những hạng người này: “Khi quý ông bà tìm kiệm lợi nhuận cá nhân, đừng giả vờ tằng quý ông bà phục vụ Thiên Chúa! Đừng nhầm lẫn luật của Thiên Chúa với luật thị trường! Đừng tìm cách thánh hóa những gì mà Thiên Chúa đã nôn mửa!
Tin mừng hôm nay mô tả tiếp:
“Nhiều người ở Gierusalem tin vào Chúa Giêsu vì mục kích những phép lạ Ngài làm. Nhưng Ngài không tin tưởng họ, không tin họ, vì Ngài biết tất cả mọi người và không cần bất kỳ lời chứng nào về con người”.
Chúa Giêsu biết con tim của những người tin:
- Ngài biết rằng mỗi chúng ta, khi để cho mình tìm kiếm lợi ích cá nhân, lại giả vờ đặt mình vào phục vụ người khác, phục vụ Thiên Chúa. 
- Ngài biết có biết bao người tín hữu khi phục vụ người khác, thì họ lại hy vọng sẽ được một lợi ích nào đó và được người ta tôn vinh và để ý đến họ.
- Ngài biết rằng có nhiều tín hữu đến với Ngài rất thường xuyên để Thiên Chúa nhận ra công lao của họ, để Thiên Chúa biết ơn họ.
- Họ mong đợi một phần thưởng từ Thiên Chúa hoặc từ con người. Họ muốn được quan tâm. 
- Họ nhầm lẫn luật Thiên Chúa, luật tình yêu miễn phí với luật thị trường. 
- Họ buôn bán bịp bợm với người khác và với Thiên Chúa.
Tình yêu không vụ lợi
Hôm đó, Chúa Giêsu lấy dây thừng làm roi đuổi tất cả những người buôn bán như vậy. Hạng người này đã có từ nhiều thập niên trong Đền thờ, trong nhà của Cha Ngài. Ngài đuổi tất cả họ ra ngoài. Như vậy, Thiên Chúa chống lại việc Giáo Hội của Ngài và các tín hữu có con tim bị chiếm giữ bởi tiền bạc, lợi nhuận, quảng bá và tìm kiếm danh dự cá nhân. 
Hôm đó Chúa Giêsu lấy dây thừng cầm roi . Ngài chỉ làm như thế một lần. Những người Do-thái hỏi Ngài:"Ông hãy chứng tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”? Và Chúa Giêsu ban cho họ dấu chỉ Thập giá.
- Vào ngày của Thập Giá, con người lại cầm roi đòn đánh đập Chúa Giêsu. Những người buôn bán trả thù vì họ bị đuổi! 
- Vào ngày của Thập giá, Chúa Giêsu nói với chúng ta Tình yêu miễn phí của Cha Ngài.
- Vào ngày của Thập giá, Ngài  dạy chúng ta tìm kiếm hạnh phúc và lợi ích cho người khác trước chúng ta. Ngài muốn dạy chúng ta rằng: thật sai lầm khi chúng ta để con tim của mình bừa bộn những lợi ích cá nhân. Và như thế, chúng ta đã cầm roi làm nhục, xua đuổi và giết Ngài.
Những người Do-thái hỏi Ngài:"Ông hãy chứng tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”? Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá hủy ngôi đền này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ dựng lại !" Chúa Giêsu trả lời như vậy để đáp lại những cú roi đòn mà con người đập đánh Ngài, bằng chính sự gia tăng tình yêu bị trao nộp và đó chính là cách Ngài khơi dậy trong trái tim người tín hữu chúng ta cuộc khổ nạn Tình yêu biếu không!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Ga 2, 18 – 25
Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa xua đuổi thương buôn ra khỏi đền thờ bằng những cử chỉ cực đoan như: lấy roi đánh chiên bò chay lung tung; đá lồng chim câu; xô đổ bàn đổi tiền. Thật ra thì những việc làm của lái buôn đều rất hợp pháp và hợp tình. Người hành hương từ nhiều nước tụ tập về Thủ đô Giêrusalem để dâng lễ vật tạ tội, hoặc tạ ơn. Lễ vật là chiên, dê, bò, bồ câu có sẵn đó không phải đi tìm ở các miền quê. Bàn đổi tiền cũng rất hợp pháp, vì tín đồ không được bỏ tiền ngoại tệ vào thùng công đức. Họ phải đổi lấy tiền đền thờ mới được bỏ vào thùng. Họ buôn bán thì đóng thuế cho đền thờ. Vị trí buôn bán thì ở trong sân dân ngoại, không làm ô uế thánh đường.
Một việc làm hợp pháp, hợp tình, hợp lý như thế, tại sao Chúa lại chống đối? Điều Chúa phản đối mạnh mẽ như vậy là để dạy lãnh đạo Do Thái giáo một bài học. Vào thời ấy đạo đã bị thương mại hóa. Tất cả chỉ vì tiền. Tiền đã làm hư hỏng hết cơ chế Do Thái giáo. Dạy bằng lời chưa đủ. Còn phải dạy bằng cử chỉ và hành động.
Có một ni cô thắc mắc với một linh mục rằng:
  • Linh mục ơi! Đức Giê su không tham, không si, nhưng sân quá. Đánh đuổi thương buôn như thế là mất tự chủ.
  • Đức Giê su không sân đâu. Ngài hiền lành tới mức độ bị đóng đinh đau như thế, oan khiên như thế, nhục nhã như thế, mà vẫn cứ một niềm “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Nếu Đức Giê su cứ một niềm: “Thưa quý vị lãnh đạo Đền thờ, quý vị đang thương mại hóa đạo của Chúa. Tội ấy cực nặng đấy”. Nếu nói thế thì người ta bỏ ngoài tai. Phải hành động như vậy mới dạy được bài học này:
“Thương mại hóa, chính trị hóa đạo của Chúa là một tội phạm thượng cực kỳ lớn lao”. Bài học này dạy cho mọi người, mọi thời.
Để làm sáng tỏ vấn đề, linh mục kể cho ni cô một câu chuyện:
Một người đàn bà kia được mọi người khen là rất hiền lành, không bao giờ to tiếng và không bao giờ nặng lời với ai. Thế mà có một lần kia bà la to cho cả xóm nghe “Trời ơi là Trời”. Tại sao vậy? Vì thằng cu tí đá trái banh bay ra phố. Nó chạy vội để chụp trái banh. Nếu không cảnh giác thì bị xe cán chết. Để cứu đứa con, bà phải la như thế. Thằng bé giật mình đứng lại. Thoát chết. Sau đó bà lại ôn tồn dịu dàng như thường ngày, nghĩa là vẫn hiền từ như người ta vẫn ca tụng.
Sau sự cố khủng ấy, lãnh đạo Do Thái chất vấn Chúa:
  • Ông lấy quyền nào mà làm điều ấy?
  • Các ông cứ phá đền thờ này đi, tôi sẽ xây lại trong ba ngày.
Ý Chúa muốn nói rằng: “Cứ giết tôi đi, sau ba ngày tôi sẽ sống lại. Bấy giờ các ông sẽ hiểu tôi lấy quyền Thiên Chúa mà làm điều ấy”.
Ôi cái giá chuộc tội đời! Mồ hôi nước mắt chỉ là chuyện nhỏ. Chúa sẵn sàng trả giá bằng máu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=====================
Suy niệm 3
Thanh tẩy bản thân mình
Ga 2, 13 - 25
Chúa Giê-su là Đấng rất hiền lành và Ngài cũng là mẫu mực của sự hiền lành như lời Ngài mời gọi: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29). 
Vậy mà khi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem, thấy người ta làm ô uế đền thờ thì Chúa Giê-su không thể nào chịu nổi. Ngài nổi giận thật sự. Tin mừng Gioan ghi lại: “Ngài thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Ngài liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Ngài nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Gioan 2, 14-16).
Thật không ngờ! Một Chúa Giê-su rất hiền lành khiêm nhượng, giờ đây đã nổi trận lôi đình, phải dùng roi vọt và biện pháp cứng rắn đối với những người xúc phạm đến sự linh thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
Điều đó chứng tỏ rằng đối với Chúa Giê-su, việc làm ô uế Đền Thờ là một xúc phạm nặng nề mà Ngài vốn rất nhân từ và bao dung cũng không thể nào chịu đựng nổi!
Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa
Thế nhưng còn một đền thờ khác còn cao trọng hơn đền thờ Giê-ru-sa-lem xưa, đó là mỗi người chúng ta. Thánh Phao-lô khẳng định: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (I Cor 3,16).
Chúa Giê-su cũng dạy rằng mỗi người chúng ta là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Ngài nói: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta (tức Ba Ngôi Thiên Chúa) sẽ đến ngự trong người ấy” (Ga 14, 23).
Chính vì yêu quý mỗi người chúng ta là đền thờ của Ngài quá đỗi nên Chúa Giê-su sẵn sàng hiến thân chịu khổ nạn và chịu chết đau thương để cứu đền thờ này khỏi hư mất đời đời; đã xây đắp đền thờ này bằng Lời hằng sống và hiến ban Thịt Máu Ngài trong bí tích Thánh thể để thông ban cho đền thờ này sự sống của chính Ngài.
Điều đó chứng tỏ rằng đối với Thiên Chúa thì mỗi người là đền thờ vô giá!
Vì thế, nếu hôm xưa người Do-thái làm ô uế đền thờ Giê-ru-sa-lem khiến Chúa Giê-su đau lòng một phần, thì hôm nay, nếu có ai làm cho đền thờ cao quý là thân xác mỗi người chúng ta ra nhơ uế thì Ngài đau xót gấp trăm.
Thế nên, Ngài nghiêm khắc lên án những người đó như sau: “Ai làm cho một kẻ nhỏ tin vào Thầy vấp phạm, (tức là làm ô uế tâm hồn người khác là đền thờ của Ngài), thì thà lấy cối đá cột vào cổ người ấy rồi xô xuống biển còn hơn” (Lc 17, 1-2).
Thánh Phao-lô cũng quả quyết: “Ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy, vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh và đền thờ đó chính là anh em” (I Cor 3, 17).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết nhìn vào nội tâm sâu kín của mình để truy tìm những điều làm cho chúng con ra nhơ uế và quyết tâm thanh tẩy tâm hồn.
Xin cho chúng con luôn tôn trọng bản thân chúng con là đền thờ Thiên Chúa, được Chúa cứu chuộc bằng Máu thánh Chúa, được xức dầu thánh hiến bằng Thánh Thần, được Ba Ngôi Thiên Chúa vui thích chọn làm nơi ngự trị.
Xin cho chúng con luôn trang điểm đền thờ thân xác chúng con bằng những đức tính tốt, rèn luyện cho mình những phẩm chất cao đẹp cho xứng với danh hiệu đền thờ cao quý của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

===================
Suy niệm 4
Hãy Thanh Tẩy 
Tâm Hồn Là Đền Thờ Chúa

(Ga 2,13-25)

Lễ Vượt qua của người Do thái thường diễn ra tại Đền thờ. Vào dịp này, Chúa Giêsu lên dự lễ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Chứng kiến cảnh tượng Chúa làm, các môn đệ khám phá ra lòng nhiệt thành với nhà Cha nơi tâm hôn Chúa Giêsu, họ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Tv 69, 10).
Thật là tệ! Đền thờ, nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành nơi chợ búa. Mục đồng thì mang cừu đến bán, kẻ bán chim câu mong kiếm được vài đồng, kẻ giữ Đền thờ cũng vậy…
Đền thờ Giêrusalem
Luật Do thái cấm mua bán nơi Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung túng cho dịch vụ này để nhằm chuộc lợi. Kẻ đổi tiền ăn bớt phần trăm, người bán coi đó như là cách thế làm tiền, khiến người cần phải mua đồ lễ một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường. Các tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng có món tiền bỏ túi riêng. Thay vì giúp những người từ xa đến mua lễ vật trong khu vực Ðền thờ cho tiện lợi, vì họ khó có thể mang theo lễ vật để hiến dâng. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết, vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài Ðền thờ. Nếu tiện lợi, sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ? Chúa đuổi họ, vì họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Chúa lên tiếng cảnh giác họ: “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Chúa quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo đồng lõa với một số người thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ.
Chúa Giêsu là Đền Thờ
Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quầy buôn bán, Người lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẫn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng Đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”  (Mc 2, 18) Chúa đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Mc 2, 19).
Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ Chúa Giêsu nói đây chính là Thân thể Người, hiện thân của Chúa Cha. Khi sánh ví Người là Đền Thờ, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Đền Thờ Thiên Chúa Cha ngự trị. Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu : thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, Thiên Chúa gặp gỡ con người qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, nhân tính của Người là Ðền Thờ đích thực, nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để gặp gỡ và ngỏ lời với con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực không phải là những kẻ giữ cửa của Ðền thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).
Chúng ta là Đền thờ
Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Như thế, chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Thánh Phaolô cảnh cáo: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3, 17).
Người ta xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nếu người Do thái xưa kia đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi thắt dây thừng thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân. 
Phá thai là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh Chúa.
Linh hồn cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mc 9:42), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho.
Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy tiếp tục công việc của Người là gìn giữ đền thờ bản thân chúng ta. Tâm hồn chúng ta là cung thánh Chúa ngự. Chúa biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Chúa cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Chúa thôi. Chúng ta hãy để cho Chúa bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Để được như thế Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng với Chúa.
Lạy Mẹ Maria, đền thờ Con Thiên Chúa ngự, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay Thánh, giúp chúng con khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, Ðấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 5
Đền Thờ Tâm Hồn

Phụng vụ Lời Chúa qua hai Chúa Nhật Mùa Chay cho thấy Đức Giêsu vừa là con người phải chịu cám dỗ trong sa mạc, vừa là Con Thiên Chúa nơi biến cố Hiển Dung trên núi Tabor.   
Phụng vụ Lời Chúa tuần 3 Mùa Chay trình bày Đức Giêsu là Đền Thờ của Thiên Chúa qua sự kiện thanh tẩy đền thờ Giêrusalem.
1. Chúa Giêsu thánh tẩy đền thờ
Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch.
Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ.Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này. Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.
Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.
Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều có giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ. Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng. Cứ 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.
Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.
Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.
Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.
Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng,lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.
Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x. Gr 7,11).
Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến Đền thờ: "Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x. Ga 15,5).
2. Tại sao Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ?
- Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.
Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.
- Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.
Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy.Máu chiên dê Ta chẳng thèm.” (Is 1,11). "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận" ( Tv 50,16).
Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.
- Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ  vì "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"
Đền thờ là nơi Thánh,là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.
Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến Đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khách hành hương không thể cầu nguyện được.
3. Xây dựng đền thờ tâm hồn.
Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn của mình.
Đền thờ tâm hồn không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá. Đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.
Trong Đức Kitô, chúng ta đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.
Đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của mọi nhà thờ trên thế giới này đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác;
Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

================ 
Suy niệm 6
LUẬT CHÚA TRUYỀN VÀ LUẬT TRẦN GIAN

Bôn ba khắp trốn tìm lời giải đáp cho những vấn nạn cuộc đời, anh Suzuki dừng chân trước một ngôi thánh đường nguy nga, tráng lệ, anh ngỡ ngàng với sự hồ hỡi sống vui tươi, thân thiện của giáo dân vùng Nam Mỹ. Đứng hồi lâu trước khuôn viên nhà thờ, anh tự hỏi mình: tôi là một người Công Giáo, nhưng tâm hồn tôi xa Chúa, dẫu rằng mỗi tuần đến tham dự Thánh lễ Chúa Nhật; biết bao lần tôi cầu nguyện nhưng tâm trí tôi cứ quanh quẩn bởi nhiều điều lo toan với cuộc sống vật chất; biết bao lần tôi phải đối diện với luật đời và luật đạo; và biết bao phen tôi vật lộn với chính sự ương hèn của chính mình, v.v...
Thưa quý bà và anh chị em, tâm tư của anh Suzuki phần nào cũng là nỗi trăn trở của chúng ta. Sống trong xã hội bị chi phối với nhiều luật lệ, nguyên tắc, dường như chúng ta bị cuốn vào guồng xoáy giữ luật hơn là sống tinh thần luật; xem trọng luật trần gian hơn luật Chúa truyền qua sứ vụ của Hội Thánh. Đáng buồn hơn nữa, chúng ta rơi vào chủ nghĩa duy luật, và trở nên cứng nhắc với những điều lệ mà quên đi phần cốt lõi của luật, đó là tình yêu và giải thoát. Thậm chí, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta trở nên ‘nô lệ’ của luật lệ, hoặc để cho những điều lệ xã hội trói buộc chúng ta.
 
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến luật Chúa truyền dạy qua Mười Điều Răn (x. Xh 20, 1-17). Nói đến điều răn, chúng ta thường nghĩ ngay đến những điều phải tuân giữ, những điều bắt buộc với ý nghĩ tiêu cực; trái lại, Mười Điều Răn cũng có thể được gọi là Mười Điều Cam Kết giữa Thiên Chúa và con người. Và khi nói đến cam kết, thì chắc hẳn phải có hai bên, và đôi bên đều tự nguyện giao ước và tuân giữ. Quý ông bà và anh chị đã thuộc nằm lòng Mười Điều Răn này, nhưng thiết nghĩ để sống đúng tinh thần của nó lại là một vấn đề khác. Thí dụ, nhiều năm qua đã biết bao lần chúng ta tham dự Thánh lễ với thói quen, hoặc với ý nghĩ: không đi thì Chúa phạt. Hoặc khi tham dự Bàn tiệc Thánh, chúng ta chỉ hiện diện với thân xác, còn tâm trí chúng ta đang lo nghĩ đến điều khác, hay đang suy tính...Dĩ nhiên, chỉ có Chúa và bản thân chúng ta mới biết những gì đang xảy ra trong tâm hồn hay trong tâm trí ta thôi, nhưng nếu ý thức lại thì ắt hẳn chúng ta cũng cảm thấy xấu hổ khi đến với Chúa với thái độ bất xứng này vì như Lời Kinh Thánh chép rằng: “dân này chỉ thờ Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (x. Mt 15, 8). Thiên Chúa mong muốn, mời gọi chúng ta sống cam kết tình yêu với Ngài, vui tươi tuân giữ giới răn yêu thương, quảng đại trao ban, hy sinh cho tha nhân và phụng sự Chúa. Đừng tần tiện thời giờ với Chúa, đừng chôn giấu tài năng, ơn sủng Chúa ban, nhưng hãy dâng lên Chúa tất cả thời gian, cơ hội để phụng sự Chúa và yêu mến tha nhân, cũng như quảng đại cho đi, dân hiến qua việc phục vụ cộng đoàn. Như thế, chúng ta đang sống tinh thần luật, sống những điều chúng ta đã và đang cam kết với Thiên Chúa.
 
Thứ đến, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy ưu tiên, chăm lo về phần thiêng liêng nữa “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4, 4b). Xã hội thực dụng ngày nay đưa chúng ta vào chỗ quy tất cả giá trị tinh thần ra vật chất, những gì có thể ‘cân, đo, đong, đếm’ được; hoặc nhiều lúc, chúng ta cứ để con thuyền đời sống thiêng liêng bị sóng gió, bảo tố ‘danh vọng, tiền tài, địa vị’, những gì có thể nhìn thấy, hay chóng qua đưa đẩy đến chỗ chìm sâu dưới đáy đại dương ‘hư vô’. Để khỏi rơi vào tình trạng bi đát này, chúng ta cần tỉnh thức, cải hối tận căn, sống theo tinh thần luật Chúa truyền dạy tóm lại trong giới răn yêu thương: Yêu Chúa – thương người. Thật vậy, chúng ta không phủ nhận điều này: vật chất cần thiết cho cuộc sống thân xác của con người chúng ta; tuy nhiên, nó không quyết định đời sống hạnh phúc trường tồn của chúng ta. Hơn nữa, nó chẳng phải là tiêu chuẩn đánh giá, khuôn vàng thước ngọc của giá trị tâm linh, đời sống thiêng liêng. Tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị, vật chất sẽ qua đi, nhưng giá trị tinh thần, đời sống đạo đức sẽ còn mãi, và được lưu truyền mãi mãi.
 
Giờ đây, chúng ta hãy đặt mình trước Chúa và tha nhân; trong thinh lặng, chúng ta nhìn lại thái độ, động lực thúc bách chúng ta sống theo luật Chúa truyền, hay chỉ giữ luật Chúa dạy? Chúng ta biết chăm lo, vun trồng đời sống đức tin hay chỉ chạy theo đời sống vật chất chóng qua? Trong niềm tín thác, tin tưởng và nhận mình là kẻ yếu hèn trước Chúa, chúng ta cùng xin Chúa ban cho chúng ta biết can đảm dứt bỏ những gì đang cản trở đời sống đức tin, cắt bỏ những gì khiến chúng ta xa lìa Chúa, xa lìa luật Chúa truyền dạy.
 
Trần gian này chọn đường thênh thang
Chúa dạy con đi qua con đường hẹp
Gian trần này chọn đường vinh quang
Chúa hy sinh bước trọn đường thập hình.
 
Trần gian này chọn đường huênh hoang
Chúa dạy con đi trong khiêm nhường
Gian trần này chọn đường lợi danh
Chúa đưa con bước trọn đường hy sinh.
 
Trần gian này chọn đường khinh chê
Chúa dạy con bao dung nhân hiền
Gian trần này chọn đường âu lo
Chúa đưa con bước vào đường an vui.
 
Trần gian này chọn đường vinh hoa
Chúa dạy con đi qua thập hình
Gian trần này chọn đường hư vô
Chúa đưa con bước vào đường ơn thiêng.
 

                          Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 7
Thanh Tẩy Đền Thờ

Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25

Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị, luôn mang tính chất linh thiêng, thánh thiện. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Không chịu được cảnh Đền Thờ bị tục hóa, Người nổi nóng, lấy dây làm roi xua đuổi chiên bò ra khỏi, đổ tung tiền bạc, lật nhào bàn ghế. Người hô những kẻ đang bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16).
Nhà thờ nơi quy tụ dân Chúa, là nhà cầu nguyện. Cung Lòng yêu thương của Chúa là nhà cầu nguyện. Ngay cả nơi nơi tôi đang đứng cũng có thể là nhà cầu nguyện. Dù ở bất cứ nơi đâu (phòng ở, trên xe, nơi làm việc…) mà giúp tôi sống thân tình với Chúa thì nơi đó cũng là nhà cầu nguyện. Nơi nào làm cho tôi bị cắt đứt mối tương quan với Chúa mà chạy theo những thứ phù vân, ích kỷ, gian tham, bất chính… là đã bị biến thành “nơi buôn bán”. Lòng tôi là nhà cầu nguyện. Thánh Phaolô nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3, 16). Ta phải ý thức giữ gìn đền thờ ấy luôn trong sạch, cao quý từ lời nói, tư tưởng đến tình cảm, hành động. Nếu ta biến nơi ấy thành nơi buôn bán, ma quỷ thừa cơ tấn công, rồi ta sẽ trở thành nô lệ cho chúng. Tôi phải lo thanh tẩy, trả lại vị thế ưu việt cho Thiên Chúa trong Đền Thờ. Đọc và suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ được soi sáng trí lòng chúng ta, để nhận ra những bụt thần và tội lỗi trong tâm hồn, để nhờ Lời Chúa thanh tẩy chúng. Có lời Thánh vịnh kia nhắc nhở ta luôn thanh tẩy đền thờ tâm hồn: “Cứ mỗi sớm mai con lại diệt trừ-hết những phường ác nhân trong xứ sở”. Ngày ngày nhờ Chúa ta được sửa chữa, thanh tẩy hết “phường ác nhân” trong “xứ sở” tâm hồn ta.
Ngày xưa Đức Giêsu vào Đền Thờ và đuổi những kẻ đang buôn bán, trả lại sự ưu việt cho Đền Thờ, thì lại làm cho nhóm Biệt phái và Kinh sư bực tức đến độ muốn khử trừ Ngài.
Ngày nay để thanh tẩy đền thờ tâm hồn tôi, Ngài có vào lòng tôi được không khi tôi không cho phép Ngài? Nếu tôi không tha thiết với Ngài, thì thật là khó. Ngài có thể “xua đuổi quân buôn bán” ra khỏi lòng tôi được không, khi tôi cứ muốn giữ lại mọi thứ trong “vũng lầy êm ái” đó? Lúc ấy tôi cũng khó chịu trong sự giằng co, có khi lại muốn “khử trừ” Ngài như những người Biệt phái và Kinh sư xưa.
Lạy Chúa! với cái chết trên Thập giá, Chúa đã trở thành ngôi Đền Thờ sống động của Thiên Chúa. Nơi đây con người được liên kết với Chúa, được thánh hóa bằng các Bí tích, được cầu nguyện và chia sẻ cho anh em. Xin Chúa dùng sức mạnh của Chúa mà thanh tẩy và gìn giữ Đền Thờ của con qua các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Như thế, thân xác và tâm hồn con mới xứng đáng là nơi Chúa ngự luôn mãi. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tiếp kiến chung 13/11 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu
Tiếp kiến chung 13/11 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13/11/2024, tiếp tục suy tư về cách thế Chúa Thánh Thần hoạt động để thánh hóa Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngoài Lời Chúa, các bí tích và lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần còn thánh hóa Giáo hội bằng “lòng sùng kính Đức Maria”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log