Thứ ba, 23/04/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường Niên B

Cập nhật lúc 21:39 11/02/2021
Suy niệm 1
Mc 1, 40 - 45
Người mắc bệnh cùi trong xã hội Do Thái bị cả luật đạo lẫn luật đời xô xuống vực thẳm của nỗi đau và nỗi nhục.
Theo luật đạo, mắc bệnh cùi là mắc uế. Mắc uế thì phải thanh tẩy. Bệnh cùi là bệnh nan y không chữa được, nên không được làm lễ thanh uế. Đành phải mang mặc cảm tội lỗi cho đến chết.
Theo Luật đời, thì người cùi phải thoát ly gia đình, phải vào rừng dựng lều mà ở. Ai đụng đến người cùi hoặc quần áo, mùng mền, chăn chiếu của người cùi, thì cũng mắc uế. Bởi vậy người cùi đi đường phải rung chuông, hoặc lấy tà áo che miệng hô “cùi”, để người ta biết mà tránh. Phải tránh xa tối thiểu là 2 mét. Nếu người cùi nhớ nhà muốn về thăm thân nhân, thì phải lén lút về ban đêm. Nếu chẳng may bị lộ, sẽ bị láng giềng ném đá đuổi đi. Khổ đến thế là cùng!
Đức Giêsu thì ngược lại. Ngài chủ trương người cùi là đối tượng của lòng thương xót. Phải kính trọng, phải yêu thương và an ủi họ để bù lại nỗi đau của thân xác. Cụ thể là hôm nay, Đức Giêsu không đứng xa 2 mét, mà còn đến sát bên, lấy tay đặt lên thân thể người cùi để cứu chữa anh.
Hiện nay bệnh cùi không còn là nan y nữa, nhưng xã hội vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với người cùi và cả với người cùi đã khỏi bệnh. Cụ thể là trên xe buýt nếu có người cùi, thì dường như ít có ai dám ngồi gần. Đó là điều ta phải xét mình và sám hối,  phải coi thái độ xa lánh ấy là vi phạm nhân quyền, là chống lại giáo huấn của Đức Giêsu.
Sau khi cho người cùi khỏi bệnh, Chúa dặn anh ta đừng cho ai biết. “Đừng cho ai biết” là một điệp khúc có vẻ vô lý mà Đức Giêsu vẫn lập đi lập lại nhiều lần. Kể cả trường hợp cho con gái ông Giairô sống lại, Chúa cũng bảo “Đừng cho ai biết”. Người cùi được khỏi, được tư tế cho chứng minh thư để về sum họp gia đình thì cả làng đều biết, không cần phải nói. Vậy tại sao Chúa lại cứ nhắc đi nhắc lại điều đó một cách vô ích như vậy? Điều đó chứng tỏ rằng:
1 - Chúa muốn cứu nhân độ thế một cách khiêm tốn, âm thầm lặng lẽ. Đó là bản chất của Ngài.
2 - Tiếng khen càng phổ biến bao nhiêu, thì công tác truyền giáo càng gặp khó khăn bấy nhiêu. Bằng chứng là khi người cùi kể chuyện Chúa chữa anh như thế nào, thì các ông Kinh sư và Pharisêu làm khó, khiến Chúa phải lui về miền quê thanh vắng không còn được giảng ở nơi thành thị đông người nữa.
Đó là một bài học cho thấy Chúa bị khổ vì người Pharisêu, lại còn bị khổ vì những người yêu Chúa. Họ yêu ngu yêu dại làm khổ cho Chúa, mà không hay biết. Đó là điều ta nên biết để thương Chúa nhiều hơn và để giảm thiểu cho Chúa những cái khổ do ta gây nên, vì yêu ngu, yêu dại.
Một đám rước Mình Thánh linh đình làm cản trở giao thông: mình thấy là làm vinh danh Chúa, nhưng người ngoại sẽ giận và ghét Chúa. Như vậy là làm khổ Chúa đấy, là bắt chước anh cùi ca tụng Chúa um sùm, để Chúa phải lui vào vùng thanh vắng, tạm ngưng rao giảng một thời.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu 
=========================
Suy niệm 2

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên sạch
(Mc 1, 40 – 45)

Thánh Máccô tường thuật cho chúng ta việc Chúa Giê-su chữa lành người bệnh phong, cho thấy Chúa Giê-su là thầy thuốc đích thực, chữa lành cả thân thể và linh hồn, Ðấng được Thiên Chúa Cha sai đến thế gian để chữa lành cho nhân loại, để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và khỏi những hậu quả của tội.

Bệnh phong cùi đã có từ bao đời nay. Bệnh này thường bị coi là căn bệnh nguy hiểm và cần phải né tránh bởi con người sợ bị lây nhiễm. Người Do Thái thời xưa rất sợ bệnh phong cùi, một căn bệnh nan y bất trị thường gặp lúc bấy giờ. Căn bệnh đáng sợ này có thể tấn công các đầu dây thần kinh của người bệnh, làm cho cơ thể bị thương tổn và biến dạng vĩnh viễn. Vào thời đó, người ta không biết cách chữa căn bệnh này. Người bệnh bị cách ly và bắt buộc phải cảnh báo người khác về căn bệnh của mình (x. Lv 13, 1-2. 44-46).

Giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đặt thêm luật về bệnh phong cùi, khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp khó khăn một cách không cần thiết. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong cù, phải ở xa họ khoảng khoảng 2m. Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng khoảng 45m. Sách Lêvi đưa ra điều luật là người phong cùi phải sống “phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”(x. Lv 13, 44-46). Tuy nhiên, một số chuyên gia luật Do Thái giải thích rằng điều luật này có nghĩa là những người phong cùi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong cùi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.

Về mặt tôn giáo, bệnh phong cùi làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi. Người Việt Nam chúng ta cũng na ná tương tự như người Do Thái, ai bị bệnh thì phải xa nhà xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng.

Thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi vẫn bị liệt vào loại bị cấm tiếp xúc, người bị bện phải tránh xa và phải làm hiệu để người khác tránh xa mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác, bởi vì Người đến để yêu thương và cứu giúp mọi người, nên Người đã chữa lành cho người mắc bệnh phong cùi như trong Tin Mừng Marcô 1, 40-45 thuật lại hôm nay.

Người ta coi người cùi là hạng người ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi cũng bị lây ô uế. Nhưng Chúa Giêsu đã dám đưa tay chạm tới người cùi này. Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Chúa về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật còn là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối vớ tội lỗi con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi. Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật của con người.

Ngày nay bệnh cùi không còn là một chứng nan y bất trị. Nhưng vẫn còn nhiều loại “Người cùi” kiểu khác bị người ta ghê tởm tránh xa, chẳng hạn những người dơ dáy, hôi hám, những người mang cá tính bị người khác ghét bỏ, những người lỡ mang tai tiếng khiến người ta không dám tiếp xúc, họ bị liệt ra bên ngoài xã hội, thiếu sự cảm thông và tình liên đới cộng đồng. Cụ thể hơn là những người tội lỗi. Chỉ có tội lỗi mới làm cho con người ra ô uế. Những thứ tội lỗi như ích kỷ, ngạo mạn, tham ô tham nhũng, những thứ bệnh của tâm hồn như thế cần được thanh tẩy. 

Ngày đầu Năm Mới, mỗi người chúng ta hãy hồi tâm thinh lặng, suy xét lòng mình, để khám phá ra những gì là ô uế, những gì là tội lỗi trong tâm hồn mình để thân thưa với Chúa với cả tấm lòng rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch!" Chúa cũng lặp lại với chúng ta rằng: "Ta muốn, con hãy lành sạch!". Thật là mừng vui biết bao! Khi ấy thứ bệnh phong của tội lỗi sẽ biến mất, chúng ta có thể trở về sống trong niềm vui con thảo với Thiên Chúa, và niềm vui được sống giữa mọi người.

Con người ta, sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình. Bệnh tật là điều phải có trong kiếp sống làm người. Ai cũng có bệnh, không nhẹ thì nặng, chẳng ai thoát khỏi căn bệnh ở đời. Vì thế, chúng ta phải liên đới, hiệp thông và trợ giúp lẫn nhau với tình yêu thương, đặc biệt với những ai mắc bệnh hiểm nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vì yêu mà vượt qua ranh giới giữa Thiên Chúa với con người, giữa người khỏe với kẻ bệnh tật để chữa lành họ. Xin trợ giúp chúng con làm được những điều Chúa muốn. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 3
Nếu Ngài Muốn

 Lv 13,1-2.45-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1, 40-45
 

Một người đầy phong hủi đến gặp Đức Giêsu, anh quỳ xuống van xin: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1,40). Người bệnh phong này thật khiêm tốn, anh đến quỳ xuống mà xin Người chữa lành. Cách xin của anh cũng thật là khéo léo tế nhị, tâm lý và đẹp lòng Thiên Chúa: “nếu Ngài muốn…” Có rất nhiều điều con người muốn nhưng không đẹp lòng Chúa. Anh khao khát mong mỏi lắm rồi, đến độ vừa thấy Người là anh chớp ngay cơ hội. Khát khao như thế mà anh còn thưa như vậy để tôn trọng và theo ý muốn của Người. Anh đã biết và tin tưởng nơi lòng yêu thương không phân biệt danh giới, không phân biệt thế giá của Người nên mới chạy đến cùng Người. Làm sao mà Người không muốn cho được anh ơi! Và Người không hề sợ mắc uế, không xét anh là hạng người nào. Người giơ tay “đụng” vào anh và chữa lành anh một cách giản đơn mà cũng thật là hay: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41). Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.
Niềm vui òa vỡ trong anh lớn lao như vậy mà Người bảo anh đừng nói với ai, hãy đi trình diện tư tế theo luật để được hội nhập cộng đoàn, để “làm chứng cho người ta biết”. Hạnh phúc tràn bờ vì được lành sạch thể xác, tinh thần được giải phóng khiến anh không thể giữ miệng, anh rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, nên anh đã làm chứng thật hiệu quả: dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Hôm nay Đức Giêsu đụng chạm vào người phong hủi, theo luật là mắc ô uế, Người đã đụng chạm vào anh để nâng anh lên, đỡ anh dậy cho ngang với mình, đúng với nhân phẩm mà Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng cho anh, giúp anh trở lại nên giống hình ảnh Thiên Chúa để tương giao với Người. Người yêu đến độ tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ bị xã hội đẩy ra bên lề, Ngài trở thành bạn hữu của phường thu thuế, kẻ tội lỗi, những kẻ tật nguyền khổ đau. Nghĩa cử Ngài chữa cho anh bị phong hủi hôm nay là một trong muôn nghìn ưu ái Ngài thể hiện  nơi những người cùng khổ, bị ruồng rẫy. Ngài giơ cánh tay đụng vào anh, cánh tay không còn là cánh tay quyền năng, nhưng là cánh tay của tình yêu xóa bỏ mọi ngăn cách. Đối với Ngài, con người ấy không còn là người ô uế, nhưng là một người anh em đáng được cảm thông và thương yêu. Đây là phép lạ của tình thương, anh được phục hồi cả thân xác và nhân phẩm, được sống như một con người giữa mọi người.
Ước gì mỗi phút giây trong cuộc sống này, mỗi chúng con trở thành cánh tay yêu thương của Chúa, để qua chúng con, Chúa tiếp tục cảm thông nâng đỡ và thực hiện những phép lạ tình yêu của Ngài cho con người hôm nay.

Én Nhỏ

   
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tình Yêu Chẳng Từ Chối Gian Nan
Tình Yêu Chẳng Từ Chối Gian Nan
Xin cho tất cả những ai đang dấn thân phục vụ dân Chúa nơi vùng ngoại biên biết giữ cho trái tim luôn ấm nóng, cho đôi chân luôn vững vàng và ý chí luôn kiên cường trong mọi hoàn cảnh để trở nên chứng nhân sống động về tình yêu Chúa giữa núi rừng Tây Bắc xa xôi này, bất chấp mọi khó khăn thử thách vì “tình yêu chẳng từ chối gian nan”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log