Thứ sáu, 13/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên B

Cập nhật lúc 09:10 03/02/2021
Suy niệm 1
Tất cả vì Tin Mừng
Mc 1, 29-39
Tết Tân Sửu đang đến, chúng ta thường cầu chúc cho nhau hạnh phúc. Một vận động viên khi đạt được một huân hoặc huy chương nào, thường nói: tôi rất hạnh phúc. Nhưng hình như thứ hạnh phúc đó gần, nhưng rồi lại xa…
- Làm sao có thể hạnh phúc được giữa một nhân loại còn biết bao người nghèo khổ, bị áp bức và bị gạt ra khỏi xã hội
- Làm sao có thể hạnh phúc được khi con người chưa được làm người một cách đầy đủ, vì bị đè bẹp dưới nhiều cơ chế bất công?
Ngoài Thiên Chúa, không ai có thể đem lại hạnh phúc mùa xuân thực sự cho nhân loại. Chúa Giêsu đã mặc khải cho nhân loại biết sức mạnh phá tan đau khổ, đem lại hạnh phúc cho muôn người, đều phát xuất từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là sức mạnh đó. Ngài biết rõ đau khổ xuất phát từ mối tương quan bị đổ vỡ giữa Thiên Chúa và con người. Nguyên nhân chính của sự đổ vỡ đó là ma quỉ. Nhưng ma quỉ cũng không làm gì được nếu con người không muốn.  Chính vì lòng tham của con người, tội lỗi đã lọt vào trần gian và gây nên đau khổ. Như vậy, thực sự không có gì mâu thuẫn giữa quan điểm Phật giáo và Kitô giáo về đau khổ. Chỉ khác một điểm là Kitô giáo phân biệt những dục vọng tốt và xấu: dục vọng tốt cần phát huy, dục vọng xấu cần diệt trừ. Dục vọng xấu xa nhất là tính kiêu ngạo đã đẩy đưa con người muốn ngang hàng với Thiên Chúa. Con người đã vỡ mộng!. Do đó có đau khổ, và rồi hạnh phúc chỉ còn là ước mơ.
Tuy nhiên, có những đau khổ không tuỳ thuộc vào dục vọng hay ý muốn của con người. Có rất nhiều nạn nhân vô tội do động đất, núi lửa, lụt lội..nạn dích kinh khủng hiện nay trên toàn thế giới:
Bài đọc I hôm nay, chính ông Giop đã kinh nghiệm sâu xa về nỗi oan ức đó. Ông không thể hiểu nổi chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Cuộc đời ông như chìm trong chán nản và tuyệt vọng…. Giữa đau khổ, ông đã thốt lên: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa. Và chấm dứt không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”. Tiếng kêu thất vọng của ông Gióp, đó là tiếng kêu của con người thiếu vắng Thiên Chúa. Con người sống ở trần gian này có giá trị gì khi mà cuộc sống phải đương đầu với biết bao bênh tật, vất vả và đau khổ? Một cuộc sống không có hy vọng là một cuộc sống không có ý nghĩa gì! Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đưa tay ra nâng đỡ… Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đem đến cho con người sự giải phóng toàn diện mà thôi. Dù thế nào, chúng ta cứ hãy ngợi khen Thiên Chúa vì muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương.
Chính Chúa Giêsu cũng là nạn nhân vô tội của một cơ chế bất công. Nhưng Ngài đã tìm thấy ý nghĩa và niềm hy vọng ngay trong đau khổ. Ngài không thể chịu đựng nổi trước những đau khổ của con người. Bởi thế, Ngài đã ra tay hành động để trấn át ác thần đang hoành hành trong thân xác và tinh thần con người. Điển hình Ngài đã chữa lành mẹ vợ ông Phêro đang lên cơn sốt, nằm trên giường bệnh. Khắp nơi, Chúa Giêsu chữa các thứ bệnh cho nhiều người…Nếu đời là bể khổ, thì Chúa Giêsu đã ngụp lặn trong bể khổ đó để tẩy rửa vết thương nhân loại và đẩy đưa nhân loại lên bằng chính sức mạnh của Tin Mừng.  Nhờ sức mạnh Thần Linh, nước bể khổ đó cũng có sức mạnh thanh tẩy những bụi bặm và hôi hám của trần tục. Qua đó, hình ảnh Thiên Chúa xuất hiện nguyên vẹn trong con người và cuộc đời người kitô.
Chúa Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa để đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin mừng về nước Thiên Chúa. Tự bản chất, Tin mừng là một sức mạnh giải thoát con người. Vì thế,Tin mừng được rao giảng đến đâu, niềm vui dâng cao tới đó. Bằng chứng là sau khi khó nhọc tìm Chúa Giêsu, các môn đệ reo lên: “mọi người đang tìm Thầy”! Nhưng chính lúc mọi người tìm Thầy, thì Thầy lại không muốn dừng lại để hưởng trọn lòng ngưỡng mộ của họ. Thầy không bằng lòng với những gì đã làm. Thầy muốn đi xa hơn những thành công hôm qua. Còn nhiều nơi khác, nhiều người khốn cùng cũng đang chờ đợi Thầy. Thầy muốn đánh thức anh em khỏi cơn mê ngủ danh vọng của Thầy. Thầy muốn nói với anh em điều này: Tin Mừng phải hướng tới những nơi đang phủ bóng đêm tội lỗi. Cảnh nhân loại khổ đau đang thôi thúc Thầy tiến bước không ngừng: “Người đi kháp miền Galilea rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ”. Đúng vậy, Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng bao gồm toàn thể biến cố, lời nói và hành động…Ngài hành động khi làm phép lạ, tiếp xúc với quần chúng, dẹp yên những ảnh hưởng tà thần.
Tin Mừng của Chúa đã đem lại nguồn an ủi hy vọng cho bao người sầu khổ và thất vọng. Chúa Giêsu đã hoàn toàn đồng hoá với người nghèo và Tin mừng đã được rao giảng cho họ trước tiên. Tất cả những người nghèo khổ đều góp phần xây dựng nước Thiên Chúa. Vì chính họ sẽ được hưởng trọn niềm vui giải thoát nhờ cái chết và sự phúc sinh của Ngài. Ngài không chấp nhận đối xử phân biệt với những người kém may mắn về vật chất. Ngài muốn chống lại những cơ chế xã hội gây nên cảnh khốn cùng cho con người cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy Tin mừng có chiều kích giải phóng con người toàn diện. Chúa Giêsu không phải là một nhà cách mạng chính trị, nhưng cuộc sống và cái chết của Ngài có một chiều kích chính trị nào đó, vì Ngài có những thái độ thách thức đối với những nhà lãnh đạo chính trị. Cũng thế, Giáo Hội không phải là một tổ chức chính trị, nhưng Giáo Hội không thể im lặng trước những cảnh người nghèo bị áp bức bất công. Bao lâu còn người nghèo, còn người bị áp bức, bấy lâu sứ mệnh của Giáo Hội càng cấp thiết. Rao giảng Tin mừng là đem lại mùa xuân cho nhân loại. Mùa xuân đang đến trên quê hương… Mỗi người chúng ta có sẵn sàng cản đảm rao giảng Tin mừng để đem lại hạnh phúc mùa xuân cho nhân loại không?
Thánh Phaolo đã nói: “Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Rao giảng Tin mừng có nhiều cách thế khác nhau. Rao giảng Tin mừng có thể là một công việc phục vụ như mẹ vợ của Phero hôm nay và như biết bao người phụ nữ có thiên tài hiếu khách với một tấm lòng quảng đại và kín đáo. Còn chúng ta thì sao? Công việc phục vụ của mỗi người chúng ta như thế nào? Chúng ta phục vụ vì lợi ích cá nhân, để được khen, phục vụ vì bổn phận hay là phục vụ vì lòng yêu mến?
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Mc 1, 29 - 39

 
Ngày Sabát là ngày của Chúa. Chính Chúa cũng đã sáng tạo vũ trụ trong thời gian sáu ngày; ngày thứ Bảy thì nghỉ. Do đó, để tôn vinh Thiên Chúa, luật Do Thái bắt buộc tín đồ phải nghỉ lao động tuyệt đối vào ngày Sabát, kể cả nấu ăn, kể cả trị bệnh. Đức Giê su sẵn sàng giữ luật một cách chi ly đến mức độ Ngài nói rằng dù một nét phảy trong luật cũng không được bỏ qua. Nhưng có một điều luật Chúa không tuân hành mà còn quyết tâm phá bỏ, đó là luật cấm trị bệnh. Đối với Chúa, thì luật được lập ra để phục vụ con người, chứ không phải là để bảo vệ cơ chế. Chính Ngài đã giải thích điều đó cho các ông kinh sư. Ngài bảo rằng: Ngày Sabát luật cho phép dẫn con lừa đi uống nước. Nếu chẳng may mà nó sa xuống hố, thì được kéo lên. Vậy tại sao lại cấm trị bệnh cho con người. Phải chăng con người còn thua cả con lừa.
Chính vì thế mà Chúa đã chữa bệnh sốt rét cho mẹ vợ ông Phêrô. Tối hôm đó, bà con đua nhau dẫn bệnh nhân đến để Chúa chữa. Với người Do Thái bảo thủ, thì hôm ấy Chúa phạm tội hằng hà sa số. Chúa lý luận rằng: Luật để phục vụ con người chứ không phải con người phải phục vụ luật. Ta thường nói “Luật vị nhân sinh, chứ không phải luật vị luật”. Để hiểu thêm về điều này, ta cứ xem luật đèn đỏ của ngành giao thông. Luật giao thông yêu cầu phương tiện giao thông phải dừng lại khi có đèn đỏ. Mục đích của luật này là để phục vụ con người, là để bảo vệ sinh mạng con người. Nhưng khi luật đèn đỏ không phục vụ con người, thì không được tùng phục. Đó là trường hợp xe cứu thương và cứu hỏa. Hai loại xe này mà dừng trước đèn đỏ là không tôn trọng con người.
Luật vị nhân sinh là bài học một của bài Tin Mừng hôm nay. Bài học hai là phải loan báo Tin Mừng cho mọi người đang sống ở khắp nơi trên trái đất. Dân Caphácnaum vì quá quý mến Chúa, nên họ xin Chúa ở lại với họ chứ đừng đi đâu nữa. Được dân thương mến là đáng mừng, nhưng Chúa quyết tâm từ chối, vì phải đi rao giảng ở các thành khác nữa. Ở lại và giảng ở Caphácnaum thì không vất vả, nhưng Chúa vẫn cứ từ chối, để Tin Mừng không bị ngưng đọng ở bất cứ nơi nào. Ở lại thì sướng. Ra đi thì khổ. Chúa chọn cái khổ, vì Chúa khổ, chứ Tin Mừng thì sướng vì nó phục vụ muôn người. Một người khổ, muôn người được sướng. Đó là quyết tâm của Chúa.
Chúa là thế, còn ta thì sao?
Tám trăm năm thời Trung cổ, Giáo hội dừng chân ở Châu Âu: Tin Mừng bị tù đày; Tin Mừng không đến với lương dân. Thế là đạo thời ấy bị sa sút đến tận đáy vực thẳm. Tám trăm năm Tin Mừng chỉ được rao giảng cho người đã nghe, còn hằng tỷ người khác chẳng biết Đức Giê su là ai? Người ta cứ lo củng cố Giáo hội, nhưng càng củng cố, thì càng lủng củng. Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” của Đức Gioan Phao lô II đã khẳng định rằng: “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo”. Điều đó chứng tỏ rằng thời Trung cổ Giáo hội đánh mất bản chất của mình. Muốn cứu Giáo hội, thì Giáo hội phải ra đi, phải đến với lương dân như Đức Giê su đã làm: “Tôi còn phải rao giảng ở các thành khác nữa”. Chúa cứ đi, bất chấp thiếu thốn, gian khổ. Người truyền giáo cũng phải ra đi như vậy. Nếu không đi, thì lại rơi vào sai lầm của thời Trung cổ. Đáng buồn! Đáng tiếc vô cùng!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=====================
Suy niệm 3
Sống vì mọi người
Mc 1, 29 - 39
Mỗi chiếc lá trên cây được lớn lên và tươi tốt là nhờ bộ rễ, thân cây và nhờ những chiếc lá khác nuôi dưỡng nó. Nếu không được toàn thân cây nuôi dưỡng, chiếc lá sẽ khô héo ngay.
Tương tự như thế, mỗi người chúng ta được tồn tại và phát triển là nhờ những người khác nuôi sống chúng ta. Không có người nông dân cung cấp lương thực, không có người thợ xây nhà, không có thợ mộc cung cấp giường tủ bàn ghế, không có những nhà sản xuất và chế tạo cung cấp những đồ dùng thiết yếu… thì không ai có thể sống còn.
Vậy thì đến lượt mình, mỗi người chúng ta cũng phải góp phần vào việc làm cho những người chung quanh được tồn tại và phát triển.
Do đó, không ai được phép bo bo chăm lo cho riêng mình, nhưng phải cống hiến đời mình phục vụ anh chị em chung quanh. Quy luật sinh tồn là thế đó.
Chúa Giê-su đã sống theo quy luật này cách tuyệt hảo khi Ngài hạ mình xuống thế làm người và trở nên tôi tớ phục vụ mọi người, như lời Ngài phán: “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).
Giờ đây, chúng ta điểm qua vài nét chính trong một ngày phục vụ của Chúa Giê-su:
Tin mừng Mác-cô (1, 29-39) thuật lại rằng: Hôm ấy, “Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Chúa Giê-su lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến với Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ.”
Sáng hôm sau, “lúc trời còn tối mịt, Chúa Giê-su thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
Cầu nguyện chưa được bao lâu, “Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Ngài, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”
Chúa Giê-su không khoanh vùng phục vụ của Ngài trong phạm vi nhỏ hẹp. Ngài muốn vươn đến nhiều nơi. Chúa Giê-su không giới hạn tình yêu của Ngài cho một thiểu số, nhưng ban phát cho hết mọi người. Thế nên “Ngài bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Ngài đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ.”
Nói tóm lại, không một người đau khổ nào đến với Chúa Giê-su mà không được Ngài quan tâm chăm sóc. Không một kẻ bất hạnh nào gặp Chúa mà chẳng được Chúa dủ lòng thương. Chúa đến trần gian để sống cho mọi người, yêu thương hết mọi người và hiến thân phục vụ tất cả không trừ ai.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là bậc Thầy tối cao mà đã vui lòng cúi xuống rửa chân cho môn đệ; Chúa là Chúa tể muôn loài mà lại hạ mình xuống thế làm người hèn mọn và hiến thân chịu chết cho muôn dân. Chúa luôn vị tha và đã sống hết mình vì mọi người.
Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, đừng ích kỷ chỉ biết quy về mình, đừng mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình, nhưng biết hướng về tha nhân để phục vụ và hy sinh cho người khác.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 4
HƯỚNG NHÌN LÊN GIÊ-SU
 
Anh chị em rất thân mến, trong bốn cuốn sách Phúc Âm, chi tiết về gia đình của các Tông đồ ít khi nào được tường thuật, đề cập đến; nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 29-39) đã thuật lại một trong những sự kiện hiếm hoi, và điều này không khỏi làm chúng ta thắc mắc, tự hỏi: liệu Thánh sử Mác-cô muốn nhắn gửi chúng ta điều gì khi thuật lại sự kiện Chúa Giê-su đến thăm bà nhạc phụ của Si-mon (Phê-rô)? Phải chăng, Ngài muốn chúng ta quan sát thật kỹ, hướng nhìn về những hành động của Chúa Giê-su khi Người đến thăm bệnh nhân, đặc biệt là mẹ vợ của Si-mon (Phê-rô)? Để rồi, chúng ta học hỏi nơi Người điều gì đó chăng?
 
Trong anh chị em, nhiều vị đã có kinh nghiệm trong việc thăm viếng bệnh nhân, thăm những người già nua, neo đơn, không người chăm sóc, v.v...Đó là điều tốt, phải đạo nên làm. Tuy nhiên, các bài đọc Phụng vụ hôm nay giúp chúng ta đào sâu công việc Tông đồ thăm viếng bệnh nhân hơn, qua gương sống của Chúa Giê-su khi Người viếng thăm bà nhạc phụ của Si-mon (Phê-rô) “...tiến lại gần, Người cầm tay, nâng đỡ dậy” (x. Mc 1,31).
 
Thứ nhất, “tiến lại gần”. Hành động này tuy đơn giản, nhưng khi áp dụng trên thực tế thì khó biết bao. Chợt nghĩ chỉ là đưa chân bước, tiến lại gần người anh chị em của mình thôi mà, đâu có khó gì!!! Đối với người khác, tiến tới gần người anh chị em mình thì chẳng gì phải lo!!! Thôi thì ‘nhắm mắt, đưa chân’ ắt sẽ tiến lại gần người anh chị em mình, có gì phải sợ nhỉ!!! Hành động ‘tiến lại gần’ của Chúa Giê-su không đơn thuần vì trách nhiệm, nghĩa vụ mà phải đến viếng thăm; nhưng thiết nghĩ: Ngài tiến gần bà nhạc phụ của Si-mon với cả con tim và con người của Ngài. Để làm được như vậy, chúng ta phải chiến thắng chính bản thân, phải bỏ mình, ra khỏi những toan tính, suy tưởng, lo lắng riêng tư, phải ra khỏi nơi ‘chăn ấm, nệm êm’ của lòng mình, dám mạo hiểm, chấp nhận những thách đố có thể xảy ra ngoài ý muốn. Vừa qua trong một cuộc tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến chào một người đàn ông với khuôn mặt bị biến dạng. Khi trực diện với những gì ghê sợ, rùng rợn, con người chúng ta thường có khuynh hướng tháo lui, tránh né, chốn chạy..., nhưng Đức Thánh Cha đã tiến đến, ôm choàng lấy ông với tất cả tâm hồn của người Mục Tử, vị đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian này. Đứng trước những người dị hình dị dạng, bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta có thể tiến lại gần họ với cả con tim mình chăng? Chúng ta có thể ra khỏi con người đầy suy tính của mình để đến với anh chị em mình, và biết chấp nhận họ không?
 
Thứ hai, “Người cầm tay”. Thật vậy, hành động này chỉ xảy ra khi cử chỉ “tiến lại gần” được thực hiện. Chúng ta không thể cầm tay ai đó ở tư thế đằng xa, hoặc cầm tay họ như một ‘nụ hôn gió’ hay ‘mi gió’ mà thường được ví von!!! Hơn nữa, cũng không thể nào nhờ ai đó ‘cầm tay’ người anh chị em giùm mình được! Hành động này đòi hỏi chúng ta phải trực diện với anh chị em. Thứ đến, tình trạng của bệnh nhân, những người được viếng thăm không hoàn toàn khoẻ mạnh, tráng kiện như ta, cho nên để ‘cầm lấy tay’ người anh chị em mình, chúng ta phải đặt mình vào trạng huống, hiện tình, tâm tư, lối suy nghĩ...của họ, và chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể ‘chạm đến’ con tim, mới có thể cảm thông, lắng nghe những tâm sự, với cả ưu tư, lo lắng của họ. Về điểm này, trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô khuyên nhủ mỗi chúng ta như sau: “mặc dầu tôi tự do đối với tất cả mọi người, nhưng tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người...tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau,...tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi” (x. 1Cr 9,19.22). Theo Ngài, vì lợi ích của anh chị em, để mọi người được thông phần vào ơn cứu rỗi, Ngài đã ‘trở nên mọi sự đối với tất cả mọi người’ để Tin mừng được họ lắng nghe, đón nhận. Vì thế, đối với Ngài “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (x. 1Cr 9,16)
 
Thứ ba, “nâng đỡ dậy”. Cử chỉ sau cùng này liên quan mật thiết với hai hành động trên. Tương tự, nếu chưa ‘tiến lại gần’ và ‘cầm tay’ anh chị em mình, thì ắt hẳn chúng ta không thể ‘nâng đỡ’ họ được. Chúa Giê-su đã ân cần tiến đến, cầm lấy tay và nâng đỡ bà nhạc phụ của Si-mon dậy với cả lòng mến của một vị Thiên Chúa xuống thế làm người. Người chữa lành bà với tất cả niềm cảm thông sâu xa của Con Người, và qua Người, mọi người được nhìn thấy, cảm nhận, tiếp xúc với chính vị Thiên Chúa gần gũi, trìu mến, lân tuất vô bờ. Một khi, chúng ta bỏ mình, đặt mình vào hoàn cảnh, đời sống của anh chị em, thì chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể khuyến khích, nâng đỡ, cộng tác, động viên họ một cách hữu hiệu; và trong khoảnh khắc đó, chúng ta mới thực sự sống và rao giảng Tin Mừng mà thôi. Nào còn chần chờ gì nữa, nếu không thực hiện bây giờ thì đến khi nào chúng ta mới ra đi, sống chứng tá cho Thiên Chúa – một Thiên Chúa cao cả, nhưng lại thật gần gũi, yêu thương chúng ta liên lỉ, không chút than phiền. Hãy cùng tôi lên đường, sống Tin mừng, sống tươi vui, chia san từ ngay bây giờ vì “đời người chỉ là hơi thở” (x. G 7, 7), “vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (x. Tv 144, 4).
 
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết mở lòng, bỏ mình, đến với anh chị em; biết quên đi lợi ích cá nhân, biết cảm thông, thấu hiếu anh chị em; biết dâng cho Chúa ưu tư, nguyện vọng cũng như lo lắng của bản thân, để chấp nhận, khuyến khích, cộng tác, nâng đỡ anh chị em qua mọi phương diện. Sau cùng, xin cho chúng con luôn hướng nhìn lên Chúa, để rồi luôn biết cậy trông vào Ngài.
 
Như Người “tiến lại gần”
Xin cho con ân cần.
“Người cầm tay” con người
Ban cho con nụ cười.
“Nâng đỡ dậy” anh (chị) em
Sống một đời trôi êm. Amen!
 
Lm. Xuân Hy Vọng
===================
Suy niệm 5
Hãy Tin Tưởng Vào Thiên Chúa Toàn Năng
(Mc 1, 29 – 39)

Nếu như Chúa nhật thứ IV Mùa Thường niên, Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình tại Capharnaum chứng tỏ chỉ có Chúa là Đấng toàn năng và là Thánh, thì bước vào Chúa nhật V Mùa Thường niên, sứ vụ Thiên sai của Người được tiếp tục thi hành. Là Thiên Chúa quyền năng trong lời nói cũng như trong hành động. Chúa chữa lành những người bị quỉ ám, Danh tiếng Người nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi. Uy quyền của một Thiên Chúa được tỏ lộ trong hành động, Chúa mở mắt cho người mù, làm cho kẻ què đi được, người điếc nghe được, nói chung là họ sung sướng vui mừng; mọi người đều …thán phục; các thần ô uế phải vâng lệnh. Cụ thể hơn, Chúa Giêsu hiện diện ở đâu thì ở đó người ta ngỡ ngàng và thán phục. Họ hỏi nhau: Người này là ai vậy, mà ngay cả thần ô uế cũng phải tuân lệnh? Quyền năng của Chúa xác nhận thẩm quyền lời Người giảng. Người không chỉ nói mà còn làm. Công trình của Thiên Chúa được thể hiện cả bằng lời nói lẫn việc làm nơi Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thực thi sứ mạng, bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa Cha qua việc rao giảng và các hành động quan tâm, giúp đỡ người đau bệnh, người nghèo đói, các trẻ em và người tội lỗi.
Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang ở Capharnaum, trung tâm thi hành sứ vụ của Chúa, đúng hơn là nhà ông Simon Phêrô: “Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê” (Mt 1,29). Ở đây, chúng ta khám phá ra một gia đình lắng nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 8,21). Bà nhạc gia ông Phêrô bị cảm sốt đang nằm trên giường, Chúa Giêsu tiến lại gần, Người cầm tay bà, một cử chỉ vượt quá những gì mà sách Tin Mừng đã trình bày như: Chúa đưa tay ra và đụng lên người bệnh, tại nhà ông Simon Phêrô, Chúa cầm tay bà và nâng đỡ bà dậy.
Cử chỉ này khiến mọi người phải thốt lên: Thiên Chúa thật quá đỗi hạ mình xuống để tìm kiếm chúng ta, và vì thế mà phẩm giá con người được tìm kiếm được nâng lên!… “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa để ý lưu tâm? ” (G 7,17). Tôi muốn biết tại sao Thiên Chúa lại muốn đích thân đến với chúng ta và tại sao chúng ta không phải là những người đến với Thiên Chúa trước? Việc Chúa Giêsu làm trong Tin Mừng hôm nay, không phải là thói quen của người giàu đi đến người nghèo, ngay cả khi họ có ý tốt lành.
Phần chúng ta, chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nhưng có một trở ngại ngăn cản chúng ta: mắt chúng ta bị mù lòa, không thể tiếp cận được Chúa là Áng Sáng; chúng ta đã bị liệt trên giường bệnh, khiến chúng ta không thể đạt tới sự vĩ đại của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Đấng Cứu Độ chúng ta, một lương y tốt lành và là bác sĩ của tâm hồn chúng ta, ngài đã từ trời cao hạ mình xuống, đến với con người, làm cho đôi mắt ốm yếu của con người thấy được ánh vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Cha đã đến gần với người nghèo và những người đau khổ mà người ta đưa đến với Chúa để được chữa lành. Bằng cử chỉ đưa bàn tay, Chúa đụng chạm tới họ, nguồn mạch sự sống tuôn trào, họ được giải thoát và được cứu.
Hết thảy mọi người đều tìm kiếm Chúa Giêsu, chỉ có một số người bị buộc đưa đến, vì “lòng chúng ta còn khắc khoải cho tới bao giờ được nghỉ ngơi trong Chúa” (Thánh Augustinô).
Nhưng, cùng một cách thức chúng ta tìm kiếm Chúa vì chúng ta cần đến với Chúa để Người giải thoát chúng ta khỏi sự ác và Sự Xấu, Gióp là nhân chứng về điều đó (x.Gob 7,1-4.6-7). Người đến với chúng ta và đến gần hơn để có thể làm điều mà chúng ta không thể làm được một mình. Người đã trở nên yếu đuối để cứu chuộc chúng ta là những người yếu đuối, “Tôi đã tự cứu mình bằng mọi giá” (1Cr 9,22).
Vẫn có một bàn tay đầy sức mạnh vô hình đang chìa về phía chúng ta, những người đang bị bủa vây bởi muôn điều xấu, như ông Gióp, bị Satan bủa vây tư bề, ông vẫn một mực trung thành kêu xin cùng Chúa. Chúng ta cúng có thể “vươn lên và bước tới” bằng lời cầu nguyện, cụ thể như Chúa: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó”(Mc 1,35).
Trong thời đại dịch, chúng ta càng phải cậy dựa và vững tin vào Chúa hơn, để Chúa đến đưa tay ra cứu chúng ta khỏi giường bệnh tật, tội lỗi và chán nản, làm cho chúng ta sống vui, sống hạnh phúc trong Chúa và với mọi người.
Lạy Chúa, chúng con kêu cầu Chúa, xin cứu giúp chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 6
CẦU NGUYỆN VÀ HOẠT ĐỘNG
G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1, 29-39
Tin Mừng hôm nay liệt kê một ngày sống của Đức Giêsu với sứ mạng dày đặc. Giảng xong, vừa ra khỏi hội đường về đến nhà ông Phêrô, được biết bà mẹ vợ ông đang lên cơn sốt, Người liền chữa bà khỏi cơn sốt. Đáp lại, bà dậy phục vụ các ngài ngay. Người không được nghỉ ngơi, vì đám đông với đủ thứ bệnh tật bao vây suốt ngày đến tối: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,32-34). Bệnh viện còn làm việc theo ngày giờ, chứ ở đây vị Lương Y Giêsu thì không có ngày giờ nào, Người sẵn sàng cứu chữa mọi nơi mọi lúc, phục vụ hết mình mà không có lương bổng, lợi nhuận gì hết. Hầu như Người không có giờ nào để ăn uống nữa. Cả thành xúm lại trước cửa làm sao mà đành bỏ họ? Người quá bận rộn với sứ mạng của Đấng Cứu Thế, nhưng không bao giờ vì công việc mà bỏ qua việc cầu nguyện.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Khi các môn đệ kéo nhau đi tìm và gặp thấy, báo cáo mọi người đang tìm Thầy, Người còn giục đi nơi khác tới các làng xã chung quanh, rồi đi khắp miền. Người ta ùn ùn tìm đến Thầy Giêsu vì Thầy chữa bệnh tài giỏi lạ lùng, không cần thuốc, không mất tiền, đói thì có bánh ăn… thế là họ rỉ tai nhau kéo đến, vì có Thầy là có tất cả…
Ngày nay chúng con có biết tìm Thầy trong cầu nguyện, trong tĩnh lặng không? Giữa bao công việc thế trần ồn ào huyên náo, mải miết với cơm áo gạo tiền, buổi tối thì giải trí trên màn hình, liệu chúng con có dành thời giờ để cầu nguyện không?
Lạy Chúa! giữa cuộc sống ồn ào với bao công việc hôm nay, xin cho chúng con biết mến yêu Chúa thật tình. Vì yêu mến, chúng con sẽ tìm ra thời giờ để ở lại với Chúa, cầu nguyện, lắng nghe và tìm biết ý Chúa. Xin cho chúng con biết kín múc sức mạnh từ giờ cầu nguyện và đem ra thực hành trong cuộc sống với những công việc thường nhật. Xin mặc cho chúng con tấm lòng của Chúa, để chúng con sẵn sàng đón nhận, yêu thương phục vụ những người cần đến chúng con.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Sơn Tây: Hội nghị Tổng kết công tác Mục vụ năm 2024 và Phương hướng năm 2025
Giáo hạt Sơn Tây: Hội nghị Tổng kết công tác Mục vụ năm 2024 và Phương hướng năm 2025
Vào lúc 8 giờ ngày 10 tháng 12 năm 2024, tại Giáo xứ Cần Kiệm, Giáo hạt Sơn Tây đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Mục vụ năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2025. Hội nghị có sự hiện diện của cha Tổng đại diện - Phaolô Nguyễn Quang Đĩnh, cha Quản hạt Sơn Tây - Giuse Nguyễn Văn Úy, cùng quý cha, quý tham dự viên đại diện các giáo xứ, giáo họ và hội đoàn trong giáo hạt.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log