Thứ năm, 12/09/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên B

Cập nhật lúc 08:53 20/01/2021
Suy niệm 1
Trở về với Tình Yêu phục vụ truyền giáo
Mc 1, 14-20
Thánh Marco trong bài Tin mừng hôm nay tổng hợp và trình bày toàn bộ sứ điệp của Chúa Giêsu là Tin mừng của Thiên Chúa. Tin mừng mới mẻ và lạc quan được công bố tại Galilea, miền đất giáp ranh với ngoại giáo. Như vậy, sứ điệp truyền giáo là rất quan trọng!
Khi viết Tin Mừng của Thiên Chúa, thánh sử Mat-cô dạy rằng các hoàng đế không phải là vị cứu tinh của thế giới. Vị cứu tinh thực sự là Chúa Giêsu, mà tên của Ngài có nghĩa là: "Thiên Chúa cứu". Chúa Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa và được biểu lộ như Lời hiệu quả. 
- Tin Mừng của Thiên Chúa không phải là loan báo chiến thắng của người quyền thế trước kẻ thù, của kẻ mạnh trước người yếu. 
- Tin mừng không liên quan gì đến niềm vui của người này và nước mắt của người kia. 
- Tin mừng được Chúa Kito công bố, là Đấng hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng.
- Tin mừng này được loan báo nhân danh Thiên Chúa Tình yêu đang hiện diện trong thế giới và trong lịch sử.
Khi công bố tin mừng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Câu nói này không có nghĩa là hãy ăn năn sám hối, rồi mới tin vào Tin mừng, mà đúng là: “Anh em hãy đón nhận Tin mừng với một đức tin sống động. Tất cả mọi cách suy nghĩ, ước muốn, và hành động của anh em đều phải biến đổi”!
Trở về với Chúa Kito lả nhận ra Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống. Ngài thể hiện toàn bộ tình yêu của Chúa Cha để mọi người có thể thấy được.
Tóm lại, nếu ăn năn sám hối bằng cách biến đổi con tim và tinh thần của chúng ta, chúng ta có thể tin vào tin mừng, là Thiên Chúa ở giữa chúng ta
Thánh Gioan tông đồ thánh sử cũng giới thiệu điều răn về hoán cải. Ngài yêu cầu chúng ta yêu người lân cận như Chúa Kitô yêu chúng ta, với sức mạnh niềm vui Tin mừng và loan báo tin mừng: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Nếu chúng ta trở về với Chúa Kitô, Đấng mời gọi chúng ta ở trong Ngài để niềm vui tin mừng của Ngài ở trong chúng ta, chúng ta sẽ luôn hiểu rõ hơn rằng: ý nghĩa thực sự của giới răn Thiên Chúa không phải là một nghĩa vụ mà là thông truyền tình yêuTrở về hoặc chuyển đổi là một lời mời gọi tình yêu mà Chúa Kitô gửi đến các môn đệ của Ngài để họ hiệp thông với Ngài, và đón nhận lời đề nghị tình bạn với Ngài.
Nói tóm lại, sự trở về của Kitô giáo không phải như là một mối tương quan mới với một mệnh lệnh hoặc là với các ý tưởng mới, mà là một tương quan cá nhân với Chúa Giêsu. Ngài đề nghi tình bạn của Ngài với chúng ta để chúng ta có thể khiêm nhường, vui vẻ và biết ơn đón nhận sự thật cứu độ.
Trở về, có nghĩa là ở trong Chúa Kito và theo Ngài. Ở trong Ngài và theo Ngài đó là một hoạt động. Trở về là quay về với ánh sáng vì chính Chúa Kito là ánh sáng. Vì thế, hiệp thông với Chúa Kito là bước đi theo Ngài. Chúa Kito không phải như một Lời để nghe hoặc để nói, mà là Lời dẫn chúng ta đến sự sống và chiếu soi bước đường chúng ta đi.
Thánh Mat-cô viết: Chúa Giêsu đang lúc "đi dọc theo bờ biển Galilêa, thấy Simon và em là An-rê”, Ngài nói với họ: “Hãy theo Tôi”!  Chúa Giêsu không nói với họ «Hãy học hỏi”, vì đặc tính đầu tiên của môn đệ Kitô giáo là « theo». “Theo” mà tin mừng nhấn mạnh là trước hết chúng ta không tìm thấy một giáo lý, mà là một cách sống cùng đi với Thầy, bằng cách đồng nhất với Thầy.
Theo Chúa Kitô, và theo Tin Mừng của Ngài không bao giờ là một lời mời gọi bất động, nhưng là một lời mời gọi lên đường. Lời mời gọi tin mừng là một lời mời đi ra, đi ra thế giới và đi truyền giáo. Chúa Giêsu nhìn thấy và nói với hai môn đệ, bản chất của mối tương quan mà Ngài khỏi xướng là dấu chỉ cho sự mới mẻ của Tình yêu. "Hãy theo Tôi, tôi sẽ làm cho anh em trở thành những tay thờ chài lưới người”. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu yêu cầu Si-mon và An-rê chuyển đổi không phải bằng cách hoàn thành điều mà tôi không biết gì, nhưng là theo Ngài và làm cho  sứ mệnh cứu rỗi của Chúa trở thành ơn gọi của họ.
Ơn gọi trở về, đó là đi vào mối tương quan với Chúa Giêsu, để cho mình được Ngài yêu thương, mang tình yêu và sự thật của Ngài đến với thế giới. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu yêu và yêu cầu được yêu. Sự mới mẻ của câu chuyện là khởi đầu mối tương quan tình yêu này cho phép chúng ta nếm trải tình yêu và siết chặt tình yêu đó vào từng khoảnh khắc và trong từng hành động trong đời sống chúng ta. Đây là sự hoán cải mà Chúa Giêsu yêu cầu: đừng biến cuộc sống thành một phương tiện để đạt được mọi thứ, mà là sống cuộc sống với một Tình yêu để mọi thứ trở nên sống động.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Mc 1, 14 – 20
Trình thuật của Thánh Mác cô quá vắn tắt, chỉ có phần kết mà không có phần mở. Phải đọc hết cả bốn trình thuật chúng ta mới có được câu chuyện đầy đủ và mới hiểu được cả tâm lẫn ý của Chúa. Câu chuyện đầy đủ diễn tiến như sau:
Hai môn đệ đầu tiên là Gioan và Anrê. Được Gioan Tẩy Giả giới thiệu, hai ông đến tâm sự với Chúa trong căn lều suốt hai tiếng đồng hồ. Thế là hai ông nhận ra Đức Giê su là Đấng Cứu Thế. Ngày hôm sau, Anrê dẫn ông anh là Simon đến gặp Chúa. Hôm sau nữa Chúa gọi ông Philíp. Ông Philíp lại giới thiệu Chúa cho Natanaen. Đó là năm môn đệ đầu tiên. Sáu thầy trò trở về miền Bắc và chính thức khai mạc sự nghiệp truyền giáo tại Caphácnaum.
Nhưng đáng tiếc vì ông nào cũng nặng nghĩa với gia đình, nên chỉ theo Chúa 50% thôi, nghĩa là cứ đi theo Chúa một thời gian, rồi lại về lo việc gia đình. Cả các ông lẫn thân nhân đều gãi tai xin Chúa thông cảm. Chúa thì không thông cảm, vì Ngài quyết tâm đòi hỏi người phục vụ Tin Mừng phải thoát lý gia đình 100%. Để chinh phục các đệ tử, thì lời nói không đủ, Chúa phải dùng một phép lạ.
Hôm ấy Chúa mượn thuyền của ông Phêrô và nhờ ông ngồi chống thuyền, để Ngài ngồi giảng cho thính giả đang ngồi chen chúc trên bến bờ. Giảng xong, Chúa bảo Phêrô ra khơi thả lưới. Phêrô buồn quá vì đã mệt suốt đêm không bắt được con cá nào. Bây giờ ông chỉ muốn ăn một ổ bánh, uống một xị rượu, rồi ngủ bù. Nhưng nếu không ra khơi thả lưới theo yêu cầu của Chúa, thì sợ Chúa buồn.
Đang lúc ông Phêrô hờn giỗi, vì phải vâng lời Chúa mà đi thả lưới vào lúc tuyệt vọng, thì lại trúng một mẻ cá siêu sốc: Hai thuyền đầy ắp. Thuyền đầy ắp, nhưng trọng tải là bao nhiêu? Ta có quyền lý luận rằng: Thuyền ra khơi trên hồ rộng cỡ 200 km2, thì phải lớn và trọng tải phải tương đương với 2 tấn. Mỗi thuyền 2 tấn thì 2 thuyền là 4 tấn. Giá một ký cá hiện nay trên dưới 80.000đ/1kg, thì tổng giá là 320.000.000đ mẻ cá này gây sốc cho ông Phêrô và các bạn của ông. Thế là các ông sẵn sàng thoát ly gia đình 100% để phục vụ cho Tin Mừng 100% công sức và thời giờ.
Phép lạ này được coi là phép lạ duy nhất được thực hiện không phải vì bác ái, vì niềm tin, mà vì ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ.
Phép lạ lớn lao này nói lên cái tâm của Chúa. Ngài thao thức có nhiều người sẵn sàng thoát ly gia đình để đi tu và đi tu để dành trọn cuộc đời cho công việc loan báo Tin Mừng. Chúa thì thao thức như thế; còn các bậc làm cha mẹ có thao thức khuyên nhủ và khích lệ con cái đi tu không? Chúa thì bức xúc như thế, nhưng giới trẻ trong các giáo xứ có bức xúc làm vui lòng Chúa không? Đó là điều mà mọi người chúng ta phải ngẫm nghĩ, phải hối hận và quyết tâm thay đổi lập trường: không chỉ theo Chúa 50 - 50 mà phải 100%.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=====================
Suy niệm 3
Cống hiến cuộc đời phụng sự Chúa
Mc 1,14-20
Khi Chúa Giê-su “thấy ông Si-môn với người anh là An-rê, đang quăng lưới xuống biển, Ngài bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài.
Đi xa hơn một chút, Ngài thấy ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an đang vá lưới ở trong thuyền, Ngài liền gọi các ông. Các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Ngài (Mc1,14-20).
Đối với nhiều người, nghề nghiệp quan trọng nhất đời, nghề nghiệp mang lại tiền bạc, lợi nhuận, cung ứng cho con người rất nhiều tiện ích. Bỏ một nghề béo bở, thu nhập cao là điều dại dột chẳng ai làm.
Nghề chài lưới trên biển hồ Ga-li-lê là nghề ổn định đem lại no đủ, hạnh phúc cho gia đình, dễ gì bỏ được. Thế mà khi nghe lời kêu gọi của Chúa Giê-su, Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê và Gioan đã sẵn sàng buông bỏ hết để phụng sự Chúa Giê-su.
Hôm nay, nếu Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta bỏ việc nhà để lo việc Chúa, chúng ta sẽ ứng xử ra sao?
Có người sẽ trả lời: “Lạy Chúa, con còn phải lo công việc gia đình, kiếm cơm áo gạo tiền nuôi vợ nuôi con. Chừng nào gia đình ổn định, con cái học thành tài, có cơ nghiệp hẳn hoi, mọi sự đâu vào đó cả… thì con sẽ làm việc Chúa sau.”
Nếu ai cũng trả lời như thế thì Giáo hội Chúa không bao giờ được phát triển, các linh hồn không được cứu độ, muôn dân không thể đón nhận Tin mừng và đạo thánh Chúa sẽ dậm chân tại chỗ.
Trong thời gian kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng, người dân quê tôi sống được là nhờ các vồng khoai, nương sắn.
Những dây khoai lang cố vươn mình ra, đâm nhiều chồi nhánh, cố tạo cho có thật nhiều củ ngon; Những cây khoai mì cố gắng vươn cao, phơi mình dưới ánh sáng mặt trời để quang hợp, để đón những cơn mưa trời… để tạo thật nhiều củ lớn… Những dây khoai, luống sắn đã nỗ lực đêm ngày để giúp người dân nghèo được no cơm ấm áo, trẻ nhỏ được cắp sách đến trường, người đau bệnh có thuốc men…
Đẹp thay những cống hiến âm thầm nhưng rất cần thiết đó!
Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của những loài cây lương thực, còn có những con trâu ngoan ngoãn kéo cày, những cặp bò cặm cụi kéo xe… từ hừng sáng đến hoàng hôn, để cống hiến thêm cho dân nghèo những bữa ăn nhiều dinh dưỡng, những chi phí về thuốc men, sách vở bút mực cho học sinh đến trường, những nhu yếu phẩm trong đời sống hằng ngày.
Đẹp biết bao, cần thiết biết bao những cống hiến kiên trì, âm thầm nhưng cũng rất đáng trân trọng đó!
Những vồng khoai, luống mì cũng như những gia súc trên đây chẳng được hưởng gì nhiều từ người chủ, nhưng đã cống hiến hết năng lực của mình để mang lại phúc lợi cho chủ.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã cống hiến cho “Chủ” của mình thế nào?
Chủ của chúng ta là Thiên Chúa. Ngài ban cho ta vô vàn hồng ân không kể xiết, chúng ta đã làm gì để đáp lại ơn nghĩa của Ngài?
Chúa sinh chúng ta làm người tuyệt vời chứ không phải làm thú vật, cây cối; Chúa ban cho ta từng hơi thở, từng hớp nước và tất cả những gì cần để được sống an vui khỏe mạnh như ngày hôm nay ; Chúa ấp ủ chúng ta với vô vàn tình yêu và ân sủng ; thậm chí còn ban cho chúng ta sự sống đời đời hạnh phúc viên mãn trên thiên quốc…
Vậy thì chúng ta đã làm gì để đền ơn đáp nghĩa, để cống hiến cho Chúa, để phụng sự Chúa chưa?
Chúa kêu mời chúng ta giới thiệu Ngài cho người khác, giúp họ nhận biết và yêu mến Chúa, chúng ta có sẵn sàng bỏ bớt công việc riêng tư của mình để làm việc cho Chúa chưa?
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin thắp lên ngọn lửa nhiệt thành trong lòng chúng con như Ngài đã làm cho các tông đồ xưa, để chúng con biết ưu tiên lo việc Chúa trước việc riêng của chúng con; ưu tiên lo cho Hội thánh hơn là lo việc nhà; dành nhiều nỗ lực cho việc cứu độ các linh hồn hơn là lo cho những nhu cầu bản thân.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 4
Theo Chúa Giêsu, sám hối để hiệp nhất

(Mc 1, 14-20)

Bước vào Chúa nhật thứ III thường niên, chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan xong, được Gioan giới thiệu cho mọi người biết Người là : "Chiên Thiên Chúa" (Ga 1, 29). Ông bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, một hành động diễn tả sự liên tục giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, với sứ điệp: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm" (Mc 1, 14).
Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến
Viên cai ngục của Hêrôđê tra tay bắt Gioan Tẩy Giả tống ngục. Sứ mạng, lời rao giảng cũng như phép rửa của Gioan chấm dứt, thời giờ đã mãn, Đức Giêsu xuất hiện. Không như Gioan, Chúa Giêsu không đến để thay đổi phép rửa thống hối, sứ mệnh của Người là loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tin Mừng Người loan báo không phải là "tin mới" hay tin mừng như bao tin mừng. Chúa Giêsu nhân danh Thiên Chúa loan báo Tin Mừng, Người chính là Tin Mừng, là Lời Thiên Chúa, Lời cứu rỗi, là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người.
Gioan loan báo thời mới sẽ đến, thời viên mãn. ‘Thời khác’ là chính Chúa Giêsu, thời của Gioan và thời của Chúa Giêsu nối liền với nhau không có sự gián đoạn.
Gioan đã lãnh nhận sức thiêng khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giorđan. Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Gioan đổ nước. Chúa Cha chứng nhận Chúa Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.
Từ " gần đến " phải được hiểu là: " Ở bên anh em ". Người ở giữa chúng ta. Chúa Giêsu đã nói với một viên ký lục khi hỏi Chúa về hai điều răn trọng nhất: " Ngươi không còn xa Nước Thiên Chúa đâu " (Mc 12, 34).
Hãy theo Ta
Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển. Chúa gọi hai ông, biến các ông thành những người cộng tác. Chúa không chỉ ủy thác cho họ một học thuyết, nhưng biến họ, những người lưới cá thành những kẻ lưới người, quăng Lời Chúa vào thế gian để đánh bắt người, đưa người ta lên bờ cho Chúa, đúng như lời Chúa Giêsu nói: "Ta sẽ làm cho các người trở thành những kẻ chài lưới người" (Mc 1, 17).
Giacôbê và Gioan đang xếp lưới trong thuyền với cha mình cùng với các người làm công. Một sự tương phản Marcô đã quan sát và làm nổi bật. Simon và Anrê đã bỏ lưới. Giacôbê và Gioan đã bỏ cha. Hai người con bỏ lại cha với những người đang làm việc không phải vì tình nghĩa con cái hay gia đình, nhưng là vì đồng tiền bát gạo. Marcô sử dụng thuật ngữ " người làm thuê " mà chúng ta dịch là "người làm công". Hai người con " bỏ cha", thay vì ở bên cha, nay thay bằng " theo sau Chúa Giêsu" (x. Mc 1, 20).
Những ngư phủ đến với Chúa Giêsu, đã trở thành những kẻ đánh bắt người như lời Chúa phán :  " Này Ta sai ngư phủ đến … và họ sẽ (vung) lưới bắt chúng" (Gr 16, 16). Nếu Chúa sai những người khôn ngoan tới, họ sẽ thuyết phục dân, hoặc bắt lấy dân. Nếu Chúa gửi những người giầu đến, họ sẽ dùng tiền mua chuộc dân và thống trị dân. Nếu Chúa gửi những người khỏe mạnh đến, họ sẽ dùng sức mạnh dụ dỗ dân và cưỡng bức dân bằng bạo lực.
Không có ai trong số các tông đồ là những người ấy. Simon Phêrô là một bằng chứng. Ông nhút nhát, đến nỗi sợ cả một đầy tớ nữ; ông nghèo không có gì, thậm trí cả tiền thuế cũng không có (Mt 17, 24). Phêrô nói: "Bạc vàng tôi không có " (Cv 3,6). Và ông là người ít học, nên từ khi chối Chúa, ông cũng chẳng biết rút ra bài học.
Những kẻ đánh cá được Chúa Giêsu chọn và sai đi, họ ra đi và đã mang lại kết quả mĩ mãn hơn cả những kẻ mạnh, người giầu có và khôn ngoan. Với giáo lý Chúa dạy, họ đã thu hút nhiều người mà không cần bạo lực; phận nghèo khó, họ đã dạy dỗ những kẻ giàu có; là người dốt nát, họ huấn giáo những kẻ khôn ngoan.
Bước theo Chúa Giêsu cần phải sám hối để hiệp nhất
Chúa Giêsu gọi các môn đệ của mình "ăn năn sám hối"(Mc 1, 15).  Sám hối là đi từ đời sống tội lỗi sang đời sống con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng, từ bóng tối ra ánh sáng. "Sám hối vì nước Thiên Chúa đã gần đến" (Mc 1, 15) vẫn luôn có tính chất thời sự của Tin Mừng. Quyết tâm sám hối trở về cùng Chúa là con đường dẫn đưa Giáo Hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định.
Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Chúa. Hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng. Các cuộc gặp gỡ đại kết trong thời gian gần đây gia tăng trên thế giới là một dấu chỉ chứng tỏ điều đó.
Trước giờ Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 23/1/2011, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra lời kêu gọi sau đây : " Ngày nay cũng vậy, để trở thành dấu chỉ và phương thế kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong thế giới, các tín hữu Kitô chúng ta phải xây dựng cuộc sống trên 4 cột trụ, đó là: cuộc sống trên nền tảng đức tin của các Tông Ðồ được chuyển lại trong Truyền Thống sinh động của Giáo Hội, tình hiệp thông huynh đệThánh Thể và kinh nguyện. Có thế, Giáo Hội mới được kết hiệp bền vững với Chúa Kitô và chu toàn sứ mạng của mình, dù có những chia rẽ như thánh Phaolô Tông Ðồ nói đến: "Hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý trong lời nói, để không có sự chia rẽ nơi anh em, nhưng hãy kết hiệp trọn vẹn trong tư tưởng và cảm thức" (1 Cr 1,10). Thực ra thánh nhân đã biết trong cộng đoàn Kitô ở Côrintô, đã nảy sinh những bất thuận và chia rẽ; vì vậy, ngài nghiêm nghị viết thêm rằng: "Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ sao?" (1,13). Ngài quả quyết mọi chia rẽ trong Giáo hội là làm xúc phạm đến Chúa Kitô, Thủ Lãnh duy nhất và là Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hiệp nhất, nhờ sức mạnh vô tận của ơn thánh Chúa.
Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi loại bỏ gương mù chia rẽ nơi chúng ta để mang sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho sớm đến ngày Giáo Hội được hoàn toàn hiệp nhất. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=====================
Suy niệm 5

LỜI MỜI GỌI

Kính thưa quý bà và anh chị em rất thân mến! Sống trong xã hội đầy dãy lời mời gọi này, lời kêu mời kia, chúng ta dường như bị cuốn vào dòng xoáy của biết bao quảng cáo, giới thiệu, quảng bá, kể cả khẩu ngữ tuyên truyền sáo rỗng. Với xa lộ thông tin thật thật giả giả tràn lan, khiến chúng ta bối rối, hoang mang, và đôi lúc chẳng thể nào đưa ra nhận định đúng đắn!
Chắc chắn, thời Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng không có những chương trình chiến lược quảng bá, khuyến mãi, giới thiệu như bây giờ. Cho nên, phương tiện kêu mời, thu hút sự chú ý của người nghe chủ yếu là lời nói, ngôn từ kèm theo cử chỉ, động tác cơ thể; hoặc sai người nào đại diện thay thế để mời gọi.
Chính vì vậy, khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đưa ra lời mời căn nguyên và trọng yếu trước khi kêu mời những môn đệ bước theo Ngài: “Thời giờ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Lời kêu mời tuy ngắn ngủi, vắn tắt, nhưng chứa đựng toàn bộ lời mời gọi của Thiên Chúa đối với dân Is-ra-el trong thời Cựu ước, cũng như trong thời Tân ước, đặc biệt được đề cập trong các thư của Thánh Phao-lô. Như xưa, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Giô-na gọi mời dân thành Ni-ni-vê ăn năn, hoán cải, trở về với Chúa. Thú vị thay, Ni-ni-vê chẳng phải là dân Is-ra-el (hoặc Ni-ni-vê thường được gọi dân ngoại), và tiên tri Gio-na là người Is-ra-el, không ưa gì dân ngoại. Dĩ nhiên, vì chẳng ưa gì dân Ni-ni-vê, nên thoạt đầu, ông từ chối đến thông truyền lời kêu mời của Thiên Chúa cho dân ấy, và càng không muốn dân này được Thiên Chúa tha thứ. Tuy nhiên, sau sự kiện trọng đại, trên đường chốn Chúa, ông vẫn phải quay trở lại thành và kêu mời dân Ni-ni-vê ăn năn sám hối. Chuyện tiên tri Gio-na không mong muốn, không trông chờ lại diễn ra, đó là: “dân ngoại Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (x. Gn 3, 5). Hơn thế, Thiên Chúa thấy việc họ bỏ đường gian ác mà trở về, Ngài đã bao dung tha thứ.
Tương tự, lời nhắn nhủ tha thiết, thúc giục giáo đoàn Cô-rin-tô của Thánh Phao-lô cũng vậy “thời giờ vắn vỏi…những kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi” (x. 1Cr 7, 29.31). Có lẽ ở đời này, những hành động: lấy vợ gã chồng, khóc than, hân hoan, mua sắm, tận hưởng cuộc sống…như được đề cập là cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, nếu so với lời kêu mời ăn năn, hoán cải, trở về với Thiên Chúa thì tất cả những việc trên chẳng nghĩa lý gì, đặc biệt, trong thời điểm quyết định “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1Cr 7, 29), nên thánh nhân đã khuyên: hãy chú tâm đến lời mời gọi ăn năn, quay trở về với Chúa, hơn những gì được xem là trọng yếu và cần thiết trên, “từ nay ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng…” (x. 1Cr 7, 29-30).
Một cách rõ ràng hơn, lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su không lời nào khác ngoài sự kêu mời: “thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Ngài không nói: “hãy tin vào Tin Mừng và ăn năn sám hối!”. Hơn nữa, việc “ăn năn hoán cải, và tin vào Tin Mừng” phải được thực hiện ngay bây giờ và ngay lúc này, chứ không lần lựa, do dự, trì hoãn. Tâm tình nhận lỗi, thú nhận thiếu xót khiến chúng ta bước tới hành động quay về với Chúa, quay về với chân lý. Tâm hồn ngay thẳng đưa đôi chân chúng ta tiến tới thái độ muốn hoà giải, mong được thứ tha. Tâm tư xót xa lỗi tội khiến chúng ta hối cải, hoán đổi và sám hối. Những hành vi này đã là một tin vui, tin hân hoan, và tin thánh ân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, chưa trọn vẹn; mà hơn thế, đón nhận, tin vào và sống Tin Mừng nữa. Trong đời sống thường nhật, chúng ta rất nhanh nhẹn đáp lời mời của bạn bè, của xã hội, của mọi nhu cầu của gia đình và bản thân; ngược lại, chúng ta lại trì hoãn, do dự đáp trả lời mời gọi của Chúa qua Giáo hội, qua cộng đoàn, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua các biến cố, qua người này người kia. Chúng ta có xu thế coi trọng mọi điều khác, nhưng lại xem nhẹ lời kêu mời của Chúa. Đôi lúc, chúng ta cũng như ngôn sứ Gio-na không vui, không muốn người khác được Chúa tha thứ, bỏ qua và tệ hơn chẳng chịu hoán cải trở về như dân thành Ni-ni-vê đã lắng nghe, trở về.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta thật sự xét mình, nhìn lại quảng đường đã qua, cũng như kiên quyết đáp lại lời kêu mời của Chúa mỗi ngày “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” với tinh thần nhanh nhẹn, không trì hoãn như cặp đôi anh em Thánh Phê-rô và Thánh Gia-cô-bê đã sẵn sàng bước theo tiếng Chúa mời gọi.

                        Lạy Chúa, xin đừng để con trì hoãn

                        Nhưng luôn kiên vững chứa chan sẵn sàng.

                        Đừng để con biện minh với (sự) bất toàn

                        Nhưng hằng hăng hái, bình an tâm hồn.

                        Ăn năn sám hối, tin vào Phúc Âm

                        Dù cho ngày tháng thăng trầm trôi qua

                        Vẫn luôn son sắt một đời thiết tha

                        Thực thi Lời Chúa, câu ca ân tình. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

======================
Suy niệm 6
“Hãy theo Thầy”

Đọc Phúc Âm ta nghe âm vang lời mời gọi “Hãy theo Thầy”. Tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn để lại những âm vang làm chuyển biến cuộc đời. Những ngư phủ đã trở thành Tông đồ. Những kẻ chuyên nghề đánh bắt cá đã trở nên người chuyên nghiệp bủa lưới các tâm hồn.
Tin Mừng hôm nay kể chuyện: Chúa đi ngang qua, Chúa thấy, Chúa gọi, bốn môn đệ đầu tiên đang làm công việc hàng ngày như mọi ngày, và họ đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa.
Bốn môn đệ đầu tiên là hai cặp anh em: Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Chúa gọi các môn đệ đang lúc họ chài lưới và vá lưới trong thuyền. Có lẽ, loanh quanh làng quê, chưa bao giờ các ông đưa mắt nhìn xa quá tầm mắt quen thuộc với những công việc thường ngày. Bây giờ Chúa Giêsu đến mời gọi các ông nhìn lên cao hơn và xa hơn. Ngài chỉ cho các ông thấy thế giới như biển cả mênh mông, phải vượt khắp đó đây để thực thi sứ mệnh đem các linh hồn về cho Chúa.
Tại sao Chúa Giêsu gọi bốn người môn đệ đầu tiên toàn là dân làm nghề lưới cá? Và công việc Chúa sẽ trao cho họ cũng được ví như việc đánh cá: “lưới người”.
Họ là những người làm nghề chài lưới "ăn với sóng, nói với gió", họ quen chịu giá rét biển khơi, từng trải giữa sóng gió. Vì cuộc hành trình theo Chúa sẽ có rất nhiều chướng ngại và thử thách đang chờ đợi phía trước. Là ngư phủ lăn lộn với sóng gió ngày đêm, với kinh nghiệm ngư trường, họ phải vượt qua mọi khó khăn vất vả để có thể thu hoạch được nhiều cá tôm. Người ngư phủ có phẩm chất là không ngại gian truân, sẵn sàng hy sinh trong mọi công việc hàng ngày. Vì thế, Chúa đã gọi đã chọn những ngư phủ làm môn đệ.
Ở lại với Chúa và được Chúa sai đi, làm nên hai chiều kích căn bản của đời sống người môn đệ. Cầu nguyện và hoạt động là hai chiều kích đan xen vào nhau trong mỗi ngày sống của những người theo Chúa.
Vậy để có thể theo Chúa cho trọn vẹn, người môn đệ cần phải đi theo hành trình ba bước.
1. Hiểu Biết Chúa
Người đời thường nói: “vô tri bất khả mộ”, không biết thì không mộ mến. Nếu không biết Chúa, thì làm sao mộ mến và theo Chúa được? Vì thế, điều kiện để theo Chúa thì phải hiểu biết Chúa. Nhưng hiểu biết Chúa thì khác với sự hiểu biết về một con người bình thường. Hiểu biết Chúa ở đây có nghĩa là đã gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm thấy chính Ngài là sự cuốn hút họ, là sức sống của họ, và họ không muốn tách rời khỏi Ngài.
Sự hiểu biết này Thánh Phaolô coi trọng đến độ ngài sẵn sàng đổi mọi sự trên trần đời để có được nó như chính lời ngài đã thốt lên: “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thời. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thời so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người, được thông phần những đau khổ của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (P1 3,7-10).
2. Yêu Mến Chúa
Có hiểu biết thì dễ đưa đến yêu mến và yêu mến thì dễ hiểu biết. Một bằng chứng cụ thể là hai người yêu mến nhau thì chỉ cần một cái nháy mắt là người ta hiểu nhau muốn những gì. Cũng vậy, môn đệ không thể yêu mến Chúa nếu không hiểu biết Ngài. Sự hiểu biết của môn đệ với Chúa càng thâm sâu thì lòng mến càng nồng nàn. Yêu mến và hiểu biết luôn tỉ lệ thuận với nhau. Không hiểu Thầy, không gặp Thầy, không mến Thầy thì làm sao có thể theo Thầy. Việc theo Thầy bao hàm một thái độ tin yêu, mến phục thì mới quyết tâm theo Thầy. Vì vậy, việc theo Thầy là kết quả của một sự tin yêu biến thành hành động và tất yếu là một cuộc thuộc trọn về người mình yêu mến.
3. Đi Theo Chúa
Nghe tiếng Chúa kêu gọi, các ông đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thiết thân nhất trong đời sống như nghề nghiệp và phương tiện sinh sống cùng với những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên. Từ nay các ông sẽ có những bận tâm khác với những lo lắng trước đây. Các ông rời bỏ quê hương làng xóm, nơi chôn nhau cắt rốn, để đi đến những nơi Thầy sẽ sai đến. Quê hương các ông bây giờ là thế giới. Ai muốn theo Chúa thì phải dứt khoát: “Đã cầm cày không có ngoái cổ lại”; “Ai không sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em, ruộng vườn…thì không xứng đáng là môn đệ Thầy”; “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”... Tất cả những điều này cho thấy Chúa muốn những ai theo Chúa phải thuộc về Chúa. Theo Chúa cần thiết: “Phải từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”.
Các môn đệ đi theo Chúa với niềm xác tín và không cần phải hỏi xem Ngài sẽ dẫn mình đi đâu và tương lai sẽ thế nào. Các môn đệ đi theo Chúa và đồng lao cộng khổ với Ngài. Các môn đệ đi theo Chúa để lãnh nhận lời giáo huấn, lấy đó làm mẫu mực cho đời sống mình, tuyên xưng đức tin và truyền bá Tin Mừng cho mọi người. Đọc các thư Thánh Phaolô chúng ta đều thấy một tâm hồn sung mãn niềm vui vì được theo Chúa Kitô dầu có phải trăm ngàn nguy khốn.
Ơn gọi phát xuất từ sáng kiến của Chúa Giêsu, chính Ngài gọi và gọi các môn đệ ngay trong môi trường làm việc của họ, trong lúc họ đang làm việc thường nhật. Người được gọi đã đáp bằng việc từ bỏ tất cả để theo Ngài. “Hãy theo Thầy”, Chúa Giêsu gọi các môn đệ không phải trong khuôn khổ một lễ hội tôn giáo hoặc một hoạt động tâm linh, nhưng ở giữa đời sống mỗi ngày của họ, trong lúc họ đang làm công việc nghề nghiệp. Bốn tông đồ đầu tiên nói riêng và tất cả các tông đồ nói chung, đã đáp trả lời mời gọi ấy của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn. Các ông đã đi theo Chúa, sống bên Chúa, chứng kiến mọi việc Chúa làm, ghi nhớ những lời Chúa giảng dạy. Và khi Chúa về trời, các ông nhiệt thành rao giảng về Chúa và giáo huấn của Chúa cho đến chết. Đó là đường lối mà các tông đồ đầu tiên và các thế hệ tông đồ kế tiếp nhau đã làm đổi thay bộ mặt thế giới cho tới ngày nay.
Lời mời gọi “Hãy theo Thầy” ngân vang trong nhịp sống Giáo hội và là thông điệp gửi đến chúng ta hằng ngày. Thực tế chúng ta có quan tâm lắng nghe và đáp trả không? Mỗi người  được Chúa gọi rất nhiều lần trong cuộc đời! Ngài gọi chúng ta qua tiếng lương tâm, qua các dấu chỉ, qua những sự kiện, biến cố, qua những người này hay người kia...Ngài mời gọi chúng ta thi hành bác ái, yêu thương người nghèo, hoán cải, sống công chính và trung thành với đức tin... Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã không nhạy bén đủ, hay cũng có những lúc không muốn đáp lại lời mời gọi đó và viện đủ mọi lý do để khước từ!
Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta là Kitô hữu. Sống ơn gọi cao cả ấy là tin những điều Giáo hội dạy, giữ những điều răn Chúa và Giáo hội truyền, và thực hành đức ái. Dù ở bậc sống nào, dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng là những tông đồ của Chúa qua cuộc sống chứng nhân của mình.Đời sống tốt đẹp làm thay đổi được nếp sống của những người chung quanh, có thể thay đổi được vận mệnh của người khác giup cho họ biết Chúa, yêu mến và tôn thờ Ngài.
Theo Chúa là một hành trình của tình yêu. Chúa Giêsu có một sức hút lạ thường lôi kéo chúng ta về phía Ngài. Nếu để cho Ngài lôi kéo, chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên tuyệt diệu. Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Ðiều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. “Hãy theoThầy” là tiếng gọi âm vang trong suốt hành trình cuộc đời mỗi người.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=====================
Suy niệm 7
Chúa gọi

Gn 3,1-5.10; 1Cr 7, Mc 1,14-20

“Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông Anrê, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê,  và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.” (Mc 1, 16-20).
Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu gọi bốn ngư phủ đầu tiên làm môn đệ. Người gọi các ông ngay trên đường đi dọc theo biển hồ, khi họ đang quăng chài, vá lưới. Lời mời gọi thật giản đơn, với tương lai được đổi nghề lưới cá thành “lưới người”. Các ông đáp lại thật mau mắn và ngay tức khắc. Họ sẵn sàng bỏ lại nghề đang gắn bó, bỏ lại cha để đi theo Người.
Đức Giêsu chọn và gọi các ông là những kẻ làm nghề lưới cá. Người vẫn muốn họ dùng chính kinh nghiệm lưới cá của mình để quăng những mẻ lưới mới như Thiên Chúa muốn. Mẻ lưới tình thương, mẻ lưới cứu độ. Người gọi các ông đi theo và ở với Người, ở bên Người, cùng ăn uống ngủ nghỉ, được nghe Người giảng dạy mỗi ngày, được chứng kiến bao nhiêu phép lạ nhãn tiền. Người còn đưa các ông vào cuộc tử nạn để các ông “thấy” mọi gian nan thử thách cho đến khi Thầy sống lại. Các ông được “tắm rửa” trong Máu Con Chiên và trở nên con người mới can đảm, khác hẳn con người cũ trước kia.
Ngày hôm nay chúng con không được Chúa gọi trực tiếp như các môn đệ xưa, nhưng là gián tiếp qua trung gian người khác và trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn, dù chúng con là ai hay làm nghề nghiệp gì. Khi Người gọi các môn đệ không phải để các ông tự xoay xở làm lấy, mà chính Người, “tôi sẽ làm cho các ông”. Chúng con hôm nay thường bị cám dỗ tự lo cho mình, trang bị kiến thức, xếp đặt chương trình... trước không để Chúa lo, nên nhìn vào khả năng riêng thấy sợ mà chối.
Nhưng nếu chúng con mau mắn đáp lời mời gọi, đến “ở với Người và trong Người”. Một khi có Chúa ở cùng, chúng con được hạnh phúc sung mãn, được nếm cảm Nước Trời ngay tại thế. Niềm vui hoan lạc Nước Trời tỏa ra nơi những chứng nhân, nên hấp dẫn và thu hút được nhiều người khác. Như thế Chúa cũng làm cho chúng con trở thành những kẻ “lưới người” như các môn đệ.
Lạy Chúa! Chúa đã chọn chúng con với những khả năng và hoàn cảnh riêng, như Chúa đã chọn các môn đệ hôm nay. Xin biến đổi làm cho chúng con thành chứng nhân như những môn đệ đầu tiên, để có thêm nhiều người nhận biết, yêu mến Chúa và trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hướng về bà con vùng lũ “miền thập tỉnh” Giáo phận Hưng Hóa
Hướng về bà con vùng lũ “miền thập tỉnh” Giáo phận Hưng Hóa
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, mực nước tại các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Cầu… đang tiếp tục dâng cao, gây ra nguy cơ ngập lụt và sạt lở trên diện rộng tại nhiều địa phương trong Giáo phận Hưng Hóa.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log