Thứ bảy, 27/07/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 28 Thường niên - Năm A

Cập nhật lúc 09:04 12/10/2023
Suy niệm 1
Mt 22, 1 – 14
Một ông vua tổ chức tiệc cưới cho thái tử. Các thân hào nhân sĩ, các nhân vật vị vọng trong nước được mời tham dự. Ai cũng nghĩ rằng đó là một bữa tiệc hoành tráng ngàn năm một thuở. Ai ngờ khi mâm cỗ đã được chuẩn bị sẵn sàng, khách mời không ai thèm tới. Tiền sảnh vắng te. Hớ. Ông vua thay vì ngước mắt nhìn trời, thì phải gục mặt xuống nhìn hai bàn chân.
Ông vua tức giận, cho lính đi trừng trị bọn khách vị vọng, rồi cho lính ra các ngả đường lùa dân vô danh vào ngồi kín các bàn cỗ. Nỗi nhục của vua tạm lùi bước, niềm kiêu hãnh bắt đầu vươn lên. Bỗng vua thấy có một người ăn mặc bầy hầy, bèn ra lệnh trục xuất và trừng phạt.
Một dụ ngôn hài hước, mô tả một đám cưới hy hữu không thể có thật trên dòng lịch sử; nhưng lại nói lên một sự thật đau buồn tê tái của việc khai mạc công tác loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu. Khi Chúa đi truyền đạo, thì thính giả được chia thành hai. Thành phần thứ nhất là giới lãnh đạo Do Thái, cụ thể là các ông Pharisêu. Chúa giảng ở đâu thì đều có mặt của các ông Pharisêu. Họ đến nghe để rình mò, để bắt bẻ, để tìm cách kết án tử hình. Thành phần thứ hai là quần chúng bình dân. Họ ồ ạt đi nghe Chúa giảng, xin Chúa trị bệnh và trừ quỷ. Họ đeo đuổi Chúa như giới hâm mộ của siêu sao. Thậm chí Chúa không còn thời giờ nghỉ ngơi, ăn uống và tắm rửa. Khi Chúa muốn tĩnh tâm, cầu nguyện hoặc nghỉ ngơi, thì phải trốn lên núi, trốn đến miền đất của dân ngoại.
Quần chúng hâm mộ theo Chúa thì trùng trùng điệp điệp như thế, nhưng vẫn có người vô tâm vô tình. Chúa ví von những người này như người vào tham dự tiệc cưới của triều đình mà vô tình không mặc áo cưới. Người vô tình cụ thế thứ nhất đó là Giuđa Ítcariốt. Anh theo Chúa, nhưng lại coi Chúa như phương tiện thuận lợi để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền. Người vô tình cụ thể thứ hai là nhóm 72. Họ theo Chúa, họ đi truyền giáo, tức là có loan báo Tin Mừng thật. Nhưng cuối cùng thì họ bỏ Chúa gần hết. Tin Mừng theo thánh Gioan chương 6, câu 66 nói rằng: “Họ bỏ Chúa luôn và không trở lại nữa”. Lý do gì mà họ bỏ Chúa? Chỉ vì câu nói “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống đời đời”; và một câu mạnh mẽ hơn: “Ai không ăn thịt tôi và không uống máu tôi, thì không có sự sống muôn đời”. Không những họ bỏ Chúa, mà còn ném vào mặt Chúa một câu nói không còn tình nghĩa Thầy – trò gì nữa. Câu nói ấy là: “Lời gì mà chói tai như vậy, mà mà nghe cho nổi.”
Lịch sử cứu độ của Chúa cũng có những chuyện buồn tê tái như ông vua bị khách tiệc chê không thèm đến dự tiệc cưới. Có những người vì sợ chết mà đã bỏ đạo Chúa. Có những người vì sợ mất công ăn việc làm, vì sợ mất địa vị lãnh đạo mà không dám xưng mình là kitô hữu, không dám đi lễ, không dám làm dấu thánh giá. Tất cả những người này đều là “khách được mời” mà không thèm đến dự tiệc. Cũng có những người vì ham bài bạc, xì ke ma túy mà bỏ lễ Chúa nhật, bỏ đọc kinh gia đình. Họ cũng là khách được mời dự tiệc cưới mà tìm cách từ chối… Nỗi buồn của ông vua tổ chức tiệc cưới cho thái tử bị hớ, bị nhục, bây giờ cũng đang xảy ra trong Giáo hội đấy. Mong mọi người ngẫm nghĩ và cẩn trọng.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

==============
Suy niệm 2
TÌNH YÊU BỊ TỪ CHỐI

Mt 22, 1-14
Một ông vua mở tiệc cưới cho con mình và sai các đầy tớđi mời các quan kháchđến dự tiệc. Các đầy tớ đến mời lần thứ nhất, họ không đến. Chủ lại cho nhóm đầy tớ khác đến mời lần thứ hai, nhưng họ không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Ta có thể gọi tên của dụ ngôn này là “Tình yêu bị từ chối”: Thiên Chúa bị từ chối khi mời gọi con người đến tham dự niềm vui Nước Trời.
Chúng ta dễ có một hình ảnh về Thiên Chúa thật nghiêm khắc, cấm đoán, hay trừng phạt. Ở đây ta bắt gặp một Thiên Chúa tha thiết muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cho con người.Ngài cần con người đáp lại lời mời đóđể tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Qua dụ ngôn ta có cảm thấy được nỗi chờ mong của Thiên Chúa khi khách được mời không đến?Ta có cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi con người hờ hững trước bữa tiệc mà Ngài đã đặt vào đó cả tấm lòng?
Dân Do Thái được Thiên Chúa chính thức mời dự tiệc,nhưng họ đã khước từ và giết cả các ngôn sứ được sai đến. Họ không cảm thấy được vinh hạnh mà còn khinh thường và xúc phạm nặng nề, một sự phụ bạc trắng trợn trước tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Cũng giống như người Do Thái, chúng ta dễ đưa ra nhiều lý do để thoái thác không muốn đến với Chúa, không muốn đáp lại lời mời gọi tình yêu của Chúa. Các lý do từ chối có thể gom lại 2 loại lo làm ăn và lo hưởng thụ. Vì mê làm ănnên ta không còn quan tâm gì đến lời mời gọi của Chúa, vì quá lo hưởng thụ đời này nên ta chẳng còn ham chuộng hạnh phúc đời sau.
Con người thời nào cũng thế, dễ chạy theo lối sống thực dụng, đánh mất tính cách cao quí và khả năng vươn cao tỏa sáng của đời mình. Những lợi lộc trước mắt khiến người ta mờ mắt, không còn thấy được những điều cao trọng Chúa dành cho mình. Thế là bữa tiệc linh thánh vốn dành cho khách quýlà những người được tuyển chọn, nay trở thành bữa tiệc dành cho tất cả mọi người không trừ ai, bất luận người tốt hay kẻ xấu, trong đó có chúng ta hôm nay, được mời gọi và gia nhập Hội Thánh Chúa qua Bí tích Rửa tội. Ðược làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánhlà một ân huệ trên hết mọi ân huệ, nên trước hết ta phải tận dụng mọi cơ hội để sống thuộc về Chúa.
Tuy nhiên, trên đời sống đạo thực tế, chúng ta cũng dễ thoái thác trước lời mời của Chúa, không muốn đáp lại tình yêu của Ngài, mà chỉ lo được những điều mình muốn được; chỉ lo sống những điều mình muốn sống, mà không biết rằng mình đang chạy theo những cái bóng,chứ không phải thực tại của một khát vọng thâm sâu. Bên ngoài ta thờ phượng Chúa nhưng bên trong vẫn mơ mộng hão huyền. Ta có nhiều thứ ưu tiên nên việc đến gặp Chúa bị đẩy xuống hàng thứ yếu.Lý do cũng vẫn là danh, lợi, thú. Chúng ta dễ sống với những cái trước mắt và mau qua, mà quên mất tương lai sẽ đến. Nhưng Chúa vẫn kiên trì và tiếp tục gọi mời, để một lúc nào đó ta chợt nhận ra lẽ sống đích thật của đời mình.
Dù Chúa vẫn sẵn lòng chờ đợi ta, nhưng hãy nhớ, thời gian không chờ đợi ai, kẻo một phút sa chân là ngàn đời ân hận.Thật ra, Chúa không trách ta lo làm ăn và phát triển cuộc sống, nhưng lo đời này đến nỗi quên bẵng đời sau; lo những cái phụ thuộc đến nỗi quên điều chính yếu; lo đủ thứ những cái bên ngoài mà quên mất lòng tin mến bên trong, khác nào như năm cô khờ dại đi đón chàng rểlo mang đèn mà không mang dầu, làm trễ mất chuyến xe định mệnh. Ta dễ quên: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).
Cuối cùng, có điều quan trọng ở cuối bài Phúc Âm mà ta cần hết sức cảnh giác về chính mình. Đó là “y phục lễ cưới”, nghĩa là phải đổi đời như điều kiện phải có để tham dự niềm vui Nước Trời. Có người đã đi vào sự hiệp thông trong Hội Thánh nhưng vẫn không được vào Nước Trời, vì họ đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội, mất sự sống linh thiêng là Đức Kitô trong lòng mình. Bởi vậy thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Anh em hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24); “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27), nghĩa là để cho Ngài làm chủ toàn thể cuộc đời mình
Hãy để Đức Kitô chiếm trọn lấy toàn thể đời sống ta, để ta luôn được sống và hành động trong Ngài. Siêng năng kết hợp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, trong thánh lễ, đem lại cho ta sức mạnh linh thiêng để đạt tới chính Chúa, là nguồn hạnh phúc hôm nay và mãi mãi.
Lời nguyện
Lạy Chúa!
Con nào hiểu được lòng Chúa mong,
muốn được cùng con sống hiệp thông,
muốn dành cho con điều cao trọng,
nhưng con chểnh mảng coi như không.

Chúa muốn yêu thương con cả tấm lòng,
muốn cho con niềm vui trọn cuộc sống,
nhưng xem ra con vẫn cứ viễn vông,
vì còn luôn ôm ấp nhiều giấc mộng.

Có ai hiểu được lòng Chúa rất đau,
khi yêu thương mà lại bị từ khước,
khi hiến trao mà lại bị chối từ,
nhưng lòng Chúa vẫn bao dung tha thứ.

Chúa đã mời gọi con dự tiệc thánh,
nhưng con thường lỡ hẹn và né tránh,
vì lòng con còn những nỗi phân tranh,
nên ước mơ của chúa đã không thành.

Con thấy mình là kẻ quá hững hờ,
tâm trí có nhiều lúc quá ngu ngơ,
để bao lần tim Chúa phải trông chờ,
mà đời con thì cứ mãi bơ vơ.

Xin cho con dừng lại những đam mê,
dám buông bỏ những xa hoa phù thế,
dám buông rơi những toan tính lê thê,
dám buông xuống những ham muốn nặng nề,
dám buông xả để trở về bên Chúa,
không màng danh lợi với hơn thua.

Xin cho con hân hoan dự tiệc thánh,
tiệc Ngài ban là sự sống muôn đời,
là điều con khao khátmãi không ngơi,
con quyết tâm đi vào đời sống mới,
để xứng với ân ban được gọi mời,
hưởng Nước Trời niềm hạnh phúckhôn vơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên
==============
Suy niệm 3
Mặc lấy Chúa Ki-tô

Mt 22,1-14
Để dạy chúng ta sống xứng đáng là Ki-tô hữu, Chúa Giê-su kể dụ ngôn sau đây: Một vua nọ mở tiệc cưới cho hoàng tử. Ông đã mời nhiều khách đến dự tiệc, nhưng họ khước từ không đến vì đủ mọi lý do.
Thế rồi vua sai tôi tớ đi khắp các ngã đường, gặp bất kỳ ai, bất luận tốt xấu, đều mời vào dự tiệc và thế là phòng cưới chật ních khách mời.
Sau đó, vua rảo qua một vòng quan sát khách dự tiệc, chợt thấy có người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền sai tôi tớ bắt trói y lại, tống khứ ra ngoài, vào nơi khóc lóc đau thương...
Vị vua nầy tượng trưng cho Thiên Chúa. Phòng tiệc cưới tượng trưng cho Hội thánh. Mọi người đều là khách quý được Thiên Chúa mời dự tiệc cưới, nghĩa là gia nhập vào Hội thánh của Ngài.
Nhờ ơn Chúa, chúng ta được diễm phúc gia nhập vào Gia đình cao quý thánh thiện nầy, và một khi đã gia nhập, chúng ta phải mặc y phục xứng hợp với tư cách người nhà của Thiên Chúa, là mặc lấy Chúa Ki-tô.
Nếu không đáp ứng điều kiện nầy, chúng ta sẽ bị trừng phạt như nhà vua trừng phạt một khách dự tiệc không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn trên đây.
Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến đức vua mà còn mặc nguyên bộ đồ ngủ thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.
Hội thánh của Chúa luôn mở rộng cửa tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp muôn phương, bất luận sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại Gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin mừng.
Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin mừng và giáo huấn Hội thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo hội trở nên méo mó, khó thương.
Vì thế, một khi đã gia nhập Hội thánh mà cách ăn nết ở không phù hợp thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó:
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Nầy bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Trong ngày lãnh bí tích Thánh tẩy, là ngày chính thức gia nhập Hội thánh, chúng ta cũng được mời gọi mặc lấy Chúa Ki-tô. Bấy giờ, linh mục chủ sự thay mặt Hội thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con dứt khoát cởi bỏ nó và quyết tâm mặc lấy áo mới, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa… Nhờ đó, chúng con sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==============
Suy niệm 4
CHIẾC ÁO C
ƯỚI CA TÔI

Trong những tiệc tùng, cách riêng đám cưới ngày nay, ai nấy đều diện lên những bộ áo quần lộng lẫy, rực rỡ, sang trọng khi được mời tham dự. Lẽ dĩ nhiên, mọi người tổ chức cũng như tham dự viên đều luôn vui tươi, hớn hở, tay bắt mặt mừng, trao cho nhau những lời chúc đằm thắm, và đôi khi cũng ‘có cánh’ nữa!
Tiệc cưới trần gian hoành tráng, cao sang, trịnh trọng, rực rỡ thế nào, thì tiệc cưới Nước Trời vượt xa những sự chóng quá, phù phiếm và vô thường như vậy. Tuy nhiên, khách được mời dự tiệc Nước Trời đã không chịu đến, mặc dù tiệc mừng đã dọn sẵn, đã hạ bò, thịt bê béo, mọi sự đã tươm tất (x. Mt 22, 3. 4. 8). Chúng ta thấy rằng tất cả những lí do, lời biện giải mà khách mời đưa ra hoàn toàn không xứng tầm với ơn diễm phúc được dự tiệc Nước Trời; nào là “chẳng thèm đếm xỉa, lại bỏ đi: kẻ đi thăm trang trại, người thì đi buôn, có khi còn bắt các đầy tớ, nhục mạ và giết chết” (x. Mt 22, 5-6). Nhìn thật kỹ và gần, chúng ta sẽ nhận ra chi tiết đó phản phất hình dáng và cuộc sống của bản thân chúng ta. Với thái độ khước từ, lãnh đạm, dửng dưng trước lời mời gọi tha thiết, nhẫn nại của Thiên Chúa theo dòng thời gian; ngược lại, chúng ta lao vào thói đời, đam mê thú vui trần thế. Chúng ta nhanh nhẹn dang tay, đưa chân cho những thứ vật chất chóng qua, tàn lụi qua năm tháng, dẫn dắt đến mức biến chúng ta thành kẻ lệ thuộc vào nó. Thay vì làm chủ vật chất, giờ đây, chúng ta trở nên ‘tôi tớ’ của nó, tệ hơn, là ‘nộ lệ’ kiểu mới của thú vui, triết thuyết, ý thức hệ đượm tính ‘vô sinh’ như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích trong Thông điệp mới nhất Fratelli Tutti (Tất cả là Anh chị em): “các ý thức hệ khác nhau chi phối, tạo ra nhiều hình thái của thói ích kỷ, và đánh mất cảm thức xã hội với chiêu bài đội lốt bảo vệ lợi ích quốc gia…Hơn nữa, ý thức hệ được truyền bá nhằm huỷ hoại hay phá hoại tất cả các đặc tính khác biệt đa dạng, để dễ dàng cai trị mà không lo bị chống đối hoặc phản kháng nào” (x. Thông điệp Fratelli Tutti số 11 và 13 [theo bản dịch của tác giả viết bài suy niệm này]).
Quả thật, tiệc cưới Nước Trời trước tiên được mở ra cho dân Do thái. Nhưng vì họ lòng chai dạ đá, khước từ, và chẳng đoái hoài, “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời lại không xứng đáng…”, nên Thiên Chúa đã thi ân, ban phát rộng rãi, kêu mời tất cả các dân nước cùng đến thông phần tiệc vui khôn tả này “vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bt cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới” (x. Mt 22, 8-9 theo thứ tự trích dẫn trên). Cảm tạ Chúa đã đoái thương, và trao ban ơn sủng dự phần vào sự hạnh phúc viên mãn của Ngài! Bất luận nam hay nữ, già hay trẻ, văn hoá, ngôn ngữ, màu da, tôn giáo khác nhau chăng nữa, tất cả được Chúa ưu ái gọi mời hết mọi người chia san đặc tính chân-thiện-mỹ, mà được nhận lãnh từ Ngài, là nguồn Chân-Thiện-Mỹ. Hơn nữa, là Ki-tô hữu, khi chịu Bí tích Thanh tẩy (Rửa tội), chúng ta cũng được khoác lên mình tấm áo trắng, dấu chỉ biểu trưng cho ‘tạo vật mới và mặc lấy Đức Ki-tô’ như lời trong nghi thức Rửa tội “…con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh” (theo “Sách lễ nghi Giám mục”, cuốn De Benedictionibus được Thánh Bộ Phụng Tự ban hành 31/5/1984). Chiếc áo trắng này phản phất hình ảnh áo cưới dự tiệc Nước Trời. Lẽ dĩ nhiên, Chúa đã kêu mời tất cả vào Thiên quốc, và Ngài cũng trao cho chúng ta áo cưới để giúp chúng ta xứng đáng và hưởng trọn vẹn hạnh phúc tiệc mừng ấy. Áo cưới ấy không gì khác hơn chính là ân sủng cần thiết, là đặc sủng, ơn công chính hoá, ơn trở nên thụ tạo mới, ơn tha tội, ơn được làm con cái Chúa, và nhất là ơn ‘mặc lấy Đức Ki-tô’. Nghĩa là: bỏ con người cũ, bỏ những thói hư tật xấu của bản thân, mà mặc lấy lối sống, cách suy nghĩ, ánh nhìn, thái độ, tư tưởng, hành vi, cung cách đối nhân xử thế của Đức Ki-tô. Ngài yêu thương mọi người, không loại trừ ai, không giản lược ai thành đồ vật hay phương tiện để đạt mục đích riêng; trong khi đó, chúng ta thường mến mộ với kiểu thiên vị, bè phái, loại trừ tha nhân, và có thái độ rút gọn, giảm thiểu anh chị em dựa trên não trạng hẹp hòi, thiển cận của cá nhân. Đức Ki-tô hằng quan tâm, an ủi vỗ về những ai bé mọn, nghèo hèn, những ai bị bỏ rơi trong quên lãng do thái độ dửng dưng, phớt lờ của con người cũng như cộng đồng xã hội. Ngài luôn thương xót, tha thứ cho kẻ tội lỗi biết ăn năn trở về; Ngài đón nhận hết thảy những ai bị ‘nhốt trong tường luỹ ngăn cách của hận thù, mê muội, vô tri’, cũng như ôm trọn tất cả mọi người có lòng thiện chí, hy sinh, dấn thân cho công lý-hoà bình-công ích, v.v…Như vậy, khi tôi được trao áo cưới để tham dự tiệc Nước Trời, thì tôi phải mặc lấy Đức Ki-tô, mặc lấy con người của Ngài trong mọi phương diện.
Quả vậy, nhờ mặc lấy Đức Ki-tô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mà Thánh Tông đồ Phao-lô dám quả quyết với giáo đoàn Phi-líp-phê: “i có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi…” (x. Pl 4, 13), và đanh thét hơn “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x. Gl 2, 20). Thánh nhân đã được nhận chiếc áo cưới, và khoác nó trên mình, đến độ chẳng rời xa bao giờ. Ngài giữ nó mãi tinh tuyền như con người Đức Ki-tô; ngài mặc nó trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc; ngài chia sẻ Tin Mừng (chính Đức Ki-tô Giê-su) và tất cả những gì thuộc về Đức Ki-tô cho anh chị em khác, bất luận Do Thái hay Hy Lạp, tín hữu hay dân ngoại, tự do hay nô lệ, vượt xa hết thảy định kiến thấp hèn của con người về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo. Còn bạn và tôi, là Ki-tô hữu, chúng ta cũng đã được khoác trên mình chiếc áo cưới trắng ấy. Chúng ta sẽ mặc nó mãi, giữ cho nó tinh tuyền, và chia san mọi nét phú túc vinh sang của nó qua cuộc sống hằng ngày, qua môi trường làm việc, gặp gỡ mọi người, qua các lĩnh vực chuyên môn của chúng ta chứ? hay ngược lại, trở nên nhát đảm, cất giấu như hình ảnh người không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn, hoặc phủ lên nó những gì trần tục, chóng qua của vật chất, danh vọng, thành đạt hão huyền, tệ hơn là đánh mất, vứt bỏ nó như thể nền văn hoá ‘vứt bỏ/bỏ đi/huỷ hoại’ ngày nay, thứ văn hoá mà Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô khuyến cáo nhiều lần (x. Thông điệp Fratelli Tutti số 18 và 19 [theo bản dịch của tác giả viết bài suy niệm này]).
Sau cùng, chúng ta cùng mượn lời của Thánh Tông đồ Phao-lô trong gửi cho giáo đoàn Ga-lát mà chung lời nguyện xin: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3, 27).
Chiếc áo cưới tinh tuyền
Chẳng được mua bằng tiền
Nhưng chính nhờ Bửu Huyết
Rửa sạch hết tội nhơ.
Bạn và tôi ghi nhớ:
Khoác áo cưới mỗi ngày
Mặc lấy con người Thầy
Yêu thương và tha thứ
Dự tiệc cưới Nước Trời.
Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==============
Suy niệm 5
Chúa mời gọi ta đến dự tiệc cưới

(Mt 22, 1-14)
Tiệc Nước Trời
Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia vang lên thật là vui đối với dân Do Thái khi họ đang sống trong một hoàn cảnh thật đen tối. Chưa bao giờ họ cảm thấy tuyệt vọng như thế. Họ buồn sầu, ứa lệ và thất vọng vì họ không còn đền thờ, không còn quê hương xứ sở, lễ tiến lễ hương cũng chẳng còn. Cảnh lưu đày đã kéo dài bao năm tháng, họ không còn nghĩ đến Giêrusalem nữa, mà có nghĩ đến thì cũng chỉ nghĩ để mà than mà khóc: “Bờ sống Babylon ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhở Sion” (Tv 136,1).
Isaia loan báo: “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người” (Is 25,6-9).
Cảnh hạnh phúc Nước Trời viên mãn tràn đầy trong thời sau hết Isaia đã mô tả là một bữa tiệc có những món ăn cao lương mỹ vị, bê béo, rượu ngon Thiên Chúa chuẩn bị cho hết thảy mọi người không phân biệt ai. Tiệc Nước Trời. Người đến dự chẳng những được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ, tang chế. Những lời trên thức tỉnh lòng dân.
Kẻ thù lớn nhất của con người là sự chết vì nó lấy đi tất cả những gì con người có. Đối diện với cái chết, con người không thể làm gì khác là đành chấp nhận. Nhưng khi Đấng Thiên Sai tới, Người sẽ đánh bại thần chết, và đem lại sự sống muôn đời cho con người. Lời sấm của Isaia đã bắt đầu được thực hiện khi Chúa cứu dân lưu lạc trở về. Nó được thực hiện thật sự với thời Ðấng Thiên Sai, khi Chúa Cứu Thế đến, và chỉ rõ ràng vào thời sau hết, thời cánh chung.
Thiên Chúa dọn, mời
Thiên Chúa đã mở tiệc khoản đãi mọi dân tộc khi ban ơn cứu độ cho loài người trên mặt đất này. Trước tiên dân Dothái qua việc sai các tiên tri đến mời, nhưng họ từ chối không đến. Ngài lại sai tiếp các tiên tri nữa đến với lời mời trang trọng và tha thiết: "Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới" (Mt 22,4). Nghĩa là ơn cứu độ đã hoàn thành. Chúa có ý nói đến công cuộc cứu thế của Ðức Kitô đã làm xong trên thập giá. Và như vậy chúng ta phải hiểu lớp tiên tri thứ hai được sai đi đây là chính các Tông đồ của thời Tân Ước, những người được sai đi trước là các Tiên tri Cựu Ước. Nhưng như họ đã không nghe Môsê và các tiên tri, thì bây giờ người Do Thái cũng từ chối luôn lời mời của các Tông đồ. Họ viện những lý do thông thường của những kẻ quen sống ích kỷ, không biết tạm hoãn những công việc riêng để đến chia sẻ niềm vui "cả đời mới có một lần" của một gia đình có tiệc cưới. Họ chẳng những không đến, họ còn đập đánh và giết chết nhiều sứ giả Tin Mừng của Ðức Kitô. Và điều này có ý nói rằng: người Do Thái đã bắt bớ và giết hại nhiều Tông đồ của Hội Thánh. Họ tệ hơn cả cha ông họ. Thế nên Thiên Chúa đã phải thịnh nộ cho quân xâm lăng tới, giày xéo thành trì của họ vào năm 70. Chắc chắn thánh Matthêu đã muốn ám chỉ biến cố này khi viết những lời trên. Và rõ ràng người muốn khẳng định rằng: Tin Mừng từ nay sẽ được đem đến rao giảng cho các dân ngoại. Hết mọi dân đều được đưa vào Hội Thánh; và như vậy, lời tiên tri Isaia đã thực sự được thực hiện.
Y phục phải xứng đáng
Có một điều khiến người ta không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! " (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới ? 
Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào ? Có phải các bí tích không ? Hay là Phép Rửa tội ? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa... Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không ? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì ? Ăn chay ư ? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?
Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.
Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Maria Mađalêna, Giakêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng. 
Áo cưới được hiểu là biểu tượng của sự hoán cải. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Thánh Giêrônimô thì nói : “Áo cưới, là những thánh chỉ của Chúa, và việc làm được thực hiện theo luật của Tin Mừng là chiếc áo cưới mới”. Áo cưới chính là “Đức Kitô Vị Hôn Phu” thánh Phaolô khuyên: “anh em hãy mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27).
Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==============
Suy niệm 6
BỮA TIỆC BỊ TỪ CHỐI

Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn về một bữa tiệc của nhà vua bị từ chối nghe thật trớ trêu. Mọi người được mời không đếm xỉa tới, nhất loạt chối từ không đến dự tiệc, bằng đủ lý do của thế trần khiến họ không thể tham dự tiệc. Đối với họ, bữa tiệc này chẳng thể quan trọng bằng hiện trạng cuộc sống của họ. Có kẻ lại còn bắt các đầy tớ, người mời khách cho vua mà sỉ nhục và giết chết. Đầy tớ trở về báo lại sự việc, chủ nhà nổi cơn thịnh nộ, lên kế hoạch khách mời khác cho bữa tiệc đã bị… “ế”: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22, 8-9).
Người đời thường suy tính khi mời khách, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Khách mời càng thế giá thì chủ càng “trân trọng kính mời”. Đằng này ông chủ giục mời khắp nơi công cộng, từ đường phố đến đường làng ngõ xóm, bất luận xấu tốt. Ông chủ cho mời tá lả những người nghèo, bần cùng đầu đường xó chợ, bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt… (gồm những ai đón nhận Người).
Quả thật, Chúa luôn canh cánh tấm lòng yêu thương tất cả, không trừ ai. Vậy mà bao người đã từ chối dự tiệc vì đủ thứ lý do như dụ ngôn trên đây. Dân Do Thái xưa cũng như một số người Kitô hữu hôm nay từ khước dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Lời mời dự tiệc chuyển sang cho dân ngoại.
Cuối cùng phòng tiệc cũng đầy ắp khách mời. Những khách mời này thực sự có thiện chí chân thành với lòng khát khao được no thỏa, nên họ cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời, họ hoán cải, đổi thay tận gốc rễ. Còn những người dự tiệc Thánh Thể như nhàm chán, theo thói quen chẳng thấy đói khát gì nữa, lại đói khát những “thứ khác” hoặc đã chứa đầy những “thứ khác” rồi không còn đói khát chi, không màng gì tới bữa tiệc này.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia cũng từng loan báo bữa tiệc hậu đãi của Thiên Chúa: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. (Is 25, 6).
Chúa ơi! Chúa chính là Bàn Tiệc trong Lời Chúa và Thánh Thể. Nơi đâu có Chúa ở đó có bàn tiệc. Khi con kết hợp với Chúa là lúc con đang dùng tiệc. Chính Chúa là bàn tiệc cho con được no thỏa bình an trong mỗi phút giây.
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ban Lễ sinh Giáo xứ Trại Sơn mừng lễ kính Thánh Giacôbê Quan thầy
Ban Lễ sinh Giáo xứ Trại Sơn mừng lễ kính Thánh Giacôbê Quan thầy
Vào lúc 19g30 ngày 25.11.2024, tại nhà thờ giáo xứ Trại Sơn, cha Giuse Trần Văn Điển đã long trọng cử hành Thánh lễ kính Thánh Giacôbê, Quan thầy Ban Lễ sinh giáo xứ Trại Sơn. Tham dự Thánh lễ có sự hiện diện của quý thầy, quý dì, quý khách, quý ông bà phụ huynh, quý cộng đoàn và gần 30 em Lễ sinh trong toàn giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log