Thứ bảy, 27/07/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 21 Thường niên A

Cập nhật lúc 15:53 24/08/2023
Suy niệm 1
Mt 16, 13 – 23
Lúc ấy, Đức Giêsu đưa các môn đệ đi tĩnh tâm tại miền núi cực Bắc nước Do Thái. Trong thời gian tĩnh tâm, Chúa làm một cuộc trắc nghiệm. Ngài hỏi các môn đệ là trên đường truyền giáo anh em nghe dư luận bàn tán thế nào về Ngài. Họ trả lời: người thì bảo Chúa là sứ ngôn cao cả như Êlia, Giêrêmia; người thì bảo Chúa là một sứ ngôn nhỏ như Hôsê. Sau đó Chúa hỏi: “Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?” Phêrô mau miệng nhất, trả lời ngay: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa khen quá thể: “Anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, mà là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
Sau đó, Chúa cho các tông đồ biết Ngài phải đi Giêrusalem để chịu nhiều đau khổ do các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Phêrô kéo áo Chúa ra một nơi và can ngăn Chúa rằng: “ Chúa Cha không nỡ tâm để cho Thầy phải khổ như vậy đâu”. Chúa quay lại mắng thậm tệ: “Đồ quỷ. Cút đi!”
Hồi nãy, Chúa khen ông Phêrô quá chừng, y như tung lá diều lên trời mây, để diều lả lướt và vi vu. Sau chừng một phút, Chúa lại cắt dây diều cho diều rơi xuống đất, rách te tua và nát bét. Tại sao vậy? Tại Phêrô cản Chúa vác khổ giá. Điều đó chứng tỏ Chúa yêu cây khổ giá như thế nào. Từ khổ giấ đến vinh quang là kế hoạch cứu thế của Chúa Cha đã thiết kế từ muôn thuở rồi. Ai mơ ước một kế hoạch khác là chống lại ý Chúa, là xé bỏ bản thiết kế cứu độ của Chúa.
Như vậy, bài Tin Mừng cho chúng ta hai bài học cao quý.
Bài học một: Chúa cực kỳ yêu thương những người loan báo cho thế giới biết lịch sử cứu độ. Lịch sử này là Ngôi Lời làm người, sống như loài người, trừ sự tội. Ngôi Lời lặn lội để rao giảng, để nói lên tình yêu của Đấng Tạo Hóa. Tạo Hóa cao cả là Cha của loài người. Người Cha yêu và dạy yêu một cách đặc biệt những người nghèo khổ, những người bệnh tật, những người lỡ lầm, những người chưa biết Chúa là ai.
Bài học hai là đạo của Chúa phải lớn lên theo bản thiết kế “từ khổ giá đến vinh quang”. Suốt dòng lịch sử, Giáo hội đã phát triển theo quy luật ấy và đã sa sút khi không theo quy luật ấy. Tertulianô, một sử gia lớn đã khẳng định: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh các tín hữu”. Chúa đã đổ máu và sống lại. Giáo hội sơ khai của bất cứ nơi nào cũng bị bắt bớ, tù đày và chết chóc. Nêrô là ông vua bắt đạo kỳ cục nhất, nhưng ông đã chết, còn Giáo hội bị ông bắt bớ thì đã vươn tới tận cùng trái đất và Rôma đã trở thành trung tâm của Giáo hội. Tại Việt Nam, ông vua bắt đạo độc ác nhất là Tự Đức. Sắc dụ độc ác nhất là sắc dụ “Phân sáp”, bắt gia đình gia tô, chồng đi một nơi, vợ đi một nẻo, trẻ con thì cho người lương nhận làm con nuôi. Tưởng làm thế là đạo Kitô sẽ tự giải thể. Nhưng thực tế thì vua Tự Đức đã xuống mồ, còn đạo của Chúa thì đã có mặt mọi nơi từ thành phố đến rừng núi.
Mong rằng bài Tin Mừng cho chúng ta tinh thần can đảm loan báo Tin Mừng và hân hoan vác cây khổ giá để đưa Giáo hội tới vinh quang. Cũng mong rằng những ai ghét đạo của Chúa và muốn tiêu diệt đạo của Chúa được mở mắt ra và thấy rằng quy luật “từ khổ giá đến vinh quang là quy luật của Chúa”. Diệt đạo Chúa là không tưởng đấy!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================

Suy niệm 2
ƠN CHÚA VƯỢT TRÊN SỰ YẾU HÈN CON NGƯỜI

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ!
Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ một điều: sự yếu hèn của Thánh Phê-rô ngày trước cũng là sự yếu hèn của chúng ta hôm nay. Vừa ngay khi được ơn tuyên xưng đức tin tại xứ Xê-da-rê Phi-líp-phê, Thánh Phê-rô đã quay sang cản ngăn ân sủng của đức tin. Hai chi tiết đối nghịch nhau: “Si-mon Phê-rô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”” (x. Mt 16, 16) và ít phút sau đó, “Phê-rô kéo Người lại mà can gián rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”” (x. Mt 16, 22). Chỉ ngay lúc tuyên xưng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống, thì Thánh Phê-rô lại quay sang ngăn cản sứ mệnh cứu độ của Thầy mình. Và ngay sau đón nhận chương trình của Thiên Chúa qua việc tuyên tín nhờ sự mặc khải, thì quay sang suy tính dự định, và kế hoạch theo cách của con người như Chúa Giê-su đã trách Phê-rô “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người” (x. Mt 16, 23). Trong đời sống hằng ngày, đặc biệt đời sống đức tin, lắm lúc chúng ta yếu hèn, lắm lúc chúng ta nghi ngờ Chúa ngay cả sau khi tuyên xưng đức tin. Thậm chí, chúng ta vừa được lãnh nhận ơn hoà giải xong, thì trong tâm trí chúng ta lại tự hỏi: Chúa đã tha tội cho tôi chưa?Và lòng trở nên áy náy, muốn đi xưng tội với một cha khác. Nhiều lúc, trong giờ cầu nguyện, suy gẫm, đôi lần chúng ta không tín thác vào Chúa dù chỉ thoáng qua tâm trí hoặc tư tưởng!
Thế nhưng, ơn Chúa lại cao trọng và vượt xa sự yếu đuối, hèn kém của chúng ta. Chúa biết rõ hơn ai hết, chúng ta là những con người mong manh, hay đổi thay, thất thường, dễ quy hướng về tội lỗi. Chính vì thấu hiểu chúng ta hơn cả bản thân chúng ta, nên mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thế và nhập thể được diễn ra kỳ diệu, nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng: Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, đã hạ mình tột cùng, đã hoá mình ra không, đã chịu hết mọi đau đớn, gian truân của kiếp người, để rồi mang con người trở về với tình trạng ân sủng ban đầu khi được Thiên Chúa tạo dựng. Chúa Giê-su biết rõ con người yếu đuối, kém cỏi của Phê-rô, nhưng vẫn đặt để ngài làm rường cột Hội Thánh của Ngài “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được” (x. Mt 16, 18). Phê-rô chỉ là phiến đá nhỏ nhoi, hèn yếu, bất xứng, nhưng nhờ vào công trình xây dựng của Thầy Giê-su chí thánh - là phiến đá thợ xây loại bỏ trở nên tảng đá góc tường - mà Hội Thánh của Thiên Chúa được trường tồn! Hơn nữa, Chúa Giê-su còn giao chìa khoá Nước Trời, quyền phán quyết tối thượng cho Phê-rô như lời tiên tri I-sai-ah trong bài đọc I “Ta sẽ để chìa khoá nhà Đa-vít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được” (x. Is 22, 22); cụ thể hơn như lời Ngài phán: “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 16, 19).
Chính vì ơn sủng Chúa cao vời, vượt xa sự bất xứng, tính yếu hèn của con người chúng ta, nên cách thức Thiên Chúa hoạt động, thực hiện chương trình của Ngài cũng trổi vượt như lời tiên tri I-sai-ah tuyên sấm “trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (x. Is 55, 9). Con người chúng ta thường có những tiêu chí, tiêu chuẩn chọn nhân sự hay cộng tác viên làm việc với mình hoặc cho mình dựa trên trí-tài-đức. Tuy nhiên, cách thức Thiên Chúa trao sứ vụ cho một ai lại không dựa trên sự thành đạt, thành công, sự tài giỏi, tài năng, trí hiểu hay khôn ngoan thuần tuý của con người, mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào yếu tố mà Thánh Phao-lô đã thốt lên trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma “ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Ngài làm sao hiểu được, và đường lối của Ngài làm sao dò thấu được” (x. Rm 11, 33). Vì thế, mọi việc chúng ta sống - làm - đắc thủ đều “do Ngài, nhờ Ngài, và trong Ngài”; nói một cách rõ ràng hơn “muôn vật đều do Ngài mà có, nhờ Ngài tồn tại và quy hướng về Ngài” (Rm 11, 36). Do đó, cả cuộc đời của chúng ta, cả những ngày sống của chúng ta chỉ duy nhất tóm gọn nơi hai chữ tuy giản đơn nhưng ý nghĩa sâu thẳm, đó là ‘tạ ơn’, và tâm tình này được diễn tả một cách đầy đủ nhất trong Thánh lễ - nơi chính Chúa Giê-su vừa là chủ tế, vừa là của lễ hiến tế, vừa là bàn thờ thánh hiến dâng lên Thiên Chúa Cha lời tạ ơn một cách trọn vẹn, hoàn hảo nhất!
Giờ đây, chúng ta cùng dành ít phút thinh lặng trước nhan Thánh Chúa chẳng phải để cầu xin, mà chỉ ước ao dâng lên Ngài tấm lòng chân thành của một người con thơ:
Dù con yếu hèn đổi thay
Ơn Ngài trợ giúp chuyển lay tâm hồn
Dù con xao xuyến bồn chồn
Tình Ngài nuôi dưỡng, ôn tồn dìu đưa
Chọn con từ thuở ngàn xưa
Tuôn tràn ân sủng như mưa dạt dào. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

==================

Suy niệm 3
Đối với tôi, Chúa Giê-su là ai?
Mt 16, 13-20 

Khi đến gần Xê-da-rê Phi-líp-phê, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ Ngài là ai. Các ông thưa: "Kẻ thì nói Ngài là Gio-an Tẩy giả sống lại, kẻ thì bảo Ngài ngôn sứ Ê-li-a tái lâm, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ. Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."
Chúa Giê-su rất hài lòng trước câu đáp chính xác của Phê-rô. Ngài khen ngợi: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Và nếu hôm nay, Chúa Giê-su đặt lại câu hỏi nầy với mỗi người chúng ta: “Con bảo Thầy là ai?” chúng ta trả lời thế nào?
Một nhà báo đến khuôn viên nhà thờ vào ngày Chúa nhật để thăm dò ý kiến những người đến dự lễ. Khi gặp một thanh niên ngồi ở góc sân nhà thờ trong giờ dâng lễ, đang phì phèo điếu thuốc trên môi, anh hỏi:
- Đối với bạn, Chúa Giê-su là ai?
Chàng thanh niên trả lời qua làn khói thuốc:
- Đối với tôi, Chúa Giê-su là vị thẩm phán nghiêm khắc, sẵn sàng trừng phạt người có tội. Vì thế, tôi đành đến đây để khỏi bị phạt vì tội bỏ lễ.
Như vậy, anh nầy đến với Chúa vì sợ chứ không phải vì yêu mến Ngài.
Nhà báo lại đến với một thiếu nữ ăn vận thiếu đứng đắng, cũng đang ngồi bên ngoài nhà thờ lướt điện thoại trong giờ giảng lễ và nêu lên cùng câu hỏi đó:
- Theo cô, thì Chúa Giê-su là ai?
Mắt vẫn không rời khỏi màn hình điện thoại, cô lơ đểnh trả lời: Tôi xem Ngài như tấm phao cứu sinh. Khi cuộc đời bình an vô sự, tôi chẳng tưởng nhớ đến Ngài, như người đi biển không màng đến phao cứu sinh khi sóng yên biển lặng. Còn khi gặp hiểm nguy, bệnh tật… tôi sẽ chạy đến bám víu, nương tựa vào Ngài, như khi tàu gặp bão, người ta cần đến tấm phao!
Như thế, cô gái nầy xem Chúa như một phương tiện mang lại bình an, sức khỏe cho mình.
Khi nhà báo nêu câu hỏi nầy với một thương gia giàu có, ông ta đáp:
- Tôi xem Ngài như một thần Tài. Nếu Ngài phù hộ tôi làm ăn khá giả, tôi sẽ đi nhà thờ ngày Chúa nhật; nếu làm ăn thất bại, tôi nghỉ chơi với Ngài luôn!
Ông nầy thuộc diện thờ Chúa để trục lợi chứ không vì yêu thương.
Chúa đau lòng biết bao khi đoàn con nhận định về Ngài như thế.
Còn bạn, nếu câu hỏi nầy được đặt ra với bạn, bạn trả lời sao?
Bạn thờ Chúa để mong tìm lợi lộc vật chất hay vì lòng yêu mến Chúa?
Nhận định đúng về Chúa Giê-su
Chúa Giê-su là mầu nhiệm cao siêu, trí tuệ con người không thể nào hiểu thấu. Tuy nhiên, nhờ ánh sáng Lời Chúa cũng như giáo huấn Hội thánh, ta có thể biết khái quát về Ngài như sau:
Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha xức dầu, sai xuống trần gian, mang Tin mừng cứu độ nhân loại, hiến thân chịu chết để đền tội cho muôn người và Ngài đã sống lại, lên trời, mở cửa Trời cho những ai bước theo Ngài.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Đấng đáng chúc tụng, tôn thờ, yêu mến… vì Chúa đã hiến thân chịu khổ nạn đau thương, chịu chết thê thảm trên thập giá để đền tội cho chúng con, đưa chúng con vào thiên đàng vinh hiển.
Xin cho chúng con theo Chúa vì thật lòng yêu mến chứ không vì sợ trừng phạt, vì tìm lợi lộc trần gian hoặc để được an lành. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

==================

Suy niệm 4
Chìa Khoá

(Mt 16, 13-20)

Từ ‘Chìa khoá’ được Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc đến. Trước kia, mọi thị trấn và thành phố đều có tường thành kiên cố vây quanh và các cửa ra vào đều hết sức quan trọng. Các cánh cửa thành do đó đều chắc chắn, nặng nề và khóa bằng các then gỗ lớn, không thể cầm bằng tay mà phải vác trên vai. Và vì thế khi đã đóng mở rồi thì chẳng ai ra vào trái lệnh được nữa.
Bài đọc I, nói đến ‘Chìa khoá’ nhà Đavít được Chúa trao cho Êliacim: “Ta sẽ để chìa khóa nhà Đavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được, nó đóng cửa lại và không ai mở ra được” (Is 22,22). Bài Tin Mừng, nói đến ‘Chìa khoá’ được Chúa Giêsu trao cho Phêrô (x. Mt 16,13-20).
Chìa khoá nhà Đavít
Ðiều đáng để ý trong đoạn sách tiên tri Isaia 22, 19-23 hôm nay là những lời sấm về Êliacim. Ðó là những lời tiên tri rất long trọng. Chúa phán: "Trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliacim". Chúa gọi Êliacim là đầy tớ, danh xưng này chỉ dành cho những kẻ được chọn một cách đặc biệt như Abraham, Môsê và Ðavít.
Chúa săn sóc đến Êliacim một cách khác thường. Chính tay Chúa sẽ mặc áo dài cho ông, thắt lưng cho ông và đặt quyền bính vào tay ông. Chúa ban áo dài cho ai là muốn người đó được lãnh chức tư tế; và khi Người thắt lưng cho họ là muốn cho quyền bính của người đó được vững vàng. Điều đáng nói ở đây là Chúa còn đặt chìa khóa nhà Ðavít trên vai Êliacim, trước khi áp dụng một cách tuyệt đối và vĩnh viễn cho Ðấng Cứu Thế. Êliacim chỉ là hình ảnh và là cớ để Chúa mạc khải kế hoạch cứu độ sâu xa của mình. Ðấng mà Chúa nhắm tới, kêu gọi và tuyển chọn không là ai khác ngoài chính Ðức Giêsu Kitô. Chìa khoá Thiên Chúa trao cho Êliacim làm chúng ta nhớ đến chìa khoá Chúa Giê su trao cho Phêrô.
Chìa khoá thánh Phêrô
Chúa Giêsu không nói về chìa khóa nhà Đavit mà mà chìa khóa Nước Trời. Sau khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, Phêrô đã được Chúa trao “Chìa Khóa Nước Trời“, đó là quyền lãnh đạo Dân Chúa, quyền đóng mở và bảo quản kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Lời Chúa, các Bí tích. Chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã tin tưởng và trao chìa khóa cho thánh Phêrô tức là quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Hội Thánh trên trần gian. Chúa Giêsu là dòng dõi Đavit, đến không phải để kế thừa vương quốc trần gian mà là vương quốc vĩnh cửu của Nước Trời. Quyền “cầm buộc và tháo cởi” là hai hành động diễn tả việc giảng dạy và áp dụng Luật Môsê do các thầy dạy (Rapbi) của Itraen, điều đó cũng có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh.
Chìa khoá và Tảng Đá
Chúng ta còn nhớ bài thánh ca sau:
Lạy Chìa khóa nhà Đavít và là vương trượng của nhà Israel;
Ngài đã mở nào ai đóng được;
Ngài đóng rồi ai có thể mở ra:
Xin hãy đến đem ơn giải thoát, cho tù nhân khỏi bị xích xiềng,
không ngồi trong bóng tối tử thần.
Bài thánh ca phát xuất từ lời tiên tri Isaia (x. Is 22,22), không chỉ nhắc đến sứ mạng giải phóng của Chúa Kitô mà còn là của Giáo hội qua Chúa Kitô. Nhắc lại lời Chúa Kitô nói với Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết : Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc : sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 16, 18-19).
Qua bài thánh ca hôm nay, Giáo hội kêu xin Đấng Cứu Thế hủy diệt tội lỗi và sự chết, mở cửa Nước Trời cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin điều này, bởi vì chúng ta được tạo nên cũng vì điều này. Xin Chúa đừng để chúng ta sa vào vòng tội lỗi, nhưng để sống với Chúa Kitô nơi quê trời, bắt đầu bằng cuộc sống hiện tại, lúc này và bây giờ.
‘Chìa khoá’ và ‘Đá Tảng’ là hai sứ vụ quan trọng mà Chúa trao cho Phêrô : “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời”; “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (x. Mt 16,13-20).
Tảng Đá, tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho Phêrô. Trên Táng Đá này, Chúa xây Hội Thánh vững bền. Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,16). Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phêrô đã chia sẻ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên.
Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà. Dẫu Hội Thánh trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn luôn luôn đứng vững trên nền tảng của Thánh Phêrô. Vị Giáo hoàng tiên khởi đóng trọn vai trò “Đá Tảng”, luôn chu toàn chức vụ “cầm chìa khóa nước trời” để “trói và cởi”. Nhờ đó, nhân loại đón nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa qua Hội Thánh.
Lạy Chìa khóa nhà Đavít, xin hãy đến giải thoát chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================

Suy niệm 5
TUYÊN XƯNG ĐỨC KITÔ
Mt 16, 13-20
Nhìn vào bối cảnh dân Israel trướcĐức Giêsu, chúng ta thấy toàn dân đang trông chờ một Đấng Mêsia, để giải phóng họ khỏi kiếp sống lầm than và đưa dân tộc họ lên bá chủ thế giới. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện với những lời giảng dạy mới mẻ, đầy quyền năng, thì dân chúng lầm tưởng Ngài là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hoặc là một ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Đức Giêsu không quan tâm đến việc dân chúng nghĩ gì về mình mà chỉ nhằm đến các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.Phêrô liền tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời đúng như Chúa Giêsu muốn, nhưngNgài cho biết, không phải tự ông biết điều đó, mà do Chúa Cha mạc khải.
Sự kiện trên lại xảy ra trong giai đoạn cuối của thời kỳ Đức Giêsu ở trần gian. Chính lúc đó, Ngài biết rằng đã đến lúc Ngài phải khởi đầu việc đặt nền móng xây dựng một tòa nhà thiêng liêng, nên đã tuyên bố Phêrô là Tảng Ðá để xây Hội Thánh của Ngài, và trao cho ông chìa khóa Nước Trời. Một quyết định xem ra bất ngờ, và làm mọi người ngỡ ngàng, vì Phêrô cũng chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học, chỉ có sự nhiệt tình, nhưng lại không vững vàng, bị Thầy khiển trách nhiều nhất.Nhưng vì hiểu được Ý Cha trong biến cố này, nên Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội, đại diện cho Ngài là Đá Tảng duy nhất.
Nhìn lại cuộc trắc nghiệm của Chúa Giêsu, chúng ta thấy niềm tin của đám đông rõ ràng còn phiến diện, nhưng niềm tin của các tông đồ cũng chưa hoàn chỉnh. Niềm tin ấy dường như còn bám rễ vào mộtquan niệm Thiên Sai ái quốc và duy quốc gia. Vì vậy mà Đức Giêsu cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô”, bởi vì mộtlời tuyên xưng đúng đắn vẫn không đảm bảo cho mộtđức tin trung thực. Và điều này được chứng minh ngay sau đó, qua phản ứng của Phêrô khi nghe Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó. Ông tỏ vẻ tài khôn khuyên can Thầy đừng làm như vậy, và đã bị Thầy quở trách nặng nề, gọi ông là Satan vì đã cản bước đường Ngài.
Bài Tin Mừng cho chúng ta xác tín sâu xa về Giáo Hội trần thế mà Chúa Giêsu đã thiết lập, là con đường đưa tới Nước Trời. Nếu ai nói rằng, mình có thể đạt tới Đức Kitô hay có thể hòa nhập với Ngài mà không cần đến Giáo Hội, là đi tới nguy cơ lầm đường lạc lối. Làm như vậy là dựng nên một Đức Kitô theo tầm mức của mình, là tưởng tượng ra một Đức Chúa cho vừa vặn với suy nghĩ và ý muốn của mình, là từ khước một Đức Kitô như Ngài đã tự mạc khải cho chúng ta.
Tuy nhiên, cũng có một số người dị ứng với quyền bính trong Giáo Hội. Chúng ta biết rằng, quyền chìa khóa được ban cho các mục tử là để phục vụ việc đi theo Đức Kitô, là giúp người ta đến với Ngài và trở thành môn đệ của Ngài, chứ không phải là quyềnép buộc đoàn chiên đi theo sở thích hoặc ngẫu hứng của mình. Quyền này được trao để phục vụ sự sống, chứ không phải quyền sinh sát trên đoàn chiên. Trong tiếng La Tinh, quyền bínhauctoritas”, do động từ augere” có nghĩa là “làm cho lớn lên”. Quyền bính trong Giáo Hội là phương tiện chỉ để phục vụ cho sự tăng trưởng mà thôi. Cho dù có những cá nhân lạm dụng quá đáng quyền bính này, nhưng không vì thế mà Giáo Hội rơi vào sai lạc, hay đánh mất vai trò và bản chất đích thực của mình.
Quả thực, Hội Thánh là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất, yếu đuối nhất, vì qui tụ quanh mộtmáng cỏ và mộtcây thập giá. Nhưng Hội Thánh cũng là thực tại cao cả nhất, giàu có nhất, vinh hiển nhất, mạnh mẽ nhất, bởi vì Đấng sinh ra trong máng cỏ cũng là Đấng chịu đóng đinh trên đồi Sọ, và là chính Đấng đã sống lại, và đang hiển trị trên muôn loài muôn vật.Cuối cùng, bài Tin Mừng đặt ra cho mỗi người chúng ta hai câu hỏi hết sức quan trọng:
- Chúa Giêsu là ai và có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi?
- Tôi là ai và như thế nào dưới cái nhìn của Chúa Giêsu?
Mỗi người phải tự trả lời cho mình. Đây là cuộc khám phá cá nhân mà mỗi người chúng ta phải thực hiện cho chính mình. Phêrô đã khám phá ra được chân lý quan trọng, nên ông đã được trao ban đặc đặc ân và trách nhiệm lớn lao. Chúng ta cũng vậy, muốn được vinh dự góp phần với Chúa thì tự mình phải khám phá ra Ngài sâu hơn mỗi ngày. Nếu ta thực sự muốn kiện toàn đời mình, muốn trở nên trọn vẹn là chính mình, muốn nhận ra sứ mạng của đời mình, thì không chỉ tuyên xưng Đức Kitô, mà còn tuyên xưng cả lòng yêu mến thẳm sâu, nghĩa là để Chúa chiếm hữu hoàn toàn cuộc đời mình như thánh Phêrô xưa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Giáo lý của Chúa sẽ không đánh động,
không sâu rộng và lôi cuốn hiệp thông,
nếu như không có những mầu nhiệm thánh.
Khát vọng nơi con người là như thế,
chiếm hữu rồi mà lòng vẫn chưa thôi,
đạt tới đích mà trí chẳng đặngyên,
vì ngoài Chúa chẳng có gì mãn nguyện.
Mầu nhiệm mở cho con tầm nhìn mới,
hướng về “phía bên kia”mọi tri thức,
mời gọi con vươn lên mãi không ngừng,
nên con thích suy gẫm những mầu nhiệm,
mà Giáo Hội là mầu nhiệm đầu đời,
đã cho con trở thành con cái Chúa.
Giáo Hội không “nảy sinh từ bên dưới”,
do ý muốn toan tính của con người,
nhưng Giáo Hội “phát xuất từ trên xuống” 
chính là lòng nhân hậu Chúa xót thương,
xem ra như một tổ chức bình thường,
nhưng bản chất vẫn luôn là siêu vượt,
vì là vừa nhân loại vừa thần linh,
vừa phẩm trật vừa mang tính siêu hình.
Giáo Hội còn là thân thể nhiệm mầu,
bởi vì chính Đức Ki-tô là Đầu,
nhưng Giáo Hội vẫn mang thân lữ khách,
bước đi giữa cám dỗ và thử thách.
Xin cho Giáo Hội biết luôn thanh tẩy,
sống trung tín trong ngần và thánh thiện,
như một hiền thê xứng đáng của Chúa mình,
biết nương theo tác động của Thánh Linh,
để hoàn thành chính mình trong nguồn cội,
là công trình cứu độ của Ba Ngôi. Amen.
Lm. Thái nguyên

================== 

Suy niệm 6
THỰC THI SỨ MẠNG
Mt 16, 13-20

Thầy Giêsu hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ Thầy là ai? Người thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Rồi quay sang các ông Thầy lại kiểm tra bài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15). Điều đặc biệt ở đây là Thầy muốn chính các ông nói lên ý nghĩ của họ. Ông Phêrô có ngay đáp án đúng nhất: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16). Ông đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Thầy là Đấng Thiên Sai. Dù tuyên xưng nhưng ông chưa thể hiểu thấu. Thầy nghiêm giọng cấm các ông không được nói với ai về căn tính của Thầy. Đấng Thiên Sai đến không phải như cái nhìn của người Do thái cũng như các môn đệ, để thống trị bằng sức mạnh, nhưng bằng con đường yêu thương và vác thập giá như Người báo trước: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Phêrô không phải chỉ tuyên xưng với Thầy như vậy là xong, nhưng còn phải đi vào cuộc Thương Khó với Thầy mà theo Thầy. Nhưng sẽ có ngày vinh quang như Thầy đã phục sinh khải hoàn. Các ông giữ im lặng cho đến ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô mới công bố: “nên Người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát...” Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Cv 2, 31.36). 
Để sống được như lời tuyên xưng ấy, trở nên giống Thầy mình, ông Phêrô phải trả giá rất cao. Nhưng nhờ sức mạnh Tình Yêu lãnh nhận từ Thầy biến đổi trở nên con người mới sẵn sàng đối diện mọi khó khăn đau khổ trên đường loan báo.
Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời...” (Mt 16, 18). Nguồn ân sủng lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa có thể biến những con người yếu đuối, bất toàn thành đá tảng vững chắc để xây dựng một Hội Thánh luôn vững bền. Thánh Phêrô đã minh chứng sống động cho điều kỳ diệu ấy.
Lạy Chúa! chúng con biết Chúa là Cha hằng yêu thương chúng con trong từng phút giây. Mỗi chúng con dù là ai, xinh đẹp tốt lành hay bệnh tật, đều có chỗ trong Trái Tim Chúa Yêu muôn đời. Dù chúng con có tội lỗi xấu xa thì Chúa vẫn yêu thương, lo lắng chăm sóc giữ gìn chúng con và muốn chúng con hạnh phúc. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”. Như thánh Phêrô, mỗi ngày trong âm thầm lặng lẽ, chúng con được “dìm” vào cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa, cho đến khi được biến đổi cuộc đời trở nên nhân chứng sống động, họa lại bức chân dung của Đức Kitô. Chúng con sẽ trở nên những viên đá sống động trong tòa nhà Hội Thánh.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Ngày 18.07.2024, hơn 200 bạn trẻ từ 9 giáo xứ thuộc Giáo hạt Nghĩa Lộ đã quy tụ tại Giáo xứ Vàng Cài để tham gia ngày “Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ" lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log