Thứ bảy, 27/07/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 22 Thường niên A

Cập nhật lúc 08:35 31/08/2023
Suy niệm 1
Mt 16, 21 – 27
Bài Tin Mừng mà nghe như TIN SỢ. Sợ quá! Suốt dòng lịch sử, cụ thể là từ thời vua Đavít, có thể nói là trăm phần trăm dân Do Thái đều tin rằng Đấng Cứu Thế sẽ ra đời và Đấng Cứu Thế là người sẽ nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Đế quốc Do Thái sẽ bao trùm hết miền Trung Đông, bắt đầu từ Địa Trung Hải và kết thúc ở Sông Cả, tức là nước Irăng và Irắc bây giờ. Mọi người Do Thái vẫn mơ ước nguồn phú túc của chư dân, được chất trên lưng những con lạc đà một bướu chảy về thủ đô Giêrusalem như thác vỡ bờ.
Đang mơ ước như thế, thì xuất hiện siêu sao Giêsu. Các tông đồ đi theo Chúa thì lòng lúc nào cũng ước mơ được làm quan, làm tướng. Rất cụ thể là vào cuối năm thứ ba của thời truyền đạo, mẹ của hai môn đệ ưu tú là Giacôbê và Gioan đã đến năn nỉ Chúa: “Xin cho hai con của tôi, một đứa ngồi bên tả, một đứa ngồi bên hữu trong nước của Thầy”. Ý bà muốn nói là khi  Chúa làm vua thì xin cho hai con của bà, một đứa làm thủ tướng, một đứa làm tổng tư lệnh quân đội. Ba năm theo Chúa rồi, mà vẫn còn xôi thịt như thế đó. Buồn quá. Chính vì thế Chúa phải khẳng định hai điều.
Một là người nắm quyền cao chức trọng ở đời này chẳng ai được hạnh phúc đâu. Hạnh phúc ấy chỉ là ảo thôi. Người đời cố gắng có cái ghế cao và cái nồi lớn. Nhưng ghế nào cũng có kẻ thù cưa chân, nồi nào cũng có kẻ đập. Bảo vệ cái ghế và cái nồi thì đã là khổ rồi. Nếu ghế không bị cưa, nồi không bị đập, thì hạnh phúc cũng chỉ là tương đối. Khổ vẫn nhiều hơn sướng.
Hai là người theo Chúa tuy có khổ thật, nhưng cái khổ ấy chỉ thuộc phạm vi thể xác, còn tinh thần thì rất sung sướng. Theo dõi cuộc đời các tông đồ, chúng ta sẽ thấy đó là sự thật hiển nhiên. Thánh Phêrô bị tra tấn, rồi được thả ra, nhưng với điều kiện là không được rao giảng ông Giêsu. Thánh Phaolô trả lời tỉnh bơ: “Tôi phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời các ông”. Trên đường về, thánh Phêrô hứng khởi hát thánh ca. Hỏi tại sao, thì ngài trả lời đơn sơ rằng: “Sướng quá vì được chịu đòn vì Chúa.” Thánh Phaolô cũng vậy. Sau khi bị căng thây và đánh cho bốn chục hèo, ngài và đồng bọn Sila bị tống vào trại giam thành Philíp. Đêm hôm ấy, hai anh em hát thánh ca um lên, làm náo loạn cả trại giam. Sướng quá nên mới hành động như vậy.
Đó là niềm vui về tâm lý ở ngay trên đời này. Còn một niềm vui lớn hơn thế ngàn trùng nữa, đó là được vào thiên đàng hưởng hạnh phúc mà trí khôn loài người không hiểu được. Thì ra niềm vui nghe qua tưởng là niềm sợ, thì là niềm vui có thật. Không những có thật mà lại là niềm vui lớn lao vô cùng và tồn tại vĩnh viễn.
Ai quyết tâm theo Chúa, thì phải từ bỏ chính mình là thế. Bỏ một mà lại được một trăm, một nghìn. Bỏ cái tương đối, để được cái tuyệt đối. Bỏ như thế là chiếm hữu. Bài học này không chỉ dành cho các tông đồ, các linh mục, tu sĩ, mà còn cho mọi người tín hữu. Chân lý này phải được loan báo cho lương dân. Loan báo bằng lời nói và bằng cuộc sống hằng ngày. Mong rằng không có một Kitô hữu nào phải buồn phiền khi theo Chúa, trái lại lúc nào cũng biểu lộ niềm vui dù là đói khổ, dù là bệnh tật, dù là tù đày. Mong thay!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 2
SỐNG ĐỜI TỪ BỎ
Mt 16, 21-27
Biến cố ở Xêdarê Philípphê cho thấy tâm trí các tông đồ vẫn còn đang hướng về những hào nhoáng thế gian và vinh quang trần thế. Tuy vậy, Chúa Giêsu vẫn bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận đau thương đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem: phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Nghe nói thế, Phêrô liền kéo riêng Ngài ra bên ngoài và khuyên can Thầy. Phản ứng của Phêrô cũng là lẽ tự nhiên theotình cảm của người đời, không muốn Thầy phải chịu khổ lụy. Nhưng rất tiếc, đó là một sự lầm lạc trong sứ vụ, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Ở đây, cám dỗ lại càng nghiêm trọng và sâu sắc hơn vì nó phát xuất từ một người môn đệ yêu mến Thầy, muốn giữ Thầy lại theo ý riêng, nên Đức Giêsu quay lại và phản ứng rất mạnh: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy, anh cản lối Thầy…”. Mới đó Phêrô giống như một thiên thần khi tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống, mà bây giờ lời của ông khác nào cơn cám dỗ của Xatan. Mới đó Phêrô đã được đặt làm “tảng đá, trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ ông thành tảng đá “cản lối làm cho Thầy vấp”. Thật ra, tảng đá xây Hội Thánh không phải là bản thân bác thuyền chài Simon, mà là niềm tin của ông đặt nơi Đức Giêsu. Thiếu niềm tin này, tất cả công việc của ông đều sụp đổ.
Điều này cho chúng ta thấy, nhận ra Thầy là Đức Kitô mới chỉ là một ân phúc; tuyên xưng đức tin mới là một khởi đầu, còn cả một tiến trình khám phá qua việc sống đức tin, đòi người môn đệ phải vượt qua gian nan thử thách, mới đạt tới tầm vóc đích thực mà Chúa mong mỏi nơi chính mình. Vì thế, để các ông đừng lầm tưởng về lý tưởng mà các ông muốn dấn thân, nên Chúa Giêsu không ngần ngại nói thẳng cho biết: “Ai muốn theo Thầy,phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đây là một trong những đề tài chủ yếu đã được Đức Giêsu công bố và sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho những ai muốn làm môn đệ Ngài (x. Mt 10, 37-39; Mc 8, 34-37; Lc 9, 23-27; Ga 12, 25).
“Từ bỏ chính mình”  có vẻ tự tha hoá, vong thân, không còn là chính mình. Đúng là khi không yêu thì không thể nói đến từ bỏ. Chỉ khi yêu thì người ta mới dám từ bỏ, để sống trọn vẹn cho người mình yêu. Từ bỏ cũng là một cách dâng hiến lại cho Thiên Chúa những gì Người đã tặng ban. Trong ý nghĩ sâu xa hơn, từ bỏ để có thể tìm lạicái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Người, chỉ sau đó do tội lỗi, nên con người mới bị tha hóa, vong thân. Nay ta phải cố gắng đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”, chính là tìm lại hình ảnh đích thực từ ban đầu của mình, để hoàn toàn là chính mình. Gặp gỡ ĐứcKitô cũng là gặp lại chính mình.
“Vác thập giá”nghĩa là gánh chịu những hy sinh cũng là điều đương nhiên trong thân phận con người, dù là ai hay trong cuộc sống nào cũng thế, nếu muốn có những gì tốt hơn.Hy sinh đối với người Kitô hữu là nhằm để phục vụ Chúa nơi mọi người. Vác thập giá cũng chính là cái “giá” phải trả cho một chọn lựa mà ta muốn dấn thân thực hiện. Hơn nữa, lời mời gọi vác thập giá ở đây không phải là dự tính của con người, mà là đường nẻo của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ phát xuất từ lòng thương xót của Ngài, không muốn một ai phải hư mất.
Vì thế, “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”. Chỉ lo bảo toàn cho mạng sống mình ở đời này thì cuối cùng sẽ còn lại gì? Do đó, môn đệ Đức Giêsu là người say mê cái được vĩnh cửu,nên chấp nhận những mất mát tạm thời:mất công, mất của, mất thì giờ,có thể mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng sống nữa.Nhưng cuối cùng, chẳng có gì để mất, vì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Đó là điều mà Chúa Giêsu bảo đảm cho những ai tin vào Ngài. Thánh Phaolô cũng đã xác định: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.” (2Tm 2,11), “Nếu ta cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17).
Thật ra khi từ bỏ mình, vác thập giá, chịu mất mạng sống vì Chúa, thì không chỉ đợi đến đời sau mới nhận thấy mình nhận được được sự sống mới nơi Chúa.Nhưng ngay đời này, chúng ta cũng đã bắt đầu nếm hưởng được sự bình an, hoan lạc, được sống trong tự do và yêu thương,nhất là thấy mình đã được thuộc về Chúa là niềm hạnh phúc vô vàn. Vì thế hãy hiến thân cho Chúa như Chúa đã hiến mình cho ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Để có thể thành người môn đệ Chúa,
Ngài mời gọi con sống đời từ bỏ,
sẵn sàng bỏ hết những gì con có,
để bước đi vác thập giá theo Ngài.

Đời sống con vẫn có thêm mỗi ngày.
hôm nay chưa dính bén mai lại có,
điều bỏ từ lâu nay lại dính bén,
nên con cứ phải tập dần cho quen.

Từ bỏ là cách diễn tả tình yêu,
khi yêu con mới sẵn sàng từ bỏ,
từ bỏ những cái xấu không nói gì,
còn bỏ cái tốt chọn điều tốt hơn.

Từ bỏ gây lo sợ và luyến tiếc,
nhưng xem ra cũng giống như phiến đá,
nhiều thô nhám và xấu xí nhăn nheo,
thành tác phẩm khi để thợ đục đẽo,

Từ bỏ như điều kiện để giải thoát,
khỏi những gì kiềm buộc và tù hãm,
tránh cho con khỏi mọi thứ tham lam,
để tâm con nhẹ nhàng và thanh thản,
không âu sầu vì nặng gánh lo toan,
dần vươn lên khỏi bụi cát phàm trần.

Từ bỏ vẫn luôn là một điều khó,
vì con thích dung dưỡng và dễ dãi,
để được sống an nhàn và thoải mái,
như bao người đang sống ở xung quanh,
nhưng con thấy bất an và bất xứng,
với sứ mạng làm nhân chứng cho Ngài.

Xin cho con dám sống đời từ bỏ,
từ bỏ hoài từ bỏ mãi không ngơi,
một cuộc đời luôn thanh thoát mọi nơi,
cho đến khi gặp được Chúa muôn đời,
nơi vinh phúc sáng ngời con mong đợi.
là nên một với Chúa trên quê Trời. Amen

Lm. Thái Nguyên
================== 
Suy niệm 3
Đầu tư cho cuộc sống mai sau

 Mt 16, 21-27
Đầu tư không đúng chỗ
Hầu như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều quy về việc củng cố, đầu tư cho thân xác, cho cuộc đời tạm thời vắn vỏi của mình.
Người ta dành trọn 24 giờ mỗi ngày để chăm lo cho thân xác: giờ ăn, giờ ngủ, giờ giải trí vui chơi, giờ làm việc nuôi thân xác...
Và cứ thế cho đến mãn đời.
Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực… đều được dốc ra để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời nầy, để rồi đến lúc cuối đời, người ta thu hoạch được một nắm xương hay chỉ là một lọ tro tàn sau khi thiêu xác!
Nhưng làm sao để tránh khỏi kết cục bi thảm nầy? Làm cách nào để đạt tới một thành quả tươi sáng hơn?
Đầu tư cho đời sống mai sau
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đề nghị một giải pháp khôn ngoan. Ngài dạy chúng ta đầu tư đúng hướng để được hưởng lợi nhuận vững bền. Đó là đầu tư cho đời sống mai sau bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá.
Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
- “Từ bỏ chính mình” tức là đừng dồn tất cả mọi vốn liếng ta có để vun đắp cho cuộc sống đời nầy; không dành toàn bộ công sức, thời gian, tài năng, trí tuệ để phụng sự thân xác.
- “Vác thập giá mình” là chấp nhận hy sinh, là khước từ những đam mê tội lỗi… để dành thời giờ và khả năng để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Sở dĩ Chúa Giê-su dạy như thế là vì “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Chúa, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).
Thánh Phanxicô Xavie lúc còn thanh xuân muốn đầu tư hết tài năng, sức lực để chiếm hữu địa vị xã hội và vinh hoa thế gian.
May thay, Thiên Chúa đã gửi đến cho anh người bạn tốt, đó là thánh Inhaxiô. Inhaxiô thường dùng lời vàng Chúa dạy hôm nay để nhắc bảo Phanxicô: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”
Ánh sáng của Lời Chúa đã loé lên trong tâm hồn chàng trai đầy tham vọng trần thế và đã xoay chuyển cuộc đời anh. Phan-xi-cô không còn theo đuổi phù du ảo ảnh đời nầy để dấn thân không mệt mỏi vào những vùng đất xa xôi, chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa nên đã được hạnh phúc vinh hiển muôn đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho Lửa Thánh Linh soi chiếu tâm hồn để chúng con nhận ra rằng con người gồm cả hồn lẫn xác. Thân xác nầy nay còn mai mất và rốt cục chỉ còn là tro bụi thì chỉ cần đầu tư vừa phải. Còn linh hồn trường tồn bất diệt thì phải đầu tư cho hồn nhiều lần hơn để mai sau được hưởng vinh phúc muôn đời với Chúa. Amen. 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

==================
Suy niệm 4
Thánh ý 
Chúa

(Mt 16, 21-27)
Thánh ý Chúa trong cuộc đời
Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài, là chủ tể mọi loài (x. 2Mcb 7, 23; Kn 1, 14), là tác giả của quá khứ, hiện tại và tương lai (x. Gdt 9, 5-6). Nhìn vào trật tự của vũ hoàn, chúng ta thấy quyền năng sáng tạo và bá chủ lịch sử thuộc về một mình Thiên Chúa. Mọi sự xảy ra không ngoài ý Chúa.
Nhìn vào cuộc đời và ơn gọi của Giêrêmia, ông đâu có muốn làm ngôn sứ cho Đức Chúa. Ông thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã đã khuyến dụ được tôi”(Gr 20,7). Ông đâu có chọn cho mình ơn gọi tiên tri; ông cũng chẳng thích tuyên sấm những lời bi quan khủng khiếp. Cực chẳng đã ông phải làm tiên tri. Chính Thiên Chúa dụ dỗ ông, biến ông thành khí cụ trong tay Ðấng điều khiển cả đất trời. Thánh ý Chúa thể hiện trong cuộc đời ông. Ông là "Người của Thiên Chúa".
Chúa Giêsu tuân hành ý Chúa Cha
Chúa Giêsu là khuôn mẫu hoàn hảo nhất trong việc thực hành ý Chúa Cha. Người sống bằng ý Chúa (x. Ga 4, 34). Đó là điều duy nhất mà Người tìm kiếm (x. 5, 30), và làm mọi sự đẹp ý Đấng đã sai mình (x. 8, 29). Dù ý đó mang một hình thức “mệnh lệnh”, nhưng Chúa Giêsu thấy đó là dấu chỉ mà “Cha yêu Người” (x. 10, 17). Sự vâng phục của Con là sự thông hiệp với ý Cha (x. 15, 19).
Trong vườn Cây Dầu cho thấy “điều Con muốn” và “điều Cha muốn” có vẻ không dung hợp (x. Mc 14, 36). Nhưng Chúa Giêsu đã vượt qua xung đột đó nhờ cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý Con, một xin theo ý Cha.” (Lc 22, 42). Người đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình để ý Cha được hoàn toàn thực hiện, hầu mang lại ơn cứu độ cho loài người. 
Chẳng có lạ, khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thấy con đường khổ nạn và cái chết đau thương mình phải chịu. Chẳng may Người gặp phải một phản ứng tức thời, phản ứng của Phêrô, kẻ mà Người mới đặt làm Ðá để xây lên Hội Thánh.
Phêrô kéo Người lại với mình và can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được ! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu" (Mt 16,22). Kể ra ông cũng rất tế nhị. Ông không dám thẳng thắn phản đối. Ông kéo Người ra để nói riêng, không muốn cho đồng bạn nghe thấy. Vậy mà Chúa Giêsu có vẻ phẫn nộ đối với Phêrô. Người nói to không nể mặt: " Hỡi Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm" (Mt 16,23). Có lẽ câu tiếp theo làm cho người ta hiểu thánh ý Chúa hơn, Người bảo: "Vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người" (c. 23).
Dần dà Chúa Giêsu tỏ cho môn đệ thấy tương lai của Người, tương lai ấy do chính Chúa Cha xây dựng như Chúa Giêsu nói : "Ta đến không phải để làm theo ý muốn của mình, mà là ý của Ðấng đã sai Ta" (Ga 6,38). Như vậy, cuộc Tử nạn Phục sinh của Chúa Giêsu là kế hoạch của Chúa Cha. Phêrô chưa nhận ra điều ấy. Ông tưởng đó là ý riêng của Chúa Giêsu. Thế nên ông bộc bạch ý của ông cũng là ý của các môn đệ, là ý của quần chúng, của con cái Israel... và nói chung, của cả loài người. Ai ai cũng đang trông chờ một vị cứu tinh vinh quang, một Ðấng Cứu thế uy hùng, một Thầy Giêsu quyền phép sắp xây dựng Nước Trời trong huy hoàng, rực rỡ. Họ không biết, hoặc chưa biết "Con Người sẽ phải chịu đau khổ... Các lời tiên tri phải nên trọn... Người phải là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ... Và người Tôi Tớ của Thiên Chúa kể trong sách Isaia chính là Người". Phát biểu của Phêrô là tiếng nói của loài người. Hơn nữa phá kế hoạch của Thiên Chúa là ý muốn của Satan. Lời Chúa Giêsu : "Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta" (Mt 16,24). Ðó là bài học cụ thể phải rút ra sau khi đã thấy mầu nhiệm thánh ý Chúa.
Theo Chúa phải từ bỏ mình và vác thập giá
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng. “Từ bỏ chính chúng ta”, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa. Con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (BENEDICTO XVI, Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 5
BỎ MÌNH ĐỂ VÁC THẬP GIÁ
Mt 16, 21-27

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”(Mt 16,24). Lời tuyên bố này là điều kiện Người đề ra và đòi hỏi ý chí tự do của con người. “Ai muốn theo”, Người không ép buộc ai, nhưng cho con người được tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Người muốn dạy cho các môn đệ cũng như mọi người thấy rõ những gì họ tin và bằng lòng trả giá. Những ai tin và muốn theo Người phải quyết tâm đi vào con đường Người đã đi, là con đường từ bỏ mình và vác thập giá.
Bỏ mình không phải là khinh ghét, hành phạt thân xác mình, là hình ảnh của Thiên Chúa, một công trình tay Chúa tạo dựng cho ta, vì nó là một trong “ba kẻ thù” của linh hồn. Chúa hằng yêu thương ta, hà cớ gì mà ta lại phải khinh ghét chính mình? Nhưng từ bỏ ở đây là biết vui vẻ chọn lựa cái tốt hơn, từ bỏ cái tôi cồng kềnh, tính toán ích kỷ, thu tích lợi lộc, chất chứa đủ thứ trong lòng, bao nhiêu ham mê thế trần làm lé con mắt…
Bỏ mình là ra khỏi chính mình, quy hướng về Chúa, thành ra mọi sự thuộc về Chúa và trong Chúa. Khi lòng ta đã ra trống rỗng, vì trút bỏ được nhiều thứ hỗn độn của thế trần, lúc ấy chỉ còn ta với… Chúa mà thôi. Chính Chúa sẽ lấp đầy trong ta và làm cho biến đổi như thay máu con tim. Lúc ấy trong ta tràn chảy một Sự Sống mới, làm ta vui vẻ đón nhận mọi sự với sức chịu đựng dẻo dai, làm cho nên nhẹ nhàng mọi thập giá đời mình. Thập giá có Chúa cùng đi, cùng vác sẽ biến đổi trở nên Thánh Giá nhẹ nhàng trên đường rộng mở thênh thang. Trong Tình Yêu Vĩ Đại, mọi gánh nặng lại trở nên nhẹ nhàng. Khó khăn đau khổ có đó, mà người ta chẳng nề, không rên la, như chứng nhân anh dũng bước theo Chúa Kitô Phục Sinh. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá. Chúa không bao giờ đặt trên vai chúng ta một thập giá nặng hơn đôi vai của chúng ta.
Đức Giêsu quả quyết:ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,25). Cái được-mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”. Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh,“chết” đi để được “sống”.
Chúa ơi! bài học từ bỏ và vác thập giá Chúa dạy con không phải chỉ là bài học trên lý thuyết. Nhưng chính Chúa đã bước vào và đi trọn con đường ấy. Chúa quên mình tự hủy, sống đơn nghèo cho đến chết để con trở nên giàu có. Chúa hy sinh mạng sống để cho con được sống muôn đời. Xin cho con biết khôn ngoan lựa chọn mà đi đúng con đường Chúa đã đi qua, mà vui vẻ hiên ngang vác thập giá đời mình trên con đường thênh thang rộng mở, bước từng bước theo Chúa mỗi ngày, luôn có Chúa cùng đi với con. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Ngày 18.07.2024, hơn 200 bạn trẻ từ 9 giáo xứ thuộc Giáo hạt Nghĩa Lộ đã quy tụ tại Giáo xứ Vàng Cài để tham gia ngày “Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ" lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log