Thứ bảy, 27/07/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 23 Thường niên A

Cập nhật lúc 11:11 07/09/2023
Suy niệm 1
Mt 18, 15 – 20
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa đang đứng nhìn xuyên suốt dòng lịch sử của Giáo hội, mà khởi đầu là tập thể mười hai tông đồ. Mắt thì thấy hết, mà lòng thì buồn vui song hành. Tập thể mười hai do Chúa gầy dựng và đào tạo vẫn có chuyện buồn vui, thậm chí có cả chuyện mất mát, phản bội nữa.
Có một chuyện ngứa mắt đã xảy ra làm cho anh em phải lườm nguýt, đó là hai môn đệ ưu tú Gioan và Giacôbê đã vận động hành lang để cả ba mẹ con quỳ lạy thùm thụp để xin Chúa cho một đứa làm thủ tướng, một đứa làm tổng tư lệnh quân đội. Ngứa mắt thật. Ngứa mắt quá. Yếu tố nhân loại trong Giáo hội là thế và vẫn còn là thế. Một chuyện đau lòng cực kỳ đã làm Chúa toát mồ hôi, đó là Giuđa Ítcariốt, một tên trộm cắp, một tên thờ tiền, một tên đệ tử bán Thầy để có tiền. Nhiều chuyện buồn, nhưng Chúa đã đối phó thế nào. Chuyện ngứa mắt của ba mẹ con bà Giêbêđê không làm Chúa nổi giận, mà chỉ có lời giáo huấn, khuyên họ sẵn sàng sống khổ, sống nghèo với Ngài. Với Giuđa, Chúa không phanh phui trước tập thể, mà chỉ nhắc khéo khi nói về việc thờ Chúa và thờ tiền. Ngay trong bữa tiệc ly, các tông đồ chưa ai biết hành động bán Thầy của Giuđa, kể cả Gioan, môn đệ thân tín của Chúa.
Chúa muốn rằng lịch sử Giáo hội cũng hãy đối xử với những thành phần yếu đuối và sa ngã như vậy. Âm thầm khuyên lơn là bước đi đầu tiên. Sau đó là khuyên lơn công khai. Sau nữa là công khai trước cộng đồng. Nếu vẫn không thành công thì đành cắn răng chịu thua. Con người phải được kính trọng. Chữa trị cũng phải làm với lòng yêu thương. Thất bại là chuyện không tránh được. Hãy để người hư hỏng tự mình ra đi, mà không bị đuổi. Chúa đã kiên trì trong lịch sử cứu độ. Bao nhiêu cái khổ đổ hết lên đầu Ngài. Ngài đau đớn chấp nhận, miễn là người được cứu vẫn trùng trùng điệp điệp.
Lịch sử Giáo hội thời trung cổ còn gây nỗi buồn cho Chúa, nhiều hơn những yếu đuối của các tông đồ. Đã xảy ra bao nhiêu cuộc kết án. Loại trừ thì nhiều, mà đối thoại thì ít. Hiện đang có một nỗi buồn lớn cho Chúa, đó là con cái của Chúa chia phe. Bốn phe lớn là Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành và Anh giáo. Tấ cả đều là những người con yêu của Chúa, nhưng lại không thống nhất. Không thống nhất mà còn kết án nhau, dòm ngó và nguýt nhau. Chúa chẳng kết án đứa con nào. Ngài chỉ mong các con của Ngài trở nên một như Chúa Cha và Chúa Con là một.
Giáo hội tổng thể là vậy. Giáo hội trong các đơn vị nhỏ là Giáo phận, Giáo xứ cũng vẫn cho những chuyện buồn, như ba mẹ con bà Dêbêđê đã gây ra cho các bạn tông đồ. Không hậm hực chống đối, nhưng vẫn thấy ngứa mắt và bực bội. Đó là yếu tố nhân loại, mà cả Chúa lẫn Giáo hội vẫn kiên nhẫn chịu đựng.
Chúng ta cùng nhau nhìn ánh mắt buồn của Chúa để canh tân Giáo hội. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe tâm tình của Chúa sau đây để cả Thầy lẫn trò đều sung sướng tột cùng.
“Thầy bảo thật anh em, nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ”.
Ôi, lời tâm tình đẹp quá. Nếu ta nghe biết lòng Chúa như vậy, mà không thực hành, để Chúa được vui, thì chúng ta là thứ người gì? Chúng ta cùng nhau suy nghĩ và thực hành.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
SỬA LỖI CHO NHAU

Mt 18, 15-20
Như người mục tử đi tìm con chiên lạc, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi bất cứ ai, mà còn quan tâm chăm sóc từng tín hữu, cho dù nhỏ bé nhất và không đáng kể gì (Mt 18,10-14). Mỗi con người có một giá trị vô song, bởi vì tất cả đều được dựng nên cho Thiên Chúa và đã được cứu chuộc nhờ cuộc thương khó của Đức Kitô.Họ đang nằm trong tiến trình hoàn thành chính mình theo dự định của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chính trong nguồn cội phát xuất từ Thiên Chúa, mà không một ai được phép nói là tôi không cần phải quan tâm đến người khác. Trái lại, chúng ta buộc phải quan tâm đến người anh chị em của mình, nhất là những người đang sa lạc. Chúng ta không được phép tránh né họ vì ích kỷ, lười biếng hay sợ hãi, hoặc bi quan về kết quả. Cũng không được tự hào mình là người công chính và khinh khi người tội lỗi.
Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu tha thiết quy tụ mọi người lại quanh Ngài để làm thành một cộng đoàn tín hữu và huynh đệ. Ngài kêu gọi họ sống với nhau và cùng nhau thi hành sứ mạng (Mt 4,18-25). Chắc chắn Ngài không muốn các thành viên trong cộng đoàn theo giám sát nhau hoặc phân loại con người theo bậc thang giá trị luân lý, nhưng giúp nhau sống ơn gọi Kitô hữu và trở thành những chứng nhân sống động.Trong tinh thần hiệp thông, những cách thức mà Đức Giêsu đề nghị đều nhằm diễn tả đức ái, vì “Cha của anh em... không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14).
Đây là bổn phận chăm sóc anh em về mặt thiêng liêng, nhất là những người trong cùng một cộng đoàn, một giáo xứ. Giúp đỡ một người anh em đang gặp khó khăn; chìa tay ra cho một người chị em đang rơi vào nguy hiểm; an ủi nâng đỡ một người đang buồn sầu thất vọng; khích lệ và tạo điều kiện cho những anh chị em yếu kém về vật chất cũng như tinh thần, v.v... Tất cả đều là đòi hỏi của tình yêu, là một sự trung thành với công trình của Đức Giêsu. Cùng là anh em con một Cha trên trời, nên chúng ta phải sống tình liên đới và chịu trách nhiệm về nhau.
Trong đời sống cộng đoàn, không mấy ai không vấp váp lỗi lầm. Nhưng việc nhận lỗi và sửa lỗi lại là điều khó khăn, bởi vì tâm lý chung của mọi người là thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới.”(Mt 7, 3). Léon Tolstoi cũng đã nói:“Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình”. Khuynh hướng tự mãn khiến ta dễ thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình. Vì vậy, để tránh đi sâu vào lầm lạc, ta cần nhờ người khác chỉ ra lầm lỗi của mình.
Việc sửa lỗi mà Chúa Giêsu dạy, không được tùy nghi xử sự theo cảm tính, nhưng phải tiến hành theo những cấp độ khác nhau. Trước tiên, việc sửa lỗi mang tính cách riêng tư, thân tình, với sự kín đáo và tôn trọng.Đừng làm ra vẻ người trên sửa lỗi người dưới, hoặc tỏ ra mình hoàn hảo, nhưng tạo sự cảm thông và đặt mình trong tình trạng của người kia. Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp,nên đem theo vài người nữa,không phải để gây áp lực,nhưng để cho thấy tính khách quan.Nếu họ vẫn không nghethì phải đưa ra cộng đoàn.Nếu họ cũng không nghe cộng đoàn,thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.
Điều ta cần nhớ là tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh, có thể vừa tự ái vừa mặc cảm; vừa tự ti vừa tự tôn; tỏ ra mạnh mẽ bên ngoài nhưng lại rất yếu đuối bên trong, nhất là những người trẻ thường hay tự hào và ảo tưởng về mình. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ; một thái độ vô tình sẽ khơi thêm hố cách ngăn. Cần tế nhị, nhẹ nhàng để tạo cảm giác an toàn, với bầu khí cởi mở và tín nhiệm. Việc sửa lỗi có ba giai đoạn, nhưng có khi phải nhiều lần, nhiều lượt. Phải kiên trì với những phương án khác nhau để phù hợp cho từng đối tượng và hoàn cảnh.
Dù sao, việc sửa lỗi người khác cũng phải đi liền với việc sửa mình: nghĩa là duyệt xét lại tâm tình, ý hướng và phương cách của mình cho chân chính và phù hợp, tránh những thái độ chủ quan và thiển cận, kẻo tạo nên mâu thuẫn và đối nghịch. Có khi người khác không sửa lỗi vì chính tôi đã không sửa mình. Sự đổi mới nơi bản thân tôi luôn có sức thuyết phục và thúc đẩy sự đổi mới nơi anh chị em tôi.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt16,19b;Ga20,23), nghĩa là quyền quyết định về những phần tử của mình trong mọi trường hợp, nhưng chắc chắn Ngài không hề đặt giới hạn cho sự tha thứ, và bao giờ cũng là sự mở đường. Cần có sự cầu nguyện của cộng đoàn để cho ai đó đã sa cơ lỡ bước vẫn luôn có cơ hội để trở về với Chúa và anh chị em. 
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Chúa là một nghệ nhân thật tuyệt vời,
muốn làm nên những tuyệt tác đẹp ngời,
là cuộc đời của mỗi người chúng con,
nhưng nếu không uốn nắn và cắt tỉa,
con mãi là cây hoa dại bên đường,
sống tầm thường không tỏa được sắc hương,
Làm người aicũng muốn mình sống tốt đẹp,
nét đẹp đơn sơ hiền lành và khiêm nhượng,
nét đẹp yêu thương và cho đi cao thượng
nét đẹp chân thành và trong sáng hiền lương,
nét đẹp hy sinh và dấn thân phục vụ,
để con mỗi ngày nên giống Chúa Giê-su.
Chấp nhận cắt tỉa sẽ làm con đau đớn;
chấp nhận lỗi lầm khiến con phải đớn đau;
chấp nhận sửa lỗi càng làm con khốn khổ,
nhưng qua đó con thấy mìnhđược triển nở,
vì đã vượt qua những lối sống mê mờ,
không còn hững hờ và thái độ ngu ngơ.
Con thấy vui khi mình được sửa lỗi,
vì còn có cơ hội để đổi đời,
làm cho cuộc sống mỗi ngàythêm mới,
thêman vui và ích lợi cho đời,
là hình ảnh của Chúa khắp mọi nơi,
và quanh con mọi người được thơ thới.
Xin cho con một tâm hồn thanh thản,
nhìn mọi người với ánh mắt lạc quan,
và luôn sống tình thân giữa cộng đoàn,
dù có những đa đoan và chua chát,
nhưng chỉ cần con biết sống hòa chan,
là tâm con được bình an trong Chúa. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================

Suy niệm 3
NỢ YÊU THƯƠNG

Thông thường, người ta mắc nợ tiền bạc, vật chất, hiện kim, hiện vật, nợ tình nghĩa, nợ lòng biết ơn…chứ chẳng ai nói như Thánh Phao-lô “anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau”, hoặc “tương thân tương ái” (x. Rm 13, 8) cả. Nhất là trong xã hội đang quay cuồng với biết bao chủ thuyết độc hại, tiêm nhiễm hằng ngày vào suy nghĩ, tâm tư, lối sống con người, kể cả người Công Giáo chúng ta. Nào là xu hướng sống độc thân vì ích kỷ, sợ liên luỵ, sợ ảnh hưởng đến lối sống cá nhân sung sướng, thu mình trong tiện nghi, trong ‘chăn ấm nệm êm’ của đời mình! Chủ trương tương đối trong mọi thứ, kể cả chân lý đức tin, niềm tin, giá trị luân lý, v.v…Thế thì, tại sao tôi lại mắc nợ ai việc phải yêu mến cơ chứ?
Văn hoá trần tục của xã hội giản lược các giá trị thành vật phẩm, kể cả tình yêu thương, sự tương thân tương ái như thể cuộc trao đổi, hay chúng ta thường nghe từ ngữ mỹ miều ‘hợp đồng thương mại siêu lợi nhuận” hoặc nói đơn giản như ông bà ta đã từng đúc kết ‘có qua có lại mới toại lòng nhau’. Như thế, chúng ta những người Công giáo cũng không thể tránh khỏi lối suy nghĩ ấy, mà cho rằng: tôi chẳng mắc nợ ai ngoài những gì đã vay mượn, chứ không nợ ai yêu thương cả!
Nói cho cùng, chúng ta không những nợ, mà còn nợ nhiều nữa là đàng khác. Nợ Thiên Chúa! nợ bố mẹ ta! nợ gia đình ta! nợ hết thảy những ai dạy dỗ, nâng đỡ, giúp sức cho ta! nợ giáo xứ, nợ cộng đoàn, nợ bạn bè! Chẳng phải khi vay mượn, chúng ta mới nợ đâu! Thật sự, điều này hoàn toàn đúng, vì khi mượn vay thì đã mắc nợ, và đã nợ phải trả là điều hiển nhiên. Nhưng hơn thế, là người Công Giáo, nếu chúng chưa sống giới răn yêu thương: mến Chúa (x. Đnl 6, 5) và yêu người như chính mình (x. Lv 19, 18) thì chúng ta còn mắc nợ dài dài. “Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật” (x. Rm 13, 8) và “yêu thương là chu toàn cả lề luật” (x. Rm 13, 10).
Khi nghe nhiều người không Công Giáo, kể cả những người theo chủ thuyết vô thần nói: nơi nào có nhiều cộng đoàn giáo xứ, dòng tu và tín hữu Công Giáo, nơi ấy rất bình yên, và tệ nạn xã hội rất thấp, đến độ không có. Nếu thật sự như vậy, chắc hẳn người Công Giáo chúng ta đang nỗ lực sống giới yêu răn thương, làm việc bái ái và trở nên ‘muối men’ cho đời, cho mọi người hàng xóm, làng giếng và xã hội. Nói như Thánh Phao-lô đã quả quyết: khi chúng ta thực thi bác ái, sống giới răn yêu thương như Chúa dạy thì sẽ không làm hại tha nhân (x. Rm 13, 10).
Hơn nữa, nhờ tình yêu, sự tương thân tương ái, và việc thực thi bác ái mỗi ngày, chúng ta mới có thể xét mình thay vì xét đoán, đổ lỗi, phàn nàn, lên án, chụp mũ…anh chị em. Với lòng yêu thương ấy, với niềm hân hoan sống bác ái ấy, chúng ta mới có thể “trở nên người canh gác cẩn trọng” (x. Ez 33, 7), không phải canh gác như ‘giám thị’ chỉ để ý đến những gì không tốt, xấu xa nơi người khác; trái lại, canh giữtâm hồn bản thân, canh giữ lối sống đoan chính, canh phòng suy nghĩ, cách nhìn ngay thẳng của chính mình, để can đảm thực thi Lời Chúa, và khuyến dụ anh chị em trở về chính lộ mỗi lần lạc lối hay lầm lạc “khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đàng tội lỗi, cho dẫu nó không chịu bỏ đi chăng nữa, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống mình” (x. Ez 33, 9). 
Lòng yêu thương, việc thực thi bác ái này được Chúa Giê-su nâng lên một tầm cao mới, đó là sửa đổi cho nhau trong tình huynh đệ. Và điều này cần phải thực hiện một cách cẩn trọng và theo ‘tiến trình’ tiệm tiến như Chúa Giê-su chỉ dẫn. Tuy nhiên, trong thực tế, ‘tiến trình’ này dường như bị đảo ngược, tệ hơn là bị bỏ qua, nên ‘tiến trình’ biến thành ‘trình tiến’ theo thói quen, tập quán bản thân. Ngoài ra, phần lớn cách thức mà người Á Đông chúng ta hay làm và luôn cho rằng không sai, đó là thay vì nói riêng, trực tiếp, đối diện với người anh chị em mắc lỗi với mình, thì lại rêu ra, lôi kéo đồng minh bằng cách nói với người thứ ba (mà người này chẳng biết rõ gì về sự thể đang diễn ra giữa mình với người anh chị em mắc lỗi!). Vì thế, Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta nên hành xử ra sao khi anh chị em lỗi phạm, hay trót phạm tội (x. Mt 18, 15) một cách cụ thể từng bước một: (1) đi sửa dạy riêng giữa ngươi và nó thôi, (2) nếu nó không nghe, đem theo một hoặc hai người nữa để làm nhân chứng, (3) nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Sau đó, nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, thì hãy kể nó như người ngoại và như người thu thuế (x. Mt 18, 15-17). Tiến trình sửa lỗi, góp ý cho anh chị em thế này luôn luôn phải đặt trong lòng mến, tình đệ huynh và nhất là trong tâm tình cầu nguyện giúp biện phân, tìm Thánh ý Chúa trong cộng đoàn, trong nhóm, trong hội đoàn, giáo xứ, hội dòng…Nếu chúng ta không cẩn trọng thực hiện từng bước một như Lời Chúa dạy, và với tâm thế yêu thương, hiểu biết, cảm thông, thì việc hữu ích này sẽ có nguy cơ biến thành cuộc thanh trừng, vạch mặt, tố cáo nhau như đã và đang xảy ra trong văn hoá trần tục giữa một xã hội thực dụng ngoài kia.
Giờ đây, chúng ta cùng trở về với lòng mình, đi sâu vào trong tâm hồn bản thần hầu chúng ta đủ lắng đọng, đủ tĩnh lặng, để cùng lắng nghe tiếng Chúa và tâm sự với Ngài:
Lạy Chúa, giữa chốn trần gian
Nhiều người đánh đổi bình an tâm hồn
Bằng sự xa hoa thượng tôn
Vật chất trở thành luỹ đồn chở che
Lạc vào hư vô đê mê
Từ thiện giả tạo chắn che lỗi lầm
Xin cho con biết âm thầm
Thực thi bác ái ân cần đệ huynh. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

=================

Suy niệm 4
Giúp nhau sửa chữa lỗi lầm
 Mt 18, 15-20
Nếu bạn phát hiện có ngọn lửa đang bén vào phía sau một ngôi nhà gỗ, có nguy cơ bùng cháy lớn, nhưng chủ nhà ngồi phía trước nên không hay biết… thì bạn ứng xử thế nào?
Một là phớt lờ bỏ đi, vì nghĩ rằng việc ai người đó lo; hơi sức đâu mà lo chuyện người khác!
Ứng xử như thế thì thật đáng trách và sẽ bị người đời lên án.
Hai là tức tốc báo tin cho chủ nhà biết để dập tắt ngọn lửa kịp thời, trước khi quá muộn.
Làm như thế, bạn là người đạo đức, tốt lành, đáng khâm phục.
Ngoài thứ lửa vật chất thường thấy, còn một thứ “lửa” vô hình có thể thiêu rụi nhân cách, danh dự, lòng đạo đức con người… Đó là tội lỗi, như tội ngoại tình có thể thiêu rụi hạnh phúc gia đình; tội tham lam có thể đưa đến giết người, cướp của; tội bài bạc có thể làm gia đình tan nát và rất nhiều thứ tội khác có thể hủy hoại phẩm chất cao đẹp của con người…
Vì thế, báo cháy cho chủ nhà biết để dập lửa kịp thời là việc quan trọng thì việc giúp cho người khác thấy tội của họ để ăn năn sửa mình, để cứu mình khỏi “cháy” là điều quan trọng ngàn lần hơn.
Khó nhận ra lầm lỗi của mình
Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào nên việc nhận ra lầm lỗi của bản thân là điều rất khó.
Vua Đa-vít phạm tội ngoại tình với bà Bát-sê-ba là vợ của U-ri-gia, sau đó, vua ra lệnh giết U-ri-gia là chồng của bà nầy và chính thức cưới bà về làm vợ! Vậy mà vua vẫn ung dung, không nhận ra tội ác tày trời của mình. Thế là nhân đức của vua đã bị “cháy”!
May thay, có ngôn sứ Na-tan đến cảnh tỉnh nhà vua, giúp nhà vua nhận ra tội lỗi của mình. Bấy giờ vua mới hết lòng ăn năn sám hối (2 Samuel, 11-12).
Vì nhiều người không nhận ra lầm lỗi của mình nên việc giúp họ nhận biết được tội lỗi của bản thân để sửa mình là một việc làm rất cần thiết.
Sửa lỗi cho người khác là một bổn phận
Đối với các tín hữu của Chúa, việc sửa lỗi cho người khác không những là việc cần làm mà còn là một bổn phận bắt buộc, không được thoái thác.
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-kiên đòi buộc cách quyết liệt như sau: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Edêkien 33, 7-9). Và qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su truyền dạy: “Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó …” không phải một lần mà nhiều lần, cách nầy không được thì phải vận dụng cách khác, cố sao giúp người anh em sửa được lỗi lầm (Mát-thêu 18,15).
Cần sửa lỗi cách tế nhị và đầy lòng yêu thương
Ai cũng ái ngại khi phải giúp người khác sửa lỗi vì sợ người đó giận hờn, oán ghét. Tuy nhiên, khi người phạm lỗi được ta nhắc nhở cách tế nhị, bằng những lời lẽ đượm tình yêu thương, người đó không cảm thấy bị tổn thương, không tỏ ra buồn phiền hay oán hận, nhưng sẵn sàng đón nhận với tấm lòng biết ơn và hoán cải.
Lạy Chúa Giê-su,
Nhiều lần chúng con muốn sửa lỗi cho người khác nhưng ngần ngại không làm vì sợ người khác oán ghét mình.
Làm như thế thì khác gì thấy nhà người khác đang cháy mà không báo động, không ra tay cứu giúp.
Xin cho chúng con có đủ yêu thương để nói lời xây dựng, có đủ can đảm để cứu giúp những anh chị em lỗi lầm, nhờ đó, mỗi người chúng con được trở nên tốt lành thánh thiện và sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================

Suy niệm 5
Món nợ tình thương

(Mt 18, 15-20)

Nói đến “Nợ”, người ta thường nghĩ ngay đến nợ nần nhơ nợ tiền, nợ bạc, nợ ngân hàng, nợ vật chất, nợ đời, nợ ơn, nợ tình, nợ người, nợ Trời…
Thánh Phaolô hôm nay nói đến món “nợ tình thương” : "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" (Rm 13, 8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Nghĩa là nợ tiền nợ bạc, nợ vật chất ai thì trả cho xong. Nhưng hãy mắc nợ nhau về tình thương, về đức ái. Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất dư dả, chúng ta vẫn cảm thấy không hạnh phúc và vui vẻ. Tình yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc thật. Tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo. Chúng ta hãy yêu thương nhau.
Lời Chúa hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước giúp chúng ta hiểu món nợ này. Chúa bảo chúng ta như nói với Êzêkiel : cứ đóng vai trò người lính canh; cứ loan báo sứ điệp của Chúa . Êzêkiel không muốn làm công việc này. Ông thấy dân Israel đã hư đốn không muốn nghe và giữ Luật Chúa nữa. Và tai ương giáng họa trên dân tộc bất trung ấy không thể nào tránh nổi. Nhưng Chúa bảo ông vì tình thương và bác ái cứ đứng trên vọng gác, cứ loan báo Lời Chúa cho mọi người. Nghe hay không thì tùy họ (x.Ed 33,7-9).
Tin Mừng nói về Thiên Chúa đầy ắp tình thương, với tấm lòng của Cha trên trời, của người mục tử đau xót vì thấy đàn chiên 100 con nay lạc mất một. Tự nhiên người mục tử ấy lo lắng và sốt sắng đi tìm con chiên lạc. Người mục tử diễn tả phần nào tấm lòng của Cha trên trời muốn đi tìm tội nhân trở lại: Người sai chúng ta đến với người anh em phạm tội. Họ như một con chiên lạc, lỗi lầm. Chúa đòi hỏi chúng ta phải xử với người anh em bằng tình thương, phải chấp nhận vất vả vì người anh em kia, phải êm ái kiên nhẫn và tế nhị. Bài Tin Mừng này thật phong phú. Chúa nói đến chúng ta và với chúng ta hơn là về người anh em lỗi phạm (x. Mt 18,15-20).
Đến đây chúng ta mới hiểu chữ "món nợ" mà Thánh Phaolô nói : chúng ta đừng mắc nợ ai gì cả, mọi sự công bằng phải chu toàn với mọi người. Cả khi đã làm trọn mọi phận sự công bình rồi, chúng ta vẫn còn nợ mọi người tình bác ái. Và món nợ này chẳng bao giờ có thể trả xong. Vì sao vậy?
Thánh Tông đồ đã nói: vì có bác ái mới giữ trọn Lề luật. “Luật dạy: không tà dâm, không giết người, không tham của người v.v...” Nhưng họ quên điều quan trọng : phải giữ những điều ấy để thương yêu anh em. Bác ái phải là động lực, là khởi hứng của công bình. Nên chúng ta phải có lòng bác ái. Chúng ta phải cư xử với nhau theo tình bác ái. Đối với thánh Phaolô, tình yêu không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính Thiên Chúa là Tình Yêu mà Đức Giêsu đã thể hiện trên thập giá.
Tình yêu gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của người khác cụ thể như : “Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).
Nói cho cùng. Lỗi những điều răn này là lỗi đức ái nghiêm trọng. Thấy người khác thành công mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ thì không lấy làm vui mừng nhưng là nâng đỡ ủi an họ. Vẻ đẹp và tính cao thượng của người Kitô hữu là ở đó.
Đối với Phaolô, đức ái là điều chính yếu của đời sống Kitô hữu. Trong một lá thư khác, thánh Phaolô quả quyết:
Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).
Sau cùng, chúng ta cùng hãy đọc lại lời của Thánh tông đồ  Phaolô và nguyên lý sống của Chúa Giêsu, để rồi xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại chính mình: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.
Mong sao mỗi người chúng ta đừng mang món nợ gì khác, ngoài món nợ duy nhất cần nợ trong đời. Đó là bác ái yêu thương. Món nợ tương thân tương ái này có giá trị trên mọi nẻo đường, và đặc biệt luôn mang ý nghĩa nền tảng và quan trọng. Vậy, chúng ta hãy sống và mắc món nợ duy nhất trong đời là : “Món nợ tình thương, tương thân tương ái”.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================

Suy niệm 6
Chinh phục người anh em

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18,15-17).
Hôm nay Đức Giêsu dạy cách sửa lỗi cho người anh em theo một tiến trình cụ thể, tế nhị, từ từ từng bước rõ ràng. Việc sửa lỗi cho người anh em là việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự khiêm nhường và phải hết sức khéo léo. Bởi lẽ việc này luôn nằm ngoài ý muốn của đương sự, vì chẳng ai muốn mình bị nhắc nhở, sửa dạy. Nhưng Chúa khuyên dạy phải làm vì lợi ích cho người anh em, vì tình tương thân tương ái. Trong bài đọc I, ngôn sứ Êdêkiel cũng lãnh nhận lệnh truyền này của Chúa: “Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 33,7-9).
Kinh nghiệm của chính người viết, đã nhiều lần dám chinh phục người anh em: người khô khan tội lỗi, người bỏ lâu năm sợ không lãnh nhận Bí tích, người đang trên bờ vực đổ vỡ hôn nhân, lầm đường lạc đạo... Theo tiến trình Chúa dạy, bắt đầu làm bạn thân, vỗ vai, cùng chia sẻ nỗi buồn của họ, luôn sẵn sàng đón nghe, hòa vào hoàn cảnh và cảm thông với tâm tình của họ, đồng thời khiêm tốn nhìn nhận những bất toàn, tội lỗi của bản thân. Khi họ trút bầu tâm sự trong cuộc trò chuyện âm thầm, mới nhủ bảo mọi điều với tình yêu mến. Một việc không thể thiếu là kiên trì cầu nguyện, xin hiệp lòng cầu nguyện, trông cậy ở Chúa. Chính Chúa đã quả quyết trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20). Rất nhiều trường hợp đã được Chúa thực hiện cho, thật đáng mừng và tạ ơn Chúa. Nhưng cũng có trường hợp phải buồn rầu dõi theo, chỉ biết phó thác cho Chúa và tiếp tục cầu nguyện, cầu mong hy vọng sẽ có ngày đổi thay trong tương lai.
Lạy Chúa! trước mặt Chúa mỗi chúng con đều là tội nhân, bất toàn và bất xứng. Xin Chúa cho chúng con biết lấy bài học hiền lành và khiêm nhường của Chúa mà đến với anh em, để trong tình mến thực sự và nhờ ơn sức mạnh của Chúa, chúng con sẽ trở thành nhịp cầu đưa người anh em trở về với tình yêu Chúa. Amen.
Én Nhỏ  

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”
Ngày 18.07.2024, hơn 200 bạn trẻ từ 9 giáo xứ thuộc Giáo hạt Nghĩa Lộ đã quy tụ tại Giáo xứ Vàng Cài để tham gia ngày “Gặp mặt Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Lộ" lần thứ II với chủ đề “NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log