Thứ tư, 15/05/2024

Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên

Cập nhật lúc 22:35 04/02/2017

Anh em là muối và là ánh sáng (Mt 5,13-16)
Chủ Nhật V Thường Niên
--------------------
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng hãy trở nên muối ướp mặn đời và ánh sáng chiếu soi trần gian.
 
Pline l’Ancien nói: “Không gì hữu ích hơn muối và mặt trời”. Thật vậy, chúng ta sẽ không lạ gì khi thấy Chúa Giêsu sử dụng 2 thực tại muối và ánh sáng để chuyển giao sứ điệp quan trọng của Ngài cho nhân loại. Nếu muối và ánh sáng cần cho đời sống tự nhiên của con người thế nào, thì mỗi người chúng ta cũng phải trở nên những con người có tầm quan trọng cho đời sống tâm linh cho thế giới như vậy.
 
Dụ ngôn về muối chỉ cho chúng ta biết: đời sống nội tâm phải sâu xa, ướp mặn thế giới.
Còn dụ ngôn về ánh sáng mời gọi mỗi người phải có một hoạt động chiếu soi cho đời.
 
Để biến đổi thế giới, đời sống nội tâm cũng như hoạt động bên ngoài là rất cần thiết:
Thế giới hôm nay cần những người kitô chôn sâu trong lòng đất nhân loại để làm cho mảnh đất đó phì nhiêu phong phú, nhưng cũng rất cần nhũng người kitô biểu lộ ra bên ngoài để lan toả ánh sáng niềm vui của Tin Mừng.
 
1- Muối là một biểu tượng rất phổ biến. Vào thời Chúa Giêsu, người ta dùng muối như là phân hữu cơ làm cho đất thêm phì nhiêu phong phú. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói về giao ước vững bền mà Ngài rút ngắn lại với Đavit và gọi là giao ước muối. Trong ý nghĩa này, người kitô hữu cũng là muối, đó là tình bằng hữu trung thành, lòng quảng đại không tính toán.
 
Muối cũng dùng để làm cho thức ăn khỏi hư hỏng. Muối cũng có giá trị để thanh tẩy. Nói tóm lại, muối là một thứ chất ngấm vào bên trong để rồi tan biến. Vì thế, người kitô hữu hãy đặt vào trong lòng thế giới một đời sống khiêm nhường sâu xa. Từ đó, Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục làm cho mọi sự nên mới và có hương vị.
 
- Đức tin không phải là cây lớn nhưng chỉ là hạt giống…
- Đức tin cũng không phải là bột, nhưng là men.
- Đức tin có thể làm chuyển rời ngọn núi, nhưng không thể là núi.
- Đức tin có thể sản sinh những mùa gặt bội thu, nhưng Đức tin vẫn chỉ là hạt giống mà thôi.
 
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đời sống chúng ta trở nên phong phú nhờ hoạt động của Thánh Thần. Vì thế, chúng ta không được dập tắt Thánh Thần. Nếu không để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, thì đời sống chúng ta sẽ không còn chất muối nữa.
 
- Chúa Giêsu không muốn người kitô hữu sống nhạt nhẽo, làm phai nhoà cốt lõi và sức mạnh của Tin Mừng.
- Chúa Giêsu không muốn người kitô hữu chúng ta hững hờ, không mùi thơm, không hương sắc và không hương vị.
 
Biết bao người kitô lấy danh nghĩa là vào đời, nhưng đã đánh mất căn tính của mình, thì làm sao có thể gọi là sống tốt đạo đẹp đời được? Họ đã quên lời Chúa dạy: Người kitô hữu ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Cha Lubac nói: “Vào đời không có nghĩa là làm cho kitô giáo phù hợp với con người, nhưng là làm cho con người sống phù hợp với Chúa Kitô”.
 
Chúa Kitô không muốn người kitô hữu nhát đảm, nằm chết dí trước sức mạnh của ông vua tiền bạc, của tham ô và tham nhũng. Chúng ta đừng quên rằng chỉ một nắm men nhỏ là chúng ta có thể biến đổi được thùng bột.
 
2 - Nếu người kitô được mời gọi để trở thành chất muối ngấm vào bên trong thế giới để rồi tan biến, thì cũng được mời gọi để trở thành người tông đồ hoạt động chiếu sáng: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Anh sáng của người kitô phải được  lãnh nhận từ nơi Chúa Kitô, vì chỉ có Ngài là ánh sáng thật phải đến trong thế gian để xua tan bóng tối. Anh sáng đó chính là lời của Ngài như bài hát Lắng nghe lời Chúa mà chúng ta vẫn thường hát “Lời Ngài là ánh sáng đời con, Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngấtt niềm vui. Trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho đời ai”. Chính Lời của Ngài làm cho chúng ta trở thành những người kitô hữu chiếu sáng.
 
- Người kitô hữu chiếu sáng là người biết cười truyền cảm.
- Người kitô hữu chiếu sáng là người có tình yêu thương giống như Chúa Cha trên trời.
- Người kitô hữu chiếu sáng là người sống làm sao để thiên hạ có thể Tin vào Tin Mừng của Chúa.
 
Đáng tiếc! Biết bao lần chúng ta đã là người kitô hữu không còn chiếu sáng hoặc ít sáng.
- Người kitô hữu không chiếu sáng là người xấu hổ vì mình có đạo, xấu hổ vì mình theo Giáo hội, theo Chúa Kitô.
- Người kitô hữu không chiếu sáng là người giấu kín ngọn cờ của mình trong túi. Lúc đó, ngọn cờ của họ chỉ là cái khăn tay.
- Người kitô hữu không chiếu sáng là người tách rời đời sống thiêng liêng ra khỏi lãnh vực kiếm sống.
 
Lời Chúa luôn nhắc nhở mỗi người chúng ta: “Anh em hãy chiếu sáng để mọi người nhìn thấy việc anh em làm mà ngợi khen Cha anh em ở trên trời”.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
------------------------------------

Bài Suy Niệm 2:
 
Người Kitô Hữu Là Muối Đất Và Sự Sáng Thế Gian
 (Mt 5,13 - 16)
Sau khi công bố Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu phán tiếp những lời hằng sống, mở ra cho chúng ta chân trời hạnh phúc dẫn đến sự sống đời đời. Như thế, cách nào đó, Người mời gọi chúng chọn lựa cách sống, nói “vâng” sống theo Người.
Quả thật, những lời Chúa Giêsu chứa đựng căn tính Kitô giáo của chúng ta : “Các con là muối đất... Các con là sự sáng thế gian” (x. Mt 5, 13-14). Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không chỉ nói các môn đệ đơn giản là “ muối” và là “ánh sáng” nhưng là “muối” “ đất” và là “sự sáng” “thế gian”.
Tại sao lại là muối đất ?
Muối theo nền văn hóa Trung Đông gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối: “Ðó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Ðức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói: “Các con là muối đất ” (Mt 5, 13).
Muối là một trong những vị cần thiết nhất cho con người. Muối còn có nhiều công dụng như dùng để nêm vào đồ ăn để món ăn thêm hương vị mặn mà, muối ướp đồ ăn khỏi hư.
Qua các hình ảnh giầu ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn thông truyền cho các môn đệ mình và cả chúng ta ngày hôm nay nữa ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm hương vị, là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống.
Sao lại là sự sáng thế gian?
Khi Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian” (Mt 5,14). Chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời của Thiên Chúa cũng được so sánh với ánh sáng, như tác giả Thánh Vịnh công bố: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119.105). Cũng trong phụng vụ hôm nay, ngôn sứ Isaia nói: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10).
Sự khôn ngoan tóm gọn nơi mình các hiệu quả ích lợi của muối và ánh sáng: thật thế, các môn đệ Chúa được mời gọi trao ban hương vị mới cho thế giới và giữ gìn nó khỏi hư thối, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt Chúa Con, vì “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).
Là muối đất và là sự sáng thế gian
“Các con là sự sáng thế gian”, những lời này chứa đựng sứ mạng được sai đi. Hành động và con người của các kitô hữu liên kết chặt chẽ với nhau, chứng tỏ rằng nhiệm vụ của “muối” và “ánh sáng”cho trần gian là của riêng chúng ta và không ai làm thay chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm và những gì chúng ta là Kitô hữu.
Trở lại với hình ảnh của muối. Hỏi rằng, có thức ăn nào của con người mà không có sự hiện diện của Chúa Kitô trong các bí tích, Lời Người và hành động yêu thương nhân hậu của Chúa Thánh Thần? Nên chúng ta phải duy trì nhận thức về sự hiện diện của Chúa Cứu Thế ở giữa loài người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh quang, loan báo quyền năng cứu độ tiềm ẩn trong Tin Mừng của Chúa. Hiệp nhất với Người, các kitô hữu có thể chiếu sáng giữa các bóng tối của sự thờ ơ và ích kỷ, chiếu ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, sự khôn ngoan thật trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và hành động của con người.
Muối là hương vị giữ thức ăn. Người kitô hữu được kêu gọi cải thiện cái “hương vị” lịch sử loài người. Đó là thực hành trong cuộc sống ba nhân đức đối thần đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Điều đến từ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên người hơn, hơn bao giờ hết là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta được mời gọi chiếu sáng và thể hiện lòng nhân giữa một thế giới sống trong đêm đen của thử thách, của tuyệt vọng và thờ ơ. Bài đọc I nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày” (x. Is 58,7-10).
Do đó, mối liên kết giữa “muối” và “ánh sáng” được thể hiện. Lời Chúa Giêsu gửi đến mỗi chúng ta là hãy tỏa sáng “ánh sáng” trước mặt mọi người, nghĩa là toàn bộ đời sống ta phải phản ánh ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội: “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” ( x. 2Cor 1, 22). Ngọn lửa này tỏa sáng qua việc loan báo Tin Mừng với lòng từ tâm, Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại.
Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI nhắc lại rằng: “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới”. (Diễn văn tại Ðại Học Truyền Giáo Roma 11/3/ 2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi của Nghị định “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).
Việc phục vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện trong “Đức ái”, không dựa vào những lời quyến rũ khôn ngoan của loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và “quyền năng Chúa Thánh Thần” (x. Bài đọc II).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con làm thế nào để tuyên xưng đức tin của chúng con, xin biến chúng con trở nên những người của Tám Mối Phúc Thật là muối đất và ánh sáng thế gian.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
------------------------------------
 
Bài Suy Niệm 3:
 Hãy Trở nên “Vị Mặn Tình Yêu Giêsu”
 (Is 58,7- 10; 1 Cr 2,1- 5; Mt 5, 13- 16)
 
Chúa Nhật tuần trước, thánh Mátthêu tường thuật việc Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy và mời gọi những người đang nghe Ngài đi theo con đường Bát Phúc sẽ được sống hạnh phúc đời đời. Hôm nay, như một sự tiệm tiến mang tính cấp thiết, Đức Giêsu không ngần ngại khẳng định: “Các con là muối đất” (Mt 5,13). Nhưng “Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” (Mt 5,13). 
Vậy vai trò của muối trong đời sống thường ngày và ý nghĩa mà Đức Giêsu dùng để chỉ về các môn đệ là gì?
1. Muối trong sinh hoạt đời thường  
Khi nói đến muối, chúng ta cũng nhớ ngay đến những cánh đồng muối.  Muối được tích tụ từ lượng nước biển, khi nước biển dâng lên, người ta đắp đập, be bờ để giữ nước, rồi chờ cho ánh nắng mặt trời chiếu vào và sau đó, nước biển se lại thành muối. Từ một khối nước khổng lồ, nhưng khi thành muối, ta thấy nó trở thành những hạt li ti. Như vậy, muối là một hạt nhỏ nhoi trong muôn ngàn những loại khổng lồ. Nó nhỏ đến độ nhiều người không cần quan tâm đến nó nữa, chỉ biết được nó mặn mà thôi. Tuy nhiên, để cho mọi người thưởng thức được ngon miệng thì bản chất của nó phải hòa tan ra giữa thức ăn. Nếu không tan ra thì muối chỉ trơ trọi một mình và không phát huy được tác dụng của nó.  
Khi nhắc đến muối, người ta cũng nhớ đến màu sắc của nó là màu trắng, gợi lại cho chúng ta màu của sự tinh khiết, trong sạch. Khi nghĩ về muối, người ta cũng cảm nghiệm ngay đến vị mặn của nó, điều này cũng gợi lên cho ta về sự chân thành, đơn sơ và thật thà. 
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây... không ai nói là tôi không cần đến muối. Vì thế, người ta dùng muối để bảo quản thức ăn khỏi hư thối và tăng hương vị. Chẳng thế mà cha ông ta thường có câu: “Cá không ăn muối cá ươn”. Muối làm cho thức ăn thêm đậm đà và muối cũng làm cho vị ngọt đã ngọt lại càng ngọt hơn. Người ta cũng dùng muối để trị bệnh, sát trùng và diệt khuẩn. Muối còn có chức năng giúp tiêu hóa tốt, dung hòa i- ốt trong cơ thể, và ngăn ngừa bệnh tật. Muối là một trong những khoáng chất quan trọng nơi sinh hoạt của con người. 
Muối trở nên quan trọng và phát huy tác dụng là vì nhờ vào vị mặn của nó. Nếu nó không còn mặn thì chỉ còn nước đổ ra đường cho người ta chà đạp lên mà thôi.
2. Muối của người môn đệ
Khi ví người môn đệ như là muối ướp, Đức Giêsu muốn nói đến bản chất của người môn đệ là phải mặn. Người môn đệ phải mang trong mình vị mặn của tình yêu, tha thứ, bao dung và liên đới. Nếu không có vị mặn như thế thì không còn đóng giữ vai trò của mình nữa. Chính vì thế, Đức Giêsu nói: “Các con là muối đất” (Mt 5,13). Nhưng tiếp theo sau đó, Ngài nói ngay: “Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” (Mt 5,13). Thật vậy, người môn đệ trở nên muối trước tiên là ướp chính mình; sau là ướp cho đời.  
Khi nói người môn đệ phải có trách nhiệm ướp đời, Đức Giêsu ngầm muốn nói đến một xã hội đang bị hư hỏng vì sự bê tha, suy đồi và trụy lạc về luân lý... Vì thế, để khỏi hư thối, người môn đệ phải trở nên muối mặn của nhân đức, và phải mang trong mình “vị mặn Giêsu” thì mới mong ướp cho đời được. Có thế, người môn đệ mới hy vọng đem lại cho xã hội một mùi vị thơm ngon... thay cho lạt lẽo, gian dối.  
Cũng như những hạt muối được làm từ một khối nước biển tràn vào thế nào, thì người môn đệ cũng phải biết đón nhận nguồn “vị mặn Giêsu”, để rồi trở nên muối và góp phần ướp cho đời như vậy. Nếu hạt muối phải tan chảy ra thấm nhập vào từng thớ thịt, con cá... để tăng hương vị, để khỏi hư thối thế nào, thì người môn đệ cũng phải hòa mình vào trong cuộc sống nhân loại như vậy. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm biến chất vì những thói đời hư hỏng, mà vẫn luôn giữ được vị mặn như muối. 
Thật vậy, vị mặn của mỗi chúng ta chính là mặn vì yêu mến Chúa, mặn vì yêu thương anh em, mặn vì lòng bao dung và sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. 
Lạy Chúa Giêsu, giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn, coi thường những giá trị đạo đức, và đang trên đà xuống dốc vì những giá trị tầm thường. Xin Chúa cho chúng con được trở nên muối ướp cho đời để xã hội này ấm hơn nhờ “vị mặn của tình yêu Giêsu”. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log