Thứ bảy, 18/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A

Cập nhật lúc 22:39 25/11/2016
“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp sảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36)  
Suy Niệm I
Thời ông Noe xẩy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy!
(Mt4, 27-44)
------------------

Nhiều người khá dễ dàng xem câu truyện về Lụt Đại Hồng Thuỷ chỉ là câu truyện kinh hoàng của quá khứ mà thôi, còn thời đại chúng ta làm gì có như vậy? Phần chúng ta, liệu có nghĩ như thế không? Thành thật mà nói: thời đại chúng ta đã chẳng phải vật lộn với những cơn đại hồng thuỷ hiện đại sao?  Đó là:
- Đại hồng thuỷ trên phương tiện thông tin đại chúng: con người hiện đại hoàn toàn bị chìm ngập dưới hằng loạt những thông tin tới tấp đến từ mọi góc cạnh của hành tinh và chẳng có gì là vui: đói kém, chiến tranh, bệnh tật, giết người, các tai nạn khủng khiếp…
- Đại Hồng thuỷ khoa học kỹ thuật làm cho biết bao người lớn tuổi choáng váng như muốn ngã, hoặc làm ảnh hưởng điên loạn tới một tầng lớp trẻ trước những Cd-rom gây chấn thương tinh thần, thậm chí còn đồi bại trong các hộp đêm thuốc lắc.
- Nạn ngập lụt về tiền bạc và quyền hành như là ông vua, làm cho việc kinh doanh và lãnh đạo trở nên giá trị đầu tiên của con người. Điều đó đang đảy đưa một số người trở thành mưu mô quỷ quyệt một cách hợp pháp, làm cho số người lâm vào cảnh khốn cùng càng ngày càng nhiều.
- Nạn làn sóng dồn dập về văn hoá sự chết mà Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II thường tố cáo: “Nạn hồng thuỷ của tất cả mọi cuộc chiến tranh, khủng bố đang diễn ra một cách có hệ thống do những người ham muốn tiền bạc và quyền hành gây nên, và để lại biết bao nhiêu trẻ em tàng tật và người già”.
- Đại Hồng Thuỷ của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Xã hội của mỗi người là cho chính mình, từ chối cuộc sống gia đình, từ chối cả những đứa con rất cần cho tương lai xã hội. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay không muốn có con vì họ chỉ sống theo sở thích của họ mà thôi. Nạn đại hồng thuỷ đang đến với họ và ảnh hưởng tai hại tới thế giới.
- Đại Hồng thuỷ của sự dư thừa: Thời đại của những người sống trong sự dư thừa vật chất mà không lo đến đời sống tâm linh cũng giống như thời đại của Noe mà Chúa Giêsu đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng mãi đến ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không hay biết gì”.
Dường như thế giới hôm nay là thế giới của phù phiếm, tầm phơ và vụn vặt. Thật khó có một người hưóng dẫn chương trình truyền thanh hoặc truyền hình có thể canh tân được thế giới hôm nay… Tại cửa sổ trên trời, khi nhìn xuống thế giới chúng ta hôm nay, Thiên Chúa vẫn đành phải nhận thấy rằng nhân loại vẫn là những đứa con vĩ đại, nhưng đang chơi trò phù phiếm mà quên mất cái căn bản, không đặt ra cho mình dù chỉ là một câu hỏi xứng với phẩm giá của mỗi hữu thể biết suy nghĩ, đó là: “vậy thì tôi phải làm gì trên trái đất này?”
Vì thế, chúng ta đừng xếp Cơn đại hồng Thuỷ thời Noe vào quá khứ và cũng đừng nghĩ rằng sự trở lại của Thiên Chúa chỉ là một biến cố trong tương lai xa. Hãy nghĩ đến biến cố hiện tại. Thiên Chúa đang ở trên khắp nẻo đường chúng ta. Ngài đến gặp chúng ta.
Mùa Vọng trước hết không phải chỉ là thời gian chuẩn bị mừng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu đã sinh ra trong quá khứ, nhưng là thời gian nhắc nhớ chúng ta: phải luôn mong đợi Thiên Chúa đến với chúng ta.
Mỗi ngày đối với chúng ta phải là một Noel của ơn Thánh Chúa. Noel Quesnon thổ lộ tâm tình: “Thiên Chúa luôn mới vào mỗi buổi sáng của chúng ta”.
Trong một bộ phim mang tựa đề: Một dòng sông dài phẳng lặng, có đoạn viết: Chúa Giêsu trở lại bên lề đường đi. Ngài ở đó. Ngài gõ cửa nhà bạn. Ngài gọi điện thoại nội bộ cho bạn. Liệu bạn có ra mở cửa để gặp Ngài hoặc nhắc điện thoại để trả lời Ngài không?
Vâng! Chúa đang ở đó! Ngài không đẩy cửa tâm hồn bạn, Ngài không quát tháo inh ỏi trên điện thoại. Ngài muốn làm ra vẻ để chúng ta đợi chờ, với một lý do thật đơn giản là Tình yêu cần phải để lại một khoảng trống, một sự ngăn cách để có một ước muốn nồng cháy hơn.
Đợi chờ trước hết không phải là một vấn đề của thời gian, nhưng là một vấn đề của ước muốn. Đời sống căn bản của người kitô là đợi chờ, hy vọng vào điều gì đó hoàn toàn khác và mang tính vững chắc và tuyệt đối.
Điều quan trọng liên hệ đến chúng ta là ước muốn nồng cháy và nhẫn nại được thấy Chúa Giêsu, hơn là thế giới này và cuộc đời chúng ta sẽ kết thúc thế nào. Phụng vụ mùa Vọng khơi lên trong chúng ta khát vọng Thiên Chúa bằng cách đặt niềm khát vọng duy nhất đó như là trọng tâm vào trong đời sống của chúng ta.
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, không có nghĩa là sợ sệt, nhưng là khẩn cầu tha thiết chống lại nguy cơ không nhận ra Thiên Chúa đang đi qua cuộc đời chúng ta, và chống lại khả năng chúng ta có thể bỏ qua một cuộc gặp gỡ Ngài.
- Thật đáng tiếc nếu một ngày nào đó chúng ta có thể không để ý đến sự hiện diện của Thiên Chúa trên nẻo đường chúng ta đi!
- Thật vô phúc nếu đặt Chúa Kitô ra bên cạnh cuộc đời chúng ta và không nhận ra Ngài.
Mùa vọng không nhằm mục đích để chúng ta chỉ chuẩn bị cho cuộc viếng thăm đặc biệt của Chúa Kitô vào dịp lễ Noel, nhưng là đặt chúng ta vào suốt năm Phụng Vụ mới này trong tư thế chờ trực Thiên Chúa, mai phục kiên nhẫn hoạt động của Ngài bên cạnh chúng ta, ngay hôm nay, trong lúc này, rồi ngày mai và trong suốt cả năm Phụng Vụ mới, không phải chỉ vào ngày sau hết của cuộc đời chúng ta.
Thật đáng buồn, nếu thiếu đức tin, chúng ta dễ rơi vào tình trạng ngủ đông về đời sống thiêng liêng: không có một đức tin sống động. Chúa Giêsu có thể đến gõ cửa, nhưng chúng ta không thèm nghe Chúa gõ, cứ ngủ tiếp trong tư thế bịt khăn và chùm chăn cho kín, sợ Chúa đến quấy rầy. Chúng ta hãy sống đầy nhiệt huyết! Ngủ dường như là không sống. Chúng ta không thể thiếu cuộc hẹn gặp tình yêu mà Chúa Giêsu báo trước cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta hãy lên đường cho một năm phụng vụ mới. Lên đường với lòng tin tưởng phó thác vì ơn thánh Chúa luôn đi trước chúng ta. Nhất là chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội là con tàu bảo vệ chúng ta tránh khỏi tất cả cơn đại hồng thuỷ của một thế giới đang mất phương hướng. Dấu chỉ tuyệt vời sự hiện diện Thiên Chúa giữa chúng ta, chính là Giáo Hội: Giáo Hội là con thuyền không thể chìm đắm, vì Chúa đã nói với Phêrô: “Phêrô, con là Đá. Trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, dù sức mạnh của quỷ hỏa ngục cũng không thắng nổi”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===========
Suy Niệm II
Thái Độ Mong Chờ Chúa Đến
 (Mt 24, 37-44)

 
Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là Advent. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng: Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong Kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : “Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi”, và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van: “Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống”.
Vì sống cả hai chiều kích, nên người Kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Các bài đọc Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo: “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Ðức Chúa. Lòng kính sợ Ðức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở...” (Is 11, 1-10).
Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng cũng nhắc lại việc Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế: thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria và báo cho Mẹ biết rằng: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (...) Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 26-38)
Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)
Như thế, Mùa Vọng kêu gọi người Kitô hữu cải hóa nội tâm. Những việc cử hành thánh thường xuyên nhắc nhở chúng ta canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.

Mùa Vọng 
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu:
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)

Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến lần thứ nhất. Trong Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu nhắc bảo chúng ta hãy tỉnh thức để sẵn sàng cho lần đến cuối cùng của Ngài (Mt 24, 37-44).
Ðức Giêsu nói về ngày Ngài đến sẽ giống như thời ông Nôe: “Thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy” (Mt 24, 37).  Những điều Chúa loan báo trên đây thật quá bất ngờ, vì bất ngờ nên “phải tỉnh thức” là thượng sách.
Chẳng nói đâu xa, năm 2012 người ta đang dự kiến ngày tận thế là ngày 23 tháng 12 tính theo lịch của dân Maya, nhiều người trên thế giới đã lo lắng vì lời đồn đoán ấy, họ đi mua nến, mua dầu, mua mì tôm... Người ta sợ phải lìa bỏ cái thế giới thân yêu này, cho dù nó vẫn còn nhiều khổ não. Trong thời đại của chúng ta không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực. Phải chăng đó là dấu hiệu của ngày tận thế?
Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta: “ Các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44).
Chuẩn bị lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta tự hỏi: về phần tôi, tôi đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời tôi, con tim tôi đang hướng về điều gì? Lòng tôi có bị vướng vào những hành vi ám muội… ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… thỏa mãn xác thịt không? (x. Rm 13, 11-14) Trái tim tôi có bị nặng nề bởi những lo âu trần thế không? Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt sức ta, khiến ta không còn khả năng mở lòng mình ra với Chúa và tha nhân? Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim. Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất, nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao. Thánh Phaolô bảo chúng ta: “Anh em biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy” (Rm 13, 11). 
Chúa Giêsu dạy chúng ta “hãy tỉnh thức”. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “phải thức dậy” (Rm 13, 11).  Vậy mỗi người chúng ta đây hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Con Người là Đức Giêsu ngự đến trên mây trời, Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con cởi mở tâm hồn đón nhận Chúa Giêsu Con Mẹ.
Lạy Ðấng Cứu Thế là Vua Hòa Bình xin ngự đến. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

============
Suy Niệm III
Tỉnh Thức Và Chờ Đợi
(Mt 24, 37-44)

 
Hôm nay, toàn thể Giáo hội bước vào Chúa nhật I Mùa Vọng - Năm Phụng vụ mới được bắt đầu, đặc biệt chúng ta chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh của Con Một Chúa và bắt đầu lại cuộc lữ hành thiêng liêng hướng về Ðấng Thiên Sai muôn dân mong đợi.
Thiên Chúa là "Ðấng đang ngự đến"; Ngài đã đến giữa chúng ta nơi con người Chúa Giêsu Kitô; Ngài sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Mùa Vọng mới bắt đầu, dân Chúa lại được Đức Giêsu Kitô hướng dẫn trong cuộc hành trình mới. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặt vấn đề: "Hành trình về đâu? Có một đích chung nào không? Ðích ấy là gì? Thiên Chúa đã trả lời thông qua ngôn sứ Isaia: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, Nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Ðến đây, ta cùng lên núi Ðức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ." (Is 2,2-3)
Ðó là một cuộc hành hương của cả vũ trụ hướng về một cùng đích chung, chính là Giêrusalem của Cựu Ước, nơi có Ðền Thờ Ðức Chúa, vì từ đó, dung nhan của Thiên Chúa và giới luật của Người sẽ được ban truyền, và "đền thờ của Thiên Chúa" là chính Người, Ngôi Lời đã làm người: Người hướng dẫn và đặt đích đến cho cuộc hành hương của Dân Chúa; và là ánh sáng chiếu rọi dân Người để họ có thể tiến tới một Vương Quốc của công chính và bình an. Tiên tri Isaia nói: "Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến." (Is 2,4)
Như vậy, trong hành trình mới, nhân loại được Chúa Giêsu hướng dẫn qua dòng lịch sử hướng về sự kiện toàn trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Mùa Vọng được ghi dấu đặc biệt bởi sự tỉnh thức và đợi chờ. Tỉnh thức để tích cực làm việc tốt, chờ đợi trong tình yêu thương và hy vọng. Vì thế, chúng ta có thể dùng thời gian này như một lời mời gọi đổi mới một vài khía cạnh cần thiết trong cuộc sống.
Thứ nhất, cần phải tỉnh thức, vì ý nghĩa cuộc sống trên trái đất này là để chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu, mà thời gian chuẩn bị là món quà và ân sủng của Thiên Chúa. Ngài không muốn áp đặt tình yêu của mình trên chúng ta, cũng không phải trên trời: Ngài muốn chúng ta được tự do (vì đây là cách duy nhất của tình yêu). Chúng ta không biết khi nào việc chuẩn bị sẽ kết thúc: "Chúng ta loan báo Chúa Kitô đến và không chỉ có đến mà còn hoàn tất thế giới này" (Thánh Cyrillô thành Giêrusalem). Nỗ lực duy trì một thái độ mới với niềm hy vọng là điều chúng ta phải có.
Thứ hai, chúng ta cần phải tỉnh thức vì thói quen và thoải mái không thích hợp với tình yêu. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, cũng như "trong thời Noe" người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng (x.Mt 24,37-38) không có nghi ngờ gì khi mà lụt đại hồng thủy đến. Tương tự như thời ông Noe, Đấng xét xử sẽ đến đem người này đi và bỏ người kia lại, thật bất ngờ.
Phải tỉnh thức, Đức Bênêđictô XVI nói: "chỉ có người tỉnh thức mới không cảm thấy bất ngờ". Chúng ta phải chuẩn bị với một tình yêu rực cháy trong tim, như các trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng rể. "Kìa chàng rể đến" (Mt 25,6), Chúa Giêsu Kitô sẽ đến vào lúc người ta không ngờ.
Ngày giờ Chúa đến là niềm vui không cùng cho những ai cầm đèn cháy sáng trong tay. Người đến như một người cha trong gia đình sống ở phương xa viết thư thăm nhà: Cả nhà cứ đợi, bố sẽ về. Từ từ hôm đó, niềm vui tràn ngập trong gia đình đến: Bố về!  Các thánh là những mẫu gương cho chúng ta, vì các ngài đã sống "trong sự chờ đợi Chúa".
Mùa Vọng giúp chúng ta chờ đợi Chúa đến trong yêu thương và an bình. Thánh Augustinô cho chúng ta một bài học về sự đợi chờ : "Sống sao chết vậy". Nếu chúng ta chờ đợi với tình yêu, Chúa đến, Người sẽ lấp đầy trái tim ta niềm vui chờ đợi Chúa.
"Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến" (x.Mt 24,42). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giải thích: "Tỉnh thức có nghĩa là theo Chúa, lựa chọn những gì Chúa Kitô đã chọn, đã yêu, để có một cuộc sống phù hợp với mình. Khi Con Người đến...Chúa Cha sẽ chào đón chúng ta trong vòng tay yêu thương của Chúa, vì chúng ta giống Con của Ngài".
Noi gương Mẹ Maria, mẫu gương đẹp nhất trong Mùa Vọng về sự chờ đợi và đón nhận Con Thiên Chúa làm Người. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria giúp chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô ngự đến. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log