Thứ bảy, 18/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 15:45 04/11/2016
“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20, 38)
Suy Niệm I
Tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại

----------------
 
Tin vào sự bất tử và cuộc sống mai sau của con người không phải lúc nào cũng là chuyện đương nhiên… Những người thuộc phái Sađốc dựa vào một số bản văn rất cổ của Sách Ngũ Thư mà quên không khám phá Mặc Khải của Kinh Thánh, vì thế họ không tin vào sự sống lại của người đã chết. Họ còn đặt ra cho Chúa một câu hỏi thô tục, khó chịu, ranh mãnh, quỉ quái và có tính nhả nhớt: “Nếu một người đàn bà có nhiều đời chồng, thì trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai”? Ngày nay cũng vậy, nhiều người không tin vào đời sau và cũng chẳng tin kẻ chết sẽ sống lại.
Dù sao đã từ lâu, một cách nào đó, nhiều người đã tin vào một cuộc sống mai sau. Trong những ngôi mộ thuộc tiền sử, người ta đã tìm thấy thức ăn được đặt gần người đã chết để giúp người chết tiếp tục sống một cuộc sống khác. Tại Việt nam chúng ta khi đi dự các đám tang hoặc đám giỗ của lương dân, chúng ta vẫn thấy họ nhớ đến người đã chết bằng cả mâm cỗ để người đã chết tiếp tục sống ở kiếp sau.
Còn đối với đức tin của người kitô, đời sau tức là trời, đối tượng mong đợi của mỗi người. Đời sau, đó là nơi mà người ta nhận được một phần thưởng xứng đáng và một thứ hạnh phúc mà khi sống ở trần gian họ chưa được may mắn nếm thử.
Tuy nhiên, chúng ta đừng mơ mộng và ảo tưởng để biết rõ cuộc sống mai sau! Tốt nhất là hãy bám chặt Lời Chúa, lời của Chúa Giêsu:
- Đừng ham muốn biết tất cả về tương lai,
- Đừng chạy theo những ông đồng bà cốt,
- Hãy chấp nhận Thiên Chúa đã không nói cho chúng ta về tất cả!
- Hãy sống thế nào để cuộc đời chúng ta hạnh phúc…!.
Điều chúng ta biết chắc chắn là: trái đất này là nơi chuẩn bị cho những người con Thiên Chúa được sinh ra trong cõi vĩnh hằng. Thật là vô ích nếu chúng ta cứ bám víu vào trái đất này. Chẳng ai có thể sống mãi ở trần gian này. Thánh Phaolô nói: “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.”
Trời rất tuyệt vời nhưng không phải là một nơi, một khu vườn. Những người đã qua đời không ở đó. Trời là một trạng thái, một trạng thái hạnh phúc. Khi nào thật sung sướng, chúng ta cảm thấy mình như đang bơi trong hạnh phúc. Không cần biển cũng chẳng cần hồ để bơi! Những người đã qua đời sống trong Thiên Chúa là niềm vui của họ. Họ bơi trong tình yêu vĩnh cửu của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: “Thật vậy, họ không thể chết nữa, vì được ngang bằng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”.
Trời là một cuộc sống gia đình bên cạnh Chúa Cha. Henri Suso nói: “Họ là con cái Thiên Chúa, người thừa kế của sự sống lại. Bởi vậy tất cả họ là anh em, vì có cùng một Cha. Quê hương trên trời, bạn sẽ được bao bọc bằng muôn vàn tình yêu thương tuyệt vời: mọi người sẽ yêu mến bạn hơn và tốt hơn khi bạn ở trần gian, hơn cả bất cứ người cha mẹ nào ở trần gian yêu thương đứa con cưng duy nhất của mình”.
Ở trên trời người ta không cưới nhau theo kiểu trần gian! Nhưng phu quân đích thực là chính Chúa Kitô, và tất cả trời lúc đó là một Tiệc Cưới muôn thuở. Điều này không có nghĩa là những người ở trên trời cũng sống thành đôi như ở trần thế: tình yêu của họ sẽ được vĩnh cửu hoá trong tình yêu tiệc cưới của Chúa Kitô với toàn thể nhân loại.
Thân xác của họ lúc bấy giờ được thông phần với vinh quang của những người được Chúa Kitô tuyển chọn. Thân xác họ lúc đó không phải như con rắn lột xác. Theo Kinh Thánh, con người là một thân xác sống động. Con người chính là thân xác của mình và là linh hồn của mình. Henri de LuBac viết: “Vì thế con người không hoàn chỉnh nếu không có thân xác và cũng không có thể vui mừng hạnh phúc đầy đủ khi thân xác của mình chưa được sống lại”.
Vậy thân xác sống lại là thân xác như thế nào? Theo Thánh Phaolô, thân xác con người được hiểu là có hai loại:
- Loại thứ nhất theo khuôn mẫu Adam, và loại thứ hai theo Đức Kitô,
- Loại thứ nhất thuộc trần thế, và loại thứ hai không thể hư hoại được.
- Loại thứ nhất có thể ví như hạt giống chỉ có sự sống khi thối đi dưới lòng đất,
- Và loại thứ hai được ví như là bông hoa, vừa thoát ra từ hạt giống, vừa được Thiên Chúa ban tặng, có nghĩa là vẫn là thân xác cũ nhưng đã được biến đổi:
- Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt.
- Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang.
- Gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ.
- Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.
Tháng 11 này, tháng chúng ta cầu cho người qua đời, tháng của lá rụng mùa thu buồn tẻ, và tháng thăm viếng nghĩa địa. Bầu khí đó làm chúng ta dễ chán nản và bi quan. Tuy nhiên, chúng ta đừng thất vọng: Ánh sáng mặt trời vẫn toả sáng và một cuộc sống vẫn dâng tràn, “thiên hạ vẫn cứ dựng vợ gả chồng”. Chúng ta cứ tin vào lời Chúa Giêsu đã nói: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của kẻ sống”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

=============
Suy Niệm II
Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống
 (Lc 20, 27-38)
 
"Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa" hay "vì Chúa." (Lc 20, 37-38)
Augustine nói rất đúng : Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để từng phút giây "hướng về Ngài". Quả thật, Thiên Chúa trao ban sự Thiện tốt hảo, kể cả chính mình cho con người để con người được sống.
Cái chết không là một phần kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa: "Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu" (Kn 1, 13-14). Do tội, sự chết đã du nhập vào trong tạo dựng, Thánh Phaolô nói: "Nọc của sự chết là Tội, mãnh lực của Tội là Lề luật" (1Cr 15, 56), đúng là tội lỗi sinh ra sự chết vì sự chết cắt đứt mối liên hệ với Đấng Hằng Sống làm ra sự sống. Nhưng "Ðội ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban toàn thắng cho ta nhờ Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô!" (1 Cr 15 , 57). 
Vâng, vinh quang cho Đức Giêsu Chúa chúng ta, Đấng đã chiến thắng kẻ thù trên trần gian ! Lời Hằng Sống đã kết thân với phận người, được đánh dấu bằng cái chết, để chiến thắng sự chết vào buổi sáng Phục Sinh. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa đã xuống đầy lòng chúng ta, những người chịu phép Rửa Tội, ngõ hầu chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh hiện diện trong đời ta.
Đức Kitô đã phục sinh, sự chết không làm gì được Ngài nữa.  Nên "nếu ta sống, chính cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống, dù chết, ta vẫn thuộc về Chúa," (Rm 14, 8 ). Làm sao không ngạc nhiên cùng với Thánh Phaolô kêu lên: "Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu ?" (1Cr 15, 55 ). Đó là lý do tại sao "những người được coi là xứng đáng lãnh phần thưởng trong thế giới mai ngày và sự sống lại từ cõi chết, nghĩa là những người đã được rửa tội, không thể chết nữa: họ là con cái Thiên Chúa, thừa hưởng sự sống lại."
Tất nhiên, chúng ta không thể tưởng tượng được sự viên mãn ở đời sau sẽ ra sao, các thiên thần gợi ý cho thấy một cuộc sống hoàn toàn dành cho việc ngợi khen Chúa, trong sự hiệp thông hoàn hảo và tạ ơn muôn đời. Vì sự chết sẽ không làm gì được nữa, không cần thiết để đảm bảo sự sống còn của muôn loài: hôn nhân như một tổ chức để duy trì cuộc sống không có lý do để tồn tại nữa. Chúng ta sống trong một mối quan hệ tình yêu hoàn hảo với Thiên Chúa và với nhau, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.
Như thế chúng ta sẽ hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu cho phái Sađốc: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại”(Lc 20, 34-36).
Câu trả lời của Chúa Giêsu trước vấn nạn kẻ chết sống lại của nhóm Sađốc cho thấy: Cái nhìn của họ về cuộc sống đời sau còn quá hẹp hòi. Họ không hiểu ý nghĩa của sự phục sinh hàm chứa trong câu Thánh Kinh: Thiên Chúa là Chúa các tổ phụ. Người là Thiên Chúa của kẻ sống (x. Lc 20, 37-38). Nếu tin Thiên Chúa hằng hữu thì phải tin con người có cuộc sống vĩnh cửu. Họ không chấp nhận sự kiện con người sẽ sống lại là vì họ không chịu tìm hiểu Kinh Thánh. Ðó là điểm đáng trách của họ. Họ không biết vì không chịu tìm hiểu và xin Chúa soi sáng.
Ước gì các cặp vợ chồng đừng có lo lắng: vì tình yêu đích thực của chúng ta trong cuộc sống hay chết này không chỉ bảo toàn nhưng biến đổi: vợ chồng nhận biết Thiên Chúa trong ánh sáng của tình yêu liên kết họ với nhau cách hoàn toàn trong một nụ hôn vĩnh cửu. Hôn nhân không kết thúc với cái chết, nhưng biến đổi. Chúa chúng ta làm mất đi tất cả những hạn chế đặc trưng của sự sống trên trái đất. Tương tự như thế, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hoặc giữa bạn bè với nhau sẽ không bị quên lãng. Nhưng nói rằng hôn nhân trần thế là một kinh nghiệm tiêu cực, hiểu lầm và đau khổ. Cái chết không cắt đứt các mối liên hệ có còn là lý do để sợ hãi nữa không? Không, bởi vượt qua thời gian vào cõi đời đời, cái xấu sẽ biến mất chỉ còn cái tốt. Tình yêu hiệp nhất họ với nhau, ngay cả khi nó chỉ kéo dài một thời gian ngắn, thấy phát triển đầy đủ, trong khi các khuyết điểm, hiểu lầm, đau khổ mà họ đã gây ra cho nhau sẽ tan biến.
Nhiều cặp vợ chồng sẽ được trải nghiệm tình yêu đích thực giữa họ với tình yêu, niềm vui và sự viên mãn của hiệp thông mà họ đã không được biết đến trên trái đất cho đến khi họ được đoàn tụ "trong Thiên Chúa", vì Ngài sẽ hiểu tất cả, người ta sẽ bảo đảm tất cả, tha thứ tất cả.
Vậy, nói gì về những người đã lập gia đình cách hợp pháp với nhiều người như góa vợ và góa chồng rồi tái hôn? (Cụ thể trường hợp phái Sađốc giới thiệu về Chúa Giêsu, bảy anh em đã liên tục kết hôn với cùng một người phụ nữ). Đối với họ là bằng nhau, lặp đi lặp lại cùng một điều: đó là tình yêu đích thực và món quà mỗi cặp vợ chồng, khách quan tất cả đều tốt, Thiên Chúa sẽ không xóa nhòa nhưng hoàn tất nó ở trên trời. Trong Thiên Chúa sẽ không có sự cạnh tranh hay ghen tuông: những điều không thuộc về tình yêu đích thực, hay dưới ách thống trị do hậu quả của tội lỗi, sẽ không tồn tại ở trên trời.
Tóm lại có "một cuộc sống khác" đang chờ đợi chúng ta, như Đức Giêsu nói: "Họ là con cái Thiên Chúa". Đối với Chúa Giêsu chắc chắn rằng một vài lời nói lên tất cả, bởi vì đối với Ngài không có hạnh phúc lớn hơn: là con cái Thiên Chúa được chia sẻ trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa.
Sống, yêu, ca tụng, vui mừng... tất cả những động từ này sẽ đề cập đến thực tế duy nhất tồn tại ở nơi Thiên Chúa, những người cuối cùng sẽ là "tất cả trong mọi sự"; "Bởi lòng yêu mến Người đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Ðức Giêsu Kitô, và vì Người, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người,"(Ep 1, 5).
Lạy Chúa, "Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!" (Tv 16). Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log