Thứ bảy, 18/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXXIV Thường Niên C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Cập nhật lúc 22:53 17/11/2016
“Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là vua người Dothái” (Lc 23, 38)
Suy Niệm I
 “Người này là Vua dân Dothái”
---------------------

Nhiều người có thể thắc mắc: tại sao Giáo Hội lại chọn bài Tin Mừng nói về cái chết ô nhục của Chúa Kitô trên thập giá để nói về chức vị Vua cao cả của Ngài? Câu trả lời có thể ngắn gọn nhất và chính xác nhất, đó là vì Ngài ra khỏi luật bình thường của một vị vua trần gian, như ngài đã nói: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này”. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng: Ngài là vị vua bị nhạo báng nhất và được yêu mến nhất.

1. Ngài là vị vua đã bị nhạo báng nhất

Biết bao vị thánh xao xuyến trước mầu nhiệm Thập giá. Một số vị thánh muốn được chia sẻ cuộc thương khó của Chúa Kitô bằng cách chấp nhận được đau khổ nơi thân xác họ như Ngài. Đúng thế,
- Thật là thương tâm khi nhìn Chúa Giêsu, một con người vô tội phải bị kết án tử hình như một tên trộm cướp xấu xa nhất!
- Thật là đau khổ khi nhìn thấy Chúa Giêsu bị những tên lính đấm đá và bị ngã xuống đất nhiều lần trên con đường Canvê!
- Thật là đau đớn khi thấy cạnh sườn Ngài bị lưỡi đòng đâm xuyên qua!
Nhìn lên thập giá, chúng ta xao xuyến vì những vết thương, vì cơn khát và vì những gai nhọn kết thành triều thiên bắt Chúa Giêsu phải đội trên đầu.
Nhưng điều làm chúng ta đau khổ và thương tâm nhất, đó là Chúa Giêsu, một con người tốt lành và tế nhị đến thế, đành phải chịu người đời khinh bỉ và mỉa mai. “Nó đã cứu được kẻ khác, thì hãy tự cứu mình đi” (phép lạ mà Ngài đã thực hiện thì quá nhiều).
Ngài được gọi là Vua. Đúng thế, ngai toà của Ngài, Ngài sẽ có và Ngài cũng sẽ được nâng lên cao nhất để mọi người nhìn thấy. Ngài muốn có một vương miện (mũ triều thiên) và Người sẽ có và đội nó trên đầu: triều thiên toàn là gai nhọn. Biết bao lần Ngài im lặng trước những kẻ chống đối Ngài. Ngài hoàn toàn là người bị nhục nhã nhất.
Vâng, hôm nay Giáo Hội muốn dùng lời của Philatô để giới thiệu cho chúng ta biết: đây là vị vua của chúng ta đó! Hãy nhìn Ngài! Hãy chiêm ngắm Ngài! Đừng quá vội vàng sợ mất thời gian để tỏ lòng tôn kính vị Vua của chúng ta.
Vào thời đại chúng ta, thế kỷ 21 cũng như thế kỷ đầu, vị Vua của chúng ta vẫn luôn là đối tượng bị nhạo cười. Biết bao lần trên phim ảnh và truyền hình và cả trong tiểu thuyết, Chúa Kitô vẫn tiếp tục bị người đời phỉ báng và phê bình! Biết bao lời nói đáng tôn trọng của Ngài bị người đời xuyên tạc!
Và còn hơn thế, Ngài là vị Vua nhục nhã nhất vì Ngài là người bị lãng quên nhất trong xã hội tục hoá của chúng ta hôm nay! Ngài bị người ta cho biến mất khỏi các trường học và các căn hộ của người công giáo.
 
2- Nhưng, Ngài là vị Vua được yêu mến nhất

Vâng, Giáo hội không ngần ngại chỉ cho chúng ta biết vị phu quân bị đóng đinh ấy lại là Vua của chúng ta và của thế giới. Thật vậy trên Thập giá, Chúa Giêsu đã chẳng phải là người vĩ đại nhất đó sao?
- Chính Ngài đã chẳng nói với các tông đồ: “Này đây, chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ được vinh hiển” đó sao? 
- Ngài đã chẳng mặc khải một phẩm chất tốt đẹp về nhân tính và thần tính, một tình yêu cao cả, một lòng hào hiệp, một sức mạnh phi thường, một lòng quảng đại sâu xa trong suốt cuộc đời và nhất là vào giây phút mà Ngài bị biến dạng và bị ruồng bỏ để dâng hiến mạng sống cho toàn thể thế giới đó sao?
Người ta có thể xét đoán giá trị của một con người qua cách người đó cống hiến cái chết của mình thế nào: Chúa Kitô đã có một cái chết của bậc siêu nhân, cái chết của Thiên Chúa. Thần tính của Ngài được biểu lộ trong bóng tối của đồi Canvê hơn là trong ánh sáng của núi Thabor!
André Sponville, một nhà văn vô thần viết:“Các thập giá Canvê tại mỗi góc phố và hầu như trên khắp các mảnh đất của người kitô nhắc nhớ cho chúng ta thấy rằng: Đấng bị nhục hình đau khổ ấy thật giá trị hơn tất cả các ông vua với những vương miện, biệt thự và quân đội của họ”.
Chúng ta hãy dành thì giờ để nhìn Chúa Giêsu chết và sẽ thấy vị Vua của chúng ta chết thế nào:
- Không một lời phàn nàn thốt ra từ môi miệng ngài. Ngài thiết lập một Vương Quốc nơi mà người ta không mơ về mình, nhưng cho người khác, nơi mà quyền lực là phục vụ. Ngài không phải là vua vì cá nhân Ngài, nhưng vì người khác. Ngài không phàn nàn vì Ngài đang chu toàn sứ vụ cứu độ tất cả mọi người mà Ngài yêu mến.
- Không một giây phút nổi loạn. Ngài thiết lập một Vương Quốc nơi mà bạo lực phải nhường chỗ cho dịu hiền và khoan dung.
- Không một lời trách móc. Ngược lại, đó là một thái độ tha thứ: Ngài thiết lập một vương quốc, nơi mà ghét ghen cần phải được thay thế bằng sự tha thứ. Vâng, nhất là chúng ta hãy nhìn Ngài tha thứ như thế nào. Ngài bào chữa cho những ai ám hại ngài.
Đúng là một luật sư tuyệt vời!
- Lạy Cha, xin Cha tha cho những anh lính này vì họ chỉ làm theo lệnh cấp trên mà thôi và họ cũng không biết việc họ làm!
- Lạy Cha, xin Cha tha cho anh trộm bên phải con đây vì anh vừa mới xưng tội của anh với con. Anh đã nhận tội, xin Cha chuẩn bị cho anh một chỗ trong Vương Quốc của Chúng Ta.
- Lạy Cha, xin Cha tha cho những luật sĩ và tư tế đã luận tội con. Họ không biết việc họ làm. Họ nghĩ rằng họ làm như vậy là chu toàn lề luật Môsê.
- Lạy Cha, xin Cha tha cho đám đông vô ơn này. Không dễ gì mà họ nhận ra con là Đấng Mêsia mà họ mong đợi. Xin Cha hiểu rằng họ có thể không hiểu!
Thật vậy, Chúa Kitô là Vua tất cả các con tim nhân loại. Trên thập giá, Ngài lôi kéo mọi người hơn là trên ngai toà. Trên thập giá, Ngài mời gọi chứ không áp đặt. Để thống trị, Ngài chẳng cần quân đội cũng chẳng cần lính đặc nhiệm. Thập giá của Ngài có thể chiếu sáng trên mọi đỉnh cao nhất của thế giới. Chính thập giá trở nên ngai toà vinh hiển, vì thập giá là dấu chỉ sáng ngời về tình yêu.
Vậy nếu Giáo Hội là dấu chỉ hữu hình của Vương quốc Thiên Chúa, thì Giáo Hội chỉ vĩ đại khi nào Giáo Hội bắt chước Vua của mình.
Vâng, chúng ta muốn:
- Một Giáo Hội sống động, nhưng đừng bao giờ muốn một Giáo Hội chiến thắng.
- Một Giáo Hội nhiệt thành và cao thượng, nhưng phải khiêm nhường.
- Một Giáo Hội lớn mạnh, nhưng đừng xâm lăng.
- Một Giáo Hội đông đúc, nhưng người dân toàn là anh em với nhau.
- Một Giáo Hội mà mỗi người chúng ta có thể nói với Chúa Kitô rằng: “Lạy Chúa, Chúa là Vua của con. Chúa đã chiếm lĩnh con, Chúa đã quyến rũ con bằng lòng thương xót, bằng sự tôn trọng con người và nhất là bằng tình yêu vô bờ. Phần con, con biết đáp trả tình yêu Chúa thế nào ?
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 ===============
Suy Niệm II
VUATHƯƠNG XÓT
( Lc 23, 35-43 ) 
 
Hôm nay, đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ, cũng là ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót, năm mà khi suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra rằng số phận của thế giới không nằm trong tay con người, nhưng trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Các bài đọc Kinh Thánh vừa được công bố có cùng một chủ đề là vị thế trung tâm của Chúa Kitô. Người là trung tâm của tạo dựng, trung tâm của dân Chúa và trung tâm của lịch sử, là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, là vị Vua từ bi, thứ tha và hay thương xót.
Hướng nhìn lên đồi Calvariô nơi treo Chúa Giêsu Kitô trên cây Thánh giá, chúng ta khám phá ra Vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng vì đàn chiên, thương xót, tha thứ và cứu vớt tội nhân. Tấm bảng trên đầu có ghi: "Người này là vua dân Do thái" (Lc 23,38). Điều Philatô đã viết là đã viết. Hình khổ Vua chịu thật là  khủng khiếp, mặt mày biến dạng. Thế mà Người lại là Vua ư ? Sao có thể thế được ? Người là Vua những gì ?
Câu trả lời: Chúa Giêsu không là vua của những gì hết. Ngài là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua. Thực tế xem ra khó chấp nhận, vì người ta muốn biến Chúa Giêsu trở nên trò cười khi mặc cho Người áo đỏ và đội mão gai.
Các bản văn phụng vụ trình bày vương quốc của Chúa Giêsu như một bức tranh đầy ấn tượng. Người là Chúa Cứu Thế đã được xức dầu (x. 1Col 1, 12-20), là Vua duy nhất của vũ hoàn, Vua khiêm nhường, Vua quyền năng. Nhưng Vương quốc của Vua Giêsu lại không thuộc về thế gian này. Vương quốc của sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và tràn đầy ân sủng, Vương quốc yêu thương, công lý và an bình. Một vương quốc được sinh ra từ máu và nước từ cạnh sườn đâm thủng của Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Giá thẳng đứng trong vinh quang. Ngai vàng, gợi lên những sự khiêu khích. Ba lần Chúa Giêsu bị hỏi: "Nếu ông là Đấng Kitô" (x. Lc 23, 35-43). Mỗi nhóm cáo buộc Người đều hỏi về tình trạng cá nhân của chính Người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo mong đợi Người Thiên Chúa tuyển chọn nên hỏi: "Nếu ông là Đấng Kitô "(Lc 23, 35). Những tên lính bảo vệ sức mạnh của Đế chế La mã thách thức Người: “Nếu ông là vua dân Dothái, ông hãy tự cứu mình đi"(Lc 23, 38). Một tên trộm cướp cùng bị đóng đinh cũng kêu lên trong đau đớn nhằm thoát khỏi cái chết: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa" (Lc 23, 40). Họ khác nhau về địa vị, nhưng lại giống nhau ở điểm thách thức Chúa: "Ông hãy tự cứu mình đi !" Như thể thách Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá để chứng minh vương quốc của mình ! Đây là cơn dám dỗ cuối cùng. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến thế gian để biểu dương sức mạnh cho ta thấy. Người đến để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha và nhân loại với nhau, đồng thời ban lại cho chúng ta tự do đã bị đánh mất vì tội, nhất là trao ban cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là yếu đuối hay đầu hàng, nhưng là ánh quang mạnh mẽ, hào hùng của tình yêu toàn năng của Chúa Cha, Đấng nâng chúng ta dậy từ chỗ vấp ngã và kêu gọi chúng ta làm điều thiện. Khi chịu treo thên thập giá Chúa Giêsu đã mạc khải vinh quang của Người, Người là Con Chiên bị sát tế để xóa tội trần gian.
Giữa những lời nhạo báng và thách thức, có một lời công nhận vương quốc của Thiên Chúa. Tên trộm lành, một trong hai kẻ chịu cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu, đã hiểu được Vua Giêsu là thế nào, nên anh thưa với Chúa bằng giọng điệu van xin: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi" (Lc 23,42). Câu trả lời bảo đảm và đầy an ủi của Chúa Giêsu đối với anh: "Ta bảo thật người: ngay hôm nay, người sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23,43). Chúa Giêsu là Vua, một vị Vua chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án.
Vương quốc của Vua Giêsu không hão huyền, trừu tượng, vương quốc ấy có mặt ngay hôm nay, nơi Chúa Kitô hiện diện. Như vậy, bản cáo trạng chống lại Chúa Giêsu viết: "Đây là Vua dân Do Thái" là thật trớ trêu, bởi từ trên thập giá vương quốc của Chúa Giêsu Kitô tỏa sáng vinh quang. Cái chết của Người trên thập giá là hành động đẹp nhất chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Cùng với thánh Phaolô “chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp…trong cõi đầy ánh sáng". Và bày tỏ lòng biết ơn vì: "Người giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" ( Cl 1, 12-20). Nhờ sự chết của mình, Vua Giêsu đã hòa giải tất cả mọi sinh linh; "Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá", Người đã đóng ấn một giao ước muôn đời. Khi phục sinh, Chúa Cha đã tôn phong Người làm Vua và là "Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại", " Người là đầu của thân thể, nghĩa là đầu Hội Thánh."
Ai sẽ loan báo cho thế giới vương quốc của Chúa Giêsu, nếu không phải là những chi thể của Thân Thể Người ? Một vị vua được thiết lập chỉ để ngưỡng mộ và tôn thờ, sứ mạng của vị vua ấy sẽ vô hiệu.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Kitô có phải là Vua và là Chúa của đời tôi không? Ai hiển trị trong tôi, Chúa Kitô hay ai khác? Theo thánh Phaolô, có hai con đường có thể để sống: "hoặc cho mình hay cho Chúa" (x. Rm 14:7-9), vậy tôi  sống cho chính mình hay sống cho Chúa?
Lạy Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loài thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ Vua Tình Yêu. Xin thương xót chúng con, xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, mọi vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log