Thứ bảy, 18/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 10:29 20/10/2016
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18, 14b)
Suy Niệm I
Kẻ giả hình và người tội lỗi
----------------
 
Đọc bài Tin Mừng hôm nay nói về 2 nhân vật: Biệt Phái và Thu Thuế, chúng ta dễ giải thích cho mình không thuộc 2 hạng người này, vì chúng ta không kiêu ngạo hoặc không quá tội lỗi, hai hạng người này chỉ giành cho ai đó mà thôi.! Tuy nhiên, nếu khiêm nhường để cho Chúa Giêsu giải thích, chúng ta sẽ có thể khám phá ra: trong mỗi chúng ta đều có một biệt phái và cũng có cả một thu thuế nữa. Đúng thế, nhưng lại càng nguy hiểm hơn khi chúng ta đang sống trong một thế giới mà hạng người biệt phái phát triển khá nhanh, còn hạng người thu thuế đang trên đường biến mất.
 
1. Kẻ giả hình: một chân dung được phác họa nhanh
 
Phải nói rằng Chúa Giêsu đã mô tả chân dung kẻ giả hình rất đạt. Chúng ta cần chú ý Chúa Giêsu không kết tội tất cả những người biệt phái. Ngài biết rõ một số người biệt phái không thể chê trách vào đâu được. Tin Mừng nói Ngài chỉ chê trách một số người mà thôi.
Trong mỗi chúng ta đều có một cái gì đó của kẻ giả hình. Chúng ta đừng vội cười trước chân dung của người biệt phái mà Chúa Giêsu mô tả trong bài Tin Mừng hôm này. Chúng ta giống họ khi chúng ta không nhận ra mình. Nhưng chân dung của kẻ giả hình thường ẩn náu rất sâu trong chúng ta, chúng ta khó có thể phát hiện được.
Kẻ giả hình trong bài Tin Mừng hôm nay phô trương công trạng của mình, tự khen mình và chỉ nói về mình… Chúng ta cũng là kẻ giả hình,
- Mỗi khi nói nhiều về thành tích và việc làm của mình.
- Mỗi khi phô trương bằng cấp và huân huy chương của mình.
- Mỗi khi khoác mã con công trước người thân và bạn bè của chúng ta.
- Mỗi khi chúng ta thích liệt kê các chức vụ của mình.
Kẻ giả hình mà không có lỗi nặng thường tự coi mình là công chính. Kẻ giả hình quên rằng mình vẫn là tội nhân, và chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tha được. Vì thế, chúng ta cũng là những kẻ giả hình, khi chúng ta khiển trách người khác điều mà chính chúng ta cũng mắc phải… (Một hôm, Diogene cười như một người điên ở góc phố. Một khách bộ hành đi qua hỏi ông:  “Ngài cười gì đấy”? Diogene nói: “Ông có thấy hòn đá này ở góc phố không? Từ lúc tôi đến đây có 10 người đều vấp phải hòn đá này, nhưng không ai mang hoặc lăn nó đi để người khác khỏi bị vấp cả”).
Chúng ta cũng là kẻ giả hình,
- Mỗi khi biện minh những lỗi lầm của chúng ta nhân danh một điều thiện. “Tôi nóng tính chẳng qua là vì người khác mắc khuyết điểm mà tôi muốn sửa cho họ”.
- Mỗi khi cho mình là mẫu mực về một nhân đức nào đó.
- Mỗi khi không thấy mình lỗi điều gì, mà trong lúc đó lại lỗi phạm thực sự, chúng ta lấy cớ rằng điều đó Chúa không nói trong Tin mừng.
- Mỗi khi cho mình là tuyệt đối, là thần tượng.
- Mỗi khi khẳng định mình đã được Chúa Thánh Thần soi sáng, không cần tôn trọng ý kiến của người khác.
- Mỗi khi gọi điều xấu là điều tốt, nhân danh khoa xã hội học: “tất cả mọi người đều làm như vậy”, hoặc nhân danh khoa học biện minh cho những lỗi lầm của mình để bảo vệ giống nòi.

2- Người tội lỗi, một chân dung trung thực

Chính ông được mô tả rất đúng kiểu: Ông ở đó, kín đáo sau một cái cột, không phải là ông xấu hổ vì không có đức tin, nhưng vì nghĩ sâu xa rằng mình không xứng đáng. Ông không xét đoán người khác, ông tự đoán xét chính mình. Ông xin ơn tha thứ, vì ông nghĩ mình là tội nhân: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi”.
Trong Năm Thánh lòng Chúa thương xót, cũng có nhiều người thổ lộ tâm tình của mình giống tâm tình của ông. Lời cầu nguyện của họ tương tự lời cầu nguyện của ông là rất khiêm nhường và chân thành: “Lạy Chúa, Chúa biết con không thường xuyên đi lễ. Con luôn tìm lý do nọ lý do kia để mà không đến nhà thờ. Con biết rằng nếu con thực sự yêu Chúa, thì con tìm mọi cách để đi lễ ít là ngày Chủ nhật và lễ trọng. Con biết rằng con có lỗi. Con hy vọng Chúa sẽ tha thứ cho con”.
Trong một xã hội của chủ nghĩa biệt phái, người ta không nhìn nhận lỗi lầm của mình, thì Chúa Kitô chẳng còn chỗ của Ngài nữa. Người ta đã gửi Ngài về trời, không cần ơn cứu độ nữa: vậy thì không còn ai được cứu độ ?
Dù xã hội hôm nay là như thế, nhưng Chúa Kitô vẫn ở lại vì vẫn còn một số người, đó là những người thu thuế khiêm nhường và thống hối.
Vâng, chúng ta cũng là những người tội lỗi,
- Mỗi khi nhận ra mình là tội nhân, tội nhân thực sự, chứ không phải là giả vờ có tội.
- Mỗi khi ý thức mình không bao giờ yêu Chúa đủ hoặc vẫn còn yêu cách giả tạo.
- Mỗi khi không tìm cớ biện minh cho những lỗi lầm của mình.
- Mỗi khi nhớ lại một số trang cuộc đời mình không được hay ho lắm.
- Mỗi khi  thấy cái đà trong mắt mình mà không thấy cái bụi trong mắt người bên cạnh.
- Mỗi khi nhận thấy người khác thực sự tốt hơn chúng ta.
- Mỗi khi nhận ra mình cần một Đấng Cứu độ vì chúng ta biết rằng tự mình không thể xóa tội cho mình được.
- Mỗi khi biết rằng ơn tha thứ chỉ có thể đến từ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, cần phải chú ý điều này:
- Khi kêu lớn tiếng rằng mình là kẻ tội lỗi nghèo hèn, chúng ta có thể trở thành người biệt phái. -Chúng ta có thể đóng vai những người tồi tàn, đóng vai những người lỗi phạm nhiều đến Thiên Chúa và anh em, để có lợi trước mặt mọi người và được Thiên Chúa thứ tha.
- Chúng ta có thể thích thú lỗi lầm của mình, nhận về phía mình để được tha thứ tất cả bằng cách cậy dựa vào lòng thương xót Chúa.
- Chúng ta cũng có thể khoe khoang mình là người tội lỗi để không giống những người biệt phái kiêu ngạo.
Tóm lại, tất cả những đức tính tốt và nhân đức mà chúng ta có đều đến từ Thiên Chúa. Vì vậy chẳng có gì mà chúng ta được khoe khoang cả. Và nhất là ơn tha thứ chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta trở nên công chính. Ý thức được như vậy. chúng ta mới thực sự nhận ra mình tội lỗi. Lòng thương xót Chúa là vô biên, chỉ cần chúng ta thực sự khiêm nhường ăn xin là được.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===============
Suy Niệm II
Người Pharisêu và người thu thuế
(Lc 18,9-14)
 
Chúa nhật tuần trước, hai nhân vật mang tính biểu tượng được Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta: một bên là vị thẩm phán bất công, đại diện kẻ áp bức, bên kia là bà góa đi kiện, điển hình của kẻ bị áp bức. Qua dụ ngôn đầy tính hài ước, Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải cầu nguyện luôn đừng ngã lòng và xác tín rằng, Thiên Chúa hằng nhận lời chúng ta (x.Lc 18,1-8).
Để xác định thái độ nội tâm và hình thức bề ngoài khi hướng về Thiên Chúa, Chúa nhật tuần này, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn gồm hai nhân vật đại diện cho con người hôm nay: một bên là người pharisiêu tự cho mình là công chính tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo và bên kia là người thu thuế, tội lỗi, tay sai cho bọn đế quốc, vơ vét tiền bạc trên lưng của đồng bào (x.Lc 18, 9-14).
Khi đọc lý do tại sao người Pharisiêu lại tạ ơn Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng sự hào phóng của ông thực sự là một người " tốt ", không chê trách được gì. Điều này dường như không phải là quan điểm của Đức Giêsu, Người không kể dụ ngôn này cho những người công chính, nhưng "cho những ai hay tự hào mình là người công chính." (x.Lc 18,9-14)

Người Pharisêu
Người Pharisêu tiêu biểu cho người bảo thủ cảm thấy mình phù hợp với Thiên Chúa và tha nhân, khinh thường kẻ khác. Người thu thuế là kẻ đã phạm lầm lỗi, nhưng anh nhìn nhận lỗi lầm đó và khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Anh nghĩ, mình không thể cứu được mình nhờ công nghiệp riêng mình, mà phải cậy nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu cuối cùng của dụ ngôn minh chứng: Người này, khi trở về nhà, thì được nên công chính, nghĩa là, được tha và hoà giải với Chúa; người Pharisêu trở về nhà trong tình trạng y như hồi ra đi vẫn giữ cảm giác về sự công chính của mình, đương nhiên mất sự công chính của Chúa (x.Lc 18,14).
Trong thực tế, người Pharisiêu đã đặt ra cho mình chỉ tiêu công chính. Ông không như người khác: ăn chay, nộp thuế… Ông tự xây dựng hình ảnh người công chính cho mình, quên mất điều quan trọng nhất của lề Luật là tình yêu tha nhân.
Tệ hơn nữa là thái độ của ông. Ông "tạ ơn Thiên Chúa" ; nhưng không được, ông thích liệt kê những kẻ tội lỗi. Trong lời cầu nguyện, ông không cần đến Thiên Chúa. Như thế, ông không công chính với chính mình, sức mạnh nội tâm của ông cho phép ông vượt lên trên mức tầm thường, nhưng ông đã coi thường sự đáng kính của ông. Một người hài lòng với chính mình, làm sao có thể giao tiếp được với Thiên Chúa ?

Người thu thuế
Người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Anh chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm, nên đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng anh đang khao khát: "Lạy Chúa, xin thương con là kẻ có tội. " (Lc 18,13). Anh khao khát tình thương nên anh được Chúa đoái thương và lời anh cầu xin được chấp nhận. Một kẻ tội lỗi như anh, có thể chứa đựng lòng thương xót, bởi vì không giống như các pharisiêu đóng cửa lòng mình và thỏa mãn với sự đầy đủ của mình, anh mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón lấy ơn tha thứ của Thiên Chúa, Đấng mà anh đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng của mình.

Bài học từ hai người trên
Giống như hầu hết các dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy hai nhân vật trái ngược nhau. Những người thu thuế hôm qua là những người Pharisêu mới của ngày nay! Ngày nay người thu thuế, kẻ phạm tội, nói với Chúa: "Lạy Chúa con tạ ơn Chúa, vì con không phải như những người Pharisêu có lòng tin kia, giả hình và bất bao dung, lo lắng về sự ăn chay, nhưng trên thực tế sống còn xấu hơn chúng con." Thật nghịch lý, xem ra dường như có những kẻ cầu nguyện như thế này: "Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con là kẻ vô thần! "
Rochefoucauld nói rằng sự giả hình là đồ cống nạp nết xấu trả cho nhân đức. Ngày nay nó thường là đồ cống nạp nhân đức trả cho nết xấu. Đúng thế, điều này được bày tỏ ra, nhất là những kẻ tỏ ra mình xấu hơn và vô sỉ hơn mình, ngõ hầu không xuất hiện kém hơn những kẻ khác. Nhà triết học Tin Lành Soren Kierkegaard viết: "Ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức, nhưng đức tin. "

Một kết luận thực tế: Rất ít người vừa Pharisêu vừa là người thu thuế, tức là, công chính trong mọi sự hay là tội lỗi trong mọi sự. Phần đông chúng ta có một chút ít cả hai trong cuộc sống. Lúc tồi tệ nhất chúng ta ứng xử như quan thu thuế trong cuộc sống, kinh doanh vô đạo đức, và lúc khác chúng ta như người Pharisiêu trong đền thờ, được cho là hợp lý bởi hành vi tôn giáo của chúng ta. Điều tệ nhất có lẽ là hành động như người thu thuế trong đời sống thường ngày của chúng ta và như người Pharisêu trong nhà thờ. Những người thu thuế là những kẻ tội lỗi, không có áy náy lương tâm, coi tiền bạc và nghề nghiệp trên hết mọi sự. Những người Pharisêu, ngược lại, là rất khắc khe và chăm chú đến lề luật trong sự sống hằng ngày của mình.
Nếu chúng ta đành cam chịu nên một ít của cả hai, bấy giờ chúng ta hãy nên kẻ nghịch của điều chúng ta mới diễn tả: Pharisêu trong sự sống hằng ngày và thu thuế trong nhà thờ! Như người Pharisêu, chúng ta phải cố gắng trong sự sống hằng ngày không làm kẻ trộm và người bất chính, nhưng theo những điều răn của Chúa và trả những món nợ chúng ta mắc; như người thu thuế, khi chúng ta ra trước mặt Chúa, chúng ta phải công nhận rằng chút ít gì chúng ta đã làm là hoàn toàn ân huệ của Chúa, và chúng ta hãy cầu xin cho chính chúng ta và cho tất cả mọi người lòng thương xót Chúa. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log