Thứ bảy, 18/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 16:17 07/10/2016
"Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari" (Lc 17, 15-16)
Suy Niệm I
Bổn phận phải biết ơn
--------------------------
 
Bài Tin Mừng hôm nay có thể được gọi là bài Tin Mừng về lòng biết ơn theo hai ý nghĩa:
- Biết ơn về những gì mà chúng ta nợ Thiên Chúa,
Và cũng phải biết ơn bằng một tấm lòng quảng đại.

Nếu phải cám ơn cha mẹ vì cha mẹ sinh ra chúng ta, thì chắc chắn hằng ngày chúng ta phải cám ơn Thiên Chúa không ngừng vì tất cả những gì mà chúng ta mắc nợ Người: đó là tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta đang có, bao gồm cả cha mẹ chúng ta.
 
1- Hãy biết ơn Thiên Chúa!

Tuy nhiên, con người thường rất vô ơn đối với Đấng Tạo Hóa:
- Chúng ta hãy xem những người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay. Trước hết, họ không phải là những anh chàng xấu:
+ Lúc đầu, họ cũng là những con người rất lịch thiệp. Họ giữ luật ở cách xa Chúa Giêsu để không làm nhiễm bệnh cho Ngài. Họ gọi Ngài là Thầy: câu nói đó rất lịch sự!
+ Họ tin tưởng vào Ngài, vì họ cầu khẩn Ngài chữa bệnh cho: “Lạy Thầy xin thương xót chúng tôi”. Họ tin tưởng vào lời Ngài: họ tin chắc là Ngài chữa họ.
Thế nhưng, khi được chữa lành, họ đã không trở lại cám ơn Ngài. Tại sao vậy?
- Họ không nghĩ gì ư? Thật đáng tiếc!…Hay là họ quá vui vì được chữa lành đến nỗi không còn nghĩ đến việc cám ơn nữa mà chỉ nghĩ đến những bạn bè mà họ có thể được gặp lại?
- Hay là họ lấy cớ rằng có quay lại cũng chẳng tìm thấy Chúa Giêsu ở đâu để mà cám ơn? Có lẽ họ nghĩ rằng Chúa Giêsu chỉ nói là mình phải đi trình diện các tư tế thôi, chứ có bảo mình phải quay lại cám ơn Ngài đâu?

- Hãy quan sát thái độ chung của con người:  Phần lớn nhiều người không nghĩ rằng mình có bổn phận phải biết ơn đối với Đấng đã cho mình vũ trụ kỳ diệu này để con người tìm thấy tất cả, nếu con người cố gắng tìm kiếm.. Trái đất phải chăng không như là một siêu thị rộng lớn đó sao nơi mà con người có thể mua được nhiều thứ…? Và còn tệ hơn, không những con người quên không cám ơn Đấng Tạo Hóa, mà còn tìm cách phá phách vũ trụ này bằng những cuộc chiến tranh hóa học hoặc tàn phá cây cối, làm tăng độ nóng của trái đất lên.

- Hãy nhìn đến chính chúng ta! Khi vượt qua một khó khăn, chúng ta thường không cám ơn Thiên Chúa. Quên không cám ơn Ngài vì những ơn lành Ngài đã ban cho. Khi nguy hiểm biến mất, chúng ta cũng thường để cho Thiên Chúa biến mất luôn.
Dụ ngôn người Arập nói: “Một con chó biết ơn còn giá trị hơn một con người vô ơn”.
Chúng ta cần phải biết ơn, tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Cha Jules Monchalin viết: “Giá trị thiêng liêng của một cuộc sống đó là biết thờ lạy”.
Hãy ngợi khen Chúa vì cuộc sống hôm nay và cuộc sống mai sau. Sách Thánh vịnh viết: “Tôi có thể tạ ơn Thiên Chúa như thế nào vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho tôi”?
Hãy ngợi khen và thán phục mặt trời mọc mỗi buổi sáng. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II nói với các bạn trẻ tại Denver: “Chúa Giêsu dạy chúng ta xem bàn tay của Thiên Chúa nơi vẻ đẹp bông hoa huệ ngoài đồng, chim trời, đêm trăng sao, cánh đồng chuẩn bị bước vào mùa gặt, khuôn mặt của trẻ thơ. Nếu các bạn quan sát vũ trụ với một trái tim biết yêu, các bạn cũng sẽ thấy khuôn mặt của Thiên Chúa”.
Công trình Chúa đẹp và vĩ đại biết bao!
- Hãy ngợi khen vì Chúa ban cho chúng ta ân sủng tuyệt vời về đức tin.
- Hãy ngợi khen vì Chúa ban niềm vui cho gia đình!
- Hãy ngợi khen Chúa vì biết bao lần Chúa tha thứ, cất chúng ta khỏi cái tệ hại nhất của bệnh phong hủi, đó là tội lỗi. Thánh Bonaventura nói: “Tình yêu chúng ta đối với Thiên Chúa sẽ được lớn lên, khi nghĩ về tội lỗi mình đã phạm. Tình yêu đó sẽ càng vĩ đại hơn vì tội lỗi chúng ta đã được tha và sẽ còn quảng đại hơn vì những điều tốt lành Chúa đã hứa”.
- Hãy ngợi khen Chúa cả những lúc chúng ta bị thử thách. Những thử thách đó làm chúng ta trưởng thành hơn và chúng ta có thể nói với Chúa một lời cám ơn chân thành.
- Hãy tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Hãy tạ ơn Chúa khi chúng ta cử hành phụng vụ cách sốt sắng! Nhất là hãy tạ ơn Chúa vì bí tích Thánh Thể chính là hành động tạ ơn tuyệt vời nhất.

2- Biết ơn còn mang một ý nghĩa khác: biết ơn bằng tấm lòng quảng đại.

Anh chàng phong cùi tốt trong bài Tin Mừng hôm nay xóa đi được tất cả những sự vô ơn của 9 người kia. Xuất phát từ hành động tế nhị biết ơn, anh rảo bước và cố gắng tìm lại Chúa Giêsu bằng mọi giá. Anh sấp mình trước Chúa để nói với Ngài một câu cám ơn vui vẻ và vô tư vì anh chẳng còn gì nữa để mà xin Ngài.
Trong thời đại hôm nay, chúng ta cần phải vượt qua cơn cám dỗ, đó là cơn cám dỗ dễ làm cho chúng ta có khuynh hướng coi thường những người kém may mắn: người phong cùi vẫn đang sống giữa chúng ta. Người cùi ấy chính là những người nghèo, những người thất nghiệp và cả những người tàng tật đang sống bên cạnh chúng ta. Chắc chắn chúng ta không thể quên được những nạn nhân vô tội. Nhưng ai có thể biết được tận đáy lòng của những hạng người này? Hãy để cho Thiên Chúa xét đoán họ. Tuy nhiên cũng cần lên án một xã hội quá sùng bái chủ nghĩa cá nhân.
Điều quan trọng đó là: chính chúng ta là người vô ơn đối với Thiên Chúa và vô ơn với tha nhân. Nếu chúng ta biết ơn Thiên Chúa, thì cũng sẽ biết ơn người anh em chúng ta! Nếu chúng ta biết nhận ra điều kỳ diệu nơi người anh em chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ khám phá điều kỳ diệu nơi Thiên Chúa, đó chính là tình yêu của Người. Tình yêu của Người vẫn có ở nơi nhiều người, dù họ đang ở gần hoặc xa Thiên Chúa, họ vẫn có một khả năng tới gần với đức tin và tình yêu thương.

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
================
Suy Niệm II
Đừng Có Vô Ơn
(Lc 17, 11-19)
 
Bị mắc bệnh phong cùi, căn bệnh làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi, bị xa nhà, xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng. Dẫu biết rằng, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể chữa lành. Nay nghe biết có Đức Giêsu thành Nagiarét đã cho con gái bà góa thành Naim sống lại (x. Lc 7, 11-17) sắp đi qua. Mười người phong cùi đồng thanh cất tiếng kêu xin lòng thương xót, tiếng họ kêu mang theo niềm hy vọng được chữa lành : “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi !” (Lc 17, 13). Tiếng kêu của họ vượt qua không gian, phá vỡ ngăn cách, nhất là vọng thấu tới tai Đấng là Lòng Thương Xót. Quả thật, Lòng Thương Xót đã thấy họ trước. Người không đến gần để chạm vào họ như Người vẫn làm khi chữa bệnh; Người cũng không phán lời nào thể hiện quyền năng trên căn bệnh quái ác này. Người ra lệnh tẩy sạch bệnh phong cùi đơn giản bằng cách bảo họ đi đến Đền thờ trình diện các tư tế lúc họ chưa được lành sạch. Đúng là niềm tin của họ bị thử thách! Ông Naaman thời Êlisê phải tắm tới bẩy lần ở sông Giođan mới được khỏi. Mười người được Chúa Giêsu bảo đi trình diện các thầy tư tế, họ không phản đối, họ làm như lời Người truyền, đức tin của họ thật gương mẫu, niềm hy vọng của họ thật lớn lao giúp chúng ta noi theo. Vâng lời Chúa Giêsu, họ lên đường và đang đi thì họ được điều họ xin. Tuy nhiên, chỉ có người Samaria quay trở lại với Chúa Giêsu “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 17,15).
Sự chữa lành chín người bệnh kia đã không thay đổi được nhận thức của họ về Thiên Chúa và Chúa Giêsu, dĩ nhiên tất cả mười người đều lành sạch, nhưng chỉ có người Samaria mới nghe được Chúa Giêsu nói: “lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc 17, 19).
Những người kia không thể giải thích nổi dấu chỉ chữa lành họ là lời mời gọi trở lại với Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên sự dữ không chỉ thể xác mà cả linh hồn họ. Họ không biết được rằng việc chữa bệnh thể xác là lời hiệu triệu của Thiên Chúa gửi đến cho họ, không nên ở xa, phải tiến lại gần Chúa Giêsu để nhận lãnh nhiều hơn sự khỏe mạnh phần xác là tình yêu và ơn cứu độ mà chỉ mình Người có thể ban tặng cho chúng ta.
Cả mười người phong cùi được sạch, nhưng chỉ có một người đi đến cùng việc chữa trị căn bệnh là được cứu. Người ta có thể nói rằng chín trong số mười người phong cùi cần một người cứu hộ, chỉ có người thứ mười nhận ra Chúa Giêsu là Vị Cứu Tinh. Các nhân viên cứu hộ là y tá, bác sĩ, và các dịch vụ cấp cứu, xe cứu thương thì có nhiều. Nhưng vị cứu tinh chỉ có một là: Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự vô ơn của đa số nhân loại qua việc chữa lành mười người phong cùi. Dầu Chúa đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Thiên Chúa; mà người đó lại là một người dân ngoại Samaria! Ôi đau đớn và tệ bạc thay! Đến nỗi Chúa phải đau lòng thốt lên, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,17-18).
Chúng ta không biến Chúa Giêsu thành “người cấp cứu” như chín người phong cùi trong Tin Mừng hay ông Naaman người Syria, lấy làm khó chịu khi theo quy định của Êlisa đi tắm ở sông Giorđan một điều vô thưởng vô phạt.
Người Samaria cảm thấy rất rõ cách thức chữa bệnh của Chúa Giêsu mà anh là người được hưởng: anh trở lại với Chúa Giêsu, sấp mình dưới chân và “tạ ơn Người” (Lc 17,16).
Anh không trở lại để thanh toán một món nợ: cũng không hành động như Naaman người Syria xin Êlisê nhận lấy phần phúc, và xin dâng lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa (x. 2V 5, 14-17). Ơn nhưng không của Thiên Chúa được ban cho viên sĩ quan ngoại giáo, kẻ thù của Israel, giúp chúng ta khám phá ra đơn giản chỉ là lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân ngoại. Người Samaria, một thành viên của dân được coi là dị giáo đối với người Do Thái hiểu rằng sự chữa lành anh là một ân sủng của Thiên Chúa; hay vẫn nói là những người biết ơn, biết phục vụ, món quà của tình yêu. Khi anh trở lại bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu của mình với Chúa Giêsu. Chính sự gắn bó cá nhân khiến anh trở thành môn đệ Người.
Ngày nay, đạo đức xã hội đang ngày càng bị xói mòn. Trên mặt báo và xung quanh ta, thấy những câu chuyện đau lòng như con giết cha, hại mẹ, bỏ nhà đi, đánh đuổi cha mẹ, ấy chưa nói tới người coi trời bằng vung, hoặc sống như thể không có Thiên Chúa. Con người hôm nay đang bị lu mờ sự biết ơn trong tâm khảm mình.
Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do: vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có và không cần suy nghĩ tại sao nó có; họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn.
Lòng biến ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ. Tạ ơn là lời cầu nguyện tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể dùng. Lời tạ ơn thể hiện lòng biết ơn, sự khiêm tốn và hiểu biết. Noi gương người Samaria biết cám ơn người làm ơn cho chúng ta. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log