Thứ tư, 24/04/2024

Nhật Ký Chuyến Mục Vụ Của Đức Cha Phụ Tá Anphong Nguyễn Hữu Long Tại Tỉnh Điện Biên, Từ Ngày 24.11 - 30.11.2018 (Bài 4)

Cập nhật lúc 22:25 12/12/2018
Bài 4
 
Ngày 4 (Thứ ba, 27.11.2108)

Hôm nay chúng tôi trải một đoạn đường dài, từ Tủa Chùa qua Mường Lay đến Mường Nhé. Nhìn bản đồ thì thấy ba địa danh nằm trên một đường ngang từ Đông sang Tây, cách nhau chỉ vài centimet, nhưng thật ra hơn 200 cây số. Đoạn từ Tủa Chùa đến Mường Lay dài 102 cây. Từ Mường Lay đi Mường Nhé có hai đường, dài thì 159 cây, ngắn thì 115 cây, bớt được 44 cây, nhưng xấu và mất thời gian hơn. Chúng tôi chọn con đường ngắn vì chưa đi lần nào. Phong cảnh thì cũng giống như các nơi ở vùng thượng du Tây Bắc, núi đồi trùng điệp, đường sá quanh co, lên lên xuống xuống, ai không quen sẽ bị say xe. Một điều mà ai cũng dễ nhận ra là các rừng cây nguyên sinh ở đây đã bị đốn sạch, chả trách mưa về sẽ thành lũ, rồi từ trên cao cả ngàn mét đổ xuống thì sẽ thành lũ quét lũ ống, dẫn đến lở núi lở đồi, trôi hoa màu, sập nhà cửa, chết gia súc, chết cả người… Con người không tôn trọng thiên nhiên, phá hủy rừng, làm mất quân bình sinh thái, rồi đổ cho Ông Trời để gọi là “thiên tai” thì thật oan quá!
Mường Lay trước được gọi là thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Năm 2003, khi chia tách thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên, thì Mường Lay thuộc về Điện Biên. Trước đây Mường Lay nhộn nhịp đông đảo, nhưng từ khi chia tỉnh lại trở nên buồn tẻ, thưa thớt, như một thị trấn chết. Cộng đoàn Công giáo Mường Lay cũng ọp ẹp, chỉ có 51 người thuộc 16 gia đình, có gia đình con cái bỏ đạo hết, chỉ còn mẹ già. Cộng đoàn mua được một thửa đất, cất lên một nhà nguyện đơn sơ trông như một căn nhà dân chứ không có dáng dấp một nhà nguyện. Hàng tuần, cha Ngoạn hay cha Tuấn từ Điện Biên vượt 100 cây số đến dâng lễ và ở lại một hai đêm.
Thánh lễ trưa hôm nay chỉ vỏn vẹn 30 người, vì là ngày thường và các em phải đi học. Mặc dù vậy, bà con rất vui mừng và ấm tình đậm nghĩa khi được gặp chủ chăn. Chúng tôi khích lệ bà con giữ vững đức tin, nếu càng đông càng vui, thì càng ít càng tình, mong bà con yêu thương nâng đỡ nhau giữ đức tin.
Rời Mường Lay, chúng tôi đi đường tắt qua dốc Yên Ngựa quanh co ngoằn ngoèo, ngồi trong xe mà cử nẩy cả người lên như đang cỡi ngựa vì đường nhấp nhô. Chúng tôi dừng chân ở Chà Cang thăm một trong bốn gia đình đang sinh sống ở đây. Mỗi khi có thánh lễ ở Mường Nhé, họ đều cố gắng vượt 50 cây số để dự lễ. Họ có lòng với Chúa quá !
Khi đặt chân đến Mường Nhé thì trời đã chạng vạng tối. Tại căn nhà của ông Đức mượn tạm từ nhiều năm nay để cử hành phụng vụ, bà con đã chờ sẵn, nên chúng tôi giải tội và dâng lễ ngay, để bà con còn về vì trời lạnh và nhiều người ở xa cả 30 cây số. Họ cũng thật có lòng với Chúa.
Mường Nhé hiện có 31 gia đình công giáo với 119 nhân danh, đa số từ giáo xứ Mang Sơn thuộc giáo phận Hà Nội lên lập nghiệp vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Vì chỉ mới một hai thế hệ nên lòng đạo và nề nếp vẫn còn. Tôi ngạc nhiên thích thú thấy các em bé đọc kinh và hát làu làu, chứng tỏ cha mẹ vẫn lo cho con giữ đạo. Cha Ngoạn làm thống kê và cho biết 85% bà con ở đây giữ đạo tốt, trong khi ở miền xuôi có nhiều xứ đạo mà số người thực hành chỉ 40-50%. Trước đây, khi chưa thể lập cộng đoàn, các cha mẹ vẫn gửi con cái về quê vào mùa hè để học giáo lý và chịu các bí tích. Thêm một điểm son nữa là trong cộng đoàn không ai lâm lụy các tệ nạn xã hội hay làm gì trái luân lý. Tôi đã nhiều lần đến thăm cộng đoàn này, và nhận thấy bà con giáo dân ở đây hòa hợp, không xảy ra chia rẽ.
Hình ảnh đẹp của cộng đoàn Mường Nhé làm tôi xác tín việc giữ được đức tin hay không tùy thuộc rất nhiều vào cha mẹ và gia đình. Cha mẹ nào có lòng đạo chắc chắn sẽ lưu tâm chuyển giao đức tin cho con cái, gia đình nào sống trong bầu khí tôn giáo thì mọi người trong nhà sẽ giữ được đức tin. Ngược lại, cha mẹ nào không tha thiết với đạo thì con cái sẽ mất đức tin.
Đức tin ví như hạt cải trong Tin Mừng. Nó nhỏ bé nhất, nhưng khi được vun trồng, sẽ nẩy nở thành một cây lớn, chim trời có thể núp dưới bóng (cf. Mc 4, 30-32). Cũng với những điều kiện như khi ta trồng cây: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đức tin được chăm tưới bằng kinh nguyện, bồi bổ bằng Lời Chúa và bí tích, thực hành trong đời sống, ắt sẽ lớn lên.
 
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
  Giám mục Phụ tá Hưng Hóa

Hình ảnh ngày thứ 4:
 

Bản đồ Bắc Điện Biên, với ba huyện Tủa Chùa, Mường Lay và Mường Nhé.

Núi đồi bạt ngàn ở thượng du Tây Bắc mất đẹp vì không còn rừng​

Hoa dã quỳ vàng rực hai bên đường chào đón du khách

Cảnh thường gặp: mẹ địu con nhỏ trên lưng, đưa hai con lớn đến trường.​

Các em đi học mẫu giáo mang theo suất cơm trưa

Nhà sàn của người Thái thường rất đẹp…

… khác với căn nhà thấp tối và tồi tàn của người H'mông.

Và đây là nhà nguyện Mường Lay

Dâng lễ với cộng đoàn Mường Lay


Lưu niệm với cộng đoàn nhỏ bé

Hai cha, hai dì và hai khách cùng đi với Đức cha phụ tá


Thánh lễ với cộng đoàn Mường Nhé

Chú bé mặc áo xanh ngồi hàng ghế đầu hát và đọc kinh to nhất ​


Đức cha phụ tá khích lệ cộng đoàn


Xin Chúa cho cộng đoàn Mường Nhé giữ vững đức tin

Cộng đoàn tham dự thánh lễ


Cuối lễ, các em bé lên xin chúc lành​


Mỗi người được tặng một cỗ tràng hạt đeo tay

Các con nhỏ của Chúa ở đây rất hồn nhiên, dễ thương​
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Caritas Hưng Hóa thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
Caritas Hưng Hóa thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
Từ ngày 16 – 20/04/2024, Caritas Hưng Hóa đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội Từ Thiện Minh Tâm và quý ân nhân để thực hiện chương trình khám và mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log