Thứ bảy, 05/10/2024

Lung tra, điểm quản thúc đầu tiên: Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 09:25 29/12/2021

SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: LUNG TRA, ĐIỂM QUẢN THÚC ĐẦU TIÊN
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
Sáng ngày 20 tháng 01 năm 1975, anh đội vào phòng giam biểu mình tháo quyện và theo anh ấy đi làm việc. Ông bạn niềm nở đón tiếp mình: mời ngồi, mời uống nước trà và mời hút thuốc lá. Ông vui vẻ khoe là ông quen biết rất nhiều người Công giáo ở nhà thờ Tắc Sậy. Hai bên nói chuyện với nụ cười. Bỗng nụ cười tắt lịm. Ông bạn nghiêm nghị tuyên bố: “Ngày mai anh sẽ phải dời đi nơi khác. Phải tuyệt đối bí mật, không được cho ai biết”.
Mình mừng thầm trong bụng là sắp được trả tự do rồi. Về tới phòng giam, mình xếp quần áo bỏ vào túi xách. Tiện tay ném vào túi đồ của người đồng cảnh gần nhất cái quần xà lỏn đã cũ nhưng còn lành nguyên xi. Miệng thì thầm một cách cẩn trọng: “Cho cậu đấy. Ngày mai tôi được thả rồi”.
Bữa trưa hôm ấy, miệng thì nhai cơm lức với muối hột, còn lòng thì nhủ lòng rằng: “Ngày mai ta không còn ăn cơm gạo lức hôi hôi này nữa. Chào mi nhé”. Ai ngờ, ăn cơm vừa xong, thì anh đội ra lệnh: “Anh Hậu dọn đồ đi ngay bây giờ”.
Mình xách đồ đi ra, vừa đi vừa hô: “Cửa”. Các đồng cảnh gục mặt xuống hết. Mình vừa ra khỏi cửa, anh đội lại hô “thôi”. Thế là mọi cái đầu lại ngóc lên, mọi cặp mắt lại dòm mình lom lom. Ánh mắt nào cũng ngỡ ngàng. Ánh mắt nào cũng hốt hoảng lo âu. Mình được trả tự do, tại sao các đồng cảnh lại sợ hãi đến thế? Chừng hai mươi năm sau, mình mới hiểu. Hôm ấy, mình đang đứng ngắm cầu Cà Mau sắp khánh thành, thì có một người chạy đến ôm mình. Vừa ôm, vừa thở hổn hển:
  • Anh Hậu! Anh còn sống hả? Thấy anh, tôi mừng quá! Hôm ấy, anh bị dẫn đi ra theo kiểu ấy, thì ai cũng nghĩ là anh đi mò tôm rồi.
  • Hôm ấy, tôi được dẫn tới Lung Tra. Bị quản thúc ở đấy đúng một tuần. Sau đó, lại được dẫn đến Bến Bọng. Bị quản thúc thêm ba tháng ba tuần nữa. Cuối cùng, được trả tự do ngày 12 tháng 6 năm 1975.
Chuyện đời buồn cười quá: mình mừng thầm vì tưởng sắp được trả tự do, thì trật lất; người ta nghĩ là mình đi mò tôm, thì cũng sai bét. Có một bàn tay vô hình điều hành số phận con người. Con người biết được ngày nào, giờ nào, phút nào, giây nào có nhật thực hoặc nguyệt thực; nhưng khi nào ông già tắt hơi, khi nào chàng lực sĩ nhắm mắt lìa đời… thì chỉ có Trời biết.
Xế chiều, chiếc xuồng be mười ghé bến. Anh đội đưa mình vào nhà một ông già. Ông già này được giới thiệu là “Ông Hai Bến Tre”. Ông Hai và anh đội nói chuyện riêng với nhau một lúc, rồi hai người chia tay. Anh đội dặn mình: “Anh cứ ở đây. Sẽ có cấp trên xuống làm việc với anh”. Nói xong anh nhảy xuống xuồng, giật máy, rồi đi mất tăm hơi luôn.
Sáng hôm sau, một ông cán bộ đẹp trai đến làm việc với mình. Đó là ông Tư Uyển (Ung Ngọc Uyển), chánh án tỉnh Cà Mau. Ông tự giới thiệu là cựu học sinh trường Petrus Ký, bạn cùng lớp với ông Trần Văn Đỗ, bố của bà Trần Thị Lệ Xuân (Ông nhớ lộn hai tên Trần Văn Đỗ và Trần Văn Chương). Ông nói chuyện với mình một buổi. Thỉnh thoảng ông lại chêm vô một câu tiếng Pháp. Giọng nói và cách phát âm của ông chứng tỏ ông là người khá rành tiếng Pháp.
Buổi làm việc với ông Tư để lại hai điều mà mình phải suy nghĩ.
  1. Ông nói với mình: “Chính tôi vô trại móc anh ra đây. Anh là lãnh đạo cao cấp tôn giáo mà ở trong trại giam, tôi thấy kỳ quá”.
  2. Trước khi giã từ, ông Tư Uyển trấn an mình: “Anh cứ ở đây. Cứ thoải mái. Anh là lãnh đạo cao cấp tôn giáo, nên tỉnh chúng tôi chỉ có quyền quản lý anh thôi. Cấp trên sẽ đến làm việc với anh”.
Ông Tư Uyển xách túi xuống xuồng, giơ tay chào mình với một ánh mắt và một nụ cười rất chân thành. Ông đi, để lại một thời gian dài, để mình suy nghĩ. Mình đánh giá ông là người có trình độ học thức cao. Đặc biệt là ông có cái tâm của người đại diện chân chính cho ngành tư pháp. Thật đáng quý! Nhưng vì quý nên rất hiếm.
Sau khi nghĩ khá lâu về ông Tư Uyển, mình lại muốn nghĩ về chính bản thân của mình. Mình tự hỏi: Tại sao ông Tư Uyển, ông Tư Nhi lại đánh giá mình là lãnh đạo cao cấp. Ông Tư Nhi thì bảo: “Tôi xả quyện cho anh, không phải vì anh cải tạo tốt, mà vì anh là lãnh đạo cao cấp tôn giáo”. Còn ông Tư Uyển thì nói: “Anh là lãnh đạo cao cấp tôn giáo, mà ở trong trại giam thì kỳ quá!”
Mình chưa bao giờ là lãnh đạo cao cấp. Mình chưa bao giờ làm cha xứ; chỉ làm phó xứ thôi: phó xứ Ô Môn; phó xứ chánh tòa Cần Thơ. Sau đó thì làm trưởng giáo điểm Năm Căn, nghĩa là dưới giáo họ một bậc và dưới giáo xứ hai bậc. Như vậy, mình chỉ là lãnh đạo thấp tè mà thôi. Tại sao thấp tè tè như thế mà lại được đánh giá là cao cấp?
Sau khi làm việc rất nhiều lần với các cán bộ từ cấp miền trở xuống, mình mới vỡ lẽ ra rằng: Sở dĩ mình được đánh giá là lãnh đạo cao cấp tôn giáo, vì hai lý do:
  1. Một ông cán bộ hỏi mình: “Tại sao Nội San Đồng Hướng của giáo phận Cần Thơ gọi anh là “Chiến sĩ Phúc Âm?”
  2. Một ông cán bộ khác nói: “Trong lịch Công giáo của giáo phận Cần Thơ, anh vừa có tên trong Ban Cố Vấn, vừa có tên trong Hội Đồng Linh mục. Như vậy có nghĩa là anh làm việc trong cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện linh mục. Chức tước của anh tương đương với Dân Biểu Quốc Hội và Tỉnh Ủy Viên.”
Đánh giá mình như thế là sai. Hiểu đạo Công giáo như thế là không đúng. Nhưng nhờ cái sai và cái không đúng ấy, mà mình thoát được bao nhiêu tai họa, thậm chí thoát được cả cái số phận mò tôm nữa.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến – Giám mục Chính tòa Giáo phận đã long trọng chủ sự Thánh lễ mừng kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng của Giáo xứ Chính tòa Sơn Lộc, ca đoàn, giới trẻ và Lớp Tập viện Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, vào lúc 19g30 ngày 01.10.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log