Thứ ba, 10/12/2024

Tiền - Một Tên Đầy Tớ Hữu Ích: Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 08:47 27/08/2021

SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: TIỀN - MỘT TÊN ĐẦY TỚ HỮU ÍCH
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
Năm 1967, con mắt bên phải của mình bị bác sĩ Cát tuyên án: “Suy thoái vùng hoàng điểm, chữa không được”. Đành cắn răng chịu số phận độc nhãn.
Năm 1984, con mắt bên trái lại ngoe ngoảy đòi đi theo con mắt bên phải. Mình vội vã lên Sài Gòn học dưỡng sinh để may ra có thể cứu được số phận đui mù.
Lợi dụng thời cơ thuận tiện hy hữu, mình đến thăm một linh mục đàn anh để xin “cứu bồ”. Mình trình bày hoàn cảnh trớ trêu của mình: Bị quản chế không lý do, không giấy tờ, không thời hạn. Ông linh mục đàn anh không quan tâm đến nguyện vọng của mình, mà quay sang vấn đề truyền giáo.
  • Anh đi truyền giáo, có làm nghề gì không?
  • Con chẳng làm nghề gì hết.
  • Phải có một nghề để tự lực mưu sinh, không ăn bám giáo dân. Ít nhất anh cũng phải biết hớt tóc. Thánh Phaolô vừa truyền giáo, vừa làm nghề dệt lều, để không bị lệ thuộc vào người khác.
Mình không đồng ý, nhưng không muốn cãi lý với ông tiến sĩ. Đành ngậm tăm và tìm cách để chuồn.
Sau buổi gặp gỡ ấy, mình quyết tâm “moi” Thánh Kinh, để làm sáng tỏ vấn đề.
1. Thánh Phaolô có tự lực mưu sinh thật
  • Trong Cv 20, 33 – 35, Thánh Phaolô tâm sự với các niên trưởng của giáo đoàn Êphêxô rằng: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ; những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận”.
  • Trong 2Tx 3, 8 – 9, Thánh Phaolô day dí: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để không trở nên gánh nặng cho bất cứ ai trong anh em. Không phải vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, mà là để nêu gương cho anh em bắt chước”.
  • Trong 1Cr 4, 11, Thánh Phaolô nói với giọng hờn dỗi: “Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt, chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng”.
2. Nhưng nói vậy, mà không phải vậy
  • Trong 2Cr 11, 8 – 10, Thánh Phaolô đã nói toạc ra rằng: “Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ để phục vụ (không công) cho anh em. Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, chúng tôi đã chẳng phiền lụy ai (trong anh em), vì các anh em từ Makêđônia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong  mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi sẽ còn tránh như vậy”.
  • Trong Pl 4, 10 – 20, Thánh Phaolô đã ngỏ lời cám ơn giáo đoàn Philíp đã rộng tay viện trợ để ngài không những có đủ phương tiện để truyền giáo, mà còn dư nữa là khác: “Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến cho tôi qua tay anh Êpáprôđitô”. Ngoài ra Thánh Phaolô còn tỏ vẻ tủi hờn mà chê trách các giáo đoàn khác: “Anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Makêđônia, thì không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, trừ anh chị em đó thôi”.
  • Dựa trên Cv 28, 10.16.30, mình khẳng định rằng Thánh Phaolô đã nhận sự giúp đỡ của bá tánh nhiều lắm. Bằng chứng là sau vụ đắm tàu ở đảo Malta, thì Thánh Phaolô phải trắng tay rồi. Thế mà sau đó ngài tiếp tục cuộc hành trình về Rôma, với tư cách là một tù nhân bị dẫn độ về thủ đô. Khi về tới Rôma, ngài mướn ngay một căn nhà để ở và rao giảng. Tiền ấy không phải là tiền lao động tự túc đâu.
3. Tại sao vừa nói là không, lại vừa nói là có?
  • Thánh Phaolô có lao động tự túc tại Êphêxô, Thêxalônica và Corintô, vì ở những nơi ấy, có những người xấu mồm xuyên tạc công tác truyền giáo của ngài. 1Cr 9, 1 – 15 minh chứng điều đó. Có những người cho rằng ngài không phải là Tông Đồ và không xứng đáng sống nhờ Tin Mừng. Sau khi khẳng định lời Chúa rằng: “Người loan báo Tin Mừng, phải sống nhờ Tin Mừng”, thì ngài lại làm ngược ngay tức thì: “Nhưng phần tôi đã không dùng một quyền nào trong những quyền ấy, vì đối với tôi, thà chết còn hơn”.
  • Thánh Phaolô không thể lao động tự túc được, vì những cuộc hành trình liên tục. Chỉ trong vòng 7 năm, từ 45 – 52, ngài đã thực hiện hai hành trình dài 3.373 cây số qua 21 giáo điểm. Đi như thế thì còn giờ đâu mà lao động. Nếu có lao động thì chỉ trong vài thời gian vắn vỏi mà thôi. Tiền lao động ấy chỉ đủ ăn vài tháng thôi, làm sao có đủ tiền trả vé tàu, trả tiền ăn và nghỉ dọc đường.
***
Bấy nhiêu tài liệu đủ để mình không theo Thánh Phaolô mà lao động tự túc trên đường truyền giáo. Mình chỉ theo Đức Giêsu: “Người làm công thì đáng được trả lương (Lc 10, 7); người loan báo Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng (1Cr 9, 14). Giáo huấn của Chúa được minh chứng bằng những sự cố sau đây.
  • Năm 1989, mình được xả chế, nên quyết tâm về thăm quê hương sau 37 năm xa cách (1952 – 1989). Ngồi tính nhẩm trong đầu là phải có trong túi 200.000 đồng thì mới đi được. Ky cóp mãi vẫn chỉ đạt được 150.000 đồng, rồi lại tụt xuống. Cuối cùng, mình liều ra bến xe Cà Mau với số tiền 150.000 đ.
21 giờ thì xe vô bến Chợ Lớn. Hằng chục anh xe lôi, xe ôm và xích lô chạy đến bao vây lấy mình. Tiếng mời ríu rít: “Bố ơi, bố đi đâu để con chở cho”. Mình chưa kịp chọn đi loại xe nào, thì “phực” một cái: đồng hồ đeo tay bay theo anh chàng lưu manh ra ngoài cổng. Mình không dám kêu cứu, sợ đồng bọn đấm cho mà chết. Đành làm thinh chịu trận. Ngày hôm sau, phải bỏ ra 75.000 đồng mua một đồng hồ mới, rồi quyết tâm bỏ cuộc.
Vừa tính bỏ cuộc, thì thấy một chàng thanh niên Cà Mau đi tới trao tay một lá thư dày của cộng đoàn Nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Cà Mau. Nội dung ngắn gọn như sau: “Chúng con nghe phong thanh là cha thiếu tiền ra Bắc. Chúng con biếu cha 150.000 đồng”. Thế là êm ru. Cuộc hành trình được khởi động ngay ngày hôm sau. Ra tới Sơn Tây, thì trong túi còn 25.000 đồng. Hai tháng trời ở miền Bắc không phải chi một đồng nào. Khi trở về Cà Mau thì trong túi có 400.000 đồng. Đó là tiền bổng lễ của hai tháng. Lòng nhủ lòng: Tưởng là miền Nam phải giúp miền Bắc, ai ngờ miền Bắc lại giúp miền Nam. Ngược đời!
Sáng hôm sau, còn đang hí hửng, thì Hoa, con gái bà Tư Tri vô.
- Ông cố ơi! Mẹ con nói là ông cố còn nợ mẹ con 2 chỉ vàng.
- Ủa, sao mà kỳ vậy! Cha vay tiền bà con để sửa nhà thờ. Cha trả hết nợ rồi mới đi kia mà. Để cha coi lại sổ chi – thu.
Rà lại sổ chi – thu, thì thấy mình đã trả hết các món nợ, trừ 2 chỉ vàng của bà Tư Tri. Hai chỉ vàng giá 400.000 đồng. Thế là xong nợ, nhưng trong túi thì sạch bách.
  • Năm 1994, chị Hồng Quỳ - Giám học lớp thần học Nguyễn Văn Bình đề nghị với mình:
- Cha dạy các chị em chúng con 16 tiết về truyền giáo. Rất cụ thể, nhưng vẫn còn là lý thuyết. Xin cha cho các chị em xuống Cà Mau thăm các giáo điểm truyền giáo của cha. Phải thấy tận mắt công việc truyền giáo của cha, thì chúng con mới mở mắt ra được.
- Đồng ý. Xuống Cà Mau thì các chị có lợi vì được thấy cái mới chỉ nghe. Chúng tôi cũng có lợi vì sẽ được các chị tiếp tay gieo giống. Vậy, xin chị chịu tiền xe khứ hồi Sài Gòn – Cà Mau. Còn tôi thì chịu tiền tàu đò đi đây đi đó và chi tiền ăn uống luôn.
Mình tính nhẩm trong đầu là phải chi 4.000.000 đồng. Nhưng túi thì rỗng tuếch. Cha già Tài nghe biết chuyện này, thì bĩu môi và chọc yêu: “Anh hùng rơm! Không có tiền mà dám chịu chơi”. Mình thầm nghĩ trong bụng: việc này là việc của Chúa, thì Chúa phải lo. Mà đúng thế thật. Một tuần lễ trước ngày 40 nữ tu từ Sài Gòn xuống, thì có một người quen đến gặp: “Thưa cha! Có một ân nhân giấu tên gửi biếu cha 500 mác”. 500 mác lúc ấy đổi được 4.000.000 đồng. Mừng quá!
  • Sân nhà thờ Cà Mau thấp quá. Mỗi tháng bị hai lần ngập nước. Đành phải nâng cao. Bản chiết tính đòi 40.000.000 đồng. Đành phải mượn bà con trong họ đạo, lòng nhủ lòng: “Việc của Chúa, thì Chúa phải lo. Chúa không cho trước, thì sẽ cho sau”.
Hôm ấy, mình ra nhà thờ vào lúc 16 giờ 30 phút. Mình ghé thăm thợ đang lót tấm đan cuối cùng, để kết thúc công trình. Ra nhà thờ chưa được năm phút, thì có tiếng lê dép xèm xẹp của ai đó. Mình xuống ngồi tòa. Hớ! Người ấy không vô tòa xưng tội, mà chỉ nói gọn lỏn: “Cha có khách”. Mình trở về nhà xứ, thì một người đàn bà lạ mặt đặt vào tay mình một phong thư dày cộm: “Thưa Cha! Cha Bá bên Canada gửi biếu cha 2000 đô la”. Hai ngàn đô la đổi được 40.000.000 đồng VN. Chúa cho vừa đủ số tiền, vừa đúng vào lúc lót tấm đan cuối cùng. Tuyệt vời!
  • Năm 1991, mình nhận được thư của Đức cha Nguyễn Phụng Hiểu: “Cha Hậu ơi, mời cha ra giúp Hưng Hóa với. Hưng Hóa thiếu linh mục quá thể…”
Mình trao thư này cho Đức cha Cần Thơ. Đọc xong lá thư, ngài trả lời gọn lỏn: “Tôi cho cha đi đúng một tháng thôi”.
Đi ra Bắc bằng xe hỏa khứ hồi là mất đứt một tuần lễ. Đã ra Bắc thì phải ghé thăm quê hương Hiền Quan yêu dấu. Thế là mất đứt 10 ngày. Còn lại 20 ngày thì làm gì cũng “Bán đồ nhi phế”. Thế là mình quyết tâm đi máy bay để tranh thủ thời gian. Vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Sài Gòn giá 1.200.000 đồng. Trong túi chỉ có 150.000 đồng. Nghe biết ý định của mình, cha giáo Chương chọc quê: “Anh Tám chơi sang quá ta! Chỉ có 150.000 đồng mà đòi đi máy bay”. Kệ. Mình tính lên Cần Thơ mượn cha Văn 600.000 đồng, rồi lên Sài Gòn mượn cha Hiệu 600.000 đồng nữa. Chúa sẽ cho, không cho trước thì cho sau.
Ăn cơm tối với cha Văn, mình tính ngỏ lời. Nhưng lại không dám, vì e thẹn. Khi vào phòng ngủ, mình quyết tâm sẽ không thẹn nữa để sáng mai sẽ lên tiếng mượn vào giờ điểm tâm. Đang sửa soạn buông mùng, thì một chiếc Honda chiếu đèn pha vào cửa sổ. Một đàn ông thò tay vào qua cửa sổ, trao lá thư của cha Phạm Minh Mẫn, giám đốc Chủng viện Cái Răng. Thư rằng: “Anh Tám mến! Lên 59 Hậu Giang, Sài Gòn. Có quà”.
Thế là xong. Mình cóc cần mượn tiền cha Văn và cha Hiệu. Bà Hai Nghĩa CA, USA gửi cho mình 150 USD. Lúc ấy 150 USD đổi được 1.500.000 VND. Số tiền này vừa đủ để mua vé máy bay, để trả tiền xe cộ và ăn uống lai rai.
Bây giờ, nếu Chúa hỏi mình: “Thầy sai con đi loan báo Tin Mừng mà không có một đồng xu dính túi, thì con có thấy thiếu gì không”, thì mình giơ tay trả lời ngay tức khắc: “Thưa Thầy, không thiếu một xu, không thừa một cắc”.
***
Sau bấy nhiêu suy nghĩ và trích dẫn, cuối cùng, mình kết thúc ở Lc 22, 35 – 36. Sau một chuyến đi truyền giáo, Chúa hỏi các môn đệ: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không? Các ông đáp: “Thưa Thầy không”. Người bảo các ông: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo; ai có bao bị, thì cũng vậy…”
Điều đó chứng tỏ rằng: người lên đường loan báo Tin Mừng phải dành hết công sức và thời gian để loan báo Tin Mừng, chứ không phải vừa loan báo Tin Mừng, vừa kinh doanh để có phương tiện. Nhưng giáo huấn này không bắt buộc ta phải tùng phục tuyệt đối. Có những lúc phải tùy cơ ứng biến, miễn là vẫn phú thác cho Chúa Quan Phòng; và không bao giờ được lo kiếm tiền mà để Tin Mừng bị tê liệt.

(Còn tiếp)
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log