Thứ sáu, 29/03/2024

Suy tư trên đường truyền giáo - Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 10:39 20/08/2021
Lời giới thiệu của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long
Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” với câu: “Niềm vui của Tin Mừng đong đầy trái tim và cuộc sống của những người đã gặp gỡ Chúa Giêsu”. Thật vậy, trong suốt hành trình của đời linh mục, cha Piô Ngô Phúc Hậu đã làm được điều đó, “Niềm vui Tin Mừng” đã “đong đầy trái tim và cuộc sống” của cha. Cha đã sống như lời Đức Thánh Cha khẳng định: “Giáo hội hoặc là loan báo Tin Mừng hoặc là không còn là Giáo hội”.
Ngoài công việc truyền giáo bộn bề lo toan, cha còn tịnh tâm để viết văn, viết báo. Một số tác phẩm của cha đã được tập hợp và in thành sách, như: Nhật ký truyền giáo, Nhật ký Đức Giêsu, Dấu chân của Thây, Như trái mắm, Viết cho em… Giờ đây, tuy đã 85 tuổi đời, cha còn xuất bản tập sách “Suy tư trên đường truyền giáo”.
Đây là những suy tư tuy vụn vặt nhưng lại mang một giá trị tinh thần lớn lao. Quý độc giả có thể được giải đáp thoả đáng những vấn đề nan giải trong đạo một cách dễ dàng, nhẹ tênh. Các giáo lý viên có thể học hỏi các phương pháp giảng dạy rất đơn sơ mà lại hiệu quả vô ngần. Các tu sĩ, chủng sinh có thể tìm thấy cách thức truyền giáo năng động và thu hút, cách giao tiếp chan hoà thấu cảm lòng người. Các linh mục có thể thấy bóng dáng của chính mình trong đó khi hối hả việc mục vụ và xuôi ngược truyền giáo.
Tác phẩm “Suy tư trên đường truyền giáo” có lời văn đậm chất Nam bộ: dí dỏm nhẹ nhàng, hài hước duyên dáng, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Hành văn theo lối kể chuyện: mộc mạc hóm hỉnh, lôi cuốn hấp dẫn, thu hút người nghe đến từng chi tiết. Nhân vật chính - Anh Tám Hậu - con người nhỏ bé, đơn sơ, hèn mọn, khiêm cung nhưng lại toát lên đức tính lạc quan yêu đời, lối sống phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa.
Ước mong sao tác phẩm “Suy tư trên đường truyền giáo” - một đứa con tinh thần đã được Cha Piô Ngô Phúc Hậu cưu mang trên 30 năm truyền giáo - sẽ đến được với nhiều tín hữu Việt Nam, hầu có thể thấm nhuần tinh thần truyền giáo, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo là công việc rất khẩn thiết, mà tất cả mọi thành viên của Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo: Giáo Hội được sinh ra là để ‘ra đi’” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2014).
Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Giáo phận Vinh
Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng
Đặc trách Hội Thừa sai Việt Nam
        

VÀO ĐỜI TRUYỀN GIÁO
Mùa hè 1963, mình được lệnh đi tập sự truyền giáo tại Ô-môn. Trước khi lên đường, Đức cha Nguyễn Kim Điền dặn dò mình một cách thận trọng, y như người mẹ dặn dò con gái khi nó lên xe hoa về nhà chồng: “Thầy nói với người ta là ai vô đạo thì vẫn được giữ bàn thờ ông bà, và vẫn được dâng bông trái. Nhưng thầy phải nhớ hai điều này:
Một – Đây là cách giải quyết của riêng địa phận Cần Thơ mà thôi.
Hai – Vấn đề thắp nhang cho ông bà, thì phải chờ một thời gian nữa. Vấn đề này còn đang tranh cãi sôi nổi. Người thì biểu là dị đoan mê tín. Người thì biểu là văn hóa dân tộc… Tôi rất muốn cho phép thắp nhang trước bàn thờ ông bà, nhưng… đành phải chờ thôi.”
Đức cha Nguyễn Kim Điền là một nhà truyền giáo thuộc dòng Tiểu Đệ. Ngài đã từng “sống với” và “sống như” người nghèo từ bến cảng Marseille của nước Pháp cho tới sa mạc Sahara của Bắc Phi. Ngài rất sẵn sàng hội nhập văn hóa và rất bức xúc trong vấn đề thờ cúng ông bà. Thế mà ngài vẫn phải dè dặt và dặn dò mình một cách cặn kẽ đến như thế.
Điều đó chứng tỏ rằng Hội Đồng Giám mục Việt Nam cũng đang gặp khó khăn như thời Công Vụ Tông Đồ. Thời Giáo hội sơ khai có hai phe. Phe bảo thủ: bắt người ngoại trở lại đạo Kitô phải chịu phép cắt bì và giữ luật Môsê. Phe tiến bộ: yêu cầu bỏ luật Môsê và phép cắt bì.
Hai phe tranh cãi sôi nổi, đến mức độ thánh Phêrô phải tuyên bố một câu cứng khừ, y như cho nổ bom tấn: “Tại sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả ông cha chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi” (Cvtđ 15,10).
Sau đó, phe tiến bộ thắng và người ngoại trở lại không bị bắt chịu phép cắt bì và giữ luật Môsê. Nhưng chẳng bao lâu sau, phe bảo thủ lại vươn lên, khiến thánh Phaolô phải nổi nóng và cho nổ hai trái bom tấn. Trái bom thứ nhất là: “Anh em hãy coi chừng bọn chó má! Hãy coi chừng bọn thợ xấu! Hãy coi chừng những kẻ giả danh cắt bì” (Pl 3, 2). Trái bom thứ hai là: “Về phần tôi, thưa anh em, giả như tôi còn rao giảng phép cắt bì, thì tại sao tôi lại vẫn bị ngược đãi? Như thế, thập giá đâu còn là chướng ngại nữa! Những kẻ làm cho anh em bị rối loạn, phải chi họ tự thiến đi cho xong” (Gl 5, 11-12).
Vấn đề cắt bì hay không cắt bì đã làm khổ Giáo hội thời Công Vụ Tông Đồ như thế nào, thì ngày nay vấn đề thờ cúng ông bà cũng đang làm khổ Hội Đồng Giám mục Việt Nam như thế.
Thái độ vừa dè dặt vừa táo bạo của Đức cha Điền khiến mình hồi tưởng về một chuyện buồn tê tái đã xảy ra tại Cần Thơ cách nay gần một thế kỷ.
Một quan chức thời xưa thuộc loại cao cấp, có lẽ tương đương với giám đốc sở công an bây giờ. Đó là ông cò-mi Giác. Ông là người không Công Giáo, nhập đạo Công Giáo để cưới vợ Công Giáo.
Ngày cha của ông qua đời, con cái cháu chắt nườm nượp tựu về để tỏ lòng hiếu thảo với đấng sinh thành vừa mới nhắm mắt lìa đời. Hằng trăm cái đầu gối quỳ mọp trước linh cữu của người quá cố. Hằng mấy chục cái đầu cùng nhịp với cây nhang đang nhẹ nhàng nhả khói gật gù lên xuống để tỏ lòng thương tiếc đấng sinh thành. Riêng ông cò-mi Giác thì chỉ biết đứng khoanh tay mà nhìn, y như người dưng nước lã, y như đứa con bất hiếu. Đau xót vô cùng! Oan khiên quá chừng! Tất cả chỉ vì luật đạo không cho phép tỏ lòng hiếu thảo theo cách thức ấy. Thậm chí bà vợ của ông, vì là Công Giáo, nên không dám tham gia công tác hậu cần. Người có đạo bảo rằng nấu ăn để cúng vái là tham gia vào việc dị đoan mê tín.
Ôi, nỗi oan khiên của một người tân tòng! Ôi nỗi oan khiên của một cô dâu Công Giáo trong một gia đình không đồng đạo! Ôi nỗi oan khiên của đạo Công Giáo trên suốt dòng lịch sử gần năm trăm năm! Bởi đâu nên nông nỗi ấy? Chỉ vì hội nhập văn hóa khó quá! Mình chỉ biết cúi đầu để ngẫm nghĩ. Ngẫm nghĩ rồi tủi nhục…
***
Mình giã từ Đức cha và tòa nhà mang số 12, Nguyễn Trãi, Cần Thơ, để đón xe đi Ô Môn. Từ Cần Thơ đi Ô Môn chỉ mất 20 cây số không gian và 30 phút thời gian.
Cha sở Ô Môn là Antôn Nguyễn Hữu Văn đón tiếp mình như người anh cả đón tiếp cậu em út dễ thương. Trong khi chờ đợi bữa cơm trưa, cha Văn kể cho mình nghe về giáo điểm Định Môn. Ở Định Môn có một cặp vợ chồng vô sinh. Không có con thì buồn quá, nên hai vợ chồng bèn đến cô nhi viện của Dòng Chúa Quan Phòng ở Cần Thơ, để xin một em bé về nuôi. Bà phước không cho, viện lý do là các em mồ côi được rửa tội hết rồi, không thể cho người không Công Giáo.
Hai vợ chồng đi ngay về Ô Môn, để xin cha Văn cho thư giới thiệu. Cha Văn chỉ dám viết thư giới thiệu, với điều kiện là anh chị phải sẵn sàng nhập đạo. Vì thèm có con quá, nên cả hai vợ chồng đều giơ tay thẳng băng, cùng với nụ cười rất hồn nhiên.
Đọc xong lá thư của cha Văn, bà phước yên tâm trao ngay cho họ một bé trai tên là Đức.
Nhờ thằng cu Đức mà mình được trở thành người truyền giáo của Định Môn. Nhờ thằng cu Đức mà Định Môn đã trở thành một giáo điểm của giáo phận Cần Thơ. Thằng cu Đức là công cụ của Chúa Thánh Thần.
***
Cha Văn phác họa cho mình chương trình truyền giáo ở Định Môn như sau:
  • Sau điểm tâm sáng, thì cưỡi môbilét đi vào Định Môn dạy giáo lý cho ba má bé Đức. Mỗi buổi sáng dạy hai tiết, rồi ăn cơm trưa ở đấy. Nghỉ trưa rồi, thì đi thăm bà con. Nghe nói ở Định Môn có ông Sáu Đền là Công Giáo, nhưng bỏ đạo rồi.
  • Chiều trở về Ô Môn dự lễ và ăn cơm tối.
Sáng hôm sau, mình cỡi xe môbilét đi vào Định Môn và thi hành đúng y như chương trình của cha Văn đã phác họa.
Sau hai ngày tác vụ, mình thấy ngán ngẩm, bèn nói toạc ra trong bữa cơm tối:
  • Bác cho em ở luôn trong Định Môn nhé. Ở luôn tại chỗ mới thấy mình phải làm gì và làm thế nào. Cứ đi tới đi lui, đi ra đi vào: vừa mất thời giờ, vừa ngơ ngơ chẳng nắm được vấn đề.
  • Ở luôn trong đó thì: không bảo đảm an ninh, không có Thánh lễ và… ngủ ở đâu?
  • Vấn đề an ninh thì em nghe người ta nói là Việt cộng chỉ thập thò ở bên rạch Vàm Nhon thôi. Bên này thì êm lắm. Còn ngủ thì cứ bạ đâu ngủ đấy. Người ta làm sao, thì mình làm vậy, Chúa đã từng ngủ trong chuồng bò lừa ở Bêlem mà. Còn Thánh lễ thì tạm nhịn. Mỗi tuần đi lễ một lần là được rồi.
  • Khó nghĩ quá! Ở luôn trong đó thì cực quá, tôi không nỡ lòng nào… thôi thì tùy thầy.
Thật tình mà nói, mình cũng chưa biết sẽ ngủ ở đâu. Nhà anh Hai thì chỉ có hai cái giường: một cái cho bà già, một cái cho hai vợ chồng và thằng cu Đức.
Sáng hôm sau, mình cuốn gói đi vào Định Môn. Xe môbilét lăn chậm chậm trên bờ rạch. Mình lãng mạn dòm ngó cảnh đẹp của thiên nhiên và thầm cầu nguyện xin Chúa cho một chỗ dừng chân.
Thấy một căn nhà lá yên tĩnh, có vườn bông và cây lựu nằm sát bên hành lang, mình bèn bẻ cua cho xe lăn bánh vào sân. Tắt máy ngay bên cây lựu. Bà chủ nhà có mái tóc muối tiêu đi vội ra và hỏi:
  • Thầy kiếm ai đó?
  • Chào bác. Cây lựu dễ thương quá, cho tôi ngắm một tí.
  • Thì vô trong nhà uống nước đã.
  • Bác thứ mấy để tôi xưng hô cho dễ.
  • Tôi thứ năm. Thứ của ông nhà tôi.
  • Thế bác trai đi đâu rồi Bà Năm?
  • Ông tôi mất từ lâu rồi.
  • Bây giờ Bà Năm ở với ai?
  • Có hai bà cháu à. Thầy ở đâu mà vô đây?
  • Tôi ở Ô Môn vô đây dạy giáo lý. Sáng vô, chiều về. Đi tới đi lui, thấy bất tiện quá. Tôi muốn ở lại đây luôn, mà chưa kiếm được chỗ nào cho thuận lợi.
  • Thì thầy ở đây với tôi. Nhà rộng rinh à. Thầy ở đây thì cũng như con cháu trong nhà chứ gì.
  • Thế Bà Năm theo đạo nào?
  • Tôi chẳng theo đạo nào hết. Thờ ông bà vậy thôi.
  • Cám ơn Chúa. Cám ơn Bà Năm. Vậy ngày mai tôi vô ở luôn nhé.
  • Ừa.
***
Đời truyền giáo của mình đã khởi sự như thế đó. Nó đã lùi xa vào quá khứ, một quá khứ dài đằng đẵng: năm mươi mốt năm. Tưởng như không ai biết đến. Tưởng như không ai nhớ nữa…
Khi không còn ai biết, khi không còn ai nhớ, thì mình lại ngậm ngùi vừa nhớ vừa thương. Nhớ để ngẫm nghĩ. Thương để cảm nghiệm.
Mình không chọn Ô Môn. Mình không chọn Định Môn. Mình không chọn nhà Bà Năm. Đến Ô Môn thì do lệnh của Đức cha Nguyễn Kim Điền. Đi Định Môn thì do kế hoạch của cha Nguyễn Hữu Văn. Ở nhà Bà Năm thì do một bàn tay vô hình nào đó. Mình tự ví mình như một bé thơ, cứ ngơ ngơ đi theo cô giáo. Cô bảo nói sao, thì nói vậy. Cô bảo làm gì, thì làm nấy. Vô tư.
Mình liên tưởng đến ông Phêrô: đi ra khỏi nhà tù mà cứ tưởng là ngủ mơ. Khi chạm trán cổng nhà bà Maria, mẹ của Máccô, bấy giờ mới biết là mình được sứ thần của Chúa giải cứu.
Mình lại liên tưởng đến ông Phaolô. Là người trí thức, là người có óc tổ chức, ông chuẩn bị hành trang đầy đủ để đi Galaxia: hành trang vật chất, hành trang tinh thần. Cuối cùng ông bị hớ. Chúa Thánh Thần bẻ chĩa kế hoạch của ông: bắt ông đi về Makêđonia.
Thì ra: thông minh như Phaolô hay dốt nát như Phêrô, đều phải đi vào kế hoạch của Chúa Thánh Thần. Ngài khởi sự, Ngài hoạt động và Ngài hoàn thành. Mình chỉ là bé mầm non. Mình chỉ là cộng tác viên tầm thường.

(Còn tiếp)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Vào lúc 19g30, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28.3.2024, tại giáo xứ Cát Ngòi, cha xứ Đaminh Hoàng Thế Bằng đã chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly khai mạc Tam Nhật Thánh, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự với tâm tình sốt mến thờ phượng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log