Thứ năm, 25/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật I Mùa chay năm A

Cập nhật lúc 22:39 22/02/2023
Suy niệm 1
Mt 4, 1 -11
Theo truyền thống lâu đời, chúng ta vẫn cứ nói rằng: nội dung bài tin mừng hôm nay kể chuyện ma quỷ cám dỗ Chúa. Không phải vậy đâu. Ma quỷ thấy chúa ăn chay và cầu nguyện một cách đặc biệt, nên hắn nghi ngờ Chúa là Đấng Cứu Thế. Nghi ngờ vậy thì phải thử cho chắc ăn. Thử chứ không phải cám dỗ. Người ta thử vàng chứ không phải là cám dỗ vàng. Hắn Thử ba lần. Còn Chúa thì cứ đánh trống lảng. Thế là sau ba lần thử, hắn vẫn chưa nắm được sự thật. Theo trình thuật của thánh Luca, hắn đành rút lui và chờ thời cơ.  Mãi cho tới khi Chúa chữa một người bị quỷ ám tại nguyện đường Caphacnaum, bấy giờ hắn mới nói: “Tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Nếu thế thì ta phải kết luận rằng ma quỷ không thông minh như nhiều người vẫn tin. Họ cho rằng hắn biết những gì ta đang nghĩ trong đầu; hắn biết cả tương lai của ta nữa. Không đâu. Bằng chứng là sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai Đấng Cứu Thế, nó không biết. Đức Mẹ và bà Elizabeth tâm sự với nhau ba tháng trời về lịch sử cứu độ, nó cũng không biết. Sứ thần báo tin cho mục đồng là Đấng Cứu Thế sinh tại hang đá Bêlem, nó cũng không biết. Ông già Simeon ẵm Chúa Hài Nhi trong tay và gọi bé là “ánh sáng của muôn dân” tức là Đấng Cứu Thế. Nó cũng không biết. Đến khi Chúa 30 tuổi, khi Ngài ăn chay và cầu nguyện 40 ngày, bấy giờ hắn mới nghi ngờ và tìm hiểu. Tìm hiểu thất bại, hắn phải chờ thời cơ… Như vậy thì không thể kết luận rằng “ma quỷ thông minh như thiên thần”, mà phải kết luận ngược lại mà nói rằng “ngu như quỷ” thì mới đúng. Do đó đừng sợ ma quỷ, mà phải khinh bỉ nó. Sợ ma quỷ là làm nhục cho Chúa.
Ma quỷ thử Chúa ba lần: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì….”. Chúa đánh trống lảng ba lần bằng cách dạy chúng ta ba bài học.
Bài học một: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn phải sống bằng Lời Chúa”. cơm áo là nhu cầu quan trọng thật, nhưng Lời Chúa còn quan trọng hơn hàng ngàn lần. Cơm no áo ấm; cơm ngon áo đẹp, mà không thi hành Lời Chúa, thì chỉ có khổ và nhục, chứ không có hạnh phúc thật. Chè chén say sưa, thì hạnh phúc ở chỗ nào? 
Bài học hai: “Chỉ thờ một Chúa thôi”. Ở đời này, người ta thích thờ tiền, danh vọng và lạc thú, người ta sẵn sàng bán lương tâm để có tiền, lấy tiền để mua danh, lấy tiền để thỏa mãn mọi thứ lạc thú. Sướng thật không? Chắc là không rồi.
Bài học ba: “Không được thử Chúa”. Ở đời có nhiều gian dối, nên không tin nhau. Không tin thì phải thử. Cha mẹ thử con: được. Vợ chồng thử nhau: được. Bạn bè thử nhau: được. Nhưng tuyệt đối phải tin tưởng vào tình yêu của Chúa, vào quyền năng cao vời của Chúa.
Có một câu chuyện có vẻ là ngoài lề, nhưng chúng ta cũng nên nói với nhau để ngẫm nghĩ và để sống. Đó là trên tờ giấy đô la Mỹ có ghi một câu như một châm ngôn “IN GOD WE  TRUST” (chúng ta tin tưởng phú thác cho Chúa”. Đã có nhiều người yêu cầu bỏ câu ấy đi.  Quốc hội Mỹ đã họp và bỏ phiếu để giữ lại hay bỏ câu ấy. Kết quả là chỉ có 9 phiếu yêu cầu bỏ. Quá thiểu số! Người yêu cầu bỏ thì thua lớn. Người yêu cầu giữ lại thì đại thắng. Đáng mừng!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 2
CÁM DỖ TRONG ĐỜI

Mt 4, 1-11
Chẳng ai mà không bị ma quỉ cám dỗ, không chỉ bị cám dỗ từ ma quỉ mà còn từ tha nhân; không chỉ bị cám dỗ từ bên ngoài mà còn bị cám dỗ từ bên trong: từ đòi hỏi do bản năng tự nhiên của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, nhưng phận người lại cao cả vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ bằng một lựa chọn đầy tự do. Nhìn lại ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, ta thấy ba phương diện của đời sống: về của ăn vật chất, về danh giá quyền hành, và về sự ỷ lại vào quyền năng Thiên Chúa. Đức Giêsu chiến thắng cả ba loại cám dỗ bằng cách dựa vào Kinh Thánh để vạch trần âm mưu của ma quỉ.
Thứ nhất là cám dỗ về của ăn vật chất. Khi biết Đức Giêsu đã đói vì những ngày chay tịnh, tên cám dỗ nói với Ngài hãy biến hóa những hòn đá thành bánh mà ăn. Đây là thứ cám dỗ sử dụng khả năng Chúa ban chỉ nhằm lợi ích cho bản thân. Như vậy, ơn Chúa ban bị độc chiếm cách ích kỷ. Khi cám dỗ ta ham mê vật chất, giàu có, ma quỉ nhằm triệt hạ đời sống tinh thần, làm cho ta quên đi sức mạnh của Lời Chúa. Với cám dỗ đầu tiên này, ma quỉ đã hạ gục ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng. Dù chẳng đói khát gì nhưng vì ham muốn của ngon vật lạ. Đây là loại cám dỗ hiệu quả nhất, phù hợp với chủ nghĩa thực dụng đang bành trướng. Trước cám dỗ này Đức Giêsu cho thấy:“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi Lời Thiên Chúa phán ra”. Những no thỏa vật chất không thể lấp đầy sự đói khát tinh thần.  
Thua keo này gầy keo khác. Tên cám dỗ bố trí cuộc tấn công thứ hai, là thách thức Đức Giêsu gieo mình xuống từ trên nóc đền thờ. Và nó dùng chính lời Kinh Thánh là: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng” (Tv 91,11). Khi cám dỗ chúng ta ham hố danh giá bằng cách làm những việc ngoạn mục để thu hút dân chúng, hoặc lợi dụng quyền lực và uy thế của mình để sống trên người khác, ma quỉ làm cho chúng ta quên mất mình là con cái Thiên Chúa, khiến ta trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Không có Lời Chúa định hướng và làm nguyên tắc cho đời sống, ta dễ chạy theo thế gian, sống theo thế gian. Chỉ có Lời Chúa mới kịp thời cảnh tỉnh ta, để khỏi rơi vào mê hồn trận của ma quỉ. Vì thế trước cám dỗ này, Đức Giêsu cũng dùng chính Kinh Thánh để đối lại: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Dnl 6, 16). Thử Chúa là một thái độ ngông cuồng. Cứ lao mình vào chỗ nguy hiểm, hoặc hành động cách cẩu thả, liều lĩnh, rồi trông chờ Chúa cứu là việc làm dại dột.
Thật ra cám dỗ thứ ba mới là một đòn chí mạng, vì nó nhằm đến sự khoái lạc, một sự kích thích đam mê mạnh mẽ nhất trong con người, thuộc bản năng sinh tồn. Để làm chuyện này, quỷ đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian và mọi vinh hoa lợi lộc của nó, Ngài sẽ được tất cả nếu Ngài sấp mình bái lạy nó. Đúng là một chiêu thức độc hại: được ăn cả ngã về không. Thật ra đây là một cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nếu Đức Giêsu đến nhằm thu phục thế gian, thì ở đây chỉ cần Ngài thỏa thuận theo đề nghị của ma quỷ, là Ngài sẽ được sở hữu tất cả một cách dễ dàng, mà không cần phải qua con đường thập giá theo ý định của Chúa Cha. Chiến thuật điều đình của ma quỉ thật hấp dẫn, nhưng cuối cùng cũng thất bại vì Đức Giêsu quyết một mực tuân hành Ý Cha. Ngài trích Kinh Thánh để đòi tên cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Ðức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Dnl 6, 13). 
Cả ba cám dỗ đều có một mẫu số chung là nhằm tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa để quy về chính mình. Khi đặt mình là trung tâm, là tất cả, thì người ta trở nên nô lệ cho chính mình, và cuối cùng là đánh mất chính mình. Biểu tượng của ba cám dỗ trên là giàu sang, quyền lực và khoái lạc, vẫn luôn là cái bẫy khó thoát cho đời nhân thế. Vật chất không xấu nhưng còn là điều mà người ta phải làm nên để góp phần cho cuộc sống tốt hơn, xứng đáng với phẩm giá con người. Nhưng chỉ dừng lại ở đó sẽ đánh mất ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời mình.
Thiên Chúa mới là tất cả chứ mọi sự khác không là gì cả, vì mọi sự cũng chỉ là tạm thời, là phương tiện nhất thời, để làm nên cái đời đời. Điều đó mời gọi chúng ta hãy ra khỏi cái tôi của mình để trao hiến, để làm giàu đời sống tinh thần. Cần đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái, siêng năng thánh lễ. Như Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, nếu ta sống gắn bó với Chúa và thực thi Lời Ngài (x. Mc 14,38).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa chấp nhận thân phận làm người thế,
nên cũng đã chấp nhận mọi cám dỗ,
để cho thấy đường lối ơn cứu độ,
và rồi Chúa đã chiến thắng tất cả,
khi dám lựa chọn hy sinh tất cả,
luôn một lòng theo thánh ý Chúa Cha.

Nếu đời con có đầy những lựa chọn,
thì cũng đầy những cám dỗ không ngơi,
luôn xảy ra trong mọi lúc mọi thời,
bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cạm bẫy,
chỉ cần thiếu thận trọng là sa sẩy,
không khôn ngoan con sẽ nhuốm bùn lầy.

Không chỉ những cám dỗ ở bên ngoài
mà còn là những cám dỗ bên trong:
cám dỗ sống khoái lạc cho thân xác;
cám dỗ vô tình và kiêu hãnh con tim;
cám dỗ quyền hành và độc tôn lý trí,
cám dỗ phân bì và bất chấp lương tri.

Cám dỗ nào cũng khiến con khép kín,
xa dần Chúa và quy hướng về mình,
và mất đi tình nghĩa với anh em.

Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ,
nhưng cám dỗ có chỗ trong bản đồ của Chúa,
khi con vượt thắng bằng lựa chọn rất tự do.

Xin cho con bản lãnh Thầy chí thánh,
để vượt qua những cám dỗ trong đời,
bằng cầu nguyện và chay giới không ngơi,
dù sai phạm và bao lần vấp ngã,
vẫn đứng lên tiếp tục cuộc hành trình,
cho tới ngày gặp được Chúa hiển vinh. Amen.
Lm. Thái Nguyên
===================
Suy niệm 3
Phương thế chống lại Tên Cám Dỗ

(Mt 4, 1-11)
Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa mà Giáo hội một thời ăn chay suốt cả Mùa trừ ngày Chúa nhật. Đến nay chỉ còn giữ chay hai ngày (thứ tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh), với lý do Chúa Kitô đã bị bắt ngay từ đêm thứ Ba rạng ngày thứ Tư và Người đã tử nạn vào ngày thứ Sáu.
Mùa Chay còn được gọi là "Mùa Tứ Tuần" hoặc "Mùa 40 ngày" (qua dragesima, carême). Gợi nhớ 40 năm dân Israel trong sa mạc. Môsê đã ở trên núi 40 đêm ngày trước khi ban Luật pháp cho dân. Êlia, 40 ngày trên đường đi gặp Thiên Chúa. Chúa Giêsu, 40 đêm ngày trong sa mạc chịu Ma Quỷ cám dỗ.
Giáo hội quen gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí để chống trả chước cám dỗ. Bài đọc I trích sách Sáng Thế thuật lại cảnh Ađam và Evà bị Satan cám dỗ, ông bà đã quị ngã cách thảm thương, "và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội" (Rm 5,12). Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại cảnh Satan không chỉ cám dỗ Chúa Giêsu một phen mà ba phen, nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng. Đây là bài học cho mỗi người chúng ta.
Ađam và Evà bị cám dỗ thì sa ngã
Trình thuật chương đầu tiên của sách Sáng thế cho thấy nguyên tổ của chúng ta đã khước từ thánh ý Chúa. Nguyên nhân này nảy sinh từ  "Con Rắn ", Ma Quỷ hay còn gọi là Satan. Con Rắn muốn thực hiên ý định dụ dỗ Ađam và Evà không theo ý Chúa mà theo ý mình, tự sức mình, lập luật cho mình và trở nên Thiên Chúa, mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Ađam là "Người"; Evà là "Bà". Ađam-Evà là đàn ông và đàn bà được Thiên Chúa dựng nên, đặt vào vườn địa đàng, hưởng niềm vui bất tận, vì trong đó có cây hằng sống. Chỉ có một điều là con người phải nhớ đây là tình trạng ân huệ nhưng không, lệ thuộc vào lòng tốt của Thiên Chúa, luôn kết hợp với Ngài và yêu mến Ngài. Con Rắn đã đảo lộn lời Chúa, nó nói với Evà: "Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?" (St 2,) Đang khi Chúa dạy: "Các ngươi được ăn hết mọi trái cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ ". Rắn xuyên tạc ý nghĩa lệnh truyền: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh"(St 3,).
Lời nói dối thuần túy trên đưa con người đến chỗ làm theo ý mình, không làm theo ý Chúa, bóp nghẹt ý muốn hiệp thông với sự sống thần linh của Ađam và cắt đứt mạch sống với Thiên Chúa, dẫn đến diệt vong "do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian" (Rm 5,12).
Chúa Giêsu bị cám dỗ, Người chiến thắng
Nếu như nguyên tổ Ađam và Evà bị Satan ba lần dùng các chiến thuật cám dỗ với mục đích làm cho ông bà nguyên tổ cố tình làm theo ý mình, không theo ý Thiên Chúa. Tệ hơn nữa, Satan làm cho Ađam và Evà hiểu lầm rằng, nó đã làm điều tốt nhất cho ông bà. Nay Satan cũng ba lần tấn công vào tình cha con giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, cùng mục đích là khiến Chúa Giêsu không làm theo ý Chúa Cha.
Cám dỗ thứ nhất:
"Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói" (Mt 4,1-2). Đói là nhu cầu hiện tại chính đáng. Ma quỷ đến gần và đề nghị "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh!" (Mt 4,3). Khiến đá thành bánh ra để ăn là việc làm trong tầm tay của Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu không làm, Người đã trích sách Đệ Nhị Luật để phản ứng: "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do ​​miệng Thiên Chúa phán ra". Thật rõ ràng, điều quan trong đối với chúng ta không phải là của ăn vật chất, ý riêng mình, nhưng là làm theo ý Chúa.
Cám dỗ thứ hai:
Satan đặt Chúa Giêsu vào trong tình trạng đã rồi khi đưa Người lên nóc Đền thờ và đề nghị: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng : Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay" (Tv 91,11). Thực ra, những điều ma quỷ yêu cầu Chúa Giêsu, không gì khác hơn ngoài việc cám dỗ Chúa buộc Chúa Cha phải làm một phép lạ, bắt Thiên Chúa phải phục vụ. Chúa Giêsu không làm. Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu thấy ngay lập tức và chiến đấu với nó bằng đoạn khác của Kinh Thánh: "Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi" (Đnl 6,16).
Cám dỗ thứ ba :
Satan đem Chúa Giêsu lên Thành Thánh và nói: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi. " Chúa Giêsu đáp trả mạnh mẽ: " Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa người "(Đnl 6,13). Satan đặt ra cho Chúa Giêsu ba lần "nếu". Nó muốn Chúa Giêsu chẳng những không vâng lời Chúa Cha mà còn bỏ Chúa Cha đi thờ nó.
Noi gương Chúa Giêsu làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Các chiêu Ma Quỷ dùng để cám dỗ Ađam va Evà, nó cũng dùng cám dỗ Chúa Giêsu và cả chúng ta ngày hôm nay nữa. Môi trường chúng ta đang sống là nơi diễn ra cuộc chiến đấu thực sự về tâm linh. Một cuộc chiến chống lại ma quỷ, chống lại kẻ luôn gây chia rẽ, tên nói dối " Tin Mừng gọi nó là cha đẻ của những kẻ nói dối ", tiếng Do Thái gọi là  " Sa-tan " kẻ thù của Thiên Chúa và kẻ thù của con người. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, cuộc chiến này không thể thắng được, nếu không có sự trợ giú của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta làm theo ý Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dẫn dắt chúng ta trong cuộc chiến thường ngày, nhất là bước vào trận chiến thiêng liêng trong Mùa Chay Thánh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 4
‘NÓI KHÔNG’ VỚI MA QUỶ, ‘XIN VÂNG’ VỚI THIÊN CHÚA!

Kể từ hôm nay, chúng ta được mời gọi theo chân Đức Giê-su bước vào hoang địa ăn chay, hãm mình, chiến đấu với mọi cám dỗ, và đặc biệt được tham dự cuộc thương khó - tử nạn - Phục sinh của Ngài.
Ngay bài đọc I trích sách Sáng thế, tổ phụ loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài (Imago Dei) và giống Ngài, nhưng vì sa ngã phạm tội, nghe lời dụ dỗ (cám dỗ) của con rắn (tượng trưng cho ma quỷ), hai ông bà đã phá vỡ lời cam kết với Thiên Chúa, và ngay sau khi trót theo lời con rắn, “mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân” (St 3, 7), vì sợ đối phương xâm hại thân thể mình. Tuy nhiên, Thánh Tông đồ Phao-lô quả quyết: “Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giê-su Ki-tô.Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế” (Rm 5, 17-18).
Thật vậy, thuở xưa tổ phụ loài người không thể chiến thắng cám dỗ, thì nay Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người, chiến thắng cám dỗ. Xưa kia, tổ phụ loài người đã sa ngã phạm tội, đã truyền án phạt sự chết đến dòng giống con cháu (tội tổ tông truyền), nhưng nay nhờ đức công chính và sự vâng phục tuyệt đối của Ngôi Hai Thiên Chúa, mà chúng ta được cứu thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, được nâng lên bậc công chính thừa hưởng sự sống đời đời. Vì vậy, hôm nay “Thần Khí dẫn Đức Giê-su vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ” (x. Mt 5, 1) sau khi “Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (x. Mt 5, 2), chẳng phải là một biến cố ngẫu nhiên hoặc vô nghĩa; nhưng nhờ đó, chúng ta dù là những con người yếu đuối, hèn kém, dễ sa ngã phạm tội, biết noi gương Ngài chiến đấu với mọi cám dỗ bằng đời sống cầu nguyện, ăn chay hãm mình. Hơn nữa, nhờ gương chiến thắng cám dỗ của Đức Giê-su, Ngài biểu lộ cho chúng ta thấy rõ khả năng tiềm ẩn nơi con người, rằng: ơn thánh đủ đầy cho ta, hầu chống lại mọi cám dỗ và bước theo Ngài.
Đức Tổng Giám mục người Mỹ Fulton Sheen từng nói: ‘Cả ba cám dỗ của Đức Giê-su là ba con đường dễ dãi để Ngài không cần trải qua Thập Giá’, không cần làm theo Thánh ý Chúa Cha, không cần vâng phục Chúa Cha, và không cần thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã không chọn “ba con đường dễ dãi ấy”, mà Ngài chiến thắng cám dỗ, chấp nhận con đường Thập tự với một tình yêu nồng nàn, với lòng phó thác trọn vẹn nơi Chúa Cha.
Cám dỗ, xúi giục xa lìa Chúa luôn luôn hiển hiện. Cám dỗ từ hai phía như thể ‘giặc trong và giặc ngoài’. ‘Giặc trong’ là ham muốn, sống theo bản năng tự nhiên của bản thân, thích được thoả mãn ngay lập tức, ước vọng trần tục, v.v…; còn ‘giặc ngoài’ là tác động, dụ dỗ bên ngoài như ma quỷ, thú vui xã hội, xu hướng trần tục, sức chi phối từ người khác, v.v…Nhưng thông thường, qua đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 4, 3-11), chúng ta biết có ba loại cám dỗ chính, liên quan đến: tiền - tài - tình (vật chất - danh vọng/quyền lực - sắc dục). Chúng không chừa một ai, và chẳng hề báo trước cho ai trước khi ‘tiếp đất’.
Truyện xưa kể lại: Tại đất Thục, ở núi Phong Khê, có một giống đười ươi sở hữu bộ mặt giống như người. Chúng vừa biết nói cười và máu chúng được người ta dùng làm thuốc nhuộm quần áo rất tốt, nên các thợ săn địa phương thường tổ chức săn bắt chúng. Biết được loài đười ươi này thích uống rượu và đi guốc, nên thợ săn đã chuẩn bị, đem rượu và guốc đến bày la liệt tại một cánh đồng trống ngõ hầu quyến rủ chúng, rồi họ ẩn núp nơi kín đáo chờ đợi. Dẫu sống trong rừng sâu, nhưng loài đười ươi này lại có khứu giác rất nhạy nên khi ngửi thấy mùi rượu thơm, chúng liền kéo nhau tìm đến cánh đồng đó. Mặc dù, các con già đời đoán biết là bẫy của bọn thợ săn, đã nhắc nhở cho cả bầy rằng: ‘Hãy cảnh giác, đừng khờ dại uống rượu và đi guốc, kẻo bị mắc mưu của bọn người độc ác kia!’. Vừa nghe thế, cả bầy buồn bã bỏ đi trong sự nuối tiếc. Nhưng rồi một con bị mùi rượu thơm hấp dẫn không thể cưỡng lại, liền tỏ ra bất chấp lời khuyên khôn ngoan kia và rủ đồng bọn quay trở lại. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, “quen mùi thấy mùi ăn mãi”, chúng tranh giành chí choé nốc cạn hết bầu rượu này đến bầu rượu khác. Đến lượt các con già cả khôn ngoan tuy biết là nguy hiểm, nhưng không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của rượu, cũng lao vào uống no say. Sau đó chúng đồng loạt xỏ chân vào guốc, bước tới bước lui, ngả nghiêng trông thật buồn cười. Bấy giờ, đám người thợ săn liền hò nhau nhất tề xông đến vây bắt. Thấy bọn thợ săn, bầy đười ươi đáng thương liền túa nhau bỏ chạy tán loạn; nhưng chân đi guốc không quen, nên bị té nhào và cuối cùng bị bọn thợ săn bắt gọn không sót một con.
Thật khó lường trước bao phen cám dỗ, lời mời mọc ham muốn. Tuy nhiên,chúng ta nên biết rằng: Cám dỗ chưa phải là xấu. Nó có thể giúp người ta trở nên tốt hơn. Cám dỗ không phải là tội. Nó sẽ giúp thấy rõ hơn sự thánh thiện nơi một con người. Cám dỗ cũng không phải là hình phạt, song nó sẽ là triều thiên vinh quang cho những ai chiến thắng (theo W. Barclay). Và trên hết, với ơn Chúa, cùng với sự nỗ lực liên lỉ của bản thân qua việc ăn chạy, cầu nguyện, làm việc bác ái, kết hợp mật thiết với Chúa trong các Bí tích, Thánh lễ hằng ngày…chúng ta sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, sẽ cùng với Đức Giê-su nói ‘không’ với ma quỷ, nhưng thưa ‘xin vâng’ với Chúa Cha.
“…Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen!”

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 5
Theo Ađam hay theo Chúa Giê-su?

Mt 4, 1-11
 
Tất cả mọi loài mọi vật trong vũ trụ đều phải tuân theo những quy luật mà Thiên Chúa đã an bài.
Trái đất cũng như những hành tinh khác phải vận hành theo đúng quỹ đạo Thiên Chúa vạch ra cho chúng. Nếu Trái đất không đi đúng quỹ đạo, tất sẽ có nhiều thảm họa xảy ra đe dọa mọi loài sinh sống trên mặt đất.
Xe cộ lưu thông trên các tuyến đường phải giữ luật giao thông, nếu không, những tai nạn khôn lường sẽ xảy ra và đường sá trở thành nơi ngốn nhiều nhân mạng hơn mọi cuộc chiến tranh khắp thế giới.
Tương tự như thế, loài người cũng phải tuân giữ quy luật Chúa truyền, nếu không thì phải mang lấy hậu quả là đau khổ và sự chết.
Bài trích sách Sáng thế được công bố trong phụng vụ hôm nay khẳng định chân lý nầy. Vì hai ông bà nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa (được minh hoạ bằng việc ăn trái cây Chúa đã cấm) nên hai ông bà và con cháu đời sau phải đau khổ và phải chết.
Qua bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô khẳng định lần nữa chân lý nầy: Vì một người là Ađam đã không tuân giữ luật Chúa mà muôn người trở thành tội nhân và tội lỗi đã gây nên sự chết! (Rôma 5, 12).
Khốc liệt thay hậu quả của việc bất tuân quy luật Chúa truyền.
Để cứu vớt loài người khỏi hậu quả của tội lỗi, Thiên Chúa Cha đã cho Ngôi Hai xuống thế, trở thành một Ađam mới, sửa lại những sai lệch do Ađam cũ gây nên, hầu cứu nhân loại khỏi vòng huỷ diệt.
Cũng như Ađam cũ, Ađam mới cũng bị Sa-tan cám dỗ đi trệch đường của Thiên Chúa. Sa-tan hy vọng rằng một khi “Đầu tàu” là Chúa Giê-su đi trật đường rầy thì toàn thể đoàn tàu là nhân loại cũng lao vào chỗ chết, đánh bại được chủ tướng thì chiến thắng sẽ về tay mình.
Ba cơn cám dỗ trong hoang địa mà Chúa Giê-su phải chịu là tổng hợp của ‘trăm chiều thử thách’ mà Ngài phải đương đầu trong cuộc đời dương thế.
Nhưng khác với Ađam cũ nông nổi nghe lời Sa-tan xúi giục đi trệch đường lối Thiên Chúa, Đức Giê-su đã kiên quyết đi theo đường lối Chúa Cha không hề sai lệch, cho dù phải chịu khổ nạn và cái chết vô cùng đau thương. Nhờ thế, Ngài đã nắn lại những sai lệch do Ađam cũ gây ra và lôi kéo nhân loại về với Thiên Chúa.
Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải đương đầu với những cám dỗ, thử thách mà Ađam cũ cũng như Ađam mới là Chúa Giê-su đã gặp hôm xưa và mỗi người phải chọn lựa:
Thứ nhất: Chọn vào cửa tử, là bước theo vết chân của Ađam cũ, nghe theo lời mời mọc của Sa-tan, chiều theo đam mê dục vọng, không theo đường lối Chúa, để rồi phải lâm vào cảnh đau thương chết chóc;
Thứ hai: Chọn vào cõi phúc, là kiên quyết chống lại cám dỗ, từ bỏ tội lỗi để vững bước theo con đường của Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã làm, để được sống đời đời với Chúa…
Chọn cửa nào là tùy vào quyết định của mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su,
Đường vào thiên quốc hay lối xuống địa ngục, cửa sinh hay cửa tử đang mở ra trước mặt chúng con. Xin giúp chúng con đừng mê muội đi vào cửa tử nhưng khôn ngoan sáng suốt bước vào cửa sinh, bằng cách chống lại mọi hình thức cám dỗ và noi gương Chúa bước theo đường lối Chúa Cha. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================ 
Suy niệm 6
Chúa Chiến Thắng Cám Dỗ

St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại sông Giođan, rồi được đầy Thánh Thần, Chúa vào hoang địa để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Là một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không ngần ngại chia sẻ thân phận con người. Suốt bốn mươi ngày, Người không ăn gì. Qua thời gian hơn tháng trời, với sức chịu đựng của phận người, Người rất đói. Lợi dụng lúc Người đang bị cơn đói hoành hành, quỷ tấn công mời mọc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt 4, 3). Nhưng không, cả lời thử thách mời mọc và cơn đói dữ dội không thể làm Người lung lay, Người đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (Mt 4,4). Cám dỗ này chỉ đúng một nửa. Ngày nay con người thường rơi vào cơn cám dỗ rằng cứ có tiền là giải quyết được hết mọi sự.
Tên quỷ bị thua Người chuyện ăn uống, hắn bày quẻ khác, còn dám “đặt” Người trên nóc Đền Thờ, rồi đem Kinh Thánh ra để thách thức Chúa về chuyện kiêu ngạo: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn,  và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn phải vấp chân vào đá.” (Mt 4, 5-6). Nhưng Chúa đã nghiêm giọng với hắn: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4, 7). Trong thời đại kỹ thuật tân tiến hôm nay, đây là cơn cám dỗ cho thời đại khi chúng con nghĩ rằng nhờ kỹ thuật sẽ giải quyết được hết, kỹ thuật làm cho cuộc sống phong phú, nhưng chỉ đúng một nửa. Bởi nó có thể làm cho người ta xa nhau hơn.
Hai lần thua như vậy mà hắn vẫn không chịu, lại đem Người lên nơi cao, cho xem tất cả các nước và cám dỗ Người về quyền hành danh lợi: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. (Mt 4, 9). Ơ hay! Chắc hắn chưa biết Người là Thiên Chúa, nên mới dám lừa gạt để Người mắc bẫy về chuyện lợi danh. Đức Giêsu đáp lại minh nhiên như một Thiên Chúa đang nói với thụ tạo: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (Mt 4, 10b). Đây là cơn cám dỗ đúng một nửa sự thật, đó là cứ có quyền lực là giải quyết được hết, cứ nhìn vào cơn đại dịch covid-19 đang hoành hành, đe dọa cả thế giới thì rõ.
Tên quỷ đã xoay hết cách, chiến thuật để cám dỗ Chúa, cả ba lần tấn công đều bị thua trắng. Ngày hôm nay Thánh Thần Chúa cũng mời gọi chúng con vào hoang địa là chính tâm hồn mình. Thường chúng con không muốn trở về với lòng mình, vì mải mê với những thú vui thế trần, những hưởng thụ dễ dãi mà không muốn phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những “thú dữ” của sa mạc cuộc đời, những cám dỗ vây bủa xung quanh. Trước những cám dỗ ngọt ngào mời mọc, có thể thua lần đầu chúng con sợ hãi, lần sau ngã sa cũng áy náy bất an, rồi lần nữa không thấy sao và sẽ trở nên chai lỳ, ra mất ý thức về tội lỗi, thật là nguy nan.
Lạy Chúa! chính Chúa đã vào hoang địa để cầu nguyện, chiến đấu và đã chiến thắng, xin cho chúng con trong mùa chay biết thực sự trở về với lòng mình, để qua cầu nguyện, chúng con sống gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ sức mạnh trợ lực của Chúa, chúng con sẽ cùng chiến đấu, chiến thắng với Chúa. Bởi vì “có Chúa trong thành địch thù tan nát hết”. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log