Thứ sáu, 29/03/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Lễ Lá

Cập nhật lúc 08:49 07/04/2022
Suy niệm 1
Bước vào cuộc khổ nạn
Lc 22, 14-23,56

Thánh lễ hôm nay chúng ta nghe đọc hai bài Tin mừng: Tin mừng về Làm phép Lá và Kiệu Lá, và Tin mừng về cuộc Khổ Nạn. Tin mừng về Làm phép Lá và Kiệu Lá đề cập đến một đám đông nhiệt thành tung hô Chúa Giêsu, cầm cành là trên tay, trải áo ra đường, hò hét chào đón Đấng mà họ muốn đặt làm vua. Họ ở đó, hàng trăm, có lẽ hàng nghìn, cổ vũ, hò hét: “Hoan hô con vua Đavit, Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”!
Đám đông hôm nay là thế! Nhưng năm ngày sau, vào ngày Thứ Sáu, ngày Chúa chịu Khổ Nạn:
- Cũng một đám đông tập trung trước dinh Philatô và chỉ có một câu trả lời "Đóng đinh nó đi! Đóng nó đi!” cho những câu hỏi của Philatô, là người muốn trả tự do cho người vô tội này.
- Không còn cành lá nữa mà là những nắm tay giơ lên.
- Không còn là hoan hô nữa, mà là những lời đả đảo và báng bổ.
- Không còn áo trải ra đường nữa, mà là một người bị lột quần áo, mặt mày đầy máu vì những đòn roi của lính Roma.
- Không còn là lối vào khải hoàn của một vị vua được dân chúng tung hô, mà là lối ra thê thảm của một kẻ bị kết án do chính những người thuộc về mình ruồng bỏ.
Năm ngày, chỉ năm ngày là đủ để tạo ra sự đảo ngược này, nhưng quả thật cũng một Chúa Giêsu và cũng một đám đông! Điều gì sẽ xẩy ra và người ta nghĩ gì? Tại sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy? Phần chúng ta, vào chiều Thứ Sáu tới, chúng ta sẽ có bao nhiêu người đồng hành với Chúa Giê-su trên con đường Thập giá ?
Câu trả lời dễ có thể đưa ra, khi nhìn vào chính đời sống chúng ta. Phải chăng chúng ta sẵn sàng theo Chúa Giêsu và tung hô Ngài miễn là Ngài dẫn chúng ta đến thành công, đến niềm vui, đến sự dễ dàng: nhân thừa bánh, mẻ cá lạ lùng, nước lã hóa thành rượu ngon. Vấn đề là thế! Mọi sự đều tốt! Chúng ta đồng ý, chúng ta là những người tình nguyện theo Chúa. Chúng ta ở bên Ngài, miễn là ổn, miễn là giờ tiệc tùng, miễn là tôn giáo được đền đáp, chữa lành chúng ta, và phù hợp với chúng ta
Nhưng, nếu năm ngày sau, vua đội mão gai trên đầu,
- Khi Ngài bị la ó, đầy vết thương và thay vì ở trên lưng con lừa, người ta đóng đinh Ngài vào cây thập giá, trần truồng, và bị chế nhạo,
- Khi Ngài phải chịu đau khổ “mướt mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu và kêu lên: “Lạy Cha, xin cất chén này xa con”! Hoặc trên Thập giá, “Lạy Cha ơi, sao Cha bỏ con? »
Lúc bấy giờ, chúng ta cũng giống như các tông đồ, những người đã thề thốt không giờ bỏ Ngài, chạy trốn và không muốn nhận ra Ngài nữa. Dưới chân Thập giá chỉ lại ba người trung thành: Gioan Tông đồ, Maria Mađalêna mà Chúa Giêsu đã tha thứ và  Maria, mẹ Ngài. Những người khác đều nhón chân chạy trốn.
Chúng ta nghĩ sao? Chúng ta sẽ làm gì? Ngày lễ Lá hôm nay, linh mục chủ tế cầm một cây thánh giá được kết bằng tàu lá dừa. Đây không chỉ là một hình thức cho đẹp, mà còn nhắc nhở chúng ta rằng chính từ Thập giá mà sự sống, niềm vui, sự Phục sinh được sinh ra. Chúng ta phải bám chặt vào Chúa Giêsu, sống với Ngài, trong vui mừng cũng như trong khó nhọc, trong đau khổ cũng như trong hạnh phúc, cả khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ và khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp.
Cũng như cây thánh giá được kết bằng cành lá dừa này, sang năm chúng ta thay bằng cành lá khác, chúng ta cũng phải trung thành với Chúa Giêsu trong suốt cả năm để mọi việc diễn ra tốt đẹp! Chúa Giêsu đã nói: "Thầy là cây nho…anh em là cành lá"… “Thầy là thân cây nho, anh em là cành nho”: mỗi một cành, nếu muốn sống, nếu muốn xanh tươi như những cành lá chúng ta đang cầm hôm nay, thì phải bám vào thân cây, vào gốc cây nho. Nếu muốn sống, chúng ta phải gắn bó với Chúa Giêsu, luôn gần gũi với Ngài, trung thành, không phải chỉ ở với Ngài khi dễ dàng, nhưng phải liên kết với Ngài, gắn bó với Ngài để đón nhận sự sống, tình yêu của Người và sự tha thứ của Ngài.
Nhờ thánh lễ, và  khi trở về với đời sống hằng ngày, chúng ta hãy trung thành với Ngài, cả trong những ngày vui như hôm nay, cũng như trong những ngày đau buồn của những “Thứ Sáu Thánh” trong đời sống chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Chúc tung Đấng nhân danh Chúa mà đến, Vua chúng con
Oi Giê-su, Vua Tình Yêu, xin cho Nước Chúa trị đến, Thánh Ý Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin ngự trị tâm hồn chúng con để chúng con trở nên thợ kiến tạo hòa bình và triều đại công lý và tình yêu của Chúa chiến thắng. Chúa đến không phải để thống trị, cũng không phải để bẻ gãy. Chúa đến khiêm nhường trên lưng một con lừa, Vua Bình An, vua Tình Yêu. Lạy Đấng cứu độ con và là Chúa của con. Triều đại Chúa được thiết lập không phải nhờ sức mạnh và quyền lực, nhưng nhờ tình yêu tỏa sáng! Cũng chính vì tình yêu đó mà Chúa đã chết vì chúng con, như Chjúa đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Mt 27, 11 – 54
Nếu đọc hết bốn trình thuật của bốn thánh ký, chúng ta có được một cái nhìn tổng quát về vụ án của Đức Giêsu như sau:
1 – Sau phép lạ cho ông Ladarô ra khỏi mộ sạu bốn ngày làm lễ an táng, uy tín của Đức Giêsu bốc lên tận trời mây. Dân chúng ở thủ đô Giêrusalem từ bình dân đến trí thức đều tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Thượng tế Cai pha và công nghị hốt hoảng quá, họ bèn họp khẩn và kết án tử hình vắng mặt cho cả Đức Giêsu lẫn ông Ladarô.
2 – Giuđa Ítcariốt lợi dụng ngay thời cơ ngàn năm một thuở này để kiếm một số tiền khủng. Hắn hiến kế cho thượng tế Cai pha:
  • Phải bắt Chúa ban đêm, vì nếu bắt Chúa ban ngày thì dân sẽ làm loạn.
  • Bắt tại vườn Cây Dầu, vì suốt Tuần Thánh Chúa ngủ tại vườn Cây Dầu.
  • Vì là đêm tối trong rừng, nên dù có ánh đuốc bập bùng, vẫn khó nhận ra ai là Đức Giêsu, vì 12 người đàn ông Do Thái mặc áo dài như nhau; râu tóc như nhau. Bởi vậy Giuđa hiến kế cụ thể: “Tôi ôm hôn ai, thì cứ bắt người đó, không sợ bắt lầm”.
  • Thượng tế cho hắn một số tiền lớn đủ để sau này dùng số tiền đó để mua một thửa đất làm nghĩa trang chôn cất ngoại kiều.
3 – Kế hoạch của Giu đa đạt kết quả một trăm phần trăm. Đức Giêsu bị bắt tại vườn Cây Dầu, dẫn độ về dinh thượng tế và kết án tử hình. Nhưng vì nước Do Thái không độc lập nên phải đưa Đức Giêsu ra tòa án của tổng trấn Philatô. Ra tòa án Philatô, người Do Thái phải tố điêu thành tội chính trị, đó là Đức Giêsu tự xưng là vua tức là âm mưu lật đổ chính quyền La mã.
Philatô biết Đức Giêsu vô tội nên quyết tâm tìm cách để tha, nhất là bà vợ của ông cho người nhắc ông khi ông đang ngồi tòa rằng: “Xin ông đừng nhúng tay vào vụ đổ máu người công chính này, vì đêm hôm qua tôi có một giấc chiêm bao khủng về ông ấy.”
Philatô cho đánh Chúa một trận đòn te tua, hy vọng người Do Thái hả giận mà tha. Ông bị hớ, vì người Do Thái cứ quyết tâm đòi đóng đinh Chúa.
4 – Philatô đang lúng túng: nếu tha chết cho Chúa, thì làm vui lòng vợ, nhưng lại sợ người Do Thái sẽ đâm đơn sang thủ đô Rô ma, thì ông có nguy cơ bị mất chức tổng trấn. Nếu đồng ý cho người Do Thái giết Chúa, thì suốt đời sẽ bị vợ đay nghiến. May quá người Do Thái tuyên bố: “Máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi, thì chúng tôi chịu. Ông không phải lo. Philatô mừng quá. Ông rửa tay tuyên bố mình vô tội trong vụ giết người hiền lương này. Ông cũng có thể làm vừa lòng vợ, vì hậu quả của vụ giết người hiền sẽ không đổ xuống gia đình của bà. Thế là êm. Chúa bị dẫn độ ra pháp trường. Người Do Thái thì mừng quá. Vợ chồng Philatô thì buồn, nhưng yên tâm về vận mạng trong tương lai. Một mình Chúa bị lãnh hết hậu quả của tội. Đó là vận mệnh của lịch sử cứu độ: “Một người chết oan, để đền tội cho toàn thế giới của mọi thời. Cái chết này được một ni cô ở Bạc Liêu ca tụng với dòng nước mắt rưng rưng: “Cái chết của Đức Giêsuđẹp quá! Đau như thế, nhục như thế, oan khiên như thế, mà vẫn cứ một niềm cầu nguyện: “Lay Cha, xin tha cho họ.”
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Ngài yêu thương nhân loại đến cùng
Trong cuộc khổ nạn, sau khi Chúa Giê-su bị lùng bắt giữa đêm khuya như một tên gian phi và bị kết án bất công trước tòa Phi-la-tô, Ngài bịđánh đòndã man, tàn bạo…rồi phải vác thập giá lảo đảo lên đồi Can-vê. Đến nơi, Ngài bị lột trần vàtrải qua cơn đau khủng khiếp khi đội hành quyết đóng đinh tay chân Ngài vào thập giá.Sau đó, Ngài chịu treo thân trần trụi trên thập giá cho ruồi mòng chích hút, lại còn bị bao người qua lại phỉ báng, thách thức, nhạo cười…
Dù vậy, Chúa Giê-su không thù không oán, không dùng lời lăng mạ để đáp lại lăng mạ, không xuống khỏi thập giá để tiêu diệt quân thù, không dùng quyền năng mà trừng trị những tên khốn kiếp… Trái lại, Ngài nhìn họ bằng ánh mắt xót thương. Ngài sợ Chúa Cha trừng phạt họ vì tội ác tày trời đã gây ra, nên trước khi tắt thở, Ngài ngước mắt lên trời, tha thiết cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ gây đau thương khốn đốn cho Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Ôi! Tuyệt vời biết bao! Chỉ có Chúa Giê-su là Đấng duy nhất trên đời đã tỏ lòng thương xót và tha thứ cho kẻ lăng nhục, hành hạ, phỉ báng và giết chết Ngài… đến mức cao vời như thế mà thôi.
Đối với quân gian ác đã nhẫn tâm sỉ nhục, hành hạ và đóng đinh Ngài cách hung bạo đến thế mà Ngài vẫn bao dung, thương xót và cầu nguyện cho họ, thì chẳng còn ai trên đời lại bị Chúa bỏ rơi!
Như vậy, Chúa Giê-su trải rộng tình thương Ngài cho hết mọi người; chẳng có ai trên đời không được Chúa xót thương.
Như lòng mẹ đại dương ôm trọn mọi loài tôm cá vào lòng mình thế nào thì tình thương bao la của Chúa Giê-su cũng ấp ủ hết mọi người như thế. Ngài không để bất cứ ai ở ngoài biển thương xót của mình; trái lại mỗi người đều có chỗ đặc biệt trong Trái tim Chúa Giê-su. Cho dù mọi người trên thế gian có ruồng bỏ bạn đi nữa thì Chúa Giê-su vẫn không bao giờ ruồng bỏ nhưng luôn ấp ủ bạn vào lòng.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa yêu thương chúng con hết lòng hết sức trên hết mọi sự nên đã hiến thân chịu đau thương khốn khổ và chấp nhận chịu chết để đổi lấy sự sống đời đời cho chúng con.Tình thương Chúa thật bao la vô hạn. Chúng con biết lấy gì đáp nghĩa, đền ơn? 
Xin cho chúng con đừng bao giờ phạm tội làm mất lòng Chúa nhưng cố sống sao cho đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
LỄ LÁ TRONG ĐỜI TÔI

Lời Thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-lip-phê, mà chúng ta vừa xướng lên trước bài Thương Khó theo Thánh Sử Lu-ca “Chúa Ki-tô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá…” (x. Pl 2, 8-9), nhắc nhở mỗi người chúng ta ngày càng tháp nhập sâu sắc hơn vào Cuộc Khổ Nạn-Phục Sinh của Đức Ki-tô Giê-su. Trong Chúa Nhật lễ Lá hay Chúa Nhật Lễ Thương Khó hôm nay, Hội Thánh mời gọi chúng ta tham dự vào Cuộc Tử Nạn của Chúa như những nhân vật đáng được chú ý, cụ thể bà thánh Vê-rô-ni-ca gan dạ dám lấy khăn của mình mà lau mặt cho Đức Giê-su trong khi đám đông xô đẩy nhau, chen chút nhưng dường như vô tâm trước sự thương khó tột cùng của Con Một Thiên Chúa; cũng như ông Si-mon thành Si-rê-nê, tuy không phải người Do Thái, chỉ là khách vãn lai qua đường, nhưng biết đồng cảm, chung tay vác đỡ thập giá Đức Giê-su đang trên đường tiến lên núi Cal-va-ri-ô, và rất nhiều nhân vật khác.
Thông thường, cứ mỗi năm khi cử hành Lễ lá, chúng ta hồi tưởng lại những giây phút được cầm lá vạn tuế hoặc chiếc lá dừa được tết thành hình đẹp đẽ lắc lư, đung đưa, vẫy chào tung hô tiến vào nhà thờ, và đến khi nghe bài Tin Mừng thì than ôi, than vắn than dài…, nhưng điều chính yếu cốt lõi của thánh lễ tưởng niệm Chúa Giê-su được nghênh đón vào thành Giê-ru-sa-lem là gì, và thánh lễ hôm nay ảnh hưởng, chi phối đời sống đạo, đời sống đức tin của chúng ta như thế nào thì chúng ta lại ít để tâm!!!
Vì vậy, giờ đây chúng ta cùng nhau ngụp lặn sâu vào Phụng Vụ hôm nay. Các bài đọc chúng ta vừa được nghe, hướng ta đến sự vâng phục hoàn hảo, sự vâng phục tuyệt đỉnh, sự vâng phục ‘biến mình ra không’ (x. Pl 2, 6-11), một sự vâng phục mang lại ơn cứu độ cho chúng ta là những kẻ đáng phải chết vì sự bất tuân, bất tín, bất trung, v.v… trong đời sống đức tin, trong mối tương quan với Chúa, với anh chị em, bản thân và với môi sinh. Sự vâng phục dù phải lãnh án tử, chết nhục nhã, tất tưởi trên thập giá vì nhân loại được ngôn sứ I-sai-ah loan báo trong bài ca Tôi Trung thứ ba (bài đọc I): “Tôi đã đưa lưng cho ngườigiơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Ðức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn,vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50, 6-7). Là Con Thiên Chúa làm người, Đức Giê-su Ki-tô đã mặc lấy tận cùng nỗi khổ cực của kiếp con người, Ngài đến trần gian này không phải để giải thích vì sao con người chịu khổ đau, khốn cực, mà chính Ngài đã mang lấy, gánh lấy, mặc lấy cùng tận nỗi khổ nhục của nhân loại.
Hơn thế nữa, Lời Chúa soi sáng giúp chúng ta nhân ra sự khiêm nhường vô biên sâu thẳm của Đức Giê-su “Vốn dĩ là Thiên Chúa,…nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,trở nên giống phàm nhânsống như người trần thế. Người lại còn hạ mình,vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (X. Pl 2, 6-8). Một A-đam mới khiêm nhu, hạ mình mang lại sự sống vĩnh cửu, thay thế cho A-đam cũ cao ngạo, ngỗ nghịch, tội lỗi. Thánh Pi-ô từng nói: “Ma quỷ khiếp sợ và run rẩy trước những linh hồn khiêm tốn”. Thật vậy, con đường khiêm nhượng, quên mình, biến mình ra không, con đường hạ mình của Chúa Giê-su cũng chính là lời mời gọi chúng ta mỗi khi được lắng nghe bài Thương Khó. Một lần nữa, chúng ta cùng dành ít phút ngắn ngủi đọc lại, và đặt mình vào những nhân vật trong bài Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. Kế tiếp, chúng ta đặt mình suy gẫm theo một số câu gợi ý dưới đây:
-      Mỗi năm, tâm tình cử hành hay tham dự Lễ Lá của tôi ra sao? Có gì thay đổi hay chăng, hay chỉ vỏn vẹn là một thói quen không hơn không kém?
-      Tôi có để cuộc Thương Khó Chúa Ki-tô hiện diện trong lối suy nghĩ, cung cách sống, mối tương quan của tôi hay không; hay nói cách khác, tôi có sống Mầu nhiệm Thương Khó-Phục Sinh của Đức Ki-tô trong đời sống thường nhật bằng việc chết đi những thói hư, tật xấu, và sống tốt, sống dồi dào cho Chúa và anh chị em?
-      Đặt bản thân vào bối cảnh bài Thương Khó, nếu tôi hiện diện lúc ấy thì tôi thuộc thành phần nào? Tôi có dám tuyên xưng Chúa Giê-su là Thiên Chúa của tôi chăng?
-      Trong đời sống hiện nay, nhiều người không muốn chịu đau khổ, xa lánh khổ đau, và có khi nguyền rủa mỗi khi đau khổ; còn tôi khi bị khổ đau, tôi có chạy đến với Chúa Giê-su đang chịu treo trên Thánh giá chết nhục nhã để cứu chuộc tôi?
Ước gì Lễ Lá năm nay là thánh lễ đặc biệt trong đời chúng ta. Xin Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa cải hoá, nuôi dưỡng chúng ta biết luôn trung tín, trung thành, luôn can đảm bước trên con đường mà chính Chúa Giê-su Ki-tô đã đi:
Đường Thập Giá chông gai ngàn lối
Đường hy sinh giải thoát tăm tối
Đường cứu độ, thứ tha tội lỗi
Đường tín thác, cậy mến trong tôi.
Đường bỏ mình, ăn năn thống hối,
Đường khiêm hạ, bao dung tiếp nối,
Đường vinh quang Chúa tôi mở lối
Đường vâng phục, chịu chết vì tôi.
Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng         

===================
Suy niệm 5
Bức Tranh “Ba Thập Giá”
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "ba thập giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu nổi bật lung linh trong mầu nhiệm đau thương và cứu độ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông, gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét...giữa nét đau khổ của hai tử tội, hận thù của đám đông là dung mạo Đấng Chịu Đóng Đinh hiền hòa chan chứa tình thương.
Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá. Cử hành phụng vụ hôm nay khởi sự bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá. Cộng đoàn đi kiệu để tưởng niệm việc Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngay sau đó là Thánh Lễ tưởng niệm cuộc Khổ nạn, đặc biệt với việc đọc Bài Thương khó. Việc cử hành hôm nay với hai nhịp tương phản, mang hai sắc thái nghịch nhau: người Do thái tung hô Chúa Cứu Thế, ngập tràn tiếng reo vui, sau đó họ đòi lên án tử hình Người và cuộc thương khó đầy máu nước mắt.
Ôi nhân tình thế thái, sao mau đổi trắng thay đen!
Màu đen sự dữ, màu trắng tinh khôi bàng bạc trong bức tranh “ba thập giá” và cuộc thương khó.
1. Sắc đen sự dữ
Chìa khóa để đọc tất cả những sự vô lý, bất công, phi đạo đức trong vụ bắt và xét xử Chúa Giêsu là: quyền lực của tối tăm. Bốn sách Tin Mừng đều kể rằng Chúa Giêsu bị bắt ban đêm. Matthêu, Maccô và Gioan kể một đám người mang gươm giáo gậy gộc do các thượng tế, kỳ mục, Pharisêu sai đến. Thánh Luca lại nói có cả các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục ở trong bọn người mang gươm giáo gậy gộc. Trong đêm tối, đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì giới lãnh đạo cao nhất của dân Do thái đã hội họp tại nhà thủ lãnh của họ, sai thuộc hạ đi bắt Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Giuđa, người môn đệ phản Thầy. Họ ngồi chờ để kết án ngay trong đêm.Phiên họp ban đêm này do chính Caipha, chủ tịch Thuợng Hội Đồng chủ sự. Thánh Matthêu kể: “Các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình” (Mt 26,59). Họ dùng chứng gian vu khống và xuyên tạc chụp mũ để kết án tử hình Đức Giêsu (Mt 26,60-61; Mc 14,59).
Trong bộ phim 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, nhà đạo diễn đã hoạ lại hình ảnh của đêm tối vườn Cây Dầu. Đó là đêm tối của đức tin và cũng là đêm tối của lòng người.
Bộ phim bắt đầu với cảnh Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi cầu nguyện vào một đêm đen như bao đêm khác.Thế nhưng, đêm nay khác hẳn mọi đêm. Bóng tối của sự dữ phủ kín, bóng đêm của quyền lực Satan bao trùm. Đêm nay, bóng tối của sự dữ hoành hành. Đêm nay, quyền lực của Satan như muốn thống lãnh thế gian. Con người đã toa rập với Satan để giết hại Con Thiên Chúa. Đêm tối vườn Cây Dầu chỉ còn lại một mình Chúa cô đơn.
Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các Thượng tế và nhóm Pharisiêu; họ mang theo đèn đuốc khí giới…” (Ga 18,3). Người ta phải sử dụng đèn, đuốc…chứng tỏ họ đang ở trong bóng tối. Họ sử dụng khí giới tức là tựa vào sức mạnh và quyền lực thế gian. Với những từ ngữ này, Thánh Gioan giới thiệu họ như là biểu tượng của sức mạnh thế gian và quyền lực bóng tối. Giữa bóng đêm của vườn Cây Dầu thấp thoáng những khuôn mặt hung tợn với gươm giáo gậy gộc, xâu xé tấm thân đơn độc của Chúa Giêsu. Bóng tối như tiếp tay cho những hành động lén lút, bắt giữ bất minh. Màn đêm đó cũng che kín lý trí của những người tham dự phiên tòa bóng tối. Tất cả mọi chứng cứ kết án đều nằm trong vòng tròn gian dối. Mọi sự vật lúc này như nhuốm một màu đen đồng lõa cho sự dữ. Màu đen của những tâm hồn đen tối che lấp luôn cả màu đen của bóng đêm âm u. Đây là đêm của hận thù. Đây là giờ của bóng tối. Đây là thời điểm của xấu xa ngự trị. Không ai còn có thể nhận ra được ánh sáng chân lý trong màu đen của ác tâm.
Và trong các giờ kế tiếp, bóng tối càng bao trùm. Chúa Giêsu càng lẻ loi cô độc hơn.
Kể từ khi Giuđa bước ra khỏi phòng Tiệc Ly thì trời tối đen. Giuđa lẩn vào bóng đêm với đôi tay đen đúa nhận lấy những đồng bạc là giá máu của Thầy mình. Thánh Gioan trình bày, Giuđa rõ ràng thực hiện công việc này dưới tác động của Satan. Khi Giuđa rời phòng Tiệc Ly, “lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30). Trời tối bên ngoài chưa quan trọng. Ở đây, trời tối trong tâm hồn Giuđa. Đối với Gioan, Giuđa trong hành động nộp Chúa Giêsu đã thật sự là hiện thân của quyền lực bóng tối, đối lại với Chúa Giêsu là ánh sáng tinh tuyền.
Giuđa khoác lên trái tim màu đen của tội lỗi qua nụ hôn phản bội.Từ đó, bóng tối của sự dữ đã bao trùm lên Thượng Hội Đồng từ Thượng tế Caipha đến các Luật sĩ và Kỳ mục. Bóng tối như đồng lõa và biện minh cho mọi âm mưu thâm độc của những người đại diện cho lề luật.
Những mảng đen được tô đậm lên trên bức tranh Tình Yêu Giêsu, không phải bằng những nét vẽ dịu dàng, những nét chấm phá đặc sắc nhưng là những vết màu ngoằn nghèo, vô lối. Tình Yêu Giêsu lúc này đang bị tàn phá theo từng vết đen xấu xa của đám đông. Bóng tối đã làm tất cả mờ ảo trong điên cuồng. Mọi âm mưu đã được trù tính cẩn mật. Mọi lý lẽ độc dữ đã được hoạch định. Mọi hành vi được thực hiện ngay trong bóng tối của thần chết. Cứ thế, từng mảng đen tội lỗi như được dịp trút hẳn xuống Đức Giêsu, như muốn nhuộm đen toàn bộ cuộc đời và tình yêu của Ngài bằng mọi cách và mọi phương tiện. Ngài bị cho là đồ mê ăn uống, là phường tội lỗi. Ngài bị liệt vào hàng trộm cướp, hàng nô lệ cùng đinh. Ngài bị xem là phường gian dối, tiên tri giả. Ngài bị kết án là quân nói lộng ngôn, phạm thượng. Ngài bị xử tử vì bị gán cho việc kích động phản loạn. Đám đông dân chúng, từ những tên đầy tớ mạt hạng đến những bậc vị vọng, từ những người quen biết đến cả khách thập phương không từ chối điều gì để bôi đen con người Đức Giêsu. Ngài đã bị nhúng xuống bùn nhơ của sự khinh miệt, phỉ báng. Ngài đã bị đày đọa tận cùng của kiếp làm người.(x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 252-253).Tình Yêu Giêsu đã bị tội lỗi nhân loại nhuộm đen màu tăm tối. Cuộc đời Chúa Giêsu đã bị dã tâm con người hủy hoại trong bóng đêm của sự bêu riếu, sỉ nhục và cái chết trần trụi thương đau. Nào ai có thể tin vào con người tàn tạ như thế! Còn ai có thể trông cậy vào con người yếu đuối bất lực này!!!
2. Sắc trắng thanh khiết
Tưởng chừng như bức tranh cuộc đời của Đức Giêsu chỉ là một vệt đen khiếp đảm với những ẩn tình vô lối mà nhân loại áp đặt lên chân dung Ngài. Nhưng thật nhẹ nhàng và linh động, Tình Yêu Giêsu như ngọn bút tài hoa đã gợi mở những nét vẽ thật diễm tuyệt. Tình Yêu sáng lên một màu trắng tinh khôi và mênh mang huyền ảo của trái tim thanh khiết trao ban đến tận cùng.
Tình Yêu ấy không mang một chút bợn nhơ của hận thù chia cắt nhưng lóng lánh sắc màu hồng tươi của Tình Yêu phục hồi và giải thoát. Tình Yêu ấy chấp nhận tất, dâng hiến tất cả để xóa đi mặc cảm tội lỗi của con người, cho con người cái nhìn mới của Thần Khí, cái nhìn của Thiên Chúa trong một tổng thể toàn vẹn và đưa con người đến với Tình Yêu sung mãn tuyệt hảo của Thiên Chúa. (x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 254-255).
Màu đen sắc tối của con người đã được Tình Yêu Giêsu làm cho trắng tinh và trả lại sự trong sáng trong Sự Thật. Ngài đã đáp trả lại tất cả mọi bất công và hận thù bằng lòng bao dung tha thứ. Khổ đau của Thập Giá Đức Kitô không bao giờ là nỗi đau của hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Đức Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Đức Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.
3. Trắng đen trong lòng người.
Tiến bước theo Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người, thấy sự tráo trở thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay đen của nhân tình thế thái, chúng ta thấy bàng bạc một màu đen của những ý đồ xấu xa, những manh tâm gian ác và những hành vi tội lỗi thấp hèn và thấy sáng lên tình yêu thanh khiết của Đấng Cứu Độ.
Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những sắc tối của lòng người. Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những con người công chính, lương thiện lại là nạn nhân của bất công, gian dối và tham lam. Biết bao người đã để cho bóng tối của lòng tham nổi loạn đến nổi sẵn sàng chà đạp và lường gạt nhau. Biết bao người vì lòng tham, vì tính ghen tương đố kỵ,vì thói tự mãn kiêu căng vẫn đang tìm cách làm khổ nhau và làm hại đời nhau. Bao lâu lòng người còn chất chưa những ý đồ bất chính, những thủ đoạn lừa lọc, những ích kỷ nhỏ nhen, bấy lâu vẫn còn đó những con người lương thiện bị đe doạ, bị hành hạ và bị loại trừ.
Con người thời nay vẫn nhân danh hạnh phúc của riêng mình để kết án tử cho người khác, nhất là các thai nhi vô tội. Họ giết người vô tội không cần bản án, không cần thẩm phán hay quan toà. Tử tội thai nhi đã bị giết, chỉ vì một bà mẹ không muốn sinh con. Cả xã hội từ ông bà, cha mẹ, họ hàng và các người hành nghề lương y đã sẵn sàng giết chết sự sống của một sinh linh không có khả năng tự vệ. Biết bao cha mẹ đã viện ra nhiều lý do để loại trừ những đứa con của mình cách dửng dưng vô cảm.
Điều ác và sự thiện cũng chỉ là sự khác biệt của hành động rút gươm “hãy xỏ gươm vào bao, vì tất cả những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi tất cả mọi lưỡi gươm được cất vào vỏ, sự thiện và thiên đàng đang ở giữa lòng thế giới. Khi thanh gươm được rút khỏi bao, nhân loại đang đắm chìm trong hỏa ngục của chính mình. Con người luôn muốn hành xử tất cả theo lối quyền uy và bạo lực của bóng tối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã dùng một phương cách kỳ lạ để cho con người thấy đâu là sự thật nhân loại cần hướng về. Qua Ngài, những cơn cuồng nộ của sự dữ, những bão táp của nhục hình, những tiếng thét hận thù như bị cuốn vào một lực hút vô hình của Tình Yêu thanh khiết. Sức của của tình yêu nơi Chúa Giêsu đã thâu tóm mọi sự xấu xa độc dữ của nhân loại và hóa giải tất cả để biến nên những giá trị mới của hiền lành, khiêm nhường và khoan dung.(x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 258-260).
Chúa Giêsu không quỵ lụy, không riên xiết trong cuộc khổ nạn, nhưng Ngài luôn kiên cường và nhẫn nại để mời gọi và mở ra cho nhân loại một cái nhìn về chân lý, về tình yêu, về một Thiên Chúa yêu thương đến cùng. Chúa Giêsu không oán trách hay hận thù ai, Ngài vượt lên trên tất cả bằng tình thương tha thứ. Chúa Giêsu đã biểu lộ sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của niềm tin và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Chính sức mạnh tình yêu đã làm mọi chia rẽ được hàn gắn, mọi hận thù được xóa bỏ và mọi xa cách được nên hiệp nhất. Chúa Giêsu đã hợp nhất nhân loại trong trái tim rộng mở của Ngài, trái tim chỉ có tình yêu thanh khiết. Ngài nâng con người lên giá trị cao hơn trong sự kết hiệp với tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu Nguyên Tuyền.
Ánh Sáng Tình Yêu chính là Ánh Sáng Phục Sinh. Ánh Sáng ấy không làm mờ đi bóng cây thập giá nhưng lại mang một ý nghĩa và sắc màu huyền diệu lung linh. Tin và bước theo Chúa Giêsu, chúng ta được tháp nhập vào tình yêu thanh khiết của Ngài, nhờ đó cuộc sống luôn có niềm vui bình an và hạnh phúc. Thánh Gioan đã đi trọn cuộc khổ nạn cùng với Chúa Giêsu và đã viết những lời thật đẹp, thật ý vị về Tình Yêu Chúa Giêsu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ.Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo”. (1Ga 4,10-12).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 6
Bước theo Chúa Giêsu khổ nạn và phục sinh
(Lc 22, 14-23, 56)

Khai mạc Tuần Thánh với nghi thức làm phép Lá, kiệu Lá kèm theo những bài hát reo hò vang dội phấn khởi màng vui. “Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19, 36-38). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô Thế Tử nhà Đavít...” thấy thật là vui.
Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Toàn bộ sứ mạng của Người Tôi Tớ Đau Khổ được Isaia tóm lại: lắng nghe để huấn luyện, huấn luyện để loan báo: "Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn … Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn" (x. Is 50, 4-7).
Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, chia sẻ tất cả vinh quang của loài người và vinh quang Thiên Chúa: "Đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm" (Pl 2,7). Là con người, một tạo vật có giới hạn trong thời gian, gắn liền với khổ đau, ngược đãi và bị giết chết. Trở nên giống phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi. Dù là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã khước từ vinh quang của Con Thiên Chúa và trở thành Con của loài người, để liên đới với chúng ta là những người tội lỗi. Không những thế, Người đã sống giữa chúng ta trong một "điều kiện của kiếp nô lệ": không phải như là vua, cũng không phải là ông hoàng, nhưng là nô lệ. Người đã hạ mình, và vực thẳm sự hạ mình của Người mà Tuần Thánh cho chúng ta thấy xem ra không có đáy, "vâng lời cho đến chết" (Pl  2,8), đành mất tất cả để có được vinh quang trở về với Thiên Chúa.
Bị hạ nhục trong tâm hồn với các chế nhạo, xỉ vả, và khạc nhổ,  thân xác phải chịu  đánh đập, đòn vọt và mạo gai khiến cho diện mạo của Người không còn hình tượng người ta nữa. Trước quyền bính tôn giáo và chính trị: Ngài đã tự biến thành tội nhân và bị coi là bất chính.
Sau khi bị bán với 30 đồng bạc và bị phản bội bởi một môn đệ Người đã chọn và gọi là bạn. Người bị nộp vào tay kẻ dữ, bị mạc cả với kẻ sát nhân, phải vác thánh giá nặng nhục nhã và bị nhạo báng như tên nô lệ. Người khiêm nhường đến độ không còn được tôn trọng. Người đã tự hủy mình ra không, không còn sức để vác cây thập giá. Người đã cảm nhận trên da thịt mình sự dửng dưng, bỏi vì không ai muốn lãnh trách nhiệm đối với số phận của Người. Dân chúng biến các lời chúc tụng thành tiếng kêu tố cáo, thích cho kẻ sát nhân được trả tự do cho họ hơn. Và thế là Chúa bị chết trên thập giá, là cái chết đớn đau và hổ nhục nhất dành cho các kẻ phản bội, nô lệ và các kẻ tội phạm tồi tệ nhất.
Chúa không đòi cho mình một đặc quyền đặc lợi nào, chẳng là gì trước sự tàn bạo của binh lính, kể cả Simon người Cyrênê, Chúa cũng chẳng là gì, ông kề vai vác đỡ, chẳng qua ông bị bắt vác mà thôi. Ông không biết ý nghĩa, cử chỉ vác thánh giá này. Những người nhạo báng hay tên lính lấy bọt biển nhúng giấm cho Chúa uống, họ có hiểu được không?
Ba năm mỏi chân đi giảng đạo cho muôn dân, với những phép lạ Chúa không giúp cho họ khám phá con người thật của Chúa Giêsu. Trong vườn Cây Dầu, một mình đối diện với Chúa Cha, Chúa không xin điều gì : ngoại trừ xin ơn tha thứ cho những ai làm khốn mình, vì Chúa đến để mang ơn tha thứ cho mọi người : "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23, 34).
Cùng chịu đóng đanh với Chúa Giêsu có hai tên trộm cướp, một đứa bên trái, một đứa bên phải. Một kẻ nhạo báng Chúa, còn kẻ kia thừa nhận mình là kẻ có tội : "Chúng ta phải chịu xứng với việc chúng ta đã làm" (Lc 23, 41).
Một trong hai tên trộm thưa Chúa Giêsu rằng:  "Xin nhớ đến tôi cùng..." (Lc 23, 41). Chúa Giêsu trả lời ngay lập tức: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23, 42). "Vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín…màn trong đền thờ xé ra" (Lc 23,44-45). Chúa Giêsu trút hơi thở trao phó linh hồn trong tay Chúa Cha và từ nay, chắc chắn Người là tác nhân Phục Sinh, hoàn tất điều có thể trao ban. Lòng thương xót của Chúa chạm tới con tim của viên quản bách quân, khiến anh ngợi khen vinh quang Thiên Chúa, và đám đông cảm thấy nhu cầu cần thiết phải được tha thứ liền đấm ngực ăn năn trở về mừng lễ Vượt Qua.
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành các mầu nhiệm thánh, Chúa đã ban cho chúng con được thỏa chí toại lòng. Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 7
Đường Tình Yêu

Is 5-,4-7; Pl 2,6-11; Lc 23,1-49

Mùa chay dần khép lại, hôm nay toàn thể Giáo hội bước vào Tuần Thánh. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật “hành trình đau khổ” đầy chông gai của Đức Giêsu, từ bữa tiệc sau hết, rồi Người bị bắt cho đến khi tắt thở trên thập giá. Đây là “đường trường đầy đau đớn khổ nhục cho đến chết”, nhưng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU, Ngài đã nhẫn nhục chịu đựng trong vâng phục Chúa Cha để cứu độ con người tội lỗi.
Sau khi bị bắt, Người bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tra hỏi, tạt vả. Trước tòa án Philatô, Ngài bị xử bất công, phải xử án chết oan nghiệt thay cho tên cướp Baraba, bởi sóng người hô hào đả đảo cùng các thượng tế nhà đạo. Tên cướp được tha bổng, còn Người vô tội thì phải chịu hành hình. Mấy năm trời bôn ba rao giảng cứu chữa, làm ơn cho đủ mọi hạng người, để đến hôm nay Thầy Giêsu phải tự vác Thập giá tủi nhục đớn đau, rồi bị căng thây đóng đinh vào đó mà treo lên cùng với hai tên trộm cướp.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng con nhìn lại bản thân mình. Con có thể là một trong số các môn đệ, khi Thầy giảng dạy như một Đấng có uy quyền thì hăng hái theo bước. Khi Thầy bị bắt bớ thì bỏ cuộc trốn chạy, chối từ như chưa bao giờ biết Thầy kẻo bị vạ lây. Con có thể là những người trong đám dân, khi vui thì sẵn sàng trải áo làm đường rước, hết lời tung hô ca ngợi, nhưng lúc khác lại hùa theo số đông mà trở lòng đả đảo chống đối, kết án xấu tha nhân... Nhưng có thể con cũng là một Simon Kyrênê sẵn lòng vác đỡ thập giá cho người khổ đau.
Đức Giêsu cam lòng chịu đựng tất cả vì tình yêu con người và vâng phục Ý Cha cho đến chết trên thập tự, đó là một minh chứng, tận cùng cho một tình yêu, yêu cho đến chết, mà chết cũng chỉ vì yêu. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 7-9). Bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá là lội ngược dòng đời, vác thập giá theo Chúa không phải dễ, nhưng có Chúa đồng hành và đỡ nâng, chúng con cũng từ thập giá bước vào vinh quang với Chúa.
Ôi Chúa Giêsu của lòng con Chúa ơi! Chiêm ngắm Chúa chịu căng thây trên thập giá, con nhận ra chẳng có tình yêu nào như tình Chúa yêu con. Chúa chết cho con sống muôn đời. Chúa chết vì yêu con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Xin cho con tâm hồn chìm lắng trong cái chết của Chúa, để bao tội lỗi, đau khổ của con chìm xuống hòa nhập vào mầu nhiệm Thập giá, để Chúa ôm trọn lấy con trong tình yêu bao dung tha thứ. Xin cho con bước đi theo Chúa từng ngày trên CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU. Xin cho con được yêu mãi Người, Giêsu ơi!
Én Nhỏ    
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Ngày 24.03.2024 Chúa nhật Lễ Lá, giáo xứ Yên Tập đã tổ chức Hội thi Kinh nguyện, Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh. Hiện diện trong chương trình có cha xứ Giuse Nguyễn Văn Cường, quý dì cộng đoàn Mến Thánh Giá Yên Tập, quý ban tổ chức, ban giám khảo và 750 quý cụ ông bà anh chị em tham gia dự thi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log