Thứ năm, 25/04/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm B

Cập nhật lúc 10:01 17/12/2020
Suy niệm 1
Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ
(Lc 1, 26-38)
 
Lễ Chúa giáng sinh đã đến gần! Con tim chúng ta đầy nhiệt huyết đón chờ Đấng đã muốn chấp nhận mọi hoàn cảnh của con người.
Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đọc và nghe rất nhiều lần. Chúng ta hiểu rằng đó là bài Tin Mừng về Truyền tin. Điều đó đúng! Tuy nhiên, chúng ta lưu ý điểm nổi bật của chủ nhật IV mùa vọng hôm nay đề cập đến, đó là Thiên Chúa muốn ở trong con tim mỗi người chúng ta…. Ngài muốn như mọi người ở trong cung lòng một người nữ. Và Ngài muốn xây dựng ở đó một ngôi nhà.  
Trong Cựu ước, vua Davit nghĩ rằng mình sẽ xây một Đền thờ cho Giave Thiên Chúa. Nhưng ngược lại, chính Giave Thiên Chúa xây cho vua một ngôi nhà: “Chúa phán trước cho ngươi biết: Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ bền vững mãi mãi.
Thiên Chúa không muốn bị nhốt trong một ngôi đền thờ bằng gạch đá. Đa-vít muốn dâng cho Chúa một nơi ở ổn định, một không gian thánh thiêng, khi mà Thiên Chúa lại muốn du mục với dân Ngài, Ngài muốn đồng hành với họ mọi lúc và mọi nơi.
Lễ Giáng sinh cho chúng ta thấy rằng:
- Thời điểm chúng ta tìm kiếm Chúa trên đỉnh núi, trên mây, trong thánh địa, trong các nghi thức đã kết thúc. 
- Đã qua rồi thời đại kim tự tháp, thời đại mà con người rất nỗ lực vươn lên tới Thiên Chúa (Tháp Babel). 
Đúng vậy! Không phải là chúng ta đi lên để đến gần Chúa, mà chính Chúa xuống và ở với chúng ta.
Vào lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta mừng Thiên Chúa, Đấng tìm kiếm một mái ấm. Sự tương phản giữa dự án của vua Đa-vit và của đức Maria rất rõ rang. Đức Maria đón nhận Thiên Chúa trong ngôi nhà khiêm tốn của mình ở Na-gia-ret và Thiên Chúa đến ở trong Đức Maria. Khi đó, Đức Maria trở thành hòm bia giao ước mới, đền thờ mới của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô không do dự viết cho các tín hữu Cô-rinh-tô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.”
Vào ngày lễ Noel, Thiên Chúa đang tìm kiếm một nơi để ở. Sự xuất hiện của Ngài không phải là một “chuyến thăm chính thức” như những nhân vật vĩ đại trên thế giới, hay như những vị lãnh đạo bí mật đến một nơi nào đó được bao quanh bởi hàng trăm binh lính và nhiều vệ sĩ. Những nhà lãnh đạo này không tiếp xúc với dân thường. 
Vào ngày lễ Noel, Chúa Giê-su không bị bao vây bởi vệ sĩ và các biện pháp an ninh cẩn mật. Ngài vào thế giới chúng ta không có giấy tờ. Ngài muốn ở gần chúng ta để biết chính xác những gì đang diễn ra trong nhà và trong trái tim chúng ta. Ngài không cần các tuyến đường "an ninh" được xác định trước.
Thiên Chúa không trốn chạy những khó khăn của cuộc sống. Đơn giản Ngài là một người trong chúng ta. Ngài tự mời Ngài đến nhà chúng ta, như Ngài đã đến nhà Đức Maria. Sau đó, chúng ta có thể đưa Ngài đi khắp mọi nơi, trong thế giới đích thực, đặc biệt là nơi những người đau khổ, những người cần chúng ta giúp đỡ nhất: người bệnh, người già, người trẻ đang vật lộn với các vấn đề sức khỏe. ma túy, thất nghiệp, vô gia cư, người độc thân, v.v. Đây là những gì đã xảy ra với Đức Maria. Một khi Mẹ đã nói lời xin vâng, Mẹ đã vội vàng rời làng của mẹ để đến thăm chị họ là I-sa-ve, người cũng đang mang thai và cần sự giúp đỡ. Đức Maria muốn chia sẻ niềm vui trọng đại của mình khi được trở thành đền thờ của Thiên Chúa.
Phụng vụ chủ nhật hôm nay nhấn mạnh tựa đề: Thiên Chúa tìm một ngôi nhà. Nhưng vào ngày sinh Chúa Giêsu, thánh sử Luca ghi nhận: " không có chỗ cho họ trong quán trọ "...Và Thánh Gioan cho biết thêm: " Người đến nhà gia nhân Người, nhưng gia nhân Người đã không đón nhận Người. Tại ngôi nhà của Đức Maria, Thiên Chúa tìm được một sự đón nhận nồng nhiệt: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”. Hy vọng rằng điều đó cũng xẩy đến cho chúng ta như thế trong ngày lễ Noel sắp tới!  Mầu nhiệm Nhập thể là một lời mời gọi chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Lạy Thiên Chúa vĩ đại và quyền năng, Chúa đã trở nên xác phàm trong cung lòng một người phụ nữ, làm cho những quan niệm của con người bị đảo lộn. Và Chúa cũng muốn nhập thể trong thẳm sâu tâm hồn chúng con nữa. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con mềm mỏng và ngoan ngoãn để Chúa thực hiện tất cả sự can thiệp tình yêu của Chúa trong chúng con…Chớ gì tiếng xin vâng của chúng con không phải là tiếng xin vâng ích kỷ, nhưng là vì Chúa là Thầy của điều không có thể.  Xin Chúa làm cho chúng con hoàn toàn vâng nghe Lời Chúa như Đức Trinh nữ Maria, để Đấng nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ, cũng sinh ra trong chúng con, và làm cho chúng con trở nên ngôi nhà xứng đáng của Người. Amen.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
(Lc 1, 26 – 38)
Mọi thiếu nữ Do Thái đều nôn nóng lấy chồng, để sinh con đẻ cái làm cho dân tộc đông như sao trời và cát biển. Như vậy là thực hiện lời Giavê đã hứa với tổ phụ Áp ra ham. Ngoài ra họ còn mơ ước xa xôi may ra được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Chỉ có một mình thiếu nữ Maria không ước mơ như thế. Cô chỉ mong sống trọn đời đồng trinh, dành trọn thời giờ, công sức để phục vụ Chúa.
Thế nhưng cha mẹ của cô và cha mẹ của Giuse quyết tâm nhất trí tổ chức đám nói cho hai con của mình. Đó là quyền của cha mẹ. Cô Maria buồn lắm, nhưng vẫn chấp nhận đám nói tức là trở thành vợ của Giuse theo luật pháp. Maria vẫn tin tưởng rằng Chúa sẽ giúp cô giữ được lý tưởng đồng trinh của mình. Chúa lo bằng cách nào, thì không biết cứ phó thác cho Chúa. Thời giờ còn lâu dài vì theo tục lệ, thì một năm nữa mới rước dâu.
Đang trong thời gian vừa băn khoăn vừa phó thác ấy thì sứ thần Gaprien báo tin cho cô:
  • Cô Maria ơi! Cô sẽ thụ thai một bé trai, đặt tên là Giê su. Người sẽ ngồi trên ngai vua Đa vít tổ phụ.
  • Không được đâu, vì tôi không biết đến việc vợ chồng mà.
  • Cô đừng sợ. Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô. Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô. Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
  • Nếu vậy thì tôi xin vâng.
Vấn đề lớn lao như thế mà Đức Maria đã kết thúc bằng một lời vắn tắt “Xin Vâng”. Lẽ ra Đức Maria phải yêu cầu sứ thần báo tin này cho thánh Giuse; thế mà không. Lẽ ra Đức Maria phải yêu cầu sứ thần cho biết mình sẽ phải nuôi nấng Đấng Cứu Thế như thế nào; thế mà không yêu cầu gì hết. Không xin có một ngôi biệt thự. Không yêu cầu có một kho tiền và của để xứng đáng cho Vương quyền của Đấng Cứu Thế.
Cái vĩ đại của Đức Maria là như thế đó. Chúa sẽ thực hiện ý của Người mà mình chả cần biết. Khiêm nhu và phó thác là bản tính của Đức Maria.
Hôm nay, để tỏ ra mình là những người con của Đức Maria, thì cứ việc noi gương Đức Mẹ mà sống như thế “khiêm nhu và phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng”.
Chỉ tôn sùng Đức Maria, mà không bắt chước lối sống của Người thì chưa xứng đáng là con của Người.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
======================
Suy niệm 3
Nhịp cầu đưa Chúa đến với anh em
Lc 1, 26 - 38
Thiên Chúa là Cha nhân lành đã tạo dựng nên A-đam, E-va là nguyên tổ của loài người và cho hai ông bà vui sống trong tình yêu và ân sủng của Ngài. Tương quan giữa Ngài và ông bà nguyên tổ rất thân tình, thắm thiết như Cha - con trong gia đình.         
Điều đau buồn và đáng tiếc là hai ông bà đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa nên đã gây ra hậu quả tai hại là quan hệ nồng ấm giữa Thiên Chúa và loài người bị cắt đứt. Tội lỗi khiến con người bị tách lìa và xa cách Thiên Chúa bằng một khoảng cách gần như bất tận.
Vì tự cách ly với Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc và ân sủng, con người phải héo hon và tàn lụi dần như những chiếc lá lìa cành.
Tuy nhiên, Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương không nỡ để cho loài người phải vĩnh viễn xa lìa Ngài là cội nguồn sự sống. Ngài lên kế hoạch xây dựng một nhịp cầu vĩ đại, nối liền trời với đất, giao hoà Thiên Chúa với con người để mang lại hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu cho muôn người.
Để thực hiện kế hoạch nầy, Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến gặp Đức Maria, mời Mẹ cộng tác vào công trình hệ trọng nầy.
Sau khi biết ý định Thiên Chúa, với tinh thần sẵn sàng vâng phục của người tôi tớ, Đức Maria thưa với thiên thần rằng: "Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền."
Thế là từ lúc đó, Đức Maria trở thành nhịp cầu nối liền trời với đất, nhịp cầu kỳ diệu nhất trong lịch sử nhân loại. Thế là qua Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống với loài người, mặc lấy xác phàm và sống giữa nhân loại, để tỏ bày cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha của mọi người và dẫn đưa họ về với Chúa Cha.
Một kỷ nguyên mới được khởi sự nhờ sự vâng phục và hợp tác của Mẹ Maria. Muôn người trên khắp thế giới ngót hai ngàn năm qua đã nhờ Mẹ mà được giao hoà với Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ do Đức Giê-su mang đến.
Tuy nhiên, cho tới hôm nay vẫn còn rất nhiều người chung quanh chúng ta chưa nhận biết Đấng Cứu độ nên Thiên Chúa rất cần những nhịp cầu khác, nhỏ bé hơn, để đến với họ và đưa họ về với Ngài.
Thiên Chúa thiết tha mời gọi mỗi chúng ta hãy nối tiếp vai trò của Mẹ Maria, bắc thêm những nhịp cầu mới để đưa Chúa đến với những người chưa biết Chúa đang sống chung quanh. Cụ thể là chúng ta hãy tìm mọi cách để dìu dắt, hướng dẫn những anh chị em này về với Thiên Chúa là Cha.
Về phần mình, chúng ta có sẵn sàng đáp ứng lời mời gọi của Chúa không?
Mẹ Maria nhận thức phận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn nên đã mau mắn đáp lời Chúa mời gọi. Vậy thì chúng ta là ai mà cứ mãi nấn ná chần chừ, chẳng muốn thi hành ý Chúa, chẳng muốn tuân lệnh Chúa truyền để trở thành nhịp cầu đưa Chúa đến với tha nhân?
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con học theo gương Mẹ Maria, mau mắn vâng lời nghe lời Chúa để trở nên nhịp cầu nhỏ bé đưa Chúa đến với tha nhân.
Lạy Mẹ Maria,
Xin dạy chúng con mau mắn đáp lời Chúa mời gọi và sẵn sàng thưa với Chúa như Mẹ ngày xưa: "Nầy tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền."
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 4
“Trinh Nữ Sinh Con”
 
Mùa Vọng là mùa mong đợi, chờ đợi ở tương lai. Hy vọng hướng tới điều vui, tốt đẹp, tươi sáng hơn hiện tại. Trong phụng vụ nhắc đến hai điều: chuẩn bị tâm hồn đón mừng Lễ Giáng Sinh và mong đợi Chúa sẽ đến vào ngày quang lâm.
Đức Maria Vô Nhiễm là ngôi sao chiếu sáng trên con đường Mùa Vọng. Mẹ là  “dấu hiệu của niềm hy vọng chắc chắn, và là dấu hiệu của sự an ủi“ (LG, số 68).  Để đến được với Đức Giêsu, là ánh sáng đích thật, là mặt trời phá tan mọi bóng tối của lịch sử, chúng ta phải cần đến những ánh sáng gần gũi chúng ta hơn, cần đến những con người phản chiếu ánh sáng của Đức Kitô, và như thế, soi chiếu con đường chúng ta đi. Và ai là người có thể chiếu sáng hơn Đức Maria? Ai là người có thể tốt lành hơn Mẹ, là bình minh báo hiệu ngày cứu rỗi, để có thể trở thành ngôi sao hy vọng cho chúng ta? (x. Thông điệp Spe Salvi, số 49).
Mùa Vọng, nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria, người đã chia sẻ niềm hy vọng của dân Ítraen và đã góp phần vào việc thực hiện niềm hy vọng ấy.
Một Trinh Nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời, một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Kitô giáo. Trang Tin Mừng hôm nay được đọc trong các Lễ Đức Maria, nói lên sự thánh hiến tuyển chọn của Thiên Chúa đối với một thụ tạo được đặc ân vĩ đại nhất. Tin Mừng này được công bố muốn hướng chúng ta đến Mầu Nhiệm Nhập Thể Làm Người của Con Thiên Chúa.
Để chuẩn bị cho Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã dọn sẵn cung lòng Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền, xứng đáng cho Con Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa đã sai Sứ thần Gabrien đến Nadarét để truyền tin cho Đức Mẹ.
Sứ thần cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu "tình thương nhập thể của Thiên Chúa" (x.Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).
Tước hiệu “Bà đầy ơn phước” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chỗ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa.
Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt. Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.
Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ” vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông. Mẹ đẹp thánh thiện. Mẹ đẹp cao quý. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.
Sứ thần Gabrien cũng mời gọi Đức Maria hãy vui lên vì giờ cứu độ của Thiên Chúa đã đến. Sứ thần tiếp:  “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Đavít tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và vương quyền của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,31-33). Là một tâm hồn luôn luôn nghiền ngẫm Kinh Thánh, chắc hẳn Đức Maria nhớ lại lời Chúa đã dùng ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavít xưa. Nhưng điều Mẹ không hề bao giờ nghĩ tới là mình có thể có vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể được” đầu tiên là làm sao mình có thể sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi? Sau khi được sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Mẹ đã khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành thánh mẫu của Thiên Chúa. “Cuối cùng, sau những thế kỷ dài chờ đợi cho lời hứa được thực hiện, thì với Đức Maria người thiếu nữ Sion cao sang, thời gian đã nên trọn và nhiệm cuộc mới được thiết lập khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Người để giải thoát con người khỏi tội nhờ các mầu nhiệm của thân xác Con Chúa” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 55).
Bài Tin Mừng hôm nay thường gọi dưới tựa đề là " Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ". Nhưng Sứ Thần và Đức Mẹ đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là Đức Giêsu. Trang Tin Mừng này giới thiệu căn tính của Đức Giêsu. Đó là nội dung chính của Truyền Tin. Qua lời của Sứ Thần mà chúng ta biết Giêsu là “Con Đấng Tối Cao", là “Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”.
Đức Maria sẽ nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ sẽ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần "Thánh Thần sẽ ngự trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.". Vì thế Đấng Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Nếu việc thụ thai Gioan Tẩy Giả đòi hỏi một phép lạ, thì việc thụ thai Đức Giêsu đòi hỏi một phép lạ lớn hơn nhiều, đó là Ngài được thụ thai bởi một Trinh Nữ. Đức Giêsu không chỉ là Đấng Mêsia mà dân Do thái hằng mong đợi, Ngài còn là Đấng cao cả, thánh thiện hơn nhiều; Ngài là "Con Thiên Chúa" theo nghĩa viên mãn chưa từng có.
Sau tiếng Xin Vâng đầu tiên, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm nhập thể đã bắt đầu ngay từ giây phút này. Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại. Từ đó Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công trình của Con Mẹ. Từ đó vai trò Trung Gian của Mẹ đã khởi đầu. Từ đó, Mẹ trở nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô (Gal 3,28).
Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ trọn đời đồng trinh bởi vì đã được Thánh Thần chiếm ngự cả hồn xác. Thánh Giuse nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người vợ của mình, nên cũng hiến dâng chính mình để phục vụ công trình cứu độ của Thiên Chúa. Sống trinh khiết vì Nước Trời là ơn của Thánh Thần chứ không phải do gồng mình mà sống được, vì thế nó là dấu chỉ rằng Nước Trời đang hiện diện, quyền năng của Thiên Chúa đang hành động trong con người và giữa con người. Mầu nhiệm “Trinh nữ sinh con” do Ngôn sứ Isaia loan báo đã thành sự trọn vẹn nơi thân mẫu Chúa Giêsu, nên Giáo hội vẫn tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ trọn đời đồng trinh.
Đức Mẹ xin vâng ý Chúa.Tuân phục là một nhân đức quan trọng, quý hơn cả lễ vật và có liên quan đức tin: có tin tưởng thì mới vâng lời. Đức Mẹ là người tuyệt đối tín thác vào Thiên Chúa nên cũng tuyệt đối tuân phục Ngài. Đức tuân phục là một trong ba lời khấn của các tu sĩ, nhân đức này phải được dựa trên nền tảng kiên cố là đức khiêm nhường.
Mẹ sống hoàn toàn cho tiếng xin vâng trong sự tín thác, đặt trọn cuộc đời mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Khởi đi từ làng quê Nadarét cho đến đỉnh đồi Gôngôtha, hiệp thông với Con yêu dấu từ thuở ấu thơ đến khi bị treo trên cây thập giá, Mẹ đã diễn tả lời xin vâng ấy theo dọc chiều dài cuộc đời của con mình. Mẹ vui lòng đón nhận mọi biến cố vui-buồn-sướng-khổ theo thánh ý Thiên Chúa. Mẹ trở nên mẫu gương cho tất cả chúng ta tiếp tục thưa xin vâng trong bí tích Thánh tẩy.
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ cao cả, thánh thiện, đáng yêu, đáng mến. Mẹ cầu bàu cho chúng ta trước tôn nhan Chúa. Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa.
Xin Chúa cho chúng con được trở nên con ngoan thảo của Mẹ, để Mẹ dễ dàng tỏ cho chúng con thánh ý Chúa và hướng dẫn chúng con biết sống đẹp lòng Chúa hàng ngày.Amen. Lm Giuse Nguyễn Hữu An ====================== 
Suy niệm 5
Ôi Thật Diễm Phúc Vì Có Thiên Chúa Ở Cùng!
(Mt 1, 18 – 24 )

Theo các nhà khoa học tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP23) diễn ra ở thành phố Bonn của Đức thì tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Thống kê từ Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cho biết, có khoảng 17% diện tích rừng Amazon đã bị phá hủy. Trái đất nóng lên từ 1-3 độ C có thể khiến biển băng ở Bắc Cực tan chảy, nhiều rạn san hô và sông băng trên núi cũng bị biến mất. Nhân loại đang ở giữa Cuộc Đại tuyệt chủng.
Nhân loại đang sống trên trái đất chịu tổn hại nặng nề: ô nhiễm
Sông ngòi, biển cả và không khí bị ô nhiễm, con người chen chúc chung một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những kiến trúc cổ quái kỳ lạ, gọi những nơi này bằng cái tên đẹp đẽ là thành phố, tạo nên các loại rác khó mà phân hủy được.
Trái đất rung mình chuyển động, núi lửa phun trào bốc khói, toàn thân run rẩy, sóng thần và biển động gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt, dịch bệnh bùng phát khắp nơi, cũng như các triệu chứng ác liệt khiến con người càng ngày càng khó sống… nói chung, sự sống trên mặt đất của con người và mọi sinh vật đang bị đe dọa, và người ta vẫn đang tìm một hành tinh xanh khác dễ sống hơn.
Về phương diện con người theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên cao trong khu vực Ðông – Nam Á cũng như trên thế giới. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có khoảng 250 đến 300 nghìn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, khoảng từ 20 đến 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và từ 60 đến 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 19. Khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số này thật đáng sợ.
Một vài dẫn chứng trên cho thấy trái đất này, con người ngay nay khó sống và khó yêu quá.
Trái đất và con người đang như thế, nhưng  Đức Giêsu con Thiên Chúa đã đến sống cùng chúng ta, như  Isaia loan báo: “Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi“. Những lời trên đây được lặp lại trong các ngày này, đặc biệt Chúa nhật thứ IV, để khẳng định rằng Trái đất vẫn rất đáng yêu và con người vẫn còn đáng mến. Thiên Chúa đến vì mến địa cầu, Thiên Chúa thương vì tình thương vấn vương khi tạo dựng.
Toàn bộ phụng vụ xoay quanh lời ngôn sứ: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta“. (Is 7,14 ; Mt 1,23). Nếu bài đọc I, ngôn sứ tuyên sấm lời Thiên Chúa hứa: “Sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai…” ((Is 7,14), thì lời hứa ấy được thực hiện trong Bài Tin Mừng : Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai …” Mt 1,23). Câu này tiếp tục lặp lại trong phần alleluia và cả phần Ca hiệp lễ nữa.
Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta, vì Ngài vẫn còn tin tưởng chúng ta!… Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi buồn. Vì thế, Trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi Thiên Chúa đến cắm lều, gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người.
Thiên Chúa xuống thế làm người vì chúng ta, tất cả chúng ta đều cảm thấy mình được yêu thương và được đón nhận; chúng ta khám phá mình có phẩm vị quý giá và duy nhất trước nhan Ðấng Tạo Hoá.
Ðấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi sinh ra trong cảnh khó nghèo tại Bêlem, Chúa Giêsu đã muốn trở thành bạn đồng hành với mỗi người chúng ta. Trên mặt đất này, kể từ khi Người muốn “dựng lều” để cư ngụ, thì không còn ai là kẻ xa lạ nữa. Thật vậy, tất cả chúng ta là những khách lữ hành sống tạm qua trên trần gian này, chính Chúa Giêsu là Ðấng làm cho chúng ta có cảm nghiệm dường như mình đang sống tại nhà mình, trên mặt đất này, nơi được thánh hoá do bởi sự hiện diện của Chúa. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biến trái đất này trở thành căn nhà đón tiếp tất cả mọi người.
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta“. (Is 7,14 ; Mt 1,23). Các Giáo Phụ đã giải thích. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé, đến độ vào được trong máng cỏ. Ngài trở nên trẻ thơ để dạy chúng ta yêu thương những trẻ thơ và những kẻ yếu đuối. Bằng cách thế như vậy, Ngài dạy chúng ta tôn trọng trẻ thơ, những em đang đau khổ và bị lạm dụng trên thế giới, những em đã được sinh ra cũng như những trẻ không được sinh ra. Ngài dạy chúng ta nhìn đến những trẻ bị đưa vào trong thế giới của bạo lực, như làm lính, phải đi ăn xin, phải khổ vì nghèo vì đói, những trẻ em không được hưởng chút tình thương. Chính Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên trẻ thơ, mời gọi chúng ta dấn thân, ngõ hầu sức mạnh của tình yêu Chúa chăm sóc cho tất cả các trẻ em này; để phẩm giá của các em được tôn trọng.
Nhưng khi Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người của chúng ta, Ngài không hiện diện giữa nhân loại ở một nơi an nhàn lý tưởng, nhưng ở trong thế giới thực này, với bao điều tốt đẹp và xấu xa, với những chia rẽ, sự dữ, nghèo đói, lạm dụng quyền lực và chiến tranh. Ngài chọn tham gia vào lịch sử của chúng ta như lịch sử ấy vốn thế, với tất cả gánh nặng của những giới hạn và bi kịch của nó…. Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta… trong mọi nỗi khổ đau của lịch sử. Chúa Giêsu được sinh ra là minh chứng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía con người, một lần và mãi mãi, để cứu chúng ta và nâng chúng ta lên khỏi bụi bặm của khổ đau, của khó khăn và tội lỗi chúng ta”.
Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa ở cùng, ấy là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền… Chúa Giêsu được sinh ra mang đến cho chúng ta tin vui rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và yêu thương mọi người và từng người trong chúng ta. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=====================
Suy niệm 6
Tiếng xin vâng của Mẹ
2Sm 7,1-5.8b-12.14a-16; Rm 16, 25-27; Lc 1, 26-38
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Sứ Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria chịu thai Đấng Cứu Thế. Nhờ lời thưa “xin vâng” của Mẹ như chìa khóa mở cửa nguồn ơn Cứu Độ. Từ đây, chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện, tiếng xin vâng của Mẹ thay đổi cả thế giới, ơn Cứu Độ được ban xuống cho nhân loại.
Mẹ quá ư tuyệt vời, chẳng vậy lời đầu tiên sứ thần Gabriel mang đến tặng Mẹ là: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Mẹ đơn sơ khiêm hạ, nên bối rối trước lời khen tặng ấy. Lúc đầu Mẹ cũng phản ứng cách tự nhiên theo lẽ thường mà thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đã cắt nghĩa và chứng minh rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được. Mẹ là Đấng đầy ân sủng và luôn “có Chúa ở cùng”, nên Mẹ đã để Chúa làm chứ không nhìn vào sức mình, mà can đảm liều mình đáp lời với hai tiếng “xin vâng” làm đổi thay cho cả thế giới. Mẹ đã mềm lòng ra để cho Chúa “chiếm đoạt”: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”.  Ngày nay trước sứ vụ hay những công việc lớn nhỏ, chúng con thường chỉ nhìn vào sức mình nên sợ và chối đay đảy. Nhưng một khi có Chúa ở với thì “phận nữ tỳ” trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, dù là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng có Chúa ở cùng, chúng con sẽ thành chi thể, bạn hữu và anh em của Người.
Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con cũng được Đấng Emmanuel ở với chúng con, chúng con phải làm sao để Đấng ấy được lớn lên trong chúng con. Ngày nay con vẫn luôn hát bài ca “Xin vâng” của Mẹ. Lúc hát thì có vẻ dễ dàng, hăng hái như “thuộc lòng” hai tiếng “xin vâng” tự bao giờ. Khi vui vẻ hạnh phúc thì cũng dễ dàng nói lớn hai tiếng “xin vâng”. Vậy mà trong những lúc gặp khó khăn, biến cố nghịch cảnh, thất bại… con lại thấy khó làm sao khi thưa lên hai tiếng ấy cách hăng hái thật lòng. Làm sao con học với Mẹ đây? Trọn cuộc đời Mẹ chỉ hai tiếng “xin vâng” trước mọi biến cố trong đời. Mẹ xin vâng trong biến cố Truyền Tin hôm nay, xin vâng khi đem con đi trốn, khi lạc mất con… nhất là khi đứng dưới chân thập giá.
Mẹ ơi! nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ mà nhân loại chúng con được phúc “đổi đời”! Con nức lòng biết ơn và cám ơn Mẹ, vì nhờ Mẹ mà nay con có Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Emmanuel, để con mãi được “ở với” Ngài. Xin Mẹ dạy con sống với Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ, nhờ Mẹ với Mẹ và trong Mẹ, giữa cuộc đời trần tục đầy sóng gió của con.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log