Chúa nhật, 28/04/2024

Suy niệm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Chúa nhật 33 Thường niên A

Cập nhật lúc 09:57 11/11/2020
Suy niệm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Suy niệm 1
Nếu ai muốn theo Tôi
(Lc 9, 23-26)
 
Các thánh tử đạo của Ki-tô giáo không phải những vị anh hùng theo kiểu người đời:
- Họ can đảm chết để bảo vệ một chủ nghĩa chính đáng hoặc không chính đáng nào đó.
- Họ muốn được nổi danh mặc dù phải can đảm đương đầu với một cái chết tàn bạo.
- Họ ôm bom tự sát, họ là những anh hùng liệt sỹ hy sinh cho Tổ quốc.
Các thánh tử đạo của Ki-tô giáo không phải là như vậy!
- Các ngài trao ban sự sống của các ngài vì tình yêu làm chứng cho đức tin.
- Các ngài là những người mà chúng ta hát lên bài: “Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm đượm máu hồng, từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu”.
Mừng lễ các thánh tử đạo tại Việt Nam hôm nay, trước hết chúng ta hãy hướng về thập giá Chúa Ki-tô. Chúa Ki-to giang rộng hai cánh tay trên thập giá. Đó là mầu nhiệm Thập giá Chúa Ki-tô, chỉ một mình Ngài mới giải thích được ý nghĩa sâu thẳm để chúng ta tôn vinh các thánh tử đạo tại Giáo Hội Việt Nam chúng ta.
Chỉ một tháng nữa, chúng ta sẽ mừng lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Độ. Khi thờ lạy Chúa Hài Đồng trong máng cỏ, chúng ta nhận thấy Ngài nghèo khó, bé bỏng và đơn hèn. Đó chính là mầu nhiệm Thập giá mà chúng ta sẽ có thể thoáng thấy. Mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm cứu độ liên kết chặt chẽ với nhau và được đóng dấu bằng Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa được cụ thể hóa đối với nhân loại chúng ta là Ngôi Hai xuống thế làm người, trở nên một người như chúng ta. Ngôi Hai Thiên chúa làm người đến trần gian để nâng chúng ta lên địa vị cao quý là trở nên con Thiên Chúa, nhờ giá máu của Ngài. Đó chính là tình yêu cao độ của lòng thương xót. Con Thiên Chúa cũng là người tử đạo đầu tiên.
Thiên Chúa cứu độ chúng ta là như vậy. Các thánh tử đạo tại Việt Nam cũng được cứu độ nhờ tình Yêu cứu độ của Chúa Ki-tô, Đấng cứu độ duy nhất.
- Các ngài làm tấm gương không phải cho người thời xưa mà còn cả thời đại chúng ta hôm nay và đặc biệt nhiều hội đoàn nhận các ngài làm bổn mạng.
- Các ngài muốn nói lên rằng cái chết của Chúa ki-to không phải là điều phi lý.
- Các ngài đã giặt tấm áo của các ngài bằng máu Chúa kito đã đổ ra trên thập giá.
- Các ngài muốn các tín hữu Việt Nam, giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn chúng ta đừng bao giờ hững hờ về đời sống đức tin.
- Các ngài hiến dâng mạng sống mình vì trung thành với Thập giá Đấng cứu Độ bằng cách hòa máu của các Ngài với máu Con chiên tinh tuyền. Qua đó, các ngài làm chứng tình yêu thử thách lớn nhất để cùng với Chúa Kito cứu chuộc tất cả mọi người.
Vì tình bác ái cao cả, như Chúa Ki-tô, và nhất là cùng với Chúa Kito, nhờ Chúa Kito và trong Chúa Kito, các ngài đã chiến thắng hận thù và thắp lên ánh sáng lòng thương xót Chúa.
Tấm gương các thánh tử đạo tại Việt Nam mà hôm nay chúng ta mừng lễ,
- Là một niềm an ủi lớn lao cho tất cả chúng ta đang vững bước trên hành trình đức tin của mình.
- Là nguồn sức mạnh để chúng ta vượt qua những thử thách.
- Và là dấu chỉ sáng ngời của ơn thánh Chúa, vì  chúng ta nhận ra ở đó quyền lực của Thiên Chúa được tỏ rõ trong sự yếu đuối như lời kinh Tiền Tụng lễ các thánh tủ đạo.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Nhân chứng của các thánh tử đạo tại Việt Nam, là sứ mệnh của những người đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là hãy ra đi, xây dựng và tuyên xưng”.. Chúng ta cũng có thể làm được như vậy nếu chúng ta biết vác thập giá Chúa Ki-to.
Đức Thánh Cha Phanxico nói tiếp: “Khi chúng ta xây dựng Giáo Hội không có Thập giá, và khi chúng ta tuyên xưng một Chúa Ki-to không có Thập giá, thì chúng ta chỉ là môn đệ của người đời mà thôi…Ra đi cùng với Chúa và cả với Thập giá Chúa; xây dựng Giáo Hội trên máu của Chúa đã đổ ra trên Thập giá; và tuyên xưng vinh quang duy nhất , đó là Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Và cứ như vậy Giáo Hội mới có thể thẳng tiến được”.!
Nghe đọc trên các trang mạng, trong thời kỳ này, Giáo Hội Công Giáo chúng ta luôn luôn phải đương đầu với thập giá. Chính Đức Thánh Cha Phanxico cũng đang bị người đời chỉ trích và phê phấn. Nhiều người công giáo chúng ta có thể bị lung lay đức tin cách này cách khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài và cho Giáo Hội. Hãy luôn khắc ghi trong tâm hồn lời Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phê-rô: “Phêro, con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy, dù quỷ hỏa ngục dấy lên, cũng không phá nổi”!
Cùng chịu đau khổ vác thập giá với Chúa Kito, đó cũng là sức mạnh của truyền giáo. Giáo phụ Tertuliano nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Chịu khổ nạn với Chúa Giêsu
Lc 9,23-26
Chúa Giê-su là Thiên Chúa Ngôi Hai đầy quyền năng phép tắc đã xuống thế làm người và thiết lập Hội thánh để mang lại ơn cứu độ cho muôn dân.
Lẽ ra, để có thể lôi kéo được nhiều người gia nhập Hội thánh của mình, Chúa Giê-su hứa ban cho người ta nhiều phúc lộc. Ngài có thể kêu gọi: Ai theo tôi sẽ được quyền cao chức trọng; ai theo tôi sẽ được giàu sang phú quý, ai theo tôi sẽ được an vui hạnh phúc suốt đời…
Với quyền lực vô cùng lớn lao, Ngài có thể ban cho những kẻ theo Ngài bất cứ điều gì họ muốn. Thế là muôn dân muôn nước tìm đến thờ lạy Ngài, chúc tụng Ngài và Hội thánh sẽ lan rộng khắp nơi trong một thời gian ngắn…
Thế mà, thay vì hứa ban cho những ai theo Ngài nhiều lợi lộc trần gian, Chúa Giê-su kêu gọi “Ai muốn theo tôi thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Lc 9, 23).
“Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,27).
Thế rồi đúng như lời Chúa nói, các tín hữu Chúa đã bị bách hại suốt hai ngàn năm qua, cũng như đang bị bách hại hôm nay tại nhiều nơi trên thế giới và sẽ còn bị bách hại mãi cho tới ngày tận thế. Máu của các ngài vẫn tiếp tục đổ, khổ hình đủ loại đang giáng xuống trên các ngài. Thống khổ biết bao!
Và ngay cả chính Chúa Giê-su, là đầu của Hội thánh, hôm nay cũng đang bị sỉ nhục khắp nơi. Người ta dùng phim ảnh, sách báo và những lời thô bỉ để sỉ nhục, phỉ báng Ngài. Các thánh giá trên các giáo đường thờ kính Ngài đang bị giật đổ xuống, tượng ảnh của Ngài ở nhiều nơi cũng đang bị chặt đầu, chặt tay… Thế mà Ngài vẫn im lìm gánh chịu!
Tại sao Chúa cứ tiếp tục chịu khổ nạn như thế? Tại sao các tín hữu là những chi thể của Ngài phải chịu bách hại đau thương như thế? Tại sao các thánh tử đạo tại Việt Nam là phần thân thể Ngài phải chịu vô vàn đau thương như thế?
Thưa là để đền tội cho loài người. Loài người phạm tội thì theo luật họ phải bị khổ hình và phải trầm luân đời đời trong hỏa ngục. Luật Chúa đã quy định như thế, không thể xóa bỏ được.
Nhưng nếu để cho người tội lỗi phải chịu khổ hình và phải đau khổ đời đời trong hỏa ngục, thì Thiên Chúa đau lòng không chịu nổi; vì thế Chúa Giê-su và những chi thể của Ngài chấp nhận chịu khổ nạn thay, chịu chết thay, để nhờ Ngài chịu khổ nạn mà muôn người được ơn tha thứ; nhờ Ngài chịu chết mà muôn người được thoát khỏi cảnh trầm luân đời đời trong hỏa ngục.
Hôm xưa, cách đây 2.000 năm, Chúa Giê-su trực tiếp chịu khổ nạn cùng với Mẹ Maria và một ít môn đệ và nay, Chúa Giê-su tiếp tục chịu khổ nạn cùng với chúng ta, với các thánh tử đạo… là những chi thể trong thân mình Ngài, để tiếp tục đền tội cho muôn người tội lỗi.
Như thế, cái giá mà Chúa Giê-su và các thánh tử đạo phải trả để đền thay tội lỗi loài người, để cứu họ khỏi sa hỏa ngục, lớn lao không thể nào tả xiết!
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, Chúa không mời gọi chúng con chịu tù đày, xiềng xích, giam cầm, tù ngục… hay phải ra pháp trường đổ máu đào để góp phần với Chúa đền tội cho muôn người tội lỗi, thì xin cho chúng con vui lòng chịu đựng gian lao, đau khổ, cực nhọc hằng ngày để hiệp thông vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu mang lại ơn tha thứ cho các linh hồn. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Chỉ Một Bước Chân
Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo”.
Trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn một trăm ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong dòng thời gian bị bách hại, các Kitô hữu phải trải qua một trong những thử thách đức tin là bước qua thập giá. Quan quân thời đó thường đặt một cây thập giá dưới đất rồi bắt các Kitô hữu bước qua. Đôi khi chỉ là hai cây gỗ bắt chéo nhau. Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình dã man. Ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bỗng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình.Bước qua là được tiếp tục sống an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất cả mạng sống. Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Đã có người bước qua, và cũng có người không.
Có người bị khiêng qua thánh giá nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận, đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế; các ngài vẫn khẳng khái nói không, không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.
Đứng trước thập giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.Giây phút đứng trước thập giá là giây phút quan trọng.Quyết định không bước qua thập giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất...Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa dứt khoát: theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là vác thập giá, sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).
Thánh Nữ Inê Lê Thị Thành, sinh tại làng Bái Điền, địa phận Thanh Hóa, vào khoảng năm 1781; nhưng sau này theo mẹ về quê sống tại làng Phúc Nhạc, địa phận Phát Diệm. Năm lên 17 tuổi bà kết duyên cùng ông Nhất và sinh được 2 trai, 4 gái. Vì con trai đầu lòng tên Đê, nên theo tục lệ thời ấy, dân chúng gọi hai người là ông bà Đê. Suốt 60 năm trời, cuộc đời của bà êm đềm trôi qua trong nghĩa vụ làm người vợ thảo, mẹ hiền.
Thế rồi, vào lối tháng 3 năm 1841, có 4 linh mục thừa sai về đến làng Phúc Nhạc. Họ chia nhau ẩn trú mỗi người tại một nhà giáo dân. Bà Đê được vinh dự che dấu cha Thành trong nhà mình. Nhưng một ngày kia, ông Đễ, một giáo dân thường hay theo giúp cha Thành, đã thay lòng đổi dạ, ham tiền thưởng nên đi mật báo với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Thế là quan tổng đốc bất thần đem 500 quân về vây làng Phúc Nhạc vào rạng sáng Phục Sinh, 14-4-1841. Cha Thành và cha Ngân nhanh chân trốn kịp. Cha Nhân trốn trên gác bếp vô tình để gấu áo lò ra ngoài kẽ ván nên bị bắt. Cha Lý, đang ẩn bên nhà ông trùm Cơ, lúng túng không tìm được đường tẩu thoát, nên chạy sang nhà bà Đê ẩn núp. Bà dẫn cha ra vườn sau, dấu cha dưới đường mương, rồi mẹ con bà lấy rơm rác phủ dấu che cha. Nhưng quan quân đã thấy cha Lý chạy sang nhà bà Đê, nên kéo đến vây kín, lục soát thật kỹ, cuối cùng họ đã bắt được cha Lý, bắt luôn bà Đê áp giải về Nam Định. Với tuổi cao sức yếu, lại phải mang gông cùm nặng nề, đoạn đường từ Phúc Nhạc về đến Nam Định đã trở thành chặng đàng thánh giá, con đường dẫn đến Núi Sọ.
Tại Nam Định, bà đã bị lôi ra tòa, bị đánh đập nhiều lần nơi công đường, khi thì bằng roi, khi thì bằng cây củi lớn, nhưng bà vẫn một mực trung kiên tuyên xưng đức tin.
Lính vừa đánh vừa lôi bà dẫm lên thánh giá. Bà vùng ra rồi nằm sụp xuống ôm lấy thánh giá. Bà cầu nguyện: Chúa con ơi, xin thương con, con không bao giờ bỏ Chúa đâu. Họ cậy con là đàn bà yếu đuối mà ép lôi con dẫm lên thánh giá. Con không bỏ Chúa đâu, con không bỏ Chúa đâu. Xin thương giúp con.
Quan: Con mụ già này to gan thật. Được, để ta xem ngươi to gan đến đâu. Quân bây đâu.Đem rắn độc ra cho ta.Túm áo túm quần nó lại. Thả rắn độc vào mình nó, để xem nó to gan đến đâu, xem Chúa nó có cứu nó được không? Lính thi hành. Nhưng bà vẫn bình tĩnh đứng yên. Quan đi từ khoái chí đến kinh ngạc, rồi giận dữ.
Quan: Lôi nó vào ngục, đánh cho nó thêm một trận nhừ đòn. Đánh cho toát máu, cho áo quần nó phải đẫm máu mới thôi.
Cô Nụ, con bà Đê đến xin thăm nuôi mẹ. Một người lính lôi bà Đê ra. Vừa thấy mẹ, cô Lucia Nụ òa lên khóc vì thấy mẹ quá tiều tụy, áo quần rách nát, đẫm máu. Nhưng bà vẫn vui vẻ an ủi con.
Cô Nụ: Mẹ, sao áo quần mẹ tả tơi, đẩm máu thế này.
Mẹ: Con ơi, con đừng có khóc. Con hãy vui mừng với mẹ, vì mẹ đang mặc áo hoa hồng đây. Áo này là áo đau khổ vì Chúa mà. Con phải vui mừng với mẹ mới đúng.
Cô Nụ: Mẹ, sao mẹ khổ thế này!
Mẹ: Con ơi, con đừng khóc nữa. Mẹ đang sung sướng kia mà. Mẹ sắp được chết cho Chúa đây, còn gì phúc hơn. Con phải mừng với mẹ, cám ơn Chúa với mẹ mới đúng chứ. Con hãy về đi, về đi và cho mẹ gởi lời thăm hỏi mọi người. Các con hãy cố gắng giữ đạo cho sốt sắng, rồi một mai mẹ con ta sẽ lại đoàn tụ trên thiên đàng.
Bên cạnh những cực hình của ngục tù, đòn vọt, bà Đê lại mắc thêm bệnh kiết lỵ. Chính trong cảnh tù đày, đòn vọt, bệnh tật này, bà đã nhìn lên Đức Giêsu tử nạn, để tìm thấy lẽ sống cho đời mình, để múc lấy sức mạnh vác thánh giá cho đến hơi thở cuối cùng.Và cũng như Đức Giêsu trên thánh giá, bà đã cầu nguyện cùng Chúa trong cơn hấp hối: Lạy Chúa... xưa Chúa đã chết cho con... thì nay con xin hết lòng vâng theo Ý Chúa...Xin Chúa tha thứ cho họ... cũng như tha hết... mọi tội của con. Rồi bà gục đầu tắt thở trong tay cô Nụ.
Cô Nụ: Mẹ, và ôm xác mẹ khóc nức nở.
Bà Đê đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12-7-1841, sau ba tháng bị giam cầm, thọ 60 tuổi. Lính đã đến đốt ngón chân bà để biết chắc bà đã chết. Sau đó thi hài bà được đem chôn tại Năm Mẫu, sau lại được cải táng đưa về Phúc Nhạc. Vị thánh nữ đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam.(x.Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Trong Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Linh mục Vinh sơn Bùi Đức Sinh, trang 216-220).
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.
Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn. Ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống. Ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, bởi lẽ “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Đây là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ.
Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.
Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh Giá, Thánh Thể không có ý nghĩa. Không có Thánh Thể, Thánh Giá chỉ là thất bại.Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhờ sức mạnh của Thánh Thể nên đã chọn Thánh Giá cách tuyệt đối và quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Là con cháu của các ngài, xin cho chúng con luôn khôn ngoan trong những chọn lựa của đời sống hàng ngày. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 4

Vạn Tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Khởi đi từ Chúa nhật ngày 19/6/1988, ngày thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Giáo Hội đã chọn ngày 24/11 để cả hoàn vũ cùng mừng kính các ngài.
Hàng năm cứ đến ngày này là người công giáo Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại ở khắp Năm Châu đều hướng về các thánh với sự hãnh diện, tự hào và dâng trào lòng tri ân cảm tạ, quyết tâm sống Đạo. Đúng như lời giảng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại quảng trường thánh Phêrô, ngày 19/6/1988 như sau: “Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm thấy nhu cầu đứng chung quanh các thánh, để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa mến thương hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này các con hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt các con cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng”.
Làm sao kể lại cho hết ? Tất cả là 117 vị Tử Đạo hiển thánh và 1 vị Á thánh, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành mẹ của sáu người con.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, khởi đi từ những bước chân thừa sai của các nhà truyền giáo. Sách Khâm Định Việt Sử ghi lại sự đặt chân của giáo sĩ  Inikhu vào năm 1533 trên đất Việt, làng Ninh Cường và Trà Lũ. Tiếp theo là Gaspar da Cruz, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques v.v. với dòng thời gian, hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt đã âm thầm mọc lên và sinh hoa kết trái. Năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai Địa phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi đến năm 1960, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, nay tròn 60 năm.
Ba trăm năm loan báo Tin Mừng, một trang sử truyền giáo hào hùng, nhưng cũng đầy đau thương và đẫm nước mắt. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc! Tuy nhiên, một trang sử mới đã mở ra nhờ sự hy sinh tuyệt vời của các thừa sai, cũng như hàng hàng lớp lớp người tử vì Đạo đã nằm xuống với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam, từ các tỉnh phía Bắc đến tận miền sáu tỉnh phía Nam, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX làm cho Hội Thánh lớn lên và phát triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt, đúng như lời Tertullien đã viết:  “Máu tử  đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”.
Đúng, máu các thánh Tử đạo đã đổ chan hòa mặt đất. Những dòng máu thuộc đủ thành phần xã hội: từ người làm nông đến chài lưới, từ thương lái đến lương y; từ học sinh đến thầy đồ; từ lý trưởng, cai tổng, binh lính đến quan văn, quan võ; từ giáo dân, ông trùm, ông quản đến chủng sinh, linh mục, giám mục; từ người ngoại quốc đến người bản địa… Tất cả đều mang trong mình một niềm tin son sắt, một tình yêu nồng cháy, một tinh thần can đảm quật cường, sẵn sàng chịu muôn ngàn thử thách vì danh thánh Chúa Kitô. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt, các ngài vẫn một lòng trung thành với Đạo Chúa. Dù bị tra tấn, hành hình man rợ, các ngài vẫn một lòng yêu mến Chúa. Các ngài đã yêu đến cùng, yêu đến thí mạng, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã bách hại mình.
Hôm nay đây, chúng ta hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính các ngài, trong hân hoan và hãnh diện. Chúng ta tôn vinh, tri ân các ngài và cùng nhau hô vang: Vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo anh hùng.
Lời Chúa trích sách Khôn Ngoan: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài” ( Kn 3, 1 ). Quả quyết như trên có vẻ là không chính xác với thực tế lịch sử: thực ra đau khổ đã va chạm thân xác các ngài đến ghê sợ như: tùng xẻo, lăng trì, chặt đầu. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp tục quảng diễn tư tưởng: “Đối với mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thực ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ  hình, lòng cậy trông của các nài cũng không chết” ( Kn 3, 2 – 4).
Đúng là: “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời » (Thánh Phêrô Truật) ; « Thân xác tôi ở trong tay quan… nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được” (Thánh Phaolô Tịnh)
Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, các ngài được nhiều ơn vĩ đại, “vì Thiên Chúa đã luyện lọc các ngài và thấy các ngài xứng đáng, Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu” (Kn 3, 5- 6). Trong Chúa Kitô các ngài được Thiên Chúa cứu rỗi.
Chúng ta, dòng giống các vị tử Đạo. Hôm nay, hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: “Trong ngày phán xét, người công chính sẽ chói sáng và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau”. (Kn 3, 7) Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rữc rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: “Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài đến muôn đời”(Kn 3, 17).
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin giúp chúng con trung thành với Đức tin đã lãnh nhận, yêu mến Chúa, và Giáo hội bằng tinh thần cộng tác, hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 5
Kn 3,1-9; 1Cr 1,17-25; Mt 10,17-22
Thầy Giêsu sai các môn đệ ra đi làm chứng cho Thầy và dặn trước rằng:“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại.” Nghe những lời này ai cũng cảm thấy sợ hãi muốn chùn bước chân. Chính Thầy Giêsu là lá cờ đầu tiên phong, là vị Tử Đạo đầu tiên đã bị nộp, đánh đập và bị đóng đinh chết nhục nhã đau thương. Kế đến các tông đồ, theo sau là các thánh Tử Đạo cũng đã bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền. Các ngài đã trải qua bao nhiêu cấm cách, bắt bớ, đánh đập giết chóc đau thương với nhiều cách ghê sợ. Những hình ảnh đó thật đúng là chiên đi vào giữa “bầy sói”.
Nhưng ngày nay Thầy sai chúng con đi vào thế gian, giữa thời đại @, không có sói. Nhưng nhiều khi mạnh ai nấy sống, người ta mải mê kiếm tìm lợi nhuận hưởng thụ, của cải, danh vọng, tìm cách vươn lên làm giàu, chứ chẳng tìm bắt bớ, bách hại lẫn nhau. Không thấy ai nộp chúng con cho hội đồng, không bị đánh đập trong hội đường hay điệu ra trước nhà chức trách vì Chúa. Nhưng cũng chính trong thời đại bon chen xô bồ này, chúng con bị thách thức, bắt bớ bởi những cám dỗ đam mê, tiền, vàng, đôla, nhà đất… Chúng làm lé mắt, lôi kéo trói buộc, chúng con thật khó để chiến đấu mà giải thoát gỡ mình ra khỏi. Vì bản năng con người lại thích “sự êm dịu” của nó. Cũng chính vì những lợi lộc trần gian này, vì tiền của, nhà đất, ruộng vườn mà người ta bon chen giành giật, vu oan kiện cáo đưa nhau ra tòa không phân biệt thân sơ. Từ đây có cảnh “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Báo chí cập nhật đăng tải bao cảnh bê bối tang thương ngay từ giữa gia đình.
Phải đối xử làm sao, chiến đấu ra sao với những thử thách gian truân nơi đường trường dương thế này? Lúc ấy “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Chính Thầy Giêsu đã đi bước trước và thực hiện trong các vị Tử Đạo. Mọi khó khăn đau khổ sẽ được trả lại bằng vinh quang. Nhưng với điều kiện phải trung thành trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cho đến giây phút cuối cuộc đời: “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
Lạy Chúa! Chúa sai con đi vào giữa cuộc đời đầy khó khăn thử thách và đủ thứ cám dỗ gọi mời. Xin ban cho con sự khôn ngoan cần thiết, để con nói năng, hành động theo Thần Khí Chúa. Được đồng hình đồng dạng, nên một trong Chúa, con được trở nên thụ tạo mới. Nếu được như vậy, con luôn vững tâm, can đảm khi đối diện với những khó khăn. Bởi vì “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Có thể con sẽ lãnh phần thua thiệt trong cuộc sống, nhưng nhờ “bền chí đến cùng” con sẽ được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban. Amen.
Én Nhỏ
                                           
=======================
Suy niệm Chúa nhật XXXIII Thường niên A
Suy niệm 1

Khi Thiên Chúa tin tưởng con người
Mt 25, 14-30
 
Dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay, không gửi đến những nhà quản lý kinh tế tài chính, mà là gửi đến chính chúng ta. Tất nhiên, ông chủ của dụ ngôn hôm nay ám chỉ Thiên Chúa. Vậy Ngài làm gì?
1- Thiên Chúa quá tin tưởng chúng ta
Ngài đi xa. Trên trái đất này, sự trống vắng lớn nhất được hiểu như là Thiên Chúa vắng mặt. Ngài đã dựng nên tất cả mọi sự, tô điểm nét đẹp cho các loài hoa, gieo hạt lúa, dấu kín hằng tỷ thùng dầu trong lòng đất và giữa biển khơi. Thế mà Ngài lại tránh mặt đi, để mặc trái đất cho con người quản lý và sử dụng: “Hãy cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất”. Không những thế, Con của Ngài đến trần gian để gieo vào trần gian giá trị cao cả nhất của tình yêu. Thế mà Ngài lại rút lui trao phó việc xây dựng nước trời cho nhóm 12 nghèo nàn không văn hoá và không bằng cấp.
Ngài quá tin tưởng con người. Đó là sự đánh cuộc lạ lùng của Thiên Chúa.
- Ngài phó thác trái đất cho con người quản lý.
- Ngài để cho chúng ta lo việc trải rộng Tin mừng mà Con Ngài đã công bố.
- Cần phải làm như vậy để chúng ta trở thành người có trách nhiệm đối với thế giới và đối với công cuộc cứu độ.
- Thiên Chúa đánh giá đúng chúng ta.
- Ngài vắng mặt vì Ngài biết rằng với ơn thánh Ngài ban, chúng ta có khả năng tiếp tục công cuộc sáng taọ của Ngài và theo đuổi chương trình cứu độ nhân loại do con Ngài thực hiện.
- Ngài muốn cần con người, để vào thời sau hết, khi chương trình hoàn thành, lúc đó tất cả mọi sự xuất hiện như là sự nghiệp chung của Thiên Chúa và con người.
- Ngài không những trao cho chúng ta quản lý triệu triệu đôla, mà còn phó mặc chúng ta cái đắt giá hơn nhiều: Triều đại của Con Ngài, Triều đại tình yêu, triều đại phải thực hiện việc thánh hoá toàn thể nhân loại.
2- Thiên Chúa tin tưởng chúng ta vì Ngài biết khả năng của chúng ta.
Thiên Chúa biết những ân ban đặc biệt mà Ngài cống hiến cho con người. Nhờ đó trí khôn, con người có thể phát minh ra những điều bổ ích cho nhân loại: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.”
- Vậy chúng ta có khả năng kiểm kê những phẩm chất, ơn huệ và những đặc sủng của chúng ta không?.
- Người kitô chúng ta có những tâm tình biết ơn thế nào đối với Thiên Chúa mà Ngài không thể làm gì khác cho con người được nữa?
Thực tế, những ơn ban và sự giàu sang mà chúng ta có được không phải là đến từ chúg ta: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh”. Nhận lãnh từ Thiên Chúa qua các ân nhân: linh mục, cha mẹ, thày cô và bạn bè…. Những ơn huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta là những lời mời gọi chúng ta phục vụ tha nhân.
Vậy thì tại sao chúng ta lại ghen tương những đặc tính của người khác? Người khác có đặc tính tốt cũng là cho chúng ta. Chúng ta đều được hưởng sự tinh tế, tinh thần, nét đẹp thể lý và sự thánh thiện của người khác.
3- Chúng ta sẽ làm gì để đáp lại lòng tin tưởng của Thiên Chúa đối với chúng ta?
- Vào lúc xế chiều của cuộc đời, chúng ta có nghĩ được rằng đường đi của mình trên trái đất này đã phục vụ được gì chưa?
- Thiên Chúa đã cho chúng ta tham dự trước vào triều Đại của Người: chúng ta đã làm được gì trong sứ mạng truyền giáo này?
- Chúng ta đã làm gì qua bí tích Rửa tội mà chúng ta đoan hứa phục vụ Chúa Kitô?
- Chúng ta đã làm gì đối với bí tích Thêm Sức mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta làm việc cho mùa gặt của Chúa?
- Chúng ta đã làm gì đối với bí tích Thánh Thể, bí tích mạc khải tình yêu điên rồ của Thiên Chúa?
Đúng như Georges Bernanos đã nói.: “Tôi có trách nhiệm về điều mà tôi đã không là”.
Chúng ta làm gì với đức tính và tài năng của chúng ta?
Tất cả chúng ta đều có những ơn thể lý:
- Như thân xác chúng ta , vẻ đẹp của chúng ta, bàn tay chúng ta… được làm nên để phục vụ.  
- Chúng ta có một cái lưỡi để ngợi khen Thiên Chúa, để nói tình yêu của chúng ta đối với người xung quanh chúng ta và để bênh vực người vô tội.
- Chúng ta có một quả tim để bày tỏ tình yêu của chúng ta.
- Chúng ta có những ơn ban về tài năng nghệ thuật, chúng ta hãy khám phá và phục vụ hết mình.
Nhất là nếu chúng ta có những ân sủng thiêng liêng thì chúng ta hãy sốt sắng phục vụ Giáo Hội.
Thái độ thụ động, sự nhút nhát ngăn cản chúng ta không sinh lợi các tài năng của mình. Thái độ này người ta gọi là tội thiếu sót. Rào cản khó phá huỷ và quan trọng nhất chính lại là thái độ trung dung, tính ba phải.
Ông chủ cũng như Thiên Chúa khiển trách tên đầy tớ không chịu sinh lời tiền bạc vì nó sợ Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Thiên Chúa tin tưởng con người, nhưng con người lại không tin tưởng vào Ngài. Thật đáng tiếc!
- Tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ tạo nên trong chính chúng ta một đảm bảo chắc chắn và mạnh dạn sử dụng các tài năng của chúng ta.
- Tin tưởng vào Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta tin tưởng vào người khác, làm cho người khác có khả năng trở về và phát triển.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa

=====================
Suy niệm 2
Làm gì với nén bạc Chúa trao ?

(Mt 25, 14-30)

Vào Chúa nhật áp chót của năm phụng vụ, chúng ta đangtiến gần tới Mùa Vọng, Chúa Giêsu kể cho chúng ta một dụ ngôn khác về ngày phánxét.
Câu chuyện ba người đầy tớ được ông chủ tin tưởng trao phó tài sản của mìnhtrước khi ông bắt đầu một cuộc hành trình dài. Hai trong số họ đã làm rất tốtcông việc của mình, vì họ đã làm sinh lợi gấp đôi cái nhận được. Nhưng ngườithứ ba thì không : “Người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiềncủa chủ mình” (Mt 25,18). Anh đào lỗ chôn giấu, vì sợ ông chủ, không biếtlàm thế nào để sinh hoa lợi. Đây có lẽ là trung tâm của dụ ngôn.
Việc gì đến cũng sẽ đến, chủ trở về, ông gọi các đầy tớ lại để tính sổnhững gì ông đã trao phó cho họ. Ông hoanh nghênh hai người đầu tiên, và tỏ sựthất vọng đối với người thứ ba. Trong thực tế, người thứ ba đã sai lầm khi chônkín số tiền nhận được, anh hành xử như thể chủ nhân của anh không quay trở lại,hoặc như thể sẽ không có ngày anh sẽ bị hỏi về những việc anh đã làm.
Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy những môn đệ, và qua các môn đệ, Chúagửi đến mỗi người chúng ta lời khuyên về cách sử dụng tốt những gì chúng ta đãđược ban tặng.
Ý nghĩa của dụ ngôn thật rõ ràng. Ông chủ trong dụ ngôn là Chúa Giêsu,những đầy tớ là chúng ta và những nén bạc là tài sản mà Thiên Chúa đã giao phócho chúng ta. Khi thông ban cho chúng ta sự sống, Thiên Chúa cũng phú ban chochúng ta những nén bạc, có thể là khả năng nhiều hay ít. Các nén bạc tượngtrưng cho những ơn ban của Chúa để phát triển cá nhân, đạo đức và tôngiáo. Các nén bạc ấy, Ngài đã ủy thác để chúng ta làm cho chúng sinh lời. Cáihố được đào dưới đất bởi người “đầy tớ xấu xa và biếng nhác” (Mt 25, 26)diễn tả nỗi sợ sự rủi ro là thứ đã bóp nghẹt sự sáng tạo và sự phong nhiêu củatình yêu. Vì nỗi sợ rủi ro trong tình yêu sẽ bóp nghẹt chúng ta. Chúa không yêucầu chúng ta phải bảo quản ân ban của Ngài trong két sắt! Nhưng mong muốn rằng,chúng ta sử dụng nó để sinh lợi cho tha nhân. 
Những nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhiều hay ít, số lượngkhông quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người xử dụng những nén bạc đó. Chúakhông chú  ý tới số lượng ơn ban, mà chú ý tới cố gắng của mỗingười. Bởi thế, người đã lãnh năm nén và người đã lãnh hai nén mà xử dụng tốtđều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ” (x.Mt 25,21.23). Cách xử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lời. Việc sinh lờikhông hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôitớ, người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.
Câu Chúa Giêsu nói : “Người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, cònkẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi” (Mt 25,29), rõ ràngkhông phải là một câu châm ngôn về tiêu dùng. Nó chỉ có thể được hiểu ở mức độcủa tình yêu và lòng quảng đại. Và quả thật, nếu chúng ta tương xứng với nhữngmón quà tin cậy của Thiên Chúa trong sự giúp đỡ của Ngài, thì chúng ta sẽ kinhnghiệm rằng, Ngài là Đấng ban phát nhiều hơn điều chúng ta ao ước cầu xin.
Chúng ta cũng có thể hiểu nén bạc là đức tin. Đức tin được ban cho chúng tamột cách nhưng không, nhưng không bởi vì chúng ta có được đức tin mà không dobất cứ công lao nào của chúng ta. Một niềm tin được chia sẻ là một niềm tinsống động. Trái lại một niềm tin chôn cất sẽ là một niềm tin bị mai một và chếtdần. Dụ ngôn này khuyến khích chúng ta không được che giấu niềm tin và sựthuộc về Chúa Kitô của chúng ta, không được chôn vùi Lời Chúa, nhưng phải để nólan truyền trong đời sống của chúng ta. Phải làm như thế. Phải làm cho nhữngtài năng, những món quà, những ân ban mà Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta,đến được với tha nhân, lớn lên, và kết trái, cùng với chứng tá của chúng ta. 
Ông chủ nói với người đầy tớ: “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi vàtrung thành ! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coiviệc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23)
Đừng nghĩ đơn giản rằng ơn Chúa ban chỉ là những tài năng, sức khoẻ vànhững điều kiện xem ra thuận lợi theo cái nhìn của con người. Thánh nữ TêrêxaHài Đồng nói “Tất cả là hồng ân”. Như thế, nén bạc Chúa trao cònlà : thời giờ ; môitrường ta đang sống ; nhữngngười chung sống với ta v.v....
Chúng ta hãy cầu xin Chúa trợ giúp để mỗi người biết sinh lợi những nén bạcChúa trao, trung thành với ơn Chúa qua những bổn phận hằng ngày với lòng yêumến, với tất cả nhiệt tâm. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log