Thứ hai, 09/09/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 01.2019

Cập nhật lúc 08:49 09/01/2019
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến!
Chúng ta bước qua Năm Mới dương lịch, năm 2019, với tâm tình tạ ơn và dâng lên Chúa một năm mới cùng với mọi ước mơ, cố gắng để sống đức tin và phục vụ trong gia đình, Giáo xứ, và trong thế giới. Cùng với tâm tình của Đức Maria luôn suy gẫm những gì xảy đến trong cuộc đời, chúng ta cùng cố gắng hơn nữa để xây dựng một gia đình hạnh phúc, một Giáo xứ sống đạo trong thực hành để từ đó Cộng đoàn chúng ta cùng với Gia đình Giáo phận thực hiện đường hướng mục vụ năm 2019 của Hội Thánh Việt Nam: "Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn", kết hợp với niềm vui trong ơn gọi nên thánh mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi trong Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan - Gaudete et Exsultate.”
Chúa Giêsu đã sinh xuống trần gian trong một gia đình gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn: vì không tìm được chỗ trọ tại Bêlem, nên mẹ Ngài đã sinh Ngài trong chuồng bò và đặt Ngài nằm trong máng cỏ; bị vua Hêrôđê truy sát, gia đình Ngài phải bồng bế trốn sang Ai cập và sống ở đó như những người di dân; trở về Nadarét sống trong gia cảnh thanh bạch nghèo khó. Tuy nhiên, với sự hiện diện của Ngài, gia đình Ngài chẳng những đã vượt qua mọi khó khăn thử thách mà còn luôn sống trong niềm vui.
Hiện nay trong Giáo phận Hưng Hóa của chúng ta có nhiều gia đình đang gặp những hoàn cảnh khó khăn tiêu biểu mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu ra trong Thư mục vụ 2018: đó là các gia đình di dân, những cặp hôn nhân khác đạo, những gia đình bị đổ vỡ. Bên cạnh đó còn nhiều gia đình nghèo khổ, có những người già yếu, bệnh tật, v.v. Bí quyết để vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn là mỗi người hãy sống thánh thiện trước sự hiện diện của Chúa, để tìm thấy niềm vui trong công việc hằng ngày, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: "Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa" (Tông huấn Hãy vui mừng hân hoan, số 7).
Cậy dựa vào hồng ân Chúa ban trong Năm thánh kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” vừa qua, trong năm 2019 này mỗi thành viên trong Cộng đoàn Khôi Bình hãy tìm mọi cách để giúp các gia đình vượt khó, cả trên phương diện tinh thần lẫn vật chất, nhất là đem lại cho họ niềm vui bằng cách giúp họ luôn tin tưởng vào sự hiện diện và đồng hành của Chúa trong gia đình. Và để cụ thể cho lời mời gọi này, Cộng đoàn chúng ta sẽ kết nghĩa với 02 Giáo điểm của anh chị em dân tộc theo sự ủy thác của Ủy ban Truyền giáo Giáo phận.
Xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Cha Thánh Khôi Bình chúc lành cho những dự tính năm 2019 của Cộng đoàn chúng ta.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Is 42, 1-7; Cv 10, 34 - 38; Lc 3, 15-16.21-22
Sống ở đời, ai cũng mang trong mình một tâm lý thường tình là muốn mình được trọng vọng, được đề cao, được vượt trội hơn người khác. Tất cả những điều đó phản ảnh khuynh hướng kiêu căng trong lòng mỗi người. Mà kiêu căng là mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Gọi là mối tội đầu vì nó là căn nguyên đưa tới nhiều thứ tội lỗi khác. Thật vậy, sự kiêu căng chính là đầu mối dẫn tới rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của con người: Chiến tranh bởi đâu nếu không phải bởi nước này muốn thống trị nước nọ? Ghen tương bởi đâu nếu không phải bởi người này muốn trổi vượt hơn người khác? Nói hành, nói xấu, vu khống, gièm pha bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn người khác, cho người khác là không biết gì ? …
Năm xưa, Luxiphe vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa nên đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ các Thiên Thần. Ông bà nguyên tổ của loài người là Ađam - Evà vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiêu căng đã dựng nên một hàng rào không cho con người đến với nhau…
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa. Quang cảnh trong biến cố Ngài chịu Phép rửa mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng có lẽ làm chúng ta thấy mình hổ thẹn biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình. Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Ngài đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu. Là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không đòi phải được sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận kiếp người. Ngài đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giàu sang. Trái lại, Ngài chấp nhận làm con của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và một cô thiếu nữ nhà quê nghèo khó. Và hôm nay, khi bước xuống dòng sông để lãnh nhận phép rửa của ông Gioan, chúng ta mới thấy hết sự khiêm nhường của Thiên Chúa chúng ta. Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Ngài lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa như một người dân tầm thường và tội lỗi. Ngài khiêm hạ đến độ làm cho mình trở thành một kẻ vô danh bên cạnh một ông Gioan Tẩy giả đang được mọi người ngưỡng mộ và kính phục; sự khiêm hạ đó là để chia sẻ kiếp người với chúng ta, để nâng loài người chúng ta lên. Ngài mặc lấy xác phàm để chia sẻ thân phận đói nghèo, đau khổ, bệnh tật của con người. Ngài hoá kiếp phàm nhân để nếm trải nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân. Ngài đang cùng nhịp đập con tim với mọi người để cảm thông và yêu thương tất cả, một sự liên đới của tình yêu. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ như thế, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha xác nhận: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.”
Ngày xưa, do sự kiêu căng của ông bà nguyên tổ, cửa trời đã đóng lại. Ngày nay, do sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửa trời lại được mở ra.  Trời mở ra có nghĩa là: mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xoá bỏ. Con người phản bội nay đã được tha thứ, được phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và được đồng thừa tự gia tài Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời được mở ra cho hết mọi người có thể đi vào. Nhưng nếu ta tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng của ông bà nguyên tổ, thì cánh Cửa Trời ấy sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt chúng ta.
Vậy chớ gì khi mừng kính Chúa Giêsu chịu Phép rửa, mỗi người Kitô hữu chúng ta cảm nhận được rằng: Ngài đang ở gần chúng ta hơn chúng ta tưởng. Ngài đang ở gần chúng ta khi chúng ta mạnh mẽ, lúc chúng ta yếu đuối; lúc thành công cũng như khi thất bại; phút sa ngã cũng như thời đứng lên; những ngày nắng ấm, những chiều giông bão… đã luôn luôn có Ngài bên cạnh, để rồi mỗi người khiêm tốn và quyết tâm ra khỏi chính mình, ra khỏi những ích kỷ, dứt bỏ những khuynh hướng xấu, đoạn tuyệt với tội lỗi… hầu cất bước tìm về với Ngài. Ngài sẽ băng bó, Ngài sẽ chữa lành, sẽ vác chúng ta trên vai, sẽ rửa gội thương tích và đem chúng ta về lại trong tình yêu thương của Chúa Cha. Nhất là để chúng ta nghe được những lời yêu thương mà Chúa Cha đã nói với Chúa Giêsu ngày xưa bên dòng sông Giođan: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Là người đã chịu phép rửa của Đức Kitô qua Hội Thánh, mối liên hệ giữa bạn với Thiên Chúa đã được lập lại. Tuy nhiên, bạn được tự do lựa chọn giữa đường lối của Thiên Chúa hoặc của riêng bạn. Bạn đang chọn bên nào?
2. Với ý thức mình đã được rửa bằng sức mạnh của Thánh Thần, bằng cách nào bạn có thể vượt qua những ranh giới của tội lỗi, để có thể trở về với Thiên Chúa là người Cha thương yêu vẫn luôn chờ đợi bạn?
II. ĐỒNG HÀNH VỚI NHỮNG GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN
Bài số 02: GIA ĐÌNH LÀ NƠI ĐỒNG HÀNH ĐẦU TIÊN
Gia đình là nơi ta được đồng hành đầu tiên
Trong thực tế chúng ta rất thường nghĩ rằng các giám mục, linh mục hay tu sĩ mới là người làm nhiệm vụ Đồng hành với con người. Thực ra, không phải như vậy, vì nơi chốn đầu tiên ta được đồng hành là gia đình. Chính mẹ hay cha, và đôi khi là ông/bà, là người đầu tiên đã nắm tay dẫn đưa ta đến nhà thờ dự lễ, dạy ta biết yêu kính Chúa, biết Hội thánh, biết đức tin cho ánh sáng soi dẫn bước chân ta đi vào cuộc đời. Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Gia đình không thể khước từ mình chính là nơi nâng đỡ, đồng hành, hướng dẫn con cái, cho dù cần phải tái tạo lại các phương pháp và tìm cho ra các nguồn lực mới. Cha mẹ cần phải dự tính xem mình muốn trao cho con cái những gì[1].
Tình yêu thương được trao ban và lớn lên trong gia đình, đó là môi sinh tự nhiên cho đức tin được thông truyền và củng cố. “Cha mẹ muốn đồng hành đức tin với con cái mình thì cần chú ý đến những biến chuyển của chúng, vì họ biết kinh nghiệm tâm linh không thể áp đặt nhưng được đề nghị trong tự do[2]. Nếu không có sự đồng hành tự nhiên để cho tình thương yêu triển nở mỗi ngày, ngay cả giữa hai vợ chồng, “cuộc sống gia đình chúng ta sẽ không còn là một nơi của cảm thông, đồng hành và khích lệ thay vào đó sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau[3].
Đồng hành với gia đình qua các gia đình
Với Đức Thánh Cha chúng ta xác tín rằng gia đình chính là chủ thể của việc loan báo Tin mừng trong mục vụ gia đình[4]. Cụ thể, điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhờ gia đình để đồng hành với các gia đình khác. Đó chính là ơn gọi truyền giáo của gia đình kitô hữu[5], được Chúa kêu gọi đi ra để đồng hành trong đức tin và cuộc sống với những người sống quanh họ qua sự gần gũi giúp đỡ hầu cuộc sống gia đình họ phong phú ngập tràn hiện diện của Thiên Chúa. Không có bước đầu tiên này, mục vụ đồng hành chỉ còn là lý thuyết thiếu sự nâng đỡ thiết yếu từ phía cộng đoàn Hội thánh cụ thể. Nhiều gia đình đã nhận ra sứ mạng này Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Thế nhưng, Giáo hội địa phương vẫn còn chưa sử dụng đến mạng lưới các gia đình cho đủ khi đối diện với nhiệm vụ đồng hành này. Hơn nữa, cần thiết phải có một sự huấn luyện thích hợp đối với các gia đình chủ thể truyền giáo này để phát huy hữu hiệu và có trách nhiệm. Một điều rất ý nghĩa và quan trọng là các gia đình này sống trong cùng một khu vực cần liên kết với nhau thành cộng đoàn nhỏ, như các liên gia trong các giáo khu của giáo xứ, theo mô hình các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản. Bởi lẽ Hội thánh là sự Hiệp thông của các cộng đoàn được thể hiện sẽ là chứng từ và lời loan báo Tin mừng có sức thuyết phục nhất.
Trong tình hiệp thông Hội thánh mà gia đình được hít thở thường xuyên trong cộng đoàn giáo xứ qua sự đồng hành với các Cộng đoàn nhỏ, các khó khăn, thách đố, và cả các thương tích trong gia đình dần dần được chữa lành vì có Đức Kitô là Đầu và là Lương y thần linh hiện diện ở trung tâm. Hội thánh Chúa Kitô là một “nơi gặp gỡ ưu việt” giữa Thiên Chúa và dân mới của Người. Hội thánh là “bí tích của sự kết hợp thâm sâu con người với Thiên Chúa.” Hội thánh cũng là “bí tích của sự hiệp nhất nhân loại.” “Hiệp thông và sứ vụ kết hợp với nhau không thể tách biệt, chúng thâm nhập và bao hàm lẫn nhau.” Hiệp thông “vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của sứ vụ.” “Hiệp thông phát sinh sứ vụ và sứ vụ được hoàn thành nơi Hiệp thông”[6]. Sự hiệp thông này thường xuyên được sống trong các cộng đoàn tín hữu địa phương. “Hội thánh Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các mục tử của mình, và Tân ước cũng gọi đó là các Gáo hội[7]. Đó là ý nghĩa của một hiện diện mới mẻ của Hội thánh tại Á châu ngày nay.
Hội thánh chính là sự Hiệp thông của các Cộng đoàn nhỏ, đồng hành với gia đình và cùng với gia đình loan báo Tin mừng “trong gia đình” và đi ra loan báo Tin mừng cho các gia đình khác.
+ Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận:
1. Bạn hãy chia sẻ và kể kinh nghiệm đầu đời của bạn về Hội thánh và về Chúa của đức tin của bạn.
2. Những tổn thương nào thường xảy ra do các thành viên trong gia đình (ông bà cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh em chị em…) vô tình hay hữu ý gây ra cho nhau? Bạn chia sẻ các thương tích ấy có được quan tâm chăm sóc và chữa lành trong gia đình mình hay không? Và trong đại gia đình ? trong cộng đồng Giáo hội nhỏ thân tình (liên gia) của bạn chẳng hạn?
3. Cộng đoàn Giáo hội nhỏ hay liên gia của bạn có Chúa Giêsu với Lời của Người làm trung tâm trong khi đồng hành với các gia đình và với nhau hay chưa?
4. Tính sứ vụ và hiệp thông với Hội thánh hoàn cầu và Hội thánh địa phương trong đời sống gia đình và cộng đoàn nhỏ liên gia của bạn thể hiện thế nào?
 [1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (AL) 260.
[2] AL 288.
[3] AL 108.
[4] Cf. AL 200.
[5] Cf. AL 208, 230, 289.
[6] Gioan-Phaolô II, Ecclesia in Asia (EA) 24.
[7] LG 26.
III. HỌC HỎI TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HÂN HOAN
Giới thiệu Tông huấn Hãy vui mừng hân hoan - Gaudete et exsultate
Ngày 9.4.2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố tông huấn Gaudete et exsultate - Hãy vui mừng hân hoan, mời gọi các tín hữu đáp lại “ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay.”
Ðây là bản tông huấn thứ ba kể từ khi Đức Phanxicô được mật nghị hồng y bầu chọn vào tháng 3.2013. Sau một Giáo hội cởi mở với Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng), một Giáo hội giàu lòng thương xót với Amoris laetitia (Niềm vui của Tình Yêu), Gaudete et exsultate (Hãy vui mừng hân hoan) mô tả một Giáo hội thánh thiện. Tựa đề của Tông huấn vừa công bố trích từ lời Chúa Giêsu nói về các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu (5, 12): “Hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên trời! Chính như thế người ta đã bách hại các ngôn sứ đi trước các con.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng toàn thể Giáo hội được mời gọi trở thành “Dân Thánh”, theo tinh thần của Công đồng Vatican II. Bản tông huấn chia thành 5 chương và 177 đoạn.
 
Thánh thiện một cách bình dị và khiêm tốn
Đức Phanxicô khuyến khích mỗi tín hữu đáp lời theo cách riêng của mình: “Chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống với yêu thương và làm chứng nhân trong cuộc sống thường nhật. Đừng e ngại sự thánh thiện: sự thánh thiện không khiến các con mất đi sức lực, niềm vui hay sức sống. Ngược lại, các con sẽ trở nên như những gì mà Thiên Chúa muốn khi tạo dựng nên các con và mỗi người vẫn sẽ là chính mình.”
Bản tông huấn không phải là một chuyên luận về sự thánh thiện, Đức Thánh Cha nêu rõ điều này ngay từ trang đầu tiên. Sự thánh thiện không dành riêng cho các vị giám mục hay linh mục mà mỗi Kitô hữu, dù đang chọn cuộc sống nào, chọn đời thánh hiến hay lập gia đình, là cha mẹ, ông bà, là công nhân, viên chức… đều được mời gọi nên thánh qua từng ngày, với từng hành động nhỏ và với đức tin cùng tình yêu. Sự thánh thiện do vậy không xa vời mà bình dị và khiêm tốn, nên mỗi Kitô hữu có thể theo con đường của mỗi người để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Đó là “sự thánh thiện ở ngay cạnh bên”, được Chúa Giêsu truyền dạy qua các Mối Phúc Thật.
Đức Phanxicô đặc biệt phản bác các tư tưởng làm méo mó Tin Mừng và cảnh báo tình trạng quên lãng mối liên kết với Chúa, xem Kitô giáo như một tổ chức phi chính phủ và “sống với sự nghi ngờ những hoạt động bác ái xã hội của người khác là vẻ bề ngoài, mị dân...” Theo ngài, điều chính yếu là phải nghe theo ơn gọi để nhận ra Thiên Chúa trong những người nghèo khó và khổ đau: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 35-36).
Thánh thiện là sống với niềm vui, sự giản dị và khiêm tốn, trong đức tin và tình yêu thương
Đặc biệt, trong Tông huấn Hãy vui mừng hân hoan, Đức Phanxicô nhắc đến vai trò là chủ chăn Giáo hội hoàn vũ của ngài, điều rất hiếm gặp: “Trước những lời mời gọi của Chúa Giêsu, bổn phận của cha - trong vai trò là đại diện của Thầy - là thỉnh cầu các Kitô hữu hãy chấp thuận và đón nhận những lời mời gọi ấy với tâm hồn cởi mở, chân thành, không bình phẩm, không thoái thác.” Một Giáo hội đáp lời để nên thánh cũng là một Giáo hội sống với Lòng Thương Xót, vốn là trái tim của Tin Mừng.
Như vậy, có thể thấy Gaudete et exsultate đã tiếp nối tinh thần của hai tông huấn trước, Evangelii gaudium và Amoris laetitia.
Con đường để biến đổi
Đức Phanxicô mô tả sự thánh thiện là con đường để biến đổi, đồng thời, ngài cảnh báo “hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện” có thể làm chúng ta lạc lối:  thuyết ngộ giáo (gnosticisme, khép kín mầu nhiệm trong kiến thức chủ quan) và chủ nghĩa Pélage (pélagianisme, coi trọng ý chí con người mà quên đi thánh ý Chúa mới là tối thượng). Nhắc lại văn kiện gần đây của Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Placuit Deo, ngài nói về những kẻ theo Pélage của thời nay, dành thời gian và năng lực của mình cho nỗi ám ảnh về luật lệ, sự si mê quyền lực, thói phô trương, có thể làm Giáo hội trở nên hiện vật trong bảo tàng hoặc thuộc sở hữu của một nhóm thiểu số.
Mỗi người cần chọn con đường riêng để đáp lại lời gọi nên thánh
Tiếp lời thánh Thomas d’Aquin, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở rằng những hành động bác ái làm đẹp lòng Chúa hơn các nghi lễ. Đối diện với một thế giới khép kín thì thánh thiện là “sự mở lòng qua lời cầu nguyện và lòng mến.” Nhưng cầu nguyện cũng không phải là trốn chạy hay chối bỏ thế giới xung quanh.
Theo Đức Phanxicô, lòng thánh thiện của một tín hữu được thể hiện qua việc đặt trọn tâm ý và nương tựa một cách vững vàng nơi Chúa, không với lên cao, nhưng có sự khiêm tốn, có niềm vui, sự táo bạo và lòng can đảm tông truyền. Ở đây, không phải là áp dụng một công thức hay lặp lại quá khứ, vì ngay cả những giải pháp hữu hiệu cũng không thể có giá trị trong mọi tình huống. Điều hữu ích ở hoàn cảnh này có thể trở nên vô ích ở hoàn cảnh khác, ngài nhắn nhủ các tín hữu hãy giải phóng tâm hồn khỏi sự cứng nhắc để có thể phân định con đường của chính mình, thay vì bắt chước những điều không phù hợp với bản thân.
Đức Thánh Cha kết lại tông huấn với lời mời gọi hướng lòng về Mẹ Maria, người đã sống các Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu, đồng thời cầu nguyện Chúa Thánh Thần, xin Ngài truyền cho chúng ta lòng khao khát nên thánh để vinh danh Thiên Chúa… Như thế, chúng ta sẽ chia sẻ được niềm hạnh phúc mà thế gian không thể nào tước đoạt.
Nguồn: tinvui.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log