Thứ sáu, 29/03/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 03.2018

Cập nhật lúc 16:41 05/03/2018

Lời Chủ Chăn Tháng 03.2018

CÙNG THÁNH GIUSE VƯỢT QUA NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA ĐỜI HÔN NHÂN

Cộng đoàn dân Chúa giáo phận Hưng Hóa thân mến,
Chúng ta đã đi được nửa đường mùa Chay. Hôm nay bắt đầu tháng Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo Hội Việt Nam, cũng là Đấng Bảo Trợ của giáo phận Hưng Hóa. Trong thư mục vụ tháng 3 này, chúng tôi đề nghị với các gia đình, nhất là gia đình trẻ, hãy đến với thánh cả Giuse (Ite ad Joseph) để ngài dạy cách vượt thắng những thách đố trong hôn nhân mà giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Chúng tôi dựa trên ba việc làm căn bản không thể thiếu của mùa Chay là Cầu nguyện, Chay tịnh và Bác ái.
1. CẦU NGUYỆN
Khi kết hôn, ai cũng mong có một gia đình bền vững, hạnh phúc, nhưng không dễ đạt được điều này, vì đôi vợ chồng khó tránh khỏi những va vấp, đối kháng trong cuộc sống chung do khác biệt về quan điểm, cách sống. Những lúc đó, xin các đôi vợ chồng bình tĩnh tìm cách giải quyết vấn đề tốt đẹp chứ đừng để tan vỡ hạnh phúc và bình an! Thánh Giuse có thể giúp gì cho ta?  Chúng ta biết vừa đính hôn thì thánh Giuse đã phải chịu một thách đố nặng nề, khi biết Đức Mẹ có thai! Ngài đã xử trí thế nào? Ngài không làm rùm beng, không tố cáo, định âm thầm rút lui. Chắc chắn thánh Giuse đã cầu nguyện tha thiết để xin Chúa soi sáng cho biết việc phải làm.
Trước tâm hồn thánh thiện và cao thượng như vậy, Thiên Chúa phải can thiệp. Một sứ thần được sai đến trong giấc ngủ để báo cho Giuse đừng sợ, cứ nhận Maria về làm vợ, vì thai nhi Mẹ đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần (cf. Mt 1,18-24).
Cầu nguyện là phương thế để giúp gia đình giải quyết vấn đề theo đường lối của Thiên Chúa
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để đôi vợ chồng cùng nhau cầu nguyện, kiểm điểm cuộc sống. Chúng tôi mong các cha xứ đừng quên tổ chức tĩnh tâm riêng dành cho các gia đình trẻ, mong các đôi vợ chồng thu xếp thời gian và công việc để tham dự. Mỗi người hãy đặt mình trước Chúa mà cầu nguyện, bàn hỏi với Ngài và trao đổi với nhau về hiện tình cuộc sống hôn nhân gia đình, xem có những vấn đề nào đang gây khúc mắc. Đừng quên xin thánh Giuse cầu bầu và bảo vệ hạnh phúc gia đình của các bạn.
2. CHAY TỊNH
Nói đến chay tịnh, ta thường nghĩ đến việc ăn chay kiêng thịt trong hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Không phải chỉ có thế thôi đâu. Sự khổ chế trong đời sống kitô hữu là điều cần thiết để tâm hồn hướng thượng, khuất phục thân xác. Chúa Giêsu dạy: “Tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng xác thịt lại nặng nề” (Mt 26,41). Trong mùa Chay, đôi vợ chồng hãy biết tiết chế tính dục hầu sống thánh thiện thanh thoát, nhờ đó mà hôn nhân hạnh phúc hơn. Bên cạnh khổ chế tính dục,  còn nhiều thứ khổ chế khác: “Ta hãy giảm mê say vui sướng, từ nói năng ăn uống ngủ nghê. Tâm hồn thể xác đôi bề, Tập quen khắc khổ thiết gì xa hoa” (Thánh Thi Kinh Sách Chúa Nhật Mùa Chay).
Nhân đây, chúng tôi muốn bàn về sự khổ chế uống rượu. Trong các bữa ăn, chúng ta thấy rượu luôn có mặt, tràn trề, chan chứa. Ngồi vào mâm cơm, người ta không mời nhau ăn mà thi nhau uống. Ai cũng có thể mời rượu, và thường ít bị từ chối, mà dầu có muốn từ chối cũng khó lòng. Đây thật là một điều tai hại, vì “rượu vào lời ra”, quen uống khó chừa, rượu làm hại sức khỏe của bản thân và con cái. Nó đích thị là kẻ thù số một của hạnh phúc gia đình. Nếu hỏi các người vợ và con cái thì đa số đều không muốn chồng - cha mình uống rượu, nếu hỏi các ông thì được trả lời cách yếu ớt chứ không hăng hái như khi uống rượu! Biết bao gia đình bị đổ vỡ hoặc mất hạnh phúc vì rượu. Thánh Giuse chắc chắn không uống rượu, vì nếu uống thì đã không còn tỉnh táo để nghe được tiếng sứ thần báo mộng nhận Đức Maria về làm vợ, cũng như không thể tỉnh dậy và nhanh nhẹn đưa Đức Mẹ cùng Hài Nhi Giêsu trốn qua Ai Cập giữa đêm khuya!
Các ông chồng có đủ can đảm để dứt bỏ nạn rượu chè không ? Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay trong cả giáo phận. Xin thánh cả Giuse giúp cho các người chồng người cha dứt bỏ đam mê uống rượu trong mùa Chay thánh này, để xứng đáng là chồng và là cha gia đình Công giáo.
3. BÁC ÁI
Bác ái là những hành động tốt đẹp vì động cơ yêu thương. Đó là nét nổi bật của đạo Công giáo chúng ta. Đôi vợ chồng mà yêu thương nhau tất sẽ ghé vai vác thánh giá của nhau, với nhau và cho nhau.
Có một cha xứ kia, vào dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá, kêu gọi các gia đình mang thánh giá đến nhà thờ để ngài làm phép. Hôm ấy đủ loại đủ cỡ thánh giá được mang đến. Thấy một ông không có thánh giá, cha thắc mắc hỏi thì ông bế thốc vợ lên và nói: “Đây là thánh giá của con, xin cha làm phép”!
Khi mới kết hôn, đôi vợ chồng là hoa thơm trái ngọt của nhau, nhưng rồi dần dần trở nên thánh giá xù xì gai góc, nặng nề cho nhau. Thánh Cả Giuse không như thế đối với Đức Mẹ Maria, bởi ta thấy ngài luôn yêu thương, chăm sóc, tận tụy bảo dưỡng gia đình Nadarét. Đức bác ái là nét nổi bật nơi thánh Cả Giuse.
Mùa Chay này, xin các đôi vợ chồng duyệt lại cách đối xử với bạn đời và con cái mình. Phải chăng mình đang là thánh giá cho các người kia ? Mình có biết vác đỡ thánh giá cho nhau như ông Simon Xirênê đã vác đỡ thánh giá cho Chúa ? Đừng trút thánh giá lên vai những người trong gia đình mình.
Mỗi người vác thánh giá của mình thì nặng, hai người cùng vác thì sức nặng còn một nửa, nếu mọi người trong gia đình cùng vác thì thánh giá nhẹ tênh. Ngược lại, nếu chất thánh giá của mình cho người khác thì họ sẽ phải mang nặng gấp đôi ! Lòng bác ái có cho phép ta làm điều ấy không, nhất nữa lại là cho người thân của mình?  
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi nguyện chúc các thành phần dân Chúa giáo phận tận dụng thời gian ân sủng của mùa Chay để sống thánh thiện hơn, chúc các đôi vợ chồng trẻ biết giữ gìn hạnh phúc gia đình nhờ các việc làm thiết thực đề cập trên đây.
Xin thánh cả Giuse cầu bầu cùng Chúa cho toàn giáo phận, để vào tháng sau, chúng ta sẽ cùng nhau cử hành đại lễ Phục Sinh của Chúa với niềm hoan hỉ vô bờ.
+ Gioan Maria Vũ Tất, giám mục giáo phận
+ Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục phụ tá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT IV MÙA CHAY
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2, 4-10; Ga 3, 14-21
 
Khi nhìn các biến cố xảy ra trên thế giới, chúng ta có cảm tưởng Thiên Chúa ở đâu xa xôi, không quan tâm đến cuộc sống của chúng ta. Vì thế có người có thể nghi ngờ không biết có Thiên Chúa thật hay không. Nếu có một Thiên Chúa là Tình yêu, tại sao lại có những cảnh chiến tranh khốc liệt, những cảnh giết người cướp của, những tai nạn giao thông và bao nhiêu biến cố đau thương khác?
Các bài đọc Kinh thánh hôm nay giúp chúng ta hiểu phần nào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đồng thời phần trách nhiệm của con người trong những nỗi đau khổ mà mình phải gánh chịu.
Bài đọc I kể lại cho chúng ta một trong những giai đoạn bi đát nhất của thời Cựu ước. Dân Do thái, dưới thời vua Sêđêkia (597-587) đã bất trung với giao ước của Thiên Chúa và đã phạm nhiều tội ác. Họ không còn tin vào Thiên Chúa, không còn sống theo các giới răn của Người, nhưng lại bắt chước các hành vi ghê tởm của các dân ngoại và tôn thờ các tà thần. Nhiều lần Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến dạy dỗ, nhưng Dân Do thái đã khinh miệt. Họ đã nhạo báng các ngôn sứ và thậm chí còn tra tay giết hại các ngài. Hậu quả là khi con người xa lìa Thiên Chúa là tình thương, là nguồn mạch của sự khôn ngoan, thì con người không có tình nghĩa gì với nhau nữa. Vua quan áp bức dân chúng, người giàu bóc lột người nghèo. Anh em chia rẽ và chém giết lẫn nhau.
Năm 589, khi vua Nabucôđônôxo của nước Kanđê đến vây hãm thành Giêrusalem, thì dân Do thái không còn có sức để kháng cự. Vua này đã chiếm được đất Palestin. Những cuộc thiêu hủy, cướp phá, giết người đã xảy ra dồn dập. Ai sống sót thì bị đưa đi lưu đày tại Babylon. Ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo các tai họa này, nhưng khi ông nói, chẳng ai thèm nghe.
Các biến cố đau thương ấy sau này đã được trình bày như là hình phạt của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn luôn là "Thiên Chúa giàu lòng thương xót", như thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Êphêxô trong bài đọc II. Tuy nhiên, vì lòng con người đã ra hư đốn, đã từ bỏ Thiên Chúa và các giới răn của Người, thì Người đã cho phép các biến cố ấy xảy ra, để con người biết hồi tâm, suy nghĩ và trở về với con đường công chính.
Vì thế trong 50 năm lưu đày, dân Do thái đã thấy được tội lỗi của mình, đã hối hận và đã xin ơn tha thứ. Năm 539, Thiên Chúa đã cho xuất hiện vua Kyrô. Ông vua nước Ba tư này đã đánh bại vua nước Kanđê, chiếm thành Babylon, rồi ông cho phép dân Do thái được trở về đất Palestin.
Bài đọc I cho chúng ta thấy là khi con người xa lìa Thiên Chúa và khinh miệt các giới răn của Người, thì con người chuốc lấy cho mình các thứ tai họa, trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tập thể. Khi những bóng đèn điện không còn được nối với nguồn điện, thì bị tắt và mọi sự chìm vào u tối. Cũng vậy, khi con người không còn giữ liên lạc với Thiên Chúa, thì rơi vào bóng đêm.
Hôm nay cũng thế, phần lớn những biến cố thảm khốc đã xảy ra, là vì con người chà đạp tiếng nói của lương tâm, đặt ích lợi của cá nhân mình trên ích lợi chung của gia đình, của xã hội, của quốc gia, của cả nhân loại. Một tai nạn giao thông xảy ra chẳng hạn, rất nhiều khi là vì người lái xe vô trách nhiệm, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình, mà không màng tới trật tự công cộng, coi thường tính mạng của hành khách.
Ngày nay người ta đang nói tới một thảm họa ghê gớm cho thế giới, đó là ô nhiễm môi trường. Do đâu mà xảy ra thảm họa ấy? Đó là do con người đã không tôn trọng môi trường sống của mình, xả rác và chất thải sinh hoạt, công nghiệp bừa bãi, phá hoại rừng núi, hậu quả là phải chịu những cảnh lũ lụt và ô nhiễm …
Hôm nay chính những người không tin Thiên Chúa cũng mời gọi mọi người, nhất là giới thanh niên, hãy tôn trọng quy luật "một vợ một chồng", và đó thực ra là một giới răn của Thiên Chúa. Chính vì không tôn trọng giới răn ấy của Thiên Chúa, mà một phần của nhân loại hôm nay phải chịu tai ương khủng khiếp: mỗi năm có trên 250 triệu người mắc các chứng bệnh về đường sinh dục, trong đó bệnh AID là thứ bệnh có lẽ còn nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn vẫn giữ lòng thương xót đối với con người. Người đã lợi dụng các biến cố, kể cả những biến cố đau thương nhất, để thi ân giáng phúc cho con người. Xưa kia, Người đã cho xuất hiện hoàng đế Kyrô để giải phóng Dân Người khỏi cảnh lưu đày. Rồi hôm nay cũng thế, đối với những ai tin tưởng vào Người, Người sẽ cho gặp những hoàn cảnh thuận lợi để tìm lại được sự an bình về phần xác lẫn phần hồn.
Bài Tin mừng hôm nay còn giúp chúng ta thấy rõ hơn tình thương của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16). Xưa kia Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ hay các trung gian nhân loại khác để dạy dỗ và thực hiện kế hoạch yêu thương của Người, bây giờ người sai chính Con Một của Người đến. Người Con Một ấy, như con chiên giữa đàn sói, đã trở thành nạn nhân của lòng độc ác và hung hãn của loài người: Người đã phải chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã dùng cái chết ấy như một liều thuốc để chữa trị cõi lòng tội lỗi của loài người: "Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, thì Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người, thì được sống muốn đời.” Ngày xưa khi đi qua sa mạc, dân Do thái đã gặp nhiều rắn độc cắn chết người. Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông Môsê làm một con rắn đồng treo trên cây gỗ. Ai bị rắn cắn, nếu cầu khấn cùng Thiên Chúa và nhìn lên con rắn đồng, thì được chữa lành. Ngày nay người ta dùng hình ảnh con rắn treo trên một cái cọc như là biểu tượng của các thầy thuốc, những người chữa lành bệnh tật. Nhưng có lẽ ít ai hiểu nguồn gốc của biểu tượng này. Cũng thế, hôm nay ai tin tưởng nhìn lên thân xác của Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá và cầu khẩn cùng Thiên Chúa, thì sẽ được ơn tha thứ mọi tội lỗi và được sống đời đời.
Thế giới chúng ta là một thế giới đầy những đổ vỡ và đau thương. Công việc tái thiết rất quan trọng. Mỗi người chúng ta phải tham gia vào công việc xây dựng quê hương, xây dựng thế giới. Nhưng nếu chúng ta làm công việc tái thiết bên ngoài, mà không tái thiết cõi lòng, thì cũng vô ích. Vì nguyên nhân của mọi tai họa là cõi lòng con người, chứ không phải cơ cấu bên ngoài. Nếu loài người không hoán cải, không đổi mới cõi lòng vô đạo, kiêu căng, tự ái, đầy tham vọng, đầy hận thù, thì không thể thực hiện được những tương quan tốt đẹp giữa con người với nhau, không thể xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Để thực hiện cuộc hoán cải nội tâm ấy, loài người phải trở về với Thiên Chúa, "đi theo con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra" (Ep 2,10), đón nhận tình thương của Người được trao ban qua thập giá của Đức Kitô.
Nói tóm lại, phải tin vào Đức Kitô, sống theo lời dạy của Người và đón nhận ơn cứu chuộc của Người. Đó là con đường duy nhất có thể đưa loài người tới một trật tự an bình ở đời này và sự sống vinh phúc cho đời sau. Amen.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó anh chị cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.
  2. Anh chị có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?
  3. Anh chị đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Anh chị có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?
 
II.  ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ

 
Trong năm nay chúng ta sẽ suy nghĩ về 12 đề tài của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Đồng Hành với các Gia Đình Trẻ. Cộng đoàn Khôi Bình chúng ta trong gợi ý mục vụ tháng 02/2018, sẽ nói về: MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC
Vợ chồng sau nhiều năm vẫn còn còn sống với nhau, nhưng họ có hạnh phúc không là một chuyện khác. Hôn nhân hạnh phúc là điều hết sức quan trọng, vì đó là lý do chuẩn mực để đôi bạn tiếp tục ở lại trong hôn nhân. Nhưng làm sao ta biết một đôi vợ chồng thực sự hạnh phúc trong hôn nhân? Người ta hiểu thế nào là hạnh phúc trong hôn nhân, hạnh phúc gia đình? Phải lấy thước nào để đo hạnh phúc gia đình?
Dù chúng ta không có một con số thống kê chính thức chính xác về các gia đình hạnh phúc, nhưng ta nhận thấy vẫn có nhiều cặp rất hạnh phúc trong hôn nhân của họ. Chúng ta ít nghe nói đến các cặp hôn nhân hạnh phúc vì người ta thường chú ý đến các chuyện hôn nhân đổ vỡ hơn. Chuyện các nhân vật của công chúng như nghệ sĩ, chính trị gia … ly hôn, chia tay với bạn đời, bạn tình, thường gây chú ý dư luận. Nhưng trước hết điều quan trọng và hữu ích là biết thế nào là một hôn nhân hạnh phúc.
Hạnh phúc có hay không?
Hạnh phúc là cái gì đó tốt đẹp đáng ước ao mà ta đang có trong tầm tay, lúc này tại đây, ta quyết giữ không để nó vuột mất. “Đừng từ chối không hưởng một ngày vui, hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất” (Hc 14,14). Hạnh phúc là một cảm nghiệm gắn liền với việc ta đang sở hữu một điều tốt lành đáng ước ao và quyết nắm giữ. Có thể sánh nó với một kho báu chôn trong đất ruộng, một người tìm thấy và chôn nó trở lại, người ấy vui mừng đi bán hết tất cả những gì anh có và mua thửa ruộng ấy (Mt 13,44).
Đôi bạn lộ rõ rất hạnh phúc ngày cưới. Người này cũng như người kia vốn yêu thương hết mực con người đáng quý yêu kia và ước ao được có nhau, thuộc về nhau. Tình thương yêu xác nhận giá trị cao vời của người yêu, một thiện hảo nơi nhân vị đáng khao khát. Trong khi yêu thương người này nhận biết cảm xúc, tình cảm của mình đối với người kia. Chàng biết nàng là con người đặc biệt nhất mình khát mong. Chàng có thể dấn thân yêu thương đến cùng và thực hiện điều đó bất luận ra sao vì người mình yêu, người mình xem là quan trọng nhất đời. Người yêu chính là chìa khóa dẫn vào hạnh phúc cũng như chàng có thể là chìa khóa mở lối cho nàng vào hạnh phúc.
Hạnh phúc có thể mất?
Thế nhưng, là người, đôi vợ chồng chắc chắn có những giới hạn, yếu kém, bất toàn. Họ phải lụy thuộc vào thời gian, không gian và sự thay đổi. Có những điều cũng tác động đến con người, tình trạng sống của hai người như sức khỏe thể lý hay tâm lý, các thực tại văn hóa – xã hội, các khuynh hướng tâm linh và chính trị, v.v… Có thể, dẫu cả hai tự mình đều đáng quý đáng yêu nhưng, với thời gian đã không được người kia tỏ lòng quý trọng đúng mực do chú ý quá đến những thiếu sót, yếu đuối, bất toàn của người phối ngẫu. Chồng dù yêu thương vợ, nhưng có thể bắt đầu tỏ lộ lạnh nhạt dần khi cảm thấy khó chịu vì những thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm của nàng. Sự ham muốn nhau có thể giảm dần. Hoặc cũng có thể do người này đi làm ăn xa gia đình trong một thời gian dài, sa ngã trước cám dỗ tìm thấy một người phụ nữ khác hấp dẫn hơn vợ mình. Trong những trường hợp đó, hạnh phúc có thể mất.
“Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên đi hạnh phúc rồi” (Ac 3,17).
Hạnh phúc hôn nhân mong manh cho đôi bạn ý thức tính tương đối của nó, nhưng điều đó không ngăn cản họ mưu cầu hạnh phúc. Tương đối, nhưng không có nghĩa là ảo tưởng, không biện chính cho giải pháp ly thân hay ly dị khi gặp khó khăn thử thách. Hạnh phúc không hoàn hảo nhắc nhở đôi bạn phải sẵn sàng đối diện với những biến chuyển của cuộc sống, như chuyển biến từ tình trạng hạnh phúc thành không hạnh phúc, và ngược lại. Họ phải làm hết sức để duy trì và khôi phục lại hạnh phúc hôn nhân – gia đình. Một khi đã chọn nhau và tuyên bố ưng thuận thành hôn trước mặt Chúa và cộng đoàn Hội thánh, họ không thể muốn rời khỏi hôn ước. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Họ không thể nói không còn hạnh phúc nữa thì chia tay thôi. Cả hai cùng có trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình của họ. Cả hai chịu trách nhiệm trước mặt Chúa việc họ mất hạnh phúc và hơn thế nữa, việc họ đánh mất tình yêu thương dành cho nhau và cho gia đình. “Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2, 4).
Hôn nhân hạnh phúc
Vợ chồng hạnh phúc khi có nhau lúc mới kết hôn, mà vẫn tiếp tục quý trọng, yêu thương nhau như kho báu tìm được bằng giá trả cả một đời sống, là điều đẹp lòng Chúa.
Có ba điều tôi hết lòng ao ước, cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta: anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (Hc 25,1).
Vợ chồng không chỉ coi nhau như kho báu phải giữ gìn, mà còn tìm sự bảo đảm cho hôn nhân hạnh phúc của họ; kẻo phải cứ lo sợ thường xuyên bị mất nhau trước khi ngày đời chấm dứt. Họ sẽ không bao giờ mất hạnh phúc chừng nào họ còn đáp ứng khát khao của nhau. Do đó, hạnh phúc hôn nhân dẫu có tương đối và bất toàn, nhưng có thể được nâng đỡ, duy trì, tiến triển chừng nào còn nhìn thấy nhau như là một phúc lành cho nhau. Hiện có và sẽ luôn có “phúc lành” ấy là người bạn đời. Hạnh phúc không chỉ vì họ có nhau nhưng còn bởi có một “phúc lành lớn hơn” là chính hôn ước của họ. Chúa Giêsu dạy rõ ràng chính Thiên Chúa thiết lập hôn phối giữa chồng và vợ, và bởi thế đó là một phúc lành tự bản chất. [Chúa Giêsu nói:] “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’ và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 4-6).
Không ai được phép hạ giá hôn nhân Thiên Chúa đã thiết lập từ thuở ban đầu. Vợ chồng nên “một xương một thịt” trọn đời. Các đôi vợ chồng Kitô hữu được kêu gọi giữ gìn và bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân của họ qua thực hiện lời hứa kết hôn. Cả khi họ phải đi qua gian nan, thử thách, những khó khăn đó trở thành cơ hội cho họ đạt được phúc lành lớn lao hơn, là hôn ước của hai vợ chồng. Hạnh phúc của vợ chồng là ở chỗ họ thực hiện được ước nguyện không có gì có thể chia cắt họ được ngoài sự chết.
“Lạy Chúa, xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chia lìa chúng con.”
Lời cầu nguyện này dự phóng trước trong cuộc sống hôn nhân có thể xảy ra những sự kiện tiêu cực hay tích cực, nhưng đôi bạn vẫn có thể hạnh phúc, không bởi hoàn cảnh khách quan trong đó họ đang trải qua, mà do tình trạng hiệp nhất một lòng một ý một linh hồn của họ. Hẳn nhiên, vợ chồng trông mong được hạnh phúc hơn những lúc vui sướng, thịnh vượng, khỏe mạnh, nhưng họ có lý do hạnh phúc hơn nữa nếu họ vẫn một ý một lòng, một linh hồn hiệp nhất yêu thương khi phải cùng nhau chịu đựng những hoạn nạn, khốn khó, và đi qua thành công. “Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì!” (Gc 5,11).
Cuối cùng, hạnh phúc trọn vẹn nhất chỉ khi hạnh phúc trong Thiên Chúa. Bởi thế, đôi bạn phải đưa nhau ra trước mặt Chúa, và khẩn cầu “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con” vì khát khao được dự phần vào hạnh phúc thật chỉ có trong Thiên Chúa. Quả thật, không có hạnh phúc hôn nhân nào lớn lao hơn thấy cả hai người hiện diện trước Chúa “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào” (x. Ep 5, 25-28).
Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:
  1. Bạn có thấy vui hơn khi ở cùng vợ/chồng bạn không? Tại sao hay tại sao không?
  2. Cả hai vợ chồng bạn có sẵn sàng hy sinh vì nhau không? Tại sao hoặc tại sao không?
  3. Hai vợ chồng bạn có cầu nguyện chung với nhau không? Cầu nguyện có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ phu thê và gia đình bạn?

Văn phòng HĐGMVN   

 
III. TÌNH GIA ĐÌNH CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
 
1. Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, trùm họ: Ông sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, An Giang. Vóc dáng trông có vẻ dữ dằn và hay lớn tiếng với xóm làng. Nhưng chính vì tính cương trực, ông được bầu làm “câu” trong họ. Nhờ tài đức của ông, họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất nhà cho các nữ tu, và trở thành nơi ẩn trốn an toàn cho các linh mục. Sáng ngày 07/01/1859, ông bị bắt vì đã cho cha Qúy ẩn trốn.
Sau sáu tháng bị giam cầm, ông bị chém đầu tại pháp trường Chà Và, Châu Đốc ngày 31/7/1859.
Tại pháp trường, ông trùm gặp các con mình. Ông đeo vào cổ con gái, cô Anna Nhiên, ảnh Thánh Giá và nói: “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này qúi hơn vàng bạc bội phần. Con hãy mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé !.” Ông còn căn dặn con trai: “Con ơi, hãy tha thứ. Đừng báo thù kẻ tố giác cha nhé!” 
(Trích trong Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, San Jose, Cal, 1990, trang 251 - 253).
2. Thánh Antôn Nguyễn Đích, trùm họ: sinh năm 1769 tại làng Kẻ Vĩnh, Nam Định. Ngài là mẫu gương sáng cho các gia trưởng, đặc biệt trong việc giáo dục, hướng dẫn đức tin cho con cái. Không kể thánh Lý Mỹ, người con rể chí hiếu đã cùng tử đạo một ngày, gia đình ông đã cống hiến hai vị tử đạo khác (chưa được phong chân phước) là ông Lý Thi (con thứ hai) bị xử giảo năm 1858 thời Tự Đức và ông Phó Nhâm (con thứ tư), vì không bước qua Thánh giá, đã bị lưu đày lên Cao Bằng và qua đời tại đó.
Cô Maria Mến (Miều), góa phụ của thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, cung khai trước tòa điều tra phong chân phước: “Bố tôi tên là Nguyễn Đích, quê ở Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định. Ông bà nội tôi, vốn có lòng đạo đức, thấy xa nhà thờ có linh mục thì lấy làm tiếc, nên dọn đến làng Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị), rồi bố tôi lập gia đình ở đó. Hồi đó bố tôi tên là Khiêm, khi sinh con đầu lòng đặt tên là Hiếu, người ta gọi bố tôi là Hiếu, đến khi sinh con thứ hai đặt tên là Đích, bố tôi lại mang tên là Đích và giữ tên đó mãi. Gia đình chúng tôi làm nghề nông rất cần cù, nhưng không vì thế mà sao lãng việc đạo đức, trái lại vẫn siêng năng xưng tội, rước lễ. Bố tôi luôn quan tâm đến đời sống đạo đức của 10 người con và của những gia nhân giúp việc. Mỗi ngày, ông chỉ định một hai người coi nhà, còn những người khác đi lễ. Tôi thấy bố tôi làm tròn các nghĩa vụ trong đạo. Ngài rất chăm sóc việc giáo dục con cái, mời thầy đồ đến nhà dạy chữ Nho cho con trai, từ chối gả con gái cho những thanh niên gia đình giàu có mà không giữ đạo sốt sắng.”
Đặc biệt quan tâm đến tương lai Giáo hội, ông trùm Đích rất yêu qúi các giáo sĩ và chủng sinh. Thời gian chủng viện Kẻ Vĩnh bị nạn dịch tả, nhiều chủng sinh bị chết, các Bề trên quyết định phân tán các chú. Ông trùm tình nguyện nhận một số, vừa nuôi dưỡng vừa săn sóc chữa bệnh. Gặp thời cấm đạo ngặt nghèo, ông cho trú ẩn tại nhà và nuôi dưỡng trong hai năm một lớp của chủng viện. Đức cha Havard Du cũng đã trú ẩn ở nhà ông.
Đức bác ái của ông còn tỏ ra qua lòng thương người nghèo, và thường xuyên thăm viếng an ủi những người mắc bệnh phong cùi. Chính thế giá và nhân đức của ông, mà người ta gọi ông là ông trùm, thực tế ông không giữ trách vụ đó.
Ông bị chém đầu ở pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định ngày 12/8/1838.
(Trích trong Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, San Jose, Cal, 1990, trang 265 - 267).
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Vào lúc 19g30, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28.3.2024, tại giáo xứ Cát Ngòi, cha xứ Đaminh Hoàng Thế Bằng đã chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly khai mạc Tam Nhật Thánh, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự với tâm tình sốt mến thờ phượng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log